Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của nhà văn người Mỹ Mark Twain được xuất bản năm 1884, tác giả đã thành công trong việc gợi mở ra những giá trị nhân văn cốt lõi trong tác phẩm thông qua hành trình dọc dòng sông Mississippi của nhân vật Huckleberry Finn.
Đôi nét về Mark Twain và Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn
Mark Twain sinh năm 1835 với tên thật là Samuel Langhorne Clemens, ông được xem như nhà văn trào phúng hàng đầu của nền văn học Mỹ, khi nhắc đến cây bút này nhà báo Ron Powers đã từng nhận xét rằng:
“Mark Twain đã làm thay đổi cách nghe nhìn của người Mỹ, ông chính là một Lincoln trong văn học.”
Năm 1857, ông bắt đầu học nghề lái tàu từ Horace Bixby thì bản thân đã say đắm phong cảnh của dòng sông Mississippi, nơi mà con tàu hàng ngày vẫn đi qua nên điều đó khiến cho Mark Twain càng yêu thích công việc này hơn bao giờ hết.
Dòng sông Mississippi trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho Mark Twain và đã nhiều lần xuất hiện trong những áng văn của ông, đặc biệt phải kể đến Đời sống trên dòng sông Mississippi.
Mark Twain đặc biệt thành công trong dòng văn trào phúng với lối nói mỉa mai, châm biếm, thông qua các tác phẩm ông đã lên án giai cấp cầm quyền, chế độ nô lệ, phân biệt chủng tộc cũng như những phong tục, định kiến cũ.
Con đường đến với văn chương của nhà văn khiến nhiều người bất ngờ khi ông nhanh chóng nổi tiếng sau tác phẩm hài Con ếch nhảy trứ danh ở Calaveras, mẩu truyện mà bây giờ được đánh giá khó có thể lấy được bất kì tiếng cười nào của độc giả.
Năm 1873, Mark Twain đã xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Thời kì vàng son và ba năm sau ông cho ra mắt cuốn sách tiếp theo với tựa đề Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer.
Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn được xem như phần tiếp theo của Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer đồng thời đây cũng là tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp của Mark Twain. Cuốn truyện được viết theo ngôi thứ nhất qua lời kể của Huckleberry Finn, cậu là bạn của Tom Sawyer.
Huckleberry Finn là cậu bé mang trong mình tâm hồn tự do và bay bổng vì cậu không thể chịu nổi cuộc sống gò bó, khuôn phép, tệ hơn là khi người cha tưởng rằng đã chết lại quay trở về và hành hạ cậu.
Cậu đã đưa ra một quyết định táo bạo là làm giả hiện trường mình đã chết và trốn thoát, từ đây Huck cùng Jim, một nô lệ da đen bắt đầu chuyến phiêu lưu dọc dòng sông Mississippi. Xuyên suốt cuộc hành trình ấy, Huckleberry Finn đã khám phá ra bản thân với những mục đích và khát vọng đúng đắn.
Cậu bé Huckleberry Finn nhân hậu và dũng cảm
Sau chuyến hành trình với Tom Sawyer, cậu được bà góa Douglas nuôi nấng và dạy dỗ, mặc dù cậu có được một cuộc sống đầy đủ và sung túc nhưng Huck lại luôn cảm thấy bị gò bó vì phải luôn tuân theo những chuẩn mực nhất định.
Một lần nọ, cha cậu đã uống say rồi đưa cậu đến một căn lều lộn xộn và bẩn thỉu ở sâu trong rừng nhưng Huck lại cảm thấy rất thoải mái với lối sống tự do nơi đây nên cậu muốn được tự mình khám phá thế giới thay vì phải học những giáo điều nhàm chán.
Cũng chính vì thế mà cậu đã quyết định bỏ trốn đến hòn đảo không người, tại nơi này, Huck đã gặp Jim, nô lệ bỏ trốn của bà Waston, hai người đã cùng đồng hành xuyên suốt cuộc phiêu lưu và xây dựng nên một tình bạn cao đẹp.
Huck chấp nhận từ bỏ cuộc sống ăn no, mặc đẹp để dấn thân vào một cuộc hành trình vô cùng khó khăn và đầy rẫy hiểm nguy với mong muốn tìm hiểu thế giới ngoài kia cũng như đi tìm những giá trị thật của chính mình. Đây không đơn thuần là cuộc bỏ trốn mà còn là sự dũng cảm dám thử thách và phiêu lưu của Huckleberry.
Ngay từ khi còn nhỏ Huck đã được nhồi nhét những định kiến lệch lạc, thứ mà được xã hội coi là quy tắc lúc bấy giờ nên ban đầu cậu có phần đắn đo khi quyết định có nên cứu Jim hay không.
Mark Twain muốn khai thác triệt để lòng nhân đạo của Huck nên đã đặt cậu vào tình huống, nếu cậu giúp đỡ Jim có nghĩa là cậu đang tiếp tay cho cuộc tẩu thoát của một tên nô lệ da đen và đi trái lại với những chuẩn mực cậu vẫn được dạy dỗ.
Đến cuối cùng, tấm lòng nhân ái cũng như tình bạn chân thành giữa hai người đã chiến thắng tất cả, chính điều đó đã khiến cho Huck quyết định phá bỏ những rào cản trong lòng và cứu bạn của mình.
“Tôi cố hết sức tự an ủi, cho rằng tôi đã được nuôi dưỡng từ bé trong sự xấu xa cho nên tội lỗi của tôi không đến nỗi nặng nề cho lắm, nhưng một cái gì đó bên trong tôi vẫn cứ tiếp tục nhắc nhở: “Đáng lẽ mày phải theo học lớp truyền giáo ngày Chủ Nhật, như vậy mày mới hiểu rõ được rằng những kẻ nào có hành động như mày với tên nô lệ da đen ấy thì sẽ bị đày xuống hỏa ngục vĩnh viễn.”
…Tôi nín thở, suy nghĩ một lúc, rồi cuối cùng tôi tự nhủ: “Thôi được rồi. Tôi sẵn sàng xuống hỏa ngục.”
– Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn
Tình bạn giữa Jim và Huck chính là động lực để họ vượt qua mọi khó khăn, giúp đỡ và tương trợ nhau trên chuyến hành trình đầy nguy hiểm. Đối với Jim, Huck không chỉ là một người bạn mà còn là ân nhân cứu cậu thoát ra khỏi kiếp sống nô lệ.
Cũng trên cuộc hành trình ấy, nhân vật chính nhận ra được những ý nghĩa của tình bạn đích thực đồng thời cậu biết trân trọng cuộc sống hơn bởi bản thân đã chứng kiến cái chết của một người vô cùng thân thiết.
“Tôi thấy trong lòng đau nhói, suýt ngã ra khỏi cây. Tôi sẽ không nói thêm về chuyện này nữa, vì càng nhắc đến từng nào tôi càng cảm thấy đau đớn thêm từng ấy.”
– Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn
Cậu bé Huck hiện lên trong tác phẩm mang trên mình sự dũng cảm, mưu trí cùng tấm lòng nhân hậu vô bờ bến đã đưa người đọc đến với một cuộc phiêu lưu chứa đầy đủ các yếu tố hài hước, hồi hộp cũng như kịch tính.
Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn là bản án tố cáo xã hội cũ ở miền Nam nước Mỹ
Thông qua góc nhìn của cậu bé Huck, Mark Twain dần vạch trần một xã hội cũ ở miền Nam nước Mỹ vào thế kỷ XIX với các chế độ tàn bạo, con người giả tạo và nạn phân biệt chủng tộc hoành hành.
Cuộc sống của Huckleberry Finn khi ở với bà góa là hình ảnh chung của những đứa trẻ lúc bây giờ khi liên tục bị nhồi nhét lối tư duy lệch lạc, kiểu cách và nặng nề tôn giáo nhưng nhân vật trong tác phẩm không chấp nhận một cuộc sống khuôn mẫu như thế nên cậu đã phá bỏ xiềng xích cho bản thân để tự mình khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia.
Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn lên án gay gắt nạn phân biệt chủng tộc và điều này đã được thể hiện rõ nét nhất thông qua Jim, cậu bé nô lệ người da đen.
Jim bị xem như một thứ hàng hóa, món đồ kém giá để đem ra trao đổi, buôn bán và tư tưởng ấy đã ăn sâu vào trong tiềm thức của không chỉ của riêng những người da trắng mà ngay cả của Jim cũng thế.
Ở trong cuốn sách, nhà văn đã xây dựng một chi tiết rất đặc sắc, có hai tên lừa đảo tự xưng là vua và bá tước chạy trốn lên bè của Huck, rồi bắt hai người phải phục tùng chúng. Qua chi tiết này, Mark Twain muốn chế giễu giai cấp cầm quyền cũng như những tên lừa đảo, bất tài, chỉ biết uy hiếp để cướp bóc tài sản của nhân dân.
“Thế rồi lão thút thít quay lại, làm vài dấu hiệu ngớ ngẩn cho quận công, thế là lão này thả rơi chiếc va-li xuống đất, òa lên khóc. Cả hai tên lưu manh ấy đều làm ra vẻ bối rối, đau khổ chưa từng thấy. Mọi người tụ họp xung quanh chúng, ai cũng có vẻ thông cảm. Họ tìm hết lời an ủi chúng, vác bộ va-li của chúng đi lên sườn đồi, để mặc cho chúng tựa vào vai, vào người để khóc lóc. Họ kể cho nhà vua nghe những giờ phút cuối của Peter, rồi nhà vua lại ra dấu hiệu bằng tay cho quận công hiểu. Cả hai đều tỏ vẻ xúc động nghe những câu chuyện về người thuộc da vừa mới qua đời, đau khổ chả khác nào mười hai vị tông đồ đã bị mất Đức Chúa. Thật tôi chưa hề thấy một cảnh tượng nào như thế cả. Nếu có thì tôi đã là một tên da đen rồi. Nhưng từng ấy cũng đủ cho người ta cảm thấy hổ thẹn chung cho cả nhân loại.”
– Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn
Xã hội nước Mỹ những năm thế kỷ XIX đầy ắp những sự giả tạo được tái hiện rõ nét qua những trang văn của Mark Twain, trong một đám tang ai cũng khóc lóc và đầy vẻ đau khổ nhưng thậm chí chính họ còn không biết ai là người đang nằm trong quan tài kia.
Chuyến hành trình của Huckleberry Finn và Jim kết thúc khi cả hai có được một cuộc sống tự do và xuyên suốt cuộc phiêu lưu họ đã xây dựng nên một tình bạn cao đẹp đồng thời cũng nhận về nhiều bài học sâu sắc.
Nhà văn Ernest Hemingway khi nhắc đến Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn từng ca ngợi rằng:
“Toàn bộ nền văn học Mỹ hiện đại đều bắt nguồn từ Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn. Đó là một tác phẩm hay nhất mà chúng ta từng có.”
Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn đã khẳng định được vị thế của mình trong nhiều thập kỷ, cuốn sách không chỉ hướng con người đến sự tự do mà còn đề cao cuộc đấu tranh vì những điều cao đẹp cho nô lệ da màu, từ đó truyền tải đến độc giả ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Ngọc Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất