Nắng trong vườn là một trong những truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam, được xuất bản vào năm 1938. Với ngôn ngữ giản dị và mộc mạc, cuốn sách đã thổi vào lòng người đọc dư vị khó quên về một chuyện tình đẹp, từ đó làm nổi bật lên những ước mơ, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Thạch Lam và tập truyện ngắn Nắng trong vườn
Thạch Lam sinh năm 1910 là con trai thứ sáu trong một gia đình công chức gốc quan lại, quê ở phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ngay từ lúc nhỏ, nhà văn đã trải qua một quãng thời gian khó khăn khi cha qua đời vì bạo bệnh, mẹ ông phải tự mình gồng gánh nuôi bảy người con.
Với mong muốn sớm đỡ đần cho mẹ, Thạch Lam đã khai tăng tuổi và thi đỗ vào cao đẳng Canh nông Hà Nội tuy nhiên một thời gian sau đó, ông bỏ học để luyện thi tú tài ở trường Trung học Albert Sarraut.
Năm 1931, sau khi đỗ Tú tài phần thứ nhất thì ông quyết định nghỉ học về nhà và bắt đầu làm báo với các anh, Thạch Lam viết cho các tờ báo như Phong Hóa, Ngày Nay.
Sau đó, ông gia nhập Tự Lực văn đoàn và cho ra đời nhiều tác phẩm được độc giả đón nhận và yêu mến đồng thời Thạch Lam cũng trở thành cây bút đắc lực cho nhóm cùng Nhất Linh, Hoàng Đạo.
Năm 1937 ông xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên của mình là Gió đầu mùa. Nhận xét về văn chương Thạch Lam, nhà văn Nguyễn Tuân từng viết:
“Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc. Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời.”
Thật vậy, khi nói về Thạch Lam, người ta sẽ nghĩ ngay đến những trang văn giàu xúc cảm, bình dị, sâu sắc lại đậm chất thơ được gửi gắm qua những câu chuyện bâng quơ gần như không có cốt truyện.
Đa phần các tác phẩm mang tên Thạch Lam đơn giản chỉ là lát cắt trong cuộc sống rất đỗi gần gũi và mộc mạc, ông muốn thông qua đôi mắt nhân vật để có thể phản chiếu một cách chân thực nhất về mỗi câu chuyện hằng ngày của họ và của những người xung quanh.
Tuy là một thành viên trong Tự Lực văn đoàn nhưng ông vẫn có cho mình một lối đi riêng, đó không phải là những áng văn lãng mạn, xa rời cuộc sống mà đa số các tác phẩm của Thạch Lam đều hướng tới người dân nghèo khổ, tầng lớp dưới đáy của xã hội.
Mặc dù những con người ấy sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt, thiếu thốn nhưng họ vẫn mang trong mình những phẩm cách tốt đẹp, đó là sự lạc quan, niềm tin vào một tương lai tươi sáng.
Giống với Hai đứa trẻ, khi chị em Liên ngồi đợi những chuyến tàu từ Hà Nội, họ mải mê ngắm nhìn phố chợ về đêm, trong cái thưa thớt, vắng vẻ ấy mà thấu hiểu sự vất vả, tối tăm của cuộc sống thường ngày nhưng sâu tận đáy lòng vẫn luôn hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thạch Lam từng bộc bạch trong tác phẩm đầu tay Gió đầu mùa của mình rằng:
“Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn.”
Khi đọc văn Thạch Lam, nhất là tập Nắng trong vườn, chúng ta sẽ cảm nhận được những câu chữ dường như được khoác trên mình màu của một nỗi buồn man mác, cứ mãi vương vấn tựa làn khói không tan.
Tuy không để lại nhiều tác phẩm cho đời như Tô Hoài hay những nhà văn cùng thời khác nhưng cho đến nay, ông vẫn có chỗ đứng vững chắc trên nền văn học hiện đại Việt Nam bởi nét tinh hoa trong các tác phẩm của mình.
Có lẽ cũng chính vì thế mà Thạch Lam luôn là tượng đài lớn trong lòng những người yêu văn chương với lối viết nhẹ nhàng, giàu cảm xúc chân thành lại đậm đà tính nhân văn của ông.
Sau thành công của Gió đầu mùa, ông tiếp tục xuất bản tập truyện ngắn Nắng trong vườn, cuốn sách gồm mười hai câu chuyện về số phận của những con người ở thời Pháp thuộc như Đêm trăng sáng, Bóng người xưa, Hai đứa trẻ.
Truyện ngắn Nắng trong vườn là một trong những tác phẩm xuất sắc được ông đặt ở vị trí mở đầu cho tập truyện, tác phẩm viết về chuyện tình yêu tuyệt đẹp, rạo rực nở rộ lấp lánh giữa ánh nắng mùa hè nhưng lại nhanh chóng lụi tàn bởi quá nhiều cách biệt.
Câu chuyện tình yêu trong trẻo nổi bật giữa bức họa thôn quê ở Nắng trong vườn
Nắng trong vườn là câu chuyện tình yêu của Bình, một chàng trai mười tám tuổi chốn Hà thành phồn hoa lấp lánh ánh đèn, luôn tươi vui, nhộn nhịp và Hậu, cô thôn nữ độ chừng mười lăm, mười sáu tuổi ở miền quê, nơi có những đồi sắn, đồi trà mênh mông sắc xanh trải dài bất tận.
Hai người đến từ hai thế giới hoàn toàn khác biệt tưởng chừng không có điểm chung ấy lại hòa cùng một nhịp thở, họ đã từng trải qua thứ xúc cảm lạ lẫm bộc phát từ trái tim để rồi có cho nhau một tình yêu thật đẹp và đắm say.
Câu chuyện bắt đầu khi Bình dần cảm thấy chán nản nơi đô thị ồn ào, náo nhiệt và ngột ngạt nên nhân chuyến nghỉ hè, anh xếp hành lý quyết định đến nhà ông Ba, một người bạn của bố anh mà Bình thường hay lui tới khi còn nhỏ.
Như trong trí nhớ trước đây của mình, Bình say sưa trên những triền đồi và những đồn điền rộng lớn, ruộng đồng trải dài xa tít tắp, con sông gấp khúc uốn lượn giữa các đồi nương để rồi khi đưa tầm mắt lên cao, anh có thể nhìn khoảng trời xanh trong vắt, không khí đồng nội ngọt lành và nghe thấy tiếng rì rào của hàng thông.
Lâu dần Bình cũng cảm thấy chán nản trước những buổi dạo chơi của bản thân, anh muốn có một người con gái đi bên cạnh để cùng mình chia sẻ biết bao nhiêu cảm giác say sưa ấy.
Thế rồi anh tiếp xúc nhiều hơn với Hậu, một trong hai cô con gái ông Ba. Cô mang trên mình vẻ đẹp của một bông hoa căng tràn sức sống, thân hình mảnh dẻ, uyển chuyển như một cành cây non cùng khuôn mặt xinh xắn và xanh tươi.
Tình yêu của hai người đến tự nhiên như cách những tia nắng ánh lên trong những khu vườn mùa hạ. Không gay gắt giống nắng nơi thị thành chật chột và chứa đầy khói bụi, cũng không yếu ớt lạnh lẽo tựa nắng mùa đông.
Nắng ở đây là nắng vàng rộm và giòn tan của mùa hè phủ khắp các triền đồi, từ những cánh đồng đến mỗi dòng sông, xuyên qua từng tán lá xanh lục và lung linh biến ảo trong các khu vườn, vừa trong trẻo, ngọt ngào, vừa ấm áp, quấn quýt.
Chỉ có một tâm hồn nhạy cảm và từng trải sự đời như Thạch Lam mới đủ thấu hiểu để đem đến cho người đọc những miêu tả về mỗi rung động rất nhỏ, kín đáo, âm thầm nhưng mãnh liệt về một tình yêu đẹp đẽ và đầy xúc cảm như thế.
Bắt đầu với bó hoa thơm mát được cắm trong bình nơi bàn học đến từng trang sách lật tung hay mùi hương của ai còn vấn vương trên sổ. Tình yêu của họ còn là những cuộc trò chuyện không đầu không cuối, những ánh mắt tình tứ vội trao, những buổi rong ruổi trên các khu vườn và cả những cái hôn say đắm, ngọt lịm.
Thạch Lam để tình yêu của họ nảy nở trong khung cảnh thôn quê chứa chan nắng dưới nền trời trong vắt, len lỏi vào các vườn trà và nghe thấy đâu đây là tiếng gọi từ những cây thông rì rào trong gió lộng.
Thiên nhiên làm cho tình yêu của họ càng thêm thơ mộng và thi mỹ hơn, đó là một bức tranh quê và vị quê được vẽ bằng ngôn từ một cách khéo léo mà tràn đầy ý vị.
“Buổi chiều rất êm ả. Về phía tây, mây trời rực rỡ những mầu sáng lạn và ánh nắng chiều loáng một khúc sông, trông như một giải vàng nổi lên giữa đồi ruộng đã bắt đầu tím lại. Một đàn chim đi ăn về vút bay qua ngang đầu, tiếng cánh vỗ rào rào như trận mưa; tôi ngửng lên nhìn theo đến khi cái vết đen linh động của đàn chim lặn hẳn với chân mây.”
– Nắng trong vườn
Nắng trong vườn đã từng bước đưa người đọc ngẩn ngơ trước bức tranh phong cảnh đồng quê nên thơ nên tình, từ đó khiến chúng ta đắm chìm vào chuyện tình yêu trong trẻo, ngọt ngào và dễ chịu.
Tâm hồn đẹp của người con gái thôn quê và những ước mộng không bao giờ thành
Hậu hiện lên đại diện cho vẻ đẹp của những cô gái thôn quê Việt Nam căng tràn sức sống, diễm lệ và tươi mát như một bông hoa dại. Cô yêu kiều, đằm thắm lại hay e lệ, ngượng ngùng khác hẳn với những người mà anh từng gặp trước đây.
Tuy là con gái vùng thôn quê nhưng Hậu không phải kiểu người quê mùa, rám nắng mà người ta vẫn thường hay nghĩ. Cô cũng được đi học trường tỉnh và biết cách sửa soạn làm đẹp cho bản thân.
Mỗi lần nghe Bình kể về thị thành nhộn nhịp, lòng Hậu lúc nào cũng rạo rực, háo hức mong được lên Hà Nội, muốn thử trải nghiệm cuộc sống của họ, so tranh tài sắc với những cô gái thị thành khác cùng trang lứa.
Suốt cả mạch truyện, Thạch Lam đã tinh tế khắc họa những chi tiết nhỏ cho thấy một cô gái không chỉ tràn đầy sức sống mà còn khát khao tình yêu và hết lòng hết dạ. Hậu yêu bằng cách riêng của mình, dịu dàng, ngọt ngào và tận hưởng từng giây từng phút bên cạnh người mình thương mến.
Nhưng tình yêu của họ lại nhanh chóng tàn lụi để Hậu một mình với đôi mắt đỏ hoe. Có những cách biệt quá lớn khiến tình yêu không thể dài lâu kể từ khi nó mới bắt đầu, đó là sự khác nhau về không gian địa lý, lối sống, địa vị, thái độ và quan niệm đối với tình yêu.
Dù khát khao tình yêu đến mấy hay hy vọng một lần đặt chân lên Hà thành bao nhiêu để rút ngắn khoảng cách với người mình yêu thì đến cuối cùng, Hậu chỉ có thể bất lực thả những ước nguyện vào chuyến tàu đang rời dần xa tiến về nơi thị thành lấp lánh ấy.
Nắng trong vườn đã vô cùng thành công trong khắc họa tâm lý nhân vật Bình, thông qua điểm nhìn của nhân vật, Thạch Lam dẫn dắt người đọc khám phá vẻ đẹp tinh khôi nơi làng quê và câu chuyện tình yêu đẹp đẽ dưới nắng mùa hè thông qua ngôn từ, lời văn chọn lọc, điêu luyện chạm đến tâm hồn.
Khả Di
Phan Quyên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất