Mắt Biếc tuy là một tác phẩm đã được tác giả Nguyễn Nhật Ánh sáng tác cách đây hơn ba mươi năm thế nhưng câu chuyện tình đầy ngang trái giữa Ngạn và Hà Lan chưa bao giờ thôi cuốn hút độc giả, bất kể là ở lứa tuổi nào.
Mắt Biếc đã, đang và sẽ luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong lòng những người yêu sách, bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng khác của Nguyễn Nhật Ánh như Kính Vạn Hoa, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Ngồi khóc trên cây, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng.
Mắt Biếc và câu chuyện tình yêu còn dang dở
Mắt Biếc là câu chuyện kể về Ngạn và mối tình không thành giữa anh và cô gái xinh đẹp với đôi mắt biếc – Hà Lan, với xúc cảm buồn man mác hòa cùng nỗi đau của một tình yêu không được đáp lại, tưởng chừng như cứ mãi vấn vương trong lòng độc giả.
Nỗi buồn của Mắt Biếc không phải nỗi buồn giằng xé đau thấu tận tim gan trong chốc lát, mà nó là nỗi sầu dai dẳng, bủa vây, từ từ nhấn chìm con người ta, thời gian trôi qua cũng chẳng thể xóa nhòa dấu vết.
Từ những ngày thơ ấu, cuộc sống của Ngạn đã gắn liền với Hà Lan, lúc này mọi thứ đẹp tựa một bức tranh với màu sắc nhẹ nhàng nhất, tươi sáng nhất của một tuổi thơ trong veo mà êm đẹp.
Tuổi thơ của hai đứa là chuỗi kỉ niệm đẹp ở làng, cùng đi bên nhau trên đồi sim hoa tím, những lúc cầm tay Hà Lan đánh trống trường hay cả dàn hoa thiên lý mà hai người từng ngồi chơi, tất cả những hình ảnh, kỉ niệm về Hà Lan trong mắt Ngạn đều thật đẹp, thật trong trẻo tựa như một giấc mơ.
Tình yêu cứ dần dần nảy sinh trong trái tim của chàng trai nhút nhát, để rồi anh bắt đầu ôm đàn, gò mình sáng tác những khúc ca chan chứa tình yêu thương dành tặng riêng cho cô gái mắt biếc:
“Những điều lòng muốn nói
Sao chẳng nói được gì
Những điều không muốn nói
Lại nói mãi em nghe
…
Nếu biết tình như thế
Chẳng lớn lên làm gì
Thà như ngày thơ ấu
Hai đứa cầm tay đi”.
Nhưng Ngạn không hiểu được rằng Hà Lan mà anh yêu đã không còn là Hà Lan của ngày xưa nữa, cô bé xinh đẹp năm xưa nay đã lớn và trái tim đã một lòng hướng về đô thị phồn hoa rực rỡ, thời thượng xa xỉ, nơi chốn mà Ngạn không cách nào thuộc về.
Và thế là Hà Lan đã bỏ lỡ Ngạn, tựa một con thiêu thân lao đầu vào lửa, cô đem lòng yêu Dũng, một chàng trai nhà giàu, sành điệu nhưng thiếu đứng đắn và vô trách nhiệm, để rồi ở tuổi mười bảy đẹp nhất của người con gái, cô mang thai và bị người đàn ông mình yêu vứt bỏ với đứa con trong bụng.
Tình yêu của Ngạn dành cho Hà Lan âm thầm lặng lẽ mà bền bỉ, mặc cho nỗi đau khắc khoải khi thấy người con gái mình yêu đâm đầu yêu một người tệ bạc để rồi lỡ dở, mặc cho sự thật là tình cảm của anh sẽ chẳng bao giờ được đáp lại, trái tim của anh vẫn một lòng hướng về người con gái năm xưa.
Có lẽ nhiều người tự hỏi rằng: Tại sao tình yêu của Ngạn dành cho Hà Lan lại sâu đậm đến thế, cố chấp đến thế thì sau đây là lời chia sẻ từ chính tác giả Nguyễn Nhật Ánh trong một cuộc phỏng vấn mới đây:
“Nói đến Mắt Biếc, độc giả thường thiên về suy nghĩ đó là câu chuyện tình. Nhưng trong Mắt Biếc, tôi gửi gắm nhiều hơn câu chuyện tình yêu… Hà Lan trong mắt nhân vật Ngạn gần như là hóa thân của tình yêu xứ sở. Chính vì vậy, tình cảm đó nặng sâu. Tình yêu của Ngạn không thoát khỏi cội nguồn quê xứ. Chính những kỉ niệm tươi đẹp của tuổi ấu thơ nơi ngôi làng Đo Đo là sợi dây vô hình trói Ngạn với cô bạn thuở thiếu thời, khiến anh phải mang vác nó như một lời nguyền của số phận”.
Tình yêu của Ngạn sở dĩ sâu đậm như vậy vì không chỉ đơn thuần là tình cảm nam nữ, nó còn là tình yêu của anh với quê hương, với làng Đo Đo mà anh sinh ra và lớn lên, với những kỉ niệm thuở thiếu thời, mà hóa thân hiện hữu nhất chính là Hà Lan, cô bạn đã đi cùng anh suốt những tháng ngày thơ ấu.
Sự lồng ghép đầy khéo léo giữa tình yêu đôi lứa và tình cảm nồng nàn với quê hương xứ sở
Gây ấn tượng với người đọc không chỉ với mối tình khắc khoải của Ngạn, mà Mắt Biếc còn để lại dấu ấn sâu đậm với độc giả bằng ngòi bút tinh tế của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi khắc họa hình ảnh làng Đo Đo thật dung dị mà đẹp đến nao lòng.
Mỗi khung cảnh được khắc họa trong Mắt Biếc đều như một bức họa được vẽ nên bằng những sắc màu tươi trẻ của thanh xuân, của hoài niệm sâu sắc về một thời thơ ấu, khẽ chạm nhẹ vào cảm xúc của chúng ta, đánh thức tình yêu rạo rực của con người đi xa với quê hương xứ sở.
Đôi mắt của Hà Lan trong lòng Ngạn không đơn thuần chỉ là một đôi mắt đẹp, mà có lẽ đôi mắt ấy ẩn chứa cả những hình ảnh của quê hương, của những phiên chợ đêm sáng đèn, của những kỉ niệm không thể nào quên:
“Hồi nhỏ, tôi thích nhìn vào đôi mắt của Hà Lan, soi mình vào trong đó, và vẩn vơ so sánh chúng với những viên bi ve trong suốt, những viên bi quý tộc mà chỉ có bọn học trò tiểu học mới dám chơi… Lớn lên, đôi mắt của Hà Lan lại gợi tôi nghĩ đến bầu trời và dòng sống, đến nhứng giấc mơ dịu dàng của tình yêu và khi đó tôi không còn đủ can đảm để nhìn lâu vào đôi mắt nó như ngày xưa thơ dại”.
Tình yêu của Ngạn với Hà Lan trước sau không thể tách rời với tình yêu của anh với quê hương, bởi vậy nên dù cho cuộc tình này định sẵn không có kết quả, nhưng anh vẫn một lòng hướng đến, không chút hối hận.
Nguyễn Nhật Ánh và kho tàng đồ sộ các tác phẩm dành cho tuổi thơ
Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm viết về tuổi thơ, tên tuổi gắn liền với hàng loạt tác phẩm best seller đã rất quen thuộc với độc giả như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua, Mắt Biếc, Còn chút gì để nhớ.
Với phong cách văn chương độc đáo và khả năng xây dựng hình tượng nhân vật cũng như cốt truyện tài tình, ông đã mở ra một thế giới tuổi thơ tràn đầy màu sắc, có niềm vui và nước mắt, có vị ngọt ngào của những mối tình thanh xuân, có vị đắng chát của tình cảm không trọn vẹn, để lại vô vàn dư vị trong lòng độc giả.
Đều viết về đề tài tuổi thơ và thanh xuân trong xuyên suốt các tác phẩm, nhưng Nguyễn Nhật Ánh chưa bao giờ khiến người đọc nhàm chán, bởi lẽ mỗi câu chuyện đều mang màu sắc và phong thái rất riêng không thể trộn lẫn, không những được yêu thích bởi lứa tuổi thiếu nhi, mà còn thu hút cả những độc giả lớn tuổi, những người muốn “mua một vé đi tuổi thơ”.
Tác phẩm Mắt Biếc bằng lối kể chuyện lôi cuốn kết hợp với ngòi bút miêu tả đầy tinh tế của tác giả đã để lại trong lòng khán giả nhiều dư vị, cùng với nỗi khắc khoải vấn vương về một mối tình câm lặng lẽ, mãi không lụi tàn.
Lan Hương
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất