Tình mẫu tử cao quý từ lâu đã đi vào văn chương, trở thành nguồn cảm hứng vô tận ấp ủ và nuôi dưỡng nhiều tác phẩm nghệ thuật. Đến với những trang viết về đề tài này của Thạch Lam, độc giả sẽ được đắm mình trong thế giới ngôn từ dạt dào chất thơ, chan chứa sự ấm áp cùng yêu thương.
Trong đó, Nhà mẹ Lê là tác phẩm tiêu biểu và đặc sắc về tình mẫu tử do văn sĩ chấp bút, xuất bản lần đầu vào năm 1942. Truyện ngắn này không chỉ tái hiện tình cảm mẹ con xúc động mà còn dựng nên cả bức tranh toàn cảnh làng quê Việt Nam tiêu điều, xơ xác trước Cách mạng tháng Tám.
Thạch Lam và những áng văn có sự kết hợp giữa chất hiện thực cùng trữ tình
Tác giả Thạch Lam có tên thật là Nguyễn Tường Lân, sinh năm 1910 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức gốc quan lại. Tuy vậy, cả tuổi thơ ông đều gắn bó với quê ngoại Cẩm Giàng thuộc tỉnh Hải Dương, nơi đã ảnh hưởng đến nhiều sáng tác sau này.
Sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố lại mất sớm nên Thạch Lam từ thời niên thiếu phải chịu không ít vất vả, khó khăn. Vì vậy, ông luôn nhìn đời bằng đôi mắt tinh tường và sâu sắc, cảm thông cho nhiều số kiếp đáng thương, nghèo khổ.
Chính cách quan sát và nhìn nhận cuộc đời này đã chi phối đến thế giới nghệ thuật cũng như phong cách sáng tạo của nhà văn. Ông không viết về thứ cao siêu, xa rời thực tế mà hướng ngòi bút vào những mảnh đời nhỏ bé, tội nghiệp.
“Xúc cảm của Thạch lam thường bắt nguồn và nảy nở lên từ những chân cảm đối với tầng lớp dân nghèo thành thị và thôn quê. Thạch Lam là nhà văn quý mến cuộc sống, trang trọng trước cuộc sống của mọi người chung quanh. Ngày nay đọc lại Thạch lam, vẫn thấy đầy đủ cáo dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học.” – Nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét về phong cách của Thạch Lam
Quan điểm nghệ thuật đúng đắn và sâu sắc này của Thạch Lam có điểm tương đồng với nhà văn Nam Cao. Tuy tính cách cũng như phong cách viết khác nhau nhưng cả hai đều kiếm tìm cảm hứng sáng tác ở mảnh đất hiện thực màu mỡ.
Điều này đã khiến những áng văn do Thạch Lam chấp bút vừa in đậm nét hiện thực lại lấp lánh vẻ đẹp của tình người cùng lòng nhân hậu, vị tha. Dẫu hoàn cảnh sống thiếu thốn, cơ cực đến đâu thì thế giới nhân vật của ông vẫn giữ tâm hồn trong sáng, chan chứa yêu thương.
Truyện ngắn đầu tiên đánh dấu cho sự nghiệp văn chương bùng nổ của tác giả là Gió đầu mùa, ngay lập tức được độc giả đón nhận khi vừa ra mắt. Tiếp đó, ông thai nghén nhiều tác phẩm đặc sắc khác như Hai đứa trẻ, Sợi tóc, Trở về, Dưới bóng hoàng lan, Cô hàng xén hay Nhà mẹ Lê.
Nhà mẹ Lê nằm trong số truyện ngắn nổi bật khai thác chủ đề tình mẫu tử cao đẹp, được tỉ mỉ ở từng lời văn. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là người mẹ tên Lê suốt ngày làm lụng vất vả để nuôi dưỡng mười một đứa con nhỏ.
Qua đó, ông không chỉ khẳng định sức mạnh của tình yêu thương mà còn tái hiện cả khung cảnh làng quê Việt Nam ảm đạm trước Cách mạng Tháng Tám. Chất hiện thực và trữ tình được đan cài khéo léo đã tạo nên một áng văn lay động tâm hồn độc giả mọi thế hệ.
Hoàn cảnh sống thiếu thốn trong Nhà mẹ Lê
Thạch Lam là một cây bút có trái tim nhân hậu và giàu lòng yêu thương, hướng ngòi bút vào người nông dân thấp cổ bé họng, chật vật với miếng ăn. Vì vậy, trong nhiều sáng tác của văn sĩ, độc giả luôn bắt gặp những mảnh đời cơ cực, vất vả.
Trong dòng đầu tiên của truyện ngắn Nhà mẹ Lê, tác giả đã dựng nên một phố chợ Đoàn Thôn tả tơi và ảm đạm. Ở nơi ấy, chỉ có những quán xá xiêu vẹo, dãy nhà lụp xụp, rách nát chẳng đủ che nắng mưa.
Bằng tài quan sát kết hợp cùng trí tưởng tượng và vốn ngôn từ đa dạng, văn sĩ đã thành công lột tả sự tiêu điều của làng quê Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Chính không gian chật hẹp ấy buộc chặt con người với cuộc sống nghèo nàn, nhàm chán.
“Thạch Lam có những tháng năm sống nơi thôn dã, nên trong tác phẩm ông chất chứa nhiều hình bóng con người và đời sống làng quê…” – Tác giả Khúc Hà Linh nhận xét về đề tài làng quê trong văn Thạch Lam
Có lẽ tháng ngày gắn bó với quê ngoại cũng như trải nghiệm sống phong phú đã chi phối đến cảm quan sáng tác của nhà văn. Ông đặt trọn trái tim, lòng nhiệt thành vào những trang văn viết về làng quê cùng người nông dân Việt Nam trong xã hội bấy giờ.
Trong trang viết của Thạch Lam, những người dân nơi phố chợ có một điểm chung, ấy là bị cái nghèo bám riết. Họ phải làm lụng nhiều nghề khác nhau để kiếm kế sinh nhai, lay lắt sống qua ngày.
“Họ ở đâu đến đây kiếm ăn trong mấy năm trời làm đói kém, làm những nghề lặt vặt, người thì kéo xe, người thì đánh dậm, hay làm thuê, ở mướn cho những nhà giàu có trong làng.”- Nhà mẹ Lê
Cuộc đời của những người nông dân bé nhỏ ấy cứ mãi chìm đắm trong chuỗi ngày cơ cực và khổ sở. Tuy tác giả không sử dùng quá nhiều từ ngữ nhưng từng lời văn viết ra đều đầy sức ám ảnh, khơi gợi ở độc giả niềm thương cảm, xót xa.
Làm việc từ buổi sáng tinh mơ cho đến khi trời sẫm tối là vậy nhưng cuộc sống của họ lại vô cùng bấp bênh và truân chuyên. Lớp người khốn khổ ấy phải phụ thuộc vào thời tiết, mùa màng cũng như những phú hộ khác trong vùng.
“Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ, dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa.” – Nhà mẹ Lê
Thông qua những dòng miêu tả chân thực, cả một đời tảo tần “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” của người nông dân trong xã hội cũ dường như hiện ra vằng vặc trước mắt độc giả. Họ không thể tự quyết định số phận mình, phải chịu đựng muôn vàn nỗi nhọc nhằn, đắng cay.
Cuộc sống nghèo nàn và vất vả của nhà mẹ Lê
Mẹ Lê nằm trong số người nông dân có hoàn cảnh vất vả và gian khó ấy, phải làm việc cật lực để chăm lo cho mười một đứa con thơ. Thạch Lam không miêu tả cụ thể mà chỉ chắt lọc những chi tiết cùng từ ngữ đắt giá, lột tả được nét nhọc nhằn hằn sâu ở nhân vật này.
“Bác Lê là một người đàn bà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay nhăn nheo như một quả trám khô.” – Nhà mẹ Lê
Vì chồng mất sớm, người phụ nữ ấy bất đắc dĩ phải trở thành trụ cột chính chèo chống cả gia đình. Bà cùng các con sống trong một căn nhà lá chật hẹp và xập xệ, chỉ có mỗi chiếc giường nan đã gãy nát từ lâu.
Không chỉ sống ở hoàn cảnh thấp kém, mẹ Lê còn phải làm việc từ ngày này sang tháng nọ, chẳng lúc nào ngơi tay để nuôi cả gia đình. Dường như trong cái khổ lâu ngày,bà cũng quen dần, chỉ mong sao đàn con được bữa cơm no đủ.
Ở trang viết của tác giả, cái nghèo vẫn chực chờ và đeo bám người nông dân trong xã hội đương thời. Không chỉ vậy, nó còn khiến nụ cười trên môi trẻ thơ dần biến mất, thay vào đó là tiếng khóc than và rên rỉ vì đói.
“Thế là cả nhà nhịn đói, mấy đứa nhỏ nhất: con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết.” – Nhà mẹ Lê
Nhân vật trẻ em trong các sáng tác của Thạch Lam nói chung cũng như Nhà mẹ Lê nói riêng thường là những mảnh đời bất hạnh, sớm chịu thiệt thòi. Bằng trái tim yêu thương vô bờ bến, văn sĩ đã chú ý khai thác và miêu tả đối tượng này, từ đó khơi gợi ở độc giả sự đồng cảm lớn lao.
Hoàn cảnh sống khó khăn, khổ sở đã đẩy nhân vật chính rơi vào bước đường cùng, mịt mù và u tối. Vì không muốn nhìn thấy những đứa con thân yêu bị cái đói đày đọa, người mẹ ấy phải mạo hiểm đến nhà ông Bá giàu có trong thôn để đổi lấy bát gạo nhưng không thành.
“Thật cậu Phúc ác quá! Đã không cho thì thôi lại còn thả chó ra đuổi, tao đã chạy mà không kịp, nên nó cắn phải. May gặp bác Đối, chứ không biết bao giờ mới lê được về đến nhà.” – Nhà mẹ Lê
Khi miêu tả nỗi đau đớn đang hành hạ mẹ Lê, ngòi bút cùng giọng điệu nhà văn trở nên xót xa, chua chát hơn bao giờ hết. Chỉ vì miếng cơm manh áo, người phụ nữ tội nghiệp đã phải đánh đổi bằng cả mạng sống quý báu của mình.
Bà ra đi trong sự nuối tiếc, xót xa của đàn con nheo nhóc cùng hàng xóm xung quanh. Cho đến lúc từ giã cõi đời, người phụ nữ ấy vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo khổ khi quan tài chỉ là một cỗ ván mọt.
“Hai hôm sau, bác Lê lại lên cơn mê sảng rồi chết. Người trong phố chợ gom góp nhau mua cho bác một cỗ ván mọt, rồi đưa giúp bác ra cánh đồng, chôn vùi dưới bãi tha ma nhỏ ở đầu làng.” – Nhà mẹ Lê
Tác phẩm kết thúc với sự ra đi của mẹ Lê nhưng cái nghèo vẫn ở đó, rình rập và đè nặng lên đôi vai người còn sống. Rồi những đứa trẻ thiếu vắng tình thương cùng hơi ấm sẽ lại rơi vào vòng lặp ấy, tiếp tục cuộc đời đau khổ, không có tương lai.
Tình mẫu tử cao cả thấp thoáng trong từng câu chữ
Thạch Lam kiếm tìm chất liệu sáng tạo ở những mảnh đời cơ cực và bất hạnh, thế nhưng nhà văn không bi quan mà luôn tin tưởng vào phẩm chất tốt đẹp bên trong mỗi người. Thế giới nhân vật của ông vì vậy đều có ý thức vượt lên khỏi nghịch cảnh, đồng thời gìn giữ tâm hồn trong sạch, thiện lương.
Ở truyện ngắn Nhà mẹ Lê, độc giả bắt gặp hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé một mình gồng gánh gia đình nhưng chưa bao giờ buông lời than vãn hay oán trách. Chính tình yêu thương con đã tiếp thêm sức mạnh cho mẹ Lê vượt qua chuỗi ngày làm lụng vất vả không kể ngày đêm.
Người phụ nữ ấy đã không màng đến bản thân mình mà hy sinh một cách thầm lặng để nuôi dưỡng những đứa trẻ bé thơ. Đối với bà, niềm an ủi và hạnh phúc duy nhất chính là khoảnh khắc được quây quần bên các con.
“Tuy vậy cũng có những ngày vui vẻ. Những ngày nắng ấm trong năm, hay những buổi chiều mùa hạ, mẹ con bác Lê cùng nhau ngồi chơi ở trước cửa nhà.” – Nhà mẹ Lê
Tuy ít khi thể hiện nhưng từng hành động, cử chỉ của mẹ đều thể hiện tình yêu thương dành cho đàn con. Người phụ nữ ấy luôn chăm lo, săn sóc một cách ân cần, xem chúng là cả nguồn sống.
Chính tình yêu đó mà bà dám mạo hiểm cả tính mạng để đổi lấy cho gia đình chút gạo sống qua ngày. Trong trang văn Thạch Lam, sức mạnh của tình mẫu tử là vô cùng to lớn và thiêng liêng, thể hiện qua việc người mẹ có thể làm tất cả vì con.
Tình người ấm áp trong truyện ngắn Nhà mẹ Lê
Bên cạnh việc khắc họa hoàn cảnh sống cùng tấm lòng nhân hậu của bác Lê, tác phẩm còn để lại dấu ấn sâu sắc nơi tâm hồn độc giả bởi tình làng nghĩa xóm. Dù chịu không ít nỗi cơ cực, tất cả nhân vật đều đối xử với nhau một cách dịu dàng.
Ở Đoàn Thôn, những con người có cuộc đời vất vả như bác Lê không hề ít. Họ bị nỗi lo cơm áo gạo tiền ghì sát đất, lao động đến mức quên cả mỏi mệt, chỉ mong sao gia đình được bữa cơm trọn vẹn và đủ đầy.
Thế nhưng, hiện thực nghiệt ngã ấy không thể vùi dập tâm hồn tốt đẹp của người nông dân chất phác. Họ vẫn có đời sống tinh thần phong phú, hay chuyện trò và an ủi nhau để vơi bớt nỗi khó khăn, nhọc nhằn.
“Mọi người họp nhau nói chuyện. Trẻ con nghịch chạy quanh các bà mẹ, hình như quên cảnh khổ sở, hèn mọn, ai ai cũng vui vẻ chuyện trò, tiếng cười to và dài như người lớn, xen lẫn với tiếng khúc khích của các cô gái chúm chụm sát nhau trong bóng tối, người ta thấy tiếng bác Hiền nói vang, tiếng bác Đối thuật lại buổi xe kiếm may mắn.” – Nhà mẹ Lê
Hàng xóm xung quanh không ngần ngại giúp đỡ nhân vật chính khi bị chó dữ nhà ông Bá tấn công. Trước sự ra đi của người mẹ suốt đời tảo tần vì con, họ cũng cùng nhau góp tiền và đưa bà về nơi yên nghỉ cuối cùng.
Có lẽ Thạch Lam đã gửi gắm niềm tin cùng sự lạc quan vào phẩm giá con người trong từng trang viết. Chính sự ấm áp nơi tâm hồn những nhân vật ấy góp phần xua tan bầu không khí u ám, trầm buồn ở phố chợ nghèo này.
Nhà mẹ Lê là một truyện ngắn đậm đà nét tính cách Việt
Thạch Lam yêu cuộc sống da diết, luôn tự hào mình là một người con Việt Nam máu đỏ da vàng. Vì vậy, những áng văn chương của tác giả không chỉ dung dị và nhẹ nhàng tựa mây bay mà còn in đậm nét tính cách dân tộc.
“Văn ông hài hòa giữa lãng mạn và chân thực, mà vẫn nồng nàn tình quê, nặng lòng với dân tộc.” Tác giả Khúc Hà Linh khẳng định tính dân tộc trong sáng tác của Thạch Lam
Trong tác phẩm Nhà mẹ Lê, tính dân tộc được biểu hiện trước hết thông qua những đoạn văn miêu tả khung cảnh làng quê Việt Nam. Ấy là cánh đồng mênh mông, dòng sông đầy tôm cá mỗi khi vào mùa hay âm thanh chuyện trò rôm rả khắp nơi.
Thiên nhiên trong trang viết của Thạch Lam không đơn thuần chỉ có vai trò làm nền mà còn có xúc cảm riêng. Mỗi khi người dân Đoàn Thôn tận hưởng những phút giây yên bình hiếm có và quây quần bên nhau, nó dường như cũng vui vẻ rồi lung lay lá cành, chiếu ánh trăng sáng để hòa vào khoảnh khắc ấy.
Ở tác phẩm Nhà mẹ Lê, độc giả còn được cảm nhận một cách sâu sắc tình làng nghĩa xóm, vốn là nét đẹp truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức con người Việt. Tuy chịu cảnh cơ cực nhưng ai cũng gìn giữ phẩm chất tốt đẹp, đối xử với nhau một cách dịu dàng, bao dung.
“Nhân vật Thạch Lam, bất luận ở hoàn cảnh nào, vẫn ánh lên trong tâm hồn cái chất nhân ái Việt Nam… Đọc truyện ngắn Thạch Lam rõ ràng ta thấy yêu con người, quý trọng con người hơn. Và cũng từ đó ta thương cảm, nâng niu, chắt gạn từng chút tốt đẹp trong mỗi một con người.” – Lời nhà xuất bản Văn học khi in lại tác phẩm Gió đầu mùa
Bên cạnh đó, tính dân tộc còn được nhà văn lồng ghép trong tình cảm gia đình, cụ thể là lòng yêu thương của mẹ Lê đối với đàn con. Dù trải qua bao tháng ngày đói khổ và thiếu thốn trăm bề, người phụ nữ ấy vẫn luôn cố gắng nuôi dưỡng, săn sóc chúng.
Sự cao thượng, đẹp đẽ và giàu đức hi sinh nơi tâm hồn bà cũng chính là nét tính cách đặc trưng của người phụ nữ truyền thống Việt Nam ngày xưa. Họ sẵn sàng đánh đổi thanh xuân, thậm chí cả cuộc đời quý báu để chăm lo, vun vén cho gia đình.
Bàn tay tài hoa của nhà văn Thạch Lam trong tác phẩm Nhà mẹ Lê
Bằng việc tái hiện bức tranh làng quê Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám cũng như tình mẫu tử thiêng liêng, Thạch Lam đã khẳng định tài năng văn học khi rất tinh tế trong khâu chọn lựa ngôn từ, mang lên trang viết những câu chữ giàu chất gợi hình và biểu cảm nhất.
Giọng điệu nhà văn thay đổi vô cùng linh hoạt, lúc thì trầm lắng khi lại đau đớn, xót xa tùy theo tình cảnh hay tâm trạng nhân vật. Nó khiến tác phẩm khắc sâu vào tâm hồn độc giả, làm họ không khỏi day dứt về những kiếp người đáng thương.
“Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc… Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và tầng trải về sự đời.” – Nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét về ngôn ngữ của Thạch Lam
Không chỉ vậy, ngòi bút tác giả còn đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật, diễn tả những tâm sự, suy tư một cách chuẩn xác. Đây cũng chính là điểm nổi bật trong phong cách sáng tác văn học của ông, trở thành thỏi nam châm giúp tác phẩm thu hút nhiều thế hệ độc giả.
“Về bút pháp, có thể nói Thạch Lam là nhà văn mở đầu cho một giọng điệu riêng: trữ tình hướng nội trong truyện ngắn. Ngòi bút của ông thường khơi sâu vào thế giới bên trong của cái “tôi”, với sự phân tích cảm giác tinh tế.” – Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Nhung nhận định về nét đặc sắc trong văn chương Thạch Lam
Năm tháng cứ miệt mài chảy trôi nhưng truyện ngắn Nhà mẹ Lê vẫn sống mãi nơi tâm hồn người hưởng thức. Nó là khúc hát ngợi ca tình mẫu tử cao quý, được kết tinh bởi tài năng cùng trái tim ấm nóng của Thạch Lam.
Hạ Miên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất