Năm 2018 chứng kiến Bohemian Rhapsody, ca khúc của ban nhạc Queen quay trở lại các bảng xếp hạng và nền tảng nghe nhạc trực tuyến. Tính đến năm 2021, nó đã đạt một tỉ lượt nghe trên Spotify, điều hiếm thấy với một ca khúc dài bảy phút trong bối cảnh âm nhạc thời lượng ngắn chiếm đa số.
Dẫu đã ra mắt hơn bốn mươi năm, cú “ngược dòng” Bohemian Rhapsody một lần nữa chứng minh sức ảnh hưởng của ban nhạc. Trải qua năm thập kỉ hoạt động, Queen đã gây dựng một sự nghiệp đồ sộ với những tác phẩm có sức sống lâu bền đến tận ngày nay.
Sự hình thành và những năm đầu tiên hoạt động của Queen
Là biểu tượng âm nhạc của làng nhạc thế giới, đội hình bốn người của Queen đã trở thành huyền thoại được khán giả “nhớ mặt đặt tên”. Tuy nhiên, ban nhạc đã trải qua những năm đầu khó khăn khi liên tục thay đổi thành viên.
Ngoài ra, do các thành viên thời điểm ấy đều là sinh viên và chưa có việc làm ổn định, Queen gặp nhiều bất lợi về mặt tài chính trong việc phát hành sản phẩm. Những năm đầu hoạt động là quãng thời gian ban nhạc miệt mài biểu diễn để có cơ hội ký hợp đồng thu âm.
Quá trình thành lập và ổn định đội hình
Cuối thập niên 60, nam sinh viên ngành Vật lý Brian May đã cùng ca sĩ Tim Staffell, keyboard Chris Smith và tay trống Roger Taylor thành lập ban nhạc Smile. Họ đã thu âm vài ca khúc, tuy nhiên ít lâu sau Chris rời nhóm vì nhận ra định hướng của Smile khác với đam mê của mình.
Trong khoảng thời gian đầu hoạt động, Tim đã kết bạn với Freddie Bulsara, chàng sinh viên ngành thiết kế đồ họa. Không chỉ là người hâm mộ nhiệt thành của Smile, Freddie còn nhiều lần bày tỏ mong muốn gia nhập nhưng đều bị từ chối.
“Lần đầu tôi gặp Freddie là sau cánh gà trong một buổi diễn của Smile. Đó là một cậu chàng vừa có vẻ ngại ngùng vừa sôi nổi. Freddie nói rằng rất thích chúng tôi, rằng cậu ấy có vài giai điệu đang viết và còn có thể hát! Chúng tôi thực ra không đánh giá quá cao Freddie ở thời điểm đó, nhưng cậu ấy trông rất cương quyết và tin tưởng vào bản thân mình.” – Brian May hồi tưởng về lần đầu gặp Freddie Mercury, khi đó mang họ Bulsara
Cơ hội chỉ đến khi Tim rời nhóm để theo đuổi dòng nhạc Soul thay vì âm thanh Hard Rock của Smile. Ngay lập tức, Brian và các thành viên đã nghĩ đến Freddie, chàng trai trẻ qua đó trở thành giọng ca chính của ban nhạc.
Về phần Tim Staffell, ông đã đồng sáng lập ban nhạc Humpty Bong cùng Colin Peterson, cựu thành viên của The Bee Gees. Sau này, ông thổ lộ việc thay đổi vị trí hát chính của Smile là hoàn toàn đúng đắn.
“Tôi không có cái “chất” của Freddie. Tôi không thể trình diễn hay viết nhạc được như cậu ấy. Tôi có hối hận vì từ bỏ âm nhạc, nhưng không hối hận vì đã rời Smile.” – Tim Staffell
Đội hình ba thành viên đã hoạt động một thời gian trước khi có sự gia nhập của Mike Grose ở vị trí guitar bass. Cả nhóm cũng đổi tên thành Queen theo đề xuất của Freddie dù có phần lưỡng lự.
“Đó là một cái tên vương giả, một cái tên lộng lẫy. Nó mạnh mẽ, nó dễ hiểu và gây ấn tượng mạnh. Tôi biết có người sẽ đánh đồng nó với sự đồng tính, nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề thôi.” – Freddie Mercury
Bản thân giọng ca chính cũng đổi họ sang Mercury vì ấn tượng với phần lời của My Fairy King, một trong những ca khúc đầu tiên Queen tự sáng tác.
Thời gian đầu, Queen tập trung vào biểu diễn và phát hành bản thu lại của một số ca khúc như Please Don’t Tease, bản hit của nam danh ca Cliff Richard kết hợp cùng ban nhạc The Shadows.
Cliff Richard & The Shadow – Please Don’t Tease
Tuy nhiên, nhóm vẫn gặp nhiều trục trặc ở vị trí guitar bass khi liên tục đổi người, từ Mike Grose, Carry Mitchell đến Ewood Bogie. Vị trí này chỉ ổn định khi John Deacon, tay bass trẻ tuổi mà ban nhạc tình cờ gặp gỡ quyết định gia nhập.
Cùng thời điểm đó, biểu tượng mà Freddie thiết kế cho Queen chính thức được công bố. Lấy cảm hứng từ cung hoàng đạo của các thành viên, nó bao gồm nhiều linh vật như phượng hoàng, tiên, sư tử và chữ Q cách điệu.
Từ bản hợp đồng đầu tiên đến Queen II
Năm 1971, Brian May liên hệ với Terry Yeadon, kỹ sư âm thanh từng làm việc với ban nhạc để tìm kiếm các buổi diễn. Khi đó, Terry vừa mở phòng thu mới và đề nghị Queen giúp kiểm tra thiết bị, đổi lại ban nhạc sẽ được thu âm một vài bài hát.
Trong thời gian thu âm, họ được một người bạn cũ giới thiệu với nhà sản xuất Roy Thomas Baker của hãng đĩa Neptune Productions. Khi ấy, Roy cùng một đồng nghiệp trong hãng đĩa đã đến xem Queen chơi nhạc và tỏ ra hứng thú với nhóm.
“Ngay lần đầu tiên nghe Keep Yourseld Alive, tôi biết nó sẽ làm nên chuyện.” – Roy Thomas Baker
Qua Roy, Queen có thêm nhiều cuộc gặp với người trong giới và cuối cùng, ban nhạc kí hợp đồng thu âm với Trident Audio Productions, studio nổi tiếng từng được Elton John, The Beatles và David Bowie sử dụng.
Tưởng chừng mọi thứ sẽ khởi sắc nhưng trên thực tế, buổi diễn đầu tiên trong năm 1972 của Queen chỉ có sáu người tham dự, nhóm vì vậy quyết định tạm dừng để chuẩn bị ra mắt album mới.
Tháng Bảy năm 1973, Queen phát hành Keep Yourself Alive, ca khúc đầu tay với thông điệp và giai điệu mạnh mẽ. Keep Your Self Alive đã nhận vô số lời tán dương từ giới phê bình, tuy nhiên đa phần ý kiến cho rằng ca khúc khó trở thành “hit”.
“Queen đã có màn ra mắt vô cùng ấn tượng với phần guitar mãnh liệt và giọng hát đầy năng lượng trong Keep Yourself Alive. Dù thế, nhiều khả năng nó sẽ không thành hit.” – Tạp chí Melody Maker
Dẫu vậy, không thể phủ nhận Keep Yourself Alive là một trong những ca khúc hay nhất của ban nhạc. Về sau, nó được tạp chí Rolling Stone xếp hạng 31 trong danh sách 100 ca khúc sử dụng guitar vĩ đại nhất, đứng chung với nhiều bài hát như That’s All Right (Elvis Presley) hay Purple Rain (Prince).
Queen – Keep Yourself Alive
Một tuần sau, album đầu tay Queen ra mắt sau nhiều tháng ròng rã tìm kiếm cơ hội thu âm của ban nhạc. Tương tự Keep Yourself Alive, sản phẩm này không thành công và chỉ đứng thứ 83 trên BXH Billboard 200.
Tuy vậy, Queen vẫn được giới chuyên môn chú ý tới và nhận nhiều lời tán dương. Chất nhạc sôi nổi, phần guitar của Brian May và giọng hát của Freddie Mercury khi kết hợp đã trở thành điểm sáng.
Ca khúc My Fairy King từ album Queen là nguồn cảm hứng cho nghệ danh của Freddie Mercury
Giới phê bình cho rằng album chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi xu hướng âm nhạc lúc bấy giờ, nó được so sánh với tác phẩm của các nghệ sĩ đương thời như Black Sabbath, Led Zeppelin. Ban nhạc nhận ra điều này và lo lắng Queen chỉ là “kẻ đến sau, đặt chân lên vùng đất đã có nhiều người khai phá”.
“Chúng tôi đã sớm chơi thứ nhạc Glam Rock, trước cả David Bowie và The Sweet. Nhưng giờ đây thì các thành viên đang lo sợ vì đến quá muộn.” – Brian May bộc bạch với tờ Melody Maker
Thời điểm đó, thị trường âm nhạc vô cùng sôi động với hàng loạt sản phẩm chất lượng. David Bowie “làm mưa làm gió” với Ziggy Stardust, Led Zeppelin sở hữu “radio hit” Stairway to Heaven, các nghệ sĩ khác như Elton John cũng sôi nổi không kém.
Điều này đặt gánh nặng lên Queen, các thành viên phải tạo dựng chất riêng trong âm nhạc nếu không muốn “chìm nghỉm” trong hàng loạt sản phẩm mới. Trong nỗ lực sản xuất album tiếp theo, ban nhạc đã làm việc trong phòng thu từ sáng sớm đến tối mịt.
Để tạo hiệu ứng, Queen thực hiện bộ ảnh bán khỏa thân với phong cách unisex, hình tượng mà ban nhạc theo đuổi. Họ nhận phản ứng trái chiều từ các tạp chí âm nhạc nhưng đồng thời khiến Queen được công chúng chú ý.
Không chỉ vậy, ban nhạc còn tổ chức chuyến lưu diễn vòng quanh nước Anh và hát trước ca khúc mới để thử phản ứng khán giả. Cả nhóm cũng giành được cơ hội biểu diễn trên Tops of the Pops, chương trình nổi tiếng thuộc đài BBC.
Năm 1974, Queen II được phát hành và nhờ nỗ lực quảng bá trước đó, Queen đã có bước tiến lớn về mặt thương mại. Album này đạt hạng năm tại BXH UK Albums còn đĩa đơn Seven Seas of Rhye thì đứng thứ mười trên BXH UK Singles.
Queen – Seven Seas of Rhye
Queen II gồm các ca khúc mà về sau đã tạo nên thương hiệu cho ban nhạc, đặc biệt với phần thu âm chồng nhiều lớp nhạc cụ. Những đoạn solo guitar phức tạp, phần lời mang yếu tố giả tưởng và dàn nhạc cụ hoành tráng giúp nhóm nhận nhiều lời khen từ các tên tuổi lớn.
“Khi nghe Queen II, tôi như được mở mang đầu óc. Tôi thực sự ngưỡng mộ ban nhạc. Tôi luôn ao ước mình có thể làm điều tương tự.” – Axl Rose
Ngoài Seven Seas of Rhye, The March of the Black Queen cũng là một ca khúc đáng chú ý. Với độ dài sáu phút, phần điệp khúc bị khuyết một cách có chủ ý và rất nhiều giọng hát nền được thêm vào, The March of the Black Queen đã trở thành một trong những bài hát nổi tiếng nhất của ban nhạc.
Thành công trên trường quốc tế nhờ thay đổi định hướng âm nhạc
Khoảng thời gian từ năm 1974 đến năm 1976 được coi là thời hoàng kim khi những sản phẩm Queen phát hành đạt nhiều thành tích vang dội. Sức ảnh hưởng của ban nhạc tại Anh, Mỹ và trên toàn thế giới tăng lên rõ rệt.
Đây cũng là thời điểm Queen chuyển mình sang thứ âm nhạc hướng đến khán giả đại chúng nhưng vẫn tạo được phong cách riêng biệt. Họ ghi dấu ấn như là một ban nhạc với sức sáng tạo mạnh mẽ và nguồn năng lượng bất tận.
Quyết định “Pop hóa” với Sheer Heart Attack của Queen
Cuối năm 1974, Queen phát hành album Sheer Heart Attack sau vỏn vẹn ba tháng thu âm. Trước đó, Brian May phải nhập viện vì chứng viêm gan và phần lớn album được sáng tác khi ông nằm trên giường bệnh.
Như một sự đền đáp, Sheer Heart Attack tạo nên bước nhảy vọt về mặt thương mại khi đứng thứ mười hai trên BXH Billboard 200 và đạt doanh số năm trăm nghìn bản. Tại quê nhà Anh quốc, album được trao chứng nhận Bạch kim khi bán ra ba trăm nghìn bản.
Queen – Sheer Heart Attack
Thuộc thể loại Hard Rock và Glam Rock, Sheer Heart Attack có phần dễ nghe so với album trước nhưng vẫn giữ chất sôi động và cuồng nhiệt. Các lớp giọng chồng lên nhau, những trường guitar máu lửa, không khí hơi hướm nhạc kịch đã phát huy thế mạnh trong việc tạo nên thương hiệu của Queen.
Giới phê bình nhận xét album là sự chuyển mình quan trọng khi cân bằng giữa chất liệu cũ và mới. Brian May cho biết đây là chủ ý để dẫn dắt người nghe, giúp họ dễ dàng tiếp nhận phong cách này.
“Queen II được tạo nên bởi nhiều lớp âm thanh, nó khiến khán giả khó nắm bắt. Thế nên với album này, chúng tôi nghĩ rằng mình nên “dịu dàng” hơn.” – Brian May
Không chỉ âm nhạc, phần hình ảnh của Queen cũng thay đổi khi trang phục lấp lánh ngày trước được thay bằng những chiếc áo sơ-mi đơn giản. Chỉ có một chi tiết vẫn giữ nguyên, đó là bộ móng tay sơn màu đen của Freddie Mercury.
“Khán giả sẽ thích nó thôi. Chúng tôi vẫn trông thật “ẻo lả”, vẫn thật bóng bẩy như trước đây. Chỉ là Queen đang chứng minh rằng mình không phải một lũ hề, chúng tôi còn làm được nhiều hơn thế.” – Freddie Mercury
Với Sheer Heart Attack, Queen đã có bản hit quốc tế đầu tiên khi đĩa đơn Killer Queen lần lượt xếp hạng hai và mười hai tại Anh, Mỹ. Ca khúc cũng có tầm ảnh hưởng nhất định tới lớp nghệ sĩ sau này, từ Katy Perry đến ban nhạc 5 Seconds of Summer.
Queen – Killer
Cùng thời điểm đó, Queen tổ chức chuyến lưu diễn Sheer Heart Attack qua Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Thành công của album cùng tên giúp lượng khán giả tham dự tăng vọt, tuy nhiên ban nhạc phải kết thúc sớm do trục trặc trong quá trình vận chuyển thiết bị.
Dù đạt thành công lớn và nâng cao danh tiếng, các thành viên của Queen vẫn sống trong cảnh nghèo khó. Hãng đĩa chủ quản chỉ trả cho họ sáu mươi bảng Anh một tuần với lý do phải thu hồi vốn sau quá trình đầu tư cho ban nhạc.
Cuối cùng, Queen quyết định “đường ai nấy đi” với Trident Audio Productions và bắt đầu tìm kiếm quản lý mới. Nhóm liên lạc với nhiều người trong ngành và sau một khoảng thời gian, họ đạt thỏa thuận với John Reid, quản lý của Elton John.
A Night at the Opera và “thánh ca” Bohemian Rhapsody
Sau khi ký hợp đồng với John, các thành viên của Queen đã tập trung cật lực cho sản phẩm mới. Năm 1975, nhóm phát hành đĩa đơn Bohemian Rhapsody và từ đây, một trang sử mới được viết ra trong sự nghiệp của họ.
Queen – Bohemian Rhapsody
Bohemian Rhapsody đạt quán quân trên BXH UK Singles ngay sau khi phát hành và trở thành bài hát đầu tiên của ban nhạc sở hữu thành tích này. Tại Mỹ, Bohemian Rhapsody đạt hạng chín trên BXH Billboard Hot 100 trước khi quay lại bảng xếp hạng ở vị trí thứ hai, năm 1991.
Bài hát cũng tạo nên cột mốc mới về doanh số cho Queen ở hai thị trường Anh, Mỹ khi doanh số bán ra đạt mười triệu bản, qua đó đạt chứng nhận Kim cương bởi Hiệp hội Thu âm Hoa Kỳ.
Thành công lớn về mặt thương mại nhưng khía cạnh âm nhạc của Bohemian Rhapsody mới là thứ khiến nó được xếp vào hàng ngũ huyền thoại. Sự táo bạo trong việc thử nghiệm cấu trúc bài hát cùng năng lượng trong cách thể hiện của ban nhạc lại một lần nữa bộc lộ.
Màn trình diễn trực tiếp ca khúc Bohemian Rhapsody
Với độ dài gần sáu phút, Bohemian Rhapsody được tạo nên từ sáu đoạn nhạc thuộc nhiều thể loại khác nhau, đây là điểm không thường thấy khi đa số bài hát thịnh hành chỉ dài từ ba đến bốn phút.
Ca khúc bắt đầu bằng phần acapella và Ballad, sau đó là trường guitar solo của Brian May để rồi gây bất ngờ với phân đoạn Opera cùng Hard Rock, trước khi kết lại với giọng hát đầy da diết từ Freddie Mercury.
Không chỉ thử nghiệm thể loại mới, Bohemian Rhapsody còn tạo điểm nhấn ở việc không có điệp khúc, mang đến cảm giác như đang nghe một câu chuyện hoàn chỉnh.
Câu chuyện trong ca khúc khá mơ hồ về mặt nội dung, cả ban nhạc không ai thực sự hiểu nó ngoại trừ Freddie Mercury. Việc sử dụng những từ ngữ khác ngoài tiếng Anh như từ “bismillah” của Ả Rập hay “fandago” của Tây Ban Nha cũng khiến Bohemian Rhapsody thêm phần khó hiểu.
Chia sẻ về điều này, Freddie cho biết ông muốn người nghe có những suy đoán của riêng mình. Giọng ca chính không muốn giải thích ý nghĩa bài hát và bản thân ông thậm chí còn không hiểu hết những gì mình viết ra.
“Tôi nghĩ rằng mọi người chỉ lắng nghe bài hát, nghĩ về nó và tự bản thân họ sẽ tìm ra thông điệp cho riêng mình. Tôi thực ra không muốn giải thích lý do hay ý nghĩa sau mỗi bài hát, tôi tin là chúng ta nên tự có cách giải nghĩa cho bản thân, theo hướng mà ta muốn.” – Freddie Mercury
Sự mới lạ trong cấu trúc bài hát và chủ đề khiến Bohemian Rhapsody nhận nhiều phản ứng trái chiều của giới phê bình khi mới ra mắt. Đa phần ý kiến cho rằng nó nhàm chán, thiếu cá tính và thậm chí là nhạo báng nhạc Opera.
Dẫu vậy, vẫn có một số ít tạp chí âm nhạc dành lời tán dương cho Bohemian Rhapsody. Tờ The Economist gọi đây là một trong những bản Progressive Rock sáng tạo nhất, tạp chí Rolling Stone thì xếp nó vào danh sách 500 ca khúc vĩ đại nhất.
“Nếu Queen được nhớ tới với chỉ duy nhất một bài hát, đó chắc chắn phải là Bohemian Rhapsody” – Is this the real life?
Một ngày sau khi Bohemian Rhapsody ra mắt, Queen phát hành album A Night at the Opera và đạt thành công lớn khi đứng đầu BXH UK Albums Chart, đạt hạng bốn trên BXH Billboard 200.
Ca khúc Death on Two Legs từ album A Night at the Opera
Về khía cạnh âm nhạc, album này không được lòng giới chuyên môn khi mới ra mắt. Tuy vậy, giới phê bình đã thay đổi ý kiến một thời gian sau đó và gọi đây là album vĩ đại nhất của ban nhạc.
A Night at the Opera còn có ý nghĩa lớn nếu đặt trong bối cảnh ra mắt của nó. Năm 1974, khủng hoảng kinh tế “càn quét” nước Anh và gây tổn thất đến nhiều ngành công nghiệp bao gồm âm nhạc.
Khi ấy, nhạc Punk lên ngôi như là cách bộc lộ cảm xúc và sự phản kháng của giới trẻ. Tuy nhiên, Queen quyết định đi ngược xu hướng với một A Night at the Opera đậm chất Progressive Rock, điều mà không mấy ai thực hiện.
You’re My Best Friend là một trong những ca khúc nổi bật của album
Album giống như một bản hùng ca với nhiều chương hồi, dàn nhạc cụ hoành tráng cùng những thử nghiệm mới mẻ của ban nhạc. Nội dung có phần quái dị, hiệu ứng âm thanh độc đáo, năng lượng cuồng nhiệt của Queen đã tạo nên nét riêng cho A Night at the Opera.
Đối với các thành viên, đây giống như một bước “được ăn cả, ngã về không” khi không đi theo xu thế của thời đại. Dẫu vậy, những thành tích lớn đạt được chứng tỏ họ đã đúng, đưa Queen đi vào lịch sử nền âm nhạc thế giới.
A Day at the Races – Jazz hay Queen đã thay đổi cái nhìn của giới phê bình như thế nào
Một năm sau “bom tấn” A Night at the Opera, Queen phát hành album A Day at the Races. Được sản xuất bởi toàn bộ thành viên, A Day at the Races đã đánh dấu quyền tự chủ của Queen trong âm nhạc.
Tuy nhiên, album mới cũng giống A Night at the Opera khi không được lòng giới phê bình. Tạp chí NME còn gọi A Day at the Races là “thứ âm nhạc lố bịch” và chỉ trích phần trình diễn của Freddie Mercury.
Queen – Somebody to Love
Mối quan hệ giữa Queen và giới phê bình trở nên căng thẳng, đa phần tạp chí âm nhạc đều dành lời lẽ tiêu cực cho các sản phẩm mà nhóm phát hành. Mệt mỏi vì những lời chỉ trích, Freddie đã “hùa theo” và tự mỉa mai âm nhạc của Queen là “thứ đồ dùng một lần”.
Dẫu không được khen ngợi về khía cạnh chuyên môn, A Day at the Races vẫn đạt thành tích khả quan với hạng năm trên BXH Billboard 200. Tại quê nhà Anh quốc, nó đứng đầu BXH UK Albums và đạt chứng nhận vàng.
Nhằm quảng bá cho A Day at the Races, Queen tổ chức chuyến lưu diễn khắp châu Âu và Bắc Mỹ. Các buổi hòa nhạc tại những địa điểm lớn như công viên Hyde ở Anh, quảng trường Madison ở Mỹ đều được lấp đầy, qua đó chứng minh sức hút của nhóm.
Năm 1977, Queen phát hành News of the World, album này đạt hạng ba trên BXH Billboard 200, hạng bốn tại BXH UK Albums. Tại Mỹ, nó đạt chứng nhận Bạch kim bốn lần và trở thành album bán chạy nhất của ban nhạc thời điểm đó.
Về khía cạnh âm nhạc, News of the World chứng kiến sự thay đổi trong phong cách của Queen. Thay vì những ca khúc Rock hoành tráng, diễm lệ thì ban nhạc lại tiến tới thứ âm nhạc “đơn giản, vừa đủ” nhưng vẫn đậm chất Rock.
Đặc biệt, hai ca khúc We Will Rock You và We Are the Champions đã trở thành đại diện tiêu biểu của Rock. Với phong cách hào hùng và mạnh mẽ, chúng nằm trong số những bài hát được khán giả yêu thích nhất.
Queen – We Will Rock You
Hai ca khúc này còn rất nổi tiếng trong giới thể thao, We Are the Champions là bài hát chính thức của Cúp Bóng đá thế giới FIFA năm 1994 còn We Will Rock You thì xuất hiện trong chương trình đấu vật WWE Raw của Hoa Kỳ.
“We Are the Champions là bài hát có cái tôi mạnh mẽ nhất mà tôi từng viết. Tôi cố gắng mô phỏng nó theo cái cách mà các bài hát vang lên trong sân vận động bóng đá, và nó không hề dễ dang.” – Freddie Mercury
Dẫu vậy, News of the World vẫn không tránh khỏi số phận “bị ghẻ lạnh” bởi giới phê bình. Đa số tạp chí âm nhạc chỉ cho điểm ở mức trung bình và nhận xét đây là một sản phẩm kém hấp dẫn.
Queen – We Are the Champions
Cái nhìn của giới chuyên môn với Queen chỉ thay đổi khi Jazz, album thứ tám của ban nhạc ra mắt vào năm 1978. So với News of the World có phần tối giản, Jazz là một sản phẩm hòa trộn nhiều thể loại nhạc, từ Rock, Metal đến Pop.
Một trong những điểm đặc sắc của Jazz là phần lời với chủ đề mới mẻ, Bicycle Race lấy cảm hứng từ giải xe đạp Tour de France, Fat Bottomed Girls hát về xu hướng tính dục của Freddie Mercury, Mustapha được coi như phần kế tiếp của Bohemian Rhapsody.
Queen – Mustapha
Không chỉ gây ngạc nhiên ở phần lời, Jazz còn chứa đựng sự táo bạo trong các hình ảnh quảng bá. Queen tạo cú sốc cho công chúng khi ra mắt MV Fat Bottomed Girls và Bicycle Race với hàng chục người mẫu khỏa thân trên những chiếc xe đạp.
Sự đổi mới này được các nhà phê bình đánh giá cao, nhiều tạp chí xếp Jazz vào danh sách các album xuất sắc nhất năm 1978. Giới chuyên môn cũng dành lời khen cho định hướng âm nhạc và gọi đó là “một trong những khoảnh khắc gây thỏa mãn nhất của Queen”.
Tuy nhiên, một số tạp chí lại bày tỏ ý kiến tiêu cực, tờ Rolling Stone chỉ trích phần lời của Fat Bottomed Girls trong khi tờ NME cho rằng “chỉ có người tông điếc mới đi nghe album này”.
“Queen có lẽ là ban nhạc đầu tiên theo chủ nghĩa phát-xít. Tôi không thể hiểu nổi vì sao người ta lại mê đắm đuối mấy gã lập dị này và những ý tưởng độc hại của họ.” – Dave Marsh viết cho tờ Rolling Stone
Bản thân Queen cũng không hài lòng khi Jazz không đạt kỳ vọng về mặt âm nhạc, John Deacon không mấy hứng thú với các ca khúc trong album, Roger Taylor thì bày tỏ sự thất vọng với nửa sau của Jazz.
“Những ca khúc mà tôi viết trong Jazz [Fun It và More of That Jazz] nghe thật sáo rỗng và đáng quên.” – Roger Taylor
Dẫu vậy, Jazz vẫn góp mặt trong danh sách album vĩ đại nhất theo nhiều tạp chí âm nhạc. Bản thân tờ Rolling Stone cũng thay đổi ý kiến và dành lời khen cho sự mới mẻ mà nhóm tạo nên.
Sau Jazz, Queen không phát hành sản phẩm mới mà chỉ tập trung cho các chuyến lưu diễn. Năm 1979, ban nhạc ra mắt album Live Killer với các ca khúc được trình diễn trực tiếp, kết lại thập kỷ đầu tiên trong sự nghiệp.
Thập niên 80 cùng màn trình diễn huyền thoại tại Live Aid
Nếu tám năm trước đó là khoảng thời gian Queen chật vật tìm kiếm bản sắc âm nhạc và sự công nhận từ khán giả thì đến thập niên 80, ban nhạc đã chạm đến quả ngọt đầu tiên.
Ngoài những thành tích vượt bậc về mặt thương mại trên trường quốc tế, thập niên 80 còn chứng kiến những khoảnh khắc mang tính biểu tượng của ban nhạc.
Cú chuyển mình sang Disco với The Game và Hot Space
Queen khởi động thập niên 80 với Another One Bites the Dust, đĩa đơn “mở đường” cho album The Game. Sử dụng các chất liệu từ Funk và Disco, ca khúc mang màu sắc mới so với các sản phẩm trước như We Will Rock hay Keep Yourself Alive.
“Nước đi” này hoàn toàn đúng đắn khi giúp Queen lần đầu đứng hạng nhất trên BXH Billboard Hot 100. Về sau, Another One Bites the Dust trở thành đĩa đơn bán chạy nhất của ban nhạc với doanh số bảy triệu bản, tính đến năm 2012.
“John Deacon, tay bass của chúng tôi là người đã viết nên Another One Bites the Dust, và giờ thì nó là đĩa nhạc bán chạy nhất năm. John đã kéo chúng tôi đi theo hướng Disco, nó thực sự phù hợp với Queen.” – Brian May
Another One Bites the Dust còn giúp ban nhạc có chiến thắng đầu tiên tại American Music Awards ở hạng mục Ca khúc Pop/Rock được yêu thích nhất, Queen cũng nhận một đề cử Grammy nhưng không giành chiến thắng.
Queen – Another One Bites the Dust
Vài tháng sau, Queen phát hành album The Game và đạt hạng nhất trên BXH Billboard 200, The Game trụ hạng trong năm tuần và trở thành album quán quân duy nhất của ban nhạc.
Các đĩa đơn từ The Game cũng đạt thành tích tốt về mặt thương mại, Crazy Little Thing Called Love đứng đầu BXH Billboard Hot 100 trong bốn tuần, Save Me và Play The Game nằm trong nhóm hai mươi ca khúc dẫn đầu tại Anh.
Queen – Crazy Little Thing Called Love
Năm 1981, ban nhạc phát hành ca khúc Under Pressure hợp tác cùng David Bowie. Ca khúc đứng đầu BXH UK Singles và được trình diễn lại bởi nhiều nghệ sĩ như My Chemical Romance, Shawn Mendes.
Vài tháng sau, Queen phát hành album tổng hợp Greatest Hits với những bản hit nổi bật trong sự nghiệp. Album này trở thành “cơn sốt” khi bán ra gần hai triệu bản ở Anh và tận sáu triệu bản ở Hoa Kỳ.
Thành công của các sản phẩm trước gây áp lực cho Queen khi phải sáng tác bài hát mới liên tục. Ban nhạc quyết định chuyển đến Munich và trong bốn tháng ở đó, họ đã làm việc vô cùng năng suất.
Khi ấy, Queen chia làm hai nhóm để sáng tác và cạnh tranh với nhau một cách lành mạnh. Quá trình làm việc thường bắt đầu khi một thành viên nảy ra ý tưởng mới, những người còn lại lắng nghe và cùng hoàn thiện bài hát.
Kết quả của quãng thời gian này là hơn bốn mươi bài hát, chúng được chọn lọc kỹ lưỡng để rồi, mười ca khúc được phát hành trong album tiếp theo Hot Space.
Lần này, Queen quyết định thử sức với các dòng nhạc mới gồm Rock, Disco, Funk, R&B. Hot Space trở thành sản phẩm nhiều màu sắc nhất từ trước đến giờ của Queen và được nhiều thế hệ nghệ sĩ yêu thích, trong đó có Michael Jackson.
Ca khúc Cool Cat từ album Hot Space
Việc thử nghiệm không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tốt, Hot Space bị cho là sản phẩm gây thất vọng, đặc biệt khi ban nhạc sử dụng thiết bị mô phỏng thay vì nhạc cụ thật sự, đi ngược lại phong cách trước đây.
Hình tượng mới của Queen trong Hot Space cũng bị người hâm mộ phản đối. Nếu các thành viên đã tạo dấu ấn với phong cách sặc sỡ, đi ngược lại định kiến giới thì hình ảnh “nam tính chuẩn mực” của Hot Space khiến khán giả cho rằng Queen đã mất bản sắc.
Phản ứng không tốt từ khán giả cộng với quãng thời gian hoạt động không ngừng nghỉ khiến các thành viên kiệt sức, họ quyết định ngưng biểu diễn để nghỉ ngơi và lấy lại cảm hứng.
Trong khoảng thời gian này, các thành viên tập trung phát hành sản phẩm solo, chẳng hạn như Star Fleet Project của Brian May hay Strange Frontier của Roger Taylor.
The Works và khoảnh khắc “để đời” trong Live Aid của Queen
Năm 1984, Queen trở lại làng nhạc với The Works, album thứ mười một. Rút kinh nghiệm từ Hot Space, ban nhạc kết hợp chất nhạc Rock từ những ngày đầu với định hướng Disco để tạo ra thứ âm thanh mới mẻ, đậm chất Queen.
The Works bắt đầu với Radio Ga Ga, ca khúc thuộc thể loại Pop Rock với âm thanh sôi động, phù hợp biểu diễn tại các sân vận động. Cái tên Radio Ga Ga bắt nguồn từ câu nói “Radio Ca Ca” của con trai Roger Taylor và trở nên nổi tiếng, nữ ca sĩ Lady Gaga thậm chí lấy nghệ danh dựa trên tên ca khúc.
Queen – Radio Ga Ga
Radio Ga Ga trở thành ca khúc đầu tiên đứng đầu BXH Billboard Hot 100 của Queen kể từ Crazy Little Thing Called Love. Tại Anh, nó đạt hạng á quân và bán ra sáu trăm nghìn bản.
Ngoài Radio Ga Ga, một số ca khúc nổi bật khác trong The Works là Hammer to Fall, Is This the World We Created, I Want to Break Free. Đặc biệt, MV của ca khúc I Want to Break Free với phân cảnh các thành viên mặc đồ theo phong cách “drag queen” đã gây ấn tượng với công chúng.
“Tôi mê mẩn chiếc MV này. Hoàn toàn khác biệt, nó có những điệu nhảy độc đáo, trang phục thì diễm lệ, nội dung thú vị và là một trong những ca khúc tuyệt vời nhất của Queen. Không chỉ vậy mà thông điệp cũng rất ý nghĩa và cấp tiến.” – IMDb
Năm 1985, Queen tham gia Live Aid, chuỗi hòa nhạc từ thiện quy tụ nhiều gương mặt huyền thoại như Elton John, Paul McCartney, David Bowie, Madonna, Mick Jagger. Thu hút gần hai tỷ người xem truyền hình, các màn trình diễn đều trở thành biểu tượng cho nền âm nhạc thế giới.
Về phần Queen, ban nhạc đã trình diễn những bản hit lớn nhất sự nghiệp như Bohemian Rhapsody, We Will Rock You, We Are The Champions, Radio Ga Ga. Tất cả khán giả tại sân vận động Wembley như hòa mình cùng năng lượng của Queen, đặc biệt là Freddie Mercury.
Ban nhạc trình diễn trong Live Aid năm 1985
Trong chiếc áo ba lỗ màu trắng cùng quần jeans xanh đơn giản, giọng ca chính của ban nhạc đã “hớp hồn” cả khán đài, Freddie hát, nhảy và hò hét với sự nhiệt huyết đến điên cuồng.
Nam ca sĩ thậm chí còn điều khiển khán giả hòa giọng theo những đoạn luyến láy “ay-oh” ngẫu hứng. Nó trở thành khoảnh khắc đắt giá nhất buổi hòa nhạc, điều mà về sau nhiều nghệ sĩ trẻ như BTS đã diễn lại để tri ân Queen.
Phần hát Ay-Oh ngẫu hứng của Freddie Mercury
Đối với ban nhạc, đây không chỉ là màn trình diễn đơn thuần mà còn có ý nghĩa lớn về mặt tinh thần. Thời điểm đó, họ phải đối mặt với sự chỉ trích của giới phê bình, tuy nhiên cái nhìn tiêu cực đã hoàn toàn thay đổi sau Live Aid.
Giới chuyên môn bình chọn phần biểu diễn của Queen là phần nổi bật nhất Live Aid, Freddie thì đi vào lịch sử như một trong những front-man vĩ đại nhất làng nhạc.
Hậu Live Aid hay những năm cuối cùng với đủ thành viên của Queen
Tính đến năm 1985, Queen đã trải qua hơn mười năm ca hát không ngừng nghỉ. “Liên hoàn” hit từ Bohemian Rhapsody, We Are the Champion, We Will Rock You đến màn trình diễn tại Live Aid vẫn được công chúng nhắc tới dù vài chục năm trôi qua.
We Are The Champions tại Live Aid
Ban nhạc gây ấn tượng với nguồn năng lượng mạnh mẽ, ngông cuồng và đầy chất “lửa”. Tuy nhiên, ngọn lửa đó cũng có lúc yếu đi, đó là khi giọng ca chính Freddie Mercury phát hiện bản thân mắc bệnh hiểm nghèo.
A Kind of Magic – The Miracle và nỗ lực che giấu bệnh tật của Freddie Mercury
Sau khi Live Aid kết thúc, ban nhạc đã dành sáu tuần để nghỉ ngơi trước khi hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các thành viên vẫn sáng tác và kết quả là One Vision, ca khúc ra mắt cuối năm 1985.
Lấy cảm hứng từ vị mục sư nổi tiếng Martin Luther King Jr., One Vision xoay quanh chủ đề hòa bình, tình yêu, sự gắn kết. MV ca khúc sử dụng ảnh bìa từ album Queen II và bài hát Bohemian Rhapsody, tạo ra bầu không khí đầy kiêu hãnh.
Queen – One Vision
Năm 1986, Queen phát hành album A Kind of Magic và chỉ đạt hạng 46 tại BXH Billboard 200. Tuy nhiên, A Kind of Magic vẫn đứng đầu BXH UK Albums và bán ra sáu trăm nghìn bản tại Anh.
Nhằm quảng bá album, ban nhạc tổ chức chuyến lưu diễn Magic Tour đi qua nhiều thành phố lớn tại châu Âu và Bắc Mỹ. Các đêm diễn hết vé sau ít phút còn Queen tiếp tục “đốt cháy” sân khấu như đã làm suốt nhiều năm qua.
Không may thay, Magic Tour lại trở thành lần trình diễn cuối cùng của ban nhạc. Năm 1987, Freddie Mercury được chẩn đoán mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS và phải hạn chế hát vì sức khỏe yếu.
“Tôi nghĩ là mình không thể đi tour được mãi đâu, đây có thể là lần cuối cùng.” – Freddie tâm sự trong quá trình thực hiện đêm diễn cuối của Magic Tour
Tuy vậy, thông tin Freddie bị bệnh được giữ kín, nam ca sĩ liên tục phủ nhận với truyền thông lẫn các thành viên. Ông chỉ tiết lộ bản thân đang mệt mỏi sau gần hai thập kỷ cống hiến cho âm nhạc.
Thế nhưng, việc nghỉ ngơi với Freddie Mercury là điều hiếm thấy, nam danh ca tiếp tục sáng tác với cường độ không kém những năm đầu sự nghiệp. Queen chỉ tạm dừng hoạt động nhóm trong hai năm trước khi quay lại làng nhạc.
Năm 1989, Queen phát hành đĩa đơn I Want It All, một bản Heavy Rock với đoạn điệp khúc mạnh mẽ. Về sau, I Want It All trở thành ca khúc phản đối nạn phân biệt chủng tộc Apartheid ở châu Phi.
Queen – I Want It All
Một tháng sau, album Miracle ra mắt và đạt hạng quán quân tại Anh, Áo, Đức và Hà Lan. Tại Mỹ, nó đạt hạng 24 trên BXH Billboard 200, tăng 22 hạng so với A Kind of Magic trước đó.
Hòa trộn hai dòng nhạc Pop và Heavy Rock, The Miracle tuy dễ nghe nhưng vẫn mang sự máu lửa thương hiệu của Queen. Giới chuyên môn đánh giá đây là album xuất sắc nhất mà nhóm đã phát hành trong thập niên 80.
“The Miracle là sàn diễn nơi chất giọng điên cuồng mang hơi hướm Opera của Freddie Mercury tỏa sáng.” – Rolling Stone
The Miracle còn đánh dấu sự thay đổi khi ban nhạc quyết định ghi tên cả bốn thành viên trong mục tác giả, điều này giúp Queen hoạt động nhóm hiệu quả và gia tăng sự gắn kết nội bộ.
Innuendo hay những giây phút cuối cùng cháy vì âm nhạc của Freddie Mercury
Năm 1991, căn bệnh của Freddie Mercury trở nặng, ông gặp khó khăn với cả việc hít thở. Biết bản thân không còn nhiều thời gian, Freddie quyết định tiết lộ tình trạng sức khỏe cho những người đồng đội.
“Freddie bảo rằng muốn gặp chúng tôi, và rồi anh ấy thông báo về căn bệnh. Thực ra cả ba người đã nhận ra có gì đó không ổn từ trước rồi. Chúng tôi biết mình phải bảo vệ Freddie. Fred muốn chúng tôi giữ bí mật với tất cả mọi người, anh ấy không muốn khán giả mua album chỉ vì thương hại” – Roger Taylor
Thời gian sau đó, Queen quay lại guồng sáng tác, họ cố gắng tận dụng những khoảnh khắc cuối cùng với Freddie Mercury. Mỗi khi Freddie lấy lại sức, cả ban nhạc sẽ nhanh chóng vào phòng thu để hoàn thành công việc.
“Freddie cứ bảo tôi: ‘Viết thêm nhạc đi. Viết nhiều vào. Tôi muốn hát và sau khi tôi đi thì anh sẽ tiếp tục phần của tôi nhé.’ Anh ấy thực sự là không còn gì để sợ hãi nữa rồi.” – Brian May
Năm 1990, Queen phát hành Innuendo, sản phẩm cuối cùng khi Freddie còn hoạt động. Album mở đầu bằng Innuendo, một bản nhạc dài gần bảy phút với giai điệu hoành tráng, gợi nhớ tới Bohemian Rhapsody.
Queen – Innuendo
MV của Innuendo gây ấn tượng với những hình vẽ theo phong cách Picasso hay Leonardo Da Vinci. Tới nay, nó đạt gần sáu mươi triệu lượt xem trên Youtube và gần bảy mươi triệu lượt nghe trên Spotify.
Dẫu bị cho là không phù hợp với đại chúng, Innuendo vẫn đạt hạng quán quân trên BXH UK Singles. Ca khúc cũng đạt thành tích tốt tại nhiều quốc gia châu Âu như Ý, Ireland hay Đức.
Đĩa đơn thứ hai từ album là I’m Going Slightly Mad, chấp bút bởi Freddie Mercury khi nam ca sĩ trải qua quãng thời gian khó khăn vì bệnh tật. Dẫu vậy, Freddie vẫn mang đến hình ảnh đầy năng lượng trong MV, ông thậm chí viết kịch bản và tham gia đạo diễn.
Queen – I’m Going Slightly Mad
Trong số mười hai bài hát, The Show Must Go On trở thành ca khúc được yêu thích nhất. Trên nền guitar bởi Brian, Freddie đã cất lên giọng hát kiêu hãnh như cách ông đối diện với bệnh tật.
Sau khi phát hành, The Show Must Go On đạt hạng mười bốn tại Anh và bán ra bốn trăm nghìn bản. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã trình diễn lại ca khúc như Elton John hay Tony Iommi, giọng ca chính ban nhạc Black Sabbath.
The Show Must Go On lấy cảm hứng từ Freddie
The Show Must Go On lấy cảm hứng từ sự tận tụy với âm nhạc của Freddie Mercury, niềm đam mê đó như ngọn lửa cháy mãi không tắt. Tiếc rằng sức khỏe Freddie ngày càng đi xuống, ông nằm liệt giường và quyết định công khai tình trạng bản thân.
“Tôi nghĩ điều đúng đắn tôi đã làm là giữ kín về căn bệnh của mình để bảo vệ quyền riêng tư của mọi người xung quanh. Nhưng cuối cùng thì thời khắc này đã đến, khi mà bạn bè và người hâm mộ của tôi cần biết sự thật. Tôi thực sự hy vọng tất cả mọi người sẽ cùng tôi chiến đấu lại căn bệnh này.” – Freddie Mercury
Vài giờ sau khi thông báo, nam danh ca trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, chỉ cách vài dặm nơi thần tượng Jimmy Hendrix của ông qua đời hai mươi năm trước. Điều này khiến người hâm mộ bàng hoàng, các thành viên ban nhạc thì cảm thấy mất mát này thật sự quá lớn.
“Cái đêm đầu tiên sau khi anh ấy đi, tôi cảm thấy thật trống rỗng. Giống như là bản thân mình vỡ vụn thành từng mảnh. Tôi chỉ biết khóc mà không thể làm gì.” – Brian May
Để tưởng nhớ giọng ca chính, Brian, Roger, John nỗ lực thay đổi nhận thức của cộng đồng về căn bệnh AIDS. Nhóm đã phát hành phiên bản mới của Bohemian Rhapsody và quyên góp được một triệu đô cho các quỹ từ thiện.
Năm 1992, buổi hòa nhạc tri ân Freddie Mercury diễn ra tại sân vân động Wembley, nơi nam danh ca “đốt cháy” khán đài bảy năm trước. Nhiều nghệ sĩ lớn như Metallica, U2, David Bowie, George Michael đã tham gia trình diễn để tưởng nhớ giọng ca huyền thoại.
Made in Heaven và một “Queen-hậu-Freddie”
Năm 1995, Queen phát hành Made in Heaven, album cuối cùng có đầy đủ thành viên. Made in Heaven đạt hạng nhất BXH UK Albums và bán ra hai mươi triệu bản, trở thành một trong những sản phẩm bán chạy nhất của ban nhạc.
Bốn năm sau, album tổng hợp Greatest Hits III phát hành với sự tham gia của Elton John, George Micheal. Năm 2002, ban nhạc được trao tặng ngôi sao trên Đại lộ danh vọng Hollywood vì những đóng góp lớn cho nền âm nhạc.
Queen – Greatest Hits III
Từ đó đến nay, Queen tập trung vào các chuyến lưu diễn, buổi hòa nhạc gây quỹ. Họ hợp tác với hai ca sĩ Paul Rodgers, Adam Lambert cho các phần hát của Freddie, sự kết hợp cùng Adam giúp nhóm nhận phản hồi tích cực từ công chúng.
Năm 2014, Queen phát hành Queen Forever, album tổng hợp các bài hát trước đó cùng một số ca khúc mới. Giới chuyên môn không đánh giá cao nhưng người hâm mộ thì lại yêu thích Queen Forever, bởi hai mươi năm rồi họ mới lại nghe Freddie Mercury cất tiếng hát mãnh liệt.
Với người hâm mộ, nguồn năng lượng từ âm nhạc của Queen luôn sống mãi. Niềm đam mê, sự táo bạo, phong cách trình diễn cuồng nhiệt trở thành lời tuyên ngôn mạnh mẽ với nền âm nhạc thế giới.
Thủy Đồng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất