Tiểu thuyết Mùa gió chướng là một trong những tác phẩm xuất sắc được nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết vào năm 1975. Tác phẩm là bản hùng ca về tinh thần của nhân dân miền Nam trong những năm tháng chiến tranh nhiều mất mát, đau thương.
Không chỉ vậy, cuốn sách còn là tiếng lòng đầy trìu mến của một tâm hồn Nam Bộ giàu tình cảm và mộc mạc, chân thành, được thể hiện xuất sắc qua ngòi bút của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Vài nét về nhà văn Nguyễn Quang Sáng và tiểu thuyết Mùa gió chướng
Nguyễn Quang Sáng còn có bút danh Nguyễn Sáng, ông sinh năm 1932, nguyên quán tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Nhà văn sinh ra trong một gia đình làm thợ bạc, lớn lên tại miền Tây Nam Bộ và sớm nuôi dưỡng lòng yêu nước sâu sắc cùng tinh thần cách mạng quật cường.
Tháng 1946, trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, Nguyễn Quang Sáng đã xung phong đi bộ đội làm liên lạc viên cho đơn vị Liên Chi 2, bắt đầu sự nghiệp cách mạng của mình.
Năm 1955, Nguyễn Quang Sáng theo đơn vị tập kết ra Bắc, rồi chuyển ngành về làm cán bộ phòng Văn nghệ Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Hai năm sau, ông trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và từ đó cho ra đời rất nhiều những tác phẩm văn học xuất sắc.
Cho dù sinh ra và lớn lên ở An Giang, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã dành gần hai mươi năm chiến đấu và làm việc tại thủ đô Hà Nội. Bởi vậy, nhà văn có cơ hội được trải qua những giai đoạn lịch sử của đất nước ở những vùng miền khác nhau, từ đó hồn văn của ông càng thấm thía hơn vẻ đẹp quê hương.
Với lối viết giản dị, không cầu kì hoa mỹ, văn Nguyễn Quang Sáng dễ dàng đi vào tâm khảm độc giả nhờ những giá trị quý báu về tình người và tình yêu quê hương, đất nước.
“Trong sự nghiệp văn chương, Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn xuất sắc của Việt Nam. Các truyện ngắn của ông giản dị và dễ đi vào lòng người. Nó chứa đựng tất cả các yếu tố để làm nên vẻ đẹp cho một cậu chuyện: ngôn ngữ đối thoại, cách dựng truyện, lựa chọn nhân vật…Trong các tác phẩm ấy, ông kể câu chuyện xúc động, thật đến mực giống như không phải ông đang viết văn mà là kể cho chúng ta nghe những câu chuyện của chính cuộc đời của ông vậy”
– Nguyễn Quang Thiều
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn học quý giá bởi những đóng góp của ông cho nền văn học nước nhà như Giải Mai vàng cho Nhà thơ xuất sắc năm 1997, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt II năm 2001 và nhiều thành tựu từ các tác phẩm khác.
Nguyễn Quang Sáng trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2014. Sự ra đi của ông để lại niềm thương tiếc vô hạn với gia đình, đồng nghiệp và trái tim độc giả mọi miền, đặc biệt là những người luôn say đắm phong vị Nam Bộ trong từng sáng tác của nhà văn.
Trong suốt đời văn của mình, Nguyễn Quang Sáng đã mang đến cho độc giả không ít những tác phẩm sâu sắc, thấm đẫm tình thương và tinh thần nhân đạo, trong đó phải kể đến truyện ngắn Chiếc lược ngà, Con chim vàng hay Đất lửa.
Ông đã để lại cho nền văn học Việt Nam những di sản nghệ thuật giản dị mà đẹp đẽ, những trang văn sinh ra từ một trái tim chất phác, hồn hậu.
Tiểu thuyết Mùa gió chướng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, ra đời năm 1975. Cuốn sách vừa mang đậm tinh thần hào hùng và ý chí chiến đấu của quân dân miền Nam trong kháng chiến vừa chứa đựng nhiều đau thương, mất mát.
Tiểu thuyết Mùa gió chướng của ông đã từng được dịch sang tiếng Nga và được đạo diễn Hồng Sến dựng thành phim.
Có một miền Nam anh dũng kiên cường trong Mùa gió chướng
Mùa gió chướng là một cuốn tiểu thuyết khắc họa tinh thần đấu tranh đầy kiên cường của nhân dân Nam Bộ chống lại sự đàn áp, ý đồ dời dân lập ấp của quân địch. Cuộc đấu tranh đó đã trải qua nhiều gian nan, thử thách, chứng kiến biết bao hy sinh mất mát.
Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật “tôi” và Năm Bờ, hai chiến sĩ cách mạng hoạt động ở vùng miền Tây Nam Bộ. Hoạt động cách mạng và kháng chiến của hai người gắn liền với sông nước miền Tây, với những lần săn đuổi của máy bay Mỹ cùng những trạm giao liên nhỏ bé có thể bị nổ tung bất cứ lúc nào.
“Tôi xa cánh đồng, cánh đồng mà tôi vừa nghe ngọn gió và chưa nhìn thấy nó đã hai mươi năm, từ năm 1950, khi tôi theo bộ đội xuống tận rừng U Minh. Không còn mấy trăm thước nữa là tôi lại được nhìn thấy nó, thế mà bây giờ tôi cứ phải nằm đây, nằm trên võng dưới cái bóng nhỏ của cây rừng.
Ngọn gió trên cánh đồng khuấy lên trong tôi biết bao kỷ niệm, nhớ nhung.
Tôi đang thả mình theo ý nghĩ thì chợt có tiếng bay của một bầy trực thăng. Nó đang quần đảo ở đâu ngoài kia. Nghe xa xa vậy, nhưng ào một cái là nó sà qua mặt mình, không kịp tránh. Tôi đã từng đụng nó ở một làng ven ô Sài Gòn hồi mùa xuân năm 1968.”
– Mùa gió chướng
Trong tác phẩm, độc giả cũng không khó nhận ra được bóng dáng những người mẹ, người chị Việt Nam anh hùng thông qua hình ảnh những nhân vật nữ đầy can trường, đảm đang như Sáu Linh, Bé Ba hay bà Chín.
Họ là biểu trưng cho những người phụ nữ trung hậu, vất vả dù bộn bề lo toan nhưng cũng không quên đi trách nhiệm với Tổ quốc. Mặc cho cuộc sống khó khăn và vất vả, thậm chí chịu nguy hiểm đến tính mạng, những nữ chiến sĩ vẫn xông pha, tiên phong trên con đường kháng chiến cách mạng.
“Đàn bà con gái như sao ở trên trời. Qua bao nhiêu trào rồi, tôi nghiệm thấy như vậy. Ban ngày ban mặt, sao hôm sao mai gì cũng lặn hết. Nhưng trời càng tối thì sao lại càng sáng. Cách mạng thoái trào, vai trò phụ nữ lại nổi bật. Như hồi thằng Diệm, thời kỳ “điều lắng” ấy, mỗi người đi một nơi, lúc đó ai là người đi nối lại cơ sở? Chính là các bà má, các chị, với các em. Ai là người nuôi giấu cán bộ? Như cái làng Mỹ Hương mà mình sắp về, lúc đó mấy má, mấy chị đêm nào cũng tụ tập lại một chỗ vắng, đổ nước vô lỗ mũi nhau, để tập. Ai chịu đựng giỏi mới được rước cán bộ về nuôi. Nhưng cũng lạ, có một má gọi là má Mười, lúc tập, nước đổ vô mũi chưa được nửa tỉn thì la oai oái, hai tay cứ quơ lên, gạt cái tỉn nước ra ngoài, rồi sặc sụa, mặt mày tái mét, mũi dãi chảy lòng thòng. Má bị rớt trong cuộc thi đó. Vậy mà khi vào tù, bị tra tấn, bị đổ bao nhiêu nước, má cũng không khai. Sau đó, má là người được cử đi đón tôi về nuôi. Gặp tôi má hỏi: “Lâu nay con ăn ngủ ở đâu?”. “Ngoài bờ ngoài bụi chớ đâu má!”. Má nuôi giấu tôi trong nhà được hơn tháng. Biết bọn giặc chú ý, nghi ngờ, tới lui rập rình, tôi chuyển. Đưa tôi đi, má hỏi: “Bây giờ con đi đâu?”. “Con ra ngoài bờ”. – Tôi đáp. “Bờ” – Má lặp lại, rồi má khóc. Sau này má cứ gọi tôi là thằng Bờ. Má hy sinh rồi. Tôi lấy tên đó làm kỷ niệm.”
– Mùa gió chướng
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của cả dân tộc ấy, mỗi người dân không kể gái trai, già trẻ đều mang trong mình trách nhiệm chiến đấu đến cùng, luôn ghi tạc trong trái tim lời thề sắt son với Tổ quốc mẹ hiền.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa những năm tháng chiến đấu ở miền Nam đầy gian nan nhưng cũng đẹp đẽ muôn phần ấy qua từng trang sách.
Dẫu cho sống trong mưa bom lửa đạn, nguy hiểm luôn rình rập mọi nơi, nhân dân Nam Bộ vẫn không mất đi sự hồn hậu, chân thành vốn có và ngọn lửa lạc quan, hy vọng vẫn luôn âm ỉ cháy trong tâm hồn mỗi người.
“Hồi trước khi Mỹ mới đổ quân, nó định xúc dân ra bờ sông, viện cớ là dân ở trong vườn dễ chứa Việt cộng. Dân không đi, nó cho trực thăng bay dọc theo kinh, bắn ngày bắn đêm. Cả làng mới dời nhà ra đồng, rồi kéo biểu tình, cho người nói với nó là: dân bỏ làng thì ruộng bỏ hoang, dân dời nhà ra đồng ở “lộ thiên” cho nó thấy. Cho nên mấy năm nay, tất cả các làng ở dọc theo bờ kinh trên đồng Tháp Mười đều dời ra đồng là vậy. Bay trên trời, nhìn xuống thấy nhà, thấy người, nó mới chịu. Nó nghi nhà nào thì trực thăng nó dừng lại trước cửa nhà đó, thò đầu ra nói chuyện. Có lúc, nó cho trực thăng đứng ngay trên nóc nhà người ta, đưa bồ cào cào mái nhà người ta để dòm xuống kiểm soát. Dân phải sống nửa hợp pháp, nửa bất hợp pháp. Còn bộ đội, du kích, cán bộ thì bám lấy địa hình, vậy mà, đêm vui lắm. Ngoài đồng, nhà đỏ đèn như sao sa. Nhà nào cũng mở ra-đi-ô nghe đài Hà Nội, đài Giải phóng.”
– Mùa gió chướng
Trong từng trang tiểu thuyết, vẻ đẹp tâm hồn người Việt Nam được tô sáng lên nhờ những phẩm chất quý báu cùng tinh thần anh dũng chưa bao giờ phai nhòa trong vất vả, khó khăn.
Nguyễn Quang Sáng đã gửi vào con chữ lòng thương yêu hướng về miền Nam ruột thịt, sự trân trọng giá trị tâm hồn của nhân dân và niềm mong mỏi bình yên chất chứa bao nỗi xót xa về đau thương, mất mát.
Những mất mát chiến tranh phản chiếu trong tác phẩm
Đằng sau những cuộc chiến khốc liệt là những đau thương, là tấm gương hiện thực tàn nhẫn của một thời đất nước chìm trong tăm tối, loạn lạc. Chiến trường cũng khắc lên hình hài người lính những vết sẹo về thể xác cùng những nỗi đau trong tâm hồn không thể nguôi ngoai.
Đặc biệt trong tiểu thuyết, nhân vật Năm Bờ được nhà văn Nguyễn Quang Sáng miêu tả như một hình ảnh biểu tượng của người chiến sĩ bước ra từ bom đạn, với đầy những vết thương trên da thịt và sâu thẳm trong trái tim.
Anh đã mất đi một con mắt và cho dù được kịp thời thay thế, cứu chữa nhưng độc giả vẫn cảm nhận được qua ngòi bút của Nguyễn Quang Sáng một phần hình hài và linh hồn chắp vá không thể lành lại của Năm Bờ.
“Hai cái võng mắc theo hình tam giác giữa ba thân cây. Mỗi người một võng, nằm ngược chiều nhau, để lúc chuyện trò, không phải xoay trở gì, vẫn cứ thấy mặt nhau. Năm ngày đi đường, nhìn anh tôi đã quen mắt, không như những lần đầu, mới nhìn anh, tôi cứ áy náy. Anh bị thương ở con mắt phía bên trái, đã được lắp bằng một con mắt giả. Nhìn con mắt ấy của anh, trong con mắt tôi có gì cồm cộm không yên. Anh mới ba mươi sáu cùng một tuổi với tôi, tóc vẫn xanh, nhưng trông anh cằn cỗi quá, da lại xám xịt vì vết thương và sốt rét rừng. Bây giờ nhìn anh tôi đã quen, có lúc chợt thấy anh có vẻ đẹp trai nữa.”
– Mùa gió chướng
Những nhân vật hiện lên với đầy nét khiếm khuyết nhưng hình ảnh con người trong chiến tranh vẫn luôn đẹp đẽ, đáng trân trọng qua từng trang tiểu thuyết.
Mỗi người trong số họ đều có một số phận khác nhau, có gia đình và những tình cảm riêng tư nhưng vì Tổ quốc, tất cả đều sẵn sàng dấn thân vào cuộc chiến đấu gian khó, hy sinh một phần cuộc đời mình cho sự trường tồn của đất nước.
“Lá thư giấu dưới làn áo gối. Thư viết trên một tờ giấy trắng mỏng không kẻ mà vẫn ngay hàng thẳng lối, chữ nghiêng về một phía như hàng lúa ngả theo chiều gió, chữ viết thật đẹp thật xinh, chữ đẹp hơn cả cô giáo làng đã dạy cô. Lúc đầu cô thích ngắm chữ đẹp, rồi cô đọc: “Má kính yêu của con! Con đã đến nơi, xin má đừng trách con đã lâu mà không viết thơ cho má, để má ngày đêm tựa cửa ngóng trông. Con của má vẫn mạnh khỏe, làm ăn tấn phát. Má đừng lo cho con mà hao mòn sức khỏe lúc tuổi già. Xin má tha lỗi cho con, vì nước mà con đành bất hiếu”. Đọc đến câu cuối, đôi mắt của cô gái nghe xon xót và cô thuộc lòng cả bức thư. Cô đem lòng thương người con vì nước mà đành bất hiếu đó.”
– Mùa gió chướng
Cuốn tiểu thuyết đem đến cho độc giả một góc nhìn thật khác về sự hy sinh, về nỗi đau trong chiến tranh. Sự thống khổ của cả dân tộc được góp từ nỗi niềm của mỗi con người và chính bởi lẽ đó, từng người với hoàn cảnh khác nhau đều mang trong mình một khao khát hòa bình cho Tổ quốc.
“Tôi không chú ý nghe, không phải vì thờ ơ với câu chuyện của Mai, mà lúc đó, tôi đang nghĩ đến cô. Chúng ta, mọi người đều sẵn sàng hy sinh những gì quý báu nhất của đời mình cho độc lập tự do, nhưng sự hy sinh không thể chia đều cho mọi người. Mai đã nhận phần nhiều về mình. Và từ đó, cô lớn lên – là người chỉ huy của một đội pháo, đồng thời cũng là chị của một đàn em. Vây quanh mình là các em du kích, Mai ngồi đó, bộ quần áo bà ba của pháo thủ, ngắn gọn, bạc màu, tóc cắt ngắn như cô công nhân trong xưởng máy, đậm đà với vẻ sâu xa, giọng thâm trầm chững chạc… Sự có mặt của Mai trong tâm hồn tôi đêm ấy, không chỉ là một nét, đôi mắt, hay nụ cười, mà cả hình dáng và cả cuộc đời của cô.”
– Mùa gió chướng
Có những người phải để lại một phần cơ thể mình nơi chiến trận như Năm Bờ, có những người lại buộc phải gác những tình cảm riêng tư của bản thân cho sự nghiệp lớn của dân tộc. Có người được lưu danh sử sách, có người lại mãi nằm lặng im nơi đạn bom khốc liệt.
Nguyễn Quang Sáng đã nâng niu, ngợi ca tất thảy những con người ấy, khắc ghi công sức của họ vào dòng chảy lịch sử bất tận thông qua từng con chữ.
Những mối tình nảy nở trong Mùa gió chướng
Tiểu thuyết Mùa gió chướng còn in đậm trong lòng người đọc ấn tượng về bao mối tình giản dị mà sâu nặng. Trong những thời khắc tàn nhẫn nhất của chiến tranh, con người vẫn luôn tìm thấy nhau, vẫn nghe thấy nhịp đập rộn ràng của trái tim giữa muôn trùng tiếng bom, tiếng đạn.
Họ cảm mến nhau qua ánh mắt, nụ cười, nhờ những lần trải qua hiểm nghèo cùng nhau mà vun đắp nên tấm chân tình. Tình yêu trong Mùa gió chướng giản dị mà bền chặt, hệt như tâm hồn người Nam Bộ thuần khiết, dịu dàng.
“Chuyện mà Út Đợ nói với tôi lúc đó không có ý nghĩa gì đối với trận đánh và đang trên đường tiến quân, chuyện anh nói tưởng như lạc lõng nhưng tôi lại nhớ đến một lời: Khi người ta yêu nhau người ta thường hay hỏi nhau: “Sao em yêu anh”, “Sao anh yêu em” hay là “Anh yêu em từ lúc nào”… Mùa gió chướng năm sau trước khi tôi trở về Rờ, Mai tiễn tôi đến trạm giao liên. Đó là cái chòi hoang trên cánh đồng Tháp Mười.”
– Mùa gió chướng
Chính tình yêu thuần khiết ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho họ, để những người chiến sĩ, những người dân vững tin trên con đường cách mạng nhiều gian khổ. Giữa hoàn cảnh khắc nghiệt, con người vẫn luôn tin tưởng, hy vọng vào tương lai, luôn yêu đời và tràn đầy khát vọng bởi trong tim họ luôn giữ mãi một ánh lửa hồng của tình yêu.
“Tôi mong mỏi được thấy hai người sẽ vì đó mà yêu thương nhau hơn, để được nói lên một ý nghĩ mà tôi đã chuẩn bị trước. Viên đạn ấy có thể phá vỡ con mắt anh, có thể giết cả anh nữa, nhưng không thể nào phá được hạnh phúc của anh; đường đi của nó, viên đạn của quân thù dù có đi xa đến mấy cũng không thể chạm tới tâm hồn của chúng ta!”
– Mùa gió chướng
Trong Mùa gió chướng, nhà văn không ngần ngại khắc họa hiện thực nhiều khó khăn và đau thương của chiến tranh nhưng đồng thời cũng hết lòng ngợi ca và trân trọng những giá trị đẹp đẽ trong tâm hồn con người.
Nguyễn Quang Sáng đã dành tặng những người chiến sĩ, nhân dân tình cảm trân trọng và biết ơn vô ngần. Để có được độc lập như ngày hôm nay, biết bao người đã ngã xuống, đã không ít những số phận phải chịu cảnh cô liêu.
Không chỉ vậy, cuốn tiểu thuyết còn là khúc tâm tình thấm đẫm nhớ nhung mà tác giả gửi cho miền Nam ruột thịt, mảnh đất đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn ông.
Bằng tình cảm dạt dào cùng lối viết giản dị, chân thật, Nguyễn Quang Sáng đã mang đến một Mùa gió chướng đầy xúc động, thổi vào trái tim độc giả hơi ấm của tình thương và niềm hy vọng, dù là trong những hoàn cảnh khốn cùng nhất của chiến tranh.
Tuệ Anh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất