Những năm 1960 được coi là thập niên của cách mạng nhạc Pop với sự nổi lên của dòng nhạc Rock ‘n’ Roll cùng nhiều cải tiến khác trong âm nhạc. Trong đó, The Beatles nằm trong nhóm nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn mà công sức một phần thuộc về người thủ lĩnh John Lennon.
Nhờ sức sáng tạo bền bỉ và tư duy âm nhạc đột phá, John đã góp phần định hình nhạc Pop hiện đại. Được biết đến như người nghệ sĩ tài hoa nhưng cuộc đời của John Lennon lại trải dài những u uất và buồn tủi.
Tuổi thơ thiếu thốn tình thương và một gia đình không hạnh phúc
John Lennon tên đầy đủ là John Winston Lennon, sinh năm 1940 tại thành phố Liverpool, Anh Quốc. Tên của nam danh ca được ghép từ tên ông nội, John Lennon và cố Thủ tướng Anh Winston Churchill.
Cha của John Lennon, Alfred Lennon làm việc trong bộ phận giao thương hàng hải và thường xuyên vắng nhà. Ông vẫn gửi trợ cấp về nuôi vợ con, tuy nhiên sự vắng mặt thường xuyên này đã khiến John cho rằng cha mình không yêu thương gia đình.
Trong một lần tàu dừng đỗ ở thành phố New York, vì phải chờ đợi quá lâu nên cha của John đã tìm một công việc tạm thời. Ông Alfred vừa đi làm vừa lang thang khắp New York và uống rượu, cuối cùng ông bị giáng chức xuống trợ lý tiếp viên trên tàu.
Vì nghe theo lời đồng đội, Alfred Lennon đã bỏ con tàu của mình để rồi phải đi đày hai tuần trên đảo Ellis. Khoảng thời gian sau đó của ông Alfred là những tháng ngày liên tiếp ở tù, đến khi mãn hạn thì bản thân đã hoàn toàn khánh kiệt, thậm chí không đủ tiền gửi về suốt sáu tháng.
Khi cha của John về nhà thì mẹ ông đã có người tình mới, John Dykins và đang mang thai đứa con thứ hai. Bà Julia đã khước từ lời đề nghị trợ cấp của chồng cũ và mang con trai đi cùng Dykins.
Năm John Lennon sáu tuổi, cha ruột ông đến thăm con và có ý định đưa John cùng nhập cảnh vào New Zealand. Tuy nhiên, John đã chọn theo mẹ và cha dượng, để rồi sau này được bác gái Mimi Smith nhận nuôi.
Người bác Mimi được miêu tả là rất yêu thương John Lennon, tuy nhiên bà vô cùng nghiêm khắc và có phần nóng tính. Mỗi khi John làm sai, bà sẽ thẳng thắn phê bình và thường nhận lại câu đùa cợt từ cháu trai, để rồi phá lên cười ngay sau đó.
Năm 1958, mẹ John Lennon qua đời vì tai nạn và sự kiện này đã làm xáo trộn toàn bộ cuộc sống của ông. Bị sốc bởi cái chết của mẹ, John uống rượu triền miên và thường xuyên gây gổ ở trường học.
Nhận thấy sự thay đổi tiêu cực của John Lennon, bác gái Mimi quyết định chỉnh đốn và giúp John nhập học trường Cao đẳng Nghệ thuật Liverpool. Dẫu mong muốn đứa cháu có môi trường tốt và bằng cấp học thuật, bà vẫn bất lực khi thấy John bỏ học ngay trước năm cuối cùng.
Hành trình đến với đỉnh cao âm nhạc của John Lennon
Từ nhỏ, John Lennon đã được tiếp xúc với âm nhạc khi được bác George, chồng của bác Mimi tặng đàn organ. Mẹ của John cũng mua cho ông một chiếc đàn guitar và thường bật nhạc của Elvis Presley, huyền thoại nhạc Rock & Roll mỗi lần con trai đến thăm.
Vì vậy, John sớm hình thành tình yêu dành cho âm nhạc, ước mơ trở thành nghệ sĩ nổi tiếng từ đó nhen nhóm trong chàng thiếu niên trẻ tuổi. Với niềm đam mê và lòng quyết tâm, cậu bắt đầu sự nghiệp bằng việc chơi nhạc ở trường trung học cùng ban nhạc đầu tiên, The Quarrymen.
The Quarrymen hay John Lennon và những người bạn “quê mùa”
Năm mười lăm tuổi, John Lennon thành lập ban nhạc Quarrymen cùng vài người bạn học, cả nhóm thường biểu diễn tại các câu lạc bộ, quán rượu và không có thành tựu gì nổi bật. Tuy nhiên, những năm tháng ở Quarrymen đã giúp John gặp Paul McCartney, người sau này cùng ông tạo nên mối quan hệ cộng sự vĩ đại của làng nhạc.
Ban đầu, người bác Mimi không tán thành ý tưởng thành lập ban nhạc của John Lennon, bà thậm chí gọi Paul McCartney và những người bạn khác là “bọn quê mùa”. Cha của Paul cũng tỏ ý không thích John và cho rằng con trai mình sẽ hư hỏng nếu kết giao với người như vậy.
Mặc cho phản đối từ gia đình, John và Paul vẫn cùng nhau viết nhạc. Một trong những ca khúc đầu tay của bộ đôi là Hello Little Girl đã được trình diễn lại bởi ban nhạc The Fourmost, phiên bản này từng đứng đầu BXH UK Singles tại Anh.
Một thời gian sau, Paul giới thiệu George Harrison, một người bạn và cũng là tay guitar lead đầy tiềm năng cho nhóm. Mới đầu, John từ chối vì cho rằng George còn quá trẻ nhưng sau khi thấy khả năng chơi đàn của chàng trai này thì lập tức đổi ý.
Mười bốn tuổi, George Harrison chính thức giaThe B nhập ban nhạc và là thành viên trẻ nhất của The Quarrymen. Khi người bạn của John Lennon là tay bass Stuart Sutcliffe tham gia thì họ chính thức đổi tên thành The Beatles và trở thành đội hình đầu tiên của nhóm nhạc huyền thoại.
Hamburg – Âm nhạc và thú tiêu khiển
Trước kia, The Quarrymen từng biểu diễn tại quán bar Jacaranda, những năm tháng tại đây đã giúp họ quen biết ông chủ Allan Williams. Khi đó, Allan đang quản lý ban nhạc Derry and the Seniors và họ đã có chút tiếng tăm sau khi biểu diễn ở vùng Hamburg, nước Đức.
Bởi vậy, Allan đã tìm kiếm cơ hội cho The Beatles trình diễn tại đây với hi vọng tạo dựng tên tuổi cho nhóm. Mùa thu năm 1960, họ bắt đầu chuỗi đêm diễn tại Hamburg nhưng thiếu một tay trống.
May mắn đến khi The Beatles tìm được Pete Best và mời chàng nhạc công trẻ về ban nhạc, Pete đã đồng ý tham gia và họ cùng di chuyển đến Hamburg để chuẩn bị cho các buổi trình diễn.
John Lennon, khi ấy mới là một chàng trai chưa tròn hai mươi đã bị choáng ngợp bởi khung cảnh hoàn toàn mới. Các cửa hiệu, quán cà phê hay cửa hàng nhạc cụ đã hớp hồn John, chàng nghệ sĩ trẻ bắt đầu mua sắm và hào hứng khoe các món đồ với bốn thành viên còn lại.
Tuy nhiên, việc chuyển tiếp từ một đô thị có phần trầm lắng đến thành phố cảng sôi động nhất nước Đức đã phần nào thay đổi tính cách của John Lennon, bắt đầu từ việc chơi nhạc tại câu lạc bộ thoát y Indra.
Tại đây, họ phải chơi liên tục bốn tiếng đồng hồ mỗi tối, riêng thứ Bảy và Chủ nhật tăng lên thành sáu tiếng. Điều này khiến các thành viên kiệt sức nhưng cũng đem lại danh tiếng cho nhóm khi khán giả Đức tỏ ra yêu thích The Beatles.
“Mỗi khi gặp phải áp lực, tôi sẽ phải kéo cả ban nhạc đi lên. Họ bảo: “Nào John, giờ cậu là thủ lĩnh.”
Khoảng thời gian ở Hamburg khiến ban nhạc phát triển vượt bậc về mặt chuyên môn khi phải tìm thêm nhiều chất liệu âm nhạc mới để đưa vào các màn trình diễn. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những cám dỗ không thể nào chối từ đối với năm chàng trai trẻ.
Biểu diễn tại một câu lạc bộ thoát y, không khó để ban nhạc chứng kiến cảnh ăn chơi trác táng của khách hàng nơi đây. Ban đầu, họ chỉ nhìn và tiếp tục biểu diễn nhưng sức hấp dẫn quá lớn khiến những chàng trai dần xuôi mình theo dòng đời.
Trong năm người, John Lennon tỏ ra “thuần thục” các thú vui này nhất và cảm thấy được tự do khi không phải chịu quản thúc của gia đình. Từ sử dụng chất kích thích, uống rượu, quan hệ tình dục không bảo hộ đến la hét khi đang biểu diễn, John đều làm đủ cả.
The Beatles khi đó là một ban nhạc với năm thành viên có cá tính mạnh, đặc biệt Paul McCartney và Stuart Sutcliffe có tính cách trái ngược. Stuart không thích việc Paul nêu ý kiến quá nhiều về hướng đi của ban nhạc, anh chỉ coi chuyến đi Hamburg này là một kỳ nghỉ giữa khoảng thời gian ở đại học.
Do đó, Stuart quyết định ở lại nước Đức với hôn thê người bản xứ còn vị trí chơi bass được chuyển qua Paul. Pete Best cũng cho thấy dấu hiệu chểnh mảng trong khi Ringo Starr, tay trống mà ban nhạc quen biết lại dần thân thiết với ba thành viên còn lại.
Cuối cùng, John, Paul và George đề nghị quản lý của nhóm khi ấy là ông Brian Epstein sa thải Pete. Ringo được thêm vào, đội hình cuối cùng của The Beatles chính thức ra mắt.
Những năm tháng huy hoàng cùng “tứ quái”
Năm 1962, John Lennon cùng The Beatles ra mắt đĩa đơn đầu tay Love Me Do và đạt hạng mười bảy tại BXH UK Singles. Vài tháng sau, album Please Please Me được phát hành với mười bốn bài hát, hơn một nửa trong số đó được chắp bút bởi John và Paul.
Ca khúc chủ đề Please Please Me đạt thành công vang dội khi giành ngôi quán quân ở hầu hết bảng xếp hạng âm nhạc tại quê nhà Anh Quốc. Tuy nhiên, John Lennon không hài lòng và cho rằng bản thân chưa thể phát huy tối đa khả năng viết nhạc, chỉ mới mang đến “những bài hát Pop bình thường”.
The Beatles – Please Please Me
Dẫu vậy, Please Please Me vẫn vô cùng quan trọng khi mở ra chuỗi mười một album quán quân liên tiếp trong sự nghiệp của The Beatles. Chỉ một tháng sau ngày ra mắt album, đĩa đơn From Me to You ra mắt và đứng đầu mọi bảng xếp hạng tại Anh.
Thành công của những sản phẩm đã tạo nên hiện tượng mới trong làng nhạc nói riêng và nền văn hóa đại chúng nói chung. Thuật ngữ “Beatlemania” được dùng để chỉ “cơn sốt” The Beatles của giới trẻ, độ nổi tiếng của ban nhạc cũng được nhận xét “không kém Elvis Presley là bao”.
Năm 1964, John Lennon lần đầu biểu diễu cùng The Beatles tại Hoa Kỳ khi tham dự chương trình The Ed Sullivan Show. Buổi biểu diễn này đã tạo nên cú sốc khi thu hút 73 triệu khán giả, chiếm hơn một phần ba dân số nước Mỹ khi đó.
The Beatles đã tạo nên con sốt khi xuất hiện trên The Ed Sullivan Show
“Beatlemania” xâm chiếm xứ sở cờ hoa khi thanh thiếu niên bày tỏ sự yêu thích đến cuồng nhiệt cho The Beatles. Thứ âm nhạc dễ nghe, vẻ ngoài lịch lãm với suit đen và mái tóc dài bồng bềnh của bốn chàng trai Anh Quốc rất được yêu thích, ban nhạc cũng trở thành biểu tượng của giới trẻ.
Bản thân John Lennon là một trong những thành viên nổi tiếng nhất của The Beatles, đặc biệt với phái nữ. Ngoại hình, giọng hát và vẻ u buồn đặc trưng trong ánh mắt của John đã “hút hồn” các thiếu nữ trẻ tuổi.
Giữa năm 1964, The Beatles có tour diễn vòng quanh thế giới đầu tiên với tổng cộng ba mươi buổi hòa nhạc trước hàng chục nghìn người hâm mộ. Cùng nhau, họ đã đến Đan Mạch, Australia, New Zealand và thậm chí là Hồng Kông.
Hai tháng sau, John Lennon có cuộc gặp gỡ với Bob Dylan, huyền thoại nhạc Folk của nước Mỹ và cũng là người mà anh hâm mộ từ lâu. Mối lương duyên của họ bắt đầu khi George, tay guitar lead của nhóm mua album The Freewheelin’ Bob Dylan cho các thành viên.
Trong buổi gặp, họ không chỉ trao đổi về chuyên môn, cách thức trình diễn mà còn hướng dẫn nhau cách dùng cần sa. Chính điều này đã ảnh hưởng lớn đến các sản phẩm về sau của The Beatles khi mang âm hưởng của Psychedelic Rock, một thể loại nhạc có liên quan đến ảo giác sau khi dùng thuốc hay ma túy.
John Lennon không giấu sự ngưỡng mộ dành cho Bob Dylan, các sản phẩm của The Beatles cũng có sự xuất hiện của dòng nhạc Folk đặc trưng của Bob, tiêu biểu như album Rubber Soul (1965).
Trong thập niên 60, The Beatles liên tiếp phát hành các sản phẩm mới, danh tiếng của họ lên như diều gặp gió. Album Help! ra mắt năm 1965 thành công vang dội khi bán được hơn một triệu bản và nhận đề cử Grammy cho hạng mục Album của năm.
Trong mười bốn bài hát, John Lennon đóng góp tới mười bài viết chung với Paul McCartney và hát chính trong bảy bài. Ca khúc mở đầu Help! là những tâm sự của John về sự nổi tiếng “sau một đêm” của The Beatles và áp lực khi phải duy trì danh tiếng đó.
The Beatles – Help!
Hai năm tiếp theo chứng kiến nhiều sản phẩm âm nhạc với sự phá cách đến từ các nghệ sĩ khác. Aftermath của The Rolling Stones, Pet Sounds của The Beach Boys hay Blonde on Blonde của Bob Dylan đã gây áp lực lên John Lennon, buộc ông phải sáng tạo một thứ âm nhạc đột phá để chứng minh năng lực và vị trí của mình.
Ít lâu sau, ca khúc Strawberry Fields Forever do chính John sáng tác và trình bày ra mắt. Là ca khúc tiêu biểu cho dòng Psychedelic Rock, Strawberry Fields Forever viết về những kỷ niệm thời thơ ấu của John Lennon khi dạo chơi ở cánh đồng dâu gần nhà.
Không chỉ đạt thứ hạng cao trên BXH Billboard Hot 100 và được giới chuyên môn nhìn nhận như ca khúc xuất sắc nhất của The Beatles, Strawberry Fields Forever còn xuất hiện trên Grammy Hall of Fame và được trình diễn lại bởi nhiều nghệ sĩ khác, tiêu biểu như The Bee Gees.
Ca khúc Strawberry Fields Forever được chắp bút bởi John
Thời điểm này, John Lennon sa đà vào việc dùng chất kích thích, đặc biệt là LSD. Tuy hợp pháp và thậm chí còn “giúp” John sáng tạo hơn trong âm nhạc, những người xung quanh chứng kiến nam danh ca nhiều lần không kiểm soát được cảm xúc của mình.
Hơn nữa, một số ca khúc của The Beatles khi đó như Lucy in the Sky with Diamonds hay A Day in the Life đã bị cấm sóng bởi BBC do nhắc đến các chất kích thích, đây chỉ là hai trong số rất nhiều ca khúc liên quan đến việc sử dụng LSD của ban nhạc.
Mối quan hệ tình cảm với Yoko Ono, một nghệ sĩ thị giác kiêm ca sĩ người Nhật của John lennon cũng bắt đầu trong khoảng thời gian đó. Họ đã gặp nhau trong một buổi triển lãm nghệ thuật và nhanh chóng đắm chìm trong tình yêu, tuy nhiên không nhận được thiện cảm từ dư luận.
Những năm cuối thập niên 60 chứng kiến tình hình bất ổn của The Beatles, bắt nguồn từ việc quản lý ban nhạc Brian Epstein qua đời vì dùng thuốc quá liều. Cái chết của ông đã khiến nhóm mất đi đầu tàu, không ai có thể dung hòa cá tính khác biệt của các thành viên.
Ngoài ra, việc Yoko thường xuyên xuất hiện trong các buổi tập đã khiến ba người còn lại khó chịu. Mâu thuẫn ngày càng dâng cao, cuối cùng họ đi đến quyết định giải tán The Beatles với John là người đầu tiên, sau đó là Paul McCartney.
“Tôi bắt đầu ban nhạc, tôi cũng kết thúc nó. Đơn giản vậy thôi.” – John Lennon
Album cuối cùng mà The Beatles phát hành là Let It Be, ra mắt một tháng sau quyết định tan rã của “tứ quái”. Cũng như các sản phẩm trước, Let It Be nhanh chóng leo lên vị trí đầu các bảng xếp hạng, kết lại một thập niên huy hoàng của John Lennon và đồng đội.
Sự nghiệp solo của John Lennon
Năm 1970, John Lennon cùng Yoko Ono quay lại Mỹ và bắt đầu khoảng thời gian trị liệu kéo dài bốn tháng tại California, đây được xem là hy vọng để xoa dịu những tổn thương tâm lý trong quá khứ của nam ca sĩ.
Quá trình trị liệu diễn ra trong vòng bốn tháng và hai vợ chồng đã có một kỳ nghỉ yên bình bên nhau. John và Yoko nhanh chóng hồi phục tinh thần nên đã quay trở lại London ngay sau đó để thu âm album mới, mặc dù bác sĩ của họ đề xuất kéo dài quá trình.
John Lennon/Plastic Ono Band và lời tâm sự về người mẹ
Những trải nghiệm trong quá trình trị liệu đã được John kể lại trong album John Lennon/Plastic Ono Band phát hành cùng năm. Mười một bài hát trong album là mười một câu chuyện về những khó khăn, sự thiếu thốn tình thương mà ông đã trải qua.
John Lennon – John Lennon/Plastic Ono Band
Một trong những ca khúc nhiều tâm sự nhất John Lennon/Plastic Ono Band là Mother, lời bài hát chứa đựng nỗi lòng của John Lennon về cha mẹ ruột, một người không ở cạnh khi ông mới lọt lòng và một người để ông lại cho người khác nuôi.
Mẹ ơi, mẹ có con ở bên
Nhưng con chẳng có mẹ kề cạnh
Cha hỡi, cha đã rời bỏ con
Nhưng với cha, con chẳng hề buông tay
Tuy nhiên, album này không thành công về khía cạnh thương mại khi chỉ đứng thứ sáu trên BXH Billboard 200. Điều này khiến nam danh ca gặp nhiều áp lực, đặc biệt là khi album All Things Must Pass và đĩa đơn My Sweet Lord của George Harrison, người John từng không coi trọng đạt quán quân ở Mỹ hai tuần trước đó.
Imagine – Some Time in New York city cùng những tuyên ngôn chính trị
Năm 1971, John Lennon phát hành Imagine, album solo thứ hai với mục tiêu đạt được thành công thương mại. Phần âm nhạc của Imagine dễ nghe hơn nhiều so với John Lennon/Plastic Ono Band và được đánh giá là sản phẩm “ít sáng tạo nhất” của John.
Dẫu vậy, sự đơn giản đó mang lại hiệu ứng tốt khi ca khúc chủ đề Imagine đạt hạng ba trên BXH Billboard Hot 100 và trở thành biểu tượng của phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam, đồng thời tạo ra sức ảnh hưởng lớn về mặt xã hội.
Ca khúc Imagine đã trở thành biểu tượng hòa bình
Năm 1972, vợ chồng John Lennon chuyển đến New York và lên kế hoạch định cư tại đây. Thời gian đầu, họ cùng nhau tổ chức các buổi triển lãm nghệ thuật, đi dạo và tìm hiểu cuộc sống của người New York.
Kết quả của tháng ngày bình dị ấy là Some Time in New York City, album chung của John và Yoko. Về mặt hình thức, bìa album được thiết kế giống trang nhất The New York Times và tiêu đề ca khúc được sắp xếp để trông như tiêu đề báo chí.
Lấy chủ đề xã hội và chính trị, phần lời của Some Time in New York City xoay quanh các đề tài như giới tính, sắc tộc hay chiến tranh xâm lược. Album này được đánh giá là sản phẩm mang nặng tính chính trị nhất của John, hơn hẳn hai album trước đó.
Đĩa đơn mở đường Woman Is the Nigger of the World lấy cảm hứng từ câu khẩu hiệu nữ quyền của Yoko. Tiêu đề này đã gây tranh cãi lớn và thậm chí còn bị cấm phát sóng trên radio bởi “nigger” là từ nhạy cảm để miệt thị người Mỹ gốc Phi.
John Lennon – Woman is the Nigger of the World
Đáng tiếc, Some Time in the New York City là một bước lùi của nam ca sĩ về thành tích thương mại lẫn tính chuyên môn. Album chỉ đạt hạng 48 tại BXH Billboard 200 và bị nhiều tờ báo cho điểm số dưới trung bình.
Tuy nhiên John và Yoko không cảm thấy ảnh hưởng quá nhiều vì họ đã kết hợp với nhau vô cùng ăn ý, thậm chí có được sự thăng hoa thường thấy của những người bạn tâm giao.
Đối với John, Yoko không đơn thuần là vợ hay cộng sự mà còn là người có thể chia sẻ những quan điểm, tư tưởng và xúc cảm. Họ đến và ở lại với nhau bằng sự thấu hiểu, cảm thông và đồng điệu trong tâm hồn.
Chỉ tiếc rằng giữa John và vợ không có sự gần gũi, điều này chủ yếu đến từ phía Yoko và khiến hai người tồn tại một khoảng cách nhất định. Giọt nước tràn ly khi John quan hệ với một cô gái lạ mặt và cặp đôi quyết định ly thân, đây cũng là khoảng thời gian John thu âm album Mind Games.
Mind Games và hành trình nội tâm của John Lennon
Cuối năm 1973, Mind Games ra mắt và đạt vị trí thứ chín trên BXH Billboard Hot 100. Khác với Some Time in New York đi theo hướng chính trị, Mind Games lấy chủ đề cuộc sống của John Lennon với những ca khúc như Intuition hay Only People.
Tình yêu và hôn nhân với Yoko Ono cũng là một đề tài được nhắc đến nhiều trong Mind Games. Nếu Out the Blue và One Day (At a Time) là những lời khẳng định tình yêu John dành cho vợ thì Aisumasen (I’m Sorry) là lời xin lỗi của John vì mối quan hệ ngoài luồng của mình.
John Lennon – Aisumasen (I’m Sorry)
Năm 1974, John Lennon phát hành album phòng thu Walls and Bridges và đạt được thành công lớn. Đĩa đơn Whatever Gets You thru the Night hợp tác cùng Elton John đã leo lên vị trí quán quân BXH Billboard Hot 100, bản thân John cũng song ca với Elton trong buổi hòa nhạc của “Rocket Man”.
Vài tháng sau, John Lennon tiếp tục khuấy đảo làng nhạc cùng David Bowie với Fame, ca khúc này đạt vị trí quán quân trên BXH Billboard Hot 100. Lời bài hát là suy nghĩ của hai danh ca về mặt trái của danh vọng, về sau David cho biết John là cảm hứng để ông viết ca khúc này.
Ca khúc Fame là sự hợp tác giữa hai huyền thoại
Năm 1975 chứng kiến sự khởi sắc của John Lennon với Rock ‘n’ Roll, album thu lại những ca khúc của thập niên 50 và 60. Rock ‘n’ Roll được giới chuyên môn đánh giá cao hơn hai album trước đó, phần lớn ý kiến đều khen ngợi giọng hát của nam ca sĩ.
Những năm tháng hạnh phúc ngắn ngủi cuối đời
Năm 1975 cũng là thời điểm John Lennon và Yoko Ono quay lại với nhau, một sự kiện làm tốn rất nhiều “giấy mực” của báo chí. Về sau, John tiết lộ Yoko đã mang thai và bản thân ông sẽ tạm dừng sự nghiệp âm nhạc để chăm lo gia đình.
Tháng mười năm đó, con trai của hai vợ chồng ra đời và John Lennon đã vỡ òa trong hạnh phúc. Ông đặt tên đứa trẻ là Sean, có nghĩa là “món quà của Chúa” và đề nghị Elton John làm cha đỡ đầu của đứa bé.
Khoảng thời gian từ năm 1975 đến năm 1980 chứng kiến John Lennon vắng bóng ở mọi bảng xếp hạng âm nhạc, chỉ tập trung nấu ăn và chơi cùng con. Người hâm mộ cho rằng những ngày tháng đó đã truyền cảm hứng để ông viết ca khúc Cookin’ (In the Kitchen of Love) cho Ringo Starr.
Cookin’ (In the Kitchen of Love) do John sáng tác
Cuối năm 1980, John Lennon trở lại làng nhạc với đĩa đơn (Just Like) Starting Over và nhận được rất nhiều chú ý từ công chúng, tất cả đều tò mò về sự thay đổi của nam danh ca trong quãng thời gian tạm nghỉ.
Trái với những đồn đoán, John Lennon đã xuất hiện với sự trầm tĩnh và nét dí dỏm ngày nào. Tình yêu của khán giả dành cho ông cũng không hề thay đổi, bằng chứng là Starting Over nhanh chóng xếp hạng quán quân trên BXH Billboard Hot 100.
Một tháng sau, Double Fantasy ra mắt với ảnh bìa là nụ hôn giữa John Lennon và Yoko Ono. Mười bốn bài hát trong album không hề đề cập đến chính trị hay tôn giáo, chúng chỉ kể về cuộc sống bình dị của họ với con trai.
Double Fantasy về sau cũng chiến thắng hạng mục Album của năm tại lễ trao giải Grammy năm 1981, dù ban đầu nhận bình luận tiêu cực từ khán giả và giới chuyên môn.
Những tưởng sau chuỗi ngày không hạnh phúc, John Lennon sẽ có một cuộc sống viên mãn nhưng định mệnh lại quá éo le. Ba tuần sau khi ra mắt Double Fantasy, những tháng ngày hạnh phúc của gia đình nhỏ tan vỡ, kéo theo là nỗi đau của người hâm mộ và giới chuyên môn.
Đó là một buổi tối mùa đông, John Lennon đang về nhà cùng vợ sau buổi thu âm thì gặp tai nạn bất ngờ. Khi bước vào tòa nhà, ông bị một kẻ thủ ác tên Mark David Chapman ra tay tàn nhẫn, dù được đưa đi cấp cứu ngay lập tức nhưng ông đã không qua khỏi.
Chapman sau đó bị kết án hai mươi năm tù, trớ trêu thay, đây lại là người hâm mộ cuồng nhiệt và đã xin chữ ký của John chỉ sáu tiếng trước khi sát hại thần tượng.
Chỉ duy nhất một điều có thể tạm xoa dịu tất cả, đó là lễ trao giải Grammy năm 1981 khi Double Fantasy chiến thắng hạng mục Album của năm, điều này được ví như lời tri ân muộn màng của khán giả đến giọng ca huyền thoại nước Anh.
Những mối quan hệ cá nhân của John Lennon
Là ngôi sao nổi tiếng và đã gặp gỡ, làm việc cùng nhiều người khác nhau, mối quan hệ của John Lennon luôn là chủ đề “nóng bỏng”, được công chúng quan tâm. Từ cộng sự trong âm nhạc đến gia đình, tất cả những điều liên quan đến ông đều được báo chí khai thác thường xuyên.
Trong đó, những nhân vật quan trọng nhất với nam danh ca là người bạn Paul McCartney và Yoko Ono, họ ảnh hưởng sâu sắc đến John trong công việc lẫn cuộc sống hàng ngày.
John Lennon và Paul McCartney – Cặp bài trùng huyền thoại của làng nhạc
Đối với nền công nghiệp âm nhạc, việc hai nghệ sĩ thường xuyên hợp tác đến “quen mặt” không phải chuyện hiếm, tiêu biểu Elton John – Bernie Taupin hay Taylor Swift – Jack Antonoff.
Tuy nhiên, hiếm bộ đôi nào tạo được những tác phẩm vĩ đại và có ảnh hưởng lớn như John Lennon và Paul McCartney. Mối quan hệ của họ bắt đầu khi Paul gia nhập ban nhạc The Quarrymen, để rồi cùng John xây dựng nền móng của The Beatles.
“Anh ấy giống như “tiểu Elvis” của chúng tôi. Chúng tôi đều ngưỡng mộ John. Anh ấy hơn tuổi và như là người thủ lĩnh, là người thông minh và uyên bác nhất.” – Paul McCartney
Mặc dù các bài hát được viết chủ yếu bởi một trong hai, tất cả sản phẩm đều ghi tên người sáng tác là Lennon – McCartney. Mỗi khi có ý tưởng mới, họ sẽ cho người còn lại nghe thử giai điệu và cùng nhau hoàn thiện.
Đôi khi những câu chuyện của John được Paul lấy làm cảm hứng sáng tác, tiêu biểu như Hey Jude, ca khúc dựa trên mối quan hệ giữa John và Julian, con trai đầu của ông với người vợ cũ Cynthia.
The Beatles – Hey Jude
Tuy có chung mục đích viết nhạc, phong cách sáng tác của John Lennon và Paul McCartney lại cho thấy sự khác biệt. Điều này tạo nên những xúc cảm khác nhau trong âm nhạc của nhóm, chúng bù trừ một cách hoàn hảo.
“Paul mang đến nét vui tươi và lạc quan, trong khi đó với tôi sẽ là những tự sự và u buồn.”
Thời gian đầu, mối quan hệ cộng sự giữa John và Paul được ví như “cuộc đua lành mạnh” giữa hai người bạn, từ đó tạo nên chất xúc tác cho những đột phá âm nhạc của bộ tứ huyền thoại. Cả hai sớm trở thành tri kỷ và cùng vươn tới đỉnh cao danh vọng.
Dẫu vậy, những khác biệt lại dần khiến John và Paul mất đi tiếng nói chung, sự vui vẻ ngày nào dần trở thành cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hai biểu tượng âm nhạc.
Cuộc tình của John Lennon và Yoko Ono phần nào ảnh hưởng đến mối quan hệ này vì Paul tỏ ra không thích Yoko, người thường xuyên “cắt ngang” khi cả nhóm làm việc dù không có kiến thức về âm nhạc.
Bốn thành viên của The Beatles khi ấy cũng có định hướng khác nhau, tất cả khiến tình hình nội bộ trở nên căng thẳng và cuối cùng, The Beatles tan rã.
Khoảng thời gian hoạt động độc lập trở thành đỉnh điểm của mâu thuẫn, tranh cãi về quyền tác giả nổ ra và những ca khúc đồng sáng tác thì một trong hai lại nhận toàn bộ công sức về mình. John và Paul, tri kỷ ngày nào giờ đây không ngần ngại công kích nhau trên báo chí, thậm chí là trong âm nhạc.
Phải đến năm 1974 thì mối quan hệ này mới được hàn gắn, khi ấy cả hai tình cờ gặp nhau tại một studio và đã cùng chơi nhạc. Họ thậm chí đã thảo luận về việc hợp tác, điều này tuy không thành hiện thực nhưng John Lennon vẫn rất hào hứng.
“Tôi đã chơi nhạc cùng Paul. Chúng tôi đã cùng làm nhiều thứ khác ở Los Angeles, có năm mươi người khác nữa đã chúng kiến chúng tôi chơi nhạc.”
Về sau, Paul McCartney bày tỏ bản thân đã rất sốc vì cái chết của John Lennon, người ông coi như anh trai mình. Tình bạn và tình đồng đội của cả hai đã trở thành biểu tượng của làng nhạc thế giới.
John Lennon và Yoko Ono – Hơn cả một nàng thơ
Trước khi gặp và cưới Yoko Ono, John Lennon đã trải qua cuộc hôn nhân đầu tiên với Cynthia Powell, bạn học ở trường nghệ thuật của ông. Họ hẹn hò từ thuở đại học và kết hôn vào năm 1962 khi Cynthia mang thai.
Trong mối quan hệ với Cynthia, John bị tố là thường xuyên có hành vi bạo lực và ghen tuông, ông sẽ trút cơn giận lên vợ mỗi khi thấy bà tiếp xúc với người đàn ông khác. John cũng thường xuyên vắng nhà và thậm chí không có mặt khi con trai đầu, Julian Lennon ra đời.
Tình cảm giữa họ ngày càng lạnh nhạt, cho đến một ngày Cynthia về nhà và bắt gặp John Lennon cùng Yoko Ono, khi đó đang qua lại với nhau, trong bộ áo choàng tắm. Họ ly hôn vài tuần sau đó, quyền nuôi con được tòa trao cho Cynthia.
Mối quan hệ giữa John Lennon và Julian cũng không hề tốt đẹp, John luôn xa cách và không quan tâm đến con, thậm chí mức độ gần gũi còn kém xa người đồng đội Paul McCartney. Paul và Julian thường gặp gỡ nhau và trở nên thân thiết, bài hát Hey Jude của The Beatles cũng là do ông viết để an ủi cậu bé Julian khi cha mẹ chia tay.
“Cha tôi có thể nói suốt ngày về hòa bình và tình yêu với những người khác, nhưng ông chẳng bao giờ thể hiện nó với người thân thiết với ông nhất: là vợ và con trai ông.” – Julian Lennon
Về sau, John Lennon đã làm lành với vợ cũ và con khi chủ động liên lạc với họ, ông cũng mua tặng đàn guitar cho con trai. Trong một cuộc phỏng vấn, Julian chia sẻ rằng anh quyết định tha thứ cho bố sau khi thu âm ca khúc Lucy, lấy cảm hứng từ bản hit Lucy in the Sky with Diamonds sáng tác bởi John.
The Beatles – Lucy in the Sky with Diamonds
So với cuộc hôn nhân đầu, chuyện tình giữa John Lennon và Yoko Ono mới thực sự gây ồn ào và thu hút sự chú ý của truyền thông. Mọi chuyện bắt đầu năm 1966, khi ấy Yoko là một nghệ sĩ thị giác ít tên tuổi và tìm cách bám theo John để mời ông tài trợ cho sự kiện của mình.
Hai người gặp nhau lần đầu tại một triển lãm và John bị hút hồn bởi sự bí ẩn của Yoko, ông nhận ra đây là tình yêu đích thực của đời mình. Tình yêu dần nảy nở, cả hai qua lại với nhau và kết hôn chỉ một năm sau thời điểm ly hôn của John.
Đắm chìm vào tình yêu, John Lennon dẫn người tình theo các sự kiện mà The Beatles tham gia, kể cả buổi thu âm của nhóm. Khi đó, Yoko sẽ ngồi lên các thiết bị thu âm, phát biểu ý kiến về phần làm việc của ban nhạc dù không am hiểu, điều này khiến ba thành viên còn lại vô cùng khó chịu.
Công chúng và truyền thông cũng không hề ủng hộ mối tình này, người hâm mộ lên án Yoko là kẻ phá vỡ hạnh phúc gia đình của John và nguyên nhân khiến mâu thuẫn nội bộ của The Beatles trở nên gay gắt. Yoko Ono bị coi là “kẻ tội đồ” đã lấy đi chàng nghệ sĩ John Lennon của người hâm mộ.
Dù vậy thì với John, Yoko vẫn là người phụ nữ tuyệt vời, người cho ông cảm giác của tình yêu thực sự và nàng thơ trong mọi tác phẩm sau này của nam ca sĩ. Yoko đã giúp John tìm được con người thật của mình và thăng hoa trong âm nhạc.
Cuộc hôn nhân của hai người có một khoảng gián đoạn vào năm 1972 khi họ quyết định ly thân. John Lennon vốn là người hay ghen tuông và có tính chiếm hữu, cả hai cũng có những mối quan hệ ngoài luồng dù đã kết hôn.
Thậm chí, Yoko Ono đã thuyết phục John chuyển đến Los Angeles sống cùng cô trợ lý May Pang trong vòng mười tám tháng để có khoảng thời gian riêng.
Đến năm 1975, sau khi Yoko tuyên bố tìm ra giải pháp cho chứng nghiện thuốc lá của John thì cả hai quay lại với nhau. Kể từ đó, họ gắn bó như hình với bóng, John gạt bỏ hoàn toàn hình ảnh của May Pang ra khỏi tâm trí. Đến khi Yoko Ono mang thai, ông quyết định tạm dừng mọi hoạt động để chăm sóc vợ và con.
Những năm tháng sau đó là khoảng thời gian hạnh phúc tột cùng của John Lennon, tình cảm giữa hai vợ chồng ngày càng bền chặt và trở thành động lực để John quay lại làng nhạc vài năm sau đó. Yoko không chỉ trợ giúp ông về mặt tinh thần mà còn là cộng sự, nguồn cảm hứng cho các ca khúc của nam danh ca.
Di sản âm nhạc của John Lennon
John có tài năng âm nhạc thiên bẩm với giọng hát là vũ khí còn khả năng viết nhạc là món quà trời ban, hai thứ này khi kết hợp đã tạo nên sức hút trong âm nhạc của The Beatles nói chung và John Lennon nói riêng.
Giọng hát của ông được đánh giá là “một trong những giọng hát Pop xuất sắc nhất mọi thời đại” với tính tự sự và biểu cảm vô cùng lớn. Bên cạnh đó, khả năng biến hóa linh hoạt để truyền tải những cảm xúc khác nhau cũng là thế mạnh của John.
Khả năng chơi nhiều nhạc cụ cũng tạo nên những dấu ấn riêng trong lòng khán giả về nam ca sĩ, ông có thể chơi tốt guitar, bass, organ, keyboard, piano và thậm chí là harmonica. Chính tiếng harmonica này đã tạo điểm nhấn cho các ca khúc của The Beatles ở thời kỳ đầu.
So với người cộng sự Paul McCartney “chuyên trị” những ca khúc tươi sáng, phong cách sáng tác của John Lennon thường nhuốm vẻ u buồn. Thương tổn từ quá khứ cùng nỗi lo lắng khi có được danh vọng là những chủ đề phổ biến trong âm nhạc của ông.
John cũng viết rất nhiều về các chủ đề liên quan chính trị, đặc biệt là chiến tranh với ca khúc Imagine. Ca khúc mang đến thông điệp hòa bình cho toàn thế giới và được vô số nghệ sĩ biểu diễn hoặc thu âm lại, từ Madonna, Stevie Wonder, Joan Baez đến Diana Ross.
Suốt cuộc đời, John Lennon đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật và các hoạt động xã hội. Những di sản mà nam danh ca tài hoa nhưng bạc mệnh này để lại là nguồn cảm hứng bất tận cho lứa nghệ sĩ về sau.
Thủy Đồng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất