Đại dương cuối đường làng là tiểu thuyết xuất sắc của nhà văn Neil Gaiman, được xuất bản vào năm 2013 tác phẩm sẽ đưa bạn đọc đến với một thế giới giả tưởng mà ẩn chứa trong những câu chuyện u ám, bi thương ấy là sự dũng cảm của con người khi đối diện trước nguy hiểm.
Đôi nét về Neil Gaiman và tác phẩm Đại dương cuối đường làng
Neil Gaiman là một tiểu thuyết người Anh sinh năm 1960, ông đã khẳng định được tên tuổi của mình ở nhiều thể loại viết lách như truyện ngắn, truyện tranh và kịch bản phim.
Ngay từ khi còn nhỏ ông đã có niềm say mê đặc biệt với những tác phẩm văn học, thời thơ ấu của nhà văn gắn liền với những cuốn sách phiêu lưu giả tưởng và thần thoại Hy Lạp.
Ông làm việc cho nhiều tạp chí khác nhau như Timeout hay Sunday Times và thành công khẳng định được tài năng văn chương của mình qua các ấn phẩm truyện tranh, trong đó nổi tiếng nhất là The Sandman được ra mắt năm 1989.
Sau tập tiểu thuyết đầu tay mang tên Good Omens được xuất bản vào năm 1990, sự nghiệp của Neil Gaiman thăng hoa với một loạt cuốn sách đình đám, trong đó phải kể đến American Gods, Cô bé Coraline và Câu chuyện nghĩa địa.
Neil Gaiman bị ảnh hưởng bởi những cuốn sách đã đọc khi còn nhỏ nên ông thường xuyên dựng lên một thế giới thần bí và vô cùng ma thuật trong đa phần các tiểu thuyết của mình.
Tuy tác giả tập trung viết truyện thiếu nhi nhưng lại tiếp cận được rất nhiều đối tượng bạn đọc bởi những câu chuyện nhân văn và thông điệp ý nghĩa mà bản thân muốn gửi gắm vào trong mỗi tác phẩm của mình.
Đại dương cuối đường làng là một trong những cuốn sách mang đậm phong cách của nhà văn, ở tác phẩm này ông tiếp tục xây dựng nên một thế giới giả tưởng với nhiều yếu tố ma mị và không kém phần căng thẳng.
Đây là tập tiểu thuyết kể về một người đàn ông đã ngoài bốn mươi tuổi, khi trở về ngôi làng cũ mang tên Sussex để dự đám tang, ông đã ghé thăm trang trại cũ của nhà Hempstock, tại đây từng mảnh kí ức đau thương về thời thơ ấu trong tâm trí bỗng chốc ùa về.
Chạy theo dòng hồi ức của nhân vật chính, ngược về khoảng thời gian khi ông chỉ là một cậu bé bảy tuổi say mê đọc sách và sống tách biệt với thế giới bên ngoài.
Đến khi ông gặp được cô bé tên Lettie Hempstock thì bản thân đã khám phá ra rất nhiều điều thần bí diễn ra trong ngôi làng mình đang sống, từ đây những câu chuyện li kì, hấp dẫn nhưng cũng vô cùng bi thương dần được hé lộ.
Vượt qua bóng tối nhờ vào lòng tin và sự dũng cảm
Nhân vật chính trong tác phẩm không có tên gọi cụ thể mà chỉ được biết đến qua danh xưng tôi, xuyên suốt câu chuyện là bộ phim tua ngược qua thế giới quan của một cậu bé bảy tuổi.
Câu chuyện bắt đầu từ cái chết kì lạ của ông thợ đá mắt mèo sau đó là hàng loạt sự kiện không may xảy đến với nhân vật chính và gia đình cậu.
Nhân vật tôi vô tình quen được Lettie Hempstock, một cô bé mười một tuổi biết phép thuật, cô dường như am hiểu mọi thứ hơn bất cứ người lớn nào trong ngôi làng Sussex này và chính Lettie là người đã giúp cậu bé ấy vượt qua những rối ren đang bất ngờ xảy đến.
Cậu phải đối mặt với một thế lực hắc ám cổ xưa ẩn thân dưới dáng vẻ của cô gái xinh đẹp mang tên Ursula Monkton, mụ ta chen chân vào gia đình của cậu và làm nảy sinh hàng loạt bi kịch.
Những bế tắc cứ dồn dập kéo đến để lại những tổn thương không thể chữa lành trong lòng cậu bé bảy tuổi mà đến bây giờ khi đã trạc ngoài bốn mươi, lúc nghĩ lại, cậu vẫn phải rùng mình sợ hãi.
Vốn dĩ gia đình luôn là nơi an toàn nhất để bản thân nương tựa thế nhưng khi Ursula Monkton đến và chiếm trọn niềm tin của bố mẹ, em gái cậu thì không một thành viên nào tin lời cậu nói, để rồi nhà đã trở thành chốn địa ngục mà nhân vật chính không muốn quay trở về nhất.
Nỗi kinh hoàng xảy đến với một đứa trẻ bảy tuổi khi bị chính tay người bố ruột dìm xuống nước, mặc cho cậu đang giãy giụa trong hoảng sợ và tuyệt vọng.
“Lúc này, bố lại nhấn tôi xuống, nhưng nỗi sợ chết cho ta sức mạnh: Hai bàn tay và răng tôi kẹp lấy chiếc cà vạt nên bố không thể gỡ ra mà không đánh tôi.”
– Đại dương cuối đường làng
Trong thời khắc ấy, nhân vật chính lại càng ham sống hơn bao giờ hết, cậu tìm mọi cách để cứu lấy bản thân, đặc biệt là gia đình của mình, một đứa trẻ tuy nhỏ bé, ngày ngày chỉ quanh quẩn bên sách vở nhưng lại vô cùng gan góc và lì lợm.
Xuyên suốt mạch truyện, nhân vật tôi phải đối mặt với vô vàn điều đáng sợ như ma quỷ nhưng điều khiến cậu bé đau đớn và tổn thương nhất lại là vết nứt trong gia đình, Ursula Monkton đã mê hoặc người bố để rồi khiến cho ông sẵn sàng hành động tàn nhẫn với đứa con của mình.
Hằng ngày cậu là đứa trẻ nhát gan luôn run rẩy và khiếp đảm trước bóng tối thế nhưng khi trong tim cậu có một lỗ hổng lớn hơn được tạo bởi tổn thương gia đình thì màn đêm đặc quánh ấy đã không còn hề hấn gì với cậu nữa.
“Trong vài giờ qua, tôi đã đương đầu với những thứ còn khủng khiếp hơn cả bố. Thế rồi, bất chợt tỏi chẳng còn quan tâm nữa. Tôi ngước nhìn lên hình thù đen thui đằng sau và bên trên ánh đèn pin mà nói, “Khiến một thằng bé khóc có làm bố thấy mình quan trọng không?” và khi vừa nói ra, tôi đã biết đó là điều mình không bao giờ nên nói.”
– Đại dương cuối đường làng
Nhân vật tôi tìm mọi cách để thoát ra khỏi nhà rồi tìm đường đến trang trại của gia đình Hempstock, trong khoảng không đen như mực ấy, cậu bé như con thiêu thân bay vào màn mưa đổ xối xả mặc cho sỏi đá và gai cây mâm xôi đang cứa lên đôi bàn chân đến ứa máu.
Trong khoảnh khắc nhân vật tôi mệt mỏi và kiệt sức nhất thì cậu đã nghĩ đến Lettie, cô bé như nguồn ánh sáng duy nhất mà bản thân có thể bám víu để khẩn cầu sự giúp đỡ, bởi cô bé là một người tốt bụng luôn ra sức bảo vệ nhân vật tôi nền điều đó khiến cậu luôn cảm thấy an toàn.
Cậu nhóc bảy tuổi đặt hoàn toàn niềm tin vào cô gái nhà Hempstock, một người cậu chỉ vừa mới quen dù cho bên tai là những lời dụ dỗ, xúi giục đang không ngừng bủa vây, chính lòng tin và tình bạn chân thành giữa những đứa trẻ đã cứu sống nhân vật chính khỏi cạm bẫy của các thế lực bóng tối.
“Tôi ngẫm nghĩ điều mình vừa nói và biết đó là sự thật. Phút giây ấy, lần đầu tiên trong tuổi thơ mình, tôi không sợ bóng tối và đã hết sức sẵn sàng để chết (sẵn sàng như bất kỳ đứa bảy tuổi nào có thể sẵn sàng, những đứa luôn đinh ninh trong đầu là mình sẽ bất tử), nếu như tôi chết trong khi chờ Lettie. Vì cô bé là bạn tôi.”
– Đại dương cuối đường làng
Đại dương cuối đường làng còn là câu chuyện về lòng tốt của gia đình nhà Hempstock, họ sẵn sàng giúp đỡ nhân vật chính dù đó chỉ là một người xa lạ, quan tâm cậu bé bằng tất cả tình yêu thương của một người bà và người mẹ.
Cuốn sách còn ca ngợi tình bạn trong trẻo, đẹp đẽ giữa nhân vật tôi và Lettie, đó là thử tình cảm vô cùng thuần khiết giữa những đứng trẻ không so đo hay vụ lợi, chính điều ấy đã giúp cho cậu bé bảy tuổi tìm được lối thoát ra khỏi những bi kịch của mình.
Đại dương cuối đường làng vén mở những câu chuyện trong thế giới của người lớn
Trong cuốn sách Đại dương cuối đường làng, Neil Gaiman đã bóc tách những vấn đề ẩn sâu trong thế giới phức tạp của người lớn được thể hiện qua góc nhìn của một đứa trẻ.
Nhân vật tôi nhận ra, giữa những người trưởng thành mọi thứ đều có thể dễ dàng thay đổi, như việc cậu cho rằng bố mẹ luôn là một khối vẹn toàn, không thể phá vỡ nhưng chỉ với sự xuất hiện của Ursula Monkton thì sự kiện đó đã xáo trộn và phá vỡ mọi trật tự của nó.
“Bố mẹ tôi là một khối vẹn toàn, bất khả xâm phạm. Tương lai bỗng đâu trở nên bất định: Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Lúc ấy, con tàu đời tôi đã trật đường ray mà tiến về hướng khác, băng qua những cánh đồng và đang cùng tôi chạy xuống đường làng.”
– Đại dương cuối đường làng
Người lớn luôn phải đối diện với bài toán lòng tham, chính điều này đã tạo ra lỗ hổng lớn cho những thứ xấu xa chen chân vào để rồi dần phá hoại cuộc sống, tiền bạc khiến cho họ mờ mắt và trở nên mất phương hướng cho cuộc đời của chính mình.
Bên cạnh đó, tác phẩm còn khẳng định rằng, người trưởng thành quá bảo thủ và không bao giờ chịu khám phá cho riêng mình những hướng đi hay lựa chọn mới.
Họ luôn sống trong một cái khuôn được đúc sẵn, tẻ nhạt và nhàm chán, trong khi đó trẻ thơ lại có trí tưởng tượng vô tận cùng với niềm đam mê khám phá nên chúng có thể tìm ra những điều mới mẻ, tuyệt vời.
“Người lớn theo lối mòn. Trẻ con thì thám hiểm. Người lớn bằng lòng đi mãi một lối hàng trăm lần hay hàng ngàn lần; có lẽ người lớn chưa bao giờ chợt nghĩ tới chuyện bước ra khỏi lối mòn, bò bên dưới đám đỗ quyên, tìm những khoảng hở giữa các hàng rào.”
– Đại dương cuối đường làng
Bởi trong thế giới của người trưởng thành cũng tồn tại những góc khuất mà họ không thể chia sẻ cho ai và những nỗi buồn luôn phải kìm nén nên một đứa trẻ bảy tuổi đã vô cùng lúng túng khi thấy bố mình khóc vì nó tưởng rằng, nơi người lớn sống sẽ không có bất cứ giọt nước mắt nào.
Cô bé Lettie cũng nói rằng, trên khắp thế gian rộng lớn này không ai thực sự lớn hết, họ chỉ là những đứa trẻ với dáng vẻ cao lớn và hành động như thể luôn biết mình cần làm gì.
“Tôi không biết phải làm sao khi người lớn khóc. Đó là chuyện trong đời tôi mới thấy có hai lần: Tôi đã thấy ông bà khóc khi cô tôi mất trong bệnh viện, tôi cũng từng thấy mẹ tôi khóc. Họ không có mẹ để dỗ dành mình.”
– Đại dương giữa đường làng
Bởi cuốn tiểu thuyết chỉ là dòng hồi tưởng về hơn ba mươi năm trước của một người đàn ông nên điều đó đã gây được không ít tò mò cho độc giả rằng, liệu Ursula Monkton có thực sự tồn tại hay đó chỉ là phép ẩn dụ cho những góc tối trong thế giới của những người trưởng thành.
Đại dương cuối đường làng thực sự là cuốn sách đáng đọc của Neil Gaiman, bởi nó phù hợp cho mọi đối tượng độc giả, sau khi gấp lại cuốn sách, chúng ta đều sẽ có cho mình những suy nghĩ và cảm nhận riêng về ý nghĩa đích thực mà cuộc sống đem lại.
Ngọc Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất