Nhà văn Lý Lan là một cây viết có sức sáng tác đa dạng, hầu hết tác phẩm của bà đều thấm đẫm chất chân phương, dung dị, mang lại những cảm xúc nhẹ nhàng, tươi mát cho độc giả.
Nữ nhà văn có vốn hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, vậy nên phong cách văn chương của bà là sự hòa trộn đầy tinh tế giữa chất hiện đại cùng màu sắc mộc mạc khó lẫn. Ngoài ra, sức sáng tạo bền bỉ cũng tạo nên thành công lớn cho những trang văn Lý Lan.
Vài nét về tiểu sử của nhà văn Lý Lan
Nhà văn Lý Lan sinh năm 1957 và là người Việt gốc Hoa. Quê cha ở huyện Triều Dương, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc còn quê mẹ tại xã Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Tuổi thơ Lý Lan chủ yếu sinh sống tại quê mẹ, ký ức trong trẻo nơi đây là niềm cảm hứng vô tận trong những tác phẩm của bà. Tuy nhiên, sau khi mẹ mất thì cả gia đình chuyển về Chợ Lớn định cư.
Thuở thơ ấu, nhà văn Lý Lan học một năm ở trường làng, nửa năm tại trường Trung Chánh. Lên bậc tiểu học, bà vào trường Chợ Quán, sau đó là Trung học Gia Long, trường Đại học Sư phạm Hồ Chí Minh và cuối cùng là bậc Thạc sĩ bên Đại học Wake Forest, Hoa Kỳ.
Sau khi tốt nghiệp, nữ nhà văn tham gia giảng dạy tại trường Trung học Cần Giuộc, trường Trung học Hùng Vương, trường Trung học Lê Hồng Phong và Đại học Văn Lang.
Năm 1978, Lý Lan bén duyên với những áng văn thấm đượm tình cảm, sự nghiệp cầm bút cũng khởi nguồn từ đó. Tác phẩm đầu tay của bà là truyện dài Chàng nghệ sĩ và được đăng trên báo Tuổi trẻ. Đây là bước ngoặt lớn trên con đường văn chương, trở thành động lực để nữ sĩ tiếp tục sáng tác.
Nhà văn Lý Lan với những trang viết còn mãi với thời gian
Lý Lan được đánh giá là có sức sáng tác nhanh, bền bỉ, vậy nên công chúng dễ hiểu lý do vì sao bà lại sở hữu gia tài văn chương đồ sộ đến vậy. Nữ nhà văn ghi dấu ấn ở nhiều thể loại, đặc biệt trong mảng truyện ngắn.
Một số tác phẩm nổi bật là tập Cỏ hát, Chút lãng mạn trong mưa, Người đàn bà kể chuyện, Đất khách, Quá chén, Hồi xuân. Mỗi câu chuyện Lý Lan mang đến đều chứa đựng những bài học về lòng chân thành, tình yêu thương đối với cuộc sống.
“Lý Lan thuộc số không nhiều nhà văn tạo nên được những đối thoại hay trong truyện ngắn.” – Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng nhận xét
Nữ văn sĩ cũng rất duyên dáng, hóm hỉnh khi viết các tác phẩm dành cho thiếu nhi, từ câu chuyện đồng thoại ngộ nghĩnh trong Bí mật giữa tôi và Thằn Lằn Đen đến những nhân vật dễ thương ở Ba người và ba con vật. Diện mạo mới mẻ mà bà mang tới đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho các bạn nhỏ.
Hai sáng tác văn học nổi bật nhất của Lý Lan là bài bút ký Cổng trường mở ra và truyện đồng thoại Bí mật giữa tôi và Thằn Lằn Đen. Mỗi tác phẩm tuy mang màu sắc riêng biệt nhưng đều chứa đựng những triết lý nhân văn chứa chan tình người.
Cổng trường mở ra là áng văn ấm áp tình mẫu tử
Bài Cổng trường mở ra của Lý Lan được đăng lần đầu trên báo Yêu trẻ số 166, xuất bản năm 2000. Dù hai thập kỷ đã trôi qua song tác phẩm vẫn khiến độc giả thổn thức mỗi khi đọc lại.
Bài bút ký khắc họa trọn vẹn nỗi trăn trở, lo lắng trong thâm tâm các bậc phụ huynh khi con sắp bước vào lớp một, từ đó càng khẳng định vai trò to lớn của nhà trường đối với gia đình và xã hội.
Vào đêm trước ngày khai giảng, người mẹ cả đêm thao thức không ngủ được, mang nhiều tâm trạng bộn bề, lo âu. Tuy vậy cô vẫn tin rằng con sẽ không quá bỡ ngỡ khi bước chân vào một môi trường hoàn toàn mới.
“Con đã đi học từ ba năm trước, hồi mới ba tuổi vào lớp mẫu giáo, đã biết thế nào là trường, lớp, thầy, bạn. Ngay cả ngôi trường mới, con cũng đã tập làm quen từ những ngày hè. Tuần lễ trước ngày khai giảng, con đã làm quen với bạn bè và cô giáo mới, đã tập xếp hàng, tập đi, tập đứng, để chuẩn bị cho buổi lễ khai trường long trọng này. Mẹ tin là con sẽ không bỡ ngỡ trong ngày đầu năm học…” – Cổng trường mở ra
Cô nhớ lại ký ức ngày xưa, cái ngày mà mình cũng như con bây giờ, chỉ có niềm vui, sự háo hức khi được cắp sách tới trường. Người phụ nữ ấy nhớ mãi sự ngây ngô thuở ban đầu, tới bây giờ nó lại sống dậy và hiển hiện trong tâm trí.
Những câu văn nhẹ nhàng, tha thiết khiến độc giả liên tưởng tới khung cảnh thu đẹp đẽ trong áng văn Tôi đi học của Thanh Tịnh. Phiến lá vàng úa, mây bạc lơ lửng trên nền trời xanh biếc gợi tác giả về ngày đầu đến trường.
“Hàng năm, cứ vào cuối thu … mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.” – Tôi đi học
Trở lại hiện tại, khi ngắm nhìn “gương mặt thanh thoát của con tựa nghiêng trên gối mềm” cùng “đôi môi hé mở và thỉnh thoảng chúm lại như đang mút kẹo”, cô tuy tin tưởng nhưng cũng đầy lo lắng. Người mẹ muốn khắc sâu ký ức ngày khai giảng đầu tiên vào tâm trí con một cách tự nhiên, nhẹ nhàng.
Sở dĩ Cổng trường mở ra được nhiều thế hệ độc giả đón nhận bởi tác phẩm này thành công khơi gợi sự đồng cảm từ người đọc, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Từng chi tiết được khắc họa chân thực tới nỗi bất cứ ai khi đọc những câu văn đó đều cảm nhận được hình bóng bản thân trước ngày khai trường đầu tiên của con.
Bài bút ký còn khẳng định vai trò quan trọng của ngày khai trường cũng như đặt ra vấn đề rằng giáo dục có tầm ảnh hưởng như thế nào trong cuộc đời mỗi con người. Từ chuyện về nước Nhật xa xôi, tác giả nghĩ đến trách nhiệm lớn lao với con cái và thế hệ trẻ tương lai.
“Mẹ nghe nói ở Nhật, ngày khai trường là ngày lễ của toàn xã hội. Người lớn nghỉ việc để đưa trẻ con đến trường, đường phố được dọn quang đãng và trang trí tươi vui. Tất cả quan chức nhà nước vào buổi sáng ngày khai trường đều chia nhau đến dự buổi lễ khai giảng ở khắp các trường học lớn nhỏ. Bằng hành động đó, họ muốn cam kết rằng, không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên giáo dục thế hệ trẻ cho tương lai. Các quan chức không chỉ ngồi trên hàng ghế danh dự mà nhân dịp này còn xem xét ngôi trường, gặp gỡ với Ban Giám hiệu, thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh, để điều chỉnh kịp thời những chính sách về giáo dục.” – Cổng trường mở ra
Cuối cùng, điều quan trọng nhất là lời khuyên mà người phụ nữ ấy dành cho con, “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.
Mẹ mang một niềm tin tưởng mãnh liệt rằng ở thế giới kỳ diệu vừa đẹp vừa lạ đó, con sẽ học được biết bao điều mới mẻ, hoàn thiện nhân cách, bồi đắp thêm tình yêu với mọi điều gần gũi xung quanh.
Nhà văn Lý Lan đã đưa độc giả trở lại thế giới tuổi thơ êm đềm bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc. Những lời tâm sự vừa nói với con lại như đang tâm sự với chính mình giúp tác giả bộc lộ nỗi lòng người mẹ một cách chân thành, tha thiết.
Bí mật giữa tôi và Thằn Lằn Đen thành công nhờ văn phong gần gũi
Trong tác phẩm Bí mật giữa tôi và Thằn Lằn Đen, nhà văn đã có cuộc phân thân thành công vào miền đất bao la của thiếu nhi. Bằng tài kể chuyện đầy duyên dáng, bà mang đến những câu chuyện mộc mạc, hóm hỉnh song vẫn chứa đầy ý nghĩa và bài học quý giá.
Qua giọng văn dễ thương của tác giả, người đọc hình dung ra những câu chuyện này vốn là bí mật bà “định giữ lại cho riêng mình, chép trong một quyển vở đẹp, để dành khi nào thích ai lắm mới kể cho nghe”. Vậy nhưng cuối cùng lại quyết định kể cho chú Thằn Lằn Đen chỉ vì thấy đối phương đang buồn.
“Một đêm, khuya thật khuya, tôi kể cho con Thằn Lằn Đen nghe. Bạn biết tại sao không? Con Thằn Lằn Đen đang buồn! Nửa đêm nó tặc lưỡi: – Chán quá! Đêm gì mà dài lê thê. Lúc ấy tất cả đều đang ngủ, nên tiếng tặc lưỡi của con Thằn Lằn Đen vang lên rồi chìm lỉm vào bóng tối. Căn phòng chỉ còn tiếng thở nhẹ nhàng, đều đều của hai đứa bé.” – Bí mật giữa tôi và Thằn Lằn Đen
Tiếp sau đó là những cuộc hội thoại thật đáng yêu, nữ văn sĩ đã đưa độc giả nhỏ tuổi vào các cuộc phiêu lưu vô cùng thú vị, từ nơi góc nhà đến hộc bàn, câu chuyện của củ tỏi, củ hành, hạt tiêu, ớt đỏ, chú chuột, chú gián, làm hiện lên thật sinh động một thế giới khác đang cận kề bên cạnh chúng ta.
Bí mật giữa tôi và Thằn Lằn Đen có văn phong đặc sắc, mới mẻ, chỉ trong một buổi đêm mà nhân vật “tôi” và chú thằn lằn đã kể cho nhau biết bao câu chuyện. Chất văn gần gũi, không chỉ lôi cuốn trẻ em mà còn hấp dẫn cả độc giả trưởng thành.
“Gián định hôm nào sẽ đến chơi đằng Sách và Áo Quần. Nhưng bọn Chuột cứ rủ rê Gián đi chơi dưới cống và kẹt vách. Ở đó cũng vui. Gián tha hồ chơi trò lăn – lê – lết. Rồi lại đến trò bò – luồn – chui. Cả trò xịt nước, quăng đất, chọi gạch cũng được bọn Chuột bày cho Gián chơi. Những trò ấy đã chơi là quên cả ngày giờ và người ngợm suốt ngày cứ đen thủi đen thui.” – Bí mật giữa tôi và Thằn Lằn Đen
Vượt khỏi cái nhìn ban đầu về một tác phẩm thiếu nhi, tác giả Lý Lan đã gửi gắm từng thông điệp và bài học nho nhỏ qua mỗi câu chuyện một cách tự nhiên nhất. Các loài vật với những đặc tính rất “người” khiến chúng ta cảm nhận được tình yêu thương bao la trong cuộc sống này.
Nhà văn Lý Lan và những câu chuyện xoay quanh bản dịch Harry Potter
Nhà văn Lý Lan là người được Nhà xuất bản Trẻ “chọn mặt gửi vàng” khi giao trọng trách dịch bộ tiểu thuyết Harry Potter lừng danh sang tiếng Việt. Bằng ngôn từ phong phú, cách chuyển ngữ sáng tạo, độc đáo, bà đã khiến tác phẩm kinh điển này in dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả Việt Nam.
Nữ dịch giả đã tận dụng nét tương đồng giữa chữ Latinh và chữ Hán Việt, từ đó mang đến một trải nghiệm thú vị không kém bản gốc cho độc giả Việt, đặc biệt là trong các phép chơi chữ của nhà văn J.K.Rowling.
Đơn cử là từ “Horcruxes”, đây là từ cổ xưa rất khó để hiểu ngay cả đối với người Anh bản địa bởi nó có nguồn gốc từ tiếng Latinh. “Horcrux” bắt nguồn từ từ tiếng Pháp “dehors” có nghĩa là “bên ngoài” và “crux” có nghĩa là “linh hồn”, ghép lại ta sẽ có “linh hồn ngoài cơ thể”.
Trong Harry Potter, “Horcruxes” dùng để chỉ một dụng cụ thuộc về Nghệ thuật Hắc ám được tạo ra để đạt đến sự bất tử. Nhà văn Lý Lan đã sử dụng một từ Hán Việt có ý nghĩa tương đương là “Trường sinh linh giá”, gợi cảm giác cổ xưa, huyền bí giống như những gì được khắc họa trong nguyên tác.
“Không… Chà… con đừng hòng tìm được một cuốn sách nào ở Hogwarts cho con biết chi tiết về Trường sinh linh giá, Tom à. Đó là đồ Hắc ám, thực ra là cực kỳ Hắc ám.” – Harry Potter và Hoàng tử lai
Một ví dụ điển hình là từ “Felix Felicis”, người hâm mộ của bộ tiểu thuyết đình đám này đều biết đây là lọ độc dược nhỏ mà thầy Slug đã cho Harry. Những ai uống vào thì may mắn sẽ ồ ạt kéo đến, khiến người ấy hành động như thể được mách bảo trước vậy.
“Felix Felicis” còn được hiểu theo nghĩa là “Lucky Potion”, tức “thuốc may mắn”. Bậc thầy ngôn từ ấy không dịch đơn thuần như vậy mà dùng từ Hán Việt có ý nghĩa tương tự tên “Phúc lạc dược” để tạo cảm giác trang trọng, thần bí cho bản dịch.
“Bồ biết quá rõ tụi này đang nói về cái gì mà” Hermione ấm ức nói. Bồ pha thuốc may mắn vô nước bí của Ron trong bữa điểm tâm! Phúc lạc dược!” – Harry Potter và hoàng tử lai
Nữ dịch giả đã từng chia sẻ với Báo Tuổi trẻ rằng thách thức của người dịch không chỉ nằm ở việc cảm nhận nội dung, tinh thần mà còn phải am hiểu văn hóa, ngôn ngữ trong nguyên tác, phát hiện điểm tương đồng giữa các hệ thống ngôn ngữ để đưa vào tác phẩm những trải nghiệm tương tự bản gốc.
Bên cạnh đó, bản dịch tiếng Việt của Harry Potter thành công đến vậy một phần là nhờ cách sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ dân dã. Lối dùng từ cùng cách xưng hô thân mật quen thuộc như “bồ”, “mèn ơi”, “cà chớn cà pháo”, “hầm bà lằng” mang lại cảm giác gần gũi.
“Ginny gọi Ron:
– Bồ chờ ở đó nha. Chờ ở đó với thầy Lockhart. Mình sẽ đi tiếp. Nếu một giờ nữa mình không quay trở lại…
Một khoảng lặng yên ngột ngạt. Rồi tiếng Ron vang lên, nghe như thể nó cố giữ cho giọng nói đừng run:
– Mình sẽ cố gắng dời đống đá này… để… để khi quay về bồ có chỗ chui qua… Và… Harry này…
Harry cố gắng tiêm vào giọng nói của mình được chút tự tin nào hay chút nấy:
– Lát nữa gặp lại bồ nha!” – Harry Potter và phòng chứa bí mật
Nhà văn Lý Lan cũng tâm sự rằng bà dành mười lăm giờ mỗi ngày với Harry Potter, phải cắt bỏ hầu hết thú vui tiêu khiển thường ngày như câu cá, đi biển để mang lại bản dịch hoàn hảo nhất cho quý độc giả.
“Có thời, tôi khủng hoảng nghĩ rằng những gì mình viết ra chỉ là những thứ lăng nhăng, vớ vẩn. Song biến những ý tưởng khổng lồ thành một cuốn sách là cực kỳ khó vì trong văn chương, không thể màu mè, lên gân được. Tôi đang trong thời kỳ tìm kiếm chính mình và thế giới đang sống. Dịch sách cũng ở trong hướng đó.” – Nhà văn Lý Lan chia sẻ
Nhờ sự chăm chỉ, tâm huyết ấy mà bản dịch của nữ văn sĩ được đánh giá là cực kỳ thành công, dẫn dắt người đọc đi qua hàng trăm câu chuyện nhỏ, các chuyến phiêu lưu, từ đó gửi gắm những bài học nhân văn sâu sắc.
Lý Lan và những trang tản văn mang hơi thở đời thường
Độc giả Việt Nam dường như đã quen thuộc với nét mộc mạc, đằm thắm trong tản văn của Lý Lan. Bà có vốn văn hóa sâu rộng, có thể nhìn nhận đời sống một cách sắc sảo, từ đó bày tỏ quan điểm về con người và thời cuộc.
Lý Lan là nhà văn có sức viết dồi dào, sở hữu phong cách riêng không thể trộn lẫn. Bà góp phần mang đến cho nền văn học Việt Nam nhiều tản văn có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật. Từ đó giúp độc giả có nhiều góc nhìn khác nhau về lẽ sống và cách ứng xử của con người.
Tính tới thời điểm hiện tại, bà đã có sáu tập tản văn được xuất bản là Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi (1998), Dặm đường lang thang (1999), Khi nhà văn khóc (1999), Chân dung người Hoa (1994), Miên man tùy bút (2007), Bày tỏ tình yêu (2009).
Tác giả quan sát hiện thực bằng đôi mắt của nhà ký giả nhiều hơn đôi mắt nhà văn, quan tâm sâu sắc đến những hình ảnh cuộc sống đời thường. Ngòi bút ấy có sức hấp dẫn vô hình, dẫn dắt người đọc theo bước chân lang thang của mình dọc chiều dài đất nước.
Trong tản văn Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi, tác giả tỏ ra khá am tường về cộng đồng người Hoa bởi bản thân vốn là người Việt gốc Hoa. Xuất phát từ nỗi niềm thương nhớ cố hương, bà đã âm thầm khắc họa lại lối sống, sinh hoạt của cộng đồng này.
“Tôi phải mất hơn ba mươi năm mới thấm thía hết cái ngon của một chén cháo ăn với củ cải muối vào buổi sáng tinh mơ. Cháo ở đây là cháo trắng nấu vừa chín, hột gạo còn nguyên, chỉ hơi mềm hơn cơm một chút.” – Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi
Trong các tác phẩm của mình, nhà văn Lý Lan luôn để cảm xúc được tự do chảy trôi, từng dòng chữ tuôn trào say sưa và mải miết.
Đến với tập tản văn Khi nhà văn khóc, tác giả đã miêu tả khá thành công chân dung của các văn nghệ sĩ trong giới, đưa ra những nhìn nhận khách quan về nghề nghiệp mình đang theo đuổi.
Người phụ nữ ấy đã phát huy sở trường quan sát tinh tế, thêm vào đó là lựa chọn từng chi tiết đắt giá để chân dung nhân vật hiện lên sống động, rõ nét hơn.
Chân dung những nhà văn lão thành như Phương Đài, Sơn Nam, Phùng Há đến các bạn văn cùng thời như Thanh Nguyên, Dư Thị, Cao Vũ Huy Miên, thậm chí cả thế hệ đàn em như Nguyễn Thị Châu Giang khi qua ngòi bút tản mạn của Lý Lan đều trở nên thật rõ nét.
“Tuổi già, Sơn Nam không hề nghỉ ngơi, vì lòng còn tha thiết cầu học, vì muốn tìm hiểu đề tài vô cùng tận là Đồng bằng Nam Bộ, vì sức sáng tạo vẫn dồi dào, hay vì mưu sinh?” – Khi nhà văn khóc
Văn phong của nữ văn sĩ như có ma lực, giản dị, chắt lọc và trong veo, in đậm chân dung một nhân cách trong đời sống xã hội, một văn cách trong đời sống văn học, chân thành và vô tư, luôn sẵn sàng chấp nhận, ủng hộ những tài năng hoàn toàn khác mình.
Giá trị trong các tản văn của Lý Lan nằm ở những sự vật, sự việc bình thường, song chúng đều mang đến những bài học vô giá về cuộc sống. Chính sự sáng tạo lương thiện, đặc sắc ấy đã giúp các sáng tác của bà có sức sống lâu bền với thời gian.
Tiểu Mai
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất