Bốn mươi năm nói láo được xuất bản vào năm 1969, đây là cuốn hồi ký chứa đựng toàn bộ những tình cảm sâu đậm và tâm huyết dành cho nghề của Vũ Bằng về một thời làm báo.
Tác phẩm khắc họa chân thực toàn cảnh nền báo chí Việt Nam và chặng đường trưởng thành mà ông đã trải qua hơn bốn mươi năm trong nghề, từ đó chúng ta có thể hiểu được tâm tư của một nhà văn, nhà báo luôn nặng lòng với tổ quốc, quê hương.
Đôi nét về nhà văn Vũ Bằng và tác phẩm Bốn mươi năm nói láo
Vũ Bằng tên thật là Vũ Đăng Bằng, sinh năm 1913 trong một gia hệ nổi tiếng khoa bảng tại huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tác giả từng theo học trường Trung học Albert Sarraut và đỗ tốt nghiệp Tú tài Pháp.
Ngay từ lúc nhỏ nhà văn đã bộc lộ được năng khiếu của bản thân dành cho nghề báo. Mặc dù chỉ mới mười sáu tuổi nhưng Vũ Bằng đã có các bài viết được đăng tải trên tờ An Nam tạp chí và chỉ một năm sau đó, tác giả cho xuất bản Lọ văn, tác phẩm gây được tiếng vang lớn trên văn đàn lúc bấy giờ nhờ vào giọng văn hoạt kê độc đáo.
Ngay từ năm đầu của thập niên ba mươi, Vũ Bằng đã trở thành chủ bút của tờ Tiểu thuyết thứ bảy, thư ký tòa soạn cho tờ Trung Bắc Chủ Nhật, cộng tác với nhiều tờ báo ở Hà Nội, Sài Gòn và là một trong những người hoạt động văn chương sôi nổi nhất vào thời điểm này.
Sau khi gặt hái được thành công liên tiếp nhờ vào việc xuất bản nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết, nhà văn đã vấp phải cú ngã đầu tiên trong sự nghiệp vì ông dần sa lầy vào các cuộc chơi và có dấu hiệu nghiện thuốc phiện nặng.
Chính nhờ sự trợ giúp của người thân cũng như cách chăm sóc tận tình, hết mực của vợ mình là bà Nguyễn Thị Quỳ, tác giả quyết tâm vực dậy sau cú trượt dài, nỗ lực làm việc để bù đắp lại khoảng thời gian mà bản thân đã phí hoài bằng cách tiếp tục viết văn và làm báo.
Năm 1948, Vũ Bằng được giác ngộ cách mạng, ông lặng lẽ xung phong vượt tuyến vào tham gia các hoạt động tình báo trong miền Nam với bí danh là X10.
Vào thời điểm này, nhà văn đã phải gánh chịu nhiều hiểu lầm và chỉ trích của người đời trong suốt khoảng thời gian rất dài, vì ông bị cho là kẻ quay lưng, phản bội kháng chiến, di cư vào miền Nam theo giặc.
Mãi đến khi tác giả qua đời, Hội Nhà văn Việt Nam mới xác minh sự sai lệch, hiểu lầm của sự việc trên và chứng nhận ông là một người chiến sĩ Quân báo thực thụ.
Sau đó, Vũ Bằng được Nhà nước truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất cùng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và cho xuất bản Vũ Bằng Toàn tập để cảm ơn những cống hiến thầm lặng của ông.
Trải qua cuộc đời bi tráng, cây bút tài năng mang tên Vũ Bằng đã đóng góp cho kho tàng văn học nước ta nhiều tác phẩm giàu ý nghĩa và chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc.
“Vũ Bằng là một hiện tượng. Trong suốt dòng sông của cuộc đời có mặt, Vũ Bằng đã đánh đổi tất cả chỉ để xin lấy về phần mình hơi thở của nghệ thuật. Vũ Bằng thích sống một đời sống nhiều đam mê, dù là tội lỗi, hơn đạo đức. Theo anh, đã sống phải nếm đủ mùi đời mới thực là sống, còn bôn ba theo đuổi danh lợi rồi chết im lìm thì chỉ là sống một cách què cụt, thiếu sót.Tuy nói vậy, chứ Vũ Bằng còn ham làm việc lắm. Anh thường nói với tôi, anh ước mong viết…”
– Nhà văn Tạ Tỵ
Có thể kể đến các tác phẩm nổi bật của nhà văn như Tội ác và tù hận, Bèo nước, Cai hay Mộc hoa vương, trong đó đặc sắc nhất phải kể đến Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội, Món lạ miền Nam và Bốn mươi năm nói láo.
Nhờ những đóng góp của mình, ông được công nhận là một trong những tài năng có công sức lớn lao trong việc cách tân tiểu thuyết, hiện đại hóa nền văn xuôi Việt Nam.
“Anh có lối tả chân thật đặc biệt và trào phúng chuyên môn, có khi rất nhẹ nhàng khả ái như Alphonse Daudet, có khi cầu kỳ lý thú như Courteline. Tôi không nói Vũ Bằng là một văn hào, nhưng chắc chắn anh là một nhà văn Việt Nam độc đáo trên lĩnh vực tả chân trào phúng, trước kia và bây giờ.”
– Nguyễn Vỹ
Bốn mươi năm nói láo là cuốn hồi ký ghi lại nhiều kỷ niệm của Vũ Bằng về một thời làm báo. Tác phẩm được xem như bức tranh bao quát về nghề báo nước ta từ thuở sơ khai cho đến khi trưởng thành và đó cũng là tâm sự thầm kín của nhà báo chân chính luôn nặng lòng với nghề viết, tận hiến vì nước nhà.
Chặng đường thăng trầm của một ký giả miệt mài với nghề báo
Từ những ngày học tại trường Vôi và trở thành bạn bè tốt với Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng đã có niềm yêu thích riêng dành cho báo chí. Ông thường giúp mẹ trông coi hiệu sách gia đình và luôn mong muốn các bài viết của bản thân sẽ được đăng tải trên báo.
Đến khi truyện Con ngựa già được đăng lần đầu tiên trên tạp chí Đông Tây thì tác giả mới chính thức bước chân vào chặng đường làm báo, cái nghề mà dân gian thường truyền nhau là “làm báo nói láo ăn tiền”. Ông bộc bạch rằng:
“Bấy giờ, người ta gọi nghề làm báo là nghề nói láo ăn tiền. Kẻ viết bài này ngã vào nghề đó đã lâu, hôm nay, ngồi giở lại cuốn sổ ký ức của mình, xin nhận ngay mình làm nghề nói láo. Vì thế tác giả lấy đầu đề tập ký ức là “Bốn mươi năm nói láo” chớ không dám đề là “Bốn mươi năm làm báo.”
– Bốn mươi năm nói láo
Lật mở tác phẩm Bốn mươi năm nói láo từ những trang đầu tiên cho đến khi kết thúc, chúng ta luôn thấy được sự trưởng thành rõ rệt của nhà văn, từ một chàng ký giả trẻ tuổi cho đến khi trở thành cây đại thụ của làng Báo Việt.
Khởi đầu bước chân vào nghề là một cậu nhóc với những quan điểm sai lệch khi coi việc làm báo vừa có tiếng lại vừa có tiền, không cần lập trường hay quan điểm chính trị. Ông từng phó mặc hiện thực cho bọn giặc Tây lo liệu nhưng sau đó Vũ Bằng đã hiểu được giá trị đích thực của nghề làm báo.
“Để lòng lên bàn tay, tôi chỉ thấy tôi là một anh nói láo trường kỳ, nói láo vô tội vạ, nói láo ra tiền, để kết cục đến bây giờ mang lấy cái nghiệp vào thân, không sao gỡ được, đành là cứ phải tiếp tục nói láo cho đến chết – vì tôi biết chắc sẽ không thể nào thoát được hai bàn tay sắt bọc nhung của bà chúa báo.”
– Bốn mươi năm nói láo
Bốn mươi năm miệt mài với nghề làm báo, Vũ Bằng đã kinh qua rất nhiều vị trí tại các tòa soạn báo khác nhau, từ thư ký tại tờ Rạng Đông sang làm bỉnh bút cho tờ Nhựt Tân, Trung Bắc đến Trung Bắc Tân văn.
Từ lần vấp ngã đầu tiên trong sự nghiệp vì bắt chước theo tác phong của các nhà báo nổi tiếng lúc bấy giờ là Hoàng Tích Chu, Phùng Bảo Thạch nên nhà văn đã quyết tâm vực dậy bản thân trở lại nghề báo với tâm thế mới mãnh liệt hơn sau khi trải qua thời kỳ khó khăn trong sự nghiệp.
Ông tiếp tục làm việc hăng say cho các tờ Lửa Sống, Dân Chúng, Hòa Bình, Đồng Nai, Saigon Mai, Tiếng Dân, Thế Giới hay Công Chúng và tham gia hoạt động trong mạng lưới tình báo kháng chiến với mong muốn đem hết tâm sức của mình tận hiến cho sự nghiệp, đất nước.
Lời dạy của người tiền bối Nguyễn Văn Vĩnh luôn đau đáu trong lòng Vũ Bằng về nhiệm vụ lớn lao của mình khi trở thành một nhà báo. Nhà văn xem đó là một vinh dự, một nghề đặc biệt mà ít ai dám đem ra khoe khoang.
“Làm báo là làm một cái gì lớn lao, nói lên được phẩm chất văn minh, hoặc ưu biệt, hoặc thoái hóa của một chế độ và hơn thế nữa, mổ xẻ tình tiết, tâm tư của con người, đi sâu vào từng khía cạnh trớ trêu, uẩn khúc và giả tạo của một chế độ để chống lại chế độ ấy, nếu cần, hầu cho xã hội vươn lên và cho giống nòi tồn tại và tiến bộ.”
– Nguyễn Văn Vĩnh
Bốn mươi năm nói láo là một cuốn hồi ký dài gắn liền với kinh nghiệm của người làm báo lâu năm đã phải trải qua nhiều khó khăn, thăng trầm. Cuốn sách giúp người đọc hiểu thêm về nghề làm báo cũng như những giá trị quý giá mà người ký giả đã nhọc công gửi gắm qua từng câu chữ.
Đây là một tác phẩm xuất sắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa ký báo chí và ký văn học với câu từ bình dị, sâu lắng, dân dã, điều này đã tạo nên dấu ấn rất riêng mang tên Vũ Bằng.
Với hơn hai mươi tác phẩm để lại cho đời, nhà văn đã đóng góp vào kho tàng văn học nước nhà là một tác phẩm sâu sắc tràn đầy những trăn trở cùng nhiều suy tư, chiêm nghiệm về sự nghiệp, cuộc đời và đất nước.
Bốn mươi năm nói láo là bức họa toàn cảnh về ngành báo chí Việt Nam
Bằng bút lực dồi dào và tài ba của mình, Vũ Bằng không chỉ là một ký giả miệt mài mà còn là chứng nhân lịch sử với những ghi chép chân thực, rõ ràng. Các tác phẩm của ông đã khắc họa toàn bộ nền báo chí Việt Nam theo dòng lịch sử, từ những năm nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, Nhật chiếm đóng đến thời kỳ đế quốc Mỹ xâm lược.
Những năm ba mươi thời kỳ Pháp thuộc, một người trẻ chập chững bước chân vào ngành báo chí như Vũ Bằng đều có quan điểm lệch lạc rằng, làm báo có thể viết bất cứ điều gì miễn là không đụng chạm vào bọn Tây thì có thể đưa vào tòa soạn để xuất bản.
Những lời bộc bạch thành thực này của Vũ Bằng chính là giai đoạn bán khai, dần định hình cho nền báo chí Việt Nam. Trải qua thời gian dài cùng nhiều biến động của đất nước, nhiều cây bút báo chí Việt Nam dần trưởng thành, có quan điểm và lập trường chính trị rõ rệt.
Theo Vũ Bằng, báo chí không chỉ là tiếng nói của nhân dân, bênh vực quyền lợi cho họ, mà còn phản ánh được nhiều sai lầm của chính phủ, những sơ hở của chế độ thực dân đồng thời đưa ra các khía cạnh bất lợi khi đối đầu với nhân dân.
Người làm báo không những phải đối mặt với sự dụ dỗ, đe dọa, quấy phá của quân địch mà còn bị hãm hại, vu cáo và chịu cảnh tù đày nhưng họ vẫn kiên cường, bất khuất, nhất quyết không từ bỏ quan điểm của bản thân, phản bội lại đất nước.
Bốn mươi năm nói láo chất chứa nhiều tình cảm sâu sắc chân thành
Những dòng tâm sự chân thành trong cuốn hồi ký Bốn mươi năm nói láo đã kín đáo cho thấy một Vũ Bằng luôn nặng lòng với nghề, chứa chan tình cảm son sắt với quê hương, đất nước và luôn tự hào vì được là nhà báo chân chính tận lực vì nền báo chí nước nhà.
Qua các tác phẩm của Vũ Bằng, độc giả dễ dàng nhận thấy văn phong của nhà văn lúc hóm hỉnh, lúc ngông nghênh nhưng luôn xen lẫn vị chua xót. Nỗi lòng của người con đất Bắc bôn ba khắp mọi miền rồi xa rời thế tục trong nghèo khổ và nỗi oan khuất phản bội cách mạng vẫn chưa kịp giãi bày.
Thế nhưng Vũ Bằng vẫn một lòng với nghề báo, day dứt trước nghịch cảnh đã làm vấy bẩn nhân cách và giá trị cao quý của người làm báo. Nhà văn từng bộc bạch rằng:
“Viết lách đơn độc và tự xoay mình trong quỹ đạo của chế độ Ngô Đình Diệm, không có tự do, không có dân chủ, tôi sẽ thành ra thứ người gì?”
– Vũ Bằng
Mặc dù đối mặt với sự đe dọa của kẻ thù, nếm trải biết bao nhiêu vinh nhục trong nghề nhưng tác giả vẫn vững tâm dùng văn chương để nêu lên tiếng nói của mình, từ đó góp công sức nhỏ nhoi vào việc cống hiến cho đất nước.
“Người làm báo phải tha thiết với tự do, dân tộc, kinh qua những nghịch cảnh, thăng trầm để chống lại độc tài, độc đoán dưới mọi hình thức quan lại, phong kiến hay dân chủ giả tạo.”
– Bốn mươi năm nói láo
Vũ Bằng là một nhà văn, nhà báo cũng là người lữ hành đơn độc hiên ngang và mạnh mẽ trên hành trình cuộc đời, ông như một đóa hoa Antigone trong huyền thoại Hy Lạp luôn tận hiến vì đất nước độc lập, hòa bình.
Bốn mươi năm nói láo là cuốn hồi ký chứa đựng nhiều giá trị văn học và sử học quý báu, thắp lên trong lòng mỗi người niềm trân trọng đối với nghề báo cũng như sự cống hiến thầm lặng miệt mài của những ký giả vô danh luôn tận tụy vì đất nước, quê hương.
Khả Di
Phan Quyên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất