Vang bóng một thời là một viên ngọc quý trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Tuân, tác phẩm đã đạt đến đỉnh cao của sự hoàn thiện và thể hiện được trọn vẹn phong cách nghệ thuật độc đáo của nhà văn duy mỹ, người suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật trong văn chương.

Tập truyện như một cuốn sổ lưu bút của thời gian, nó mang đầy âm hưởng hoài niệm về vẻ đẹp của một thời xưa cũ trong sự giao thoa của hai thời đại, khi cái mới bắt đầu hội nhập và cái cũ đã dần lụi tàn. Vang bóng một thời thể hiện rõ nét niềm trân trọng đặc biệt nhiệt thành của Nguyễn Tuân trước những phong tục, lối sống thanh nhã không chút lai tạp của người xưa.

Ông đã dành một niềm mến mộ khiêm nhường cho những con người tài hoa biết trân quý, biết lưu giữ cái đẹp truyền thống giữa một thời đại đầy biến động bởi sự du nhập cái mới từ phương Tây.

Nhà văn duy mỹ cùng tác phẩm độc đáo

Trong văn đàn Việt Nam, Nguyễn Tuân được xem là một hiện tượng lạ bởi lối văn duy mỹ được viết theo quan niệm văn chương của riêng ông, tức đã là văn thì trước hết phải là văn, phải đẹp và kỳ công sáng tác.

Chân dung của nhà văn Nguyễn Tuân
Chân dung của nhà văn Nguyễn Tuân

Bằng cái nhìn thấu đáo cùng suy nghĩ tinh tế của mình, ông đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm vượt xa lối mòn của văn chương, chính điều ấy đã làm nên dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp văn học của Nguyễn Tuân, một vân chữ độc lạ không thể tìm thấy trên trang văn của người khác.

Mặc dù sinh trưởng giữa nhiều biến động trong sự giao thoa của hai thời đại song Nguyễn Tuân vẫn luôn kiếm tìm và nỗ lực gìn giữ những vẻ đẹp truyền thống của đất nước, điều ấy đã trở thành một niềm trăn trở trong suốt cuộc đời của ông.

“Nguyễn Tuân xuất hiện trên văn đàn Việt Nam đã tạo được ấn tượng ngay từ đầu bởi sự độc điệu. Độc điệu ở thể văn – tùy bút. Độc điệu ở giọng văn – phóng túng. Độc điệu ở chất văn – ngông ngang. Độc điệu ở tình văn – hoài niệm. Độc điệu ở ý văn – duy mỹ.”

Chính vì lẽ đó, sự ra đời của Vang bóng một thời đã thể hiện trọn vẹn tất cả nỗi niềm trăn trở của Nguyễn Tuân, tập truyện là hành trình hướng đến chân, thiện, mỹ cũng như những hoài vọng của nhà văn về vẻ đẹp xưa cũ đã dần trở nên lỗi thời trước sự giao thời của một xã hội mới.

Một ấn phẩm khác của tập truyện Vang bóng một thời
Một ấn phẩm khác của tập truyện Vang bóng một thời

Tác phẩm là một tấm gương sáng đặt giữa thời đại lúc bấy giờ nhưng không phản ánh nguyên vẹn hiện thực, Nguyễn Tuân qua lăng kính của bản thân đã dùng tài năng viết nên một thiên truyện hoàn thiện đến tuyệt mỹ, có lẽ vì thế mà Vang bóng một thời trong văn đàn Việt Nam đã trở thành một áng văn chương bất hủ có sức lay động lớn.

Vang bóng một thời và những câu chuyện chưa bao giờ cũ

Vang bóng một thời có thể nói là một cuộc hành trình tìm lại và gìn giữ những âm vang của dân tộc đã dần lụi tàn theo lối sống âu hóa của phương Tây, đó là những nỗi niềm sâu nặng với khát khao được phục hồi và tái tạo lại những vẻ đẹp đã cũ.

Tập truyện là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Tuân đã được đăng trong mục Vang và bóng một thời ở tạp chí Tao Đàn vào năm 1939, tuy nhiên sau đó nhà xuất bản Tân Dân đã cho xuất bản tập truyện thành một cuốn sách hoàn chỉnh vào năm 1940.

Vang bóng một thời và tiếng vọng của những điều xưa cũ
Vang bóng một thời và tiếng vọng của những điều xưa cũ

Trong quá trình xuất bản, Vang bóng một thời lúc thông qua kiểm duyệt đã bị lược bỏ một vài đoạn, sau này công ty Nhã Nam khi tái bản lại đã đối chiếu với những bài viết ở tạp chí Tao Đàn để khôi phục lại những đoạn bị cắt và đưa tác phẩm vào tập Việt Nam danh tác.

Việt Nam danh tác ra mắt lần đầu vào năm 2014, hiện có 44 tác phẩm của 27 tác giả, chia thành hai mảng văn xuôi và thơ. Ngoài Vang bóng một thời, bộ sách còn tập hợp những cái tên kinh điển khác như Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, Lều Chõng của Ngô Tất Tố, Bốn mươi năm “nói láo” của Vũ Bằng hay Kép tư bền của Nguyễn Công Hoan.

Tập truyện gồm mười hai truyện ngắn và tùy bút gắn liền với những câu chuyện về nếp sống thanh nhã phong lưu của người xưa xưa, tác phẩm xen lẫn hai yếu tố thực hư dẫn dắt người đọc tìm về với những vẻ đẹp truyền thống của đất nước đã quá vãng.

Nguyễn Tuân phác họa lại khung cảnh xưa bằng những nét bút thật êm dịu và tinh tế, dù là nhà nho thất thế hay giang hồ lập dị đều được ông đặc tả một cách hết sức trau chuốt và tỉ mỉ với tất cả những niềm mến mộ khiêm nhường.

“Đêm nay là đêm mười bốn tháng tám. Và là cuộc thả thơ lần thứ hai của cụ Nghè Móm. Lần trước thả vào thượng tuần tháng bảy, trước ngày có mưa Thất tịch; lần này cụ Nghè Móm chọn ngày mười bốn, có người hỏi tại sao không để đến ngày rằm, cụ nói:Trăng mười bốn bao giờ cũng khéo hơn trăng rằm. Ngày mười bốn là vầng trăng đi tới chỗ toàn thịnh. Ngắm vầng trăng rằm, người ta tinh ý sẽ nhận thấy cái vẻ sắp tàn của một vật gì đã mãn khai trong có một thì.”

-Trích Thả thơ trong tập Vang bóng một thời

Vang bóng một thời khiến người đọc có cảm tưởng như mình đang xem một tập tranh cổ họa, từng bức tranh đều thanh nhã tuyệt sắc khiến độc giả phải trầm trồ cảm thán.

Vang bóng một thời thổi hồn dân tộc vào từng trang viết

Mỗi một câu chuyện được viết nên trong tác phẩm đều mang một âm hưởng hoài niệm sâu sắc, từ khung cảnh cả gia đình sum họp ngày ba mươi Tết bên nồi bánh chưng ấm áp đến không khí vui vẻ háo hức của lũ trẻ thơ khi được phá cỗ và tỉa vỏ bưởi làm đèn vào đêm Rằm tháng Tám.

Tác phẩm là biểu trưng cho phong cach nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân
Tác phẩm là biểu trưng cho phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân thể hiện tất cả mọi thức vào trong trang văn bằng một sự trân trọng khôn tả, tựa như muốn lưu giữ lại tất thảy vẻ đẹp của thời xưa vào câu chữ để những điều ấy không bị thời gian và sự thay đổi làm lu mờ đi.

Vang bóng một thời dù ở truyện ngắn hay tùy bút nào cũng đều mang một nỗi niềm hoài vọng sâu lắng, như thể muốn vứt bỏ thời đại mới mà tìm về với những điều đã cũ khi xưa.

Người ta vẫn ám ảnh và day dứt mãi với những câu hát vang vọng trong vườn dâu ngoại thành ở truyện ngắn Bữa rượu máu hay vẫn xao xuyến trước những phân đoạn miêu tả về việc viết chữ trong Chữ người tử tù.

“Ta hoa thanh quất

Cỏ xanh đổi màu

Sống không thù nhau

Chết không oán nhau.”

-Trích Bữa rượu máu từ tập Vang bóng một thời

Vang bóng một thời đẹp không chỉ bởi những nghệ thuật ngôn từ đặc sắc mà còn đẹp bởi những trang văn đậm đà tình dân tộc, Nguyễn Tuân dùng tiếng Việt để viết, để kể về người Việt của một thuở xa xưa với những câu từ chân thật nhất.

Vang bóng một thời và những câu chuyện chưa bao giờ cũ
Vang bóng một thời và những câu chuyện chưa bao giờ cũ

Ông làm sống dậy một nền văn hóa rực rỡ của dân tộc, chính tác phẩm đã để cho người đọc biết rằng đất nước mình đã từng có một giai đoạn phồn vinh như thế với những lối chơi, lối sống phong lưu và thanh nhã.

Từng nhân vật, từng câu chuyện của tác phẩm đã vượt qua cả sự băng hoại của thời gian mà trở thành bản trường ca đi cùng năm tháng, giữa phiên chợ văn chương tấp nập, Vang bóng một thời lại trở nên vô cùng đặc biệt và nổi bật.

Vang bóng một thời và những câu chuyện như hoa nở trên máu

Đến với văn chương của Nguyễn Tuân, người đọc luôn tìm thấy một vẻ trang trọng và uyên bác khôn tả dù trong bất kỳ thể loại nào. Ở những trang văn của người nghệ sĩ tài hoa, cái đẹp vẫn luôn hiện hữu xung quanh bất kể không gian hay thời gian của diễn biến câu chuyện.

Tác phẩm là cuốn lưu bút của thời đại
Tác phẩm là cuốn lưu bút của thời đại

Đặc biệt là truyện ngắn Chữ người tử tù, đó là một điểm sáng nổi bật của Vang bóng một thời, tác phẩm được giới phê bình văn học nhận định đã đạt đến đỉnh cao của sự toàn thiện, toàn mỹ, nó thoát ly ra khỏi mọi ranh giới hữu hạn của văn chương mà vươn đến một tầm cao mới.

Chữ người tử tù là câu chuyện kể về cuộc hạnh ngộ đẹp đẽ giữa hai con người khác biệt nhau hoàn toàn, một người là tù nhân, một người là cai ngục. Trong chốn lao tù ẩm ướt và dơ bẩn, tình yêu thương giữa người với người lại chớm nở một cách tuyệt dịu đến bất ngờ.

Nguyễn Tuân đặt hai con người vào những thân phận đầy mâu thuẫn với nhau, chính điều này đã làm nổi bật lên điểm sáng của toàn thiên truyện. Chốn tù đày, nơi mà ngỡ như chỉ toàn những màn tra khảo tàn bạo cùng đau khổ lại xuất hiện hình ảnh đẹp đẽ của dải lụa trắng dùng để viết chữ.

Vang bóng một thời là tác phẩm sáng giá nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Tuân
Vang bóng một thời là tác phẩm sáng giá nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Tuân

Những nét bút uốn lượn của Huấn Cao được thể hiện một cách trọn vẹn và tài hoa nhất trước đôi mắt dịu dàng đầy trân trọng của người cai ngục đã gắn kết những con người này lại với nhau, khiến cho ngục tối không còn là ngục tối và thân phận chẳng còn là vấn đề mâu thuẫn.

Giữa chốn lao tù ấy, cái đẹp của Nguyễn Tuân lại hiện lên một cách trong sáng và thanh sạch như thế, đó là vẻ đẹp của thiên lương trong sáng và của cả tấm lòng trân trọng tài hoa trong con người, những điều ấy sẽ không bao giờ phải khuất sau danh phận hay chức vụ.

Liệu còn ai có thể khắc họa vẻ đẹp giữa chốn lao tù một cách uyên bác và tài hoa được như Nguyễn Tuân như thế nữa?

Không chỉ dừng lại ở Chữ người tử tù, Vang bóng một thời còn giúp người đọc nghe lại âm vang trong cơn chuyển dạ của thời thế qua những truyện ngắn cùng tùy bút khác.

Vang bóng một thời là tác phẩm lưu giữ ký ức của một thời vàng son
Vang bóng một thời là tác phẩm lưu giữ ký ức của một thời vàng son

Người ta thấy được sự rùng rợn kinh hoàng trong cái nghề trảm người của ông Bát, thấy được cái thú chăm hoa, chơi cây một cách tinh tế và tỉ mỉ của ông cụ Kép làng Mọc hay thấy cả những cuộc đánh thơ nhộn nhịp của quan Phó Sứ cùng người đẹp Mộng Liên.

“Cụ Äm cũng thở đánh phù một cái, như khi người ta được gặp lại bạn cố nhân sau nhiều giây phút mong chờ…Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Äm đã để vào đấy bao nhiêu công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi, nếu trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy một chút mùi thơ và một tị triết lý và tâm lý.”

– Trích truyện ngắn Chén trà trong sương sớm.

Tất cả những tinh hoa của thời đại ấy đều được Nguyễn Tuân trân trọng và lưu giữ lại như một món báu vật vô giá đến muôn đời sau, Vang bóng một thời không chỉ là một tác phẩm sáng giá của nhà văn mà còn vàng được đãi trên dòng chảy văn học.

Nếu không có tập truyện này, phải chăng những thú chơi và lối sống tao nhã của người xưa đều sẽ thất truyền theo sự chuyển giao của thời đại?

Vang bóng một thời là cuộc hành trình tìm về với truyền thống dân tộc để phục cổ lại những điều tưởng chừng như đã khuất hẳn sau tấm màn che của thời đại mới.

Tác phẩm không chỉ đẹp về nội dung mà còn mang một tầng ý nghĩa và trọng trách lớn lao là truyền tải những tinh hoa của cha ông lại cho con cháu đời sau.

Vượt qua mọi sự hữu hạn của thời gian, Vang bóng một thời đã trở thành bản trường ca đẹp đẽ vang vọng mãi trong lòng độc giả, một khúc ca hoàn thiện đến mức tuyệt mỹ.

Diệu Uyển