Khói trời lộng lẫy là một tác phẩm xuất sắc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2010, đây là cuốn sách mang đậm chất miền Tây gợi lên trong lòng người đọc nỗi buồn mênh mang về những kiếp người lênh đênh, vô định ở miền sông nước.
Đôi nét về Nguyễn Ngọc Tư và tác phẩm Khói trời lộng lẫy
Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại mảnh đất Cà Mau, cô lớn lên trong một gia đình làm nông lam lũ, vất vả, vì thế sau khi học hết cấp phổ thông cơ sở thì tác giả đã nghỉ học và xin làm việc tại cơ quan văn nghệ báo chí tỉnh Cà Mau.
Điều này không chỉ để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình mà còn tạo môi trường giúp cô thỏa mãn niềm đam mê với viết lách.
Cha của Nguyễn Ngọc Tư vừa là người thầy vừa là người bạn, dìu dắt cô những bước chân chập chững đầu tiên trên con đường văn chương dài rộng và vô cùng gian khó.
“Nghĩ gì, viết nấy. Viết điều gì con đã trải qua”
– Cha của Nguyễn Ngọc Tư
Nhờ có cha tiếp thêm động lực, Nguyễn Ngọc Tư bắt tay vào viết những mẩu truyện ngắn đầu tiên về đề tài tình bạn cũng như đồng quê và các tác phẩm đều được đăng lên tạp chí Văn nghệ Bán đảo Cà, đây được xem là bước đệm vững chắc để tài năng của tác giả ngày càng thăng hoa hơn.
Cánh đồng bất tận là cú bật ngoạn mục trong sự nghiệp của Nguyễn Ngọc Tư, cuốn sách đã đưa tên tuổi nhà văn đến gần hơn với bạn đọc đồng thời giúp cô để lại dấu ấn cá nhân mạnh mẽ trên thi đàn văn học hiện đại Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên tại miền đất U Minh bốn bề sông nước nên chất phương Nam thấm đẫm trong từng câu văn của tác giả, đọc các tác phẩm mang tên cô, độc giả không chỉ cảm nhận được con người miền đất Mũi với vẻ đẹp chân chất, dung dị mà còn xót thương cho những kiếp người bất hạnh nơi đây.
Khói trời lộng lẫy là truyện dài thứ ba của nhà văn sau Cánh đồng bất tận và Gió lẻ, đây vẫn là cuốn sách mang đậm phong cách văn chương cũng như thể hiện được quan điểm nghệ thuật mà Nguyễn Ngọc Tư hướng đến.
Tác phẩm là sự kết hợp những mảng đan xen giữa quá khứ và thực tại về một cô gái tên Di, người đã mang đứa em trai cùng cha khác mẹ của mình đến một xóm nghèo ở cồn Bần, tại đây Di gặp được nhiều cảnh đời mà mỗi người đều mang trong mình một tâm tư u uẩn riêng.
Trên xóm Bần hoang sơ heo hút ấy Di cố gắng giữ gìn những khoảnh khắc và kỷ niệm đẹp đẽ trong cuộc sống của mình nhưng càng cố níu kéo thì lại càng cảm thấy mất mát.
Xuyên suốt 16.000 con chữ, nỗi buồn cứ miên man dội vào lòng người đọc như sóng nước miền Tây để rồi đọng lại trong trái tim họ là sự lênh đênh của những số phận nơi vùng đất Mũi.
Hành trình níu giữ cái đẹp
Khói trời lộng lẫy là câu chuyện xoay quanh cuộc đời cô gái tên Di, cô luôn bị ám ảnh bởi những vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, của quá khứ và hiện tại, cũng chính vì thế mà Di luôn hối hả để tìm cách giữ lại những nét đẹp ấy.
Công việc của Di gắn liền với thiên nhiên và cây cỏ, cô yêu cánh rừng đại ngàn cùng những thảo nguyên bát ngát mang vẻ đẹp tươi mát nguyên sinh, đối với Di thì thiên nhiên luôn là một kiệt tác dù đó chỉ là dấu mưa hay bông hoa bìm bịp ven đường.
“Giờ tôi đang thắc mắc cái đẹp nào đang và sắp mất. Để tìm câu trả lời, tôi bắt đầu rời khỏi thành phố, bắt đầu những chuyến đi xa. Vì thành phố đã xua đuổi thiên nhiên đi xa.”
– Khói trời lộng lẫy
Thế rồi, Di đã xách balo lên và rời khỏi thành phố để đi tìm câu trả lời đích thực cho trăn trở của chính mình rằng, vẻ đẹp nào đã mất hoặc sẽ mất đi trong suốt những năm tháng mà bản thân đã tồn tại.
Cô ngẩn ngơ trước câu hỏi, liệu dòng nước sẽ mang bụi đường đi về đâu, Di yên lặng để lắng nghe âm thanh của tiếng bìm bịp kêu và rồi cô đã có những lần vội vàng hay những giấc ngủ chóng vánh trước đến khi được đặt chân đến mỗi con sông, cánh đồng mới.
Di còn ra sức bảo vệ sự ngây thơ của thằng Phiên nhưng điều đó lại trở thành con dao hai lưỡi bóp nghẹt lấy tuổi thơ và kìm hãm nó ở xóm Bần nghèo đói, bên kia sông là một thế giới rộng lớn hơn, cô đã tước đoạt nơi mà Phiên vốn dĩ thuộc về bằng cách giữ thằng bé lại nơi bãi bờ hoang vắng này.
“Tuổi lên sáu Phiên nhận được từ tôi một món quà hơi đặc biệt, những chữ cái đầu tiên. Cái ca. Trái cà. Con gà. Nó không đến trường, một phần vì cồn không có trường. Nhưng bên kia sông có. Tôi không đưa Phiên qua vì nghi ngờ trường học làm những đứa trẻ biến mất. Tôi đã thấy trẻ con đi vào đó, và trở ra như những người lớn mệt mỏi, muộn phiền. Tôi giữ cho tuổi thơ Phiên đẹp như Phiên có. Hoang dã. Trong veo.”
– Khói trời lộng lẫy
Ở đoạn cuối của tác phẩm, sau chi tiết Di kể cho Phiên nghe về thân phận thật của nó, về lý do tại sao hai chị em lại đến nơi này thì thằng bé đã biến mất trong sự mơ hồ, không được miêu tả tâm trạng buồn vui hay ngỡ ngàng, chỉ còn Di đứng trong màu khói bếp lam chiều, ngẩn ngơ hỏi làm sao níu giữ được vẻ đẹp lộng lẫy của khói.
Khi hai bàn tay Di đan vào nhau, chỉ thấy khói luồn qua những kẽ tay và tan biến vào hư vô, tác phẩm khép lại để độc giả cảm nhận được rằng, Di đã thất bại trong hành trình bảo tồn cái đẹp, cuối cùng chỉ còn lại bản thân cô độc giữa xóm Bần bốn bề lạnh lẽo.
“Tôi đứng trong khói và tự hỏi, làm sao giữ được vẻ đẹp lộng lẫy này của khói, …Khói này, là món quà cuối cùng tôi tặng em tôi. Nhưng khi nắm chúng lại, tôi chỉ nghe những ngón tay mình xỏ vào lòng tay của chính mình.”– Khói trời lộng lẫy
Được xem như một chi tiết rất đắt giá trong tác phẩm, đó không chỉ lời giải đáp cho cuộc hành trình gìn giữ những vẻ đẹp mà còn khiến cho độc giả tự đặt ra câu hỏi về tương lai, số phận của Di.
Khói trời lộng lẫy ẩn chứa một tình yêu đầy trắc trở
Tình yêu không phải là khía cạnh chủ yếu mà Nguyễn Ngọc Tư muốn khai thác trong Khói trời lộng lẫy nhưng nó đã góp phần không nhỏ trong việc lột tả tâm tư của nhân vật Di.
Tình yêu của Di bắt đầu một cách kì lạ khi cô làm người yêu thuê cho Anh, công việc của cô là lắng nghe những lời anh nói thế nhưng sau một buổi tối tâm sự, Di đã cho người đàn ông ấy mượn bờ vai để khóc và rồi Anh biến mất như cách anh chưa từng xuất hiện.
Di vẫn mang theo hình bóng của anh trên suốt cuộc hành trình của mình để rồi cô đã gặp lại anh với một dáng vẻ lạnh lùng, khinh bạc trong căn phòng Di đến xin việc, dẫu vậy nhưng điều đó cũng đủ để khiến cô muốn ở lại đây dù chỉ làm nghề lao công quét rác.
Tình yêu trong Khói trời lộng lẫy diễn ra tuy nhẹ nhàng nhưng vấn chứa đựng đầy rẫy nỗi bi ai không nói thành lời. Tác phẩm thấm đẫm những nỗi buồn mênh mang nhưng ta vẫn cảm thấy đâu đó là niềm vui trong trái tim Di khi nhắc đến tình yêu với anh trưởng phòng.
“Về Viện, anh đón tôi bằng ánh mắt rát mặt, giận dữ nói “Sao em không đi luôn đi?”. Mà kỳ thiệt, anh lại kéo tôi ôm vào lòng.
Khoảnh khắc đó tôi đã biết âm thanh đẹp nhất của cuộc sống là tiếng của một người nói yêu một người. Tôi mới vừa nghe xong.”– Khói trời lộng lẫy
Nỗi mất mát đau thương không thoát ra khỏi mạch cảm xúc chủ đạo trong tác phẩm, đến cuối cùng tình yêu của Di vẫn là sự chia lìa, cô biết rằng một mối tình có trăm kiểu dừng lại nhưng không ngờ rằng, mối tình của mình lại kết thúc bởi câu đùa anh ơi, mình có con rồi.
“Anh không dỗ, vơ vất ngó quanh vì anh biết lý do tôi khóc. Chúng tôi chia tay nhau.”
– Khói trời lộng lẫy
Một lần nữa trong tác phẩm, Di lại đánh mất những điều đẹp đẽ của cuộc sống dù cô đã ra sức trân trọng và giữ gìn, càng níu kéo bao nhiêu thì Di lại càng cảm nhận được rõ ràng hơn sự mất mát tột cùng, một mối tình tan vỡ dù cho cả Di và Anh đều còn thương.
Khói trời lộng lẫy và những kiếp người khao khát tình thương
Trong tác phẩm, bên cạnh nhân vật chính là Di, Nguyễn Ngọc Tư còn xây dựng rất nhiều những số phận bất hạnh khác, như ông Sáu, người bị coi là gàn dở vì luôn muốn giết người nhưng cốt lõi của việc ấy bắt nguồn bởi sự đau đớn tột cùng khi bị phá hoại hạnh phúc gia đình.
Nhân vật Lam, một người có gia thế và ngoại hình, tưởng chừng cậu đã có tất cả nhưng lại thiếu thốn tình yêu từ Di, đến cuối cùng, vì cứu cô nên cậu đã mất đi cánh tay của mình, trớ trêu thay Lam chỉ nhận được sự thương hại của Di.
Phiên, em trai của Di, vốn dĩ ban đầu nó sẽ được sống trong tình yêu thương vô hạn của gia đình, đặc biệt là từ người cha nhưng Di lại dẫn thằng bé đến xóm Cồn xa xôi để rồi đến cuối cùng Phiên đã trở thành một nạn nhân của việc thiếu thốn tình yêu thương.
Xuyên suốt tác phẩm, lời nói và hành động của Di luôn bộc lộ rất rõ niềm khao khát muốn yêu thương và được che chở. Di vô cùng ghen tị khi nhìn cha yêu thương em trai còn cô thì lại rơi vào quên lãng, đó cũng là lí do khiến cô quyết định đưa Phiên đi để cha cô cảm nhận được niềm đau của sự mất mát.
Di thích làm công việc phụ xây bởi cô liên tục nghe được người khác gọi tên mình dù đó là lời sai bảo, cô rất cảm động bởi những câu hỏi tưởng chừng rất vô nghĩa như đã ăn cơm chưa hay có đói không.
“Chân trời chỉ nước và cây, mặt trời mọc trên sông rồi lặn vào sông, bờ Bắc bờ Nam nhiều bụi rậm mọc hoang lẫn trong những chòm cây cối. Chiều nào bìm bịp kêu, nắng chìm lỉm theo. Tôi hay nhìn về đó, tự hỏi người ta còn tìm kiếm tôi không?”
– Khói trời lộng lẫy
Khói trời lộng lẫy như một tiếng thở dài bất lực trước nỗ lực níu kéo vẻ đẹp của thiên nhiên, con người và cả những vùng kí ức, Nguyễn Ngọc Tư đã thêu dệt nên những mảnh đời khác nhau qua mỗi con chữ và nhuộm chúng bằng màu của những nỗi buồn miên man.
Khi gấp cuốn sách lại, nỗi buồn vẫn như những đợt sóng lăn tăn xô vào lòng người đọc khiến nỗi day dứt, đau thương ấy không ngừng nguôi ngoai mà càng trở nên thấm thía.
Ngọc Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất