Bảy bước tới mùa hè là tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, được xuất bản vào năm 2015, cuốn sách sẽ đưa độc giả lên chuyến tàu trở về tuổi thơ, để cùng cảm nhận tình bạn hồn nhiên và những rung động đáng yêu tuổi mới lớn.
Đôi nét về Nguyễn Nhật Ánh và cuốn sách Bảy bước tới mùa hè
Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955 tại tỉnh Quảng Ngãi, ông còn được biết đến với nhiều bút danh khác nhau như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật hay Đông Phương Sóc. Khi tác giả lên mười tám tuổi, ông chuyển vào Sài Gòn để sinh sống cũng như học tập theo chuyên ngành Sư phạm.
Trong khoảng thời hoạt động tại đội Thanh niên xung phong, Nguyễn Nhật Ánh đã tham gia vào công tác dạy học môn Ngữ Văn tại trường THCS Tân Bình, một năm sau khi ngừng làm việc tại đây, vào năm 1986, nhà văn trở thành phóng viên đồng thời là một bình luận viên cho tờ báo Sài Gòn Giải phóng Chủ nhật.
Bài thơ đầu tiên của tác giả được đăng lên báo khi ông chỉ mới mười ba tuổi, đây là sự kiện đã đánh dấu sự bén duyên của Nguyễn Nhật Ánh với sự nghiệp văn chương và nhà văn có tập thơ đầu tay mang tên Thành phố tháng tư, ra mắt vào năm 1984.
Nhà văn đến với con đường văn học bằng tác phẩm thơ nhưng điều khiến Nguyễn Nhật Ánh ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng bạn đọc lại qua các câu truyện dài, trong đó có thể kể đến Mắt biếc, Kính vạn hoa, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ.
Sự cống hiến của tác giả với nền văn học nước nhà được công nhận qua nhiều giải thưởng quý giá như Văn học trẻ hạng A, Nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm, đồng thời hàng loạt tác phẩm của ông đã lọt vào mắt xanh của đạo diễn và được chuyển thể thành phim, mà tiêu biểu là Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Nguyễn Nhật Ánh thường xuyên lựa chọn chủ đề tuổi mới lớn cho các tác phẩm của mình, ông thể hiện sự am hiểu sâu sắc với suy tư và cảm xúc của những đứa trẻ trong độ tuổi này, chính vì thế mỗi câu truyện của tác giả đều có tác động mạnh mẽ đến bạn đọc.
Bảy bước tới mùa hè cũng viết về đề tài quen thuộc của Nguyễn Nhật Ánh, tác phẩm xoay quanh kỳ nghỉ hè của Khoa tại quê nhà, nơi có thằng bạn thân tên Mừng và Trang, cô bé hàng xóm thuở nhỏ cậu vẫn thường trêu trọc.
Mùa hè năm ấy trôi qua thật đặc biệt, Khoa cảm nhận được những rung động đầu đời ở tuổi mới lớn, bằng giọng văn chất phác, nhẹ nhàng, Nguyễn Nhật Ánh đã xây một con cầu nối về tuổi thơ, để bất cứ ai đọc tác phẩm cũng thấy một phần ký ức của mình trong đó.
Tình yêu vụng dại của những đứa trẻ mới lớn
Bảy bước tới mùa hè lấy bối cảnh một vùng một quê yên ả với giậu mồng tơi hay cây khế trước nhà, điều đó ngay lập tức gây ấn tượng với người đọc bởi sự thân quen và hoài niệm về một ký ức thanh bình.
Khoa và tụi con trai trong xóm có một luật bất thành văn rằng đứa nào làm cho con gái khóc sẽ trở thành anh hùng, còn ai mà chơi với chúng là đứa bỏ đi, bởi thế bấy lâu nay, khi Khoa ghẹo được Trang, con nhà bà Chín Ghe khóc cậu rất lấy làm khoái chí.
Ấy vậy mà mùa hè năm nay, cậu bé mười bốn tuổi nhìn thấy Trang không còn muốn trêu trọc hay cốc đầu nữa mà lại thấy nó phổng phao và có nét duyên dáng.
Kể từ khoảnh khắc ấy, Khoa thấy việc bắt chuyện với Trang thật quá khó khăn, bởi chỉ cần nhìn thấy cô bé đang ngồi lặt rau qua hàng rào nhà bà Chín Ghe cũng đủ khiến cậu đỏ mặt và tay chân bủn rủn rồi.
“Khoa đứng đực giữa sân có đến một lúc, thấy lòng tự nhiên bâng khuâng lạ. Con bé hàng xóm sao bữa nay trông khác quá. Ngay cả Khoa nữa, Khoa cũng thấy mình khang khác. Những mùa hè trước đây, mỗi lần về quê gặp nhỏ Trang, việc đầu tiên Khoa làm là giật tóc con nhó này cho nó la oai oái chơi.”
– Bảy bước tới mùa hè
Những rung động đầu tiên tuổi mới lớn diễn ra thật tự nhiên và nhanh chóng, điều đó khiến Khoa có chút bối rối, cậu bé thậm chí không nhận ra rằng mình đã thay đổi cách xưng hô với Trang từ bao giờ.
Chàng trai mười bốn tuổi để có thể bắt chuyện với cô nhóc hàng xóm đã nói dối dì và ông, xin đi học thêm lớp dành cho học sinh lớp tám, Khoa còn mất cả ổ bánh mì để thằng Ninh chịu đổi chỗ cho nó được ngồi cạnh nhỏ Trang.
Thay đổi của Khoa bị thằng Mừng phát hiện ngay, cậu chẳng thể nói dối được đứa bạn thân nên đành thừa nhận rằng mình rất thích Trang, con bà Chín Ghe.
Khi nghe được tin ấy, cậu bạn kia giận dỗi bỏ đi và cho rằng Khoa là kẻ phản bội vì đã phá vỡ quy ước của tụi con trai trong xóm tuy nhiên không lâu sau đó, Mừng lại thú thực với Khoa rằng nó đã phải lòng nhỏ Đào rốn lồi.
Hai đứa trẻ với những suy nghĩ đơn thuần đã tìm đủ mọi cách để tiếp cận cô bạn mình thích, chúng mang những lo toan rất đỗi thơ ngây, rằng nếu thổ lộ tình cảm có thể bị Trang và Đào nói là lăng nhăng.
“Trò chuyện với đứa con gái mình thích sao khó ghê mày há.”
– Bảy bước tới mùa hè
Khoa với Mừng tìm trăm phương ngàn kế để lấy lòng hai cô bạn kia và chỉ một câu nói bâng quơ hay cuộc trò chuyện ngắn ngủi cũng đủ để hai chàng trai tương tư, ngẩn ngơ cả ngày.
Ngày qua ngày, những đứa trẻ dần thân thiết hơn, lời thổ lộ cuối cùng được Khoa và Mừng nói ra nhưng đó cũng là lúc mùa hạ dần quá đi, chẳng còn bao lâu nữa Khoa phải trở về thị trấn để học tập. Mùa hè năm ấy đã chứng kiến sự trưởng thành của Khoa với mối tình đầu tuy trẻ con nhưng vô cùng thuần khiết và tươi đẹp.
“Bạn cũng biết rồi đó, ký ức là ngôi nhà kho quý báu, nơi cất giữ những gì đã xảy ra trong cuộc đời của mỗi người. Nói cách khác, ký ức cất giữ những kỷ niệm.
Nhưng không phải những gì xảy ra trong cuộc đời đều hóa thành kỷ niệm. Chẳng hạn cách đây mười lăm năm, bạn từng khóc vì bị bụi bay vào mắt. Ký ức của bạn sẽ không lưu giữ trận khóc tầm thường đó. Nhưng nếu cách đầy mười lăm năm bạn khóc vì chia tay mối tình đầu vụng dại, cơn mưa nước mắt ấy sê hóa thành cơn mưa kỷ niệm.”
– Bảy bước tới mùa hè
Khoa bắt đầu cảm thấy tiếc nuối thời gian đã qua, nó thấy tương lai sao mà mông lung quá, có thật như nhỏ Trang nói không rằng bảy bước thôi là tới mùa hè rồi.
Khoa chuẩn bị tiễn biệt những ngày hè cũng là lúc cậu sắp chia xa năm tháng thơ ấu, chàng trai đem theo những rung động đầu đời vào hành trình trưởng thành với băn khoăn không biết rằng, cuối cùng tình yêu thơ mộng của cậu có kết thúc tốt đẹp không hay chỉ hóa thành những kỷ niệm.
Nguyễn Nhật Ánh rất tài tình trong việc miêu tả tâm lý những đứa trẻ ở tuổi mới lớn, từng suy nghĩ và hành động của chúng vô cùng hợp lý, đúng với lứa tuổi, điều đó khiến cho bất cứ ai khi đọc Bảy bước tới mùa hè đều thấy hình ảnh của mình trong những năm tháng bấp bênh giữa trưởng thành và trẻ nhỏ.
Bảy bước tới mùa hè là những trang văn chan chứa tình thương
Bảy bước tới mùa hè tập trung miêu tả mối tình ngây ngô vụng dại giữa Khoa và Trang nhưng xung quanh câu chuyện ấy ta còn thấy vô vàn những tình cảm đẹp đẽ khác như tình bạn, tình làng xóm cũng như tình thân trong gia đình.
Nguyễn Nhật Ánh lấy bối cảnh cuốn sách là một vùng quê xa xôi nên tính cách con người nơi đây cũng mang đậm vẻ bình dị, chất phác ấy, họ thường không biết nói những lời hoa mỹ tuy nhiên tấm lòng vô cùng bao dung và đẹp đẽ.
Dì Liên, người chăm sóc Khoa những ngày nghỉ hè ở đây, hay mắng cậu vì những trò nghịch ngợm nhưng lại luôn lo lắng cho cậu, cố gắng gom tiền để cho Khoa đi học thêm.
Thằng Mừng để lấy lòng nhỏ Đào mà hàng ngày chăm chỉ đợi ông nó đi qua để đưa đi dạo, thời gian trôi qua, Mừng dần làm việc ấy vì nó thực sự yêu quý ông cụ, cu cậu quên đi hẳn mục đích ban đầu.
Mừng bỏ học lâu rồi, đối với mọi người trong xóm nó vốn là một đứa chỉ biết ăn chơi nhưng ông nhỏ Đào không để tâm mà còn khen nó là đứa trẻ ngoan, ông cũng khuyên răn nó nên đi học trở lại.
“Con người không học chẳng khác nào bị khòm. Suốt đời chỉ nhìn xuống đất, không thế ngước mặt lên trời như thiên hạ.”
– Bảy bước tới mùa hè
Ông của nhỏ Đào yêu thương Mừng như con cháu trong gia đình, luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho nó. Tình cảm cũng như lời khuyên răn của ông có thể giúp cậu có một tương lai xán lạn và có ý nghĩa hơn.
Xuyên suốt cuốn sách, Nguyễn Nhật Ánh không xây dựng nhiều tình huống bi kịch, éo le mà ông tập trung khai thác những mối quan hệ đẹp đẽ giữa người với người. Tác phẩm đã khẳng định tình thương có thể nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta trở nên đẹp và bao dung hơn.
Bảy bước tới mùa hè mang cốt truyện nhẹ nhàng, tinh tế đủ để mỗi chúng ta lắng lại và cảm nhận về một tuổi thơ đã qua đi từ lúc nào. Nguyễn Nhật Ánh gom góp xúc cảm của những đứa trẻ mới lớn cùng tình cảm hồn nhiên, chân thành đặt vào tác phẩm để tạo nên tuyệt tác trong lòng bao bạn đọc.
Ngọc Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất