Nguyễn Trãi không chỉ là thiên tài chính trị, bậc anh hùng kiệt xuất của dân tộc mà còn được biết đến như một ngòi bút thơ văn chính luận nổi tiếng trên nền văn học trung đại Việt Nam.
Các tác phẩm của ông hàm chứa những tư tưởng phát triển và tiến bộ hơn nhiều so với danh nhân, nghĩa sĩ cùng thời. Ngòi bút ấy luôn hướng về nhân dân, thể hiện tinh thần nhân nghĩa, hơn thế nữa là bộc lộ tấm lòng cao cả đến từ bậc trung quân ái quốc.
Điều ấy thể hiện rõ trong kiệt tác Bình Ngô Đại Cáo, đặc biệt ở đoạn trích Nước Đại Việt ta. Tuy chỉ là phần mở đầu nhưng đã bao hàm được tư tưởng nhân nghĩa cốt lõi cũng như khẳng định nền độc lập, chủ quyền của dân tộc.
Nguyễn Trãi là một trong những anh hùng tiêu biểu của dân tộc
Nguyễn Trãi sinh năm 1380, hiệu Ức Trai, người làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, nay thuộc Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông là chính trị gia, thi sĩ kiệt xuất và nhà văn hoá lớn của Việt Nam ở thế kỷ XV.
Từ nhỏ, Nguyễn Trãi đã rất ham học và am hiểu hầu hết các loại sách như bách gia, binh thư thao lược. Cha của ông là Nguyễn Phi Khanh từng nhắc tới sự hiếu học này trong bài thơ Gia viên lạc.
“Vườn xưa sau loạn còn nhà cũ
Sáu tuổi con thơ rất thích sách.” – Gia viên lạc (Nguyễn Phi Khanh)
Trưởng thành trong dòng dõi gia tộc nhiều đời làm quan triều đình, có truyền thống cương trực, luôn đấu tranh chống lại cường quyền. Những điều đó vì vậy ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách, tài năng của ông.
Nguyễn Trãi từng làm quan dưới triều Hồ, khi vương triều này thất thủ và Đại Việt rơi vào ách cai trị của nhà Minh, ông đã tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo nhằm chống lại quân giặc bạo tàn.
Gia nhập nghĩa quân Lam Sơn trong vai trò mưu sĩ, nhà văn hoá lớn đương thời đã góp công hiến kế, soạn thảo văn thư để ngoại giao với quân Minh. Năm 1428, cuộc khởi nghĩa thành công, Nguyễn Trãi trở thành khai quốc công thần của triều Hậu Lê.
Nhìn chung, cuộc đời của Ức Trai luôn gắn liền với việc phụng sự và cống hiến cho đất nước. Ông là bậc anh hùng dân tộc, người có trọn vẹn phẩm chất đạo đức, đa tài hiếm có trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
“Nguyễn Trãi là người yêu nước và yêu dân; ông vừa tận trung với nước vừa tận hiếu với dân. Đó là một đặc điểm rất lớn trong tư tưởng và đạo đức làm người của Nguyễn Trãi, vì tận hiếu với dân là điều rất hiếm có trong các thời đại trước.” – Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước (Nguyễn Lương Bích)
Nổi bật với nhân cách cao cả, lý tưởng sống đầy khát khao, hoài bão luôn hướng đến nhân dân và đất nước. Tuy vậy, kết cục của cuộc đời Nguyễn Trãi không mấy tốt đẹp, ông rơi vào vụ án Lệ Chi Viên oan khiên nổi tiếng trong lịch sử.
Điều này dẫn đến việc gia quyến họ Nguyễn bị tru di tam tộc, vị khai quốc công thần đã kết thúc cuộc đời với hoàn cảnh bi phẫn và oan khuất. Sau này, Nguyễn Trãi được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới, một trong những anh hùng tiêu biểu của Việt Nam.
Nguyễn Trãi là người đặt những viên gạch đầu tiên cho nền văn hoá dân tộc
Bàn luận về đại văn hào Nguyễn Trãi, không thể không đề cập đến sự độc đáo trong tư tưởng và tính cách con người. Ngoài lĩnh vực quân sự, ông đã dành cả đời để cống hiến sức lực, trí tuệ nhằm xây dựng nền văn hóa mới của Đại Việt thời Hậu Lê.
Nói như vậy không phải nước Việt chỉ mỗi ông là nhà văn hóa lớn mà thời Trần cũng có Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở chỗ Nguyễn Trãi nhận thấy được vai trò quan trọng của bản sắc dân tộc đối với vận mệnh đất nước.
Tư tưởng của Nguyễn Trãi được xem như sản phẩm nền văn hóa thời đại nhà Hậu Lê. Đó là giai đoạn xã hội đang trên đà phát triển, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam.
“Muốn cho nước Việt thoát khỏi cảnh nô lệ, chỉ có một cách xây dựng cho người Việt một lòng tự hào về nhân dân, về văn hóa, về đất nước của mình.” – Nguyễn Trãi
Ông không trình bày tư tưởng thành học thuyết có hệ thống hay chứa đựng trong kinh sách cụ thể. Các công trình nghiên cứu của nhiều nhà khoa học xã hội hiện đại đã chỉ ra tất cả triết lý nhân sinh được thể hiện rải rác qua những tác phẩm để lại cho hậu thế.
Nguyễn Trãi mang tư tưởng tam giáo đồng nguyên và có sự hòa quyện, chắt lọc chặt chẽ với hoàn cảnh thực tiễn xã hội đương thời. Tuy nhiên, điều tác động mạnh mẽ lên quan niệm sống của Ức Trai cũng như ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình sáng tác chính là học thuyết Nho giáo.
“Về hệ thống, tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Trãi vẫn thuộc Nho giáo nhưng là một Nho giáo khoáng đạt, rộng rãi, không câu nệ và vì vậy không chỉ là gần gũi mà còn là phong phú hơn, cao hơn lối sống thuộc dân tộc trước đó.” – Giáo sư Trần Đình Hượu
Đại thi hào Nguyễn Trãi đã đóng góp rất nhiều cho nền văn hoá Việt Nam cả bằng chữ Hán và chữ Nôm, bao gồm các lĩnh vực từ văn học, lịch sử, địa lý, luật pháp đến lễ nghi. Tuy nhiên, đa số bị thất lạc sau vụ án Lệ Chi Viên.
Các tác phẩm còn lại phần lớn được sưu tập trong bộ Ức Trai thi tập của Dương Bá Cung, khắc in vào năm 1868 đời nhà Nguyễn. Ngoài ra còn có Quốc âm thi tập, Chí Linh sơn phú và tiêu biểu nhất là Bình Ngô đại cáo.
Nhìn chung, các sáng tác đều phản ánh hiện thực xã hội lúc bấy giờ, sự nghiệp văn chương đồ sộ mà ông để lại đã phần nào soi chiếu cuộc sống sinh hoạt và trạng thái tinh thần của người Việt Nam.
Nguyễn Trãi vận dụng tài tình tư tưởng văn hóa vào chiến lược quân sự, do đó những tác phẩm viết theo thể văn chính luận của ông đều mang tinh thần chiến đấu xuất phát từ ý thức tự giác dùng văn chương phục vụ cho mục đích chính trị, xã hội.
“Văn chương mưu lược gắn liền với sự nghiệp kinh bang tế thế.” – Nhà sử học Phan Huy Chú
Với tác phẩm Bình Ngô đại cáo, đoạn trích Nước Đại Việt ta đã phản ánh tinh thần dân tộc sâu sắc. Nguyễn Trãi dùng ngòi bút đa tài để khẳng định đanh thép chủ quyền đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam.
Nước Đại Việt ta là tiền đề cho kiệt tác Bình Ngô đại cáo
Sau khi Lê Lợi dẹp yên quân xâm lược, Nguyễn Trãi soạn thảo Bình Ngô đại cáo vào mùa xuân năm 1428 nhằm thay lời Bình Định Vương tuyên cáo về việc giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống nhà Minh, khẳng định sự độc lập của Đại Việt.
Ông viết bài cáo này không chỉ để tuyên bố độc lập mà còn ngầm khẳng định sự bình đẳng giữa hai cường quốc. Qua đó thể hiện tư tưởng hướng đến công bằng, dân chủ, đề cao vai trò nhân dân đối với vận mệnh đất nước.
Ông khiến thiên hạ thấy rằng Bình Ngô đại cáo là một văn bản mang tính pháp luật, có ý nghĩa lịch sử trọng đại và không hề thua kém với các văn kiện quan trọng tượng trưng cho uy quyền, công cụ bảo vệ nhà Minh.
Tác phẩm không những là văn kiện lịch sử giàu giá trị, tổng kết hành trình đấu tranh gian khổ trong cuộc chiến chống quân Minh mà còn được xem như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai, một áng thiên cổ hùng văn của dân tộc.
Bình Ngô đại cáo viết theo thể văn biền ngẫu với nguyên tác chữ Hán và được các học giả như Ngô Tất Tố, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim dịch sang tiếng Việt. Kết cấu bài cáo gồm năm phần, trong đó đoạn trích Nước Đại Việt ta là mở đầu cho tác phẩm.
Nước Đại Việt ta là tiền đề của kiệt tác Bình Ngô đại cáo và đóng vai trò khẳng định tư tưởng nhân văn, niềm tự tôn dân tộc. Điều đó cho thấy sự phát triển vượt bậc về tình yêu nước, khối đại đoàn kết nhân dân ở thế kỉ XV.
Bài thơ thuộc thể văn cổ, thường do vua chúa hoặc thủ lĩnh viết nhằm trình bày chủ trương, đường lối hay công bố kết quả của sự nghiệp trọng đại cho quần chúng nhân dân biết. Về hình thức, ở thể loại này có tính chất hùng biện nên giọng điệu đanh thép, lí luận sắc bén.
Nếu Nam quốc sơn hà được ca ngợi như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc thì Bình Ngô đại cáo cũng bày tỏ điều tương tự với lời tuyên bố hào hùng, đanh thép khẳng định chủ quyền quốc gia và Nước Đại Việt ta là đoạn trích thể hiện rõ nét nội dung ấy.
Phần mở đầu nổi bật bởi tư tưởng nhân nghĩa gắn liền với quan niệm Nho giáo
Đoạn trích Nước Đại Việt ta có ý nghĩa như một lời tuyên bố hùng hồn về nền độc lập Tổ quốc. Đồng thời nổi bật qua hai nội dung chính là tư tưởng nhân nghĩa gắn liền với quan niệm Nho giáo và khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc.
Bằng ngòi bút tài hoa, Nguyễn Trãi đã mở đầu đoạn trích cũng như kiệt tác Bình Ngô đại cáo với hai câu thơ đầy ấn tượng. Điều đó phản ánh giá trị cốt lõi trong tư tưởng của Ức Trai nói riêng, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nói chung.
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.” – Nước Đại Việt ta (Nguyễn Trãi)
Chữ “Nhân” là một phạm trù cơ bản của Nho giáo, mang nội dung rất phong phú và đa dạng. Trong Luận ngữ, hơn trăm lần Khổng Tử nói về “Nhân”, đây được xem như phẩm chất đạo đức quý giá nhất mà con người cần có.
“Nghĩa” cũng là phạm trù cơ bản của học thuyết chính trị và đạo đức Nho giáo sơ kỳ, ra đời nhằm củng cố, duy trì địa vị các giai tầng. Nó mang ý nghĩa kêu gọi con người thực hiện đúng bổn phận, trách nghiệm bản thân trong mối quan hệ gia đình, xã hội.
Quan niệm về nhân nghĩa đặt ở bối cảnh xã hội phong kiến thường bó hẹp với cách hiểu làm việc thiện, giúp đỡ người khác. Trong Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, tư tưởng này được thể hiện qua hành động Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, “Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”.
Không những có ý nghĩa chỉ sự tương thân, tương ái giữa con người với nhau, nhân nghĩa còn mang hàm ý cao cả trong đường lối đức trị của vua chúa. Nó biểu hiện ở khuynh hướng lấy dân làm gốc “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”.
Nguyễn Trãi với cương vị quân sư tham mưu cho vua Lê Lợi đã có cái nhìn khái quát và sâu sắc khi nhắc đến bản chất nhân nghĩa, đó là yêu thương, làm yên lòng dân bằng cách xem trọng cuộc sống ấm no, thịnh vượng của quần chúng.
Không chỉ vậy, ông cũng có suy nghĩ vượt bậc, thoát ly khỏi quan niệm xưa rằng binh lính là lực lượng bảo vệ quyền lợi của nhà vua và giai cấp thống trị thời phong kiến.
Song trong Nước Đại Việt ta, Nguyễn Trãi đã nêu lên chân lý mới, thể hiện tư tưởng cao đẹp đến từ bậc trung quân ái quốc. Ông chỉ ra nhiệm vụ thiêng liêng, mục đích cao cả nhất của quân đội là “trừ bạo” cho an dân, bình thiên hạ.
Dựa trên nội hàm “Nhân” và “Nghĩa”, Nguyễn Trãi đã có nền tảng cơ bản để xây dựng nên kiệt tác hào hùng, hừng hực hào khí Đông A của thời đại. Tư tưởng nhân nghĩa gắn liền quan niệm Nho giáo được ông nhấn mạnh qua hành động yên dân.
Trước hết là hành động bảo vệ nhân dân, triều đình phải vững mạnh để dân chúng có thể hưởng sự ấm no, thái bình. Việc xây dựng đất nước cũng cần đi đôi với trừ bạo, dẹp giặc thì cuộc sống người dân mới an yên và phát triển tốt đẹp.
Như vậy, nhân nghĩa luôn đi cùng hành động cứu nước, chống quân xâm lược của một bậc quân tử thời phong kiến. Ngoài ra, nó không chỉ dừng lại ở sợi dây gắn kết giữa con người với nhau mà còn liên đới vận mệnh đất nước khi đứng giữa mối quan hệ dân tộc. Đây cũng là sự phát triển vượt bậc trong tư tưởng Nguyễn Trãi.
“Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi chẳng qua là lòng yêu nước thương dân. Cái nhân nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng, chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của đất nước, hạnh phúc của nhân dân.” – Phạm Văn Đồng
Lối mở đề ngắn gọn nhưng cô đọng tựa câu tục ngữ nêu bật ý tứ sâu xa của tác giả. Nó nhấn mạnh hành động giặc Minh xâm lược nước ta là trái luân thường đạo lý và dân tộc Đại Việt đã thuận theo nhân nghĩa để đứng lên chống quân thù, giành chiến thắng vẻ vang.
Lời khẳng định chủ quyền mạnh mẽ trong Nước Đại Việt ta
Khi đã nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, Nguyễn Trãi tiếp tục khẳng định chân lý bất di bất dịch về chủ quyền quốc gia, bộc lộ ý thức đối với nền độc lập, bản sắc văn hóa qua việc kể lại trang sử oai hùng của Đại Việt một cách vô cùng kiêu hãnh đi cùng lòng tự hào dân tộc sâu sắc.
Trước Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt đã từng nêu lên quan điểm về chủ quyền quốc gia, dân tộc qua tác phẩm Nam quốc sơn hà. Đó được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Đại Việt.
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.” – Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt)
Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Lý Thường Kiệt khẳng định mạnh mẽ về một chân lí tự nhiên không thể chối bỏ. Đó được xem như điều hợp với lẽ trời và người Việt coi đạo lí ấy là kim chỉ nam, sẵn sàng chiến đấu hy sinh khi lãnh thổ bị xâm phạm.
Tác phẩm Nam quốc sơn hà ra đời và được tuyên đọc ngay trước thềm cuộc kháng chiến chống Tống lần hai, khiến quân thù khiếp sợ đồng thời góp phần thổi bùng lên hào khí đấu tranh sôi nổi của dân tộc.
Về sau, Nguyễn Trãi kế thừa tư tưởng của Lý Thường Kiệt về chủ quyền quốc gia, dân tộc. Ông đã dựa trên nền tảng sẵn có và nâng nó lên thành bước phát triển mới, đầy đủ, toàn diện hơn.
Nếu như ngòi bút của Lý Thường Kiệt chỉ mới dừng lại ở hai vấn đề cơ bản về một quốc gia có chủ quyền và lãnh thổ thì đến Nguyễn Trãi, quan điểm ấy được bổ sung thêm các yếu tố rất quan trọng.
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Nước non bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.” – Nước Đại Việt ta (Nguyễn Trãi)
Các yếu tố được Nguyễn Trãi đưa ra thêm để gia tăng mức độ khẳng định chủ quyền hết sức đa dạng và có chiều sâu. Đó là một dân tộc có nền văn hiến lâu đời, chế độ cai trị cùng tiến trình lịch sử riêng, vùng lãnh thổ được phân chia rõ ràng.
Những yếu tố được ông bổ sung thêm đều thuộc về chiều sâu giá trị văn hóa, điều đó phải mất hàng nghìn năm bồi đắp, chọn lọc mới có thể tạo nên và trở thành bản sắc riêng của dân tộc.
Nền văn hiến hay còn gọi là truyền thống văn hoá tốt đẹp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc củng cố cho nhận định chủ quyền của một đất nước lâu đời. Nó được kết hợp với phong tục tập quán để tạo nên bản sắc dân tộc.
Ông chỉ ra việc phân chia rõ ràng lãnh thổ giữa nhà Minh và nước ta, phong tục, tập quán cũng vì vậy mà khác nhau. Từ đó hình thành nên truyền thống lịch sử lâu đời, văn hóa mang bản sắc Đại Việt.
Dựa trên những yếu tố đó, Nguyễn Trãi góp phần hoàn chỉnh quan niệm về chủ quyền của quốc gia. Đây là bước chuyển mình mới, sâu sắc và tiến bộ hơn so với bản tuyên ngôn trước đó.
“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương,
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.” – Nước Đại Việt ta (Nguyễn Trãi)
Hơn nghìn năm trước, bọn giặc phương Bắc đã ra sức đồng hóa dân tộc Đại Việt nhưng chúng chuốc lấy thất bại thảm hại. Bởi truyền thống văn hoá giúp bồi đắp ý chí kiên cường để nhân dân ta đấu tranh, giang sơn tồn tại và phát triển tạo nên bề dày lịch sử oanh liệt hiếm có.
Không chỉ vậy, Đại Việt đã trải qua tiến trình lịch sử lâu bền với bao thời kỳ xây dựng và đấu tranh bảo vệ đất nước. Nguyễn Trãi đặt nhà Triệu, Đinh, Lý, Trần sánh ngang các triều đại phương Bắc như một lần nữa khẳng định sức mạnh, chủ quyền của quốc gia.
Ông vận dụng linh hoạt bút pháp đối chiếu triều đại của ta với nhà Minh, kết hợp giọng văn mạnh mẽ, rõ ràng càng khẳng định ý thức về độc lập, bộc lộ niềm tự hào cùng lòng tự tôn dân tộc, tình yêu đất nước to lớn.
Không những vậy, khi nêu tên các triều đại, Nguyễn Trãi đã đặt nước ta lên trước. Chỉ một chi tiết nhỏ song hàm ý ẩn chứa rất sâu sắc lòng tự tôn dân tộc. Bên cạnh đó, ông thể hiện niềm tự hào bằng cách xưng “đế” nhằm ngầm khẳng định Đại Việt có chủ quyền, ngang hàng với phương Bắc.
Để gia tăng sức thuyết phục, tác giả sử dụng nhiều từ ngữ mang tính hiển nhiên nhằm nhấn mạnh lịch sử lâu đời và chiều sâu văn hiến “bao đời”, “đã lâu”, “đã chia”, “cũng khác”, “cũng có”.
Ông không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia mà còn có lòng tin mãnh liệt với nhiều lớp nhân tài kiệt xuất, đó là yếu tố quý giá góp phần quyết định sự vững bền của đất nước. Đặt trong bối cảnh bấy giờ thì nhận định ấy đã phản ánh tư duy đổi mới, sáng tạo ở bậc đại văn hào Nguyễn Trãi.
Khúc tráng ca về lịch sử hào hùng của dân tộc Đại Việt
Quan điểm về quốc gia mà Nguyễn Trãi nêu lên đã trở thành một chân lý bất hủ và sáng ngời ngay khi dân tộc vừa bước ra khỏi giai đoạn lịch sử đen tối. Nền độc lập chủ quyền ấy được thắp sáng bởi tư tưởng nhân nghĩa vì dân, vì nước.
Xuất phát từ niềm tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, tác giả nêu lên hào khí của thời đại như một khúc tráng ca kể về lịch sử hào hùng mà Đại Việt đã trải qua nhằm ngầm cảnh báo đến quân thù.
“Vậy nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại;
Triệu Tiết chí lớn phải vong thân;
Cửa Hàm tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét.
Chứng cớ còn ghi.” – Nước Đại Việt ta (Nguyễn Trãi)
Dựa trên những cơ sở xác đáng về chủ quyền lãnh thổ của đất nước, từ “vậy nên” cất lên đã diễn đạt quan hệ nhân quả. Cụ thể là kẻ ngoại lai nào xâm phạm đến chính nghĩa, đi ngược với lẽ phải sẽ chuốc lấy thất bại.
Để các lí lẽ trở nên đanh thép hơn, Nguyễn Trãi đã đưa ra dẫn chứng theo trình tự thời gian về những thất bại của giặc như một bản cáo trạng. Từ vua Nam Hán hay còn gọi là Lưu Cung đến vị tướng nhà Tống Triệu Tiết, có cả Toa Đô, Ô Mã Nhi thời Nguyên.
Đi liền với đó là những địa danh nổi tiếng gắn liền chiến công vang dội của quân ta kèm theo sự thất bại thê thảm mà bọn giặc phải chuốc lấy. Cửa Hàm Tử và sông Bạch Đằng đã trở thành nhân chứng cụ thể cho chiến thắng lẫy lừng được sử sách lưu danh.
Đặc biệt, nhịp câu đột ngột thay đổi, trở nên ngắn gọn, chặt chẽ, hùng hồn hơn. Những yếu tố đó kết hợp lại khiến đoạn văn tựa như khúc tráng ca đầy phấn khởi, tự hào về khí thế thời đại và truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông, đồng thời còn là lời cảnh cáo đối với âm mưu xâm lược từ thế lực thù địch.
Khép lại đoạn văn bằng hai câu “Việc xưa xem xét/Chứng cớ còn ghi”, tác giả một lần nữa nhấn mạnh chân lý về độc lập dân tộc là không gì thay đổi được. Ông dùng ngòi bút chính nghĩa để khẳng định sự tồn tại của đất nước qua bao đời.
Nguyễn Trãi nêu những minh chứng cụ thể về kết quả mà giặc phương Bắc gặp phải khi dám hành động phi nghĩa, đi ngược lại đạo trời. Từ đó cho thấy, cuộc chiến đánh tan quân xâm lược để giải phóng đất nước là vì công lý và lẽ phải.
Nước Đại Việt ta đúc kết những bài học sâu sắc về đạo lý nhân nghĩa
Đoạn trích Nước Đại Việt ta là một lời tuyên bố hùng hồn, tràn đầy tự hào, khơi dậy và làm sáng ngời tinh thần kiệt tác Bình Ngô đại cáo. Phần mở đầu với ngôn ngữ trữ tình, giọng điệu đanh thép đã bật lên tư tưởng nhân nghĩa về nền độc lập của dân tộc.
Hơn nữa, qua đoạn trích độc giả cũng có thể cảm nhận rõ tấm lòng của Nguyễn Trãi với Tổ quốc. Ông vô cùng tự hào về dân tộc, bộc lộ tình yêu nước, thương dân sâu sắc khi vừa làm thơ, vừa đánh giặc.
“Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
– Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng.” – Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? (Chế Lan Viên)
Khi Nguyễn Trãi đặt bút viết dòng văn đầu tiên của Nước Đại Việt ta, đất nước đã chuyển mình bước ra khỏi bóng tối và hướng đến những ngày đẹp nhất. Giọng điệu thơ vì thế ngập tràn niềm kiêu hãnh cùng sự tự hào dân tộc.
Bởi đây là một đất nước lấy “nhân nghĩa” làm triết lý sống còn, cho nên mới có nền văn hiến lâu đời, đánh đuổi được quân giặc phương Bắc dám hành động phi nghĩa, ngang tàng, hung bạo.
Có lẽ những điều Nguyễn Trãi gửi gắm trong tác phẩm ngầm muốn biến tư tưởng chủ quan trở nên khách quan, hiện tượng cá biệt chuyển thành quy luật vĩnh cửu để người đời sau soi mình vào đó mà tu dưỡng tâm hồn và hoàn thiện nhân cách bản thân.
Bể nổi mà áng văn thể hiện chính là sự nghiêm khắc răn dạy con cháu đời sau phải có lòng biết ơn và noi theo truyền thống yêu nước của dân tộc. Còn về chiều sâu thấm thía một đạo lí, một lẽ phải làm người, xoay quanh tư tưởng nhân nghĩa.
Về giá trị nghệ thuật trong đoạn trích Nước Đại Việt ta, Nguyễn Trãi dùng nhiều từ ngữ mang tính chất khẳng định sự hiển nhiên, vốn có, tồn tại lâu đời của đất nước thông qua việc sử dụng các câu văn biền ngẫu.
Từ đó, ông tạo nên một bản tuyên ngôn độc lập thứ hai hùng hồn và đanh thép về lịch sử nước nhà. Đoạn trích vì vậy tựa như khúc khải hoàn mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc.
Giai Kỳ
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất