Vũ Trọng Phụng là nhà văn đi trước thời đại, ông phanh phui “thú tính” nơi con người, ngay cả ở những kẻ tưởng chừng như hiền lành, chất phác. Tác giả đi sâu thám hiểm vùng tiềm thức mỗi nhân vật và vạch trần một xã hội hai mặt dưới thời cai trị của thực dân Pháp.
Với lối viết châm biếm sắc sảo, Vũ Trọng Phụng là một trong những cây bút nổi tiếng nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Tuy ông đã qua đời nhiều năm nay nhưng gia đình và con cháu vẫn hết sức giữ gìn toàn bộ di sản mà nhà văn để lại.
Cuộc đời trầm luân của nhà văn Vũ Trọng Phụng
Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912 tại Hà Nội, trong một gia đình “nghèo gia truyền”. Quê quán vốn ở làng Hảo, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên (nay là phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào) nhưng nhà văn lớn lên và sống trọn cuộc đời tại đất Hà thành.
Cha ông là Vũ Văn Lân, làm thợ điện ở xưởng ô tô Boillot (Boalô), Hà Nội, mất sớm khi văn sĩ họ Vũ mới bảy tháng tuổi. Mẹ ông là Phạm Thị Khách ở vậy tần tảo sớm khuya nuôi con ăn học, tuy thế ông cũng chỉ được học hết bậc tiểu học rồi sau đó phải đi kiếm sống.
Ban đầu, Vũ Trọng Phụng làm thư ký đánh máy cho hãng buôn Goddard nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì bị đuổi việc. Ít lâu sau, ông xin đánh máy chữ cho nhà in Viễn Đông song cũng không được lâu dài, từ đó ông chuyển hẳn sang viết văn và làm báo.
Tuy nghèo khổ nhưng tài năng của cố nhà văn sớm được bộc lộ, từ năm mười tám tuổi ông đã trở thành cây bút trẻ có tiếng của nhiều tờ báo như Hà Thành ngọ báo, Tao đàn tạp chí, Nhật Tân, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ năm, Đông Dương tạp chí.
Người ta thường nói, “Một vừa hai phải ai ơi/Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”, cái số tài hoa đoản mệnh ấy quả nhiên vận vào cuộc đời Vũ Trọng Phụng. Sinh thời đã sống trong nghèo khó, đến chết cũng ông cũng ra đi trong bần cùng khổ hạnh.
“Anh đã thu của cuộc đời được những gì mà bắt anh hiến nhiều thế? Không! Tôi biết anh là một nhà văn, mà là một nhà văn sống trong sự bần bạc, chết trong sự bần bạc.” – nhà thơ Lưu Trọng Lư
Một ngày mùa thu năm 1939, ông đã nhắm mắt xuôi tay vì không đủ tiền chạy chữa căn bệnh lao phổi chết người. Nhà văn mất khi mới 27 tuổi, đúng lúc sự nghiệp đang ở đỉnh cao, kết thúc cuộc đời đầy biến cố, sóng gió và túng quẫn.
Vũ Trọng Phụng và những tác phẩm vượt thời gian
Thiên tài văn chương ra đi khi còn quá trẻ nhưng may mắn thay, ông đã để lại cho hậu thế những kiệt tác để đời. Sinh thời, Vũ Trọng Phụng được mệnh danh là “ông vua phóng sự đất Bắc”, góp phần đáng kể vào việc hiện đại hóa văn xuôi quốc ngữ.
Các tác phẩm của ông đều hướng tới hiện thực, vạch trần và tố cáo muôn vàn tấn trò đời bi kịch của xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Phạm vi cuộc sống được đề cập hết sức rộng lớn, khó có thể tìm thấy ở sáng tác của những nhà văn cùng thời.
Số đỏ – Tác phẩm làm nên tên tuổi của nhà văn lớn
Nổi bật trong gia tài văn chương đồ sộ của Vũ Trọng Phụng là tác phẩm Số đỏ, được đăng trên Hà Nội báo từ số 40 năm 1936 và in thành sách lần đầu tiên vào năm 1938, đây là đứa con tinh thần đáng tự hào của ‘ông vua phóng sự đất Bắc”.
Số đỏ lên án gay gắt xã hội tư sản thị thành Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, khi người dân chạy theo lối sống xa hoa, tân thời lố lăng mà bỏ quên nếp văn hóa Nho giáo truyền thống. Hài hước, mỉa mai và đầy cay đắng là những gì độc giả có thể hình dung về tác phẩm này.
Hệ thống nhân vật tương đối dày đặc từ Xuân Tóc đỏ lưu manh, bà Phó Đoan dâm đãng, cô Tuyết ngây thơ, ông Phán mọc sừng đến cậu Tú Tân, ông Joseph Thiết, mấy tay cảnh sát Min Đơ, Min Toa đã phản ánh thực trạng thối nát của tầng lớp thượng lưu đương thời.
“Với một đám ma theo cả lối Ta, Tàu, Tây, có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng và bú dích và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối, vài trăm người đi đưa, lại có cậu tú Tân chỉ huy, những nhà tài tử chụp ảnh đã thi nhau như ở hội chợ. Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu…!” – Số đỏ
“Đám ma gương mẫu” trong chương Hạnh phúc của một tang gia là đỉnh cao tấn bi hài với tất cả những nét hoạt kê của đám tư sản rởm đời. Đám tang mà như lễ hội, giai thanh gái lịch có thể vừa đi đưa tang vừa bình phẩm nhau, chim nhau, cười tình với nhau.
Giông tố – Cuốn danh tác châm biếm bộ mặt thối nát của xã hội
Khác với đám thượng lưu nửa mùa trong Số đỏ, Giông tố của Vũ Trọng Phụng lại tái hiện một xã hội thập cẩm đầy đủ “thượng vàng hạ cám”, từ thôn quê “xôi thịt” đến thành thị “bơ sữa” cùng những câu chuyện vô nhân đạo không hồi kết.
Giông tố được ví như một quả bom, công phá vào những cảnh chướng tai gai mắt trong xã hội. Từ ông nghị sĩ đạo mạo “hiếp dâm” cô thôn nữ, đến bà nhà “tử tế” ngoài bốn mươi ăn nằm với anh cung văn, cô thiếu nữ tân thời hẹn hò trai trong khách sạn.
“Mãi đến lúc này, cặp gian phu dâm phụ mới choàng trở dậy! Họ còn dụi mắt ngơ ngác, thì nghị Hách đã đến trước giường cúi nhìn vào mặt họ:
– Bà nghị Hách! Giời ơi!… Vợ chồng đầu gối tay ấp… đã có ba mặt con! Ba mươi năm trung thành, bây giờ mới đổ đốn! Ngủ lang!… Ngoại tình!… Hoang dâm!” – Giông tố
Cả những tay cổ động Phật giáo lại đi xây hàng dãy nhà xâm, một ông quan thuộc địa “cáo già” dùng lời nói ngọt ngào, hành động khôn khéo để phỉnh dân, bóc lột dân cho dễ, gã quan huyện thì chuyên bênh vực người có của.
Số phận đổi thay, lòng người biến chất, mọi sự bát nháo đảo điên kéo đến cùng những cơn giông tố không ai lường trước được. Xã hội cũ đã hiện lên hết sức tồi tệ và đáng căm giận nhưng cũng thật là bi đát, đầy đau thương tủi nhục.
Làm đĩ – Tiếng chuông cảnh tỉnh về tầm quan trọng của giáo dục giới tính
Làm đĩ cũng là một trong những cuốn phóng sự thuộc hàng kinh điển của văn học Việt Nam hiện đại, không chỉ câu chuyện về mỹ nhân làm nghề buôn phấn bán hương mà còn là lời cảnh tỉnh về đạo đức, giáo dục giới tính.
“Em ngày nay đã trở nên một tay kiện tướng trong nghề hoa nguyệt, song lẽ khi cầm đến bút để tả lại cái đời bèo bọt của em, em thấy tuổi ngây thơ trong sạch của em cũng đáng cho người đời phải quan tâm để cũng muốn hỏi em như em vẫn xót xa cứ căn vặn mãi mình: “Vì lẽ gì em đến nỗi trụy lạc?” – Làm đĩ
Ngoài ra những di sản trong gia tài văn chương đồ sộ của Vũ Trọng Phụng còn có phóng sự Lục xì, Cạm bẫy người, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy tây, tiểu thuyết Vỡ đê, Lấy nhau vì tình, truyện ngắn Chống nạng lên đường, Một cái chết.
“Thọ hay yểu không quan hệ với cái sống nhiều sống ít. Nó quan hệ ở chỗ có cái gì để lại cho đời sau hay không.” – Ngô Tất Tố
Ông là phần tử tiên phong và can đảm trong văn chương, dám dùng ngòi bút lách sâu vào từng thớ thịt thối nát của cuộc sống để vạch ra những ung nhọt hôi hám, lên án một cái xã hội xuống cấp đáng bỉ ổi mà cũng đầy đau đớn, dằn vặt.
Kiện tướng của những nhà văn tả chân
Vũ Trọng Phụng từng được khen là Balzac của Việt Nam, một người thư ký trung thành với thời đại. Ở hai ông có sự gặp gỡ về cá tính sáng tạo độc đáo, mang lại tiếng cười vang vọng sảng khoái song không khỏi khiến độc giả suy ngẫm đến những vấn đề được đặt ra.
Quan niệm văn chương của Vũ Trọng Phụng là hướng đến sự thật, cây bút sắc sảo của chủ nghĩa hiện thực phê phán ấy đã từng nói rằng, “các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thật ở đời”.
“Còn người viết chuyện của phái tả chân thì khác. Trái lại, họ phải tránh những chuyện gọi được là thần kì. Mục đích của họ chẳng phải là cốt kể cho ta một câu chuyện phi thường để ta cảm phục và được giải trí, nhưng là ép ta phải nghĩ ngợi, nghĩ ngợi rồi xét đoán cho ra những cái tinh hoa lẩn trong nét mực tả chân.” – Vũ Trọng Phụng
Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam phát triển mạnh mẽ từ những năm 1930 đến 1945 với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn như Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nam Cao, Ngô Tất Tố.
Tác phẩm của họ là bức tranh xã hội ảm đạm, đầy bi kịch với nạn nhân bị đẩy đến đường cùng. Nhà văn Nguyễn Khải khi nhắc tới các danh tác Bước đường cùng, Tắt đèn, Giông tố đều đánh giá là đây những tác phẩm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học.
Trào phúng là cảm hứng chủ đạo của các nhà văn hiện thực bấy giờ song mỗi người lại chọn một mảnh đất màu mỡ khác nhau để khai thác. Nếu những tác giả cùng thời hòa mình vào cái nghèo khó khốn khổ thì Vũ Trọng Phụng lại hướng ngòi bút tới thói ăn chơi đua đòi của đám thượng lưu đồi bại.
“Mà đó là lần đầu Tiết Hằng sa vào tội lỗi, đã chịu nhận sự âu yếm ở miệng một kẻ không là chồng, cả hai đều sa ngã nhưng đều sung sướng cực điểm. Thốt nhiên, một tiếng gót giày nện mạnh, cánh cửa phòng bật tung ra. Cặp nhân tình vội buông nhau, quay lại nhìn thì, đó là Đào Quân, đó là người chồng đứng trước cái tang chứng là vợ ngoại tình, nhưng mà chỉ đứng thừ người ra, mặt dần dần tái đi chứ không nói gì cả.” – Dứt tình
Dưới con mắt trào phúng bậc thầy của ông vua phóng sự, bi hài kịch cứ hiện lên nối tiếp, đan xen nhau. Mọi thói hư tật xấu, bộ mặt giả nhân giả nghĩa, bọn thực dân, đám quan lại, địa chủ, tư sản hiện lên lố lăng và đểu giả.
Ông đã làm bùng lên sân khấu đại hài kịch với những tiếng cười chua chát, căm phẫn cái xã hội bẩn thỉu bằng ngòi bút trung thành với hiện thực. Ông không cường điệu hóa, cũng chẳng nói giảm nói tránh, để độc giả tự cảm nhận và đánh giá những gì thuộc về sự thật.
Hiện thực trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được lắp ghép từ bối cảnh xã hội, môi trường sống kết hợp với cảm quan lịch sử. Phương thức ông tiếp cận chất liệu và đưa vào văn chương không bóp méo, không xuyên tạc mà nguyên thủy như bản chất vốn có của nó.
Nhà văn dám đưa ra những vấn đề cấm kỵ của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, đó là tình dục, đồng tính luyến ái, mại dâm. Ông cũng không ngại đi sâu vào những mặt tối để điều tra sự thật như cờ bạc, buôn phấn bán hương.
“Người ta kháo nhau về nhà trọc phú kia vừa dựng tượng kỷ công minh, bà chủ hiệu vàng bạc nọ, hồi xuân đánh đĩ long trời, lở đất, mà vừa được “tiết hạnh khả phong”, ông sư chùa này đi hát ả đào thi, và làm những trò như thế nào, vị tiểu thư khuê các kia bị bồi săm bóc lột ra làm sao, thôi thì đủ tất cả những chuyện rừng có mạch, vách có tai, mà những cái phù hoa hào nhoáng bề ngoài, thứ nước son trưởng giả của một cái xã hội đê tiện không thể che đậy cho kín được.” – Giông tố
Lối viết của Vũ Trọng Phụng luôn thấm đẫm tính phóng sự, ghi chép lại tất cả những lời sống sượng, thô bỉ tận nơi góc cùng ngõ hẻm, khu tăm tối của đủ mọi tiền gian bạc lận, nơi đĩ điếm, ma cô, chốn sang giàu, dung tục.
Hiện thực trong văn ông sâu xa và rộng lớn hơn bất cứ ngòi bút nào thời bấy giờ. Không còn một chút ảo tưởng nào về cái tốt đẹp nơi lòng dạ con người, đi sâu vào sơn cùng thủy tận của sự bất nhân. Có thể sẽ hơi cực đoan nhưng có một điều không thể phủ nhận, rằng những điều đó chính là sự thật ở đời.
Ông vua của phóng sự Bắc Kỳ
Thuở ban đầu bước vào nghề văn, Vũ Trọng Phụng viết kịch và truyện ngắn nhưng chưa thực sự gây được chú ý. Mãi cho đến khi dấn thân vào mảng phong sự, tên tuổi của ông mới được biết đến rộng rãi.
Những hiện tượng của xã hội đề cập qua ngòi bút sắc sảo và hóm hỉnh của tài năng văn chương ấy đã trở nên “sốt dẻo” và hấp dẫn hơn bao giờ hết. Hàng loạt bài báo đã ra đời giúp cho Vũ Trọng Phụng đạt đến đỉnh cao sự nghiệp – “Ông vua phóng sự Bắc Kỳ”.
Ông là một nhà văn viết phóng sự, các bài viết của ông thường có chất tiểu thuyết, có sáng tạo nhân vật với những số phận khác nhau. Điều đó giúp ngôn từ trong các tác phẩm Vũ Trọng Phụng trở nên hài hòa, phù hợp với “com-măng” của xã hội.
“Cây bút của Vũ Trọng Phụng những năm đầu là một cây bút phóng sự, một cây bút phóng sự sắc sảo và khôn ngoan, sau ông luyện nó ra một cây bút tiểu thuyết, nhưng cái giọng phóng sự vẫn còn.” – nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan
Tính chất trào phúng trong các thiên phóng sự đưa ông đi xa hơn, nhìn thấu đau thương qua lăng kính trào lộng, khiến cho người đọc cảm thấy đau đớn chua chát với những gì đang ngày ngày diễn ra ở xã hội trên chính đất nước mình đang sống.
Thân phận của những cô gái quê lên tỉnh đi ở cho nhà người ta cùng cái chợ buôn người nhung nhúc. Vũ Trọng Phụng đã nuôi tóc dài theo mốt Phi – lu – dốp và ăn vận theo kiểu bọn con đòi để trà trộn vào tìm hiểu cái sự thực bán buôn ăn ở của nghề tôi tớ.
“Nó (Hà Thành) đã cất tiếng gọi dân quê bỏ những nơi đồng khô cỏ héo đến đây để chết đói một lần thứ hai sau khi bỏ cửa bỏ nhà. Nó đã làm cho giá con người phải ngang hàng với giá loài vật. Nó đã làm cho một bọn trẻ đực vào nhà Hỏa Lò và một bọn trẻ cái làm nghề mãi dâm.” – Cơm thầy cơm cô
Thêm nữa là chân dung của những mụ già ma cô hóa cáo, trùm tú bà lắm thủ đoạn, khắc họa sự lầm than của kiếp người, người bóc lột người, ở bất cứ thời nào, nơi nào, càng sâu sắc và khốc liệt hơn dưới những chế độ độc tài mà pháp luật luôn dừng lại ở vòng ngoài.
“Ấy thế rồi, cha tiên nhân năm đời mười đời nhà nó!… Chính nó làm cho tôi mất tân! Anh ơi, tôi lúc ấy mới có 13 tuổi đầu mà nó nhét giẻ vào mồm tôi, giữ hai chân tôi, cho thằng oẳn cứ việc hiếp lấy hiếp để!” – Cơm thầy cơm cô
Thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng có thể ví von như một triển lãm về tấn trò đời hài hước mà cay đắng của xã hội Việt Nam thời Á – Âu. Ông đứng ở trên cao và quan sát đời sống ở những thời điểm nhạy cảm nhất của nó.
Bên cạnh các bài phóng sự, Vũ Trọng Phụng cũng hướng ngòi bút của mình đến thể loại truyện ngắn để mô tả sự bất nhân, sự lầm than, phô bày ra ánh sáng cái ác mà người ta thậm chí không tưởng tượng nổi.
Xác người ăn mày chết cóng nằm bên miệng cống ruồi bu nhặng bám trong Một cái chết, bà cụ ăn xin bị quạ mổ nát nhừ ở Bà lão lòa, đứa con bất hiếu cố vành mồm người cha đã chết để lấy cho bằng được bộ răng vàng.
Phóng sự và tiểu thuyết phóng sự của Vũ Trọng Phụng đều hướng tới những luận đề xã hội nóng bỏng, ứng nghiệm nghệ thuật cao vào đời sống. Tuy nhiên với cách viết táo bạo, ông đã không nhận được sự đồng tình ủng hộ của một bộ phận dư luận đương thời.
Tính “dục” trong văn chương Vũ Trọng Phụng
Vũ Trọng Phụng nổi tiếng trên văn đàn trước hết bởi một loạt phóng sự phản chiếu thực tại của xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Những tác phẩm của ông gây ấn tượng không chỉ bởi giá trị nhân đạo cao mà còn là bản lĩnh dám nói lên tính “dục” trong mặt khuất của con người.
Từng thời kỳ văn học khác nhau lại có khái niệm mỹ học khác nhau. Do đó hình tượng con người bản năng cũng được xây dựng khác nhau, đặc biệt là tính “dục”. Trước đây vì hệ tư tưởng tôn giáo khắt khe nên văn chương vẫn còn rất e dè đối với đề tài này.
Tuy nhiên vẫn có một vài văn sĩ đề cập đến một cách công khai và táo bạo như Nguyễn Dữ, Hồ Xuân Hương. Những chuyện tình trong Truyền kỳ mạn lục đã làm “xôn xao cả cõi trần thế”, là một bài ca đầy huyền ảo về tình yêu nhục cảm.
“Giữa lúc sông quạnh trăng mờ, bốn bề im lặng, đạo nhân thấy một đôi trai gái, thân thể lõa lồ mà cùng nhau cười đùa nô giỡn, một lát, đến gõ thình lình gọi hỏi trong chùa. Đạo nhân cho là đôi trai gái lẳng lơ đêm trăng dắt nhau đi chơi, khinh bỉ cái phẩm cách của họ…” – Truyền kỳ mạn lục
Đến thập niên ba mươi của thế kỷ XX, trên văn đàn Việt Nam xuất hiện hai khuynh hướng báo chí đối lập là Tự lực văn đoàn với văn phong lãng mạn, đề cao cái đẹp và phía đối lập là Tiểu thuyết thứ bảy dùng ngòi bút vẽ nên những tệ đoan xã hội của thời Pháp thuộc.
Là nhà văn, nhà báo thuộc hệ tư tưởng thứ hai, Vũ Trọng Phụng thẳng thắn phanh phui những sự thật đen tối nhất của cuộc sống, không ngần ngại đề cập đến vấn đề xác thịt và tính dục của con người, cho dù đó là những điều cấm kỵ.
Hiển nhiên các tác phẩm thuộc phạm trù đó của ông đã làm “ngứa mắt” một bộ phận tri thức nghiêm chỉnh thời ấy, phê phán văn ông là dâm dục, ô uế. Điều này không làm nhà văn chùn bước, trái lại ông hết sức dũng cảm đấu tranh để tìm ra nghĩa lý của cuộc đời.
Nhà văn Khái Hưng của Tự lực văn đoàn nói Vũ Trọng Phụng là chỉ nhìn thấy mặt xấu của con người, Nhất Linh lại chê là dâm ô. Điều đó tạo nên cuộc bút chiến nảy lửa về sự đối lập về quan điểm và phong cách văn học giữa hai khuynh hướng tư tưởng.
Số đỏ ngày nay là một di sản khó có thể thay thế trong kho tàng văn chương Việt Nam nhưng thời điểm ông ra mắt tác phẩm thì lại bị coi như một “scandale” mà những người “đứng đắn” không thể bảo kê được.
Đặc biệt Làm đĩ là tác phẩm gây nhiều tranh cãi nhất, người ta cho rằng tiểu thuyết này có hại cho việc giáo huấn đạo đức thanh thiếu niên. Tuy vậy vẫn có không ít ý kiến cho rằng cuốn sách mang giá trị nhân văn hết sức cao cả.
“Đời Huyền, gần cả một đời của Huyền, đã thu gọn trong tập vật liệu mỏng mảnh ấy. Dẫu sao, tôi cũng thấy Huyền là khả ái, ở chỗ thông minh hơn đa số – nếu không tất cả – những gái giang hồ. Và nhờ tập bút ký ấy, có lẽ mà cái bỏ đi của Huyền cũng không đến nỗi là bỏ đi, đối với đàn bà con gái khác.” – Làm đĩ
Khi phản ánh vào tác phẩm, Vũ Trọng Phụng đã vẽ lại một cách chân thực những tiệm ảnh mọc lên vuốt ve vẻ đẹp các cô gái, những tiệm may âu hóa giúp người phụ nữ khoe cơ thể, các hình thức giải trí như khiêu vũ, các trò tiêu khiển như đua ngựa, cá cược, mạt chược.
Đó là những điều mắt thấy tai nghe hằng ngày ở xã hội nhưng khi động chạm đến vấn đề ân ái thì người ta lại lên án rằng ông khiêu dâm chứ không phải giảng dạy khoa học và ái tình giáo dục.
Dù vấp phải luồng ý kiến phản đối mạnh mẽ song không thể phủ nhận rằng Vũ Trọng Phụng đã có nhiều đóng góp mới cho văn học thông qua nghệ thuật khắc họa nhục cảm, phô bày được những góc khuất của xã hội một cách đầy gai góc, chân thực.
Vũ Trọng Phụng và những câu chuyện chưa kể
Sinh thời, Vũ Trọng Phụng sống trong nghèo khó nhưng khi viết Lục xì, Cạm bẫy người, Làm đĩ, Lấy nhau vì tình, người đời lại cứ tưởng ông là một tay chơi có hạng đất Hà Thành. Đâu ai biết rằng đằng sau sự nhầm lẫn thú vị ấy lại là nỗi đau cứ dằn vặt ông mãi.
Tuy không phải “tay chơi có hạng” như mọi người đồn thổi song Vũ Trọng Phụng vẫn có thể viết về những ngón nghề ấy một cách trơn tru mượt mà là bởi ông ham đọc báo chí sách vở để nhặt tin tức, điều đó cho thấy tâm huyết làm nghề của một nhà báo có tầm như ông.
“Đau đớn thay cho Phụng. Cho đến tận lúc chết anh chỉ phàn nàn có mỗi lúc câu: Giá mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu đã đến nông nỗi này.” – Vũ Bằng
Ông có một người bà con tên Trưởng Tạo cùng ở một căn hộ, người tầng trên, người tầng dưới, một tay ăn chơi lõi đời, rất thạo các ngón cờ bạc, ông ta là một kho tư liệu sống, thường xuyên cung cấp “thực tế” cho Vũ Trọng Phụng.
Cạnh nhà ông còn sừng sững dinh cơ của bà Bé Tý, một mụ me Tây cao cấp nổi tiếng một thời. Hàng ngày, thứ giễu qua giễu lại trước mắt Vũ Trọng Phụng là một thế giới nhân vật đa dạng, vậy nên ông dễ dàng bắt lấy nhiều hơn mặt trái của cuộc đời.
Những năm tháng cuối đời, Vũ Trọng Phụng bị lao phổi song không có tiền chạy chữa. Thầy thuốc khám bệnh và ra toa chữa trị cho ông chính là người bạn thân thiết Ngô Tất Tố. Văn sĩ họ Ngô cũng không dám nói thật bệnh tình vì không muốn bạn trước khi từ giã cõi đời, ngoài cái lo nghèo lại còn lo thêm cái chết.
Nhà văn còn từng bị gọi ra tòa trong một vụ án văn chương, truy tố về tội chửi phong hóa. Đây là thứ văn chửi đời cực thịnh thời Pháp thuộc, Vũ Trọng Phụng lại không ngần ngại thể hiện quan điểm của mình nên đã rơi vào “tầm ngắm” của bọn cai trị tay sai thời đó.
Chủ trương văn chương tả chân của nhà văn trẻ đã khiến ông gặp phản ứng mạnh từ xã hội đương thời. Vậy nên tòa đã cho Vũ Trọng Phụng hưởng án treo và phạt năm mươi quan tiền để răn đe.
Đời Vũ Trọng Phụng luôn luôn thấy sự túng thiếu nhưng không lúc nào ông tự đem sự túng thiếu mà làm phiền lụy người khác, dù khi túng thiếu cực điểm cũng vậy. Vậy mà khi đã chết ông lại bị hai người con trai mạo danh nào đó dùng tên tuổi mình để trục lợi.
“Vũ Trọng Phụng chỉ có duy nhất một cô con gái tên là Vũ Mỵ Hằng, vợ của ông. Sinh thời nhà văn sống bấn bách, khổ sở cho đến khi chết. Bản thân nhà văn Vũ Trọng Phụng là người mực thước, chỉn chu với gia đình. Người như vậy không thể nói có chuyện ong bướm, càng không có chuyện vợ này con nọ.” – Con rể văn sĩ là Nghiêm Xuân Sơn đã khẳng định như vậy.
Vũ Trọng Phụng là cây bút đặc biệt của thế hệ đầu nguồn, thế hệ vàng của văn chương Việt Nam hiện đại. Ông là người từng trải cảnh đời, tình người đến mức nhiều khi cay nghiệt nhưng lại là người sống rất trung hậu, tình nghĩa, đầy trách nhiệm.
Nhà văn đã mất cách đây hơn tám mươi năm nhưng giá trị văn chương mà ông để lại cho hậu thế vẫn còn mãi, như người bạn thân Ngô Tất Tố đã quả quyết, “ông Phụng tuy chết, mười mấy tác phẩm của ông vẫn còn sống. Thế cũng là thọ”.
Tiểu Mai
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất