Vũ Bằng là một tác giả tài hoa của nền văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại. Những sáng tác do ông chấp bút đều phảng phất bóng hình quê hương, ngợi ca nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.
Tác giả còn có biệt tài ở những trang văn miêu tả nền ẩm thực phong phú và độc đáo của đất nước. Cốm Vòng là một trong số đó, thuộc chương Tám tùy bút Miếng ngon Hà Nội, ra mắt công chúng lần đầu vào năm 1952.
Tác giả Vũ Bằng và những áng văn nhuốm màu sắc văn hóa dân tộc
Vũ Bằng có tên khai sinh là Vũ Đăng Bằng, sinh năm 1913 trong một gia đình truyền thống khoa bảng nổi tiếng tại tỉnh Hải Dương. Về sau, ông chuyển đến Hà Nội sinh sống và chính mảnh đất này đã hun đúc, nuôi dưỡng nên nhiều sáng tác văn chương của tác giả.
Sinh ra trong gia đình trí thức và được tiếp xúc với sách vở nên Vũ Bằng đã sớm bộc lộ niềm đam mê cùng sự ưa thích văn chương nghệ thuật. Ông còn là bạn thân của Vũ Trọng Phụng, một cây bút hiện thực vô cùng xuất sắc về sau.
Năm vừa tròn mười sáu tuổi, Vũ Bằng cho ra đời tác phẩm đầu tiên và được đăng lên trên tờ An Nam tạp chí. Chính sự kiện này đã thêm sức mạnh cùng động lực để ông theo đuổi nghề viết một cách nghiêm túc.
Vũ Bằng viết văn không phải để kiếm kế sinh nhai mà ông thực sự yêu mến con chữ cùng nghệ thuật. Năm mười tám tuổi, tác giả xuất bản tác phẩm Lọ văn và nhanh chóng thu hút sự chú ý từ độc giả lẫn giới chuyên môn bởi giọng điệu mới mẻ, độc đáo.
Bên cạnh sáng tác văn chương, Vũ Bằng còn tham gia viết báo, nắm giữ vị trí chủ bút tờ Tiểu thuyết Thứ bảy. Dù ở lĩnh vực nào, ông cũng đều chuyên tâm mày mò và sáng tạo, mang đến cho người đọc những tác phẩm giàu giá trị.
Một điều thú vị trong tính cách lẫn sự nghiệp của Vũ Bằng là ông trân trọng, cảm thông và hướng ngòi bút vào những mảnh đời vất vả, cơ cực. Chính nó đã khiến chàng thanh niên con nhà giàu Hà Nội trở thành nhà văn bình dân, đóng góp vào nền văn học dân tộc nhiều tác phẩm chan chứa tình yêu thương.
“Họ có một điểm rất giống nhau, là lòng thương đám bình dân đói khổ. Xã hội văn chương gọi chung họ bằng cái tên thân mật: “Bình dân”… Ba ông cũng là ba nhà văn tả thực, và cùng mở đầu cho nghề phóng sự ở nước ta.” – Nhà phê bình văn học Lê Tràng Kiều nhận xét về ba tác giả Vũ Đình Chí cùng Vũ Bằng và Vũ Trọng Phụng
Khi lật giở từng trang viết của văn sĩ, độc giả sẽ được đắm mình trong những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Cùng với các cây bút khác như Nguyễn Tuân và Thạch Lam, ông đã góp thêm một cách nhìn cùng nét vẽ mới cho mảnh đất này.
“Văn hồi ký của ông là loại trữ tình, giàu chất thơ, hướng vào biểu hiện nội tâm, hướng về phong cảnh thiên nhiên bốn mùa xứ sở. Các câu văn tràn đầy cảm xúc, cảm giác tinh tế.” – Nhà văn Triệu Xuân nhận xét về phong cách văn học của Vũ Bằng
Vũ Bằng say mê với các thức quà đặc trưng nơi mảnh đất kinh kỳ và viết về ẩm thực bằng tất cả tình yêu cùng thái độ trân trọng. Ông đặt cả tâm hồn vào tác phẩm, bộc lộ trực tiếp niềm tự hào trước những món ngon không đâu sánh được.
Văn bản Cốm Vòng và tập tùy bút Miếng ngon Hà Nội
Vũ Bằng đã để lại cho đời nhiều áng văn giàu chất trữ tình, phảng phất linh hồn đất Việt như tùy bút Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội hay Miếng lạ miền Nam. Từng lời văn và câu chữ tuôn ra trên trang giấy đều chan chứa tình cảm cùng nỗi nhớ quê hương da diết.
“Tinh hoa tinh huyết của Vũ Bằng được kết trầm trong đôi cuốn sách hoa Thương nhớ mười hai và Miếng ngon Hà Nội…” – Tác giả Văn Giá nói về những áng văn đặc sắc nhất của Vũ Bằng
Đối với Vũ Bằng, ẩm thực bao giờ cũng đi kèm cái đẹp, vì vậy nó không chỉ là chuyện của vị giác mà cần huy động mọi giác quan. Như vậy, kẻ thưởng thức mới cảm nhận trọn vẹn hương vị món ăn, nhìn thấu cả những tâm tư, tình cảm người nấu gửi gắm.
“Nhắc đến chuyện ẩm thực không thể không nhắc đến Vũ Bằng.” – Tác giả Khả Xuân nói về biệt tài ở thể loại văn học ẩm thực của Vũ Bằng
Nằm trong số đó, tùy bút Miếng ngon Hà Nội là một tác phẩm tiêu biểu về đề tài ẩm thực, được văn sĩ chấp bút vào năm 1952. Đứa con tinh thần này xoay quanh mười lăm món ăn đặc trưng nơi phố phường Hà thành, đồng thời thể hiện tấm lòng của Vũ Bằng đối với vùng đất từng gắn bó son sắc một thời.
Không chỉ vậy, tác phẩm còn gợi nhớ một Hà Nội cổ xưa với các hàng quán hay khung cảnh sinh hoạt náo nhiệt, đông vui. Tác giả cũng gửi gắm vào trang viết về món ngon những câu chuyện, đạo lý đối nhân xử thế, tôn trọng và gìn giữ văn hóa dân tộc.
Văn bản Cốm Vòng thuộc chương Tám tập tùy bút, chủ yếu miêu tả thức quà cốm gần gũi đối với con người Việt Nam. Qua đó, văn sĩ trực tiếp thể hiện tình yêu thương, sự nâng niu và trân trọng với nền ẩm thực Hà Nội nói riêng, đất nước nói chung.
Lời giới thiệu chan chứa niềm tự hào trong Cốm Vòng
Hai mươi năm cuối đời, văn sĩ chủ yếu sống tại Sài Gòn thế nhưng trong trang viết của ông lại tràn ngập bóng hình Hà Nội dấu yêu. Tâm hồn tác giả trĩu nặng nỗi nhớ thủ đô, đặc biệt là những hương vị quen thuộc của món ngon quê nhà.
Mở đầu văn bản, Vũ Bằng đã giới thiệu món ăn thanh tao của mùa thu Hà Nội cùng hồng, một loài trái cây với hương vị dịu ngọt một cách vô cùng tự hào. Chỉ chúng mới có thể biểu hiện được tinh thần giữa những cuộc nhân duyên và tình cảm lứa đôi đẹp đẽ, xao xuyến lòng người.
Có lẽ Vũ Bằng đã thưởng thức rất kỹ và ghi tạc màu sắc, hương thơm của hai loại đặc sản này để rồi dệt nên những trang văn vừa chuẩn xác lại thấm đẫm chất thơ. Đối với ông, chỉ khi kết hợp cùng nhau, chúng mới thể hiện được các đặc điểm nổi trội nhất, mang đến một mùi vị không thể nào quên.
“Màu sắc tương phản mà lại tôn lẫn nhau lên; đến cái vị của hai thức đó, tưởng là xung khắc mà ai ngờ lại cũng thắm đượm với nhau.” – Cốm Vòng
Tác giả đã sử dụng những từ ngữ giàu chất gợi hình và biểu cảm để miêu tả hương vị của cả cốm cùng hồng. Nếu thức quà đặc trưng cho mùa thu Hà Nội mộc mạc nhưng cũng rất mực thanh khiết thì loài trái cây “vương giả” kia lại có vị “ngọt lừ”, khiến con người ta phải say đắm.
Chỉ qua lời giới thiệu ngắn gọn ấy, sự sành ăn và vốn hiểu biết phong phú về ẩm thực của Vũ Bằng đã được bộc lộ một cách rõ ràng. Với ông, mỗi món ngon đều ẩn chứa những câu chuyện cùng giá trị tinh thần đẹp đẽ riêng.
Cốm Vòng là một thức quà vô cùng đặc biệt
Những năm tháng tuổi nhỏ sinh sống tại thủ đô, rong ruổi khắp phố phường thử vô vàn món ăn ngon khiến trang văn Vũ Bằng ngập tràn nỗi nhớ quê hương da diết. Ông đặc biệt dành nhiều tình yêu cho cốm Vòng, thức quà dịu nhẹ và thanh tao như tiết trời Hà Nội lúc vào thu.
Hình ảnh những gánh cốm dọc các ngõ ngách đã ăn sâu vào tiềm thức tác giả, thôi thúc ông cầm bút và viết để phơi trải lòng mình. Hương thơm của món đặc sản ấy lan tỏa khắp Hà thành, len lỏi đến tận tâm hồn người con xa quê.
“Cốm đã đạt đến tuyệt đỉnh so với một thứ quà dân dã, không gì có thể thay thế được trong lòng những người con yêu Hà Nội.” – Lời giới thiệu của cuốn sách Miếng ngon Hà Nội
Mỗi khi nhắc đến thức quà được mệnh danh “tinh hoa ẩm thực” là phải nghĩ ngay về làng Vòng cùng những cô gái tháo vát, dịu dàng trĩu nặng gánh cốm trên vai. Hình ảnh ấy vô cùng quen thuộc trong thơ văn nước nhà, bộc lộ phẩm chất tốt đẹp, cao quý của người phụ nữ Việt Nam.
“Đó là những cô gái mộc mạc ưa nhìn “đầu trùm nón lá” vắt vẻo đi từ tinh mơ lên phố để bán cốm cho khách Hà Nội có tiếng là sành ăn.” – Cốm Vòng
Vũ Bằng lại một lần nữa thể hiện vốn hiểu biết ẩm thực phong phú, gói ghém vào tác phẩm những thông tin quý giá về cốm làng Vòng. Chỉ khi được sản xuất tại đây, thức quà này mới trở nên thơm ngon, hòa cùng bầu không khí mát mẻ mùa thu rồi mang đến cho con người cảm giác tuyệt vời, thư thái nhất.
Ở làng Vòng, cũng chỉ có thôn Vòng Hậu và Vòng Sở có thể sản xuất loại cốm quý làm say lòng kẻ thưởng thức. Nguyên liệu chính để chế biến nên thức quà này là những hạt lúa nếp hoa vàng non còn ngậm sữa, mang hương thơm thanh tao, ngào ngạt.
Dưới sự quan sát cùng cách miêu tả tinh tế của nhà văn Vũ Bằng, hạt thóc nếp hoa vàng ấy còn vô cùng đặc biệt. Nó nhỏ nhắn và tròn trịa hơn so với các loại thường, mang hương vị ngọt nhẹ, dịu mát.
“Hạt thóc nếp hoa vàng trông cũng giống hạt thóc nếp thường, nhưng nhỏ hơn một chút mà cũng tròn trặn hơn. Anh nhấm thử một hạt, sẽ thấy ở đầu lưỡi ngọt như sữa người.” – Cốm Vòng
Dường như văn sĩ đã trở thành một nghệ nhân làm cốm thực sự khi am hiểu tường tận loại lúa nếp dùng để chế biến nên thức quà thơm ngon. Tuy vậy, những lời văn ông viết ra không hề khô khan hay cứng nhắc mà ngược lại, tràn đầy chất thi vị, trữ tình.
Những trang văn về ẩm thực đã thực sự thăng hoa và trở thành kiệt tác nghệ thuật. Cốm chính là thức dâng của thiên nhiên với hình ảnh cánh đồng lúa xanh ngát, dào dạt hương thơm, vì vậy ông miêu tả nó bằng tất cả sự nâng niu, trân trọng.
Quá trình tạo ra thức quà cốm gian nan và phức tạp
Trong Cốm Vòng, Vũ Bằng không chỉ miêu tả mùi thơm cùng hương vị mà còn khắc họa công đoạn tạo ra thức quà đặc trưng cho mùa thu Hà Nội. Ông đã quan sát một cách kỹ lưỡng để rồi phát hiện ở tâm hồn những người thợ làm cốm tài năng và lòng nhiệt thành với nghề.
Trong trang viết của tác giả, sau khi thu hoạch lúa từ cánh đồng về, người dân làng Vòng nhanh tay tuốt để những hạt thóc vàng ươm rơi ra. Công đoạn này phải được thực hiện một cách chỉn chu và bền bỉ bởi nó ảnh hưởng đến chất lượng cốm về sau.
Dường như Vũ Bằng không chỉ đứng bên ngoài quan sát mà thực sự trở thành một người thợ thực thụ, cảm nhận sự tỉ mỉ, trau chuốt khi làm việc. Ông cho rằng chính đôi bàn tay khéo léo cùng vốn kinh nghiệm tích lũy được từ xa xưa là bí quyết tạo nên những mẻ cốm thơm ngon nức tiếng.
“Lửa lúc nào cũng phải đều; nhất là củi đun phải là thứ củi gỗ cháy âm, chứ không được dùng đến củi rơm hay củi đóm.” – Cốm Vòng
Để mang đến cho giới sành ăn Hà Nội món cốm thơm dẻo mỗi độ thu về, những người thợ chăm chỉ, siêng năng làng Vòng phải thực hiện tận sáu công đoạn. Ấy là ngắt cũng như tuốt lúa, đảo trong nồi rang, xay hay giã thóc rồi tới sàng thóc và bước hồ cuối cùng.
Bất kỳ bước nào cũng đều quan trọng và cần thiết, vì vậy nó yêu cầu những người dân làng Vòng hết sức cẩn thận, khéo léo. Ngay cả khi giã tay, thợ làm gốm phải vô cùng chu đáo, cân nhắc dùng lực sao cho vừa phải, thực hiện đúng theo trình tự.
Bằng tài năng văn học thiên bẩm, Vũ Bằng đã vận dụng một cách tinh tế thủ pháp nghệ thuật nhân hóa để tôn vinh tay nghề những người thợ làng Vòng. Họ mang đến cho các mẻ cốm vừa ra đời một vẻ đẹp tươi mát, đánh thức mọi giác quan của kẻ say mê thức quà thanh tao ấy.
“Cốm đương mộc mạc, nổi hẳn màu lên và duyên dáng như cô gái dậy thì bỗng tự nhiên đẹp trội lên trong một buổi sáng mùa xuân tươi tốt.” – Cốm Vòng
Trước khi xuất hiện ở các gánh hàng, cốm được bày ra thật mỏng trên mảnh lá chuối hay sen. Sắc xanh của chúng không chen lấn mà ngược lại, quyện hòa vào nhau, tôn lên vẻ đẹp cùng hương thơm không thể quên đối với những kẻ trót xiêu lòng.
Tác phẩm của người nghệ sĩ ấy còn có sự kết hợp hài hòa, khéo léo tính hiện đại cũng như truyền thống, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Văn chương Vũ Bằng vì thế luôn thấm đẫm chất thơ, mang dư vị man mác và dịu nhẹ, gần gũi với đời sống người dân Việt Nam.
Sự trân trọng và nâng niu của tác giả đối với cốm
Cốm Vòng là áng văn tuyệt đẹp được kết tinh bởi tình yêu thương cùng niềm tự hào của tác giả đối với nền ẩm thực cũng như đất nước Việt Nam. Không một cao lương mĩ vị nào có thể sánh kịp với thức quà từ lúa non, chuyên chở bao hương thơm giản dị mà mộc mạc, thanh khiết như cốm.
Dù đã thử qua nhiều món ngon vật lạ, văn sĩ vẫn một lòng thủy chung với món ăn quen thuộc mỗi dịp thủ đô vào thu này. Nghĩ về Hà Nội là nhớ ngay đến những gánh cốm xanh tươi, thoang thoảng hương thơm khắp phố phường.
Vũ Bằng còn tinh tế phát hiện ra không một loại giấy bóng, dây lụa trang trọng nào có thể gói và buộc cốm. Thức quà của mùa thu Hà Nội này chỉ có thể là chính nó một cách trọn vẹn khi được bọc cẩn thận trong những chiếc lá sen xanh rờn hay lớp rơm tươi còn thấm đẫm sương mai.
“Cốm, một món quà trang nhã của Thần Nông đem từ đồng quê bát ngát của tổ tiên ta lại cho ta, không thể hứng chịu được những cái gì phàm tục.” – Cốm Vòng
Cốm không đơn thuần là một món ăn mà còn đại diện cho cả những nét văn hóa lâu đời của người dân đất Việt. Tác giả nhận thức một cách sâu sắc điều này, vì vậy ông luôn cố gắng gìn giữ và phát huy truyền thống đẹp đẽ, thiêng liêng ấy.
Nghệ sĩ gói ghém cẩn thận từng mảnh cảm xúc và sự suy tư vào tác phẩm. Ông không chỉ khắc họa tỉ mỉ các công đoạn làm cốm của những người thợ làng Vòng mà còn mang đến cho độc giả cách thưởng thức món ăn này một cách đầy đủ nhất.
Giống như nhà văn Thạch Lam với tác phẩm Hà Nội băm sáu phố phường, Vũ Bằng cũng cho rằng cốm không dành cho những người ăn vội. Trái lại, kẻ thưởng thức phải thật thanh lịch và dịu dàng, nhấm nháp từng chút một để cảm nhận hương vị của món quà từ thiên nhiên.
“Phải biết tiếc từng hạt rơi, hạt vãi, và nhất là phải ăn từng chút một, lấy ngón tay nhón lấy từng chút một, chứ không được phũ phàng.” – Cốm Vòng
Xa quê hương đã lâu nhưng chưa bao giờ ngòi bút ông thôi thổn thức đối với những sự vật nhỏ bé nơi thủ đô. Vì vậy, câu văn tác giả viết ra đều chan chứa tình yêu thương vô bờ cùng sự nhớ nhung da diết một món ăn từng gắn liền với năm tháng tươi đẹp ở mảnh đất này.
“Bởi viết về Hà Nội, viết về đất nước quê hương, không ai có thể hơn Vũ Bằng. Bởi Vũ Bằng yêu Hà Nội, yêu đất nước quê hương khi mà ông đang sống ở Sài Gòn, cách Hà Nội chưa đầy hai giờ máy bay mà vời vợi ngàn trùng.” – Nhà văn Triệu Xuân ca ngợi những áng văn viết về thủ đô của Vũ Bằng
Trong tác phẩm Cốm Vòng do Vũ Bằng chấp bút, cốm tượng trưng cho thức quà quý giá đến từ đất trời, mang đầy phong vị của riêng Hà Nội mà chẳng nơi nào khác có thể bắt chước được. Vì vậy, trân trọng món ăn này cũng chính là sự thể hiện tình yêu cùng niềm tự hào đối với thủ đô cùng đất nước.
Cốm Vòng là một tác phẩm thấm đẫm chất thơ
Với tư cách một nghệ sĩ chân chính, Vũ Bằng yêu da diết quê hương, dù là những kiếp người nhỏ bé cho đến các sự vật bình thường hay món ăn dân dã. Vì vậy, từng lời văn và câu chữ ông viết ra đều tràn đầy chất thi vị, khiến độc giả không khỏi xao xuyến, luyến lưu.
Cốm Vòng nói riêng và tập tùy bút Miếng ngon Hà Nội nói chung được thai nghén dựa trên những ký ức cùng nỗi nhớ miên man, thiết tha đến chới với của văn sĩ đối với quê nhà. Vì vậy, ông đã truyền toàn bộ xúc cảm ấy lên trang viết, tạo nên lớp ngôn từ giàu nhạc điệu, âm thanh.
Nếu Nguyễn Tuân với Người lái đò sông Đà nổi tiếng sở hữu nhiều từ vựng Hán Việt độc đáo thì ở đây, Vũ Bằng lại ưa thích tính ảo diệu của Tiếng Việt. Câu chữ ông thiên về sự biểu đạt những cảm xúc mong manh, tế vi, khó diễn tả thành lời xuất phát từ giác quan cùng cảm nhận con người.
“Văn hồi ký của ông là loại văn trữ tình, giàu chất thơ, hướng vào biểu hiện nội tâm, hướng về phong cảnh thiên nhiên bốn mùa xứ sở. Các câu văn tràn đầy cảm xúc, cảm giác tinh tế. Cùng với Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội…đã góp phần định hình kiểu hồi ký trữ tình độc đáo. Có thể xem đây là một đóng góp quan trọng của Vũ Bằng vào thể ký nói riêng và nền văn học hiện đại nói chung.” – Từ điển văn học nói về phong cách sáng tác giàu chất thơ của tác giả Vũ Bằng
Lớp ngôn từ trĩu nặng sự thi vị ấy còn được thể hiện ở việc nhà văn thường xuyên vận dụng phương thức chuyển nghĩa đồng đẳng, thông qua các biện pháp tu từ như nhân hóa, so sánh. Điều này không chỉ khoác lên tác phẩm nét đẹp đậm chất mỹ học mà còn mang đến cho độc giả những liên tưởng độc đáo, thú vị.
Bên cạnh đó, tác giả còn dành tình cảm ưu ái cho kiểu câu phức và ghép giàu cảm xúc. Vì vậy, rất nhiều lần độc giả bắt gặp trong các sáng tác của Vũ Bằng âm điệu hài hòa, đăng đối, mang dáng dấp biền ngẫu cũng như man mác phong vị cổ điển.
Ngoài ra, chất thơ ấy còn được bộc lộ ở giọng điệu lúc thì trang trọng sâu lắng, khi lại vang vọng thiết tha. Nó rất phù hợp để Vũ Bằng phơi trải lòng mình, bộc lộ niềm nhớ thương khắc khoải, khôn nguôi.
Tình cảm đối với nền ẩm thực quê nhà cùng thủ đô dấu yêu mà tác giả gửi gắm trong đứa con tinh thần Cốm Vòng hệt như những đợt sóng dịu êm, cứ thế len lỏi vào tâm hồn độc giả, khiến họ thêm trân trọng và nâng niu các giá trị truyền thống tốt đẹp.
Hạ Miên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất