Bàn về tầm ảnh hưởng của văn chương, cố nhà văn Thạch Lam từng cho rằng: “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, văn chương là một thứ khí giới thanh cao, đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.
Trên quan điểm của thứ văn chương gắn bó mật thiết với đời sống, nhiều cây bút của nền văn học Việt Nam hiện đại lần lượt ra đời, tiêu biểu trong số đó phải kể đến những đóng góp của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – một cái tên không còn xa lạ đối với giới văn chương nói riêng và với bạn đọc nói chung.
Dịu dàng, ấm áp và nhẹ nhàng, là những cảm nhận chung thuộc về các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Không quá ồn ào, vội vã, những tình tiết bất ngờ vẫn làm người đọc phải bồi hồi, đan xen vào trong những câu chuyện buồn, vui, của tuổi mới lớn, trong sáng và mong manh như những hạt sương sa, những ký ức tuổi thơ, thời cắp sách tới trường, cùng tình cảm gia đình, bạn bè, và cả những rung động đầu đời ngây ngô.
Tôi nghe có người từng nhận xét, nếu như muốn tìm một chiếc vé để trở lại thời tuổi trẻ hồn nhiên, đầy xao xuyến, thì hãy đọc văn của Nguyễn Nhật Ánh, dù bạn đã ở độ tuổi trung niên, hay đã quá lục tuần, hay vẫn chỉ là một đứa bé con, tất cả chúng ta đều cần những câu chuyện đó ở bất kì thời điểm nào trong cuộc sống.
Trở về thời đi học bên những người bạn cùng bàn từng giúp đỡ nhau trưởng thành như Huy (Bàn có năm chỗ ngồi), cảm nhận lại một lần nữa những cảm xúc khó tả, bối rối và có cả bi thương của mối tình đơn phương đầu tiên của Trường (Đi qua hoa cúc), đó là Chương với những nỗi nhớ day dứt về tình cảm không thành (Còn chút gì để nhớ), đó là tấm lòng chân thành, cao thượng và hy sinh thầm lặng của Ngạn (Mắt biếc), là Thư khi ngạc nhiên nhận ra mình thích Việt An (Cô gái đến từ hôm qua).
Mỗi câu chuyện, dù được đặt trong bối cảnh nào, dù là một sớm mùa hè bất chợt, dù là những ngày đầu tựu trường, dù là khoảng sân,mảnh vườn, sân trường, lớp học, thì những khung cảnh đó cũng chưa bao giờ ngừng làm nao lòng người đọc bởi những nét man mác buồn, nét gợi nhớ mà chúng đã ghi tạc lại.
Trước khi trở thành một nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Nhật Ánh từng có thời gian đi dạy học, viết báo, có lẽ vì thế mà tình cảm của ông ngày một trở nên sâu sắc hơn với lứa tuổi học trò ngây thơ và hồn nhiên này. Từ năm 1984, tác phẩm truyện dài đầu tiên Trước vòng chung kết đã ghi dấu tên tuổi của ông trong lòng độc giả và ông quyết định tập trung viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên.
Ông cũng đã đoạt nhiều giải thưởng như: truyện dài Chú bé rắc rối được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng văn học trẻ hạng A năm 1990, nhà văn yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc của Thành đoàn TP HCM và BáoTuổi trẻ.
Năm 2010, tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của ông được trao tặng Giải thưởng văn học ASEAN.
Có thể nói, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từ đó luôn được coi là một hiện tượng văn học độc đáo và đặc biệt chưa từng có trước đây trong nền văn chương Việt Nam với số lượng sách in lần đầu tiên đến cả trăm ngàn cuốn.
Trong một bài viết của báo Lao Động, tác giả bài báo tiết lộ rằng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn mang trong mình nỗi ám ảnh về tuổi thơ trong cả sự nghiệp sáng tác mặc dù trước đó ông đã thử sức với nhiều đề tài khác nhau nhưng đề tài về tuổi thơ vẫn là phù hợp nhất với bản thân.
Tuổi thơ với ông đa số là mang cảm giác tươi tắn, trong trẻo, nhẹ nhàng, là quãng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người.
Giải thích về điều này, ông cho biết, từ bé vì đã luôn phải sống xa quê và những nỗi nhớ không nguôi về tuổi thơ, quê nhà cứ dai dẳng trong trái tim ông nên tình cảm ông dành cho thuở thiếu nhi, trẻ thơ lại luôn là những cảm xúc mãnh liệt.
Kể cả những năm tháng sau này, ông vẫn luôn sống với những kí ức tuổi thơ đẹp đẽ và có lẽ chính bản thân ông cũng mong muốn, những tâm hồn trưởng thành cô đơn, lạc lõng có cách để tìm về một bầu trời thân thương đã qua trong những tác phẩm của mình.
Nguyễn Nhật Ánh từng tâm sự: “Khi viết, tôi có cảm giác tự nhiên như cậu học trò ngồi viết chuyện đời mình nên các em thấy tác phẩm của tôi gần gũi, yếu tố vui nhộn cũng là điều phù hợp với tâm hồn các em”.
Ông luôn duy trì phong độ bằng cách làm việc mỗi ngày, cho rằng đã làm nghề viết thì phải thường xuyên cọ xát với chữ nghĩa, bằng cách lúc nào cũng viết và đọc, tức là phải tắm mình trong môi trường chữ nghĩa, bằng cách này hay cách khác.
Đối với nghề văn, “thói quen lao động” sẽ đưa đến một thói quen tuyệt vời khác là thói quen “làm chủ cảm hứng”, là khi chiếc đồng hồ sinh học của bạn đã được điều chỉnh và vận hành đều đặn mỗi ngày, khi bạn ngồi vào bàn viết, cảm hứng sáng tạo sẽ tự động được kích hoạt chứ không cần phải đợi nó đến.
Quan niệm chặt chẽ và nghiêm túc về sự nghiệp cầm bút như vậy cho nên những tinh thần và thông điệp trong các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh chưa bao giờ là một sự nửa vời, hời hợt và chỉ đơn thuần mang tính chất hô hào.
Qúa trình thay đổi, từng biến cố, bất ngờ diễn ra trong cuộc đời các nhân vật của ông đều có yếu tố quan trọng và ảnh hưởng đến cách nhân vật trưởng thành, phát triển về cả mặt tâm lý lẫn thể chất.
Họ không chỉ nhận ra những khác biệt của bản thân từ sâu thẳm bên trong mình mà còn với toàn bộ những mối quan hệ xung quanh, những cảnh vật, những tình huống mà họ phải trải qua để thúc đẩy mức độ thay đổi suy nghĩ, tư duy.
Sống bằng tâm hồn nghệ thuật, văn học trong những tác phẩm văn chương đều đem đến những phép màu kì diệu, về vẻ đẹp tâm hồn, bản chất, gạt đi những tính toán, so đo, ngược lại, sống trong đời thực để cho ta nhìn thấy rõ tinh thần của văn chương muốn sống đúng thì khó như thế nào, phải trải qua những thách thức, những lối mòn suy nghĩ ra sao.
Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh mang đầy tính nhân văn như vậy, những câu chuyện tưởng chừng như là dành cho trẻ con nhưng những bài học lại vô cùng thực tế và sâu sắc.
Tình cảm đôi lứa trong câu chuyện của ông cũng chứa đựng những sắc màu diệu kỳ, không theo kiểu ngọt ngào, cuồng nhiệt, mặn nồng mà nhẹ nhàng, đằm thắm, êm dịu, những tia nắng tinh tế chỉ lướt qua trong trái tim người đọc mà vẫn làm cảm xúc dập dờn như những đợt sóng mơn man bờ cát.
Để rồi cũng có những dang dở, tuyệt vọng, bi thương nhưng không quỵ lụy, yếu đuối mà giúp nhân vật vượt qua chính mình, đau đớn nhưng mạnh mẽ.
Mặc dù tình yêu trong trang viết của ông không được đặt trong bối cảnh kì ảo, viễn tưởng, lãng mạn như trong tiểu thuyết của Marc Levy, hay là tình yêu và cái chết như văn phong của Ichikawa Takuji, hay tình yêu trong những bí ẩn, trinh thám, kì bí của Guillaume Musso, thế nhưng từ những màu sắc đặc trưng bằng gam ấm nóng, tình cảm thời tuổi trẻ ấy vẫn ghi dấu mãnh liệt mỗi khi người đọc bối rối nhớ lại.
Trong ba mươi hai năm sáng tác, văn chương Nguyễn Nhật Ánh đã khắc sâu trong lòng độc giả, trở thành một cái tên “thương hiệu” mà khi nhớ đến người đọc hoàn toàn mường tượng được ra phong cách đặc trưng của ông mặc dù chưa cần nhắc đến tên đầu sách.
Ngày hôm qua, kí ức tuổi thơ và kỉ niệm trong văn ông dường như mang tính biểu tượng, đẹp đẽ và đầy tiếc nuối. Chỉ theo đuổi một thiên hướng văn chương duy nhất, dù bị một số nhà văn, nhà phê bình chỉ trích là nhà văn không bao giờ lớn, nhưng có lẽ người đọc chưa bao giờ dù chỉ một lần, cảm thấy nhàm chán hay cho rằng văn chương của ông một màu.
Có lẽ vì chúng ta vẫn liên tiếp tìm thấy những thứ mới lạ đằng sau câu chuyện về tuổi thơ, về góc sân và khoảng trời quá khứ, đẹp, mơ màng nhưng đã không còn thuộc về chúng ta nữa.
Bởi, xét đến cùng, một tác phẩm văn học chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc. Dù sao thì, là người dẫn lối tuổi thơ, Nguyễn Nhật Ánh có lẽ đã dẫn lối cho chúng ta đến nhiều chân trời khác nữa.
Linh Đồng
Linh Đồng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất