Nếu đã từng mê mẩn những món ăn được chế biến giản dị mà đầy tinh diệu trong Miếng ngon Hà Nội thì độc giả trên con đường tìm kiếm và khám phá sự phong phú của ẩm thực Việt Nam, hẳn sẽ không thể bỏ qua Món lạ miền Nam của nhà văn Vũ Bằng.
Dồn tất cả tài năng lên từng con chữ và bằng tất cả những từ ngữ gợi hình, gợi cảm nhất tác giả đã bày ra trước mắt người đọc một bàn tiệc gồm toàn những của ngon vật lạ xứ Nam.
Vài nét về tác giả Vũ Bằng
Vũ Bằng sinh năm 1913 và lớn lên trong một gia đình Nho học tại Hà Nội, ông theo học trường Trung học Albert Sarraut sau đó tốt nghiệp Tú tài Pháp.
Từ nhỏ ông đã rất thông minh, lại đặc biệt yêu thích văn chương và thân thiết cùng nhà văn Vũ Trọng Phụng. Đến năm mười sáu tuổi ông đã có truyện đăng báo, rồi từ đó say mê cống hiến cho nghề văn nghề báo tới trọn cuộc đời.
Do việc kinh doanh sách của mẹ tại phố Hàng Gai rất tốt nên ông lớn lên mà không phải lo lắng về cơm áo gạo tiền, đó cũng là điều kiện quan trọng để nâng niềm đam mê viết lách của ông bay thật cao, thật xa.
Tuy vậy văn nghiệp của Vũ Bằng vẫn vấp phải sự ngăn cản của mẹ khi bà muốn ông du học Pháp để làm bác sĩ y khoa nhưng nhà văn vẫn quyết chí theo tiếng gọi của nghệ thuật.
Ông tiếp tục viết lách và làm việc tại báo Việt Tấn Xã trong thời gian ở Sài Gòn hoạt động cách mạng. Trong suốt sự nghiệp của mình, Vũ Bằng đã để lại không ít tác phẩm mang giá trị nghệ thuật ở nhiều thể loại.
Trong đó có cuốn tự truyện đặc sắc Cai thuật lại cuộc sống nghiện á phiện và hành trình cai thuốc của nhà văn.
Đặc biệt, Vũ Bằng còn mang niềm đam mê bất tận với ẩm thực trên khắp mọi miền Tổ quốc. Từ đó một số tác phẩm văn chương nổi bật ra đời như Miếng ngon Hà Nội, Món lạ miền Nam và Thương Nhớ Mười Hai.
Để nhận xét về Vũ Bằng, nhà văn Tạ Tỵ đã không ngớt lời cảm thán:
Vũ Bằng là một hiện tượng. Trong suốt dòng sông của cuộc đời có mặt, Vũ Bằng đã đánh đổi tất cả chỉ để xin lấy về phần mình hơi thở của nghệ thuật. Vũ Bằng thích sống một đời sống nhiều đam mê, dù là tội lỗi, hơn đạo đức. Theo anh, đã sống phải nếm đủ mùi đời mới thực là sống, còn bôn ba theo đuổi danh lợi rồi chết im lìm thì chỉ là sống một cách què cụt, thiếu sót… Tuy nói vậy, chứ Vũ Bằng còn ham làm việc lắm. Anh thường nói với tôi, anh ước mong viết.
Trong mạch văn chương trùng điệp cảm xúc ấy, Món lạ miền Nam là những ngỡ ngàng và phấn khích của tác giả trước bao món ăn độc lạ, đồng thời cũng là sự xao xuyến trước cái đẹp của đất và người phương Nam trong những ngày tháng xa quê.
Với chất liệu ngôn từ đặc sắc, nhà văn đã khắc hoạ một phần văn hoá miền Nam độc đáo và đầy màu sắc, hệt như tâm hồn giản dị mà chân thành của những người con phương Nam.
Nghệ thuật miêu tả ẩm thực trong Món lạ miền Nam
Trong cuốn sách, Vũ Bằng giới thiệu với người đọc tám món ăn, mỗi món là một đặc sản có phần kỳ lạ của người miền Nam. Tác giả đã dẫn độc giả đi hết từ ngạc nhiên, trầm trồ đến thèm thuồng qua việc miêu tả cách chế biến và hương vị của món ăn.
Hãy đọc cách Vũ Bằng miêu tả việc chế biến món cóc để thấy hấp lực của từng con chữ mạnh mẽ đến nhường nào.
Thử tượng tượng để cho khô nước, chiên hành tỏi cho dậy mùi rồi bỏ thịt cóc vào mà xào, cái thơm tho tiết ra trong không khí quyến rũ khứu giác của người ta biết chừng nào! Ông nào nhậu, chờ cho thịt chín vàng, xúc ra đĩa, gia thêm sả, hạt tiêu, ớt vào mà nhắm nhót có thể thấy thích thú hơn ăn thịt gà mái tơ. Thịt dê dai lắm, mà thịt thỏ thì xác quá, không thể đem ra so sánh được với thịt cóc, mềm, mà nhai sừn sựt, ngọt nhưng ý vị, đậm đà, chớ không trơ trẽn như thịt ngan, thịt ngỗng.
– Món lạ miền Nam
Với Món lạ miền Nam, đôi khi chỉ nghe tên những món ăn thôi cũng làm người ta rùng mình, thảng nghĩ cả đời người sẽ chẳng bao giờ động đũa đến. Ngay cả nhà văn Vũ Bằng, trên con đường trải nghiệm ẩm thực phong phú của mình cũng đã không ít lần chần chừ trước những món ăn chưa từng nghe tên.
Thế nhưng lần nào cũng vậy, nhà văn đều đi từ cảm giác lạ lẫm có phần hoang mang đến say sưa, mê man trong hương vị như thể đang chìm đắm trong tình yêu.
Người đọc may mắn hơn khi có cuốn sách làm kim chỉ nam dẫn đường, chắc hẳn vẫn sẽ không ngừng thích thú trước những thay đổi nơi giác quan và cảm xúc.
“Ở Bắc Kỳ, tại các miền quê, có khối người ăn thịt chuột, nhưng anh chỉ nghe thôi mà thực mắt thì chưa thấy ai ăn bao giờ. Anh ta quan niệm rằng những người ăn uống như thế là ăn uống lem nhem, bần cùng bất đắc dĩ mới phải ăn thịt chuột; phải chi có tiền để ăn thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thịt vịt thì chắc chắn không có ai nghĩ tới chuyện ăn thịt chuột bao giờ.
… Đến khi vào đây sống với người bạn đầu gối tay ấp miền Nam, đi đây đi đó và đêm khuya nằm nghe vợ nói chuyện về các món ngon vật lạ, tôi phải nói là tôi ngạc nhiên không chịu được vì thịt chuột không phải là thứ ăn chơi ăn bời nhưng là một thực phẩm gia dụng, một món ăn được nhiều người ưa chuộng và ca tụng hơn cả thịt gà, thịt vịt, thịt rừng, thịt chó.”
– Món lạ miền Nam
Vũ Bằng bằng sợi dây chữ đã dẫn người đọc đi thăm thú sản vật xứ Nam, từ đó khơi gợi những cảm xúc tuyệt vời nơi vị giác và sâu thẳm đáy tim.
Món lạ miền Nam là rung động ngọt ngào của Vũ Bằng trước vẻ đẹp tâm hồn phương Nam
Ẩm thực chính là con đường gần nhất đến với trái tim nên không có gì làm lạ khi Món lạ miền Nam còn lồng ghép trong đó bao rung động của tác giả. Đọc Món lạ miền Nam, ngoài việc khám phá thêm những món ăn mới lạ thì người đọc cũng không thể bỏ qua những cảm xúc dạt dào mà Vũ Bằng lồng ghép vào từng trang sách.
Miêu tả tỉ mỉ một món ăn đã không phải là điều dễ dàng nhưng việc khơi gợi những cảm xúc, đặc biệt là những rung động tình yêu, qua những món ăn lạ lùng lại càng khó hơn bao giờ hết.
Dẫu vậy, nhà văn đã thành công trong việc khiến mỗi chương sách của mình không chỉ là miêu tả ẩm thực đơn thuần mà qua đó người đọc còn thấy trọn vẹn tấm lòng đã thấm nhuần tình phương Nam của Vũ Bằng.
Miếng ngon của miền Nam cũng thành thật như người đàn bà vậy. Ăn một miếng, ngon ngay, nhưng ngon không phải do vị của chính thức ăn, mà là tại xạ và ớt làm nổi vị lên, điểm cho khẩu cái một tơ duyên ấm áp.
… Tôi yêu miếng ngon miền Nam nhiều là vì nó lạ – lạ đến nhiều khi không thể tưởng tượng được – và chính những cái lạ đó đã cho tôi thấy rõ hơn tính chất thực thà, bộc lộ và chất phác của người Nam.
– Món lạ miền Nam
Cái tâm tình được bộc bạch trong cuốn sách đôi khi là tâm tình của một người Bắc xa quê nhung nhớ hương vị quê nhà nhưng vẫn rung rinh trước món ngon, trước cái hồn hậu thuần khiết của người miền Nam.
Đó là những cô gái xứ Nam tâm hồn thuần khiết và giản dị cặm cụi với bếp lửa, làm biết bao đặc sản quê hương để thết đãi người khách phương xa.
Đó là những người dân hồn hậu dù cái ăn chỉ đạm bạc sơ sài nhưng vẫn không mất đi sự nhiệt tình mời khách. Điều ấy đã luôn in hằn trong tâm khảm nhà văn, để mỗi con chữ trong cuốn sách là một nét khắc khoải nơi trái tim.
Tôi viết cuốn “Món lạ miền Nam” này để ghi một chút ân tình lại trong những ngày xa phần tử, được các người xa lạ thương yêu như mẹ thương con, như vợ thương chồng, như em gái thương anh, chăm bón cho những miếng ngon vật lạ để khuây khỏa nỗi lòng của người mang nặng bảy tám biệt ly một lúc.
– Món lạ miền Nam
Món lạ miền Nam còn đậm đà hương vị tình yêu, thứ tình nồng nàn như men rượu đưa tâm hồn người đọc đi lâng lâng trong miền cảm xúc.
Vũ Bằng không trực tiếp miêu tả tình yêu đôi lứa, nhà văn chỉ đầy tinh tế và ý nhị đưa cảm xúc len lỏi vào trái tim người đọc.
Tác giả đã phô bày tất cả tài năng và những cảm thức sâu sắc nhất của một nhà văn để viết nên những trang sách êm đềm dịu ngọt đầy phong vị ái tình.
Sở dĩ người đọc không chỉ cảm thấy như mình đang đọc sách mà còn như đang lạc vào miền thương nhớ bởi xen lẫn những kiến thức về ẩm thực, văn hoá là những lời tình tự dịu dàng như một ý thơ.
Yêu là chết ở trong lòng một ít” có phải nhà thi sĩ đã viết như thế phải không, em? Với loài cóc, yêu là chết thực sự, chết đứ đừ, chết “toàn diện”, chết giẫy lên đành đạch”; nhưng không hề gì, ở trong thùng, trong vó chùng vẫn “song ca” bản nhạc mê ly.
Vì thế, đừng tưởng ăn thế này là chỉ ăn thịt cóc mà thôi, nhưng chính là ta ăn hương thơm đồng ruộng, ăn… những bản nhạc dân ca, ăn bao nhiêu cuộc ân tình “ra rít” vào lòng…
– Món lạ miền Nam
Món lạ miền Nam tuyệt nhiên không chỉ là một là một tùy bút xuất sắc được sáng tác bởi một người viết văn, làm báo tài hoa. Cuốn sách còn là một lời tri ân tới những tâm hồn thuần khiết hồn hậu xứ Nam, là một phần trái tim của Vũ Bằng dành cho đất và người nơi đây.
Người đọc tìm đến Món lạ miền Nam ít nhiều vì tò mò khám phá, vì say mê ẩm thực nhưng lại càng chìm đắm hơn vào những cảm giác êm ái mà cuốn sách mang lại.
Bởi thông qua giọng văn chân thật mà đầy trữ tình của Vũ Bằng, từng món ăn được khắc họa qua câu chữ gói ghém trong đó biết bao yêu thương trân trọng quê hương, đất nước và con người.
Tuệ Anh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất