Văn học về bản chất là phản ánh hiện thực, nâng đỡ tâm hồn và hướng con người đến với bến bờ Chân – Thiện – Mỹ. Vì vậy mỗi nhà văn vừa mang nhiệm vụ người thư ký trung thành của thời đại, vừa là nhà nhân đạo từ sâu trong cốt tủy.
Giữa bối cảnh lịch sử phức tạp của thế kỷ XX, cái tên Phạm Duy Tốn đã nổi lên như một hiện tượng văn học mới lạ, nhận được nhiều sự chú ý từ phía độc giả. Ngòi bút ông vô cùng đanh thép, sắc sảo, chạm đến nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Phạm Duy Tốn và hành trình đến với văn chương
Phạm Duy Tốn sinh năm 1883 trong một gia đình khá giả với bố là Chánh tổng tại thành phố Hà Nội. Từ khi còn tấm bé, ông đã tỏ ra rất thông minh, hoạt bát nhưng cũng có chút phiêu lưu và hiếu động.
Thuở nhỏ Phạm Duy Tốn học chữ Nho, sau tốt nghiệp trường Thông ngôn Hà Nội và được bổ làm thông ngôn ngạch tòa sứ Ninh Bình rồi Thị Cầu. Ông nổi tiếng với sự thông thái và phong cách làm việc rất riêng, không trộn lẫn.
Sau khi bỏ việc thông ngôn, Phạm Duy Tốn đi dạy ở trường Trí Tri, phố Hàng Quạt. Là một trong những người đầu tiên húi tóc ngắn và mặc trang phục châu Âu, ông cùng Nguyễn Văn Vĩnh đã sáng lập nên phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
Phạm Duy Tốn sau đó phải làm rất nhiều việc khác nhau để trang trải cho cuộc sống ngay khi thôi dạy, từ mở tiệm ăn cho đến mở tiệm vàng, tìm mỏ. Cuối cùng, văn sĩ quyết định trở lại với nghề mà ông vẫn cho là phụ, viết văn và làm báo.
Tác giả của những trang văn đanh thép từng viết cho mười một tờ báo khác nhau, trong đó phải kể đến Đông Dương tạp chí với bút danh Ưu Thời Mẫn.
Phạm Duy Tốn từng gây chấn động dư luận khi viết bài Hồi giáo khổ nạn để nói về trận lụt ở Bắc Kỳ năm 1915 làm hàng chục nghìn người chết. Sau bài báo này, một tổ chức từ thiện được thành lập, gây quỹ giúp đỡ người gặp nạn.
Ông tuy sáng tác không nhiều, chỉ bốn tác phẩm nhưng vẫn là cây bút có tầm ảnh hưởng lớn trên văn đàn. Một trong số đó phải kể tới Sống chết mặc bay, truyện ngắn phản ánh sự đối lập giữa cuộc sống bọn quan lại và người dân bị đô hộ.
Văn sĩ là người đã tiên phong và mở ra thời kỳ rực rỡ của văn học Việt Nam cách tân giai đoạn sau này. Thay vì sáng tác theo khuôn khổ truyền thống, tác giả quyết định hướng ngòi bút ra xa, chạm đến cả giới trí thức, tầng lớp trên và người nông dân nhỏ bé.
Nếu Nguyễn Bá Học duy trì nền nếp đạo đức Nho giáo cổ truyền thì Phạm Duy Tốn lại muốn cải cách xã hội, có khuynh hướng hòa nhập vào hiện thực một cách rõ ràng, sâu sắc.
Tác giả còn được biết đến với vai trò là nhà chính trị khi từng trúng cử đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và dân biểu Hạ viện Bắc Kỳ. Năm 1922, ông đã cùng một số trí thức, quan lại như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh tham dự Triển lãm Quốc tế.
Kim chỉ nam trong suốt công cuộc khai phá nghệ thuật của Phạm Duy Tốn
Trong hành trình khám phá mảnh đất văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung, Phạm Duy Tốn luôn dựa theo kim chỉ nam của đời mình, ấy chính là tôn trọng sự thật, phản chiếu thực tại không chút che đậy.
Thế giới nghệ thuật trong ông không có ranh giới cụ thể giữa cái thiện, cái ác mà để chúng tồn tại đan xen, chồng chéo nhau. Văn sĩ thẳng thừng tố cáo sự bất nhân của chế độ thuộc địa nửa phong kiến khi khiến cuộc sống nhân dân lầm than, khốn khổ.
Phạm Duy Tốn thể hiện rõ nỗi bất bình xã hội, mạnh dạn phê phán lối sống suy đồi đạo đức, phá hoại truyền thống tốt đẹp người đi trước gây dựng. Vì thế mà văn ông rất sắc sảo, đanh thép và đôi lúc có phần chua chát, xót xa.
Chính suy nghĩ và sự dũng cảm của nhà văn đã mở đường cho phong trào nghệ thuật mới, khơi mào trào lưu dòng văn học hiện thực du nhập vào Việt Nam. Văn học sẽ chẳng là gì nếu không trở thành tấm gương phản ánh con người, thời đại.
“Phạm Duy Tốn là một người rất nhiệt thành với văn quốc ngữ, và đã biệt lập ra một lối văn riêng, lấy sự tả chân làm tốt. Mỗi bài văn của ông như một tấm ảnh phản chiếu cái chân tướng y hệt.” – Ông chủ bút Nam Phong nói về tấm lòng nhà văn Phạm Duy Tốn đối với văn chương quốc ngữ
Phạm Duy Tốn cũng như các nhà văn cùng thời đã đi tìm cách lý giải hiện thực, lên tiếng đấu tranh cho cộng đồng và hạnh phúc cá nhân. Có lẽ vì vậy mà truyện ông thường đi thẳng vào mâu thuẫn vấn đề, cốt truyện khá đơn giản, trực diện.
Dù tôn sùng hiện thực nhưng tác giả không sao chép cuộc sống một cách sáo rỗng, vô hồn mà chỉ chọn lọc những lát cắt hàm chứa giá trị lịch sử, đại diện cho một vấn đề nổi cộm trong xã hội.
Bởi vậy khi đọc trang viết Phạm Duy Tốn, bao nhiêu căn bệnh và ung nhọt xã hội như hiện lên trước mắt độc giả một cách trần trụi, không chút che đậy hay giấu giếm.
Với Phạm Duy Tốn, viết văn không chỉ để ghi chép những gì đang xảy ra trong thời đại mà còn nhằm mục đích giải tỏa bản thân, ký thác nỗi niềm suy tư tâm sự.
Nhà văn phơi bày mặt tiêu cực trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến, sự bất lương của quan lại và thực dân như một cách để đánh thức thời đại đang bị ru ngủ, vùng dậy đấu tranh thay đổi, hướng đến một ngày mai tự do, tươi đẹp hơn.
Phạm Duy Tốn suốt đời sáng tác theo hướng mà kim chỉ nam nghệ thuật chỉ dẫn, ấy là viết để tố cáo và lật đổ sự tha hóa của chế độ thực dân nửa phong kiến, kiến tạo một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Bức tranh hiện thực xã hội đương thời dưới ngòi bút Phạm Duy Tốn
Dưới sự thống trị của thực dân Pháp, cuộc sống nhân dân rơi vào tình cảnh khốn khó, kiệt quệ đến tột cùng. Người lao động không chỉ đối mặt cái đói mà còn chìm đắm vào sự dốt nát, lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp.
Tất cả sự mục nát ấy của xã hội đương thời đều được Phạm Duy Tốn ghi chép tỉ mỉ vào trang viết với giọng điệu đau đớn, xót xa dù gián tiếp hay trực tiếp.
“Năm ngoái trời làm lụt lội, đê điều vỡ lỡ, chẳng may con tôi chết đuối. Nó để lại một lũ con thơ. Bây giờ nhà nghèo khổ, trẻ nhỏ ốm đau, sài ghẻ; vợ nó phải ở nhà trông nom để tôi xuống Hà Nội kéo xe thuê mướn, kiếm mỗi ngày lấy răm ba xu, một hào mà nuôi nấng đàn cháu mồ côi.” – Tình cảnh khốn khó của người dân lao động được tái hiện trong tác phẩm Bực mình
Cái nghèo, cái đói cứ luôn chực chờ và bủa vây lấy những người nông dân thấp cổ bé họng. Sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng Phạm Duy Tốn vẫn nhìn thấy ở họ tinh thần chấp nhận, vượt qua nghịch cảnh đáng quý.
Sở dĩ con người bị tha hóa và biến chất, méo mó về nhân hình lẫn nhân phẩm một phần cũng là do bộ máy cai trị thối nát, bù nhìn phong kiến. Trong truyện ngắn của Phạm Duy Tốn, không ít lần văn sĩ phê phán giai cấp thống trị đương thời.
Ông vạch trần và lên án thói vô trách nhiệm, ăn chơi sa đọa, coi mạng dân như cỏ rác của bọn quan lại. Ngòi bút tác giả trở nên đanh thép và phẫn nộ vô cùng khi lột tả vấn đề giai cấp phong kiến bóc lột nhân dân đến tận xương tủy.
Việc phơi bày sự vô đạo đức, máu lạnh ở giai cấp thống trị đã xuất hiện nhiều trong sáng tác của các nhà Nho đi trước như Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến hay Tú Xương. Dường như thời đại nào cũng tồn tại cái ác, nỗi lầm than.
Đến giai đoạn văn học với sự lên ngôi của các hình thức tự sự, truyện ngắn, những nhà văn hiện đại có nhiều thuận lợi hơn khi trình bày vấn đề trên. Phạm Duy Tốn đã chứng minh sự ảnh hưởng tiêu cực của chính quyền tay sai với đời sống nhân dân.
Chiến tranh đã làm lạc mất những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà cha anh gìn giữ suốt mấy ngàn năm, đưa đất nước vào lối sống tự do theo tư sản. Phong cách sống mới lật đổ nền nếp cũ, khiến con người bắt đầu sống ích kỷ, tư lợi.
Giữa hoàn cảnh ấy, bên cạnh nền kinh tế đang dần suy thoái, nhãn quan sắc bén của nhà văn còn phát hiện ra quyền lực và sức mạnh đáng sợ nơi đồng tiền.
Con người ta dường như trở thành nô lệ của đồng tiền, tôn sùng vật chất và sẵn sàng đánh mất nhân cách để đổi lấy vài đồng bạc. Phạm Duy Tốn đau đớn chỉ ra tình thương giữa người với người giờ đây chỉ là thứ phù du, hiếm có trong xã hội.
Không còn tinh thần “lá lành đùm lá rách” đáng quý, chỉ còn thú vui sa đọa, hưởng lạc, dửng dưng với những mảnh đời bất bánh trơ trọi giữa dòng đời. Dù sự thật có đau đớn nhưng người nghệ sĩ không thể làm ngơ mà phải thẳng tay phơi bày.
Mải mê chạy theo danh lợi phù phiếm, con người dường như cũng đang bán đi cốt cách thanh tao và phẩm chất tốt đẹp. Họ thích dựa vào uy quyền, phép tắc phong kiến để mưu cầu quyền lực ích kỷ.
Phạm Duy Tốn sau đó đề cập đến những vấn đề xảy ra từ gia đình đến cộng đồng, mọi tầng lớp từ trí thức lẫn bình dân. Sự sa sút đạo đức vẫn luôn xảy ra trong xã hội, dù với bất kỳ cá nhân hay hoàn cảnh sống nào.
Với tư cách của một người nghệ sĩ chân chính, Phạm Duy Tốn luôn dõi theo từng bước biến chuyển thời đại. Sự nhạy cảm bẩm sinh cùng tinh thần yêu nước không cho phép ông làm ngơ, chạy theo lối văn chương sáo rỗng phi thực tế.
Thực tại trong sáng tác nhà văn là bản sao của cuộc sống bọn quan lại phong kiến, thực dân và người lao động cơ hàn. Ông thâm nhập vào từng ngóc ngách nhỏ, tìm kiếm chất liệu rồi đưa nó vào trang văn một cách sống động, chân thực.
Bức tranh hiện thực xã hội trong trang văn Phạm Duy Tốn hiện lên với tất cả những mặt trái, từ bộ máy quan lại thối nát, chế độ thực dân độc ác đến sự suy đồi đạo đức con người, lối sống tư sản ích kỷ.
Ngòi bút ông có phần lạnh lùng, xót xa nhưng sâu trong con chữ và lời văn, vẫn ánh lên khát khao, băn khoăn đi tìm lối thoát cho thực tại. Điều này xuất phát từ tinh thần yêu nước, thương dân lẫn thương mình của một người nghệ sĩ thực thụ.
Sống chết mặc bay là lời tố cáo đanh thép bộ máy quan lại đương thời
Phạm Duy Tốn đã để lại cho nền Văn học nước nhà nhiều tác phẩm quý giá mà một trong số đó phải kể đến là Sống chết mặc bay, xuất bản lần đầu vào năm 1918.
Tác phẩm là sự đối lập gay gắt giữa cuộc sống vất vả của nhân dân và bọn quan lại vô nhân tính. Qua đó, Phạm Duy Tốn lên án gay gắt bộ máy chính quyền đương thời cũng như bộc lộ khát khao thay đổi trật tự xã hội.
Ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Sống chết mặc bay
Nhan đề là ấn tượng đầu tiên của độc giả khi bước đầu tiếp nhận tác phẩm, thể hiện nội dung và thái độ từ phía người sáng tạo đối với chủ thể miêu tả, Sống chết mặc bay do đó mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật như thế.
Nhan đề Sống chết mặc bay vốn bắt nguồn từ câu tục ngữ dân gian “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Đây là câu nói phê phán hạng người vô trách nhiệm, ích kỷ, không quan tâm tính mạng người khác, cụ thể là những thầy thuốc, lang băm rởm.
Đặt nhan đề trong bối cảnh xã hội cũng như nội dung tác phẩm, Phạm Duy Tốn đã khái quát thành việc phê phán, tố cáo bộ máy quan lại thối nát. Dù họ mang danh “cha mẹ dân” nhưng lại thiếu trách nhiệm, thờ ơ trước sự sống còn của nhân dân.
Đồng thời, đứng trước sự máu lạnh của bọn quan viên bù nhìn, tác giả cũng bộc lộ niềm thương cảm đau xót đến tầng lớp thấp bé trong xã hội.
Hoàn cảnh lầm than của nhân dân
Mở đầu tác phẩm, Phạm Duy Tốn đưa người đọc đến với một hoàn cảnh hết sức nghiệt ngã. Giữa màn đêm tối đen, lạnh giá khi về khuya và trời mưa tầm tã, hàng trăm người vẫn đang vất vả, cố sức giữ đê.
“Kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, người vác tre, nào đắp, nào cừ… Khung cảnh náo loạn với tiếng người xao xác gọi nhau sang hộ nhưng ai cũng đã mệt lử cả rồi.”
Cảnh tượng đau đớn ấy không phải chuyện hiếm thấy trong xã hội phong kiến nửa thực dân đương thời. Nhân dân không chỉ bị bóc lột sức lao động mà còn phải hứng chịu sự đe dọa từ thiên tai.
Khi viết về sự cơ cực của người dân lao động, ngòi bút Phạm Duy Tốn có phần xót thương và chua chát. Ông như hòa vào nhân dân để cảm nhận tình cảnh khốn khó, trải qua mọi nỗi dày vò về thể xác cả tinh thần.
Việc vận dụng biện pháp tu từ liệt kê kết hợp với các câu hội thoại, tiếng gọi, hò hét cùng phép tăng tiến càng làm cho bầu không khí truyện trở nên căng thẳng, hồi hộp.
Giữa cảnh giữ đê trong vô vọng của nhân dân, đến Phạm Duy Tốn cũng phải lên tiếng bộc lộ sự thương xót bằng hàng loạt câu cảm thán.
“Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất.”
Mượn việc hộ đê trong tác phẩm, nhà văn đã đề cập đến các vấn đề to lớn hơn trong xã hội. Đó là tình cảnh khó khăn đủ bề của người dân lao động lẫn thói vô trách nhiệm từ phía bộ máy chính quyền.
Sự vô trách nhiệm và lạnh lùng của bọn quan lại
Đối lập với sự chật vật ngoài đêm mưa gió bão bùng của nhân dân, ngòi bút Phạm Duy Tốn đã mỉa mai châm biếm cảnh “trong đình, đèn thắp sáng trưng, nha lệ lính tráng, kẻ hầu, người hạ, đi lại rộn ràng”.
Dường như quan lại không mấy quan tâm cảnh hộ đê, lãng quên trách nhiệm chăm lo cho đời sống nhân dân vốn có của mình. Bọn chúng bình thản chơi bài, mặc cho tiếng kêu gào đến xé lòng.
Giữa cảnh tượng hi hữu ấy, Phạm Duy Tốn đã tập trung miêu tả tên quan phụ mẫu. Hắn là người đang trong tư thế ung dung khi tay cầm bát yến, ngồi khểnh vuốt râu và đánh tam cúc cùng lũ người dưới quyền.
Ngoài đê, dân chúng đang từng giờ từng phút đối mặt với nguy hiểm của dòng nước mạnh và hung dữ. Người thì đội đất, kẻ vác tre, ướt như chuột lột vậy mà tên quan vẫn uy nghi, chễm chệ trong đình.
Dù cho có người bẩm báo tình thế ngoài kia đang vô cùng nguy cấp, rằng đê sắp vỡ rồi nhưng bọn quan lại chỉ chăm chăm nhìn vào đĩa đựng bài chờ bốc trúng quân bài may mắn.
Cho đến lúc nhân dân không thể cầm cự, chống đỡ sức tàn phá tàn bạo của thiên nhiên được nữa, tên quan phụ mẫu vẫn giữ thái độ không quan tâm, thậm chí còn quát tháo.
“Đê vỡ rồi! Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không? Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy.” – Tên quan phụ mẫu thể hiện sự vô trách nhiệm của mình
Đê vỡ, dân chúng chạy loạn, hàng ngàn sinh linh bị dòng lũ cuốn đi, người sống thì không có chỗ ở, kẻ chết thì mất xác. Trong lúc đó, lũ quan lại kia vẫn thong thả ngồi trong dinh, an nhàn tận hưởng thú vui bài bạc.
Nghệ thuật tương phản, tăng cấp được Phạm Duy Tốn khai thác một cách triệt để nhằm vạch mặt tội ác bọn quan lại bù nhìn và đồng thời, tái hiện số phận khốn khổ đến cùng cực của nhân dân.
Trên một đất nước và cùng múi thời gian nhưng lại tồn tại hai bức tranh hoàn cảnh trái ngược nhau. Ngoài trời tiếng khóc than đau đớn rên rỉ thì bên trong lại là cảnh chơi bài nhàn nhã của bọn quan chức vô tâm.
Hơn thế nữa, sâu kín trong mạch ngầm câu chuyện còn là khát vọng, sự thôi thúc cần phải đứng lên đấu tranh, đả đảo bộ máy chính quyền vô đạo đức, mang hạnh phúc chia cho tất cả mọi tầng lớp xã hội.
Đó mới thật sự là điều Phạm Duy Tốn muốn truyền tải đến độc giả thông qua truyện ngắn Sống chết mặc bay. Khi gặp cái ác phải biết lên án tố cáo và thay đổi, kiến tạo nên một xã hội công bằng cho mọi lớp người mà không phân biệt địa vị, giai cấp.
Nước đời lắm nỗi và hồi chuông cảnh tỉnh nhân cách con người
Phạm Duy Tốn không chỉ căm phẫn trước sự thối nát của bộ máy quan lại đương thời mà ông còn rơi từng giọt nước mắt xót xa khi chứng kiến sự xuống cấp của nhân cách con người.
Trong truyện ngắn Nước đời lắm nỗi xuất bản năm 1919 tại báo Nam Phong, văn sĩ dựng nên một câu chuyện bi đát về số phận con người. Đứng trước cám dỗ của đồng tiền, người ta dường như không còn nhớ đến tình thân máu mủ.
Bằng tài năng kể chuyện, Phạm Duy Tốn đã khéo léo lồng ghép bi kịch của hai thế hệ gia đình. Mạch truyện cũng bắt đầu từ nỗi đau hiện tại cho đến thảm kịch trong quá khứ.
Trong một đêm nhớ nhà ở Sài Gòn, nhân vật chính dạo chơi trong phố để khuây khỏa và tình cờ, anh ta bắt gặp bạn học cũ của mình là Lương Duy Đạo, người đang trong bộ dạng “nước da xanh ngắt, đầu tóc bù xù” do nghiện hút.
Anh ta tuy sống ở chốn Sài thành đã ngót nghét hai mươi năm nhưng vẫn là kẻ vô công rồi nghề, bản thân lại chẳng có ước mơ hay giao thiệp, yêu thương với bất kỳ ai.
Hoàn cảnh hiện tại của người bạn khiến nhân vật chính vô cùng ngạc nhiên bởi lẽ anh ta năm xưa vốn tính tình hoạt bát, sống trong nhung lụa, quyền thế lẫy lừng.
Sau một hồi hỏi han và tâm sự thì mới vỡ lẽ ra, người bạn năm xưa đã phải chứng kiến một cảnh kinh hoàng ngay trong chính tổ ấm khi chỉ mới tròn mười bốn. Chính sự ám ảnh ấy đã theo anh đến suốt cuộc đời về sau, không cách nào nguôi ngoai.
Trong đêm mưa gió, khi Lương Duy Đạo vừa mới chợp mắt ngủ, bỗng nghe tiếng cãi nhau ở phòng bên. Người cha quát tháo ép vợ giao ra văn tự để lấy tiền trong khi người mẹ một mực từ chối, cố giữ nó cho con.
Trong phút giây nóng giận và bị đồng tiền che mắt, người cha đã ra tay tàn nhẫn đánh đập vợ không chút thương tiếc. Bà thì vẫn kiên quyết không giao ra văn tự, mặc cho sự hành hạ đến dã man.
“Mẹ tôi ngã lăn từ trên giường xuống đất, mà không kêu không khóc, chỉ thấy hai tay bưng lấy mặt nằm im. Cha tôi lật sấp mẹ tôi xuống, rồi thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, đấm đá mẹ tôi vô hồi kì trận, mãi mãi mà vẫn không thôi.”
Đến khi nghe thấy tiếng con trai thét lên, ông chồng tàn bạo kia mới chịu dừng lại. Vài ngày sau, người mẹ tội nghiệp kia vì băng huyết cũng qua đời khi đang mang trong mình một sinh linh nhỏ bé.
Ngòi bút Phạm Duy Tốn miêu tả vô cùng chân thực sự tàn nhẫn của người cha và nỗi bất lực trong mắt đứa con thơ khi chứng kiến mẹ bị đánh đập. Vì đồng tiền, họ sẵn sàng ra tay với người đồng cảm cộng khổ mà không chút xót thương.
Đây không chỉ là câu chuyện của một hai số phận riêng lẻ mà còn là bi kịch chung của xã hội đương thời. Đồng tiền lên ngôi mang sức mạnh chi phối tất cả, đẩy con người vào tận cùng tội lỗi và xấu xa.
Người mẹ ra đi sớm cùng sự lạnh lùng đến vô cảm của cha như một nhát dao cứa thẳng vào tim cậu bé, để rồi giờ đây anh ta mãi mãi không thể vực dậy. Khi một người mất hết niềm tin vào cuộc sống thì họ làm gì thiết tha đến nó nữa đâu.
Bên cạnh hồi chuông cảnh tỉnh con người trước thế lực đồng tiền, Phạm Duy Tốn còn mang đến một thông điệp sâu sắc hơn, đó chính là hãy quan tâm đến tâm hồn trẻ thơ và nuôi dưỡng chúng trong tình yêu thương cùng sự dịu dàng.
Nét đặc sắc trong truyện ngắn Phạm Duy Tốn
Phạm Duy Tốn được xem là người tiên phong, mở ra thời kỳ thịnh vượng cho thể loại truyện ngắn và trào lưu hiện thực. Ông có phong cách sáng tạo rất riêng khi in đậm dấu ấn cá nhân, cách tân mới mẻ.
Thay vì bắt đầu câu chuyện bằng lời giới thiệu như các tác phẩm văn xuôi cổ điển, văn sĩ miêu tả trực tiếp những gì đang xảy ra, bắt lấy cụ thể một lát cắt đời sống.
Ngôn ngữ trần thuật Phạm Duy Tốn rất đa dạng và linh hoạt, vừa mang tính ước lệ của văn học cổ điển lại gần gũi với đời sống thực tế. Khi thì ông để nhân vật tự bộc lộ lòng mình, lúc thì nhà văn thể hiện quan điểm và lập trường cá nhân.
Tuy thuộc tầng lớp tri thức nhưng tác giả lại rất am hiểu lời ăn tiếng nói của tầng lớp nhân dân lao động. Vì thế, ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm Phạm Duy Tốn có sự tách bạch rõ ràng giữa tầng lớp quan lại và người nông dân đáng thương.
“Ngôn ngữ đã có sự phối hợp giữa ngôn ngữ tả cảnh, ngôn ngữ tả việc, ngôn ngữ của các nhân vật, loại người nào ra loại người ấy, còn có cả ngôn ngữ tự bạch trữ tình của bản thân người viết trong khi trước đó hầu như chỉ có một thứ ngôn ngữ kể chuyện của tác giả ngay cả lời nhân vật nói cũng mang tính chất giả định ước lệ.” – Tác giả Hoài Anh nhận xét về phong cách ngôn ngữ Phạm Duy Tốn
Giọng văn tác giả lúc thì đau đớn căm phẫn, khi thì chua chát xót xa trước những biến chuyển thời đại. Trong truyện ngắn Phạm Duy Tốn, phần lớn không có một giọng điệu cụ thể mà đan cài, xen lẫn và bổ trợ nhau.
Ở nhà văn, chất suy tư thế sự chìm trong chất trào phúng, châm biếm sâu cay. Có lẽ vì điều đó nên khi bước vào trang văn, độc giả luôn cảm nhận được chất bi bài kịch.
Văn sĩ còn là bậc thầy vận dụng các thủ pháp nghệ thuật, đặc biệt là đối lập và tăng tiến. Chúng xuất hiện một cách rất tự nhiên, hợp lý nhằm phản ánh sự đối nghịch giữa cuộc sống khốn khó của nhân dân và sự xa hoa từ bọn quan lại.
Phép tương phản trong văn Phạm Duy Tốn xuất hiện trong cả không gian và về thái độ, hành động đối tượng miêu tả. Sự đối lập ấy được sắp xếp vô cùng hợp lý, càng ngày càng gay gắt, thậm chí dẫn đến xung đột.
Song hành với phép tương phản, thủ pháp tăng cấp cũng được văn sĩ khéo léo vận dụng, chi tiết sau phải cao hơn so với chi tiết trước, qua đó làm rõ bản chất sự việc và hiện tượng.
Phạm Duy Tốn là viên ngọc sáng quý báu trong nền Văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX, mở đường cho trào lưu văn xuôi hiện thực. Dù hàng trăm năm trôi qua nhưng truyện ngắn của nhà văn vẫn vẹn nguyên giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.
Hạ Nhiên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất