Trong tiến trình phát triển của mình, mỗi đô thị trên thế giới đều tự định hình một bản sắc riêng. Nếu Athens được biết đến như “Chiếc nôi văn minh phương Tây”, Paris kiêu hãnh với mỹ danh “Kinh đô ánh sáng” thì Florence lại đại diện cho giá trị trường tồn của văn hóa và văn minh.
Thế nhưng, có một thành phố đã khéo léo dung hợp những đặc trưng từ các xứ sở khác nhau để dựng xây cho bản thân một hình ảnh huy hoàng như cách mà người thợ rèn tạo ra chất hợp kim óng ánh từ nhiều nguồn kim loại.
Đó chính là Rome, nơi sắc màu đa văn hóa hiện hữu trên mọi lĩnh vực, từ xã hội, nghệ thuật cho đến kiến trúc và trang phục.
Sự ra đời của thành Rome cổ đại
Rome hiện là thủ đô của nước Ý và được thành lập từ năm 753 trước Công nguyên. Có niên đại gần ba thiên niên kỷ nhưng cho đến nay, nguồn gốc chính xác của cái tên “Rome” vẫn là đề tài gây tranh cãi trong giới sử gia và các nhà ngôn ngữ học.
Nhiều ý kiến cho rằng từ Rome mang ngụ ý về sự nuôi dưỡng của sói mẹ đối với Romulus và Remus, cặp song sinh mà một trong hai người sau này đã trở thành vị vua La Mã đầu tiên.
Một số nhà nghiên cứu lại lý giải từ Rome là tên cổ của dòng sông Tevere, nguồn cung cấp nước chính cho thành phố. Tuy nhiên, cũng có tranh cãi rằng tên của Rome thực chất mang nghĩa “sức mạnh” trong tiếng Hy lạp.
Sau nhiều năm, những quan điểm này vẫn chưa thực sự thống nhất vì hầu hết đều dựa trên cơ sở ngữ học thay vì bằng chứng lịch sử cụ thể. Do đó, Rome hiện là một trong những thành phố mang nhiều bí ẩn về nguồn gốc nhất trên thế giới, bên cạnh Praha và London.
Theo các nhà khảo cổ học, những dấu hiệu đầu tiên của con người tại thành Rome có niên đại khoảng mười bốn nghìn năm về trước. Những công cụ bằng đá và đồ gốm cho thấy sự tồn tại của một khu chăn thả gia súc trên đồi Palatinus, khu vực Quảng trường La Mã hiện nay.
Sau một thời gian, họ đã phát triển đến quy mô đô thị nhờ sản lượng nông nghiệp, kéo theo là các hoạt động thương mại. Đến giữa thế kỷ VIII trước Công nguyên, thành Rome chính thức ra đời.
Tuy nhiên, người La Mã lại truyền tai nhau những câu chuyện hoàn toàn khác, mang đậm tính sử thi. Trong đó, nổi tiếng nhất là câu chuyện về Romulus và Remus, hai anh em sinh đôi được nuôi dưỡng bởi một con sói cái.
Khi trưởng thành, họ đã lập nên một thành phố và cùng nhau cai trị. Thế nhưng trong một lần bất hòa, Romulus đã giết em trai và lấy tên mình đặt cho thành phố, đồng thời trở thành vị vua đầu tiên của Rome theo truyền thuyết.
Xã hội Rome và sự ảnh hưởng từ Hy Lạp
Xã hội Rome có nhiều nét tương đồng với Athens, trong đó nổi bật nhất là về mặt cấu trúc. Sự giao thoa giữa hai nền văn hóa diễn ra chính vì La Mã từng chiếm đóng Hy Lạp suốt một thời gian dài, do đó những thành tựu văn hóa của Athens đã dần chuyển đến Rome.
Trong xã hội Rome, gia đình chính là hạt nhân và người đàn ông giữ vai trò chủ đạo, quyết định mọi vấn đề trong nhà. Vai trò này được pháp luật công nhận và duy trì theo kiểu cha truyền con nối qua nhiều thế hệ.
Trên phạm vi rộng hơn, thị dân thành Rome được phân chia dựa trên cơ sở xuất thân và nghề nghiệp. Trong đó, giai cấp thượng lưu gồm vua, quý tộc và chủ đất, họ nắm quyền lực tuyệt đối cũng như hưởng lợi nhiều nhất từ việc bóc lột các giai cấp khác.
Phía bên dưới là tầng lớp trung lưu, họ là thường dân với lượng tài sản và sự tự do tương đối. Giai cấp thấp kém nhất là nô lệ, họ không được công nhận tư cách con người và bị mua bán như đồ vật.
Nền giáo dục Rome và sự kế thừa từ các nước thuộc địa
Trên hành trình chinh phục của mình, đế quốc La Mã đã học hỏi hệ thống giáo dục ở những lãnh thổ mới để áp dụng cho thành Rome, mà một trong những nơi được xem trọng nhất là Hy Lạp.
Tương tự như thành bang Athens, giáo dục ở Rome chủ yếu diễn ra tại nhà dưới sự dẫn dắt của các gia sư và chủ yếu dành cho con trai. Những môn học chính là Luật La Mã và Lịch sử, kết hợp với đào tạo thể chất nhằm chuẩn bị cho việc gia nhập quân ngũ sau này.
Tuy nhiên, đến khoảng đầu thế kỷ thứ II trước Công nguyên thì giáo dục Rome bắt đầu có nhiều thay đổi. Cả nam và nữ đều nhận được cơ hội giáo dục và đều phải đến trường từ năm sáu tuổi để học một số kỹ năng cơ bản như nói, viết, đếm.
Khi tròn mười hai tuổi, học sinh sẽ được làm quen với các môn đa dạng hơn như Tiếng Latin, Hy Lạp, Ngữ pháp, Văn học hay Hùng biện. Trong đó, hùng biện là kỹ năng được chú trọng nhất bởi những nhà hùng biện giỏi thường có địa vị xã hội cao tại Rome.
Bên cạnh gia sư và giáo viên ở trường, những người mẹ trong gia đình cũng hỗ trợ trẻ em gái học dệt vải hay đan áo. Không chỉ vậy, một số gia đình còn sử dụng nô lệ để giúp đỡ cho việc học của con mình.
Sự đa dạng ngôn ngữ ở Rome
Tiếng mẹ đẻ của thị dân Rome là Latinh nhưng họ lại có sự phân biệt giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói. Hầu hết các tác phẩm văn học đều viết bằng tiếng Latinh cổ điển, trong khi giao tiếp hàng ngày lại dùng tiếng Latinh thông tục.
Ra đời vào thế kỷ I trước Công nguyên, tiếng Latinh cổ điển có đặc điểm là từ ngữ hoa mỹ và có hơi hướng cường điệu hoá, ngữ pháp chặt chẽ và phát âm phức tạp. Trong khi tiếng Latinh thông tục thường đơn giản, ít ràng buộc về ngữ pháp và phát âm hơn.
Cùng với sự bành trướng của đế quốc La Mã, tiếng Latinh thông tục lại tiếp tục phân nhánh ở nhiều khu vực khác nhau trên khắp Châu âu và trở thành các ngôn ngữ hiện đại như Pháp, Ý, Bồ Đào Nha.
Nghệ thuật Rome và sự giao thoa với Hy Lạp
Sau khi xâm chiếm Hy Lạp, người La Mã đã khéo léo tiếp thu những đặc trưng nghệ thuật đỉnh cao của đất nước này, đặc biệt là trong ba lĩnh vực văn chương, điêu khắc và kiến trúc. Có thể nói, nghệ thuật Rome là sự kế thừa và phát huy đầy sáng tạo những giá trị Hy Lạp trước kia.
Nền văn chương phản ánh cấu trúc xã hội đương thời
Ngay từ khi ra đời, văn chương ở Rome chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ các tác gia Hy Lạp. Phần lớn tác phẩm văn học thuộc thể loại sử thi, bên cạnh đó còn có bi – hài kịch, văn châm biếm và thơ.
Nhìn chung, văn chương Rome sử dụng chất liệu từ nhiều nền văn hóa khác nhau, đặc là văn hóa Hy Lạp. Đồng thời, ảnh hưởng của các tác gia Hy Lạp đến những tác phẩm văn học ở thành phố này là vô cùng rõ rệt.
Điểm nổi bật của văn chương Rome là cách phản ánh cấu trúc xã hội đương thời cùng những vấn đề mà các giai cấp đang đối diện thông qua ngôn từ trang trọng pha lẫn nét u hoài. Một số tác phẩm nổi tiếng của văn học Rome bao gồm De civitate Dei (Thành phố thánh thần), Naturalis Historia (Lịch sử tự nhiên) và Devita Caesarum (Mười hai hoàng đế Caesar).
Phong cách điêu khắc mang tính chất tương phản
Nhờ kế thừa tinh hoa từ người Hy Lạp và Etruscan, nghệ thuật điêu khắc ở Rome đã đạt đến một trình độ điêu luyện và tinh xảo nhất định. Tuy nhiên, tác phẩm điêu khắc của thành phố này chủ yếu thể hiện dưới hình thức phù điêu với mục đích thuật lại các sự kiện lịch sử hoặc thần thoại.
Nhân vật trên các bức phù điêu thường được khắc họa bằng những đường nét uyển chuyển, tinh tế với tỉ lệ cơ thể hài hòa. Đây cũng là đặc trưng của điêu khắc Rome thời kỳ đầu với một số tác phẩm tiêu biểu như Warren Cup, Lycurgus Cup, Gemma Augustea, Gozaca Cameo và Ara Pacis.
Thế nhưng, đến khoảng thế kỷ III sau Công nguyên thì phong cách điêu khắc truyền thống của Rome hoàn toàn biến mất. Thay cho sự mềm mại là dáng vẻ cứng nhắc, thể hiện quyền lực tuyệt đối. Cơ thể nhân vật cũng dần mất tính cân xứng và có xu hướng giảm chiều cao, tăng chiều rộng.
Sự tương phản giữa hai phong cách cũ và mới thể hiện rõ nét qua các công trình The Arch of Constantine và phần đế của chiếc trụ vinh danh The Column of Antonius Pius.
Cho đến nay, các nhà khảo cổ vẫn chưa thể đưa ra kết luận về nguyên nhân của sự chuyển đổi đột ngột này. Dù vậy, tất cả đều thống nhất đặc điểm nhận dạng của phong cách mới là sự nhấn mạnh vào sức nặng, độ góc cạnh và sự vững chắc.
Chất liệu dùng cho điêu khắc tương đối đa dạng, gồm cẩm thạch, bạc, thủy tinh hoặc đồng. Đôi khi gốm cũng được sử dụng để tạo bản sao của các tác phẩm nổi tiếng vì giá thành thấp hơn rất nhiều so với các chất liệu khác.
Kiến trúc Rome và những mái vòm đặc trưng
Dù sở hữu nhiều điểm tương đồng, kiến trúc Rome không chỉ đơn thuần sao chép kiến trúc Hy Lạp. Sau khi tiếp thu những điểm mới từ thuộc địa, người La Mã đã định hình nên một phong cách khác biệt so với trước đó.
Kiến trúc Rome nổi tiếng với những mái vòm đặc trưng, tạo thành chuẩn mực cho những công trình đô thị trên khắp Châu âu và thế giới sau này, trong đó nổi bật nhất là ở Paris hoa lệ.
Kiểu kiến trúc mái vòm được sử dụng phổ biến trong những công trình như đền thờ, bồn tắm công cộng, cung điện, lăng tẩm và cả nhà thờ. Các mái vòm giúp tận dụng tối đa không gian bên trong cũng như tăng tính thẩm mỹ của công trình.
Kiến trúc Rome sử dụng ba loại vật liệu chính là đá, gạch nung và bê tông. Đá hiếm khi được dùng cho các công trình lớn, ngoại trừ ngôi đền Hercules Olivarius và một số phần của đấu trường La Mã, đá cẩm thạch màu thì được dùng trong chế tác và trang trí nội thất.
Gạch nung La Mã có kích thước nhỏ hơn gạch hiện đại với nhiều màu sắc và kiểu dáng khác nhau. Hầu như không có sự khác biệt rõ rệt giữa loại gạch xây tường và gạch lót sàn, công trình sử dụng gạch nung tiêu biểu nhất là Vương cung thánnh đường Constantine.
Vật liệu sau cuối là bê tông, một trong những phát minh vĩ đại nhất liên quan đến vật liệu ở Rome và trên toàn thế giới. Bằng cách trộn vôi và đá núi lửa, người La Mã đã tạo ra một loại vật liệu bền bỉ với thời gian và ưu việt hơn bất kỳ hợp chất nào trước đó.
Bê tông ngay từ khi ra đời đã trở thành loại vật liệu phổ biến nhất. Nhờ ưu điểm về độ bền và tính linh hoạt, nó được sử dụng cho phần lớn các công trình. Đây là cũng là loại vật liệu góp phần tạo nên kiểu kiến trúc mái vòm, bởi lẽ không như gạch hay đá, bê tông mới là thứ vật liệu có thể thay đổi họa tiết và hình dạng một cách dễ dàng.
Trang phục mang đậm dấu ấn giai tầng xã hội ở Rome
Trang phục ở Rome cổ đại chủ yếu là áo trùm hông, dùng cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, áo nam thường có tay ngắn hoặc không tay, trong khi áo nữ lại có tay dài.
Ngoài ra, đàn ông còn mặc thêm “toga” vào những dịp quan trọng, một tấm vải hình bán nguyệt rủ xuống vai và vòng quanh cơ thể, được xem là quốc phục của La Mã lúc bấy giờ.
Tương tự như tại Athens, trang phục Rome cũng thể hiện vị thế xã hội và giai cấp, đặc biệt là trong giới chức sắc tôn giáo và quân đội. Cụ thể, người có địa vị càng cao thì trang phục càng nhiều màu sắc và họa tiết.
Trang phục của binh sĩ và tướng lĩnh trong quân đội
Binh sĩ thường dùng áo trùm hông kết hợp với quần ngắn bên trong và hai miếng đệm ở đầu gối. Bên cạnh đó, họ còn có thể khoác thêm áo choàng “sagum” vào mùa lạnh. Quốc phục “toga” chỉ được binh sĩ mặc khi tham gia nghi lễ chứ không dùng trong chiến đấu.
Riêng tướng lĩnh thường mặc áo choàng “palundamentum” thay cho “sagum”. Khác với “sagum” vốn không có màu sắc cố định, “palundamentum” mang màu đỏ pha tím thể hiện quyền lực cao nhất trong quân đội.
Nhìn chung, trang phục quân đội Rome không đồng bộ mà biến đổi tùy vào điều kiện địa phương, do đó khác biệt hoàn toàn so với hình ảnh thống nhất trong văn chương, điêu khắc và phim ảnh.
Trang phục của giới chức sắc tôn giáo
Thông thường, các giáo sĩ sử dụng lễ phục “toga praetexta”, loại có mũ trùm đầu tế lễ. Nếu hoạt động tôn giáo đòi hỏi di chuyển nhiều, họ sẽ dùng những sợi dây vải “cinctus gabinus” để buộc lại cho gọn gàng.
Trang phục của giáo sĩ có màu trắng và làm từ vải len, đôi khi nó được đính thêm một chiếc nơ đỏ đại diện cho thần lửa và một chiếc nơ trắng đại diện cho sự thanh khiết.
Ngoài ra, các nhóm dị giáo ở Rome cũng có lễ phục riêng cho mình, những loại trang phục này thường có hoạ tiết phức tạp với nhiều phụ kiện hơn.
Chất liệu trang phục đơn giản nhưng tinh tế
Lông cừu là chất liệu phổ biến nhất dùng làm trang phục. Trong đó, lông cừu tại thành phố thuộc địa Tarentum đứng đầu về chất lượng thời bấy giờ. Sau khi thu hoạch, thợ dệt có thể giữ nguyên màu trắng hoặc nhuộm lại để tạo nên nhiều mẫu mã khác nhau.
Bên cạnh lông cừu, lụa cũng được sử dụng rộng rãi trong dệt may. Rome nhập một lượng lớn lụa thô từ Trung Quốc, sau đó thực hiện các công đoạn xử lý như đan và nhuộm. Lụa tại khu vực phía tây thành Rome nổi tiếng với chất lượng và giá trị cao.
Ngoài ra, thị dân Rome cũng khá ưa chuộng vải lanh. Vải gốc có màu nâu pha xám và dần chuyển sang màu trắng sau vài lần giặt. Vì loại vải này không thể nhuộm nên người dân Rome thường sử dụng màu gốc hoặc tẩy trắng nếu muốn thay đổi màu sắc.
Có thể nói, Rome là một trong số ít những thành phố thành công trong việc vay mượn những đặc trưng văn hóa từ các vùng lân cận, đặc biệt là Hy Lạp để tạo nên vẻ đẹp riêng cho mình.
Sự vay mượn ấy hoàn toàn không diễn ra một cách thụ động. Ngược lại, đó là một quá trình học hỏi và sáng tạo lâu dài của người La Mã nhằm cho ra đời những giá trị tương đồng nhưng không trùng lặp.
Rome không chỉ là một đô thị du nhập văn hóa, mà còn là một đô thị có khả năng kiến tạo nền văn hóa mang tính tổng hợp đại diện cho một đế quốc lẫy lừng.
Nguyễn Quyền
Nguyễn Quyền
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất