Giữa cuộc sống bộn bề lo toan và vất vả, độc giả lại trở về với các sáng tác của Thạch Lam như một cách để kiếm tìm sự bình yên, thanh lọc tâm hồn. Là cây bút chủ lực thuộc Tự lực văn đoàn, song nhà văn vẫn chọn cho mình lối đi mới mẻ, khác biệt.
Dưới bóng hoàng lan nằm trong danh sách truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách văn chương giàu chất thơ của Thạch Lam. Tác phẩm không chỉ xoa dịu tâm hồn người đọc khỏi nỗi lo lắng đời thường bởi câu chuyện tình yêu mộc mạc, lãng mạn mà còn là khúc ca thể hiện sự trân trọng đối với gia đình và quê hương.
Phong cách văn chương giàu chất thơ cùng tác phẩm Dưới bóng hoàng lan
Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Lân, sinh năm 1910 tại Hà Nội trong một gia đình công chức có gốc quan lại. Thuở còn nhỏ, ông sống chủ yếu ở quê ngoại Cẩm Giàng, thuộc tỉnh Hải Dương.
Văn sĩ chính thức hoạt động văn học từ năm 1936 khi đảm nhận chức biên tập viên cho tờ báo Phong hóa và Ngày nay. Tác phẩm đầu tiên đánh dấu cho sự mở màn của ông là Gió đầu mùa, vốn gây được nhiều tiếng vang lớn từ thời điểm vừa ra mắt.
Dù bị ảnh hưởng bởi trường phái văn học lãng mạn, các đứa con tinh thần do văn sĩ thai nghén vẫn mang một màu sắc riêng biệt. Thạch Lam hướng tâm thức cùng ngòi bút mình vào những sự vật hay câu chuyện hết sức bình dị, đậm chất đời thường.
“Dù trong cảnh ngộ nào con người trong sự miêu tả của Thạch Lam vẫn luôn hướng về một thế giới tinh thần đẹp đẽ, trong sáng và giàu tính nhân bản.” – Nhà phê bình văn học Lê Dục Tú nói về phong cách văn học đặc biệt của Thạch Lam
Nếu Nam Cao hay Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng khai thác chất liệu đời sống ở những khía cạnh có phần nghiệt ngã, đau đớn thì Thạch Lam nhìn thấy trong đó vẻ đẹp lấp lánh từ tình yêu thương. Ông một mực tin tưởng vào phẩm chất lương thiện, ấm áp vốn có của con người.
Văn sĩ còn sở hữu biệt tài trong việc miêu tả diễn biến nội tâm của nhân vật, từng mảnh cảm xúc dù nhỏ bé hay mong manh đều được tác giả cẩn thận quan sát và ghi tạc. Vì vậy, văn chương Thạch Lam thường không có cốt truyện mà giống một bài thơ trữ tình.
“Thạch Lam có một ngòi bút lặng lẽ và điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ và rất đẹp, những cảm tình, cảm giác con con nảy nở và biểu lộ ở đủ hạng người mà ông tả một cách rất tinh vi, những cảm giác con con Thạch Lam tả rất khéo làm cho người đọc cũng dư một phần suy nghĩ. Tỉ mỉ và sâu sắc, đó là hai đặc tính của những truyện ngắn xuất sắc của Thạch Lam.” – Nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan nói về ngòi bút tinh tế và nhẹ nhàng của Thạch Lam
Ông để lại cho cuộc đời cũng như nền văn học Việt Nam nhiều tác phẩm quý giá, chứa đựng vô vàn bài học cùng ý nghĩa nhân văn. Các sáng tác tiêu biểu phải kể đến là Hai đứa trẻ, Sợi tóc, Gió lạnh đầu mùa, Nhà mẹ Lê, Cô hàng xén hay Dưới bóng hoàng lan.
Dưới bóng hoàng lan là thiên truyện đặc trưng cho lối văn giàu chất trữ tình của nhà văn, xuất hiện lần đầu ở tập Tuyển tập Thạch Lam. Thông qua tác phẩm, độc giả như đang đắm mình nơi làng quê yên bình và cảm nhận tình yêu thương lan tỏa từ tâm hồn con người.
Khung cảnh làng quê Việt Nam trong Dưới bóng hoàng lan
Trong hầu hết sáng tác của mình, Thạch Lam thường khắc họa hình ảnh làng quê Việt Nam một cách chân thực nhưng cũng rất thi vị. Đối với ông, đây chính là không gian để nhân vật bộc lộ và phơi trải cảm xúc, gom nhặt từng mảnh ký ức.
Thế nhưng không gian trong văn chương của ông không phải xã hội bao la, rộng lớn mà được thu hẹp theo phạm vi cá nhân. Ở truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan, văn sĩ tập trung khắc họa khung cảnh yên bình từ con đường về nhà đến khu vườn quen thuộc.
Nơi này đã gắn bó với nhân vật chính là Thanh từ thuở tấm bé, chứng kiến hành trình trưởng thành của anh. Vì vậy, nó dần trở thành một phần quan trọng, khẽ ôm ấp và vỗ về tâm hồn chàng thanh niên ấy ở tỉnh xa.
Từ đầu tác phẩm, ngòi bút văn sĩ đã ưu ái khắc họa hình ảnh chốn thân thương ấy bằng những từ ngữ vô cùng đặc biệt. Ông không chỉ miêu tả màu sắc, âm thanh mà còn đưa cả hương thơm thoang thoảng, nồng nàn vào trang viết.
“Chàng thấy mát hẳn cả người; trên con đường lát gạch bát tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió. Một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí.” – Dưới bóng hoàng lan
Ở các tác phẩm nổi bật khác như Cô hàng xén, Trở về hay Hai đứa trẻ, văn sĩ cũng đều tái hiện bức tranh quê hương gắn với mùi hương hoặc thanh âm đặc trưng, khiến người đọc không khỏi xao xuyến.
Mỗi khi miêu tả khung cảnh ấy, Thạch Lam khéo léo bộc lộ tài năng văn học cùng sự nhạy bén cũng như vốn từ phong phú. Từng trang viết đều nồng nàn chất thơ, khiến độc giả cảm tưởng như đang hòa mình vào tác phẩm và chiêm ngưỡng khu vườn đẹp đẽ đó.
Tác giả đã đặt điểm nhìn trần thuật vào chàng trai Thanh mới về thăm quê. Sau khi tiến đến gian nhà, nhân vật chính lặng mình chứng kiến mọi thứ ở nơi từng chở che cả thời tấm bé vẫn vẹn nguyên, không chút thay đổi.
Trong trang văn của Thạch Lam, quê hương tựa như người mẹ dịu dàng, vẫn luôn chờ đợi và dang rộng vòng tay ôm ấp những đứa con xa nhà. Nó xoa dịu tâm hồn Thanh, khiến cảm giác xa lạ biến mất mà thay vào đó là sự ấm áp, quen thuộc thời niên thiếu.
Khi miêu tả bức tranh làng quê, tác giả luôn thể hiện tấm lòng nâng niu và trân quý, rót vào từng câu chữ chất thơ dịu ngọt. Thiên nhiên giúp thanh lọc tâm hồn, gợi lại trong tâm trí con người những dòng suy tưởng miên man về cuộc đời.
“Nước mát rợi và Thanh cúi nhìn bóng chàng lay động trong lòng bể với những mảnh trời xanh tan tác.” – Dưới bóng hoàng lan
Thạch Lam không phải là một cây bút quá cầu kỳ trong việc chọn lựa chi tiết cũng như hình ảnh. Cảnh sắc làng quê ở tác phẩm vô cùng gần gũi và quen thuộc, tựa như miền cổ tích thường xuất hiện qua những câu chuyện thuở bé.
Tuy nhiên, văn sĩ luôn biết cách biến trang viết trở nên đặc biệt bằng việc chú ý đặc tả một điểm nhấn bất kỳ. Trong Dưới bóng hoàng lan, nó chính là mùi hương hoa ngọc lan thoang thoảng ở vườn nhà bà ngoại, dẫn Thanh đi vào miền ký ức tươi đẹp những ngày ấu thơ.
Chính hương hoa ấy đã gột rửa tâm hồn Thanh khỏi những vất vả và lo toan nơi cuộc sống thường nhật. Nó cũng là chất xúc tác khiến các nhân vật tự bộc lộ bao tâm tình còn giấu kín trong cõi lòng.
Ở tác phẩm, thiên nhiên được văn sĩ nhân hóa thành một người mẹ hiền, lúc nào cũng dịu dàng và tràn đầy yêu thương. Đây chính là đặc điểm nổi bật trong phong cách sáng tác của nhà văn, tiêu biểu cho cách nhìn nhận, đánh giá sự vật sâu sắc.
“Bằng một giọng văn nhẹ nhàng, đơn giản và trong sáng, Thạch Lam đã gợi cho chúng ta cả một bối cảnh Việt Nam không còn nữa với ngày nay cả một bầu không khí thanh bình, thơ mộng và nghèo khốn.” – Tác giả Nguyễn Nhật Duật nói về khung cảnh làng quê Việt Nam trong các sáng tác của Thạch Lam
Làng quê Việt Nam trong văn chương Thạch Lam nói chung và Dưới bóng hoàng lan nói riêng lúc nào cũng nhuốm màu sắc trữ tình. Ở bức tranh ấy, có nét buồn man mác nhưng vẫn thấm đượm sự đẹp đẽ, yên bình khiến tâm hồn độc giả không khỏi xuyến xao.
Diễn biến tâm trạng của nhân vật Thanh trong Dưới bóng hoàng lan
Phần lớn truyện ngắn được chấp bút bởi Thạch Lam không có cốt truyện mà chỉ dựa theo dòng suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật. Ngòi bút văn sĩ đi sâu vào trong hồn người, chớp lấy từng sự thay đổi dù là tế vi nhất.
“Sáng tác của Thạch Lam không tập trung vào việc tạo dựng cốt truyện do đó thường ít sự kiện, biến cố và hành động nhưng vẫn đầy hấp dẫn bởi thiên hướng đi vào thế giới nội tâm nhân vật qua việc ghi lại những cảm giác mơ hồ, mong manh và thể hiện bằng một lối viết nhẹ nhàng, kín đáo, tế nhị.” – Tác giả Nguyễn Phượng nói về phong cách sáng tác độc đáo của Thạch Lam
Ở Dưới bóng hoàng lan, mạch truyện men theo dòng chảy tâm trạng nhân vật Thanh trong lần về thăm quê nhà sau hai năm làm việc tại tỉnh. Khoảnh khắc anh trở lại chốn thân thuộc cũng là lúc bao lo toan của guồng quay công việc tạm thời gác lại, nhường chỗ cho sự yên bình nơi tâm hồn.
“Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa.” – Dưới bóng hoàng lan
Văn chương Thạch Lam nhẹ nhàng, dung dị mà vẫn có sức ám ảnh lớn, lay động trái tim độc giả mỗi thế hệ. Hằn sâu trong trang viết chính là những phận người tuy không rơi vào bước đường cùng nhưng lại đượm màu u buồn, cơ cực.
Nhân vật chính trong tác phẩm cũng không phải ngoại lệ, Thanh có một tuổi thơ không mấy trọn vẹn và hạnh phúc như bao đứa trẻ khác. Cha mẹ mất sớm, để lại mình anh cùng bà sống nương tựa vào nhau, trải qua nhiều ngày tháng khó khăn, vất vả.
Tuy vậy, tâm hồn bé thơ vẫn được bao bọc và chở che dưới tình yêu thương vô bờ bến của bà. Người phụ nữ suốt đời tảo tần vì con cháu ấy đã một tay nuôi nấng Thanh, từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành.
Dường như chính hoàn cảnh đặc biệt ấy khiến Thanh càng thêm trân trọng và yêu thương quê nhà. Điều này thể hiện phần nào sự sâu sắc cùng triết lý trong ngòi bút Thạch Lam, đó là chỉ khi trải qua khó khăn thì người ta mới biết cách nâng niu cuộc sống.
Nỗi vất vả và nhọc nhằn in đậm lên từng trang văn là thế nhưng thế giới nhân vật của tác giả vẫn luôn cố gắng gìn giữ tấm lòng nhân hậu, trong sáng. Dù phải đi làm ăn xa, Thanh không bao giờ quên dành cho người bà sự hiếu thuận hay lòng biết ơn mỗi khi về thăm nhà.
“Chàng cảm động gần ứa nước mắt. Bà yêu thương cháu quá, giờ chỉ có mình cháu, với mình bà.” – Dưới bóng hoàng lan
Thạch Lam không sử dụng quá nhiều từ ngữ nhằm khắc họa bức chân dung hay tính cách Thanh một cách chi tiết. Thay vào đó, ông để nhân vật tự giãi bày nỗi lòng mình qua những hành động, suy nghĩ cùng thái độ đối với mọi người và sự vật xung quanh.
Chuyện tình trong trẻo như sớm mai trong Dưới bóng hoàng lan
Dưới bóng hoàng lan làm người đọc vương vấn bởi câu chuyện tình lãng mạn, trong trẻo tựa ánh nắng ban mai giữa Thanh với Nga. Trong cuộc sống trầm buồn và ảm đạm, họ vẫn dành cho nhau những xúc cảm đẹp đẽ.
Đó là một điểm nổi bật xuyên suốt hàng loạt sáng tác khác của nhà văn, người luôn kiếm tìm những vẻ đẹp lấp lánh sâu trong hiện thực tàn khốc. Đối với ông, hoàn cảnh sống có khắc nghiệt đến mấy cũng không thể làm héo mòn hạt mầm tình yêu tốt đẹp.
Tác giả trân trọng tấm lòng và tình cảm của những người nhỏ bé, bình thường trong xã hội đương thời. Chính vì vậy, lời văn Thạch Lam viết ra thấm đẫm sự cảm thông cùng niềm ấm áp vô bờ bến.
“Ngoài ra ông còn có tấm lòng nâng đỡ bao vẻ đẹp đáng quý ở con người khi qua những tác phẩm của mình, ông thể hiện niềm trân trọng đối với những ước mơ, khát vọng vươn đến những điều tốt đẹp của họ, cho dù nó vô cùng mong manh, nhỏ bé.” – Giáo sư Trần Đăng Suyền và Lê Quang Hưng nói về tấm lòng nhân đạo của Thạch Lam
Chuyện tình cảm trong Dưới bóng hoàng lan được miêu tả vô cùng ý nhị và nhẹ nhàng, không chút vội vã. Cả Thanh với Nga đều nhận ra cảm xúc đặc biệt của mình dành cho đối phương, khẽ bày tỏ những lời đã ấp ủ từ lâu.
“Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá.” – Dưới bóng hoàng lan
Cũng vì thế mà thế giới nội tâm của các nhân vật dần hé mở thông qua lời nói, hành động. Từng đoạn cảm xúc khi yêu, dù là mơ hồ và mong manh nhất đều được văn sĩ cảm nhận để đưa vào trang viết.
Dù sống xa nhà nhưng chưa bao giờ Thanh thôi suy nghĩ đến nàng thiếu nữ dịu dàng trong tà áo trắng, thường thay anh kề cạnh, bầu bạn với bà. Về phía Nga, cô cũng luôn đợi chờ hình bóng quen thuộc đã cùng mình chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa hoàng lan.
Tình cảm giữa Thanh cùng cô hàng xóm nảy nở khi cả hai còn tấm bé, suốt ngày rong ruổi khắp vườn nhặt từng cánh hoàng lan rơi. Loài hoa ấy đã nuôi dưỡng mối tình thơ ngây, để lại trong lòng các nhân vật sự nhớ thương và vương vấn.
Thạch Lam không xây dựng đoạn kết rõ ràng cho mối tình giữa hai người trẻ tuổi ấy, thay vào đó là lời hứa hẹn của Thanh với Nga. Dường như ông đã trao gửi độc giả quyền đồng sáng tạo, lắng nghe tiếng nói nội tâm bên trong nhân vật.
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thấp thoáng trong Dưới bóng hoàng lan
Bằng phong cách trữ tình, nhẹ nhàng mà đằm thắm, Thạch Lam đã xây dựng nên hình tượng phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất tốt đẹp trong Dưới bóng hoàng lan. Ấy là người bà tần tảo vì con cháu hay cô hàng xóm dịu dàng và thủy chung.
“Ngòi bút Thạch Lam tinh tế và đằm thắm biết bao trên những trang văn về người phụ nữ và con trẻ…” – Giáo sư Phong Lê nhận xét về ngòi bút của Thạch Lam khi miêu tả về hình tượng người phụ nữ Việt
Nga không chỉ đẹp về ngoại hình với “nụ cười tươi”, “hai má hồng” cùng “đôi mắt thắm” mà còn sở hữu tâm hồn đẹp đẽ, trong sáng. Cô gái ấy luôn mang trong lòng mối tình e ấp thuở nhỏ, mỗi khi ngửi thấy hương hoàng lan cũng là lúc nhớ đến chàng trai mình thầm thương bấy lâu.
Không chỉ vậy, Nga còn luôn ở bên và bầu bạn cũng như giúp đỡ bà của Thanh chuyện nhà cửa, bếp núc. Tấm lòng nàng thiếu nữ ấy vô cùng rộng mở, tràn đầy tình yêu thương cùng sự hy sinh dành cho mọi người xung quanh.
Bên cạnh đó, văn sĩ cũng dùng tất cả câu chữ cùng lời văn đẹp đẽ nhất khi miêu tả vẻ đẹp tâm hồn bà của Thanh. Dường như Thạch Lam đã mượn lời nhân vật để bộc lộ sự quý trọng, kính yêu đối với những người phụ nữ Việt Nam suốt đời lam lũ, vất vả vì gia đình.
Nhân vật bà lão tuy không xuất hiện với tần suất nhiều nhưng vẫn để lại ấn tượng khó phai mờ nơi nội tâm độc giả. Người phụ nữ hiền hậu ấy đã một mình chăm lo cho từng miếng ăn, cái mặc từ lúc Thanh còn nhỏ.
Đến lúc anh trưởng thành, bà vẫn ở ngôi nhà cũ, vào bếp chuẩn bị mâm cơm chỉn chu cho đứa cháu thỉnh thoảng mới có dịp về thăm quê. Từng lời nói đều toát ra sự chân thành, ấm áp và cả nỗi lo lắng khi Thanh phải sống một mình nơi xa lạ.
Trong hoàn cảnh vất vả, bà luôn quan tâm, chấp nhận hy sinh cả cuộc đời quý giá vì con cháu mà không bao giờ nghĩ đến bản thân hay mong cầu nhận lại điều tương tự. Sự nhân hậu đã ăn sâu vào tính cách, dìu dắt người phụ nữ ấy khỏi những năm tháng cơ cực.
Đây cũng chính là đặc điểm chung tiêu biểu cho người phụ nữ truyền thống Việt Nam, luôn cố gắng vì hạnh phúc của gia đình. Họ đã sống hết mình bằng tình yêu thương cùng đức hy sinh, khiến xã hội thêm phần tốt đẹp và tươi sáng.
“Nhân vật nữ trong truyện ngắn Thạch Lam thường mang vẻ đẹp của sự kín đáo, tế nhị. Có vẻ họ hơi cũ một tý nhưng thật ra đó là nữ tính đậm đà của người phụ nữ Việt Nam.” – Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng nói về nhân vật phụ nữ trong trang viết Thạch Lam
Không riêng Dưới bóng hoàng lan mà trong các tác phẩm khác như Cô hàng xén, Nhà mẹ Lê hay Gió lạnh đầu mùa, Thạch Lam cũng đã dùng ngòi bút tài hoa dựng nên bức chân dung người phụ nữ Việt. Qua đó, thể hiện thái độ trân trọng của nhà văn khi ông luôn tôn vinh, đề cao vẻ đẹp tâm hồn họ.
Dưới bóng hoàng lan là một thiên truyện dào dạt chất thơ
Thạch Lam là cây bút có phong cách vô cùng đặc biệt trong nền văn học Việt Nam. Mỗi truyện ngắn của ông giống như một bài thơ trữ tình, lay động tâm hồn người đọc bởi những câu chữ giàu xúc cảm, nhạc điệu.
Ở Dưới bóng hoàng lan, văn sĩ không xây dựng một cốt truyện cụ thể với những chi tiết xung đột hay gây ấn tượng mạnh. Mọi sự vật, câu chuyện trong tác phẩm đều diễn ra vô cùng êm đềm tựa như áng mây trôi.
Vì lẽ đó, tác phẩm không có nhân vật phản diện, tất cả đều mang trong mình tấm lòng hồn hậu và trong sáng. Ngay cả tên gọi của họ cũng chỉ toàn vần bằng, tạo nên những liên tưởng nhẹ nhàng nơi tâm hồn người thưởng thức.
Ngòi bút Thạch Lam chỉ tập trung gợi, không miêu tả tính cách nhân vật tường tận mà để độc giả tự cảm nhận thông qua cách họ trò chuyện, cư xử. Ai cũng đều thể hiện sự tôn trọng, dịu dàng với mọi người xung quanh.
Không chỉ vậy, nét thi vị của tác phẩm còn được thể hiện ở bức tranh làng quê yên bình đậm chất Việt Nam. Mọi chuyển động thiên nhiên đều dựa trên dòng cảm xúc dạt dào nơi tâm hồn nhân vật Thanh.
Thế nhưng, trong cái bình lặng đáng ngạc nhiên nơi quê nhà còn ẩn chứa cả nỗi buồn thầm lặng và âm ỉ. Đó là sự mơ hồ, niềm tiên cảm về số phận con người cũng như hoàn cảnh đất nước những năm tháng sau đó của tác giả.
Dưới bóng hoàng lan cùng tấm lòng trong ngần, đẹp đẽ của Thạch Lam sẽ mãi đi với thời gian và năm tháng. Ông đã để lại cho đời những áng văn chân chất, thấm đượm tình yêu thương, niềm trân trọng đối với số phận con người.
Hạ Miên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất