Tô Hoài là một trong những cây bút xuất sắc và tiêu biểu của nền văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại. Bên cạnh nhiều áng văn in đậm bản sắc dân tộc, ông để lại dấu ấn khó phai bởi các sáng tác dành cho lứa tuổi thiếu nhi.
Văn bản Bài học đường đời đầu tiên được trích từ chương Một truyện Dế Mèn phiêu lưu ký, ra mắt công chúng lần đầu vào năm 1941. Tác phẩm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mọi thế hệ, mang đến cho độc giả bài học về hành trình trưởng thành thông qua nhân vật Dế Mèn.
Phong cách sáng tác của tác giả Tô Hoài và Bài học đường đời đầu tiên
Tên khai sinh của Tô Hoài là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 trong một gia đình lao động nghèo kiếm sống bằng nghề dệt, tại làng Nghĩa Đô thuộc tỉnh Hà Nội. Ngay từ nhỏ, ông đã có niềm đam mê đặc biệt với văn chương, sở hữu sự quan sát nhạy bén và tinh tế.
Quãng thời gian niên thiếu của Tô Hoài vô cùng khó khăn, thiếu thốn, ông phải làm nhiều việc từ dạy học, bán hàng thợ thủ công cho đến kế toán để mưu sinh. Tuy vậy, nhà văn không hề nản lòng mà ngược lại luôn nỗ lực và kiên trì, vượt qua nghịch cảnh.
Khi bén duyên với văn chương, tài năng của tác giả sớm bộc lộ và nhận được sự chú ý từ phía độc giả. Ngoài bút danh Tô Hoài, ông còn sử dụng nhiều tên khác như Vũ Đột Kích, Mai Trang hay Mắt Biển, Thái Yên, Hồng Hoa.
Cả trước và sau Cách mạng tháng Tám, trong chiến tranh cũng như hòa bình hay thời kỳ đổi mới, văn sĩ sở hữu khả năng sáng tác vô cùng dồi dào đáng kinh ngạc. Ông chính thức bước vào lĩnh vực văn học với truyện ngắn Nước lên, ra đời năm 1940.
Là một nghệ sĩ có trách nhiệm đối với nghề viết, Tô Hoài luôn nhìn đời một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Ông hướng ngòi bút cùng tầm mắt ra xa, phát hiện ở những sự vật tưởng như bình thường vẻ đẹp lấp lánh, giàu ý nghĩa nhân văn.
“Nhà văn có một khiếu quan sát hết sức phong phú và sắc sảo tài hoa.” – Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét về tài năng đặc biệt này của Tô Hoài
Không chỉ vậy, tác giả còn có ý thức sâu sắc về vai trò quan trọng của ngôn từ đối với sự thành hay bại ở một tác phẩm. Chính vì thế, mỗi câu chữ ông viết ra đều trải qua quá trình dài chọn lựa và chắt lọc kỹ lưỡng.
“Mỗi chữ phải là hạt ngọc buông xuống những trang bản thảo, phải là hạt ngọc mới nhất của mình tìm được, do phong cách văn chương của mình mà có. Trang sách mà không có ngọc, trang bản thảo mà không có chữ thần, không có tinh hoa, thì cái hồn tác phẩm, từ tư tưởng đến nhân vật, tất cả bao nhiêu ước vọng và khát khao mà ta gửi gắm vào sáng tác biết lấy gì cho sống được.” – Tô Hoài tâm sự về quan điểm đối với ngôn ngữ nghệ thuật
Ngay sau khi đạt được thành công từ tác phẩm đầu tiên, nhà văn liên tục thai nghén nhiều đứa con tinh thần khác, tiêu biểu là Dế Mèn phiêu lưu ký (1941), O chuột (1942), Quê người (1942) hay Nhà nghèo (1944), Cỏ dại (1944). Các sáng tác của ông đều thể hiện tài quan sát sâu sắc, lối hành văn mới lạ và dí dỏm.
Trong số đó, truyện ngắn Dế Mèn phiêu lưu ký là tác phẩm bộc lộ một cách chân thực và rõ ràng sở trường viết về loài vật của nghệ sĩ suốt đời cống hiến cho văn học. Ông cũng thuộc số ít cây bút đạt được các thành tựu nổi bật ở đề tài có phần khó nhằn này.
“Hơn cả một nhà văn, Tô Hoài đã, đang và sẽ luôn là người bạn đường thân thiết của độc giả thuộc mọi lứa tuổi, trên con đường đưa họ đến với thế giới động tưởng tượng thuở nhỏ, hay đến với những miền đất mới, đến với con người đời dài rộng khi đã trưởng thành.” – Nghệ sĩ Phan Anh Dũng nói về sở trường miêu tả thế giới loài vật của tác giả Tô Hoài”
Văn bản Đường đời đầu tiên nằm ở chương đầu bộ truyện ngắn nổi tiếng ấy, được đưa vào chương trình giảng dạy bộ môn Ngữ Văn tại Việt Nam. Nhà văn đã gửi gắm nơi tác phẩm những thông điệp giàu ý nghĩa nhân sinh về hành trình trưởng thành của mỗi con người.
Bức chân dung về nhân vật Dế Mèn trong Bài học đường đời đầu tiên
Khi thai nghén nên truyện ngắn Dế Mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài không kiếm tìm chất liệu ở đâu xa vời mà dựa vào chính kỷ niệm tuổi thơ. Vì vậy mà thế giới nhân vật của ông là loài vật mang những đặc trưng xã hội tiêu biểu, thuộc thời kỳ nhà văn sinh sống.
“Viết đồng thoại Dế Mèn phiêu lưu ký, tôi không biết phân tích nội dung cũng như cách viết thể loại như bây giờ. Tôi chỉ viết thực tế quanh tôi và tư tưởng lớp thanh niên như tôi. Mọi nhận xét và thói quen cũng như phong tục của con người, tôi đều đem dùng cho việc xây dựng nhân vật.” – Tô Hoài nói về quá trình sáng tạo tác phẩm
Nhân vật trung tâm “tôi” của Bài học đường đời đầu tiên chính là Dế Mèn, được văn sĩ khắc họa một cách tỉ mỉ và chỉn chu. Tác giả đã dày công quan sát cũng như chọn lựa các chi tiết tiêu biểu để phơi trải trên từng trang viết.
“Muốn viết văn, điều quan trọng nhất là chi tiết. Mà chi tiết thì không thể phịa ra được. Phải chịu khó quan sát, ghi chép, đọc và tiếp xúc càng nhiều càng tốt.” – Nhà văn Tô Hoài nói về tầm quan trọng của chi tiết nghệ thuật
Dế Mèn xuất hiện với vẻ ngoài mạnh mẽ và khỏe khoắn, được thể hiện bởi đôi càng mẫm bóng cùng những cái vuốt nhọn hoắt ở chân. Không chỉ vậy, bộ cánh cậu còn phủ kín cả đuôi, sợi râu dài cong vút toát lên dáng điệu hùng dũng.
Chỉ bằng vài chi tiết, “nhà văn của mọi lứa tuổi” đã phác thảo nên một bức chân dung chân thật về nhân vật Dế Mèn trước mắt người đọc. Trong trang viết của ông, “chàng dế thanh niên cường tráng” còn ý thức và vô cùng tự hào trước bộ râu quý.
“Tôi lấy làm hãnh diện với bà con về cặp râu ấy lắm. Cứ chốc chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu.” – Bài học đường đời đầu tiên
Dế Mèn được miêu tả với đúng đặc điểm giống loài nhưng không hề khô khan mà ngược lại, trở nên vô cùng gần gũi và thân thuộc. Ấy là bởi vì tác giả còn gửi gắm vào đó cả tính cách của con người, dựng nên bức chân dung toàn diện.
Lấy làm hãnh diện với vẻ ngoài cường tráng, Dế Mèn luôn tỏ ra kiêu căng, tự phụ và xem thường mọi người xung quanh. Không chỉ quát các chị Cào Cào mà cậu ta còn ghẹo cả anh Gọng Vó lúc nào cũng ngơ ngác.
Dế Mèn còn chê bai hàng xóm Dế Choắt gần nhà bởi vẻ ngoài gầy gò ốm yếu, sợ hãi và khúm núm trước mọi vật. Tuy cả hai bằng tuổi nhau nhưng cậu luôn tỏ ra mình là đàn anh, không chút tôn trọng người bạn này.
“Dế Choắt là tên tôi đã đặt cho nó một cách chế giễu và trịch thượng thế. Choắt nọ có lẽ cũng trạc tuổi tôi. Nhưng vì Choắt bẩm sinh yếu đuối nên tôi coi thường và gã cũng sợ tôi lắm.” – Bài học đường đời đầu tiên
Chứng kiến thân hình ốm yếu cùng hoàn cảnh sống đáng thương của Dế Choắt, Dế Mèn không hề đồng cảm mà còn chê bai, miệt thị. Thậm chí khi chàng dế tội nghiệp tỏ ý muốn “đàn anh” này giúp mình đào ngách thông nhà hai bên lại với nhau, nhân vật này còn cười cợt, trêu đùa.
“Hức! Thông ngách sang nhà ta? Dễ nghe nhỉ! Chú mày hôi như cú mèo thế này, ta nào chịu được. Thôi, im cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi! Đào tổ nông thì cho chết!” – Bài học đường đời đầu tiên
Tác giả không dùng nhiều từ ngữ miêu tả trực tiếp tính cách nhân vật, ông để Dế Mèn tự bộc lộ sự hống hách, kiêu căng của tuổi trẻ thông qua cách đánh giá và đối xử với các loài vật khác. Đây cũng chính là sức hút phong cách nghệ thuật Tô Hoài, khiến độc giả đắm mình trong từng trang sách.
Bài học đầu tiên trong hành trình trưởng thành của Dế Mèn
Điều làm nên sức sống mạnh mẽ của Dế Mèn phiêu lưu ký nói chung và cả Bài học đường đời đầu tiên nói riêng không chỉ là những trang văn miêu tả sống động mà nằm ở bức thông điệp ý nghĩa tác giả gửi gắm. Tô Hoài đã gói ghém sự chiêm nghiệm cuộc đời vào tác phẩm, mang nó đến cho người đọc mọi thế hệ.
Bài học ấy được văn sĩ khéo léo lồng ghép vào trải nghiệm đau đớn đầu tiên của nhân vật Dế Mèn. Ông cũng không trực tiếp bày tỏ thái độ hay dùng lời lẽ diễn giải mà để cậu dế trẻ tuổi, xốc nổi tự mình nhận ra.
Chính sự kiêu căng, ngạo mạn khi luôn tự cho bản thân giỏi nhất khiến Dế Mèn nhìn mọi người xung quanh với vẻ mặt coi thường. Thậm chí, cậu ta còn ảo tưởng sức mạnh, trêu chọc loài vật mạnh hơn mình là chị Cốc.
Dế Mèn không thực hiện trò đùa nghịch ngợm này một mình mà còn rủ thêm người bạn Dế Choắt yếu đuối. Bất chấp lời cảnh báo cùng lời khuyên từ đối phương, nhân vật “tôi” vẫn cố chấp véo von ca hát để trêu chọc.
“Cái Cò, cái Vạc, cái Nông
Ba cái cùng béo, vặt lông cái nào?
Vặt lông cái Cốc cho tao
Tao nấu, tao nướng, tao xào, tao ăn.” – Bài học đường đời đầu tiên
Sau khi thành công làm chị Cốc nổi giận, Dế Mèn vô cùng khoái chí nhanh chóng trốn vào hang. Chàng dế trẻ này chẳng cảm thấy sợ hãi hay mảy may nghĩ đến mức độ nghiêm trọng của trò đùa do mình gây ra.
Dế Mèn không ngờ rằng tai họa đã ngay lập tức ập xuống người hàng xóm đang loay hoay ngoài cửa hang. Chị Cốc không nghe lời giải thích mà mặc định chính Dế Choắt trêu chọc mình và giáng từng đón vào thân thể vốn yếu ớt kia.
Chứng kiến toàn bộ cảnh tượng hãi hùng ấy, Dế Mèn hống hách chỉ biết lặng im nhìn bạn mình chịu trận mà không dám nhận lỗi. Sự tự tin ban đầu nơi cậu ta đã dần biến mất, thay vào đó là cảm giác sợ hãi đến cực điểm.
Đến khi Dế Choắt thoi thóp rồi trút hơi thở cuối cùng, nhân vật “tôi” mới ân hận và liên tục tự trách mình. Tô Hoài đã sử dụng nhiều từ ngữ cùng dấu câu thể hiện sự ăn năn, hối lỗi muộn màng nơi nội tâm Dế Mèn.
“Nào tôi đâu biết cơ sự lại ra nông nỗi này! Tôi hối lắm! Tôi hối hận lắm! Anh mà chết là chỉ tại cái tội ngông cuồng dại dột của tôi. Tôi biết làm thế nào bây giờ?” – Bài học đường đời đầu tiên
Chính sự việc đau lòng này khiến Dế Mèn nhận ra sai lầm và nghĩ đến chuyện thay đổi lối sống. Đây không chỉ là bài học đầu tiên trong hành trình trưởng thành của chú dế trẻ mà còn cả độc giả ở nhiều thế hệ.
“Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy.” – Bài học đường đời đầu tiên
Tuổi trẻ không kiêu căng tự phụ mà phải luôn rèn luyện tính cách, trau dồi đạo đức cũng như sống chan hòa, tôn trọng người khác. Bài học cuộc sống này chính là lời nhắn nhủ tâm tình của nhà văn, được bộc lộ thông qua nhân vật Dế Mèn.
Tuyến nhân vật phụ trong Bài học đường đời đầu tiên
Bên cạnh Dế Mèn, văn bản Bài học đường đời đầu tiên còn có sự xuất hiện của nhiều nhân vật phụ. Đó chính là các chị Cào Cào với khuôn mặt hình trái xoan, anh Gọng Vó hay mụ Cốc đanh đá.
Trong số đó, nhân vật Dế Choắt đặc biệt hơn cả và được tác giả ưu ái dành phần lớn dung lượng của tác phẩm để khắc họa nên bức chân dung cả ngoại hình lẫn tính cách. Ấn tượng đầu tiên về chàng dế này là một thân hình vừa gầy lại ốm yếu, dài lêu nghêu “như một gã thuốc phiện”.
“Đã thanh niên rồi mà cánh chỉ ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn như người cởi trần mặc áo gi-lê. Đôi càng bè bè, nặng nề, trông đến xấu. Râu ria gì mà cụt có một mẩu và mặt mũi thì lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ.” – Bài học đường đời đầu tiên
Tuy sở hữu vẻ bề ngoài không mấy mạnh khỏe như Dế Mèn nhưng tâm hồn Dế Choắt lại vô cùng nhân hậu, vị tha. Anh chàng luôn lắng nghe và tôn trọng, gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp với hàng xóm láng giềng.
Dù phải nghe những sự miệt thị và chê bai từ anh bạn ở hang kế bên, Dế Choắt vẫn âm thầm chịu đựng, chỉ biết tự trách bản thân mình hèn kém. Thậm chí, trong lúc thoi thóp hơi thở cuối cùng, chàng dế tốt bụng này cũng chẳng hề trách móc mà ngược lại, đưa ra lời khuyên để Dế Mèn sống tốt hơn.
Tô Hoài đã dựng nên một thế giới động vật vô cùng đa dạng và sinh động. Chúng được miêu tả với các đặc điểm giống loài nổi bật, đồng thời có cả suy nghĩ cùng tính cách hệt như con người thực thụ.
Thế giới nhân vật trong Bài học đường đời đầu tiên đều có đời sống nội tâm phong phú với những suy nghĩ, mong ước hay các toan tính đậm chất đời thường. Điều này khiến chúng trở nên quen thuộc và gần gũi, tạo nên sức hút cho tác phẩm.
Tâm hồn đẹp đẽ của tác giả Tô Hoài ẩn hiện trong từng câu chữ
Hằn sâu trong trang viết miêu tả đời sống và mối quan hệ giữa các loài vật chính là tâm hồn cao cả cùng quan điểm của Tô Hoài về cuộc đời. Ở bất kỳ tác phẩm nào, nhà văn cũng đều gói ghém vào từng câu chữ suy tư, thái độ đối với nhân vật hay sự việc.
Tô Hoài không trực tiếp bày tỏ thái độ bất bình và lên án, phê phán trước trò nghịch dại của Dế Mèn. Thay vào đó, ông chọn cách lồng ghép nó vào hành động cùng lời thoại nhân vật.
“Thế rồi Dế Choắt tắt thở. Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn tội mình. Giá tôi không trêu chị Cốc thì đâu đến nỗi Choắt việc gì.” – Bài học đường đời đầu tiên
Thế nhưng khi tái hiện câu chuyện trên, tác giả vẫn bộc lộ cái nhìn nhân hậu cùng niềm tin vào bản chất lương thiện của nhân vật chính. Ông cho đó là sự bốc đồng ở tuổi mới lớn và khi đối diện với hậu quả, Dế Mèn cũng sớm tỉnh ngộ, hối hận rồi tìm cách thay đổi tâm tính.
Những đặc sắc nghệ thuật của Bài học đường đời đầu tiên
Bài học đường đời đầu tiên để lại ấn tượng khó phai trong lòng độc giả không chỉ bởi thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn mà còn là những nét nghệ thuật đặc sắc từ đôi bàn tay nhà văn Tô Hoài. Ông đã sống hết mình với câu chữ rồi thêu dệt nên bức tranh thế giới loài vật chân thực, sống động.
Câu chuyện sử dụng ngôi thứ nhất, từ đó giúp Dế Mèn bộc lộ một cách tự nhiên lối suy nghĩ và tâm trạng. Cậu dế trẻ tuổi hồn nhiên kể về những chuyện từng chứng kiến hay trải qua, đặc biệt là bài học đường đời đầu tiên mà mình nhận được.
Giọng điệu trong tác phẩm cũng thay đổi và biến tấu một cách linh hoạt, lúc duyên dáng hóm hỉnh, khi lại nhạo báng, châm biếm sâu cay. Nhà văn cũng rất tinh tế với cách vận dụng nhiều từ giàu chất gợi để khắc họa bức chân dung nhân vật độc đáo, sống động.
Không chỉ vậy, Tô Hoài còn khẳng định sở trường ở thể loại truyện đồng thoại qua văn bản Bài học đường đời đầu tiên. Ông kết hợp vô cùng hài hòa, khéo léo mặt tự nhiên và xã hội, miêu tả cùng trần thuật hay tính giải trí cũng như giáo dục.
Thời gian có thể làm xóa nhòa tất cả nhưng ý nghĩa sâu xa trong Dế Mèn phiêu lưu ký nói chung, Bài học đường đời đầu tiên nói riêng vẫn sẽ mãi vẹn nguyên nơi tâm hồn độc giả. Nó chính là sự kết tinh giữa tài năng cùng trái tim nhiệt huyết và cần mẫn, mang đến cho đời nhiều tác phẩm có giá trị.
Hạ Miên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất