Truyền kỳ mạn lục là cuốn sách ghi chép tản mạn những điều kỳ lạ được lưu truyền, tác phẩm duy nhất của danh sĩ Nguyễn Dữ. Sự pha trộn, đan xen cả yếu tố hiện thực lẫn chi tiết hoang đường đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của cuốn “thiên cổ kỳ bút” này.

Tác phẩm được coi là tiếng nói phản kháng mạnh mẽ của Nguyễn Dữ đối với hiện thực xã hội lúc bấy giờ. Tình trạng đạo đức xuống cấp trầm trọng, nhân tình thế thái đảo điên đã trở nên phổ biến và vô cùng nhức nhối.

Nguyễn Dữ – Người cư sĩ luôn đau đáu hoài bão giúp đời

Nguyễn Dữ là người xã Đỗ Tùng, huyện Gia Phúc, tỉnh Hải Dương, nay là thôn Đỗ Lâm, xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện. Ông là con trai Nguyễn Tường Phiên, người từng đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 27 đời vua Lê Thánh Tông.

Nguyễn Dữ - Người cư sĩ luôn đau đáu hoài bão giúp đời

Tuy chưa có tài liệu nào nói rõ về năm sinh năm mất của Nguyễn Dữ nhưng dựa vào các sự kiện trong tập Truyền kỳ mạn lục, bài tựa của Hà Thiện Hán thì có thể khẳng định ông sống vào thế kỷ XVI, cùng thời hai vị Trạng Nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phùng Khắc Khoan.

“Cuộc đời ông quả là những truyền kỳ đặc sắc và bí ẩn. Ông học tập và giao du với những danh sĩ xuất chúng đương thời. Là học trò của Tuyết Giang phu tử  Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn tâm giao với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.” – nhà thơ Phùng Văn Khai

Sử sách ghi lại rằng từ nhỏ Nguyễn Dữ đã rất ham học, đọc rộng hiểu nhiều và quyết chí theo nghiệp đèn sách giống như cha. Ông về sau đỗ Cử nhân trong kỳ thi Hương, khi thi Hội thì đạt trúng trường, được bổ làm tri huyện Thanh Tuyền, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người tài ấy lại không gặp thời, sinh ra trong buổi nhiễu nhương loạn lạc, triều Hậu Lê đã bắt đầu suy vi, quan lại trong triều chia bè kết phái, tranh chấp quyền lực dẫn tới Nam Bắc phân tranh, Trịnh Nguyễn tương tàn.

Chán ghét chốn quan trường, bất mãn với hiện thực xã hội, Nguyễn Dữ xin từ quan về quê, ẩn cư nơi thôn dã, phụng dưỡng mẹ già cho tròn đạo hiếu. Ông chuyên tâm đọc sách, viết sách và cho ra đời Truyền kỳ mạn lục, một danh tác bất hủ của nền văn chương Việt Nam.

Dù lui về sống ẩn dật nhưng tâm trí ông vẫn luôn hướng về nhân dân, đất nước. “Tâm nhàn mà thân không nhàn”, cố danh sĩ vẫn luôn đau đáu hoài bão giúp đời. Ông viết Truyền kỳ mạn lục cũng là để thỏa mãn giấc mộng hoài bão lớn lao của chính mình.

Viên ngọc quý duy nhất trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Dữ

Truyền kỳ mạn lục mang ý nghĩa là ghi chép tản mạn những câu chuyện kỳ lạ lưu truyền trong dân gian, gồm hai mươi truyện ngắn và đều được viết bằng văn xuôi, mỗi truyện đều đan xen một ít thơ ca biền ngẫu.

Viên ngọc quý duy nhất trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Dữ

Tác phẩm này viết trong thời gian Nguyễn Dữ cáo quan hồi hương, nơi ký thác tâm sự, thể hiện hoài bão của người Nho sĩ. Truyền kỳ mạn lục là một thành tựu to lớn của văn chương nước nhà, trở thành mẫu mực về thể loại này kể từ khi nó ra đời cho tới ngày nay.

Tác phẩm vốn viết bằng chữ Hán (傳奇漫錄) , về sau được một nhà Nho thời đó là Nguyễn Thế Nghi dịch ra chữ Nôm. Điểm đặc biệt nhất của sáng tác này là các yếu tố thần dị, lạ kỳ được sử dụng làm phương thức để phản ánh cuộc sống.

Bấy giờ là lúc chế độ phong kiến Việt Nam trở nên suy đồi, mục ruỗng, nhân dân thì lại tin vào chuyện ma quỷ huyền hoặc, tin vào thần linh và chuyện hồn xác. Vậy nên ông đã mượn những câu chuyện, chi tiết kì ảo này để răn dạy hậu thế của mình.

“Trong thế kỷ 16, tình hình xã hội không còn ổn định như ở thế kỷ trước, mâu thuẫn giai cấp trở nên gay gắt, quan hệ xã hội bắt đầu phức tạp, các tầng lớp xã hội phân hóa mạnh mẽ, trật tự phong kiến lung lay.” – Nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân

Tuy nhiên đây không phải tác phẩm văn học Việt đầu tiên có chứa yếu tố tâm linh. Từ đời Trần Hiến Tông đã có Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, Lê Thánh Tông với Thánh Tông di thảo, đến thời kỳ này thì có Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ.

Hai mươi truyện ngắn viết về nhiều đề tài, vạch trần chế độ chính trị đen tối của giai cấp phong kiến, ca ngợi hạnh phúc lứa đôi, tình cảm vợ chồng, lý tưởng của kẻ sĩ và nổi bật hơn cả là miêu tả cuộc sống an nhàn, thư thái của các nho sĩ ẩn dật. 

Đặc biệt, sau mỗi câu chuyện đều có phần lời bình của chính tác giả, có khen, có chê tùy thuộc vào tính chất sự việc. Bên cạnh đó Nguyễn Dữ còn dẫn rất nhiều điển tích, điển cố để làm sáng tỏ sự việc cũng như tăng độ uy tín, xác đáng cho những câu chuyện ấy.

Bức tranh hiện thực của xã hội phong kiến mục nát

Cốt truyện chủ yếu được ông sáng tạo dựa trên văn học dân gian như chuyện cổ tích, truyền thuyết và cả vay mượn tình tiết văn học nước ngoài. Hai mươi truyện được chia thành bốn quyển, bao gồm các sự việc diễn ra dưới thời Lý, Trần, Hồ, thuộc Minh, Lê sơ.

Bức tranh hiện thực của xã hội phong kiến mục nát

“Trước hết, phải thấy rằng các truyện của Truyền kì mạn lục đều toát lên tinh thần dân tộc. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Dữ lại phóng tác những cốt truyện gắn bó với đất nước Việt.” – Giáo sư Đinh Gia Khánh

Dù cốt truyện được lấy từ dân gian và thần tích nhưng kết cấu của cuốn “thiên cổ kỳ bút” này không hề trùng lặp mà còn có phần phức tạp, phong phú hơn hẳn. Hệ thống nhân vật kết hợp với nhiều bối cảnh khác nhau đã phản ánh đầy đủ xã hội phong kiến lúc bấy giờ.

Vua quan tham lam dục vọng

Cuối thời Lê sơ, triều đình bắt đầu suy thoái, vua quan ăn chơi xa xỉ, xây dựng lâu đài cung điện rất tốn kém. Vua Lê Uy Mục đêm nào cũng cùng cung phi vui đùa uống rượu, say xỉn thì ra lệnh giết những người cung phi ấy.

Nội bộ chia bè kéo cánh, tranh giành quyền lực, công thần thì bị giết hại, nịnh thần thì hung hăng hống hách, nhân dân khốn khổ kể sao cho xiết. Ngán ngẩm cảnh đời như thế nên nhiều người xin cáo quan về quê để khỏi trông thấy những cảnh tượng ngang tai trái mắt.

“Phao phí gấm là, vung vãi châu ngọc, dùng vàng như cỏ rác, tiêu tiền như đất bùn, hình ngục có của đút là xong, quan chức có tiền mua là được, kẻ dâng lời ngay thì giết, kẻ nói điều nịnh thì thưởng; lòng dân động lay, nên đã xảy ra việc quân sông Đáy bờ cõi chếch mếch nên đã mất dải đất Cổ Lâu. Vậy mà các kẻ đình thần trên dưới theo hùa, trước sau nối vết.” – Chuyện đối đáp người tiều phu ở núi Na

Kẻ sĩ thấy vậy cũng hết sức chán chường, đa số đều theo quan niệm lánh đục về trong, trong đó có tác giả. Người ta không tìm được lối thoát trên con đường hành đạo, đành quay về cuộc sống ẩn dật, đôi lúc thả hồn mơ màng cõi tiên, song cơ bản vẫn gắn bó với cõi đời.

Trong triều vua chúa đã thế, bên ngoài quan lại càng lộng hành hơn. Có những tên chỉ xuất thân từ nông dân bình thường, may mắn có chút sức khỏe hơn người, đi đánh trận lập được chiến công nên bổ làm quan lại, lợi dụng chức quyền làm khổ dân lành.

“Quyền vị đã cao, Lý bèn làm những việc trái phép, dựa lũ trộm cướp như lòng ruột, coi người nho sĩ như cừu thù, thích sắc đẹp, ham tiền tài, tham lam không chán, người trong vùng phục dịch nhọc nhằn, anh nghỉ thì em đi, chồng về thì vợ đổi, ai nấy đều vai sưng tay rách, rất là khổ sở, nhưng hắn vẫn điềm nhiên không chút động tâm.” – Chuyện Lý tướng quân

Chưa hết, cảnh binh lửa rối ren còn gây nên bao phen khốn khổ cho nhân dân. Tuy vậy chẳng ai dám lên tiếng phê phán, bởi như tên Lý tướng quân “tính tình vốn dữ tợn, thân trụ quốc làm quan đến ngôi Thượng công”, uy thế rất lớn nên không ai dám xét tội.

Thông qua Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ đã gián tiếp đả kích hôn quân bạo chúa, cảm thương cho số phận người dân lương thiện bị chèn ép, thay họ bộc lộ sự bất mãn trước những tệ nạn trong xã hội phong kiến bấy giờ.

Truyền kỳ mạn lục vạch trần sự xuống cấp của đạo đức xã hội

Vua quan không chăm lo cho dân, đạo đức xã hội một phần cũng vì vậy mà xuống cấp trầm trọng. Đạo Nho suy thoái, nhiều tầng lớp Nho sĩ hư hỏng, chạy theo sự hưởng lạc mà bỏ bê chuyện bút nghiên, không còn thiết tha tới học vấn thánh hiền.

Chàng học trò Hà Nhân trong Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây gánh cặp tới Trường An, ngụ ở kinh sư để theo học cụ Nguyễn Trãi. Ấy vậy mà lòng còn vương vấn chuyện ái ân nên mới bị các hồn hoa ở trại Tây quyến rũ. 

“Nhân tuy mượn tiếng du học, nhưng bút nghiên chí nản, son phấn tình nồng. Ngày nào mới buổi xuân dương, thoắt đã trời đông tiết lạnh.” – Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây

Đạo Phật cũng bộc lộ nhiều mặt tiêu cực, thiền viện trở thành chốn hoan lạc, bọn vô lương tâm chọn nơi chùa chiền làm chốn ẩn nấp để tiện hành nghề trộm cắp. Những nhà sư hổ mang gian dâm, buông thói tà dục, chẳng những dối người, còn dối cả Phật mà chúng thờ.

Sư bác Vô Kỷ trong Chuyện nghiệp oan của Đào thị tuy ở nơi thanh tịnh nhưng lòng dục vẫn chưa dứt bỏ, hắn và ả Hàn Than ngày đêm quấn quýt. Đến lúc chết đi rồi chúng còn đầu thai vào nhà quan Hành khiển Ngụy Nhược Chân nhằm làm hại ông.

Do tác động tiêu cực của lối sống thị dân, một phần bị đồng tiền chi phối nên nhân cách thì bị phá hủy, mối quan hệ đạo lý giữa người với người cũng chẳng còn. Nhà văn đã lên án gay gắt thế lực đồng tiền làm băng hoại đạo đức của con người trong xã hội.

Trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Trọng Quỳ chơi bời, cờ bạc đến khánh kiệt gia sản, phải đem vợ ra gán nợ khiến người phụ nữ tiết hạnh như Nhị Khanh phải tìm đến cái chết để khỏi rơi vào tay tên lái buôn giàu có, quỷ quyệt.

Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến

Truyền kỳ mạn lục phản ánh số phận con người thông qua thân phận người phụ nữ, đây cũng là chủ đề trung tâm của toàn tập sách. Trong hai mươi truyện của tác phẩm thì có hơn một nửa viết về người phụ nữ, trong đó tám truyện người phụ nữ là nhân vật chính.

Hầu hết những nhân vật này đều rơi vào oan nghiệt và cuối cùng chọn cái chết để giải thoát. Điểm chung giữa họ là đều gặp bi kịch về gia đình, tình yêu tan vỡ, số phận đưa đẩy, đều vì nghiệp oan mà trở thành ma quỷ, họ đáng bị trách phạt nhưng cũng đáng thương.

Nàng Thúy Tiêu bất hạnh đi dâng lễ Phật tại chùa Báo Thiên bị Trị quốc họ Thân để mắt và bắt đem về. Nàng Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương hy sinh hạnh phúc riêng để giữ trọn đạo hiếu, cuối cùng đi đến cái chết oan uổng vì người chồng phụ bạc.

“Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia nghi thất. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.” – Chuyện người con gái Nam Xương

Còn một kiểu nhân vật nữa là kiểu người phụ nữ phá cách, họ vượt qua lễ giáo tìm đến tình yêu tự do. Nguyễn Dữ không ngần ngại miêu tả những cuộc tình giữa Nho sinh và ma nữ, những câu chuyện được dựng lên vừa hư ảo vừa thực.

Điển hình là nàng Nhị Khanh của Chuyện cây gạo, nàng Liễu, nàng Đào trong Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây, Thị Nghi trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang. Làm người đã bất hạnh, làm ma mong níu giữ hạnh phúc thì lại chịu kết cục bi thảm hơn.

Hậu quả của những người phụ nữ sống không tuân theo nguyên tắc lễ giáo thật sự đau đớn. Nhị Khanh và Trung Ngộ bị coi là những kẻ dâm đãng, Thị Nghi bị cho vào vạc dầu, Hàn Than phải chết đến hai lần vô cùng thê thảm.

Truyền kỳ mạn lục là sự biến hóa với nhiều kiểu nhân vật kỳ ảo

Một trong những điều đặc biệt tạo nên sức hấp dẫn cho cuốn “Thiên cổ kỳ bút” là yếu tố kì ảo. Bên cạnh thể hiện đời sống tâm linh với nhiều hiện tượng siêu nhiên, các nhân tố này trong Truyền kì mạn lục còn có tác dụng phản ánh hiện thực đời sống xã hội đương thời.

Truyền kỳ mạn lục là sự biến hóa với nhiều kiểu nhân vật kỳ ảo

Để thoát ra khỏi thực tại đáng buồn lúc bấy giờ, Nguyễn Dữ đã dùng nhiều phương thức để thoát ly, giúp con người có niềm tin và lạc quan hơn vào cuộc sống. Ở tác phẩm này, có sự giao hòa giữa cá nhân và vũ trụ, thể hiện những ước muốn tự do cá nhân.

Nhân vật có thể đi từ không gian thực sang không gian ngoài thế tục

Từ Thức trong Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên là sự chuyển tiếp từ cảnh thực sang cảnh tiên. Ông là một nhà Nho nhưng lại chán ghét đời sống xô bồ chốn quan trường nên đã bỏ về nơi non xanh nước biếc để thả hồn thơ, lại vô tình được lạc vào chốn tiên cảnh hoa lệ.

“Lên đến ngọn núi thì bầu trời sáng sủa. Chung quanh toàn là những lâu đài nguy nga, mây xanh ráng đỏ, bám ở lan can, cỏ lạ hoa kỳ, nở đầy trước cửa. Sinh nghĩ nếu không phải là chỗ đền đài thờ phụng, tất là cái xóm của những bậc lánh đời.” Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên

Chuyện người con gái Nam Xương, Chuyện đối tụng ở Long cung lại mở rộng sang một thế giới khác là nơi sông nước. Ở thiên truyện này không có sự ràng buộc về không gian, thời gian ở các cõi giới, phần nào thể hiện nguyện vọng của con người về vật chất và tinh thần mà thực tại nhỏ hẹp không thực hiện được.

Nhiều khi nhân vật cũng lạc bước xuống thế giới của cõi âm như Tử Văn của Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên, viên quan họ Hoàng trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang bị hồn ma kiện dưới âm phủ nên bị bắt xuống để xét xử.

Sự gặp gỡ đặc biệt với các nhân vật kỳ ảo

Chủ đề này chiếm số lượng đông đảo nhất trong Truyền kỳ mạn lục, đó có thể là hồn người chết biến thành ma trở về cõi trần nhằm một mục đích cụ thể. Đặc sắc nhất là những nhân vật tâm linh này được xây dựng thành một câu chuyện tình giữa người và ma.

Loại nhân vật này xuất hiện dưới nhiều hình thức, tên gọi khác nhau như “hồn ma” trong Chuyện cây gạo, Chuyện yêu quái ở Xương Giang, “quỷ” trong Chuyện tướng Dạ Xoa, Chuyện gã trà đồng giáng sinh, “yêu quái” ở Chuyện nghiệp oan của Đào Thị.

Hồn Vũ Nương trở về bến sông khi Trương sinh lập đàn giải oan, hồn ma Thị Nghi biến thành cô gái xinh đẹp để dâm sát những kẻ có vai vế nhằm báo thù cho kiếp sống trước của mình, hồn ma viên Bách hộ họ Thôi tác oai tác quái, gây họa cho dân lành.

“Sau đấy mấy tháng hồn Thị Nghi hưng yêu tác quái, biến huyễn đủ vẻ, hoặc nhập vào chị ả buôn tương, hoặc ốp vào cô nàng bán rượu, người có vai vế thì bị dâm sát, người có tiền của thì bị bóc lột, suốt một dải đường mười dặm.” – Chuyện yêu quái ở Xương Giang

Đối tượng mà các oan hồn này tìm đến hầu hết đều là những chàng trai trẻ, ham mê nữ sắc đến nỗi bị yêu ma quyến rũ, đắm chìm trong nhục dục. Tuy tất cả đều đáng trách nhưng cũng có phần đáng thương, cuộc đời bế tắc cần tìm phương thức giải tỏa.

Mặt khác, mối quan hệ tình cảm giữa các chàng trai và yêu hồn trong tác phẩm đều diễn ra một cách thoải mái, dễ dàng. Tình đời, tình người được tác giả gửi gắm một cách khéo léo thông qua những biến cố, sự kiện của tác phẩm.

Trình Trung Ngộ gặp và yêu Nhị Khanh, một hồn ma đã chết cách đó nửa năm. Chàng thư sinh Hà Nhân yêu hai cô gái vốn là tinh hoa của danh gia vọng tộc suy tàn cách đã chừng hai mươi năm.

Yếu tố kỳ ảo phát huy tác dụng như một chất kích thích giúp nhà văn phát huy cao độ trí tưởng tượng của mình trong sáng tạo nghệ thuật. Hơn nữa nó còn giúp ông và những kẻ bất đắc chí thời bấy giờ thoát ly ra khỏi cuộc sống hiện thực đáng thương, thê thảm.

Các yếu tố thần diệu khác trong Truyền kỳ mạn lục

Truyền kỳ mạn lục cũng xuất hiện những chuyện từ thụ thai thần kỳ đến phán số, gieo quẻ liên quan đến con đường vinh hiển của các Nho sinh. Bên cạnh đó còn có điềm báo số mệnh, thần ma báo mộng, tất cả đều phản ánh chân thực đời sống tâm linh của con người.

Những chi tiết này được đề cập rõ nét trong Phạm Tử Hư lên chơi Thiên Tào, chàng được thầy của mình là Dương Trạm báo rằng mình thi đỗ. Thầy họ Dương vì yêu mến lòng hiếu thảo của cậu mà mọi việc cát hung họa phúc nhà Tử Hư thường được thầy báo cho biết.

Ngoài ra tác phẩm còn đề cập đến mệnh số con người, sự linh ứng trong quy luật nhân quả. Quan niệm báo ứng nhãn tiền cũng chi phối rất nhiều tới đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, kẻ ác độc xấu xa nếu không bị trừng phạt lúc sống thì sẽ bị hành hạ, đày đọa lúc chết.

Một ví dụ điển hình là sư cụ Pháp Vân đã giúp quan Hành khiển Ngụy Nhược Chân tiêu diệt hai yêu quái trong Chuyện nghiệp oan của Đào Thị. Nghiệp oan này xuất phát từ tình dục nhất thời nhưng sau khi đầu thai lại vẫn tiếp tục báo thù, gây ra vòng oan nghiệt luẩn quẩn.

Lý Hữu Chi trong Chuyện Lý tướng quân quyền vị cao sang nhưng luôn làm những việc trái đạo đức, gây ra oán thù nhiều vô kể trong nhân dân. Tuy lúc sống chưa gặp quả báo song tới khi chết hắn đã bị trầm luân kiếp kiếp, không bao giờ được ra khỏi ngục Cửu U.

“Than ôi! đạo trời chí công mà vô tư, lưới trời tuy thưa mà chẳng lọt, cho nên hoặc có người lúc sống khỏi vạ mà lúc chết bị hình. Song, chịu họa ở lúc sống, người đã không hiểu, phải tội ở lúc chết, người lại không hay; vì thế mà đời thường có lắm loạn thần tặc tử.” – Chuyện Lý tướng quân

Chỉ với một vài nét gợi, các yếu tố tâm linh cùng hình thức kì ảo trong Truyền kỳ mạn lục đã nói lên nhiều vấn đề của hiện thực đương thời, lấy cái ảo để nói cái thực là một thành công đáng kể của vị danh sĩ họ Nguyễn.

Giá trị nhân đạo xuyên suốt Truyền kỳ mạn lục

Giá trị nhân đạo là cốt lõi cơ bản của một tác phẩm văn học chân chính, được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với những nghịch cảnh trong cuộc sống, đồng thời thể hiện sự trân trọng đối với nét đẹp tâm hồn và ý chí vươn lên của con người.

Giá trị nhân đạo xuyên suốt trong Truyền kỳ mạn lục

“Trong 20 truyện, truyện nào cũng thể hiện một quan điểm chính trị, một thái độ nhân sinh, một ý tưởng đạo đức của Nguyễn Dữ. Đó là những mong muốn của ông về một xã hội mọi người được sống yên bình trong nền đức trị, trong sự công bằng, trong tình cảm yêu thương nhân ái giữa con người với con người… Giá trị lớn của Truyền kỳ mạn lục chính là ở những nội dung nhân văn đó”.” – PGS. TS Tạ Ngọc Liễn

Với nội dung phong phú mang tính hiện thực cao, Truyền kì mạn lục đã thực sự lay động lòng người bởi những giá trị nhân đạo sâu sắc mà Nguyễn Dữ gửi gắm. Chính điều này giúp tác phẩm trở thành cuốn “thiên cổ kỳ bút”, một “áng văn hay của bậc đại gia”.

Thương xót thân phận người phụ nữ bất hạnh trong xã hội cũ

Dưới ngòi bút của ông, những thiếu phụ xinh đẹp, tảo tần luôn luôn phải chịu số phận bi thảm. Tiêu biểu là Chuyện người con gái Nam Xương với một Vũ Nương hết lòng vì chồng, vì con mà gánh chịu bao nỗi oan khiên, rẫy.

Giá trị nhân đạo trong truyện ngắn này không chỉ dừng lại ở sự ca ngợi hay niềm cảm thông mà còn thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc của người phụ nữ, cũng như tiếng nói tố cáo những thế lực đã chà đạp lên cuộc đời họ.

Người phụ nữ ấy chẳng còn con đường nào khác để chứng minh sự trong sạch, giải nỗi oan khuất nên đành trầm mình xuống sông. Đó là cách giải quyết duy nhất nhưng cũng đau đớn nhất mà tác giả dành cho nhân vật song đã mang lại chiều sâu nhân đạo lớn cho tác phẩm.

Người phụ nữ trong xã hội cũ dù ăn ở chung thủy với chồng thế nào nhưng cũng đều phải chịu một thân phận hèn kém. Trọng Quỳ vì cờ bạc mà gán vợ, Trương Sinh vì ngờ vực hão huyền mà vợ phải quyên sinh.

Đến cả những nhân vật mang màu sắc phản diện như nàng Hàn Than, nàng Nhị Khanh, các hồn hoa, nàng Thị Nghi đều cũng vì số phận đưa đẩy, vì nỗi nghiệp oan mà hóa thành ma quỷ, họ đáng bị trách phạt nhưng cũng hết sức đáng thương.

“Nguyễn Dữ đã đi xa hơn một bước trong Truyền kì mạn lục: phản ánh số phận con người, chủ yếu là số phận mang tính chất bi kịch của người phụ nữ.” – Giáo sư Nguyễn Đăng Na

Nguyễn Dữ trân trọng và ca ngợi những nhân cách thanh cao, bao dung với các mảnh đời bị xã hội dồn ép vào đường cùng. Bao trùm lên tất cả là ước mơ về một xã hội công bằng, khát vọng về hạnh phúc của con người. 

Truyền kỳ mạn lục là tiếng nói bảo vệ tình cảm gia đình và hạnh phúc lứa đôi

Tình yêu trong tác phẩm của vị ẩn sĩ là tình yêu tự do nảy sinh từ sự rung cảm giữa hai trái tim, vượt ra khỏi khuôn khổ đạo đức và lễ giáo phong kiến. Ông đã nói lên tiếng nói tâm tình riêng tư của tuổi trẻ đương thời, phản ánh một nhu cầu bức thiết trong đời sống tinh thần.

Tiêu biểu trong Truyền kì mạn lục là câu chuyện tình yêu giữa người và tiên, ma, gần như không một tập truyện nào vắng bóng chủ đề này. Có tác phẩm ca ngợi tình yêu lành mạnh, cũng có chuyện yêu đương bất chính, phản ánh lối sống đồi bại của lớp Nho sĩ trụy lạc.

Từ Thức lấy vợ tiên là câu chuyện tình yêu đẹp giữa Từ Thức và nàng Giáng Hương, mối tình của chàng thư sinh Hà Nhân với các hồn hoa Đào, Liễu. Họ là ma, là tiên, nhập vào đời sống trần gian để tìm người tri âm, hưởng hạnh phúc, khoái lạc.

Tình yêu của họ cũng thật ngắn ngủi, niềm khao khát lứa đôi sớm bị dập tắt và đều phải nhận những kết cục rất bi thảm. Nhị Khanh cùng Trình Trung Ngộ bị đạo sĩ làm phép, nàng Đào, Liễu bị giông bão dập tắt, vợ chồng Từ Thức sớm phải uyên ương chia lìa đôi ngả.

“Sau một hồi, gió lặng mây quang, thấy cây gạo đã bị nhổ bật, cành cây gãy nát và bị tước như tước dây vậy. Kế nghe thấy trong không có tiếng roi vọt và tiếng kêu khóc. Mọi người ngẩng lên trông có sáu bảy trăm lính đầu trâu gông trói hai người mà dẫn đi.” – Chuyện cây gạo

Truyền kỳ mạn lục với những mối tình giữa người với tiên, ma vẫn mãi là câu chuyện đẹp đẽ, biểu trưng cho khát vọng tự do yêu đương, tự do luyến ái của con người. Đặt trong hoàn cảnh mà nó ra đời thì càng thấy thấm thía ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải.

Ngoài hai vấn đề cơ bản trên, Nguyễn Dữ còn đại diện nhân dân lột trần bộ mặt thật của bọn quan lại tham ô và lên tiếng phản kháng giúp họ. Kèm theo đó là cảm hứng ngợi ca, khẳng định bản lĩnh những người trí thức, bậc Nho sĩ chính trực giữa bối cảnh đầy ô tạp.

Sức hấp dẫn về nghệ thuật của Truyền kì mạn lục

Sức hấp dẫn của thiên truyện này đến từ nhiều yếu tố, từ lối hành văn mang nhiều ẩn ý tới chiều sâu ý nghĩa cần được khám phá. Tất cả được tạo nên bởi tài năng và tấm lòng của nhà văn đất Thanh Miện.

Sức hấp dẫn về nghệ thuật của Truyền kỳ mạn lục

Thành công của Nguyễn Dữ trong tác phẩm này là sự sáng tạo dựa trên các cơ sở có sẵn của truyện dân gian, kết hợp hài hòa giữa phương thức tự sự, trữ tình và ca kịch, đem lại cho những cốt truyện quen thuộc một sức sống và sức hấp dẫn mới.

Màu sắc tâm linh, huyền ảo góp phần kích thích trí tưởng tượng của người đọc, cuối cùng là bóc cái vỏ hoang đường để hiện ra gốc hiện thực của cuộc đời. Trong tác phẩm truyền kỳ này, thế giới con người và thế giới bên kia có những sự tương giao với nhau.

Không gian huyền ảo, thế giới cõi âm đáng sợ ở Minh Ti xuất hiện trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là những trang viết khá tiêu biểu. Có cây cầu dài hơn ngàn bước, gió tanh sóng xám, sự hiện diện của linh hồn tên tướng giặc họ Thôi, lại có Thổ Công áo vải mũ đen, dáng vẻ nhàn nhã.

“Đằng phía bắc, tức là một con sông lớn, trên sông bắc một cái cầu dài ước hơn nghìn bước, gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương. Hai bên tả hữu cầu, có đến mấy vạn quỷ Dạ Xoa, đều mắt xanh tóc đỏ hình dáng nanh ác.” – Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Hai yếu tố hiện thực và kỳ ảo đan cài với nhau giúp cho câu chuyện thêm phần sinh động, hấp dẫn. Sau những tình tiết hoang đường vẫn là hiện thực đời sống chẳng thể nào che giấu, nào là cái ác hoành hành, quan lại nhiễu nhương tham lam, kẻ yếu bị đọa đày.

Kết cấu truyện giàu kịch tính và đặc sắc, lối viết mang chất kịch tạo nên một câu chuyện cuốn hút, khiến độc giả trải qua nhiều cung bậc tâm trạng từ hồi hộp, lo âu tới thở phào nhẹ nhõm khi chính thắng tà, kẻ gian bị trừng phạt.

Truyền kỳ mạn lục đã tồn tại bất chấp sự đào thải của thời gian và quan niệm khắt khe của đạo đức xã hội. Hai mươi truyện ngắn vẫn giữ nguyên giá trị trong mọi thời đại, góp phần bộc lộ quan điểm chính trị, đòi hỏi sự công bằng và khát khao về hạnh phúc con người.

Tiểu Mai