Kong: Skull Island lấy bối cảnh vào năm 1973, chỉ vài ngày sau khi hiệp định Paris được ký kết, tổ chức Monarch phát hiện ra sự tồn tại của một hòn đảo bí ẩn ở Thái Bình Dương.
Trailer chính thức của phim
Thông tin này thu hút sự chú ý của Bill Randa (John Goodman thủ vai) và Houston Brooks (Corey Hawkins thủ vai), họ đã thuyết phục nhà cầm quyền cho cử một đội binh lính cùng đến khám phá hòn đảo này.
Hai người nhanh chóng tập hợp đội ngũ bao gồm những nhân vật sẽ dẫn dắt người xem vào cuộc phiêu lưu kỳ bí đầy hiểm nguy nơi Đảo Đầu Lâu.
Là chỉ huy Preston Packard (Samuel L. Jackson thủ vai), anh lính giải ngũ kiêm chuyên gia dẫn đường James Conrad (Tom Hiddleston thủ vai), cô nhiếp ảnh gia Mason Weaver (Brie Larson thủ vai) cùng một số binh lính và nhà khoa học.
Sự bí ẩn và những nguy hiểm đằng sau nó
Chuẩn bị kỹ càng và hăng hái lên đường thế nhưng khi vừa tới nơi, họ hoàn toàn bị động bởi sự xuất hiện đầy bất ngờ và hung hãn của Kong cùng nhiều sinh vật khổng lồ, kỳ quái khác.
Chuyến đi tưởng chừng ngắn ngủi bỗng chốc trở nên dài vô tận. Họ bị chia cắt, lạc dấu đồng đội, bị thương và thậm chí phải bỏ mạng.
Cố gắng gượng tìm cách di chuyển đến điểm tập kết trong thời gian sớm nhất, họ nuôi hy vọng có thể thoát khỏi hòn đảo địa ngục này.
Kong: Skull Island quy tụ dàn diễn viên sáng giá, bao gồm những gương mặt gạo cội lẫn các tài năng trẻ, tuy nhiên bộ phim không khai thác hết được khả năng của người diễn.
Đồng hành cùng nhau trên nhiều thước phim, thế nhưng Mason Weaver và James Conrad không thực sự cho khán giả thấy được sự kết nối giữa họ. Sự tương tác giữa hai nhân vật kém phần thu hút, mờ nhạt và miễn cưỡng.
Cả hai đều không có tiểu sử hay cá tính đủ hấp dẫn. Những câu thoại tán tỉnh giữa họ khiến khán giả băn khoăn bởi mối quan hệ này không cần thiết cho mạch phim.
Conrad không làm cho người xem thấy được vì sao anh đặc biệt hơn các nhân vật còn lại, nhất là trong vai trò người dẫn đường.
Về phần Weaver, có lẽ đạo diễn Vogt Roberts không muốn lặp lại mô típ “người đẹp và quái vật” như những phim king kong trước đây vì vậy mà đóng góp của cô bị giảm nhẹ theo cốt truyện tác phẩm.
Gây được nhiều ấn tượng trong phim có lẽ là Samuel L. Jackson trong vai trung tá Preston Packard. Có thể nói tính cách của ông được bộc lộ khá rõ nét, là một người độc đoán và hết sức cố chấp.
Ông còn là một quân nhân mưu trí và dày dặn kinh nghiệm, coi chiến tranh và chinh phạt là nguồn sống. Tuy nhiên về sau phim, việc có quá nhiều nhân vật đã khiến cho ông ít có cơ hội để thể hiện xung đột nội tâm.
Đặc biệt hơn cả trong Kong: Skull Island là người lính già Hank Marlow (Reilly thủ vai). Ông là người bị lưu lạc 20 năm trên đảo nhờ vậy mà những bí ẩn ở đây được ông tiết lộ.
Đáng quý nhất ở người đàn ông này chính là dù cuộc sống không may mắn, nhiều phần khắc nghiệt nhưng Hank luôn vui vẻ, nhiệt huyết và đầy lòng vị tha.
Vị vua trở lại trong Kong: Skull Island
Mong đợi nhất của khán giả chính là những thước phim có Kong, quái thú khổng lồ mang sứ mệnh bảo vệ bình yên cho hòn đảo.
Nhờ vào kỹ xảo điện ảnh và công nghệ CGI, Kong hiện lên chân thực, sinh động qua từng cử chỉ, nét mặt.
Kong gây được nhiều thiện cảm trong lòng người xem khi bảo vệ con người trước những xúc tua khổng lồ, bàn chân nhọn hoắt và cái mồm đói khát thịt của loạt sinh vật ghê rợn trên đảo.
Cảnh Kong ngồi giữa sông, mân mê vết thương trên cơ thể mình cho chúng ta cảm nhận được một nét gì đó rất “người” tuy nhiên nó quá ngắn ngủi. Nếu như tâm tư cũng như quá khứ của Kong được đào sâu hơn thì có lẽ phim sẽ thêm phần trọn vẹn.
Là bộ phim điện ảnh thứ hai thuộc vũ trụ phim quái vật khổng lồ của hãng Legendary Pictures và Warner Bros, Kong: Skull Island được chỉ dẫn bởi đạo diễn Vogt Roberts, phần kịch bản được thực hiện bởi Dan Gilroy, Max Borenstein và Derek Connolly.
Xem phim, khán giả sẽ vô cùng thích thú với phần âm nhạc mang đậm bầu không khí thập niên 1970, gồm các bản nhạc Rock bất hủ White Rabbit, Paranoid và giai điệu nổi tiếng Mặt trời đen.
Từ khi ra mắt, Kong: Skull Island đã nhận nhiều bài phê bình từ giới chuyên môn. Có những phản ứng tích cực, cũng có nhiều luồng ý kiến tiêu cực, chủ yếu chỉ trích phần nội dung phim.
Phần lớn các lời khen đều dành cho phần hiệu ứng và kỹ xảo của Kong. Cây bút nổi tiếng của tờ Hollywood Reporter là Todd McCarthy nhận xét:
“Kong: Skull Island mang tính giải trí cao, và những yếu tố trong phim đều được khai thác ở mức vừa đủ, phù hợp đối với một tác phẩm thuộc dòng quái vật.”
Owen Gleiberman của tạp chí Variety ca ngợi Kong: Skull Island “hay hơn Jurassic World gấp nhiều lần” và là cột mốc mới đối với dòng phim quái vật.
Đoạn phim nằm sau phần credit của tác phẩm cũng đã khẳng định sự kết nối giữa Kong với Godzilla (2004), Godzilla 2 (2019) đồng thời mở đường cho Kong vs. Godzilla (2020).
Như đã nói ở trên, bên cạnh đó Kong cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trang Web điện ảnh Collider chỉ dành cho bộ phim nửa số điểm và chỉ ra nhiều điểm bất cập trong nội dung phim, đặc biệt là hai nhân vật do Tom Hiddleston và Brie Larson thể hiện.
Nhà bình luận kỳ cựu Chris Stuckmann nhận xét các đại cảnh hoành tráng và phân đoạn giao chiến giữa Kong với nhóm sinh vật kỳ dị trên Đảo Đầu Lâu chắc chắn làm thỏa mãn số đông công chúng đến rạp để giải trí.
Tuy nhiên anh đồng thời cho rằng tất cả không thể khiến khỏa lấp cảm giác trống rỗng trong anh xuyên suốt tác phẩm.
Nặng nề nhất là ý kiến của Peter Bradshaw trên tờ The Guardian, ông bình luận:
“Bộ phim giống như một mớ hổ lốn, pha trộn một chút từ Jurassic Park, Apocalypse Now cùng vài hình ảnh chịu ảnh hưởng từ vở nhạc kịch Miss Saigon.”
Đối với khán giả Việt Nam nói riêng, điều đặc biệt nhất khi xem Kong chính là được ngắm nhìn vẻ đẹp quê hương mình trên màn ảnh rộng.
Kong: Skull Island mãn nhãn với kỹ xảo xuất sắc và vẻ đẹp non nước Việt Nam
Vịnh Hạ Long được đạo diễn Vogt Roberts chọn làm nơi ghi hình, xuất hiện trong những trường đoạn quan trọng nhất của phim.
Bên cạnh phô diễn những màn vật lộn của các loài quái thú, Kong: Skull Island còn giúp người xem hiểu hơn về người lính và cuộc sống của họ sau chiến tranh.
Có người luôn nhớ về gia đình và khao khát có được một cuộc sống bình yên, có người hoang mang không biết làm gì, có người không chấp nhận kết quả của cuộc chiến tranh và luôn tìm đối thủ.
Nhân vật giúp cho bộ phim mang nhiều ý nghĩa nhất là phi công Hank Marlow, cảnh ông đoàn tụ với gia đình sau một thời gian dài bị kẹt trên đảo khiến khán giả không khỏi xúc động.
Điều đáng tiếc của Kong: Skull Island là phim sở hữu phần kịch bản có những tình huống và câu chuyện được mở ra sẵn nhưng không thể đi sâu hơn, chi tiết hơn. Từ đó khiến cho nội dung phim trở nên hời hợt.
Quá trình tiền kỳ kéo dài hơn một năm của đoàn phim cộng thêm sức mạnh của công nghệ đã mang lại kết quả mỹ mãn, Kong: Skull Island đạt được doanh thu hơn nửa tỷ đô trên toàn cầu đồng thời thu về 170 tỷ đồng ở Việt Nam.
Phim đã nhận được đề cử ở hạng mục kỹ xảo hình ảnh xuất sắc nhất tại giải thưởng Oscar lần thứ 90.
Nếu bạn đang tìm một bộ phim mang tính giải trí cao thì Kong: Skull Island là một lựa chọn khá thú vị. Phim chắc chắn sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm đặc biệt với hiệu ứng kỹ xảo mãn nhãn, hoành tráng.
Bên cạnh đó là những pha hành động chân thực khá bạo lực với nền là cảnh nước non tuyệt đẹp nơi quê hương Việt Nam.
Chiêu Đan
Bảo Chiêu
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất