Ăn mày dĩ vãng là tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Chu Lai, được xuất bản lần đầu vào năm 1991. Tác phẩm khắc họa hành trình tìm về quá khứ của nhân vật chính Hai Hùng, một người lính từng tham gia giải phóng vùng ven đô thành Sài Gòn với vai trò chỉ huy trinh sát đội đặc nhiệm.
Với lối viết kết hợp quá khứ và hiện tại, tác giả đã phản ánh hiện thực nghiệt ngã của chiến tranh và mặt trái tăm tối của thời kỳ đổi mới. Không chỉ vậy, ông còn thể hiện mối tình đầy tiếc nuối giữa Hai Hùng và Ba Sương, nữ quân y cùng anh kề vai sát cánh trong những ngày tháng sống dưới làn mưa bom, bão đạn.
Chu Lai và những trang sách viết về quá khứ
Chu Lai tên thật là Chu Văn Lai, ông sinh năm 1946 tại tỉnh Hưng Yên và hiện đang sinh sống ở Hà Nội. Được biết đến là nhà văn chuyên về đề tài chiến tranh, ông sở hữu nhiều tác phẩm nổi tiếng như Nắng đồng bằng, Gió không thổi từ biển, Mưa đỏ.
Là con trai của nhà viết kịch Học Phi nên từ nhỏ, âm hưởng văn học đã in sâu trong tâm trí Chu Lai. Nhờ những đêm nằm ngoài ban công, lắng nghe cuộc trò chuyện giữa bố và các nhà văn, đạo diễn nổi tiếng như Thế Lữ, Đào Mộng Long mà tư duy nghệ thuật của Chu Lai được hình thành.
Bên cạnh các cuộc hội thoại ấy, tuổi thơ ông còn gắn liền với những ngày trốn học và rong chơi bên bờ sông Hồng để ngắm nhìn quang cảnh cũng như đời sống con người nơi đây. Chính điều này đã rèn cho Chu Lai một đôi mắt tinh tường, nhờ đó mà ông đã rất thành công trong việc khắc họa hàng loạt chi tiết văn học độc đáo.
Lớn lên trong thời kỳ đất nước đang đối mặt với quân thù, ông luôn khao khát được cầm súng và chiến đấu cùng toàn thể nhân dân. Vì lẽ đó, Chu Lai đã tích cực tham gia kháng chiến với vị trí chiến sĩ đặc công hoạt động trong vùng Sài Gòn.
Không chỉ vậy, ông còn công tác tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị và trong khoảng thời hoạt động quân đội, Chu Lai theo học trường Viết văn Nguyễn Du. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành biên tập, đảm nhận vị trí sáng tác cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Khoảng thời gian cầm súng đã mang đến cho người lính đặc công Chu Lai cái nhìn sâu sắc về chiến tranh. Chính những trải nghiệm trên chiến trường kết hợp với niềm đam mê con chữ đã thôi thúc ông cầm bút và trở thành nhà văn mặc áo lính.
Chu Lai bắt đầu con đường viết lách với truyện ngắn Người im lặng, tác phẩm được sáng tác vào năm 1976 nhưng không tạo nhiều tiếng vang cho nhà văn. Hai năm sau, ông ra mắt tiểu thuyết đầu tay Nắng đồng bằng và bắt đầu được độc giả chú ý.
Nắng đồng bằng xoay quanh những ngày tháng chiến đấu khốc liệt của tiểu đoàn đặc công Việt Cộng với lính Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa trên chiến trường Đông Nam Bộ. Bên cạnh hình ảnh đau thương về chiến tranh, tác phẩm còn khắc họa mối tình đầy cảm động giữa nhân vật chính Năm Thúy và người lính đặc công Linh.
Năm 1979, Chu Lai ra mắt tiểu thuyết Đêm tháng hai, truyện ngắn Đôi ngả thời gian và hai năm sau thì phát hành tập truyện đầu tay Vùng đất xa xăm. Dẫu hoạt động liên tục khoảng thời gian này nhưng nhà văn không gặt hái được nhiều thành công, thậm chí vẫn khá im ắng trong văn đàn dù sau đó ra mắt truyện ngắn Út Teng vào năm 1983.
Tuy nhiên đến năm 1984, sự nghiệp của Chu Lai bắt đầu có bước tiến rõ rệt khi tiểu thuyết Gió không thổi từ biển được phát hành. Xoay quanh chủ đề chiến tranh quen thuộc nhưng tác phẩm mang một màu sắc khác, ẩn sau khói lửa bom đạn là câu chuyện cảm động về tình yêu Tổ quốc và tình cảm gia đình.
Không dừng ở đó, Chu Lai tiếp tục khai thác hình tượng người lính trong hai tiểu thuyết khác là Sông xa, xuất bản năm 1986 và Vòng tròn bội bạc, xuất bản năm 1987. Nếu Sông xa tái hiện số phận đau thương của những người chiến sĩ thì Vòng tròn bội bạc lại gây ấn tượng với hình ảnh anh bộ đội cô đơn, lạc lõng trong thời kỳ đổi mới.
Ba năm sau khi Vòng tròn bội bạc ra đời, nhà văn tiếp tục sáng tác Bãi bờ hoang lạnh nhưng không nhận được phản hồi tích cực từ độc giả và giới phê bình. Năm 1991, Chu Lai viết nên tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng và tác phẩm đã tạo tiếng vang lớn cho sự nghiệp văn chương của ông.
Dù mới ra mắt một thời gian ngắn nhưng Ăn mày dĩ vãng đã mang về nhiều thành công nhất định cho nhà văn Chu Lai. Bên cạnh những ngợi khen từ giới chuyên môn, tác phẩm còn được trao Giải thưởng Hội đồng Văn học chiến tranh Cách mạng và Lực lượng vũ trang bởi Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1993.
Ăn mày dĩ vãng khắc họa sâu sắc cảm xúc của người lính khi hồi tưởng về quá khứ huy hoàng, từ đó thể hiện sự thật đáng buồn về cuộc đời những người từng sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.
Bằng đôi mắt quan sát tinh tường về sự thay đổi của xã hội, Chu Lai đã mang đến cho độc giả một áng văn đầy chân thật nhưng cũng không kém phần xúc động với nội dung xoay quanh nhân vật chính Hai Hùng.
Ăn mày dĩ vãng và số phận nghiệt ngã của người lính Hai Hùng
Tuy là nhà văn chuyên về tiểu thuyết sử thi nhưng đến năm 1986, Chu Lai bắt đầu chuyển hướng sang dòng tiểu thuyết phi sử thi. Không xây dựng nhân vật theo hình tượng người anh hùng cách mạng trong chiến đấu và sản xuất, ông tập trung vào vẻ đẹp bi tráng của các chiến sĩ khi phải đối mặt với thử thách, bi kịch.
Ăn mày dĩ vãng chính là tác phẩm thể hiện rõ nét những vẻ đẹp ấy, bên cạnh tinh thần vượt lên số phận, cuốn sách còn khắc họa hành trình tìm lại người yêu cũng như đồng đội cũ của nhân vật Hai Hùng. Với những câu từ giản dị, tiểu thuyết đã thể hiện thành công hình tượng người bộ đội luôn kiên định với lý tưởng Cách mạng.
Tác phẩm xoay quanh nhân vật chính Hai Hùng, một chỉ huy trinh sát đội đặc nhiệm với lòng yêu nước nồng nàn và trái tim nhân hậu. Trong những năm tháng chiến đấu, anh được mọi người hết lòng tin tưởng nhờ sự dũng cảm, kiên cường và tài lãnh đạo xuất chúng.
Chính những yếu tố ấy đã tạo nên một Hai Hùng vừa được đồng đội yêu mến, vừa khiến quân thù sợ hãi mỗi khi nghe thấy tên. Tuy nhiên, đằng sau hình ảnh người lính oai hùng, anh lại hiện lên là một chàng trai luôn quan tâm đến bà con ở ấp chiến lược và xem họ như người thân trong gia đình.
“Đồng đội tin cậy nơi anh như đoàn thuỷ thủ hết lòng tin cậy vào người thuyền trưởng tài ba giữa muôn trùng sóng cả… Kẻ thù gọi anh là tên sát nhân tài tử, là nghệ sĩ cầm súng ảo thuật. Bà con trong ấp chiến lược kêu anh bằng mày, bằng thằng với tất cả sự âu yếm, tin cậy.”
– Ăn mày dĩ vãng
Tưởng chừng người chỉ huy ấy sẽ mãi gắn bó với sự oai phong lẫm liệt trên chiến trường nhưng tiếc thay, hình ảnh này đã dần biến mất khi anh sống trong thời bình. Từ một thanh niên suýt soát bảy mươi cân với thân hình cường tráng, Hai Hùng trở thành một người hốc hác với “tóc nham nhở, môi thâm và răng rụng gần một phần ba”.
Chàng trai đầy sức sống năm nào giờ đây chỉ biết thu mình, xa cách với xã hội. Anh sợ những nơi đông người nên ít giao tiếp với thế giới xung quanh, thậm chí trở thành kẻ vô gia cư, không có tiền bạc và phải đi tha hương cầu thực ở nơi khác.
“Hầu hết đã lui về vườn ăn theo vợ, núp váy vợ nếu còn có một người đàn bà chịu làm vợ. Đứa thì nhậu xỉn, tối ngày nằm trên võng nắng, đứa thì lụi hụi trồng tỉa ngoài bưng, mở mồm là càu cạu, thằng này đang thở dài phì phịt giữa một bên là bầy con nhem nhuốc, bên kia là thạp gạo chỉ còn cám mùn đọng quẩn ở dưới đáy, thằng kia sống trụi thùi lụi một mình, hỏi nhà cửa vợ con đâu, chỉ giơ cái chai đế lên cười xệch xẹo.”
– Ăn mày dĩ vãng
Cuộc sống của Hai Hùng là chuỗi ngày vô định, anh phải đối mặt với sự thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần khi không có cho mình một khoản tiền tiêu xài hay mái ấm gia đình. Người chỉ huy giờ đây trở thành kẻ lang thang, quá khứ huy hoàng đã bị lãng quên bởi thực tại tàn nhẫn.
Trong khoảng thời gian sống vất vưởng, Hai Hùng đã quay lại chiến trường rực lửa năm xưa và vô tình gặp Quân, phó chủ tịch huyện mà trước đây vốn là cậu bé giao liên, chuyên dẫn đường cho bộ đội.
Vui mừng khi gặp người quen, Quân đã thiết đãi anh bằng một bữa sang trọng ở quán ăn miền Tây. Tại đây, Hai Hùng bắt gặp một người đàn bà mang hình bóng giống với Ba Sương, người yêu của anh trong những ngày tháng hoạt động trên chiến trường.
Ba Sương là một nữ quân y của du kích địa phương, cô nổi bật với vẻ ngoài mảnh dẻ, xinh xắn và tấm lòng lương thiện, nhân hậu. Là người được các anh chiến sĩ yêu mến, Ba Sương đã để lại tiếc thương cho đồng đội khi hy sinh trong đợt thả bom tại ấp chiến lược.
Vì quá đau buồn khi mất người yêu nên Hai Hùng mạo hiểm chôn cất nữ quân y giữa chiến trường khói lửa. Tuy nhiên, anh không biết bản thân mình nhầm lẫn, Ba Sương đã may mắn thoát khỏi sự tấn công của quân thù.
Giờ đây, cô gái ấy trở thành Tư Lan, một giám đốc đầy quyền uy của Sở Lâm nghiệp với tiếng tăm lan rộng khắp Lục tỉnh miền Tây. Dẫu Ba Sương đã thay đổi nhiều nhưng nhờ linh cảm nhạy bén, Hai Hùng vẫn có thể nhận ra cô.
Chính điều này khiến anh quyết định đi tìm câu trả lời cho những bí ẩn trong quá khứ, từ đó đưa độc giả trở về với ký ức sống động của chiến tranh.
Qua từng hồi ức của nhân vật Hai Hùng, Chu Lai đã mang đến cho độc giả một góc nhìn mới về chiến tranh. Bên cạnh sự tàn khốc nơi chiến trường khói lửa, ông còn khắc họa nỗi đau tinh thần mà bom đạn để lại cho người lính.
Đó là nỗi đau khi đồng đội ngã xuống nhưng phải nén cảm xúc mà tiếp tục cầm súng chiến đấu, để rồi những người bộ đội dần trở nên chai sạn trong tâm hồn, lạnh lùng với cả sự sống và cái chết.
Những ngày tháng chiến đấu đã hủy diệt ý chí, khát khao được sống và bảo vệ Tổ quốc của người lính. Họ sợ rằng sức người có hạn khi biết bao chiến sĩ phải hy sinh nhưng tương lai đất nước còn mờ mịt, liệu hai miền có thể thống nhất hay không vẫn là một câu hỏi chưa thể nào trả lời.
Âm hưởng chiến tranh ngày một kéo dài, nó không chỉ cướp đi tính mạng của người lính mà còn hủy hoại tâm hồn của những người sống sót trở về. Họ không thể thoát khỏi cuộc sống nơi chiến trường khốc liệt để tận hưởng hòa bình, từ đó trở thành linh hồn cô độc và không nơi nương tựa.
Thậm chí, họ còn tự dằn vặt khi nghĩ về sự tàn bạo của bản thân. Đằng sau chiến thắng oai hùng là những đêm Hai Hùng nhớ về khoảng thời gian cầm súng, giết chết quân thù. Có công với đất nước, dân tộc nhưng anh lại vô tình trở thành tội đồ của tòa án lương tâm, tất cả cũng chỉ vì chiến tranh mà phải làm điều tàn nhẫn.
“Nồi da nấu thịt, kẻ ngã xuống dù ở tuyến này hay tuyến kia, đều là con dân của một vùng đất nào đó, có ai xót ruột giùm không.”
– Ăn mày dĩ vãng
Với ngòi bút tinh tế cùng lời văn giản dị, Chu Lai đã khắc họa thành công những hình ảnh chân thật nơi chiến trường và sự thay đổi tâm lý của người lính Hai Hùng. Dù chiến đấu vì đất nước nhưng anh cũng chỉ là nạn nhân của chiến tranh, người chỉ huy xông pha trận mạc ngày nào đã trở thành anh chàng không có lý tưởng sống.
Một tâm hồn lãng mạn ẩn sau những câu văn
Tự nhận mình là một người đa tình, nhà văn Chu Lai luôn đề cao sự lãng mạn trong các tác phẩm mà ông chấp bút. Bên cạnh hình ảnh chân thật về chiến tranh, nhà văn còn lồng ghép nhiều chi tiết đong đầy cảm xúc về thứ tình cảm giản dị của người lính.
Nhờ lối viết độc đáo ấy, Ăn mày dĩ vãng đã để lại ấn tượng sâu sắc với độc giả khi khắc họa những mối tình bình dị mà rất đỗi chân thành. Đặt trong bối cảnh chiến tranh, cuốn tiểu thuyết trở nên hấp dẫn hơn bởi lẽ, ánh sáng của tình cảm đã phần nào xóa đi màn đêm u tối của cuộc đời người bộ đội.
“Sự lãng mạn là cội nguồn văn hóa, cội nguồn hàng nghìn năm của ông cha ta mới đúc kết thành kết tủa như vậy.”
– Chu Lai
Nổi bật nhất trong tác phẩm chính là chuyện tình giữa Hai Hùng và cô y tá Ba Sương, họ vẫn nảy sinh tình cảm đôi lứa dù dưới cảnh bom đạn giao tranh hay giữa chốn rừng xanh sâu thẳm.
Hai nhân vật gặp nhau trong một lần đi kiếm lương thực cùng cán bộ địa phương, khi Hai Hùng vừa chuyển sang địa bàn mới. Lúc ấy, anh vừa mất đi người đồng đội keo sơn Viên nên không khỏi đau buồn, luôn nhung nhớ về bạn mình.
Vì không muốn rời xa đồng đội nên Hai Hùng cứ nán lại nơi chôn cất Viên, chính điều này đã khiến anh gặp Ba Sương. Thấy cô đến thăm mộ Viên, người chỉ huy liền nghĩ rằng đây có lẽ là dấu hiệu bắt đầu cho số phận nghiệt ngã giữa mình và Ba Sương.
Mối tình dần chớm nở khi hai người ngày một gần nhau nhờ những ánh mắt ấm áp, cử chỉ trìu mến và đêm trăng lãng mạn ở sông Sài Gòn. Hai Hùng, Ba Sương cứ thế chìm đắm trong sự ngọt ngào của tình yêu ở một nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh.
“Một bên chết chóc, một bên em. Một bên đắng khét, một bên ngọt ngào. Có em, cuộc chiến đấu này bỗng nhẹ thoảng đi nhiều lắm, em biết không?”
– Ăn mày dĩ vãng
Tưởng như cùng nhau vượt qua khó khăn thời chiến thì sẽ được bên nhau trong thời bình nhưng tiếc thay, suốt hai mươi năm sau chiến tranh, Hai Hùng vẫn luôn khắc khoải khôn nguôi về một bóng hình cứ ngỡ đã ra đi mãi mãi.
Đến khi tha phương cầu thực ở nơi đất khách quê người, Hai Hùng mới biết sự thật rằng Ba Sương nay đã trở thành Tư Lan, giám đốc Sở Lâm nghiệp mà ai cũng kính nể. Thế nhưng, anh quyết định giữ kín bí mật này chỉ để cô có thể yên tâm sống tiếp.
Chính tình yêu cao thượng ấy đã khiến Ăn mày dĩ vãng trở nên ấn tượng với độc giả, tuy có biết bao mối tình tan vỡ khi chiến tranh kết thúc nhưng Hai Hùng vẫn thủy chung với một người con gái trong hơn hai mươi năm.
Bên cạnh chuyện tình giữa Hai Hùng và Ba Sương, sự thành công trong việc khắc họa các yếu tố lãng mạn còn được thể hiện qua tình yêu của cô xã đội trưởng Hai Hợi và người lính Tám Tính. Tại nơi chiến trường tàn khốc, họ đã vượt qua mọi rào cản đạo đức để có thể thỏa mãn nỗi khao khát xác thịt.
Không chỉ vậy, nhà văn Chu Lai còn khắc họa tình yêu thể xác qua nhân vật cô giao liên Thu và người lính miền ngoài, Tuấn. Tuy nhiên, khác với Hai Hợi và Tám Tính, chuyện tình giữa Thu và Tuấn lại mang một sắc thái khác. Đó là tình yêu với ước mơ về hạnh phúc gia đình và niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp giữa nơi ngập tràn khói lửa của bom đạn.
Đặc biệt hơn hết chính là tình cảm đơn phương dành cho Hai Hợi của chàng bác sĩ địa phương Ba Thành, bạn thân Tám Tính. Khi chứng kiến cô xã đội trưởng rơi nước mắt lúc nhìn thấy các chiến sĩ được cứu chữa bởi anh, Ba Thành biết rằng Hai Hợi đã để lại trong lòng mình một hạt giống tình yêu.
Với ngòi bút tinh tế, Chu Lai đã khắc họa thành công những mối tình bình dị và chân thành nơi trận mạc. Bên cạnh các chi tiết quen thuộc, nhà văn còn tập trung khai thác góc nhìn mới của tình yêu thể xác, một đề tài vốn được xem là nhạy cảm trong văn chương.
Dù không biết ngày mai thế nào nhưng họ vẫn lựa chọn yêu hết mình và mong chờ vào một tương lai tươi sáng, những tình cảm tưởng chừng mong manh ấy lại là động lực để người lính tiếp tục hy vọng, tin tưởng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bằng tài năng nhào nặn con chữ, Chu Lai đã đem tâm hồn lãng mạn của mình gửi vào từng trang sách, từ đó vẽ nên một bức tranh tình yêu thời chiến dù đau thương nhưng cảm động vô cùng.
Ăn mày dĩ vãng và lời nhắc nhở không được quên đi quá khứ
Là thế hệ anh hùng xẻ dọc Trường Sơn cứu nước, Hai Hùng và đồng đội đã trải qua vô vàn đau thương, khắc nghiệt của một cuộc chiến giành lại độc lập dân tộc. Thế nhưng, thời kỳ oai hùng nay đã biến mất, thay vào đó họ lại trở thành những người sống vô định, không thấy rõ tương lai.
Tuy nhiên, dù thời thế thay đổi nhưng không ai có thể phủ nhận khí chất của những người lính ấy. Trong thời chiến lẫn thời bình, họ vẫn luôn kiên cường, âm thầm hy sinh lợi ích cá nhân để đem lại hạnh phúc cho cộng đồng.
Không chỉ viết về chiến tranh, Ăn mày dĩ vãng còn là lời nhắc nhở không được quên đi quá khứ hào hùng của dân tộc. Bao thế hệ đã ngã xuống vì tương lai Tổ quốc, mỗi công dân giờ đây cần phải khắc ghi công lao ấy và ra sức giữ gìn bờ cõi nước nhà.
Với thủ pháp nghệ thuật độc đáo khi đan xen quá khứ và thực tại, tác phẩm khiến độc giả phải tự hỏi bản thân đã làm được gì cho đất nước cũng như những người chiến sĩ thời chiến. Họ trải qua quá nhiều mất mát trong chiến tranh, thậm chí trở nên lạc lõng dẫu sống trong thời bình.
Chu Lai đã thành công trong việc sử dụng ngôn từ điêu luyện, ông để lại dấu ấn trong lòng người đọc bởi những hồi ức được tái hiện chân thật cùng triết lý sâu sắc về con người và cuộc sống qua các cuộc độc thoại nội tâm của nhân vật.
Tác phẩm đã đạt được hiệu quả nghệ thuật cao nhờ sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc xót xa về cuộc đời người lính và giọng điệu ngợi ca khí chất của họ. Với ngôn ngữ giản dị cùng kết cấu đặc sắc của Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai đã khai thác thành công một khía cạnh văn học tuy nhạy cảm nhưng để lại nhiều suy ngẫm trong tâm trí bạn đọc.
Hải Băng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất