Thương nhớ mười hai là một tác phẩm tiêu biểu đặc trưng cho phong cách hành văn của nhà văn Vũ Bằng. Được viết vào năm 1960, quyển sách tính cho đến nay đã trải qua hơn nửa thế kỉ nhưng vẫn giữ được vẹn nguyên nét đẹp cùng sức hút thuở ban sơ.
Thương nhớ mười hai được viết dưới dạng một quyển hồi ký. Quyển sách không kể về bất kỳ một sự việc cụ thể nào nên không có cốt truyện, nội dung chỉ giản đơn là những tản văn bộc lộ niềm thương nhớ của tác giả, những tình cảm chẳng thể nói thành lời của người con xa xứ dành cho quê hương.
Vũ Bằng người nghệ sĩ tài hoa được mệnh danh Người trở về từ cõi mộng mơ
Vũ Bằng sinh vào tháng 6 năm 1913 tại Hà Nội trong một gia đình Nho học. Dù cha mất sớm nhưng từ nhỏ dưới sự chở che của mẹ, ông không phải trải qua hoàn cảnh thiếu thốn. Ông say mê viết văn từ bé và năm 16 tuổi truyện của ông đã được đăng báo.
“Vũ Bằng là một hiện tượng. Trong suốt dòng sông của cuộc đời có mặt, Vũ Bằng đã đánh đổi tất cả chỉ để xin lấy về phần mình hơi thở của nghệ thuật. Vũ Bằng thích sống một đời sống nhiều đam mê, dù là tội lỗi, hơn đạo đức. Theo anh, đã sống phải nếm đủ mùi đời mới thực là sống, còn bôn ba theo đuổi danh lợi rồi chết im lìm thì chỉ là sống một cách què cụt, thiếu sót…”
Ông từng từ bỏ con đường du học đất Pháp để lao vào sự nghiệp sáng tác văn chương. Có thể thấy, Vũ Bằng theo đuổi nghề viết không phải vì mưu sinh mà vì niềm đam mê thôi thúc. Ông từng bị chệch hướng khi có khoảng thời gian sa vào nghiện ngập nhưng may mắn nhờ có vợ luôn cạnh bên cổ vũ, giúp đỡ nên ông vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Về sau ông tham gia hoạt động trong mạng lưới tình báo cách mạng. Năm 1954 ông được lệnh phân công của tổ chức nên phải vào miền Nam công tác, Vũ Bằng rời đi để lại vợ và con ở quê nhà. Mười ba năm sau, vợ ông qua đời.
Chuyến công tác ở Nam Bộ đã đem lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho Vũ Bằng. Một số tác phẩm gây tiếng vang lớn mà ông sáng tác chính là vào khoảng thời gian vàng son này. Thương nhớ mười hai cũng là một trong số đó.
Thương nhớ mười hai và tình yêu da diết mà Vũ Bằng dành cho mảnh đất kinh kỳ mộng mơ
Người ta thường bảo trên thế gian không có nỗi buồn nào hoang hải, mất mát tựa như nỗi buồn của một con người phải xa rời quê hương; không có nỗi nhớ nào bâng khuâng, tha thiết như nỗi nhớ của một kẻ sống nơi đất khách quê người hướng về mảnh đất quen thuộc.
“Lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết. Trông bề ngoài thì không có gì khác lạ, nhưng cầm một cánh hoa khẽ đạp vào thử mà xem: tiếng gỗ kêu nghe mệt mỏi, u buồn, mà nếu gõ mạnh thêm chút nữa, ta sẽ thấy gỗ vỡ tan, để lộ ra tảng mục lỗ chỗ như tổ ong, tiết ra một thứ bụi vàng hanh hao, nhạt nhẽo. Con tim của người khách tương tư cố lí cũng đau ốm y như là gỗ mục.”
Vũ Bằng là một nhà văn nhưng suy cho cùng cũng chỉ là một người bình thường. Từ khi vào Nam công tác không một phút giây nào ông thôi nhớ về Hà Nội. Ông nhìn cảnh sắc Sài Thành mà lại đâm ra thêm yêu, thêm thương và nhớ về vẻ đẹp rất riêng của quê hương mình.
Quyển sách Thương nhớ mười hai được nhà văn chắp bút năm 1960 nhưng đến tận mười một năm sau mới hoàn thành. Từ “mười hai” trong tựa sách Thương nhớ mười hai thực ra là mười hai tháng trong một năm.
Điểm nổi bật của tác phẩm chính là những cảnh vật, món ăn, tinh thần con người suốt mười hai tháng. Tháng nào cũng đáng yêu đáng nhớ trong mắt tác giả, tháng nào cũng có cùng một xúc cảm hoài niệm về miền Bắc Việt.
Cảnh sắc đẹp đến não nùng và con người thân thương của mảnh đất Hà Thành
Hà Nội hiện lên trong nỗi nhớ của Vũ Bằng là một chốn cổ kính vừa lãng mạn lại vừa nên thơ. Đó là xứ sở vang vọng những câu hát quan họ vùng kinh Bắc, thơm hương trầm tháng Giêng lại có cái rét ngọt đầu mùa, không khí thoang thoảng mùi phở.
Những ngày tháng Năm bầu trời mát mẻ “trong vắt như lọc qua một tấm vải màu xanh” sang những ngày tháng Tám trời buồn se sắt. Tháng Mười gió bấc mưa phùn mà chỉ khi ở Hà Nội trong khoảng thời gian ấy người ta mới cảm nhận được hết vẻ đẹp cổ kính do mảnh đất này mang lại.
Những nét đặc trưng của mảnh đất kinh kỳ quanh năm đều có, đều hấp dẫn. Hà Thành mười hai mùa hoa dưới lăng kính của nhà văn không khỏi khiến người đọc ngẩn ngơ, say mê rồi chìm đắm trong cảnh sắc đẹp đến thẫn thờ.
Với phong cách hành văn nhẹ nhàng và từ tốn vô cùng riêng biệt, mỗi câu chữ mà Vũ Bằng đưa vào trang sách đều thể hiện một tâm hồn cực kì tinh tế của ông. Nhà văn rất trân quý và nâng niu cuộc sống thường nhật êm ả tại quê hương mình.
Bởi nếu không thì làm sao có thể đưa vào con chữ từng chi tiết nhỏ nhặt, quen thuộc và bình dị đến thế?
Thú vui ẩm thực Bắc Việt trong Thương nhớ mười hai
Thêm nữa, nhắc đến Bắc Việt thì khó lòng mà không nhắc đến vô vàn những thứ quà ngon, những món ăn tuyệt vời đáng kể đến như phở, bún thang, bún chả rồi còn cả bánh chè lam, bánh khúc.
Thế nhưng món ăn dẫu ngon đến mức nào cũng sẽ có thời điểm khiến người ta thấy chán ngấy. Song, mười hai món ăn trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng bày lên bàn lại vừa vặn đẹp tuyệt vời. Những thức quà ngon đối với ông đi qua năm này tháng nọ lại gần gũi, gắn liền với người bản xứ và thưởng thức mãi cũng không chán.
Từ đơn giản, bình dân như mấy quả bàng quế, bàng đực tháng Ba đến phức tạp, kì công như những vò rượu nếp thơm ngon của những bà nội trợ. Từ vải Cầu Họ, nhãn Hưng Yên đến mận Thất Khê, na Phủ Lý. Tất cả những thức quà ấy đều là đặc sản ông trời ban tặng cho Hà Nội.
Có nhiều đoạn văn khi đọc đến khiến con người ta cảm thấy quá đỗi thân thuộc, từng mảnh kí ức tuổi thơ cứ thế mà ùa về như dòng suối nhỏ ngọt lành, ấm áp. Làm cho trái tim đầy rẫy những vết nứt chằng chịt bởi thực tại bỗng được dòng suối nhỏ ấy lấp đầy, xoa dịu.
Thấp thoáng một tình yêu sâu sắc dành cho người vợ nhỏ đảm đang, tần tảo và hy sinh
Và trên cả những phong cảnh đẹp đẽ hay nền ẩm thực phong phú thì mục đích lớn nhất cuối cùng của Vũ Bằng lại chính là phác họa nên hình ảnh người vợ yêu quý của mình.
Người vợ đầu của ông chính là người đã luôn bầu bạn, ủng hộ và cùng ông vượt qua gian đoạn khó khăn nhất cuộc đời. Bà lúc nào cũng tất bật, lo toan để làm sao cho vẹn toàn chu tất mọi chuyện trong gia đình.
Bà đã trở thành nguồn cảm hứng rất lớn cho Vũ Bằng. Chính nhà văn cũng từng bảo nhờ có vợ nên ông mới viết được những tác phẩm tuyệt vời đến bất hủ. Khi phải xa cách người bạn gối chăn đến ngàn dặm, ông bộc lộ nỗi nhớ mãnh liệt không hề che giấu. Nhà văn luôn dành cho người bạn tâm giao của mình sự trân trọng lớn nhất của bản thân ông.
“Nhớ lại có những đêm tháng mười ở Hà Nội, vợ chồng còn sống cạnh nhau, cứ vào khoảng này thì mặc áo ấm dắt nhau đi trên đường khuya tìm cao lâu quen ăn với nhau một bát tam xà đại hội có lá chanh và miến rán giòn tan, người chồng lạc phách đêm nay nhớ vợ cũng đóng cửa lại đi tìm một nhà hàng nào bán thịt rắn để nhấm nháp một mình và tưởng tượng như hãy còn ngồi ăn với người vợ thương yêu ngày trước, nhưng sao đi tìm mãi, đi tìm hoài không thấy.
Người chồng dừng lại, sợ chính bóng mình. Nước mắt anh lại ứa ra, và chảy dài theo lối đi lấp loáng một bông sao rụng.”
Xuyên suốt quá trình dài hoàn thành Thương nhớ mười hai, mười ba năm sau khi ông vào Nam, vợ ông ở Hà Nội đã qua đời. Chỉ đọc một vài dòng mà ông viết về bà cũng rõ ràng thấy được sự đau đớn, mất mát cùng nỗi nhớ bất tận của ông dành cho người bạn đời.
Thương nhớ mười hai là niềm an ủi, là nỗi lòng của những con người phải rời xa quê hương
Thương nhớ mười hai còn được xem là tiếng lòng thổn thức của những ai xa xứ nhớ về mảnh đất Hà Thành thơ mộng. Là bức thư gửi cho những người ở đất khách quê người để bớt đi phần nào nỗi nhớ thương quê hương xứ sở.
Đọc tác phẩm cứ như nếm vị ngọt dịu và trong lành của trái cây mùa hạ. Quyển sách tuy là nhớ về Hà Nội nhưng cũng đồng thời là nhớ về thời thanh xuân đã lướt qua không trở lại của tác giả.
Quả thật không ngoa khi ví Vũ Bằng là “Người trở về từ cõi mộng mơ”. Ông đặc tả một Hà Nội bình dị nhưng lại đẹp đến nao lòng. Nỗi thương nhớ cùng tình yêu to lớn đã biến Thương nhớ mười hai trở thành một tác phẩm quá đỗi đặc biệt.
Thương nhớ mười hai tựa như một tách trà ấm nóng, hương thơm thoang thoảng lại khiến con người ta đắm say. Quyển sách sẽ vô cùng thích hợp cho bạn vào một buổi chiều trong xanh, mây lững lờ, gió nhè nhẹ. Nó sẽ đem bạn ngược dòng thời gian tìm về với hình ảnh một Hà Nội ở những ngày xưa cũ, ngỡ như xa lạ nhưng lại thân thương đến vô cùng.
Thanh Thảo
Thanh Thảo
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất