Có những điều chỉ được lưu lại bằng trang văn, có những kỷ niệm chỉ được gìn giữ bằng câu chữ. Với Thạch Lam, một Hà Nội với phố phường, ngõ ngách, hàng quán và thức quà riêng đã được Thạch Lam trân trọng, khắc sâu vào trang viết đời mình.
Xuất bản năm 1943, Hà Nội băm sáu phố phường gồm hai mươi bài viết được in trên báo. Nó là áng văn đẹp giữa muôn vàn sáng tác của nhà văn, thứ quà ông gửi tặng riêng cho mảnh đất Hà thành dấu yêu.
Thạch Lam và hành trình đến với Hà Nội băm sáu phố phường
Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sinh năm 1910 trong một gia đình công chức tại làng Cẩm Phô, tỉnh Quảng Nam. Ông được biết đến như em ruột Nhất Linh và Hoàng Đạo, hai thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn.
Không giống như bạn bè đồng trang lứa, văn sĩ đã trải qua một thời kỳ ấu thơ khó khăn và thiếu thốn khi bố mất sớm, mẹ phải làm lụng vất vả để nuôi bảy người con.
Sau khi đỗ Tú tài, nhà văn thôi học, quyết định làm báo cùng hai anh trai và tham gia Tự lực văn đoàn. Ông được anh trai Nguyễn Tường Tam phân công biên tập tuần báo Phong hóa và tờ Ngày nay.
Là một cây bút dồi dào sức sáng tạo, người nghệ sĩ đã cho ra đời nhiều tác phẩm trường tồn với thời gian như Nhà mẹ Lê, Hai đứa trẻ, Sợi tóc, Gió lạnh đầu mùa, Dưới bóng hoàng lan.
Hầu hết sáng tác của ông đều theo một kết cấu đơn tuyến, không có cốt truyện rõ ràng mà thường dựa vào cảm xúc nhân vật. Cũng vì vậy, độc giả cảm giác như đang phiêu du vào một vùng đất đầy chất thơ khi đọc văn Thạch Lam.
Tập bút ký Hà Nội băm sáu phố phường tập hợp từ các bài viết mà ông xuất bản trên báo. Tác phẩm là bức họa toàn cảnh về Hà Nội và những điều thân thương nhất của mảnh đất kinh kỳ trứ danh.
Đôi mắt tinh tường, ngòi bút tài hoa của nhà văn đã đưa từ chuyện phố phường, ăn uống đến tiếng rao đêm, nghệ thuật biển hàng, góc khuất đằng sau chốn thị thành vào văn chương.
Lời tựa đầy chất thơ trong tập bút ký về Hà Nội
Ngay từ những dòng đầu tiên của tập bút ký, Thạch Lam đã dành những lời lẽ đầy sự âu yếm và tình yêu thương của một người con dành cho đất mẹ.
Sự quấn quýt và tự hào về Hà thành đã quyện làm một với ngòi bút của nhà văn, kết tinh thành lời tựa phảng phất sự thi vị, dẫn dắt người đọc vào tác phẩm một cách tự nhiên nhất.
Thạch Lam yêu Hà Nội bằng tâm hồn của một người thủ đô chính hiệu, tựa người Pháp yêu Paris, người Anh yêu London hay người Tàu thiết tha với Thượng Hải.
“Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật (chúng ta chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội, cũng như người Parisien chính hiệu yêu mến Paris…”
Thạch Lam yêu thương Hà Nội với tất cả những gì dịu dàng và nên thơ nhất. Song không vì thế mà ông nhìn thành phố bằng một cặp mắt lơ đãng, người văn sĩ luôn chú ý đến những biến chuyển, dù là nhỏ nhất của phố phường.
“ta nên chú ý đến những nét đổi thay của thành phố, nên nhận xét những vẻ đẹp cũng như vẻ xấu của phố phường, thân mật với những thú vui chơi hay những cảnh lầm than, với những người Hà Nội cũng như ta.” – Thạch Lam
Thạch Lam yêu và mến Hà Nội như người nông dân yêu đến tha thiết mảnh ruộng của mình. Thế nhưng ông không làm ngơ, ngược lại còn oán trách nhẹ nhàng những góc khuất của thành phố, những tư tưởng sính ngoại đang dần len lỏi.
Khi ẩm thực được nâng tầm thành nghệ thuật
Văn học ẩm thực kỳ thực là một thể loại hiếm người viết. Người ta thường viết về người, về chuyện đời, chuyện cảnh chứ ít ai đủ “sành” để biến ẩm thực hóa thành văn.
Ấy thế mà, nhà văn của những xúc cảm ấy đã đi sâu vào những món ăn chốn Hà thành để sáng tạo nên những trang văn phảng phất phong vị của ẩm thực, văn hóa. Với Thạch Lam, Hà nội không chỉ đẹp bởi Hồ Tây hay kiến trúc hoài cổ mà còn bởi những món ngon.
Để có thể đem ẩm thực phơi trải lên trang văn, Thạch Lam đã đi khắp nơi trên mảnh đất kinh kỳ để nếm và cảm nhận từng hương vị riêng của mỗi thức quà. Mỗi món ăn không đơn giản là ẩm thực mà còn ẩn chứa câu chuyện riêng của văn hóa nơi đây.
Nếu như Vũ Bằng luôn đề cao những món ăn đậm đà hương vị nhưng vẫn toát lên vẻ thanh tao thì Thạch Lam lại dành sự trân trọng, nâng niu của mình cho các món ngon, đặc biệt là những thức quà vặt.
Qua ngòi bút tinh tế và tài tính của ông, hương vị của Hà Nội xưa như dần hé mở, mời gọi người đọc phải hòa vào từng con chữ để dừng tay trên những trang sách, cảm nhận chúng một cách trọn vẹn.
Theo chân Thạch Lam vào trang sách, người đọc như đến với vùng đất ẩm thực đặc trưng. Nào là “bún sườn và canh bún”, “bánh đậu”, “bánh khảo, kẹo lạc”, mỗi thứ đều gắn liền với nếp sinh hoạt và văn hóa của con người Thủ đô.
Thạch Lam viết nhiều về cái đẹp nhưng văn của ông không xa rời mà gắn liền với cuộc sống, bám rễ để rồi đâm chồi và nảy nở. Chính vì thế, độc giả thấy các thức quà ngon kia chưa từng lạc lõng, tách mình ra khỏi đời sống người dân thị thành.
“Cứ mỗi buổi sáng, từ sáu giờ cho đến bảy giờ, chỉ trong quảng ấy thôi, vì ngoài giờ gánh phở hết, chung quanh nồi nước phở, ta thấy tụm năm tụm ba, các bệnh nhân đàn ông và đàn bà, các bác gác san, các thầy y tá, và cả đến các học sinh trường Thuốc nữa. Chừng ấy người đều hợp lòng trong sự thưởng thức món quà ngon, nâng cách ăn phở lên đến một nghệ thuật đáng kính.”
Phở gắn liền với nếp sinh hoạt của người Thủ đô, họ đã để phở trở thành một phần trong đời sống thường ngày. Đây cũng chính là điểm nổi bật trong sáng tác của ông khi mọi sự vật, sự việc nhà văn miêu tả luôn gắn liền với con người.
“Sau khi vỡ nợ, tay trắng trở về, chú lại ghé lưng xuống gánh lấy gánh hàng mằn thắn cũ tiếng vẫn rao vàng, và cái miệng vẫn tươi cười như trước. Đó là một tấm gương mà chúng ta lại càng nên theo nữa.”
Từ miếng ăn, Thạch Lam lại liên tưởng đến những bài học làm người. Ẩm thực qua cách miêu tả của Thạch Lam, đã trở thành phương tiện để truyền tải những bài học về cuộc sống.
Đơn cử mỗi vùng miền sẽ có những nét độc đáo riêng, bún chả ở kinh đô chắc chắn là hương vị sẽ phong phú hơn. Người đầu tiên nghĩ ra món này thì thật đáng quý trọng, Thạch Lam đặt vị ấy ngang hàng với người tạo ra tác phẩm văn chương.
” Người đó đáng được chúng ta nhớ ơn và kính trọng ngang, hay là hơn với người tạo nên được tác phẩm văn chương … Có lẽ người kia còn làm ít cho nhân loại hơn là người này nữa.”
Trong nhãn quan người văn sĩ này, ăn quà không chỉ là việc nếm thử những sản vật trời đất ban cho, đó còn là quá trình cảm thụ tinh hoa, bộc lộ thần thái và tính cách, thể hiện trình độ văn hóa của người thưởng thức.
Cốm – tinh hoa của ẩm thực Hà Nội
Khi nhắc đến ẩm thực Hà Nội, nhiều độc giả sẽ nhắc ngay đến cốm, thức quà đặc biệt của đất nước, thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh. Cốm mang trong mình cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết từ đồng quê nội cỏ Việt Nam.
Không đâu làm cốm dẻo và ngon như ở làng Vòng, một địa điểm gần Hà Nội. Viết về cốm, Thạch Lam đã dùng tất cả sự trân quý, nâng niu, đã chọn những câu chữ đẹp đẽ, trong sáng nhất.
Nhà văn không đứng từ góc độ người am hiểu thâm sâu về cốm, không phải chuyên gia về ẩm thực. Trang viết về cốm của ông là trái tim của người con Hà Nội, của một tâm hồn luôn hướng về quê hương.
Vì trân trọng thức quà hội tụ tinh hoa trời đất, Thạch Lam khẳng định nó không dành cho người vội. Người thưởng cốm nên ăn từng chút một và cảm nhận hương vị đến từ thiên nhiên, cảm nhận cái tâm của người làm cốm.
“Phải nên kính trọng cái lộc của Trời, cái khéo léo của người, và sự cố tiềm tàng và nhẫn nại của thần lúa.”
Nhà văn bày tỏ sự kính trọng sâu sắc đến món ăn được ví như món lộc mà ông Trời ưu ái dành tặng con người, nghiêng mình trước những gì thần lúa đã ban cho.
Những thứ “chuyên môn” của Hà Nội băm sáu phố phường
Về Hà Nội, người ta không chỉ được thưởng những món trứ danh mà ba mươi sáu phố phường, ở đâu cũng có món ngon được liệt vào dòng “chuyên môn”.
“Vậy thì, nếu nơi nào có thức “chuyên môn” riêng của nơi ấy thì Hà Nội cũng có thức chuyên môn riêng của ba mươi sáu phố phường.”
Món ngon không chỉ để thưởng thức mà nó còn là thứ mà người ta chọn mua làm quà cho người thân mỗi khi có dịp ghé Hà thành. Bởi lẽ, chỉ thức quà ấy thôi cũng đã gói ghém đủ hương vị của chốn thị thành nức danh.
Nhắc đến Hàng Than, độc giả không thể nào bỏ qua bánh cốm và bánh xu xuê vốn nổi tiếng khắp Bắc Kỳ. Nó cũng như khi đề cập đến Hàng Giấy, sẽ là thiếu sót lớn nếu bỏ qua bánh cộng.
Để cảm nhận đúng hương vị của những thứ bánh ấy, người ta cũng phải “chịu khó” bỏ công để tìm nơi chính hiệu giữa vô vàn những gánh hàng. Trong tác phẩm, nhà văn đã đề cập trực tiếp về một nơi làm bánh cốm tên Nguyên Ninh.
“Nhà bánh cốm “Nguyên Ninh” tôi tưởng là một nhà làm bánh cốm cũng đã lâu đời, cùng với nhiều nhà khác. Họ biết giữ cho cái vị bánh được ngon đều, và điều này cần nhất, biết thay đổi trong cách trình bày và trang điểm cho thứ quà được lịch sự và trang trọng thêm lên.”
Tác giả không chỉ am hiểu thứ quà thuộc hàng “chuyên môn” của từng phố phường, ông còn tường tận về cách làm bánh cũng như cái tình mà người tạo ra chúng đã gửi gắm.
Với Thạch Lam nói riêng và những người bén duyên nghệ thuật nói chung, sự am hiểu của người nghệ sĩ không dừng lại ở những điều mà ai cũng có thể quan sát.
Họ phải đi sâu vào sự vật, dùng trái tim và tâm thức để đối chiếu và nhìn nhận. Có như thế, trang văn khi viết ra mới có thể lay động tâm hồn của người thưởng thức.
Sự hoài niệm về thủ đô xưa của nhà văn Thạch Lam
Thạch Lam nhìn Hà Nội không chỉ bằng lăng kính của một người con thủ đô mà còn bằng đôi mắt tinh nhạy của người nghệ sĩ. Lương tâm, đạo đức nghề nghiệp không cho phép ông dửng dưng trước những thay đổi của mảnh đất kinh kỳ đáng kính.
Tư tưởng sính ngoại đang dần len lỏi vào cuộc sống nơi đây, nó khiến Hà Nội như đánh mất nét hoài cổ đã làm bao con người thương thầm và nhớ nhung.
Thạch Lam không tô vẽ hay che giấu, ông thẳng thắn bày tỏ sự thất vọng khi nghệ thuật biển hàng dần biến mất, đền Ngọc Sơn bị thay đổi và những tục lệ tốt đẹp cứ thế phai mờ, chúng bị thay dần bởi những thứ hào nhoáng và thô kệch từ bên ngoài.
“Những cái tục lệ đẹp đẽ ấy nay mất dần đi. Sự sành ăn và cái thưởng thức của người nơi vật đã kém sắc sảo, ý nhị rồi chăng? Có thể mới ra đời được những thứ phục linh cẩu xanh đỏ và nhây nhớt, những thứ kem “Việt Nam” và “Hải Phòng” và “Thượng Hải” và trăm thứ bà rằn vừa nhạt vừa tanh… Tôi còn tha thứ hơn cái thứ “kẹo vừng, kẹo bột” ngày xưa tuy nó không ngon, nhưng ít ra cũng đem lại cho phố phường Hà Nội cái tiếng rao kéo dài và hơi buồn của lũ trẻ bán hàng”.
Dành rất nhiều trang văn và bút mực cho ẩm thực thủ đô, nhà văn đã không giấu được sự thất vọng khi chứng kiến những món ăn thấm đẫm tinh hoa văn hóa của ông cha mất đi sự trân trọng, nâng niu vốn có.
“Những cái gia truyền dần dần mất đi, những cái khéo léo không còn giữ được. Chúng ta đã khinh bỉ cái ăn, cái uống quá, tuy không tự thú rằng những cái đó là cần, rằng tự mình vẫn thích. Giờ đến lúc phải nên thẳng thắn, và thành thực: Trọng cái mình yêu và công nhận cái mình thích.”
Đây cũng là lúc Thạch Lam đưa ra hồi chuông cảnh tỉnh, nhắc mọi người nhớ về văn hóa cổ truyền, giá trị cốt lõi của đất nước và nhân dân.
Không chỉ nhạy cảm trước sự đổi thay của thành phố, Thạch Lam còn dùng đôi mắt tinh anh và trái tim ấm áp để viết về những mảnh đời cơ cực, những góc khuất của số phận đằng sau Hà Nội phồn hoa.
Những gánh hàng rong “vội vàng và yên lặng, không nói một lời nào” vẫn được Thạch Lam nhắc trong trang viết của ông, với một thái độ cảm thông và trân quý.
Tính dân tộc trong Hà Nội băm sáu phố phường
Những trang viết của người nghệ sĩ tinh tế và tài ba này đã bộc lộ phần nào nét đẹp và cái độc đáo ở ẩm thực Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Đây cũng là một khía cạnh của tính dân tộc trong sáng tác nhà văn.
Ngoài ra, vẻ đẹp của Hà Nội còn được ngòi bút văn sĩ khắc họa qua những chốn ăn chơi sầm uất nức tiếng. Thăm Hà Nội, người ta không thể nào không ghé những nơi mang đậm chất Hà thành.
“Muốn biết rõ một thành phố, không cần phải biết những lâu đài mỹ thuật, những nhà bảo tàng, những tờ báo hay những nhà văn, nhưng cần phải biết những chốn mà dân thành phố ấy ăn chơi. Ăn và chơi, phải, đó là hai điều hành động mà trong ấy người ta tỏ rõ cái tâm tình, cái linh hồn mình một cách chân thực nhất.”
Cách Thạch Lam sống và viết thật giống nhau, ông không qua loa, hời hợt, ôm đồm mà trái lại rất nhẹ nhàng và tinh tế. Ngòi bút của tác giả len lách vào từng con hẻm, từng góc khuất để khai thác những nét tính cách Việt.
Trong hầu hết truyện ngắn, Thạch Lam luôn đặt vào hình ảnh những người phụ nữ Việt. Mẹ Lê vất vả chăm lo đàn con ở Nhà mẹ Lê, cô bé Tâm của Cô hàng xén băn khoăn, lo lắng về trách nhiệm với cha mẹ và các em.
Ở đây, tính đảm đang, chịu khó của phụ nữ Việt đã đi vào Hà Nội băm sáu phố phường rất đỗi tự nhiên và giản dị. Hà Nội mà Thạch Lam khắc họa đẹp còn bởi những nét tính cách và tâm hồn.
“Ồ, nhưng mà chúng ta hãy trở lại cô hàng nước của ba mươi sáu phố phường. Cô nhũn nhặc lắm: cô mặc cái áo tứ thân nâu cũ, giản dị và đảm đang như các cô gái Việt Nam. Trong mấy ngày Tết, người ta mới thấy cô khoác cái áo mới hơn một chút, vấn vành khăn tròn trặn và chặt chẽ hơn. Và dưới mái tóc đen, lúc đó mới lấp lánh mặt đá của đôi bông hoa vàng, bà cụ đánh cho cô năm vàng còn rẻ, làm cái vốn riêng, chắc thế.”
Tính dân tộc trong tác phẩm không chỉ nằm ở văn hóa ẩm thực, những địa điểm đặc trưng hay tính cách Việt mà còn thể hiện qua tấm lòng của người viết. Thạch Lam đã bày tỏ tình yêu thương, trân trọng của một người Việt Nam với đất mẹ dấu yêu.
Tính đặc sắc nghệ thuật của Hà Nội băm sáu phố phường
Thạch Lam không chỉ đưa độc giả đến với một Hà Nội trọn vẹn mà ông còn khiến họ ngạc nhiên, suýt xoa bởi sự vận dụng điêu luyện và tài ba các thủ pháp nghệ thuật.
Để có thể đưa những điều đặc trưng và thân thuộc nhất của mảnh đất Hà thành vào trang văn, văn sĩ đã sử dụng vốn ngôn ngữ giàu chất trữ tình, giản dị và gần gũi tựa lời ăn tiếng nói hàng ngày của con người nơi đây.
Ngôn ngữ ấy hệt thứ nắng ban mai dịu dàng, quyến luyến người đọc bởi sự ấm áp và dịu ngọt toát lên từ chất thơ, ví như “chất nước ngọt ngào thấm trong trái táo” mà Puskin từng nhắc đến.
Thạch Lam cũng phát huy tối đa sự phong phú, giàu đẹp của Tiếng Việt trong trang văn. Khác với thứ nghệ thuật bóng bẩy, cầu kỳ và tượng trưng của văn học trung đại, ngôn ngữ của nhà văn hướng tới cái bình dị và trong sáng.
“Thạch Lam đã làm cho tiếng Việt gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại và tươi tắn hơn. Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng ta. Và theo tôi nghĩ, đứng bên cái tiêu chuẩn thái độ tư tưởng nó là tiêu chuẩn chung cho các thể, các ngành văn nghệ thì đây là cái chuẩn trong những tiêu chuẩn quan trọng nếu không là duy nhất”. – Nguyễn Tuân khi nhận xét về Thạch Lam
Bên cạnh ngôn ngữ, “nhà văn của những xúc cảm” cũng gây ấn tượng sâu sắc bởi sự am hiểu uyên thâm về ẩm thực. Khi đọc văn Thạch Lam, độc giả càng thêm yêu và trân quý hơn thức quà Hà Nội nói riêng, nền ẩm thực Việt Nam nói chung.
“Cốt bánh để bọc thì dùng bánh cuốn Thanh Trì, là thứ mà bột dẻo và thơm hơn hết. Như vậy, đã được công xay bột và tráng bánh, và vị tất làm đã ngon bằng. Còn nhân thì một ít thịt vai nửa nạc nửa mỡ thật tốt, mấy cái nấm hương, vài lá mộc nhĩ và một ít tôm tươi hồ Tây, bóc vỏ và thái miếng. Tôm hồ Tây, của những thuyền siết mang lên bán vào khoảng mười hai, một giờ trưa, là thứ tôm ăn ngậy và ngọt vị.”
Phải có lòng yêu tha thiết ẩm thực quê hương cùng khiếu quan sát nhạy bén, nhà văn mới có thể tạo nên những trang văn đậm đà hương vị ẩm thực thủ đô như vậy.
Ông có thể bâng khuâng về một Hà Nội xưa cũ, bùi ngùi trước một Hà Nội đổi thay nhưng chưa bao giờ thôi viết về mảnh đất này với một tình yêu tha thiết, mãnh liệt.
Dù Thạch Lam đã đi xa nhưng tình yêu của ông thì vẫn luôn tồn tại với băm sáu phố phường đất kinh kỳ. Dù thời đại đổi thay, vẫn sẽ có những con người trân trọng hồn cốt nơi đây như Thạch Lam, qua đó gìn giữ giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc.
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất