Nguyễn Gia Trí là một họa sĩ, nhà biếm họa nổi tiếng thuộc thời kỳ đầu của nền nghệ thuật nước nhà. Ông đã cùng Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân và Trần Văn Cẩn tạo thành bộ tứ họa kiệt xuất của mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Khác với các họa sĩ đương thời vốn sử dụng chất liệu sơn dầu hay chì than trong sáng tác, Nguyễn Gia Trí đã tiên phong với sơn mài, môn nghệ thuật vốn chỉ được biết đến ở phương Tây và đưa nó vào sâu trong tâm trí những người yêu tranh lúc bấy giờ.
Là một người luôn hướng đến sự mới mẻ trong sáng tạo nghệ thuật, người họa sĩ ấy đã không ngừng mở rộng tầm nhìn thẩm mỹ của mình.
Tuy nhiên, các tác phẩm của ông vẫn vẹn nguyên những giá trị truyền thống, hoàn thiện giữa những đan xen của lộng lẫy và mộc mạc, tân kỳ và cổ kính.
Sơn mài đã mở ra một tương lai mới cho người họa sĩ tài năng
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí sinh vào năm 1908 trong một gia đình có truyền thống làm nghề thêu phẩm phục triều đình.
Tuy phục vụ cho giới quý tộc nhưng gia đình ông cũng không mấy khá giả, bao nhiêu đời đều gắn bó với làng quê nghèo ven sông Hồng, thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây.
Đến tuổi đến thiếu niên, ông cũng theo học tại trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương giống những sinh viên hội họa khác và tốt nghiệp vào năm 1936.
Trong quá trình học tập, Nguyễn Gia Trí đã khám phá ra tinh hoa của nghệ thuật vẽ tranh sơn mài và bị thu hút mạnh mẽ bởi những kỹ thuật kỳ diệu ấy.
Vốn dĩ đã có thể ra trường trước đó hai năm nhưng họa sĩ đã bỏ ngang khóa học để nghiên cứu sâu hơn về bộ môn nghệ thuật này. Suốt khoảng thời gian nghỉ học để nghiên cứu, ông đột nhiên biến mất không tăm tích đồng thời cũng đóng cửa tuyệt giao với bạn bè.
“Anh mang kính cận rất nặng, hàm răng rất khỏe, rất trắng, đầu húi cua có dáng như một lực sĩ, hai bắp tay gân guốc, mài tranh không hề biết mỏi, có lúc anh vừa nói chuyện với chúng tôi, tay vừa mài tranh sơn ngâm trong bể nước. Anh mài say sưa rõ ràng mài nhưng không phải là động tác cơ khí mà là đầy sáng tạo. Vừa mài anh, vừa cười vui giải thích về cái nghề mài tranh độc đáo này.” – nhà thơ Huy Cận miêu tả lại dáng vẻ của họa sĩ trong một cuộc hội ngộ tại xưởng vẽ Quần Ngựa, Hà Nội.
Chính hiệu trưởng Victor Tardieu của trường Mỹ thuật Đông Dương đã đích thân khuyên học trò trở lại trường vì nhìn ra được tài năng ẩn giấu của ông, người thầy ấy tin rằng nếu được đào tạo bài bản thì ông sẽ thực sự thành danh.
Nhờ nhận lời của ngài hiệu trưởng mà sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Gia Trí vừa sở hữu kiến thức nền vững chắc vừa có sẵn con đường nghệ thuật riêng để phát triển. Đây có thể xem là một cơ duyên và cũng là điều khiến ông trở thành họa sĩ thuộc nhóm thành công nhất trong lứa cùng thời.
Sự phát triển về tầm nhìn thẩm mỹ của Nguyễn Gia Trí qua các thời kỳ
Sơn mài thực chất là kỹ thuật mài lên chất liệu sơn ta, một loại nhựa được lấy từ cây sơn ở Việt Nam để tạo hình thành tác phẩm nghệ thuật.
Trước khi trở thành chất liệu chính cho các họa sĩ vẽ tranh, sơn ta đã được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ từ thời nguyên thủy. Đến thế kỷ XVII, kỹ thuật sơn thếp vàng, thếp bạc đã được sử dụng phổ biến nhằm làm tăng vẻ sang trọng cho các bức tượng trong đình chùa, trên hoành phi và câu đối.
Là người tiên phong từ bỏ nghệ thuật sơn dầu đang thịnh hành lúc bấy giờ để tìm kiếm một hướng đi mới, họa sĩ Nguyễn Gia Trí là người có công lớn trong việc mang sơn ta áp dụng vào sơn mài tân thời ở Việt Nam.
Từ hình thức trang trí đơn thuần trên các tạo vật mỹ nghệ, ông đã biến chất liệu này thành tiền đề cho các tác phẩm lớn đồng thời tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho mỹ thuật nước nhà.
“Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người làm ra nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng. Nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là ý tưởng tình cảm của Nguyễn Gia Trí đúc lại, một nét, một vết, một màu đều ở tay nghệ sĩ mà ra. Đứng trước những tác phẩm ấy người ta cảm thấy tất cả cái băn khoăn yêu muốn khoái lạc – thứ nhất là khoái lạc của Nguyễn Gia Trí.” – Tô Ngọc Vân
Trong khoảng thời gian đầu nghiên cứu về kỹ thuật vẽ tranh sơn mài, dù rất thành thạo về hội họa Tây phương nhưng ông vẫn luôn cố gắng đem màu sắc truyền thống của văn hóa Việt vào trong tranh vẽ của mình.
Bằng cách dùng chất liệu sơn ta phối hợp với kỹ thuật in khắc tinh tế, dựa trên những nguyên tắc về cấu trúc và bố cục đã được công nhận rộng rãi ở Châu Âu, Nguyễn Gia Trí đã thành công sáng tạo nên những bức tranh mang đậm hơi thở Á Đông của riêng mình.
Một trong những tác phẩm đầu tiên của ông có thể kể đến như Hoàng hôn trên sông và Lùm tre nông thôn, tất cả những sáng tác trong giai đoạn này của họa sĩ đều chịu ảnh hưởng lớn từ Trường phái Hiện thực và Trường phái Ấn tượng, bắt nguồn từ cái nôi văn hóa phía Tây bán cầu.
Tranh của ông gây ấn tượng bởi những gam màu nóng, được phối với nhiều sắc độ khác nhau nhìn rất hài hòa và thuận mắt.
Người xem tranh đã nhiều lần bắt gặp chi tiết nền trời đỏ, dòng nước đỏ cùng những rặng tre với phiến lá được rắc bột vàng tinh xảo trên các tác phẩm của họa sĩ trong giai đoạn này.
“Nguyễn Gia Trí thể hiện một góc bờ Cửa Tùng với nền trời đỏ, nước đỏ, màu của sơn cánh gián pha son tươi, trên bờ cát có rặng phi lao nền đen rắc bạc tả khóm lá và chính giữa bố cục có một chiếc thuyền gỗ úp sấp phơi bụng có đắp nổi và rắc vàng pa-tin (patiner)…” – trích lời bình của tác giả Phạm Đức Cường trong cuốn Kỹ thuật Sơn mài xuất bản năm 1992.
Cuối những năm ba mươi của thế kỷ XX, Nguyễn Gia Trí cùng nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã sáng lập nên Đại Việt Dân chính Đảng nhằm phục vụ cho Cách mạng sau khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại và Việt Nam Quốc dân Đảng tan rã.
Tuy nhiên, không lâu sau thì Đảng bị Thực dân Pháp khủng bố, những thành viên khác phải chạy trốn sang Trung Quốc còn ông bị bắt và đày lên Sơn La, hành trình làm nghệ thuật phải tạm dừng một thời gian.
Đến thập niên 40 sau khi trở lại con đường sáng tạo hội họa, Nguyễn Gia Trí đã đạt được đến trình độ chuyên sâu về kỹ thuật vẽ tranh sơn mài và ông chuyển sang sáng tác hoàn toàn bằng chất liệu độc đáo này.
Bằng cách sử dụng những màu sắc mới lạ như màu vỏ trứng và sơn cánh gián, người họa sĩ đã thổi hồn vào những bức tranh sự lộng lẫy pha chút bí ẩn vừa đủ khiến người xem bị mê hoặc.
Tài năng pha màu cùng kỹ thuật mài điêu luyện của Nguyễn Gia Trí cũng giúp tranh của ông nổi tiếng hơn, đánh dấu một bước tiến quan trọng của loại hình nghệ thuật này trong nền mỹ thuật Việt Nam.
Đặc biệt các tác phẩm ông vẽ được xây dựng theo bố cục bình phong, nghĩa là vẽ trên nhiều bức tranh rồi ghép lại với nhau thành một tổng thể hoàn hảo.
Mặc dù chỉ là những mảnh ghép nhỏ nhưng mỗi bức tranh đều được Nguyễn Gia Trí thực hiện rất tỉ mẩn, tất cả đều mang một ý nghĩa riêng. Chủ đề chính trong sáng tác của ông lúc bấy giờ là cảnh thôn quê và hình tượng người thiếu nữ tân thời.
Trong số những tác phẩm để đời của họa sĩ này có thể kể đến tấm bình phong hai mặt nổi tiếng Thiếu nữ trong vườn và Phong cảnh (còn gọi là Dọc mùng).
Bức họa này được hoàn thành vào năm 1939 với tám tấm vóc rời ghép lại với nhau, đây là tác phẩm khẳng định khả năng sắp xếp bố cục tài tình của Nguyễn Gia Trí.
Ở mặt trước là bức tranh Thiếu nữ trong vườn, ông đã miêu tả lại các hoạt động giải trí của thiếu nữ thời xưa trên nền vàng lộng lẫy. Trong khuôn viên một khu vườn với những tán cây xao động, từng tà áo dài thướt tha được tô vẽ tỉ mỉ làm nổi bật lên vẻ kiêu sa, đài các của họ.
Người khoác tay dạo bước, người rượt đuổi, người ngóng gió vô cùng sinh động và nét mặt của mỗi cô gái cũng được bàn tay khéo léo của họa sĩ truyền vào cái hồn của tuổi trẻ.
Chi tiết không nhiều nhưng vô cùng đắt giá, những nét vẽ mềm mại và có phần bay bổng, tất cả đã đưa người xem vào một thế giới sơn mài đầy cuốn hút.
Khác với Thiếu nữ trong vườn, bức họa Dọc mùng nằm ở mặt sau được tạo nên với những đường nét rõ ràng và mạnh mẽ trên phông xanh đen bí ẩn.
Nhờ những mảnh vỏ trứng lung linh phối cùng sắc cam phớt trên thân cây đã giúp cho khóm dọc mùng trở nên nổi bật hơn hẳn so với muôn vàn cây cỏ xung quanh.
Dù là tà áo dài truyền thống hay loài cây bình dị ở thôn quê thì khi qua bàn tay khéo léo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, nó đã trở thành một tuyệt tác nghệ thuật sang trọng và vô giá.
Hiện nay, bức tranh đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và được công nhận là bảo vật quốc gia nhờ sở hữu giá trị văn hóa lâu đời.
Các tác phẩm của Nguyễn Gia Trí được rất nhiều người Pháp sưu tập, thậm chí có những bức chưa được hoàn thành mà chỉ là những bản phác thảo có chữ kỹ tác giả nhưng vẫn mang giá trị rất lớn.
Một trong những bộ sưu tập tranh sơn mài lớn nhất thuộc về bác sĩ Bùi Kiến Tín (chú họ của nhà thơ Bùi Giáng) được treo trong phòng khám riêng của ông tại Hà Nội.
Ngoài niềm đam mê với tranh sơn mài, Nguyễn Gia Trí còn là một nhà biếm họa xuất sắc với bút danh Right.
Ông thường vẽ tranh châm biếm chính quyền Thực dân và bọn quan lại phong kiến làm tay sai cho người ngoài, tranh của ông được đăng đều đặn trên các tờ báo lớn lúc bấy giờ là Phong hóa và Ngày nay.
Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1970, phong cách vẽ của ông chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Trường phái Trừu tượng bắt nguồn từ các nước Châu Âu. Vậy mà trong những ngày tháng cuối đời, ông lại quay về với phong cách vẽ tranh lãng mạn như ngày đầu tiên vào nghề.
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí đương thời được rất nhiều người ngưỡng mộ và đặt vẽ tranh riêng, đa phần là các tỷ phú ở Nam Phi, Nam Mỹ và những quan chức lớn làm việc cho Tổng thống, những bức họa ấy sau này thường được đặt ở những vị trí trang trọng trong nhà mỗi người khách đặt mua.
Trong số các họa sĩ cùng thời, Nguyễn Gia Trí là người đầu tiên phải từ chối vẽ tranh vì số lượng đơn đặt hàng được gửi đến quá nhiều.
Cũng vì ông là một người luôn đề cao sự hoàn hảo, mỗi bức tranh được tạo ra đều mang một ý nghĩa đặc biệt cũng như đòi hỏi sự tinh xảo trong từng kỹ thuật mài nên thời gian thực hiện vô cùng lâu và tốn sức.
“Ngay cả trong thời gian khó khăn nhất, tôi cũng có thể thành triệu phú, nhưng tôi quý trọng tự do hơn tiền bạc. Để sống tự do và lương thiện, để được sáng tạo nghệ thuật, tôi có thể chỉ sống đạm bạc qua ngày mà vẫn vui lòng.” – Nguyễn Gia Trí
Là một tâm hồn tự do, họa sĩ từng bộc bạch rằng ông sẵn sàng từ bỏ tiền tài và danh vọng chỉ để đổi lấy một cuộc đời làm nghệ thuật theo ý muốn.
Thời còn sống, tài sản của họa sĩ lên tới hàng nghìn cây vàng nhưng đến lúc nhắm mắt xuôi tay, những cống hiến nghệ thuật mà ông để lại còn đáng giá hơn số tiền ấy gấp vạn lần.
Nguyễn Gia Trí và những đóng góp nghệ thuật còn mãi với thời gian
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí qua đời vào mùa hè năm 1993 vì tuổi già tại nhà riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi ra đi, ông có tâm nguyện giữ lại ba bức tranh sơn mài khổ lớn là Hoài niệm xứ Bắc, Trừu tượng và Múa dưới trăng cho các thế hệ sau.
Vốn dĩ ba bức họa này đã được bà Trần Lệ Xuân, phu nhân Tổng thống toàn quyền Đông Dương ngỏ ý mua lại để tặng cho Nhật Hoàng nhằm thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước.
Tuy nhiên, Nguyễn Gia Trí yêu cầu giữ lại tranh vì ông biết điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho mỹ thuật Việt Nam sau này.
Hiện nay các tác phẩm ấy được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và được các sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngày trước) hàng ngày đến tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu về kỹ thuật vẽ tranh sơn mài.
Rất nhiều bức tranh trưng bày trong Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã được trả giá rất cao, một trong số đó là kiệt tác Vườn hoa Bắc Trung Nam do Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mua lại với mức giá lên đến sáu trăm triệu đồng.
Ngoài ra, các tác phẩm như Lễ hội đầu năm, Làng quê và Dọc mùng cũng vô cùng giá trị và được nhiều người bày tỏ mong muốn sưu tầm, tuy nhiên chúng vẫn ở lại với những người yêu nghệ thuật trong nước mà không hề chuyển dời.
Năm 2012, ông được nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho năm tác phẩm sơn mài xuất sắc là Vườn xuân Bắc Trung Nam, Thiếu nữ bên hoa phù dung, Bên đầm sen, Trong vườn và Cảnh nông thôn.
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí khi qua đời đã để lại những mất mát lớn cho nền mỹ thuật nước nhà, đặc biệt là nghệ thuật vẽ tranh sơn mài đã mất đi đầu tàu vững chắc.
Tuy nhiên, kỹ thuật và chất liệu chỉ là phương tiện để người nghệ sĩ truyền đạt lại cảm xúc và tầm nhìn cá nhân, người yêu tranh đều chờ đợi một thế hệ tương lai với những nhân tài xuất chúng, đủ ý chí để kế thừa gia sản to lớn mà danh họa đã dành cả đời để gầy dựng.
Còn về phần người thầy đã ra đi, hình ảnh một nghệ sĩ già với vóc dáng gầy còm nhưng mang trong mình tâm hồn nghệ thuật đầy phóng khoáng sẽ luôn hiện hữu mãi trong những tác phẩm trường tồn với thời gian, trong trái tim của những ai yêu tranh và yêu nét tài hoa ẩn hiện sau ấy.
Thanh Hằng
Thanh Hằng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất