Vũ Bằng là cái tên tuy ít được biết đến vì áng mây mờ trong đời văn của ông thế nhưng khi tìm hiểu sâu xa thì sẽ nhìn thấy được đó là một tài năng văn học với cuộc đời gặp nhiều trắc trở.

Để rồi từ đó đọng lại trong lòng bao người là những điều đáng trân trọng và mở ra nhiều thông điệp sâu sắc trong cuộc sống.

Vài nét về gia đình và cuộc đời của nhà văn Vũ Bằng

Nhà văn tên đầy đủ là Vũ Đăng Bằng, sinh năm 1913 tại Hà Nội, ông là hậu duệ của một gia đình có truyền thống về Nho học nổi tiếng, quê gốc ở tỉnh Hải Dương nhưng sau này chuyển lên Thủ đô với nghề làm thuốc và dạy học.

Bố qua đời từ khi còn rất nhỏ, một tay người mẹ tảo tần buôn bán đã nuôi nấng các con khôn lớn và trưởng thành, tác giả từ nhỏ đã rất thông minh, lại còn đặc biệt yêu thích văn chương và thân thiết cùng Vũ Trọng Phụng khi ấy.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình khoa bảng, Vũ Bằng đã đứng vững trên mảnh đất Việt giàu văn hiến để tiếp thu một cách sáng tạo những tinh hoa của văn hóa phương Tây trong những năm biến thiên vĩ đại của lịch sử dân tộc. 

Nhà văn Vũ Bằng
Chân dung tác giả Vũ Bằng

Năm mười sáu tuổi, ông học ở trường Albert Sarraut và có tác phẩm đăng trên tờ An Nam tạp chí và sau này đỗ tú tài Tây, Vũ Bằng đã xem viết văn làm báo là nghề của mình. Mặc dù người mẹ đã khuyên dừng lại rất nhiều để theo Y khoa nhưng ông vẫn quyết tâm theo đuổi nghiệp cầm bút.

Một số bút danh khác của Vũ Bằng là Tiêu Liêu, Vịt Con, Thiên Thư, Vạn Lý Trình, Lê Tâm hay Hoàng Thị Trâm.

Ông còn rất nổi tiếng trong làng báo khi làm việc với nhiều tờ ở Hà Nội và Sài Gòn, trực tiếp làm chủ bút Tiểu thuyết Thứ bảy cũng như làm thư ký tòa soạn của Trung Bắc Chủ nhật.

Chính vì như vậy mà trong đời sống văn chương báo chí đương thời, Vũ Bằng là người tài năng và hoạt động sôi nổi bậc nhất.

Tờ báo của Vũ Bằng
Một vài tờ báo đáng chú ý trong sự nghiệp báo chí của tác giả

Năm 1935, nhà văn yên bề gia thất cùng bà Nguyễn Thị Quỳ quê ở Bắc Ninh. Sau này khi những tác phẩm của ông vô cùng nổi tiếng, đạt nhiều thành công và dư dả tiền bạc, Vũ Bằng dần trở nên sa đọa đến khét tiếng và hậu quả là tác giả đã nghiện thuốc phiện rất nặng.

May mắn thay, nhờ tình yêu sâu đậm cũng như là sự săn sóc chu toàn của người vợ cùng ý chí quyết tâm đã kéo nhà nhà văn ra khỏi làn khói nghiện ngập ấy, rút được một bài học cho bản thân và tiếp tục sự nghiệp sáng tác văn chương để bù lại ngày tháng tối tăm trước kia của mình. 

Hình ảnh nhà văn Vũ Bằng
Hình ảnh nhà văn Vũ Bằng

Chính những ngày ăn năn ấy đã giúp Vũ Bằng cống hiến cho văn đàn hàng loạt tuyệt tác. 

Một sự nghiệp sáng tác văn học đạt đến đỉnh cao

Suốt cuộc đời cầm bút của mình, Vũ Bằng đã để lại cho văn đàn nhiều tác phẩm vô cùng giá trị. Tài năng văn chương của ông được bộc lộ rõ ràng khi năm mười tám tuổi đã sáng tác được tập văn trào phúng là Lọ văn.

Sau này tác giả còn có nhiều tác phẩm gây tiếng vang lớn trên văn đàn là Một mình trong đêm tối, Truyện hai người cùng Tội ác và hối hận, những thành công ấy đã khiến ông phạm một sai lầm rất lớn là ăn chơi rồi nghiện ngập.

Hồi ký Cai của nhà văn Vũ Bằng
Cai là cuốn hồi ký được nhà văn viết trong hối hận sau những ngày nghiệp ngập với thuốc phiện

Sau khi ăn năn, Vũ Bằng quyết tâm chuộc lỗi bằng việc sáng tác nhiều hơn và nhờ vậy mà nhiều tuyệt tác được ra đời như bút ký Miếng ngon Hà Nội, Miếng lạ Miền Nam, Bốn mươi năm nói láo, Thương nhớ mười hai, Hà Nội trong cơn lốcVăn hóa gỡ.

Miếng ngon Hà Nội là cuốn sách nói về văn hóa ẩm thực Thủ đô mang tính văn chương lịch lãm và mênh mang một tình yêu khôn nguôi dành cho đất Hà thành.

Bạn đọc không chỉ cảm nhận được ở đây nghệ thuật ẩm thực của người Thủ đô nghìn năm văn hiến mà còn thấy những tâm sự sâu lắng, hoài niệm thiết tha của người con xa Hà Nội và nhớ về nó chẳng hạn như là tác giả trong những năm sinh sống ở miền Nam xa xôi. 

Bìa cuốn Miếng ngon Hà Nội
Tác phẩm là nỗi nhớ sâu sắc dành cho quê hương và tình yêu cùng sự trân trọng của nhà văn với vẻ đẹp Hà Nội 

Tiếp nối Miếng ngon Hà Nội đại diện cho ẩm thực Bắc truyền thống thì Món lạ miền Nam là tác phẩm kể về món ăn của Nam Bộ đầy giản dị và chân chất, mộc mạc. 

Miếng ngon Hà Nội và Miếng lạ miền Nam
Bìa cuốn Miếng ngon Hà Nội và Miếng lạ miền Nam 

Hai cuốn sách trên là một trong những bước đi kỳ lạ nhất của Vũ Bằng khi ông lại chọn viết về đề tài ẩm thực nhưng nhờ nó mà bạn đọc mọi miền có thể đến gần hơn với nhau bằng văn hóa và nhà văn đã đưa ra một cái nhìn bao quát về vẻ đẹp truyền thống của Việt Nam.

Đến với Bốn mươi năm nói láo là cuốn hồi ký sau hàng chục năm làm báo của tác giả và tái hiện lại lịch sử làng báo chí của đất nước trong giai đoạn nhiều biến động. 

Bốn mươi năm làm báo
Bốn mươi năm nói láo là bức tranh sinh động về những bí mật của làng báo chí Việt Nam đương thời

Ở cuốn sách còn là những câu chuyện hấp dẫn về bọn thực dân khủng bố những người làm báo dám công khai đả kích quan trường hay lên án chế độ thuộc địa và có cả việc ăn chơi hút thuốc phiện sáng đêm, chơi cô đầu tưng bừng.

Tác giả đã giải thích nhan đề ngay từ đầu để bạn đọc hiểu hơn về nội dung mà ông muốn nói trong nghề nghiệp của mình.

“Bấy giờ, người ta gọi nghề làm báo là nghề nói láo ăn tiền. Kẻ viết bài này ngã vào nghề đó đã lâu, hôm nay, ngồi giở lại cuốn sổ ký ức của mình, xin nhận ngay mình làm nghề nói láo.”

Không dừng lại ở tình yêu quê hương hay tấm lòng nghề nghiệp mà ở Vũ Bằng còn có một phẩm chất cao quý là tinh tế nhìn nhận nhiều sự việc nhỏ trong cuộc sống và trân trọng đạo đức con người khi sáng tác cuốn Hà Nội trong cơn lốc.

Hà Nội trng cơn lốc
Tác phẩm chứa là sự yêu thương và trân trọng của nhà văn đối với cuộc sống

Vũ Bằng có niềm tin sâu sắc và to lớn vào con người cùng sự tiến bộ của xã hội trong nhiều hoàn cảnh, ví dụ như thầy thuốc vô lương tâm chữa bệnh chỉ vì đồng tiền thì vẫn còn có những bác sĩ biết thương yêu bệnh nhân.

Một trong những tác phẩm được đánh giá là thành công nhất của ông là Thương nhớ mười hai với từng trang văn là tình yêu tha thiết dành cho quê hương Hà Nội khi xa cách và thấp thoáng trong lòng là nỗi mong về hình ảnh một người vợ dịu hiền.

Đầu trang sách là lời tựa đầy tương tư thương nhớ:

“Bắt đầu viết cuốn sách này thì là nhớ. Viết đến câu cuối bài tháng chín thì là thương. Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngần nào người bạn chiếu chăn: Nguyễn Thị Quỳ. Thành mến tặng Quỳ cuốn sách này để thay mấy lời ai điếu.”

Tác phẩm chất chứa nhiều kỷ niệm và tình yêu đối với đất Bắc của Vũ Bằng khi xa quê nhiều năm, khi mà ngày nắng oi ả của Sài Gòn thì lại thèm thuồng cơn gió bấc lành lạnh của Thủ đô, ăn trái cây miền Nam mà lại cứ nghe mùi vị của mận Thất khê và nhãn Hưng Yên.

Thương nhớ mười hai
Thương nhớ mười hai là nỗi nhớ trên từng câu chữ, trang giấy

Và cũng không biết ông thương vợ mình như thế nào để mà có thể viết được những lời tình cảm đến thế, từng câu từng chữ đều là nỗi nhớ về những món ăn bà nấu với tình yêu thương hay lại ngẫm đến những đêm hai vợ chồng nắm tay nhau tản bộ.

Thông qua cuốn sách thương nhớ ấy, nhà văn Triệu Xuân đã đưa ra một ý kiến rất đúng đắn về tác giả: 

“Bởi viết về Hà Nội, viết về đất nước quê hương, không ai có thể hơn Vũ Bằng. Bởi Vũ Bằng yêu Hà Nội, yêu đất nước quê hương khi mà ông đang sống ở Sài Gòn, cách Hà Nội chưa đầy hai giờ máy bay mà vời vợi ngàn trùng. Nỗi nhớ niềm yêu ấy là tuyệt vọng! Hơn thế nữa, bà Nguyễn Thị Quỳ, vợ hiền của ông, người đã góp phần quyết định làm nên một Vũ Bằng nhà văn, nhà báo, là nguồn cảm hứng văn chương của ông.” 

Với niềm yêu văn chương từ nhỏ cùng trái tim giàu tình thương, Vũ Bằng đã đóng góp cho kho tàng văn học dân tộc ngày càng giá trị và phong phú.

Đám mây mờ oan khuất và nỗi đau cuối đời của người nghệ sĩ tài năng

Theo lời nhà văn Triệu Xuân thì tác giả và gia đình mình phải âm thầm chịu tiếng là nhà văn “dinh tê, về thành” ý là những kẻ quay lưng phản bội Kháng chiến và di cư vào Nam theo giặc suốt một khoảng thời gian rất dài. 

Vũ Bằg toàn tập
Ít ai biết được nỗi hàm oan và đau khổ của Vũ Bằng trong những năm làm tình báo

Chính những tai tiếng ấy nên cái tên Vũ Bằng không được biết đến nhiều mặc dù ông vô cùng tài năng và trong những năm 1932 – 1945, nhà văn đã nâng đỡ, hướng nghiệp, dìu dắt rất nhiều cây bút trẻ và giúp họ gặt hái nhiều thành tựu.

Những người bên cạnh Vũ Bằng từ khi ông vào Nam đều khẳng định rằng tác giả là con người chân chính, nhà văn có trái tim yêu nước và tấm lòng son sắt với Thủ đô Hà Nội. Kể từ khi tác giả lâm bệnh nặng cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng thì gia cảnh vẫn rất túng thiếu.

Bìa cuốn Miếng ngon Hà Nội
Đọng lại trong trái tim bạn đọc là hình ảnh Vũ Bằng yêu quê và sự hi sinh đầy cao cả

Nhờ có rất nhiều người yêu mến Vũ Bằng, họ dốc công sức để tìm hiểu lai lịch cuộc đời ông nên phát hiện thêm nhiều bằng chứng cho thấy những tai tiếng năm xưa là hàm oan.

Sự thật là tác giả đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 để hỗ trợ công tác Kháng chiến dân tộc.

Sau này Hội Nhà văn Việt Nam cử người xác minh và đến tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 – Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.

Nỗi oan được sáng tỏ nhưng tiếc là đã quá muộn màng khi ông ra đi với niềm đau vào năm 1984 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau này, Vũ Bằng được xác nhận và Nhà nước truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 cho cụm Vũ Bằng Toàn tập để cảm ơn cho những cống hiến của tác giả cũng như là an ủi hương hồn ông sẽ thanh thản sau nhiều năm buồn tủi. 

Vũ Bằng là một tài năng sống để cống hiến và nhân cách cao đẹp khiến người đời trân trọng

Nhiều năm trôi qua, những đóng góp của Vũ Bằng cho kho tàng văn học nước nhà luôn là những tác phẩm giàu ý nghĩa và có giá trị xuyên suốt. 

Văn hóa "gỡ" của Vũ Bằng
Ảnh bìa cho một tác phẩm hay vừa phát hiện của Vũ Bằng

Nếu như Vũ Bằng trong trái tim độc giả là một cây bút sáng tác với tình yêu say đắm dành cho văn chương nghệ thuật thì trong lòng đồng nghiệp và những nhà văn cùng thời và sau này, ông vẫn là một tài năng hiếm có và nhân cách đáng học hỏi.

Ánh nhìn sắc sảo của Vũ Ngọc Phan đã nhận xét tổng quát về nghiệp văn của Vũ Bằng thế này: 

“Tiểu thuyết của Vũ Bằng rất gần với tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan về lối tả cảnh và nhân vật, dù là họ ở vào cảnh nghèo khổ hay cảnh giàu sang, bao giờ Vũ Bằng cũng tả bằng ngọn bút dí dỏm, nhạo đời hơi đá hoạt kê một chút; còn về cảnh, ông chỉ tả sơ sơ; ông chú trọng cả vào hành vi ấy là động tác của cuốn tiểu thuyết và gây nên những cảnh riêng biệt cho nhân vật…”

Theo lời tâm sự của tác giả Tô Hoài, ông là người có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc với các nhà văn khi ấy. 

“Những năm ấy Nam Cao đương ở với tôi trên Nghĩa Đô. Chúng tôi mải mê đọc Vũ Bằng… Nếu nhà nghiên cứu văn học nào lưu tâm đến những truyện ngắn Vũ Bằng thời kỳ ấy với truyện ngắn của Nam Cao và những truyện ngắn “Bụi ô tô”, “Một đêm sáng giăng suông”… của tôi trên báo Hà Nội Tân văn có thể dễ dàng nhận thấy hai ngòi bút này hơi hướng Vũ Bằng. Chính chúng tôi vẫn thường thành tâm tự nhận xét ảnh hưởng ấy với anh ấy…”

Như vậy, tuy đã ra đi hàng thập kỷ nhưng Vũ Bằng vẫn sống mãi trong trái tim đồng nghiệp vì tài năng tuyệt vời với những cống hiến của mình cho nền văn học nước nhà.

Đó còn là sự nuối tiếc của bạn đọc với những đắng cay, oan khuất mà ông phải chịu trong nhiều năm dài để rồi nó trở thành một sự hi sinh cao cả, rất đáng để trân trọng và học hỏi. 
Cứ như vậy mà Vũ Bằng đã sinh ra và ở lại cuộc đời này. 

Thúy Trân