Cô bé người cá Ponyo (Ponyo on the Cliff by the Sea) là bộ phim cực kỳ đáng yêu từ Studio Ghibli. Bên cạnh những cung bậc cảm xúc khi thưởng thức trên màn ảnh rộng, tác phẩm còn gửi đến khán giả bức thông điệp đầy ý nghĩa.
Trailer chính thức của phim Cô bé người cá Ponyo
Một lần nữa, vị đạo diễn tài ba Miyazaki đã cho khán giả thấy trí tưởng tượng phong phú nơi thế giới phép thuật của Cô bé người cá Ponyo. Với thành công vang dội, tác phẩm xứng đáng có một chỗ đứng đặc biệt trong lòng người hâm mộ.
Đôi nét về bộ phim Cô bé người cá Ponyo
Ra mắt vào năm 2008, Cô bé người cá Ponyo là bộ phim do Miyazaki Hayao đạo diễn kiêm viết kịch bản, ông lấy cảm hứng từ tác phẩm Nàng tiên cá (The Little Mermaid) của nhà văn nổi tiếng người Đan Mạch, Andersen.
Với 170.000 bản vẽ tay khác nhau, Miyazaki Hayao đã mang đến cho người xem một trải nghiệm điện ảnh vô cùng sống động. Từ những bãi biển cùng các con sóng, mọi thứ đều được nhà làm phim chăm chút tỉ mỉ.
Cô bé người cá Ponyo là tác phẩm thứ tám của Miyazaki được sản xuất bởi Studio Ghibli, cũng là bộ phim dài đầu tiên mà ông phụ trách kể từ Lâu đài bay của pháp sư Howl.
Vẫn là những thước phim đơn giản và kịch bản không quá phức tạp, giống như cách mà vị đạo diễn tài năng đã làm với Vùng đất linh hồn hay Công chúa Mononoke, tuy nhiên Cô bé người cá Ponyo vẫn khiến người xem thích thú bởi thế giới ma thuật huyền ảo.
Bộ phim bắt đầu với cô bé cá vàng Brunhilde, trong một lần trốn cha đi dạo chơi gần bờ biển đã vô tình kẹt vào một lọ thủy tinh mà không tài nào thoát ra được. Vô tình nhìn thấy chú cá bị mắc kẹt, cậu bé Sosuke đã giải cứu và đặt tên là Ponyo.
Ẩn mình dưới vẻ ngoài của một bộ phim dành cho trẻ em nhưng Cô bé người cá Ponyo đã mang đến cho khán giả lớn tuổi những bài học đầy ý vị. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng không quên giúp họ một lần sống lại thế giới tuổi thơ hồn nhiên.
Hành trình đầy ma thuật của cô bé người cá Ponyo
Đến với thế giới của Cô bé người cá Ponyo, người xem bước vào chuyến hành trình khám phá thế giới phép thuật giữa biển nước mênh mông. Trong cuộc phiêu lưu ấy, họ được sống và trải nghiệm như “những đứa trẻ”.
Là tác phẩm dành cho thiếu nhi nhưng đạo diễn Miyazaki Hayao vẫn đưa vào những triết lý, bài học riêng để người lớn khi thưởng thức bộ phim cũng nhìn nhận chúng một cách thoải mái nhất.
Cuộc chạy trốn khỏi người cha và lênh đênh trên biển của cô bé người cá
Mở đầu bộ phim Cô bé người cá Ponyo, thế giới đại dương rộng lớn như mở ra trước mắt khán giả. Biển nước mênh mông xuất hiện một con cá vàng kỳ lạ với khuôn mặt người. Đó là Brunhilde, cô bé đang lẻn ra ngoài và trôi trên lưng một con sứa.
Sau khi chạm trán với tàu đánh bắt hải sản, con cá kỳ lạ bị mắc kẹt vào chiếc lọ thủy tinh. May mắn thay, lúc trôi dạt vào bờ, cậu bé Sosuke đã phát hiện và giải cứu nó.
Khi đập vỡ chiếc lọ thủy tinh để giải cứu sinh vật này, Sosuke đã bị thương ở tay. Thế nhưng, cậu bé đã rất ngạc nhiên vì vết thương lập tức lành lại sau khi con cá liếm giọt máu ở chỗ đó.
Không thấy con gái đâu, ông Fujimoto là cha Ponyo tức tốc dùng phép thuật để tìm và biết rằng, cô bé đã đi theo loài người. Dù cố tiếp cận Lisa, mẹ Sosuke để tìm lại Ponyo nhưng nỗ lực ấy của ông lại thất bại.
Sau đó, trên chuyến xe đến lớp học gần viện dưỡng lão mẹ làm việc, Sosuke đã đem theo Ponyo, đựng nó trong chiếc xô màu xanh. Cũng từ đó, cái tên Ponyo dành riêng cho con cá vàng kỳ lạ này được ra đời.
“Con sẽ gọi nó là Ponyo. Nó rất đặc biệt. Nó có phép thuật. Ponyo chữa vết thương của con.” – Sosuke kể với mẹ
Sosuke cố gắng giấu cá vàng khỏi bạn bè nhưng không thành, cô bé Kumiko đã phát hiện và khóc toáng lên khi bị nó phun nước vào mặt. Dù vậy, cậu đã mạnh dạn khoe Ponyo cho những bà cụ trong viện dưỡng lão.
Sau khi bị mẹ phát hiện vì đã ra ngoài trong giờ học, Sosuke trốn dưới vách đá cùng Ponyo. Ở đây, cậu bé hoàn toàn bất ngờ vì con cá kỳ lạ này có khả năng nói chuyện.
“- Đừng lo. Tao sẽ bảo vệ mày.
– Sosuke. Sosuke. Ponyo!
– Ponyo. Sasuke.
– Ponyo… thích… Sosuke!
– Tao cũng thích mày.
– Ponyo thích Sosuke.”
Vui vẻ không được bao lâu thì Ponyo bị tước khỏi tay Sosuke bởi những con sóng ma thuật của ông Fujimoto. Cậu bé òa khóc nức nở sau khi cố gắng lao xuống biển để tìm kiếm nhưng lại chẳng có gì bởi vì Ponyo đã bị bắt đi.
Có lẽ hôm nay là một ngày tồi tệ đối với cả gia đình Sosuke, bố của cậu không thể về nhà như đã hứa với mẹ Lisa. Trong khi Sosuke cố gắng dặn bố giữ gìn sức khỏe bằng đèn báo hiệu thì mẹ chỉ đáp lại, “Đồ ngốc. Đồ ngốc. Đồ ngốc”.
Ponyo và lời nguyền biến thành con người từ một con cá vàng
Sau khi trở về nhà với cha, Ponyo đã có một cuộc tranh cãi với ông. Cô bé từ chối để cha gọi bằng tên “Brunhilde” mà thay vào đó là “Ponyo”. Đồng thời, cô cũng khẳng định mình muốn trở thành con người thực sự.
“- Con không nghe ta à Brunhilde?
– Con muốn ăn thịt.
– Thịt? Con học cái thứ kinh khủng đó ở đâu hả Brunhilde?
– Tên con không phải Brunhilde. Con là Ponyo. Ponyo thích Sosuke. Ponyo sẽ trở thành con người.”
Bằng cách sử dụng phép thuật của mình, Ponyo cố gắng tự tạo cho bản thân hai tay và hai chân. Ông Fujimoto vô cùng hoảng sợ khi thấy con biến thành bộ dạng giống loài người, ông cũng nhận ra rằng cô bé đã liếm máu người.
Cha Ponyo đã cố gắng dùng phép thuật “Đảo ngược” để đưa con trở về hình dáng ban đầu. Thế nhưng, đây chỉ là phương án tạm thời vì quyền năng chỉ cho phép ông phục hồi nguyên trạng Ponyo trong thời gian ngắn.
Thế nhưng, bằng sự giúp đỡ từ những “Brunehilde nhí”, Ponyo đã tiếp tục trốn khỏi sự trói buộc của cha và dùng pháp thuật để thoát ra ngoài, cũng như biến mình thành con người thật sự. Từ đó, công cuộc đi tìm cậu bé Sosuke sẽ dễ dàng hơn.
Ponyo cưỡi trên những ngọn sóng và tìm đến Sosuke. Tuy lần này cô bé xuất hiện với một bộ dạng hoàn toàn khác, không còn là một con cá vàng như trước nhưng cậu bé vẫn dễ dàng nhận ra đó là Ponyo.
Mẹ Lisa cũng cho phép cô bé ở lại nhà mình một thời gian để tránh khỏi cơn bão đang đổ bộ. Nhờ Ponyo dùng phép thuật sửa chiếc máy phát điện, nó đã giúp mẹ và Sosuke truyền đi tín hiệu đến bố.
Sau bữa ăn tối no nê với món ramen, Ponyo đã ngủ thiếp đi vì sử dụng quá nhiều phép thuật trong ngày hôm nay. Nhìn về phía viện dưỡng lão, mẹ con Sosuke nhìn thấy một đốm sáng tín hiệu khi thủy triều đang dâng lên.
Quá lo lắng cho mọi người ở viện dưỡng lão, mẹ Lisa quyết định ra khỏi nhà để kiểm tra còn Sosuke sẽ ở lại để trông chừng. Mẹ cũng hứa rằng sẽ trở về với cậu sớm nhất có thể.
“Đừng lo. Mẹ hứa mẹ sẽ trở lại.”
Nói xong, bà liền thu dọn đồ đạc và lên xe rời đi. Trong lúc đó, con thuyền của bố Sosuke thì gặp phải rắc rối do cơn bão lúc chiều gây ra. Động cơ bị hư nên nó như đang trôi vô định giữa biển.
Thế nhưng, một nàng tiên cá khổng lồ lướt dưới mặt nước đã dùng phép thuật của mình để giúp con thuyền hoạt động bình thường trở lại.
“Nữ thần biển cả? Máy chạy rồi!
– Là nhờ bà ấy, là nhờ nữ thần.
– Nam mô a di đà, xin cứu chúng con khỏi nguy hiểm.”
Những cố gắng để đưa con gái trở về dường như tan thành mây khói khi ông Fujimoto nhận ra Ponyo đã dùng quyền năng của bản thân để tạo ra lá chắn ngăn ông xâm nhập vào nhà của Sosuke.
Không biết làm gì, ông Fujimoto đành phải tìm đến nữ thần biển cả, người mà cha Sosuke gặp ban nãy. Ông kể về việc Ponyo đã sử dụng phép thuật quá đà và cô bé không hiểu những gì mình đang làm, điều này sẽ khiến thế giới rơi vào hỗn loạn.
Cô bé người cá Ponyo và bức thông điệp nhân văn
Hành trình khám phá thế giới loài người của Ponyo không chỉ đọng lại trong khán giả khung cảnh đẹp như mơ mà còn là những bài học được gửi gắm xuyên suốt bộ phim.
Đến với Cô bé người cá Ponyo, bức thông điệp ấy được ẩn mình trong từng hành động nhỏ bé nhất của nhân vật, đó là lòng tốt, vị tha, yêu thương và sự dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn.
Mỗi nhân vật mang một dáng hình khác nhau của lòng tốt bụng và thương người
Xuyên suốt những thước phim, khán giả được đạo diễn Miyazaki Hayao đẩy vào hành trình của Ponyo. Ở đó, cô bé được tiếp xúc với nhiều người và để lại ấn tượng trong họ về một nhân vật dễ thương, tốt bụng.
Khi bắt gặp em bé đang đói sữa, Ponyo đã không ngần ngại mà cho đi bánh cùng nước uống. Thậm chí, cô bé còn dỗ dành đứa trẻ ấy bằng cách riêng của mình, đó là một nụ hôn.
Đôi khi, Ponyo cũng sẵn sàng trao đi những thứ mình thích nhất như miếng bánh mì sandwich đầy thịt. Tuy là hành động nhỏ nhưng nó vẫn giúp người xem cảm nhận được tấm lòng tốt bụng từ cô bé.
Lòng tốt bụng của Ponyo còn được thể hiện qua từng cử chỉ giúp đỡ Sosuke trên suốt chuyến hành trình. Cô bé đã dùng hết sức mạnh phép thuật mình có, đến mức gục đi nhằm tìm được cô Lisa.
Không chỉ duy nhất Ponyo, tình thương người còn được đạo diễn Miyazaki Hayao thể hiện qua nhân vật Sosuke. Cậu bé hết mực yêu thương và bảo vệ chú cá vàng ngay từ lần đầu gặp gỡ trên bờ biển.
Thậm chí, cậu bé năm tuổi Sosuke còn can đảm lao xuống biển để tìm kiếm Ponyo đã bị cơn sóng cuốn đi, dẫu cho đó là nỗ lực tuyệt vọng. Những cử chỉ ấy khiến khán giả có thể khẳng định rằng cậu có phẩm chất tốt bụng, chân thành.
Trong gia đình, Sosuke như cầu nối cho tình cảm giữa cha mẹ mình. Cậu bé cố gắng dùng đèn báo hiệu để giao tiếp với cha ngoài khơi xa, đồng thời làm nguôi ngoai cơn giận của mẹ bằng lời an ủi.
Người mẹ Lisa cũng là một nhân vật có lòng tốt bụng, yêu thương đối với những đứa trẻ. Tuy chỉ mới chỉ được con trai Sosuke giới thiệu qua về Ponyo nhưng cô vẫn sẵn lòng để cô bé ở lại nhà mình.
“Sosuke, nhà của chúng ta là hải đăng tránh bão. Nó rọi sáng và đem lại hy vọng cho những ai trong bóng tối… Nhưng lúc này mẹ lo lắng cho những người ở viện dưỡng lão… Đừng lo, mẹ hứa mẹ sẽ trở lại.”
Là một người có trách nhiệm với công việc, Lisa biết rằng giữa cơn sóng thần hung ác kia, mạng sống của những bà cụ trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Mặc kệ nguy hiểm, cô vẫn quyết định đi đến viện dưỡng lão để cứu mọi người.
Lòng tin tưởng của người lớn và những đứa trẻ trong Cô bé người cá Ponyo
Điều khiến khán giả bất ngờ khi thưởng thức bộ phim Cô bé người cá Ponyo là cách đạo diễn Miyazaki Hayao khéo léo đưa vào những tình tiết bất ngờ, đi ngược lại với tâm lý của mọi người.
Khi nghe con trai Sosuke nói về chú cá vàng có phép thuật thậm chí biến thành con người, mẹ Lisa hoàn toàn tin tưởng lời nói từ cậu. Trong thế giới của Cô bé người cá Ponyo, người lớn đặt niềm tin vào những đứa trẻ, dẫu cho đó có là điều không tưởng.
“Có nhiều thứ xảy ra mà ngay cả mẹ cũng không hiểu.”
Người lớn không hề tỏ ra nghi ngờ về hành động của hai đứa bé năm tuổi. Khi thấy chúng lái chiếc thuyền nhỏ trên biển nước để tìm mẹ, họ tin tưởng Sosuke và Ponyo thay vì lo lắng, điềm nhiên chúc may mắn cho Sosuke với tư cách “thuyền trưởng”.
Những đứa trẻ trong phim cũng mang niềm tin ngây thơ khi đối diện với điều mới mẻ. Sosuke không hoài nghi mà tin rằng, con cá vàng mà mình đang tìm kiếm nay đã hóa thành người.
Ponyo tin tưởng vào cuộc sống cũng như thế giới con người mà cô bé sắp được hòa mình vào. Sẵn sàng từ bỏ “định mệnh” được sắp đặt để đồng hành cùng người mà bản thân yêu thương và trân trọng.
Chiếc xô xanh là biểu tượng của tình cảm chân thành và giản dị
Lạc vào thế giới ma thuật Cô bé người cá Ponyo, khán giả vẫn tìm thấy ánh sáng của tình yêu thơ ngây, hồn nhiên, chân thành giữa hai đứa trẻ năm tuổi Sosuke và Ponyo.
Ngay từ lúc tìm thấy Ponyo trên bờ biển, Sosuke đã kiên quyết trở thành người bảo vệ cô bé. Ngoài chia sẻ miếng thịt trong phần ăn của mình hay can đảm lao xuống biển tìm Ponyo, cậu còn treo chiếc xô xanh làm dấu để cô bé tìm về.
Giữa cơn bão, Sosuke vẫn nhận ra Ponyo dù cô bé có xuất hiện trong hình dáng hoàn toàn khác. Cậu vui vẻ chơi đùa, quấn quýt bên Ponyo khắp nhà mà chẳng quan tâm gì về điều kỳ lạ xung quanh cô bé.
“Cháu luôn thích Ponyo, dù cậu ấy là cá, là con người, hay là nửa người nửa cá.”
Chiếc xô xanh đã trở thành biểu tượng cho tình cảm chân thành giữa hai đứa trẻ. Ban đầu là vật để đem theo Ponyo bên mình, sau đó, nó trở thành dấu hiệu để cô bé tìm về với Sosuke. Cuối cùng, chiếc xô trở thành “vật bất ly thân” của Ponyo.
Đạo diễn Miyazaki Hayao khiến khán giả chìm đắm trong thế giới ma thuật
Sự sáng tạo vô biên là điều khiến đạo diễn Miyazaki lẫn những tác phẩm điện ảnh của ông như Vùng đất linh hồn, Công chúa Mononoke hay Lâu đài bay của pháp sư Howl luôn được đánh giá cao.
Từ lối kể chuyện đến thế giới ma thuật với nét vẽ đầy mê hoặc, từng yếu tố của bộ phim được vị đạo diễn làm mới một cách khéo léo, giúp khán giả thoát khỏi những khuôn mẫu quen thuộc.
Lối kể chuyện độc đáo mà chỉ đạo diễn Miyazaki Hayao dám thực hiện
Không đi theo lối mòn kể chuyện thông thường, đạo diễn Miyazaki phá cách và từ bỏ con đường “phát triển tâm lí nhân vật” hay “tình tiết cao trào”. Thay vào đó, ông tạo nên một bộ phim vừa hay, vừa đẹp “phi công thức”.
Tâm lí nhân vật hay những xung đột kịch tính được ông đơn giản hóa, khiến nó trở nên nhẹ nhàng chứ không còn nặng nề như khán giả vẫn thường chứng kiến trên màn ảnh rộng.
Những tình tiết trong phim không quá phức tạp, kịch bản ngắn gọn và đơn giản nhưng vẫn khiến người xem thích thú. Đồng thời, khán giả có thể tinh ý nhận ra rằng, chẳng có một nhân vật phản diện hoàn toàn xấu hay một tình huống đáng sợ nào sắp ập đến nhân vật chính.
Bởi vì khi xem một bộ phim của đạo diễn Miyazaki Hayao, họ không cần phải quan tâm về diễn biến mà thay vào đó là tận hưởng thế giới ma thuật mà ông đã mở ra qua những nét vẽ tinh xảo.
Mỗi lần thưởng thức Cô bé người cá Ponyo, khán giả lại có thể nhìn nhận ra nhiều tầng nghĩa mới mà đạo diễn gửi gắm. Thậm chí, họ đặt ra hàng trăm giả thuyết điên rồ sau khi để ý đến các chi tiết nhỏ nhặt nhất trong phim.
Từ âm thanh đến hình ảnh đều được đội ngũ làm phim chăm chút
Bài hát chủ đề cùng tên với bộ phim Gake no Ue no Ponyo được phát hành vào năm 2007, một năm trước khi tác phẩm ra mắt. Màn thể hiện của hai ca sĩ Takaaki Fujioka và Naoya Fujimaki đã làm toát lên tinh thần vui tươi, hồn nhiên đặc trưng từ bộ phim.
Nhạc phim của Cô bé người cá Ponyo được sáng tác bởi Joe Hisaishi, cánh tay đắc lực phụ trách mảng âm thanh cho các tác phẩm Miyazaki Hayao làm đạo diễn.
Với những âm thanh du dương giữa đại dương xen chút “lém lỉnh” trẻ thơ, phần nhạc nền của Joe Hisaishi đã giúp khán giả thưởng thức Cô bé người cá Ponyo trọn vẹn hơn.
Đặc biệt, phong cách tạo hình trong phim rất gần gũi với mọi người, sự tinh tế này của Studio Ghibli đã gây ấn tượng với người xem. Những chuyển động phức tạp nhất như giọt nước mắt cũng được thể hiện chỉn chu qua nét vẽ mềm mại.
Điều khiến khán giả khâm phục bởi đội ngũ sản xuất Cô bé người cá Ponyo là họ vẫn giữ phương pháp vẽ tay truyền thống mà không có sự trợ giúp nào từ công nghệ. Tất cả những yếu tố đó đã làm nên một trải nghiệm điện ảnh xuất sắc.
Cô bé người cá Ponyo trong mắt khán giả và giới phê bình
Cô bé người cá Ponyo cũng gặt hái cho mình những thành công nhất định với tổng doanh thu phòng vé hơn hai trăm triệu đô cùng nhiều giải thưởng danh giá từ Liên hoan phim quốc tế và Viện Hàn lâm Nhật Bản.
Bộ phim đã nhận về vô số lời khen từ các nhà phê bình với 88% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes, tất cả là nhờ những trải nghiệm mê hoặc trên màn ảnh rộng mà Ghibli đem đến cho khán giả.
“Không ai ngoài Miyazaki có thể tạo ra bất cứ thứ gì giống như những khoảnh khắc này hay bất cứ thứ gì như sự tài ba của ông.” – Tờ The Japan Times nhận xét
Cô bé người cá Ponyo là tác phẩm thứ hai mà đạo diễn Miyazaki sản xuất cho thiếu nhi sau Hàng xóm của tôi là Totoro. Cho đến nay, khán giả lẫn giới phê bình vẫn thường đặt hai tác phẩm điện ảnh này lên bàn cân.
Thế nhưng, mỗi bộ phim đều mang những thông điệp và tinh thần khác nhau. Nếu Hàng xóm của tôi là Totoro xây dựng theo phong cách tối giản thì Cô bé người cá Ponyo lại phát triển theo cách ngược lại.
“Phim hoạt hình với giá trị nghệ thuật và chất lượng cao được tạo ra từ trí tưởng tượng tuyệt vời của bậc thầy về phim ảnh trên thế giới” – Lời giới thiệu về Cô bé người cá Ponyo tại Liên hoan phim Venice
Trong sự kiện Tokyo Anime Awards, bộ phim còn giành về năm giải thưởng danh giá mà điển hình là Anime của năm, Phim trong nước hay nhất, hai giải Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản hay nhất thuộc về đạo diễn Miyazaki.
Với những điều mà bộ phim Cô bé người cá Ponyo đã làm được, từ hình ảnh, âm thanh cho đến nội dung, thông điệp, tất cả trải nghiệm đều đạt đến mức xuất sắc thì đây hoàn toàn là phần thưởng xứng đáng cho công sức của Studio Ghibli.
Bí Ngô
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất