Keanu Reeves là diễn viên nổi tiếng bậc nhất Hollywood, tuy nhiên anh còn được công chúng biết đến với tư cách đạo diễn, nhà sản xuất phim, nhà văn, người chơi đàn và nhà từ thiện có tiếng.
Trong sự nghiệp, Keanu Reeves nhiều lần chinh phục thế giới qua những tác phẩm kinh điển như Bill & Ted’s Excellent Adventure (1989), The Devil’s Advocate (1997), Constantine (2005), hai chuỗi phim Matrix (1999 – 2021) và John Wick (2014 – 2023).
Tính đến nay, Keanu đã sở hữu cho mình 13 giải thưởng và 35 đề cử, nổi bật nhất là giải Nam diễn viên xuất sắc nhất của MTV Movie Award và Diễn viên chính xuất sắc nhất ở Csapnivalo Awards.
Dù gặt hái được nhiều thành công, Keanu Reeves lại chọn lối sống bình dị khác thường. Sau khi tác phẩm viết về tiểu sử Keanu là Ma Trận Cuộc Đời được xuất bản, công chúng bắt đầu ca ngợi anh như “một biểu tượng sống của nhân cách”.
Keanu Reeves và thời niên thiếu đầy biến động
Diễn viên Keanu Reeves tên thật là Keanu Charles Reeves, sinh năm 1964 tại thủ đô Beirut, Lebanon. Anh là con trai của ông Samuel Nowlin Reeves Jr. cùng bà Patricia, một nhà thiết kế trang phục kiêm người biểu diễn nghệ thuật.
Bà Patricia là người gốc Anh trong khi ông Samuel lại đến từ Hawaii và mang trong mình bốn dòng máu gồm Trung Quốc, Ai-Len, Bồ Đào Nha, Anh Quốc. Tuy nhiên, gia đình Keanu không hạnh phúc khi cha bỏ rơi vợ con để thụ án năm anh lên ba.
Sau khi cha mẹ ly hôn vào năm 1966, mẹ anh quyết định chuyển gia đình đến thành phố Sydney, sau đó là New York và cuối cùng là Toronto, nơi anh cùng người em gái của mình trải qua thời niên thiếu.
Đến năm 1970, mẹ anh “đi thêm bước nữa” với Paul Aaron, một đạo diễn đến từ Hollywood. Họ ly dị vào năm 1971 và bà Patricia sau đó kết hôn với Robert Miller, một nhà quảng bá nhạc Rock vào năm 1976.
Chính người cha dượng này đã truyền động lực cho Keanu theo đuổi bộ môn Rock, anh khi ấy là thành viên của nhóm nhạc Dogstar. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân giữa mẹ anh và ông Robert chỉ kéo dài bốn năm ngắn ngủi.
Có lẽ vì trải qua một thời thiếu niên đầy biến động, cùng với việc không được lớn lên trong môi trường đầy đủ tình thương yêu nên Keanu dần thu mình và trở thành một người ít nói, anh từng chia sẻ bản thân rất mong cầu hạnh phúc dù là giản đơn.
Khởi nguồn với môn nghệ thuật thứ bảy của Keanu Reeves
Thuở thiếu thời, Keanu từng có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật khi theo học trường Nghệ thuật Etobicoke nhưng không may mắn bị đuổi học. Chia sẻ với báo giới, anh cho biết mình đã có có sự hiếu động hơi “quá lố”.
Về sau, Keanu Reeves theo học trường Trung học De la Salle và có tham gia bộ môn khúc côn cầu trên băng. Thời gian này, Keanu nổi bật ở vị trí thủ môn và thậm chí có nguyện vọng trở thành vận động viên cho đội tuyển Olympic của Canada.
Tuy nhiên, Keanu sau đó gặp chấn thương và quyết định đi theo con đường diễn xuất. Khi rời trường De La Salle, Keanu chuyển sang nhập học trường Avondale, nơi cho phép anh vừa học vừa làm diễn viên.
Chia sẻ về việc quyết định theo nghề diễn vào tuổi mười lăm, Keanu nói anh đã hỏi ý kiến mẹ và mong muốn đứng trên sân khấu cũng không phải là suy nghĩ bồng bột nhất thời.
“Tôi đã có một trải nghiệm đáng nhớ vào năm mình lớp hai. Bạn biết mọi người thường nói về cách họ nhìn thấy một người lính cứu hỏa hoặc cảnh sát. Họ nhìn thấy một người lính cứu hỏa hoặc một phi công chiến đấu hoặc những thứ tương tự như vậy và họ nói, “Ồ, tôi muốn trở thành như vậy” và họ không biết tại sao.
Tôi nhớ có một giáo viên và hai diễn viên nọ đến trường tiểu học và họ tham gia lớp học với các học sinh lớp hai chỉ để thực hiện các trò chơi ngẫu hứng biểu diễn trên sân khấu. Và tôi nhớ rằng tôi đã nhìn lên họ và tôi đã nói, “Tôi muốn làm điều đó”.”
Hai diễn viên khi ấy đã để lại cho Keanu ấn tượng sâu sắc đến mức nhiều năm sau, anh vẫn không thể nào quên được sức hấp dẫn họ tạo ra khi bản thân còn là một cậu bé lớp hai.
Khoảng đầu sự nghiệp của người đàn ông được quý mến nhất Hollywood
Năm 1984, Keanu Reeves lần đầu tham gia diễn xuất với vai quần chúng trong Hangin’ In, bộ phim truyền hình dài tập miêu tả các vấn đề ở tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, phân cảnh của Keanu chỉ kéo dài hơn một phút và không để lại nhiều dấu ấn.
Ngoài ra, Keanu còn xuất hiện ở bản nhạc Wolfboy nổi tiếng của nhà viết kịch Brad Fraser. Một năm sau, anh đóng vai Mercutio trong vở kịch Romeo and Juliet tại nhà hát Leah Posluns.
Tích cực tham gia đóng phim nhưng chưa thực sự gây được tiếng vang
Năm 1986, Keanu tập trung tham gia các bộ phim truyền hình, từ Babes in Toyland, Act of Vengeance đến Brotherhood of Justice. Hai bộ phim đầu anh đều là nhân vật phụ trong khi Brotherhood of Justice thì ngược lại.
Dù xuất hiện với vai trò nam chính, Keanu Reeves chưa gây được nhiều ấn tượng cho khán giả. Anh khi ấy đóng cùng Don Michael Paul, người về sau trở thành đạo diễn nổi tiếng và từng chỉ đạo hai phần của loạt phim Sniper.
“Diễn xuất trong Brotherhood of Justice của Keanu khá tốt nhưng ở River’s Edge thì anh ấy diễn tốt hơn, bộ phim đó cũng thực sự thiếu một cái kết bùng nổ. Đáng lẽ Brotherhood of Justice có thể làm tốt hơn thế nhiều. Dù sao thì tôi cũng khá vui khi được thấy thời mới vào nghề của Kiefer và Keanu, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là thời điểm mà họ trở nên đột phá.” – Snoopy Style
Năm 1986 cũng chứng kiến bộ phim điện ảnh đầu tiên mà Keanu Reeves tham gia được lên sóng. Tác phẩm khi ấy là Youngblood của đạo diễn Peter Markle, trong đó Keanu xuất hiện với vai Heaver, thủ môn đội Hamilton Mustangs.
Tháng 5 cùng năm, Keanu đóng vai Matt, cậu học sinh trung học trong bộ phim tâm lý tội phạm River’s Edge của đạo diễn Tim Hunter. Đứng trước cái chết của người bạn học, Matt đã cùng bạn bè hợp sức tìm cách giải quyết.
River’s Edge được công chiếu lần đầu vào năm 1986 tại Liên hoan phim quốc tế Toronto và nhận được “hàng tấn” phản hồi tích cực của giới chuyên môn. Cây bút Janet Maslin của tờ The New York Times đã nhận xét rằng:
“Diễn xuất của những diễn viên trẻ trong phim là rất tự nhiên và đáng tin cậy. Ngoài ra, Keanu Reeves đã xuất sắc thể hiện một tầm ảnh hưởng nhân vật của mình lên khán giả và tạo nên sự cảm thông cần thiết cho câu chuyện.”
Cuối thập niên 1980, Reeves đóng vai chính trong một số bộ phim truyền hình nhắm đến khán giả tuổi teen, bao gồm The Night Before (1988), The Prince of Pennsylvania (1988) và Permanent Record (1988).
Cả ba bộ phim đều đạt số điểm tương đối trên các nền tảng đánh giá, riêng tác phẩm Permanent Record dù nhận ý kiến trái chiều từ khán giả nhưng bản thân Keanu Reeves vẫn được ca ngợi đã mang đến màn trình diễn tuyệt vời.
Năm 1988 cũng là một năm khởi sắc của Keanu Reeves khi tác phẩm Dangerous Liaisons mà anh tham gia nhận tới bảy đề cử tại lễ trao giải Oscar lần 61, họ giành chiến thắng ba hạng mục gồm Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, Thiết kế trang phục xuất sắc nhất và Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất.
Keanu Reeves và cú bùng nổ đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất
Năm 1989, Keanu tham gia tác phẩm Bill & Ted’s Excellent Adventure với vai trò nam chính. Anh hóa thân thành Ted, một cậu thiếu niên lười biếng có khả năng du hành xuyên thời gian với người bạn Bill (Alex Winter thủ vai).
Trong phim, họ phải tập hợp những nhân vật lịch sử như Socrates, Sigmund Freud, Thành Cát Tư Hãn, Ludwig van Beethoven để phục vụ cho một buổi thuyết trình ở trường.
Sau khi ra mắt, bộ phim được đón nhận nồng nhiệt và ghi nhận mức doanh thu lên tới 41 triệu đô. Khán giả sẽ mãi nhầm lẫn chàng trai Keanu Reeves đời thực với nhân vật Ted ngây ngô mà anh thủ vai.
Chuyên trang Rotten Tomatoes đánh giá Bill & Ted’s Excellent Adventure ở mức tích cực kèm lời nhận xét:
“Keanu Reeves và Alex Winter đủ quyến rũ, ngốc nghếch và ngớ ngẩn để làm nên một tác phẩm Phiêu lưu du hành xuyên thời gian tuyệt vời.” – Chuyên trang Rotten Tomatoes nhận xét về Bill & Ted’s Excellent Adventure
Sáu tháng sau, Keanu tham gia tác phẩm hài chính kịch Parenthood cùng tài tử Joaquin Phoenix. Bộ phim kể về quá trình nuôi dạy con cái của ba anh em nhà Buckman, trong đó mỗi người sở hữu một phong cách khác nhau.
Trong phim, Keanu Reeves vào vai Tod Higgins, bạn trai của Julie. Julie là cháu gái của nam chính Gil Buckman (Steve Martin thủ vai). Bạn gái của Tod sau đó đã mang thai ngoài ý muốn, anh sau đó phải chuyển đến nhà Julie sống và làm quen.
Phim nhận được số điểm 7.0 trên gần năm mươi ngàn lượt đánh giá ở nền tảng IMDb kèm những lời khen “có cánh”, riêng đài BBC khen ngợi “các nhà làm phim đã khai thác chủ đề gia đình khá tốt” và phim sở hữu “dàn diễn viên thú vị.”
Năm 1990, Keanu Reeves góp mặt trong tác phẩm hài kịch đen I love You to Death, anh thủ vai gã sát thủ bất tài Marlon. Hai người bạn thân của anh là River Phoenix và William Hurt cũng tham gia ở vị trí vai phụ.
Dù không nhận vai chính như các lần trước và thời lượng xuất hiện ngắn ngủi, anh vẫn mang đến sự hài hước cho khán giả. Được thuê để “xử lý” anh thợ làm bánh Joey Boca nhưng cả hai đã thất bại suốt lần này đến lần khác.
“Tôi nghĩ Keanu Reeves và William Hurt đã cống hiến một số màn trình diễn tuyệt vời nhất mà tôi từng xem. Dàn diễn viên đỉnh cao.” – Deepthinker
Năm 1991, Keanu Reeves tiếp tục trở lại cuộc hành trình du hành thời gian ở Bill & Ted’s Bogus Journey với Alex Winter. Khác với cuộc dạo chơi lúc trước, Bill và Ted lần này phải quay về quá khứ và tiêu diệt phiên bản trẻ của một kẻ tàn bạo.
Bộ phim vẫn duy trì thành tích của phần một khi thu về gần bốn mươi triệu đô, gấp đôi kinh phí sản xuất. Ngoài ra, phim còn nhận một đề cử và một giải thưởng của Viện hàn lâm phim viễn tưởng Hoa Kỳ.
Michael Wilmington của Los Angeles TImes đã viết rằng phần tiếp theo của Bill & Ted’s Excellent Adventure “giàu trí tưởng tượng hơn, sang trọng hơn, hoang dã hơn và tự do hơn, song phần hiệu ứng hình ảnh cũng giúp phim thú vị hơn nhiều”
Ở giai đoạn đầu sự nghiệp, Keanu đã “gầy dựng” cho mình hình ảnh cậu thiếu niên Bill đẹp trai, sôi nổi và có danh tiếng. Tuy nhiên, khán giả khi ấy vẫn nghi ngại anh bị “đóng khung” trong hình tượng này.
Xây dựng hình tượng người đàn ông trưởng thành
Sau Bill & Ted’s Bogus Journey, năm 1991 cũng đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của Keanu Reeves khi anh đảm nhận những vai diễn người lớn có tính cách trưởng thành và thoát dần hình tượng “tuổi teen”.
Đồng hành cùng người bạn thân River Phoenix, Keanu Reeves sau đó đã tham gia vào My Own Private Idaho (1991), bộ phim nói về tình bạn giữa hai kẻ lừa đảo và khó khăn của họ trên hành trình tự khám phá bản thân.
My Own Private Idaho do Gus Van Sant chịu trách nhiệm biên kịch kiêm đạo diễn, dựa trên hai tác phẩm Henry IV, Henry V của Shakespeare. Phim công chiếu lần đầu tại LHP Quốc Tế Venice lần 48 và nhận được “cơn mưa” phản hồi tích cực.
Tờ New York Times khen ngợi Keanu và River vì màn trình diễn sâu sắc của họ, cây bút Owen Gleiberman của tờ Entertainment Weekly thì để lại những lời tán dương
“Đây là một bộ phim hiện đại với tâm trạng tự do bay bổng, tuyệt vọng giống như xuất thần. Toàn bộ bộ phim đã mang lại cho người xem một trải nghiệm phong phú và táo bạo.”
My Own Private Idaho sau đó đoạt mười hai giải thưởng cùng mười đề cử khác nhau, đặc biệt nhất là giải Bộ phim hay nhất trong năm tại Faro Island Film Festival.
Đột phá với vai cảnh sát chìm trong tác phẩm hành động Point Break
Cùng năm, Keanu tham gia Point Break, bộ phim hành động có kinh phí đầu tư cao với Patrick Swayze, Lori Petty, Gary Busey. Tác phẩm là câu chuyện về một đặc vụ FBI Johnny (Keanu Reeves thủ vai), người nhận trách nhiệm điều tra danh tính của một nhóm cướp ngân hàng.
Để chuẩn bị cho bộ phim, Keanu cùng với các bạn diễn đã tham gia một buổi học lướt sóng với vận động viên chuyên nghiệp Dennis Jarvis ở Hawaii, anh chia sẻ mình chưa từng thử lướt sóng và đây là một trải nghiệm thú vị.
Point Break được đón nhận tích cực và trở thành bom tấn phòng vé khi doanh thu vượt mốc tám mươi triệu đô. Ngoài ra, phim còn nhận nhiều lời khen trên chuyên trang đánh giá Rotten Tomatoes.
Diễn xuất của Keanu Reeves được tờ The New York Times ca ngợi là “kỷ luật và có tầm ảnh hưởng lớn”. Thêm vào đó, “Keanu đã chuyển đổi tốt giữa hai vai trò đối lập khi vừa là người cảnh sát nghiêm túc, vừa là tên trộm lả lơi trong vỏ bọc chìm.”
Tờ The Washington Post gọi Keanu là “sự lựa chọn hoàn hảo” nhưng cũng nhấn mạnh “nhà làm phim đã đúng khi để các nhân vật đưa ra những lựa chọn phi logic nhất có thể tưởng tượng được.”
Dù được khán giả đón nhận nhưng tác phẩm chỉ thu về một giải thưởng và ba đề cử, trong đó có giải Người đàn ông đáng mong ước nhất dành cho Keanu và đưa anh trở thành ngôi sao mới nổi trong thị trường phim hành động.
Keanu Reeves và những tác phẩm nhận về ý kiến trái chiều
Năm 1992, Keanu Reeves vào vai Jonathan Harker trong bộ phim kinh dị Bram Stoker’s Dracula của đạo diễn Francis Ford Coppola, dựa trên cuốn tiểu thuyết về ma cà rồng của nhà văn Stoker.
Với vai diễn lần này, Keanu được yêu cầu phải nói giọng Anh để sát nguyên bản, điều này vô tình khiến anh bị chế nhạo. Cây bút Limara Salt của tờ Virgin Media đã nhận định như sau:
“Quá sang trọng và hoàn toàn lố bịch, màn trình diễn của Keanu dù thể hiện đúng sự đau đớn của nhân vật nhưng lại quá buồn cười.”
Trong một buổi phỏng vấn của đạo diễn Francis, ông nói Keanu đã “rất cố gắng, anh ta muốn diễn một cách hoàn hảo và cố gắng làm tốt hết sức có thể, điều đó đã đóng góp vào tổng thể bộ phim và kết quả như bạn thấy.”
Sở hữu dàn diễn viên gạo cội gồm Gary Oldman, Winona Ryder và Sir Anthony Hopkins, Bram Stoker’s Dracula vượt mốc hai trăm triệu đô doanh thu phòng vé cùng 24 giải thưởng, trong đó có 3 giải Oscar.
Một năm sau, anh xuất hiện trong Much Ado About Nothing, dự án dựa trên vở kịch cùng tên của Shakespeare. Trên IDMb, Much Ado About Nothing nhận phản hồi tích cực khi nhiều nhận xét cho rằng phim là một tác phẩm chuyển thể thành công.
Thế nhưng, Keanu Reeves lại phải nhận đề cử Nam diễn viên phụ tệ nhất của giải Mâm xôi vàng. Tạp chí The New Republic cho rằng việc tuyển chọn Keanu là điều “không may” cho nhà sản xuất vì ở phim này anh diễn quá nghiệp dư.
Keanu Reeves cùng vai Đức Phật nhận đa luồng ý kiến
Ngoài Much Ado About Nothing, Keanu sau đó cũng tham gia vào một tác phẩm gây nhiều tranh cãi là Little Buddha (1993), do đạo diễn Bernardo Bertolucci chỉ đạo.
Ở Little Buddha, Keanu Reeves vào vai hoàng tử Siddhartha, người sau đó từ bỏ ngai vàng của mình để theo đường tu hành. Ngoài ra, bộ phim cũng thuật lại quá trình đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu bên trong ngài.
“Khi tôi đóng vai chàng hoàng tử ngây thơ này, người đã lớn lên trong một môi trường chỉ toàn sự tươi trẻ của sức sống do vua cha ảnh hưởng. Khi anh ta bắt đầu có những sự nghi ngờ về ý nghĩa cuộc đời khi lần đầu thấy tuổi già, thấy bệnh tật và thấy cái chết. Trải nghiệm đấy không chỉ ảnh hưởng đến vị hoàng tử mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Đó là một bài học về nhân sinh mà suốt đời này tôi sẽ không bao giờ quên.” – Keanu Reeves chia sẻ về vai diễn với tạp chí Mandala
Phim nhận nhiều ý kiến trái chiều khi có người cho rằng Keanu vào vai hoàng tử là “đáng tin cậy” và truyền tải được nhiều thông điệp ý nghĩa, số khác tranh cãi rằng diễn xuất của anh không thể hiện được hết ý chí nhà Phật.
Tiếp tục gây tiếng vang với dự án phim hành động Speed
Năm 1994, sự nghiệp của Keanu Reeves đạt đến tầm cao mới khi hóa thân thành công vai cảnh sát Jack Traven trong Speed, người sau đó phải chặn một đoàn tàu khỏi nguy cơ phát nổ.
Trong quá trình tuyển chọn, có rất nhiều gương mặt xuất sắc tham gia nhưng Keanu đã vượt qua toàn bộ nhờ màn trình diễn ở Point Break. Theo đó, đạo diễn Jan de Bont đã thưởng thức tác phẩm và rất ấn tượng trước những phân cảnh của anh.
Để ngoại hình đạt yêu cầu, Keanu Reeves đã dành hai tháng tập luyện nhằm tăng thêm khối lượng cơ bắp. Tuy nhiên, người bạn thân River Phoenix không may qua đời, việc này khiến Keanu phải tĩnh tâm một thời gian để vượt qua cú sốc này.
Speed công chiếu lần đầu năm 1994 và nhận nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn, tờ Chicago Tribune ca ngợi Keanu rằng anh “hoàn toàn lôi cuốn và đã mang đến một màn trình diễn đầy mãn nhãn cùng những phân cảnh hành động đỉnh cao”.
Bộ phim sau đó trở thành “cơn bão phòng vé” khi thu về 350 triệu đô doanh thu toàn cầu và giành hai giải Oscar, bao gồm giải Biên tập âm thanh xuất sắc nhất và Âm thanh xuất sắc nhất.
Khoảng thời gian không mấy tốt đẹp trong sự nghiệp của Keanu Reeves
Sau thành công của Speed, Keanu chính thức trở thành minh tinh ở Hollywood. Anh tiếp tục tham gia vào siêu dự án hành động Johnny Mnemonic, tác phẩm do nghệ sĩ Robert Longo chịu trách nhiệm đạo diễn.
Phim dựa trên câu chuyện cùng tên của nhà văn William Gibson, trong đó Johnny (Keanu Reeves thủ vai) giữ thông tin cứu sống nhân loại trong bộ não được cấy ghép của anh và phải đưa nó đến đúng nơi trước khi bị giết bởi kẻ chủ mưu.
Chị em đạo diễn Wachowskis đã nhận định về Johnny Mnemonic rằng đây là “một bộ phim khuôn mẫu cho siêu phẩm Ma Trận” và nó đã “tạo tiền đề cho những bộ phim khác có giá trị hàng thập kỷ”.
Dù có ý nghĩa về mặt lịch sử cùng ý tưởng làm phim đột phá, Johnny Mnemonic sau đó lại chịu những đánh giá tiêu cực, diễn xuất của Keanu bị chê bai “một cách thảm hại” từ giới phê bình lẫn khán giả.
“Bộ phim là một trong những tác phẩm ngốc nghếch tuyệt vời của giới điện ảnh trong thời gian gần đây, một bộ phim không hề xứng đáng để chúng ta phân tích nghiêm túc. Thế nhưng, sự hoành tráng một cách ngu ngốc của Johnny Mnemonic lại vô tình khiến bạn suýt chút nữa tha thứ cho nó” – nhà phê bình phim Roger Ebert nhận định năm 1995
Keanu Reeves sau đó xuất hiện với vai nam chính trong A Walk in the Clouds. Tác phẩm kể về chàng lính trẻ Paul, người vô tình “chịu trách nhiệm” trở thành chồng của một cô gái lỡ mang thai.
Sau khi ra mắt, phim nhận được nhiều luồng ý kiến phê bình khác nhau. Cây bút Mick Lasalle cho rằng phim “phần lớn là một bức tranh đẹp, diễn xuất tốt và giàu cảm xúc” trong khi tờ The Washington Post lại viết “phim không có gì đặc biệt và chất lượng chỉ ở mức trung bình”.
Keanu sau đó rút lui khỏi Điện ảnh một thời gian và quay lại nhà hát Manitoba với vai hoàng tử Hamlet trong vở kịch Hamlet. Cây bút Roger Lewis của tờ The Sunday Times đã ca ngợi màn trình diễn của anh là “một trong những người đóng tròn vai Hamlet nhất”.
Rời khỏi sân khấu kịch, Keanu Reeves tiếp tục tham gia vào dự án phim khoa học viễn tưởng Chain Reaction (1996) với các bạn diễn Morgan Freeman, Rachel Weisz, Fred Ward và Brian Cox.
Trong phim, anh vào vai nhà nghiên cứu Eddie Kasalivich cùng Lily Sinclair (Rachel Weisz thủ vai), hai người phải chạy trốn khỏi sự truy sát của chính tổ chức nơi mình làm việc vì bị buộc tội giết người cấp trên.
Chain Reaction nhận nhiều phản hồi tiêu cực vì kịch bản, chuyên trang Rotten Tomatoes đánh giá tác phẩm là sự thất bại của Điện ảnh kèm lời nhận xét “bộ phim kinh dị hành động này chủ yếu bám vào công thức chung và không đặc biệt.”
Sự lựa chọn của Keanu Reeves sau Chain Reaction cũng gây thất vọng lớn, bộ phim tiếp theo anh tham gia là Feeling Minnesota (1996) bị chỉ trích là “sự kết hợp giữa những yếu tố tồi tệ và về cơ bản là sai”.
Cùng năm, anh từ chối lời đề nghị đóng vai chính trong Speed 2: Cruise Control dù mức thù lao lên đến mười hai triệu đô. Theo Keanu, quyết định này đã khiến 20th Century Fox cắt đứt quan hệ với nam diễn viên trong suốt một thập kỷ.
Thành công trở lại với vai diễn trong Luật sư của Quỷ
Năm 1997, sau chuyến lưu diễn với ban nhạc Dogstar, Keanu Reeves được thông báo sẽ vào vai Kevin Lomax trong tác phẩm Luật sư của Quỷ (The Devil’s Advocate) cùng hai bạn diễn Charlize Theron, Al Pacino.
Bộ phim kể về anh chàng luật sư trẻ tài giỏi Kevin Lomax (Keanu Reeves thủ vai) được mời làm việc tại một công ty luật cao cấp của Thành phố New York. Tuy nhiên, Kevin sau đó lại phát hiện ra sếp John (Al Pacino thủ vai) lại là ác quỷ đội lốt người.
Luật sư của Quỷ sau khi ra mắt đã là một thành công lớn khi phim thu về hơn 150 triệu doanh thu phòng vé và thu hút những đánh giá tích cực từ giới chuyên môn lẫn khán giả.
“Đây là một bộ phim rất thú vị và tuy có những phân cảnh Keanu diễn hơi thiếu tinh tế nhưng nhìn chung anh đã làm rất tốt” – Nhà phê bình phim James Berardinelli
Theo tờ ABC News, Keanu đã đồng ý giảm thù lao để nhà làm phim có thể mời diễn viên kỳ cựu Al Pacino. Anh chia sẻ được đóng cùng ông là trải nghiệm tuyệt vời mà bản thân từng mong ước.
Trở thành ngôi sao toàn cầu với Ma Trận
Năm 1999, Keanu Reeves vào vai nam chính trong bộ phim khoa học viễn tưởng The Matrix (Ma Trận), phần đầu tiên trong loạt phim nổi danh toàn cầu The Matrix.
Trong phim, Keanu vào vai chàng lập trình viên máy tính Thomas Anderson (Neo), người phát hiện ra nhân loại bị mắc kẹt bên trong một thực tại giả lập được tạo ra bởi những cỗ máy thông minh muốn thống trị loài người.
Xuyên suốt bộ phim là hành trình anh tự thoát ra khỏi thực tại, chiến đấu ngoài đời thực lẫn trong giả lập để giành lấy tự do. Nhằm chuẩn bị cho vai diễn, Keanu phải đọc tác phẩm về máy móc, xã hội và kinh tế Out of Control của Kevin Kelly.
Ngoài ra, anh còn tham khảo thêm về Tâm lý học tiến hoá với học giả Dylan Evans và trải qua nhiều tháng huấn luyện căng thẳng với biên đạo võ thuật Yuen Woo-ping.
Sở hữu dàn diễn viên thực lực, chủ đề sáng tạo cùng phương thức làm phim mới lạ, The Matrix đã trở thành “cú nổ phòng vé” với hơn 460 triệu đô doanh thu, đứng đầu nhiều danh sách phim khoa học viễn tưởng hay nhất.
Thời báo Los Angeles Times cảm thấy đây là một “bộ phim kinh dị tương lai đầy tính điện ảnh và quyết tâm chế ngự trí tưởng tượng của người xem”, mặc dù “nhận thấy vẫn có những điểm yếu trong lời thoại của bộ phim”.
Cây bút Janet Maslin của The New York Times cho rằng Reeves là “hình mẫu anh hùng hành động sang trọng nổi bật” và cho rằng các pha võ thuật nguy hiểm chính là điểm nhấn tuyệt vời nhất.
The Matrix đã nhận Giải thưởng của Viện hàn lâm ở bốn hạng mục Dựng phim hay nhất, Biên tập âm thanh hay nhất, Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất, Âm thanh hay nhất. Không những vậy, giá trị của bộ phim vẫn còn có ý nghĩa đến tận bây giờ.
Keanu Reeves và lần bị chơi khăm ở phim trường Hollywood
Sau thành công của The Matrix, Keanu chuyển sang tham gia dự án thuộc thể loại hài vui nhộn The Replacements (2000), bộ phim cuối cùng của diễn viên gạo cội Jack Warden, người nổi danh với tác phẩm 12 Angry Men (1957).
Trong phim, Keanu vào vai cầu thủ bóng bầu dục Shane, người đã thắng ba trận đấu khi xuất phát từ băng ghế dự bị. Anh đã cùng đội bóng vượt qua nhiều đối thủ khó nhằn và vô địch Super Bowl lần thứ 22.
The Replacements không tạo được ấn tượng với công chúng và doanh thu phòng vé chỉ ở mức hoà vốn, tuy nhiên Keanu Reeves lại “có một màn trình diễn tuyệt vời và ổn định” theo đánh giá của IMDb.
Một tháng sau, anh xuất hiện ở tác phẩm kinh dị The Watcher (2000) với vai phản diện David Allen, kẻ giết người hàng loạt đang theo dõi cựu đặc vụ FBI Joel (James Spader thủ vai).
Chia sẻ với tờ The Guardian, Keanu cho biết anh chấp nhận đóng The Watcher vì bị giả mạo chữ ký trên hợp đồng thuê diễn viên. Việc “khiên cưỡng” tham gia đã ảnh hưởng tiêu cực đến nam diễn viên, bộ phim sau đó cũng nhận về nhiều chỉ trích.
“Xem Keanu Reeves vào vai một kẻ giết người hàng loạt thông minh giống như đang xem một con mèo con cố gắng tìm đường băng qua bãi phế liệu, nơi được bảo vệ bởi nửa tá con bò tót vậy. Đây chắc chắn không phải là một bộ phim hay” – nhà phê bình Matt Brunson
Cùng năm, anh vào vai phụ Donnie trong tác phẩm kinh dị The Gift của đạo diễn Sam Raimi, người sau này nổi danh với nhiều bom tấn như Spiderman (2002 – 2007), Oz the Great and Powerful (2013) và Doctor Strange 2 (2022).
The Gift kể về nhà ngoại cảm Annie (Cate Blanchett thủ vai) và hành trình tìm kiếm một cô gái trẻ đã biến mất. Tuy nhiên, Donnie (Keanu Reeves thủ vai) lại nhầm tưởng cô là phù thuỷ rồi tìm cách cáo buộc.
Đài CNN cho rằng bộ phim “khá hấp dẫn” nhưng đạo diễn Sam Raimi đã chỉ đạo Keanu Reeves để lời thoại của anh “nghe như đang đọc từ mặt sau của một hộp ngũ cốc.”
Trở lại với hai phần hậu truyện của Ma Trận
Năm 2003, Keanu Reeves trở lại màn ảnh với The Matrix Reloaded, The Matrix Revolutions sau một năm vắng bóng, đây là hai phần hậu truyện của tác phẩm đình đám The Matrix.
Ở phần hai, Neo (Keanu Reeves thủ vai), Trinity (Carrie-Anne Moss thủ vai) và Morpheus (Laurence Fishburne thủ vai) tiếp tục lãnh đạo cuộc nổi dậy chống lại quân đội máy móc, họ phải chuẩn bị trước cuộc chiến sống còn cuối cùng.
Với The Matrix Reloaded, phim chủ yếu nhận được những đánh giá tích cực từ khán giả. Cây bút John Powers của tờ LA Weekly ca ngợi tác phẩm như màn “pháo hoa rực rỡ”, vai diễn của Keanu thì “toát ra một khí chất đàn ông quyến rũ”.
Sau khi công chiếu, The Matrix Reloaded cán mốc doanh thu kỷ lục trong cả bốn phần phim với 740 triệu đô trên toàn thế giới. Tác phẩm này còn đoạt tám giải thưởng khác nhau, bao gồm giải Phim hành động phiêu lưu yêu thích của Teen Choice Awards.
Phần ba của loạt phim The Matrix chính là hạ màn của toàn bộ cuộc hành trình, nơi xảy ra trận chiến sống còn cuối cùng giữa phe người máy và phe con người. Bộ phim sau khi ra mắt đã vấp phải những đón nhận tiêu cực từ công chúng.
Theo chuyên trang Rotten Tomatoes, “bộ phim tập trung quá nhiều vào các hiệu ứng kỹ xảo đặc biệt mà bỏ qua phần phát triển của nhân vật”. Cây bút Paul Clinton của tờ CNN ca ngợi The Matrix Revolutions có hiệu ứng bắt mắt nhưng nhân vật Neo “hơi mất tập trung”.
“Các phân cảnh đánh nhau và hành động thiên về vũ khí hạng nặng do máy tính tạo ra trên The Wachowskis lại có phần quá chói mắt và chói tai. Các phân cảnh này đã vượt ra khỏi mức độ hào hứng và tạo cảm giác quá mạnh không cần thiết, dẫn tới kết quả tệ hơn các phân cảnh chiêu thức võ thuật hồi hộp người xem The Matrix và The Matrix Reloaded. ” – Nhà phê bình Carla Meyer đưa ra lời nhận xét ngược lại
Tuy nhiên, The Matrix Revolutions vẫn vượt mốc bốn trăm triệu đô doanh thu trên toàn thế giới và nhận năm giải thưởng cùng 36 đề cử, dù ít hơn hai phần trước nhưng tác phẩm vẫn đạt được sự thành công nhất định.
Cuối năm, Keanu Reeves xuất hiện trong vai nam phụ của bộ phim Something’s Gotta Give với sự góp mặt của hai diễn viên gạo cội Jack Nicholson và Diane Keaton, người nổi tiếng với The Shining (1980) và The Godfather (1972).
Trong phim Keanu vào vai Julian Mercer, người hỗ trợ Harry (Jack Nicholson thủ vai) trong quá trình “chinh phục trái tim” quý cô Erica (Diane Keaton thủ vai). Bộ phim thậm chí nhận đề cử Oscar ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Keanu Reeves và vai diễn John Constantine đi trước thời đại
Năm 2005, Keanu xuất hiện trong vai bậc thầy diệt quỷ Constantine ở bộ phim cùng tên, tác phẩm là câu chuyện về một người đàn ông có khả năng nhận diện sự tồn tại của thiên thần, ác quỷ và hành trình tiêu diệt cái ác ở nhân gian.
Để chuẩn bị cho vai diễn, Keanu Reeves đã gặp một thầy trừ tà và học hỏi thêm về một số thủ thuật trừ khử ma quỷ. Bộ phim sau khi ra mắt đã cán mốc 230 triệu đô doanh thu trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, Constantine lại “hứng chịu” đánh giá trái chiều từ giới chuyên môn lẫn người hâm mộ tại thời điểm ra mắt. Nguyên nhân lớn nhất là vì phim đã khác xa so với nguyên tác trong Vũ trụ DC.
Cây bút của tờ Sydney Morning Herald cho rằng “bộ phim không tệ nhưng nó không xứng đáng với bất kỳ tính từ mô tả nào. Constantine đôi khi sến súa, đôi khi thú vị và càng về sau càng đáng sợ.”
Sau một thời gian, khi dòng phim về siêu anh hùng lên ngôi, nhân vật phản anh hùng Constantine lại trở nên nổi tiếng và có lượng người hâm mộ đông đảo. Bản thân Keanu Reeves vẫn rất hứng thú với vai diễn này, anh đã xác nhận sẽ trở lại trong phần hai.
Thử sức ở vai trò đạo diễn và khoảng thời gian không mấy khởi sắc
Năm 2006, Keanu xuất hiện trong bộ phim hoạt hình kinh dị khoa học viễn tưởng A Scanner Darkly của đạo diễn Richard Linklater. Anh vào vai Fred, một đặc vụ chìm trong thế giới tương lai, nơi mọi thứ chịu sự giám sát của cảnh sát công nghệ cao.
Dù thất bại ở “mặt trận” phòng vé, bộ phim vẫn thu hút những đánh giá tích cực. Tờ BBC cho rằng A Scanner Darkly là “một tác phẩm đẹp đáng để xem” nhưng “diễn xuất của Keanu Reeves có phần bị lấn át bởi bạn diễn Robert Downey Jr.”.
Năm 2008, Keanu Reeves hợp tác với đạo diễn David Ayer trong bộ phim kinh dị về tội phạm Street Kings. Anh vào vai một cảnh sát chìm, người phải xoá danh tính sau cái chết của một người đồng nghiệp.
Thu về 66 triệu đô doanh thu phòng vé trên toàn thế giới nhưng kịch bản của Street Kings đã vấp phải những đánh giá trái chiều, bản thân Keanu Reeves cũng bị “chê tơi tả” với màn trình diễn trong tác phẩm.
Theo cây bút Paul Byrne’s của tờ The Sydney Morning Herald, bộ phim “đầy rẫy những phân cảnh kinh dị thừa thãi, phần cốt truyện tuy hồi hộp nhưng không khó để nhận ra ai phản bội ai và Street Kings chưa đủ là một tác phẩm hay”.
Cuối năm, Keanu đóng vai nam chính trong bộ phim khoa học viễn tưởng The Day the Earth Stood Still (2008), một phiên bản làm lại có phần “chắp vá” từ tác phẩm cùng tên năm 1951.
Trong phim, Keanu Reeves đóng vai Klaatu, một người ngoài hành tinh xuống trái đất để cố gắng thay đổi hành vi xấu của loài người hoặc xóa sổ họ vì những tác động tiêu cực đến môi trường.
Tại Lễ trao giải Razzie năm 2009, The Day the Earth Stood Still được đề cử cho hạng mục Phim làm lại tệ nhất, nhiều nhà phê bình nhận xét hiệu ứng của phim không mấy đặc biệt.
Sau đó, anh có mặt với vai nam chính trong hai bộ phim hài lãng mạn The Private Lives of Pippa Lee (2009) và Henry’s Crime (2010). Tuy nhận được đánh giá tích cực từ người xem nhưng cả hai lại không thành công ở khía cạnh doanh thu.
Năm 2013, Keanu vào vai phản diện chính của Man Of Taichi, tác phẩm hành động đầu tay do chính anh đạo diễn. Bộ phim theo chân Tiger Chen (Tiger Chen thủ vai), người đàn ông trẻ tuổi bị lôi kéo vào một câu lạc bộ đối kháng ngầm.
Man of Taichi được lấy cảm hứng từ sự kiện ngoài đời của nhân vật chính, bản thân anh cũng quen biết với Keanu Reeves. Ngoài ra, phim còn được hỗ trợ bởi Yuen Woo-ping, biên đạo võ thuật trong The Matrix.
Man of Taichi công chiếu lần đầu tại Liên Hoan phim Bắc Kinh và nhận lời khen từ đạo diễn gạo cội John Woo, người nổi tiếng với những bộ phim hành động như Face off (1997), Đại chiến Xích Bích (2008), Mission Impossible 2 (2000).
“Những phân cảnh hành động tàn bạo mà Keanu Reeves sử dụng cho những pha đánh đấm là hoàn toàn có cơ sở và kinh điển. Quả thực, biên đạo võ thuật bậc thầy Yuen Woo-ping và Keanu đã mang đến một tác phẩm đẹp mắt.” – Tờ Los Angeles Times
Dù nhận lời khen từ giới phê bình, Man of Taichi lại thất bại ở “mặt trận” phòng vé khi chứng kiến mức lỗ lên tới gần hai mươi triệu đô.
Trở lại với vai “ông kẹ” trong chuỗi phim John Wick
Sau chuỗi phim thất bại, sự nghiệp của Keanu Reeves có phần khởi sắc trở lại khi anh tham gia đóng vai chính trong John Wick (2014), tác phẩm do Chad Stahelski chịu trách nhiệm đạo diễn.
Trong phần đầu tiên của loạt phim, Keanu vào vai sát thủ đã nghỉ hưu John, người đang bắt đầu hành trình báo thù của bản thân. Để đạt yêu cầu cho vai diễn, Keanu Reeves đã tập luyện liên tục với nhiều loại súng lẫn các môn phái võ thuật.
Bộ phim sau khi ra mắt đã nhận được vô vàn những lời nhận xét tích cực và thu về 86 triệu đô doanh thu, nhiều người cho rằng John Wick là viên ngọc quý về đề tài hành động võ thuật mà vốn dĩ đã hạ nhiệt hơn một thập kỷ gần đây.
Cây bút Jeannette Catsoulis của tờ The New York Times ca ngợi những phân cảnh đánh nhau của Keanu và cho rằng anh “luôn thoải mái hơn trong những vai diễn yêu cầu sự lạnh lùng, màn trình diễn “không cần phải nỗ lực” của anh thật kinh ngạc”.
Phần sau của loạt phim thậm chí thành công hơn khi John Wick: Chapter 2 (2017) vượt mốc 170 triệu đô doanh thu trên toàn thế giới. Câu chuyện tiếp tục từ phần phim đầu tiên và theo chân John khi anh chạy trốn những gã sát thủ.
“Keanu Reeves một lần nữa mang đến một màn trình diễn đáng chú ý với tư cách là một nhân vật tiêu biểu. Đây là những gì mà một phim kiểu hậu truyện nên có. Việc giải thích cho những tình tiết ở phần đầu đã làm nên thành công của John Wick 2 khi nhà sản xuất mở rộng câu chuyện về thế giới của John và duy trì các yếu tố đã làm cho nó trở thành một bộ phim xuất sắc.” – IMDb
Thành công nối tiếp thành công, phần thứ ba của loạt phim là John Wick: Chapter 3 – Parabellum (2019) lập kỷ lục với hơn ba trăm triệu đô doanh thu phòng vé, đem về cho nhà sản xuất lợi nhuận khổng lồ.
Bộ phim sau đó đoạt giải Phim hành động hay nhất và Phim bom tấn mùa hè hay nhất của Golden Trailer Awards, riêng Keanu thì được đề cử giải Nam diễn viên được yêu thích nhất ở People’s Choice Award.
Không thể phủ nhận rằng Keanu Reeves dường như “có duyên” với thể loại phim hành động. Hiện tại, bộ phim vẫn còn một phần cuối và được cho là sẽ ra mắt vào năm 2023, khán giả hiện đang rất mong chờ Keanu tái xuất qua vai diễn này.
Chiều lòng người hâm mộ với những tác phẩm kinh điển
Sau chuỗi phim đình đám John Wick, Keanu Reeves tham gia lồng tiếng cho nhân vật Duke Caboom trong Toy Story 4 (2019), phần thứ tư trong loạt phim cùng tên của Pixar.
Bộ phim được đánh giá đã “hạ màn” đầy tuyệt vời cho tuổi thơ của bao thế hệ và vượt mốc một tỷ đô doanh thu trên toàn thế giới. Đây cũng là lần đầu Keanu hợp tác cùng Tom Hanks, người nổi tiếng với Forrest Gump (1994), The Green Mile (1999).
Ngay từ năm 2008, Keanu Reeves và Alex Winter đã nhen nhóm ý định quay trở lại với phần phim thứ ba của loạt tác phẩm Bill & Ted Adventure. Thế nhưng, mãi đến năm 2020 thì Bill & Ted Face the Music mới được ra mắt.
Ở phần này, hai nhân vật chính không còn giải cứu thế giới trong một cuộc du hành thời gian. Họ đã trở thành hai ông bố trung niên và đang cố gắng tạo ra một bản hit để hoàn thành ước nguyện của mình.
Bill & Ted Face the Music sau đó là một thất bại phòng vé và nhận phải những phản ứng không mấy tốt đẹp. Tạp chí Salon đã thất vọng với màn trình diễn của Keanu Reeves nhưng ca ngợi bộ phim vì thông điệp “âm nhạc có thể đoàn kết cả thế giới”.
Dù màn trình diễn của Keanu gây thất vọng nhưng việc Bill và Ted trở lại màn ảnh rộng thực sự có ý nghĩa với người hâm mộ của loạt phim này, tạp chí Salon thậm chí ca ngợi bộ phim vì thông điệp “âm nhạc có thể đoàn kết cả thế giới”.
Năm 2021, Keanu Reeves và Carrie-Anne Moss của loạt phim The Matrix trở lại với The Matrix: Resurrection. Bộ phim theo chân Neo (Keanu Reeves thủ vai) khi anh phải tìm hiểu về thực tại của chính mình.
Trên Rotten Tomatoes, bộ phim bị chỉ trích vì kịch bản lỏng lẻo và sự bóp méo các nhân vật “trụ cột” của ba phần gốc. Tại phòng vé thì The Matrix: Resurrection ghi nhận mức thua lỗ lên tới gần bốn mươi triệu đô.
Dù không thành công ở “mặt trận” doanh thu, The Matrix: Resurrection vẫn nhận được hơn bốn mươi đề cử khác nhau, chủ yếu về mặt hình ảnh, đặc biệt là đề cử Hiệu ứng hình ảnh đặc biệt nhất của BAFTA Awards.
Năm 2022, Keanu Reeves xác nhận sẽ tham gia dự án hoạt hình Liên minh Siêu thú DC. Trong phim, anh sẽ lồng tiếng cho nhân vật Bruce Wayne trứ danh, kết hợp cùng những diễn viên nổi tiếng khác như Dwayne Johnson, Kevin Hart.
Là người đàn ông trầm tính và tối giản, Keanu Reeves đã xuất sắc chinh phục thành công trái tim của nhiều khán giả trên toàn thế giới. Theo chia sẻ, anh tham gia đóng phim vì “kể những câu chuyện muốn kể” chứ không phải vì lợi nhuận.
Minh Triết
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất