Anton Pavlovich Chekhov là một trong những nhà văn chuyên viết truyện ngắn tài năng và vĩ đại bậc nhất nước Nga. Mỗi tác phẩm ông viết ra đều khiến người đọc phải dừng tay trên giấy và cảm nhận bằng cả tâm hồn.
Truyện ngắn Chekhov có một sức hút riêng và được độc giả khắp nơi trên thế giới đón nhận, ông còn được nhân loại ưu ái gọi là “nhà văn làm ta muôn thuở say mê”.
Cơ duyên nghệ thuật của bậc thầy truyện ngắn
Anton Pavlovich Chekhov sinh năm 1860 trong một gia đình thuộc tầng lớp tiểu thị dân tại Taganrog, Nga. Thuở còn nhỏ, Chekhov đã sớm bộc lộ tài năng quan sát, ông có những suy nghĩ rất sâu sắc về sự vật xung quanh.
Chekhov có một tuổi thơ không mấy hạnh phúc khi ông và các anh em phải làm việc trong cửa hàng của cha từ năm giờ sáng đến mười một giờ tối.
Đến năm mười sáu tuổi, cha ông trốn về Moskva do làm ăn phá sản và lâm cảnh nợ nần chồng chất. Tuy nhiên, Chekhov vẫn ở lại quê hương, ông khi ấy làm rất nhiều các công việc lặt vặt để trang trải cho sinh hoạt, học tập.
“Tôi không có tuổi thơ, tôi còn nhớ đã trông thấy những con chó bị đánh đập đến chết, những con chim sẻ bị lũ trẻ lang thang vặt lông khi còn sống… và cả một chuỗi dài, rất dài, những đau khổ, mệt mỏi và thầm lặng” – Chekhov viết về thuở nhỏ của mình trong truyện ngắn Đời tôi
Năm 1879, ông chuyển đến Moskva để đoàn tụ với gia đình và theo học ngành y tại Đại học Y khoa quốc gia I.M Sechenov. Cũng trong thời gian này, người cha thân yêu qua đời và để lại trong tâm hồn Chekhov một nỗi đau sâu sắc.
Dù bản thân tốt nghiệp ngành y và hành nghề như một bác sĩ nhưng để nuôi sống bản thân lẫn gia đình, Sekhov đã trở lại với niềm đam mê viết lách. Thậm chí, ông còn được mời viết cho tờ Novoye Vremya của ông trùm kinh doanh Alexey Suvorin.
Tuổi thơ cố gắng lao động cật lực để thoát khỏi thân phận nô lệ ở quê nhà Taganrog là một sự giải thích rõ ràng nhất cho lòng vị tha của nhà văn. Ấy là ý chí làm những gì làm được, cụ thể và thực tế để cứu chữa cho lớp người nghèo khổ.
Tinh thần nhân hậu ấy còn được thể hiện qua hàng loạt tác phẩm thành công, gây ấn tượng với giới văn sĩ và độc giả Nga như Anh béo và anh gầy, Cái chết của một viên chức hay Thảo nguyên.
Đến giai đoạn sau trong sự nghiệp cầm bút, Chekhov quyết định giảm tốc độ viết để tập trung cho ra đời các truyện ngắn chất lượng.
Năm 1887 đã đánh dấu cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp viết văn của tác giả khi được trao tặng giải thưởng Pushskin danh giá. Sau đó, Chekhov dành thời gian để nghỉ ngơi, phiêu du đến các vùng đất mới nhằm tìm kiếm cảm hứng sáng tác.
Khi đặt chân đến Ukraine, vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây đã thôi thúc ông “thai nghén” nên cuốn tiểu thuyết The Stepp. Tác phẩm nhận được nhiều sự đánh giá cao và in trong một tạp chí Văn học.
Năm 1980, nhà văn đến vùng viễn đông nước Nga, dành thời gian phỏng vấn hàng ngàn người. Trong cuộc hành trình này, Chekhov viết nhiều bức thư cho em gái và kể về thị trấn Tomsk, nơi khơi dậy xúc cảm sáng tác mạnh mẽ trong ông.
Cuộc đời Chekhov in dấu lên trang văn bởi một phong cách viết giản dị, chân thực mà tràn đầy cảm xúc. Ông viết nhiều về bối cảnh xã hội nước Nga đương thời, chỉ rõ các ung nhọt tồn đọng và sự khốn khổ của con người.
Chekhov phát triển sự nghiệp Văn học trong hoàn cảnh lịch sử mới mẻ, đây vốn là thời điểm phân ranh giữa truyền thống Cách mạng dân chủ Nga và truyền thống Cách mạng mới do giai cấp vô sản lãnh đạo, cũng là điểm giao giữa hai thế kỷ.
Vì vậy, văn Chekhov đều phản ánh một cách chân thực những đổi thay trong xã hội, từ ách áp bức tư bản trong Một chuyến đi khám bệnh, Mặt nạ với chủ nghĩa tôn sùng đồng tiền hay thói quỵ lụy quyền uy được thể hiện trong Người trong bao.
Anton Chekhov và quan niệm về nghệ thuật chân chính
Truyện ngắn của Anton Chekhov không nhằm mục đích mua vui giải trí đơn thuần mà cao cả và vĩ đại hơn, nó thanh lọc lẫn nuôi dưỡng tâm hồn con người, hướng nhân loại đến bến bờ Chân – Thiện – Mỹ.
Sở dĩ những sáng tác của nhà văn giàu tính nhân văn như vậy là vì chúng được kết tinh từ tài năng và tâm hồn Chekhov, ông viết những gì trái tim thôi thúc, lên tiếng cho sự thật lẫn nhân quyền.
Tác giả hướng tâm thức và ngòi bút đào sâu tấn bi kịch của con người, khai thác ở các tầng sâu hiếm người nghệ sĩ nào chú ý tới. Nghệ thuật chân chính đối với nhà văn là phải viết về con người và vì con người, không chút che đậy hay giấu giếm.
“Con người vốn cao đẹp nên con người không thể nhỏ bé.” – Anton Chekhov khẳng định bản chất tốt đẹp của con người
Dù viết về tấn bi kịch của con người, đặc biệt là tầng lớp nhỏ bé bị vùi dập, tha hóa bởi cường quyền, hoàn cảnh sống phi nhân tính nhưng chưa bao giờ Chekhov thôi không hướng đến những cái cao cả, tốt đẹp hơn trong cuộc sống tối tăm.
Với quan điểm sáng tác là viết vì sự thật, văn Chekhov ngắn gọn và súc tích, điềm tĩnh, khúc chiết. Thế nhưng, hằn sâu trong tác phẩm là những giai điệu lửng lơ mãi trong tâm hồn độc giả, âm vang dư vị về số phận các nhân vật.
Những đặc điểm của thời đại khiến trong sáng tác nhà văn hầu như không có đề tài lịch sử, chuyện viễn tưởng tương lai mà khai thác cuộc sống đời thường. Chekhov đã đưa nghệ thuật xích gần hơn với đời sống, khám phá cái lớn lao, vĩ đại của nó.
“Mục tiêu của văn học là sự thật tuyệt đối và trung thực.” – Chekhov tôn trọng sự thật trong Văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung
Chekhov cho rằng nghệ thuật về bản chất là giúp độc giả được sống nhiều cuộc đời, có cái nhìn đa diện và nhiều chiều. Có lẽ vì vậy mà ông trao cho người đọc quyền tự do nhận định, bình phẩm nhân vật.
“Những gì tôi nhìn thấy là như vậy và cô muốn nghĩ gì về câu chuyện hay về những người đó, là quyền của cô.” – Chekhov thể hiện lập trường về vấn đề tiếp nhận tác phẩm
Chekhov luôn tách mình ra khỏi những gì ông thấy và viết, tôn trọng sự khách quan của thực tại. Nhà văn muốn giam hãm thứ xúc cảm đang tuôn trào trong mình bằng câu văn gãy gọn, trung thực và lạnh lùng.
Thế nhưng cũng giống như Nam Cao, Chekhov không thể hoàn toàn che đậy lòng mình bằng giọng văn chua chát, giấu đi tình yêu thương kiếp người khốn khổ hay niềm hy vọng về ngày mai tươi sáng.
Ngay cả khi tác giả viết câu chuyện đau buồn và ảm đạm nhất về kiếp người, không khí tù túng, ngột ngạt của thời cuộc thì chúng vẫn le lói ánh sáng cùng khát khao thay đổi, xây dựng một xã hội bác ái, công bằng, văn minh.
Bản sắc dân tộc Nga trong trang viết Anton Chekhov
Người nghệ sĩ đến với văn chương không chỉ thể hiện cá tính hay phong cách sáng tác riêng mà còn in dấu bản sắc đất nước. Thấp thoáng ẩn hiện trong từng con chữ là hơi thở, truyền thống và cốt cách dân tộc.
Đọc hàng loạt truyện ngắn của Anton Chekhov, độc giả luôn bắt gặp những nét tính cách đậm chất Nga, thể hiện qua cách xây dựng nhân vật hay tạo lập không gian thiên nhiên, vùng nông thôn.
Tài năng xây dựng nhân vật đậm nét tính cách Nga
Chekhov đặc biệt dành phần lớn tác phẩm để viết về “con người nhỏ bé”, vốn là kiểu nhân vật truyền thống và thường xuất hiện trong sáng tác của A. Pushkin, N. Gogol hay F. Dostoevsky.
Tác giả xây dựng hệ thống nhân vật là những con người nhỏ bé, đời thường và phải vất vả mưu sinh giữa hoàn cảnh nghiệt ngã. Tuy thế, họ vẫn mang trong mình trái tim ấm áp, hiền lành cùng khát khao yêu thương đến khắc khoải.
Nhà văn đặc biệt bao dung cũng như thấu hiểu nỗi vất vả, đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần của người phụ nữ xưa. Điều này bắt nguồn từ tình yêu thương mẹ da diết, trân trọng sự hy sinh cao cả, thiêng liêng.
Trong truyện ngắn Trong khe núi, người mẹ Lipa đáng thương làm dâu mà có số phận không khác gì người ở, lúc nào sự sợ hãi cũng thường trực trong cô. Đỉnh điểm là nỗi đau mất con, mất chồng khiến Lipa thét lên sự phẫn uất cùng cực.
“Ngay sau đó người ta nghe thấy một tiếng kêu thét chưa từng nghe thấy bao giờ tại Ucoleevo và không thể tin được một người bé nhỏ yếu đuối như Lipa lại có thể kêu thét như vậy.” – Anton Chekhov viết về nỗi đau đớn đến xé lòng của người phụ nữ tội nghiệp Lipa
Văn sĩ còn mở lòng mình, hướng ngòi bút đến số phận của các đứa trẻ khốn khổ, chật vật với miếng ăn lẫn cái rét. Với sự quan sát tinh tế, sắc sảo, Chekhov phát hiện ở chúng tinh thần chịu thương, chịu khó, không đầu hàng trước số phận.
Điển hình là cậu bé Vanka trong truyện ngắn cùng tên, chín tuổi đã đi học việc ở nhà lão thợ giày. Không chỉ phải sống trong nỗi nhớ nhung người ông đến kiệt quệ, cậu còn bị đọa đày, bóc lột sức lao động, đánh đập và chịu cảnh đối xử không khác gì con vật.
“Ngày hôm qua cháu bị đánh một trận đau lắm ông ạ. Ông chủ nắm tóc cháu lôi ra ngoài sân rồi lấy dây da đánh cháu tới tấp vì tội cháu đưa nôi cho con ông chủ ngủ mà cháu trót ngủ quên đi mất. Tuần vừa rồi bà chủ sai cháu mổ con cá mòi, cháu lại bắt đầu làm từ đuôi, thế là bà ta cầm cả con cá mòi mà quật vào mặt cháu…Ăn thì chẳng có gì.” – Vanka và dòng thư đầy nước mắt gửi cho người ông
Anton Chekhov còn nhìn thấy và miêu tả một cách chính xác sự tàn lụi trong tâm hồn con người, tìm ra ánh sáng của sự cứu rỗi, giải thoát họ khỏi hoàn cảnh tha hóa, số phận đọa đày.
Tác giả thẳng thừng chỉ ra căn bệnh sợ hãi mọi thứ trên đời tồn đọng trong xã hội, ngay cả các viên chức nhỏ bé cũng là kẻ có đầu óc nô lệ. Thói nô lệ đã ngấm sâu vào máu và đầu óc con người, ăn mòn nhân cách, biến họ trở nên nhỏ bé.
Chekhov viết rất nhiều tác phẩm về những con người không có nhận thức và cũng không biết tôn trọng nhân phẩm của mình. Qua đó, ông phê phán kiểu con người nhỏ bé trước quyền lực, đồng thời gột sạch dòng máu nô lệ ngấm ngầm chảy nơi huyết quản con người Nga.
Đó chính là ý thức và lòng tự cường dân tộc, phủ định cuộc sống tầm thường và tẻ nhạt trong xã hội lúc bấy giờ. Chekhov muốn đánh thức trong lòng người dân Nga những phẩm chất tốt đẹp, khát vọng chạm đến ngày mai tươi sáng hơn.
Dẫu rằng con người dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường sống, tác giả vẫn tin ở tính cách nhân hậu đậm chất Nga. Nhân vật trong trang viết nhà văn tuy đôi lúc ích kỷ, tưởng chừng như bị tha hóa nhưng đến cuối cùng vẫn hoàn lương, tìm được chính mình.
“Chúng tôi xin đa tạ tấm lòng tốt của ông, nhưng mà, xin ông cho phép tôi được nói, con sâu bé nhỏ nhất cũng muốn sống.” – Lão Yakov nhận ra người vợ mình ghẻ lạnh bao lâu nay quan trọng đến nhường nào trước giây phút bà sắp rời xa trần thế
Con người Nga, dù trong hoàn cảnh nào, vẫn giữ được bản chất đôn hậu cùng tấm lòng nhân ái, ý chí vượt qua mọi thử thách số phận. Đó chính là nét đặc sắc của truyện ngắn Sekhov, thể hiện cốt cách và linh hồn dân tộc.
Không gian nghệ thuật phảng phất bản sắc quê hương
Nét dân tộc tính đậm đà không chỉ được Chekhov gửi gắm qua các kiểu nhân vật phổ biến và tính cách đôn hậu mà còn bộc lộ rõ nét qua thiên nhiên vừa lãng mạn, trữ tình lại hùng vĩ, bao la.
Hầu như không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Chekhov là thảo nguyên rộng lớn, vốn có sức hút kỳ lạ đối với tâm hồn khoáng đạt, dào dạt cảm xúc của các nghệ sĩ. Chekhov đã tái hiện phong cảnh thiên nhiên với sự tự hào, kiêu hãnh và say sưa.
Trong truyện ngắn Thảo nguyên, văn sĩ dựng nên một miền Nam nước Nga đầy chất thơ qua lời kể của cậu bé Yegoruska. Vẻ đẹp thảo nguyên gắn liền với cánh đồng tiểu mạch đã gặt xong, đám bụi gai hay thanh âm ríu rít của đàn chim rừng.
Nếu như dưới ánh nắng mặt trời, thảo nguyên sở hữu vẻ đẹp khoáng đạt tươi sáng thì khi ẩn hiện trong bóng đêm, nó trở nên kỳ diệu và bí ẩn hơn bao giờ hết, hệt như đang chứa đựng khoảnh khắc sống thiêng liêng của vạn vật.
Đối với Chekhov, thảo nguyên không đơn thuần chỉ là không gian mênh mông rộng lớn, vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã mà cao cả hơn, nó nuôi dưỡng bản nguyên loài người, giúp con người tìm thấy ý nghĩa đích thực từ cuộc sống.
Không gian nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc trong văn Chekhov còn là hình ảnh của làng quê trong khe núi, nông trại nhỏ xinh, khu vườn đẹp tựa như cổ tích hay nhà thờ thiêng liêng gắn liền với đức tin Nga.
Nhà văn không cường điệu hóa vẻ đẹp của thiên nhiên và môi trường sống mà gắn chặt với nếp sinh hoạt nông thôn Nga. Chính vì thế nên khi bắt gặp chúng, độc giả cảm tưởng như được trải nghiệm cuộc sống giản dị, yên bình của người Nga.
Một kiểu không gian nghệ thuật khác thường trực trong văn Chekhov là thành thị, nó xuất hiện như một sự nối dài hành trình nhân vật. Điều này gắn liền với đặc điểm tính cách của con người Nga, lãng du và thích khám phá.
Thành phố Moska hiện ra dưới ngòi bút nhà văn với sự hào nhoáng từ ánh đèn, cửa hiệu, nhà hát và các buổi vũ hội. Nó gieo vào tâm khảm con người nỗi khát khao địa vị, sự độc lập lẫn dũng cảm chưa từng có.
“Đoàn xe đỗ trên một chiếc cầu lớn bắc qua một con sông rộng. Ở phía dưới, trên mặt sông bốc lên một làn khói đen và qua làn khói có thể trông thấy một chiếc tàu thuỷ kéo một chiếc xà lan. Trước mặt, bên kia sông, sừng sững một quả núi lớn, nham nhở nhiều màu , rải rác những mái nhà và những giáo đường, dưới chân núi, một cái đầu máy xe hoả chạy giữa đám toa chở hàng.” – Cậu bé Yegoruska ngạc nhiên trước không gian thành thị mới lạ mình chưa từng thấy
Con người Nga dẫu mong muốn đặt chân đến nhiều vùng đất mới, khám phá sự đa diện của cuộc đời nhưng đâu đó trong tâm khảm, họ vẫn lo sợ và bất an về thế giới bên ngoài. Vì thế, nhà chính là nơi bình yên nhất, xoa dịu cũng như chữa lành họ.
Có lẽ vì thế mà trong truyện ngắn Anton Chekhov, luôn có hình bóng của không gian khép kín quen thuộc như nhà, trang ấp, gợi lên cuộc sống đầm ấm và yên tĩnh.
Thủ pháp tạo lập này gắn liền với thế giới quan Chính thống giáo khi xem nhà là nơi để trở về, nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn con người còn thế giới bên ngoài đầy cạm bẫy cùng nỗi lo sợ thường trực.
Không phải ngẫu nhiên mà nhân vật Andrey Vasillich Kovrin trong truyện ngắn Tu sĩ mặc đồ đen lại quyết định về nhà cụ Petotskytrong nghỉ ngơi. Đây là nơi gợi lại cảm giác yên bình thuở ấu thơ, mang lại sự ấm áp của gia đình.
Thấp thoáng trong truyện ngắn Chekhov là hình ảnh đất nước Nga xinh đẹp, con người đôn hậu và nghị lực phi thường vượt lên nghịch cảnh. Đây chính là sự biểu hiện tập trung, rõ ràng nhất cho tính dân tộc cùng bản sắc văn hóa truyền thống.
Anton Chekhov và hồi chuông cảnh tỉnh thời đại trong Người trong bao
Người trong bao được sáng tác khi Chekhov đang điều trị bệnh tại thành phố Ianta, lúc này chế độ chuyên chế Nga đang đi vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Các tầng lớp trong xã hội đều tồn tại những mặt trái, bộc lộ ung nhọt và sự thối nát.
Với tư cách và trách nhiệm của người nghệ sĩ, Chekhov buộc phải lên tiếng và vạch rõ lối sống “trong bao” đang ăn dần ăn mòn cả xã hội đương thời. Qua đó, nhà văn đặt ra hồi chuông cảnh tỉnh thời đại, hướng đến một lối sống tiến bộ hơn.
Nhân vật trung tâm tác phẩm là Belikov, một “cái bao” khổng lồ của xã hội với lối sống thu hẹp, không dám bộc lộ suy nghĩ, tự tạo cho mình vỏ bọc an toàn. Đây là kiểu nhân vật điển hình, đại diện cho lớp người sống tầm thường và ích kỷ.
Để vạch rõ lối sống “trong bao”, tác giả miêu tả một cách chi tiết từ ngoại hình, hành động đến tính cách khác thường của nhân vật chính. Không những thế mà trong mối quan hệ với mọi người xung quanh, Belikov cũng cư xử vô cùng kỳ lạ.
Hắn ta đi hết nhà này đến nhà khác, thản nhiên kéo ghế ngồi trong khi chẳng nói gì, đưa con mắt vô hồn nhìn mọi vật xung quanh rồi ra về. Cách làm thân “khác người” của Belikov khiến hàng xóm và đồng nghiệp khó chịu, sợ hãi cùng xa lánh.
Chekhov luôn nhắc đến Belikov với lối sống “trong bao”, hệt như con ốc mượn hồn chỉ biết quẩn quanh trong vỏ, tách biệt xã hội. Thế nhưng, hắn ta lại luôn tự hào về cách sống của mình, tự cho đó là “chuẩn mực”, hài lòng với sự cổ hủ, lạc hậu.
Trên thực tế, lối sống “trong bao” của Belikov ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng nơi hắn ta dạy học. Cũng có người thử thay đổi cách sống tiêu cực ấy nhưng chẳng ăn thua, họ phải hít thở bầu không khí ngột ngạt và u ám do Belikov tạo ra.
Những tưởng nhân vật chính Belikov sẽ bước ra khỏi chiếc bao khổng lồ khi gặp gỡ Varenka, người cho hắn biết về tình yêu. Khi ấy Belikov rất trân trọng bức ảnh chụp Varenka, ý nghĩ lấy vợ đã xâm chiếm tâm trí một kẻ luôn dè chừng, sợ hãi như hắn.
Thế nhưng, khi bức tranh biếm họa về hắn và Varenka xuất hiện, nó làm Belikov trở nên giận dữ. Đỉnh điểm là lúc chứng kiến chị em Varenka cưỡi xe đạp, cười nói ồn ào khiến hắn cho đây là điều sai trái, phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục.
“Chẳng lẽ giáo viên và đàn bà, con gái lại có thể cưỡi xe đạp, làm như thế coi sao tiện.” – Belikov nghĩ thầm khi chứng kiến cảnh chị em nhà Varenka cưỡi xe đạp
Belikov gặp Varenka để giãi bày nỗi buồn bực về bức tranh mà ai đó vẽ chế nhạo hắn, khuyên cô không nên đi xe đạp hay mặc áo thêu ra đường. Điều đó khiến cô em gái Kovalenko cảm thấy khó chịu, túm cổ và ấn hắn ngã nhào xuống cầu thang.
Khi Varenka chứng kiến cảnh đó, cô cười phá lên và tiếng cười ấy khiến cho Belikov vốn luôn lo lắng và dè dặt mọi thứ cảm thấy xấu hổ, vội vã ra về. Kể từ đó, hắn luôn sống trong nỗi sợ hãi, nằm đắp chăn suốt một tháng rồi qua đời.
Có thể nói, sự ra đi của Belikov là kết quả hiển nhiên bởi hắn ta thực chất đã mất từ mười lăm năm trước. Cái chết cũng hoàn thiện nguyện vọng lớn nhất đời Belikov, ấy là chui vào “cái bao” an toàn nhất và không bao giờ phải chui ra nữa.
Belikov tuy sở hữu tính cách kỳ quái, không giống bất cứ ai nhưng không phải nhân vật duy nhất như vậy trong xã hội Nga cũ. Ở ngoài kia, vẫn còn rất nhiều người với lối sống “trong bao” trì trệ và bạc nhược, ảnh hưởng đến tương lai đất nước Nga.
Có lẽ vì thế mà khi Belikov mất đi, thời gian đầu mọi người xung quanh hắn cảm thấy bản thân như được giải thoát, vui vẻ và thoải mái hơn. Thế nhưng, một thời gian sau thì mọi thứ lại trở về quỹ đạo cũ, không có gì thay đổi.
Điều đó chứng minh rằng cái chết của một cá nhân cụ thể Belikov không thể thay đổi toàn bộ xã hội mà cần phải có một cuộc cách mạng triệt để, đánh thức lý trí cả thế hệ bị ru ngủ.
Tuy Chekhov không trực tiếp đưa ra giải pháp nhưng với tài năng nghệ thuật cùng ngòi bút sắc sảo, ông đã đánh động tâm can toàn bộ tầng lớp trong xã hội đương thời để buộc họ phải thay đổi, vươn đến một lối sống tiến bộ và văn minh hơn.
Bài học từ tác phẩm Người trong bao không chỉ có ý nghĩa với xã hội Nga cũ nói riêng mà còn cả thời hiện đại nói chung khi vẫn còn một số cá nhân chấp nhận “sống trong bao”, không chịu thay đổi bản thân và thích nghi với thay đổi mới.
Anton Chekhov đã đặt ra hồi chuông cảnh tỉnh xuyên biên giới và thời gian, nhắn nhủ mỗi con người chúng ta phải biết sống có ý nghĩa, có lý tưởng và mục đích, mang đến cho đời nhiều giá trị tốt đẹp, cao quý.
Anton Chekhov và những cách tân nghệ thuật hiện đại
Không chỉ có tầm nhìn vượt thời đại, mang đến cho xã hội nhiều bài học giàu ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Anton Chekhov còn đóng góp cho nền văn học thế giới nhiều cách tân mới mẻ, độc đáo về thể loại truyện ngắn.
Văn sĩ đặc biệt quan tâm đến kết cấu tác phẩm, nguyên tắc của ông là tính đơn giản và thiết thực của cốt truyện. Vậy nên người kể truyện vĩ đại nước Nga thường mở đầu bằng các câu văn ngắn, đưa độc giả tham dự ngay vào không khí câu chuyện.
Một điểm mới trong cách Anton Chekhov kể chuyện là sự vận dụng nhạc điệu, yếu tố chủ nghĩa tượng trưng và ấn tượng để chuyên chở mạch ngầm văn bản. Đó chính là sự cô đọng lạ lùng, vừa rất mới với phương Tây lại gần gũi với phương Đông.
Khác với Turgenev chỉ miêu tả nội tâm con người từ góc độ khách quan, Dostoevsky thâm nhập sâu đến tận cùng ngóc ngách, Chekhov thường chỉ dừng ở giới hạn cụ thể, để tâm lý nhân vật tự bộc lộ qua các dòng suy nghĩ miên man.
Điều này có thể được lý giải từ quan niệm về con người của văn sĩ, rằng thế giới tâm hồn mỗi cá thể là một vũ trụ bí ẩn, không ai có thể biết tường tận chính xác cũng như ranh giới giữa cái thiện và cái ác rất mỏng manh, nhập nhằng.
Anton Pavlovich Chekhov là một viên kim cương sáng lấp lánh của văn học Nga nói riêng và nhân loại nói chung. Tác giả đã để lại cho đời trang viết thấm đẫm tình yêu thương con người, hi vọng về một ngày mai tốt đẹp, tươi sáng.
Hạ Nhiên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất