Tình yêu là một thứ rất khó để định nghĩa chính xác, tuy nhiên nó lại là thứ tuyệt đẹp và khó quên nhất trong cuộc đời mỗi người. Thế nhưng ở xã phong kiến, con người gần như mất đi quyền quyết định, rung cảm của đôi lứa vì thời thế mà phải chia xa.
Họ chỉ có thể âm thầm dõi theo cuộc sống của nhau, tiếp thêm sức mạnh cho đối phương với hy vọng sớm được bên nhau. Đó cũng là nỗi niềm trong truyện thơ Lời tiễn dặn, bức tranh hiện lên với hình ảnh bất lực của chàng trai khi chứng kiến người mình yêu theo chồng.
Đôi nét về đoạn trích Lời tiễn dặn
Tình yêu vốn là đề tài muôn thuở, mang đến cảm hứng bất tận cho nhiều thi sĩ. Văn học Việt Nam cũng không ngoại lệ, thứ tình cảm đặc biệt này xuất hiện xuyên suốt trên chặng đường phát triển, từ ca dao truyền miệng đến những áng văn để đời của Nguyễn Du, Xuân Diệu hay Nam Cao.
Ước gì anh hóa ra hoa
Ðể em nâng lấy rồi mà cài khăn.
Ước gì anh hóa ra chăn
Ðể cho em đắp, em lăn, em nằm!
– Ca dao Việt Nam
Dựa trên nền tảng của văn học dân gian, văn học trung đại phát triển hơn bao giờ hết. Bởi vậy, đề tài tình yêu cũng được khai thác ở nhiều khía cạnh, cung bậc cảm xúc khác nhau.
Tác phẩm tiêu biểu trong thời kỳ này, viết về tình yêu phải kể đến truyện thơ Tiễn dặn người yêu. Đây là kiệt tác nghệ thuận dân gian của người dân tộc Thái, sống chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Việt Nam.
Tiễn dặn người yêu (Xống chụ xon xao) được Mạc Phi sưu tầm từ những bản chép tay, đến năm 1960 mới chính thức phát hành. Thông qua 1864 câu thơ, tác phẩm nổi bật lên với giá trị nhân đạo sâu sắc, niềm khát khao được tự do yêu đương.
Đoạn trích Lời tiễn dặn in trong SGK Ngữ Văn lớp Mười kể về tâm trạng của chàng trai khi phải tiễn đưa người yêu về nhà một người đàn ông xa lạ, chứng kiến cảnh cô bị người chồng mới cưới đánh đập, bạo ngược.
Mối tình đau thương trong Lời tiễn dặn
Đoạn trích là câu chuyện đầy bi kịch, kể về hai người yêu nhau nhưng buộc phải chia xa. Lời tiễn dặn được gia tăng cảm xúc bằng những vần thơ đau buồn, thể hiện sự bất lực khi đứng trước số phận.
Khoảng cách, thời gian không chỉ là thước đo độ trưởng thành mỗi người mà còn là phép thử trong tình yêu. Điều đó khiến độc giả không khỏi hy vọng vào một cái kết đẹp, xứng đáng cho mối tình của đôi lứa.
Chàng trai suy nghĩ về tâm trạng người thương khi về nhà chồng
Còn gì đau khổ hơn khi không được tự do lựa chọn chung bước cùng người mình yêu đến suốt đời, đó là tâm trạng chung nhất của cô gái trong Lời tiễn dặn. Nỗi niềm ấy được chàng trai cảm nhận bằng cả tấm lòng và tình yêu dành cho cô:
Vừa đi vừa ngoảnh lại,
Vừa đi vừa ngoái trông,
Chân bước xa lòng càng đau nhớ.
Em tới rừng ớt ngắt lá ớt ngồi chờ,
Tới rừng cà ngắt lá cà ngồi đợi,
Tới rừng lá ngón ngóng trông
Tâm trạng trong cô bồn chồn, đau khổ, luôn trăn trở và day dứt, tuy chân bước đi nhưng đầu còn “ngoảnh lại”, mắt vẫn hoài “ngoái trông”, cô trông đợi hình bóng của anh.
Điệp ngữ “vừa đi vừa” sử dụng với hành động “ngoảnh lại”, “ngoái trông” giúp khắc họa hình bóng một người chân đi nhưng lòng không muốn đi, luôn trông ngóng phía sau, quá khứ tươi đẹp mà tưởng chừng sẽ chẳng có lại được nữa.
Những dòng chảy tâm trạng ấy là nguyên do khiến cô đi qua mỗi cánh rừng đều dừng lại ngắt lá, kéo dài thời gian với mục đích được gặp người thương, chàng trai mà mình không thể cùng sánh bước.
“Rừng cà”, “rừng ớt” và “rừng lá ngón” là những hình ảnh chân thực về thiên nhiên, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng các dân tộc miền núi. Hơn thế, chúng mang tính ước lệ cao cho nỗi cay đắng ngày một chất chứa trong tâm trạng cô gái.
Những hình ảnh thiên nhiên ấy xuất hiện theo sự tăng dần về độ nguy hiểm, tượng trưng cho những điều không may mắn. Dường như cô có một dự cảm chẳng lành về những thứ đang đợi mình phía trước, trong gia đình người chồng lạ mặt kia.
Chàng càng nghe nói càng dàu như dưa
Vật mình vẫy gió, tuôn mưa
Dầm dề giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai
Đau đòi đoạn ngất đòi thôi,
Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê
– Truyện Kiều
Tâm trạng ấy của cô gái bắt nguồn từ cuộc hôn nhân không tự nguyện, phải lấy người mà bản thân không yêu. Con người khi đó mất đi sự tự do và tự chủ, không thể quyết định hạnh phúc cá nhân.
Bởi vì ảnh hưởng quan niệm của xã hội phong kiến, cha mẹ tự trao cho họ cái quyền “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, đặc biệt với hôn nhân của con gái. Đó cũng là số phận bất hạnh, nỗi tủi nhục mà những người phụ nữ dân tộc Thái phải chịu đựng.
Trong văn học hiện đại, thi sĩ Hồ Xuân Hương cũng nhiều lần cất thay cho tiếng lòng của những người phụ nữ. Số phận của họ giống như những chiếc bánh trôi nước, không chỉ nhỏ bé mà còn trôi nổi, bấp bênh.
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non”
– Bánh trôi nước
Như ý thức được số phận, địa vị của mình trong cái xã hội mục nát đó nên cô gái chỉ còn cách thuận theo mà không dám phản kháng hay đấu tranh để giành lấy hạnh phúc, người con gái chỉ đành để mặc phận phiêu dạt.
Tâm trạng và lời tiễn dặn mà chàng trai dành cho cô gái
Chàng trai ra đi và nỗ lực làm việc với hy vọng trở nên giàu có, chuộc lại được người thương nhưng mọi nỗ lực ấy dường như chưa đủ để chắp cánh cho cuộc tình hai người:
Quảy gánh qua đồng ruộng,
Người đẹp anh yêu cất bước theo chồng.
Tận mắt chứng kiến người mình yêu theo chồng, lòng chàng trai đau xót khôn nguôi, anh không nỡ chia xa cô dù chỉ trong một khoảnh khắc. Đó cũng là lý do anh dõi theo cô trong suốt quãng đường về nhà chồng, lặng lẽ quan sát và nhìn ngắm.
Anh gọi cô là “người đẹp anh yêu”, đây giống như một sự khẳng định cho tình yêu không hề thay đổi, luôn son sắt, mặn nồng dù có bất kỳ điều gì xảy ra. Ngay cả khi cô phải “cất bước theo chồng”, hiện thực nghiệt ngã ấy cũng chẳng thể khuất phục anh.
Tâm trạng ào đến trong chàng trai là sự khổ đau, nuối tiếc khi không thể làm gì để níu kéo người yêu, chỉ đành ngậm ngùi theo cô về nhà chồng. Tâm trạng đó thể hiện rất chân thực qua những lời tiễn dặn cảm động:
Anh tới nơi, em bẻ lá xanh em ngồi;
Được nhủ đôi câu, anh mới đành lòng quay lại,
Được dặn đôi lời, anh yêu em mới chịu quay đi
Cả hai người đều như muốn thời gian ngưng đọng lại, họ muốn được dặn dò nhau đôi ba câu và gần nhau thêm một chút. Dẫu khoảnh khắc ấy diễn ra ngắn ngủi nhưng anh đã yên lòng, an tâm để cô đi xa.
Dù có lưu luyến, nhung nhớ và tiếc nuối nhưng chàng trai vẫn hiểu rằng cô không còn là của mình. Vì thế, anh không có cớ gì giữ cô ở lại, chỉ biết tự nhủ lòng “anh đành lòng quay lại”, “anh mới chịu quay đi”.
Tâm trạng của anh còn được thể hiện qua niềm khao khát tội nghiệp, mang tình cảm tha thiết lẫn sự quyến luyến, day dứt:
Xin hãy cho anh kề vóc mảnh,
Quấn quanh vai ủ lấy hương người,
Cho mai sau lửa xác đượm hơi
Một lát bên em thay lời tiễn dặn!
Người Thái có tập tục hỏa táng, khi con người không còn sống nữa, linh hồn muốn siêu thoát thì cần phải có mùi hương của người mình yêu nhất.
Đó là suy nghĩ của chàng trai, nếu không lấy được người mình yêu thì cả đời này sẽ trói chặt trái tim. Anh ao ước muốn giữ lại mùi hương của người yêu đến khi lìa đời, cốt để giữ những kỷ niệm đẹp giữa hai người.
Tình cảm sắt son ấy còn thể hiện qua những hành động ân cần của chàng trai, vì tình yêu dành mà tấm lòng bao dung, trắc ẩn ấy đã vượt qua giới hạn thông thường:
Con nhỏ hãy đưa anh ẵm,
Bé xinh hãy đưa anh bồng,
Cho anh bế con dòng, đừng ngượng,
Nựng con rồng, con phượng, đừng buồn
Đau khổ vì không thể có được người mình yêu, nay anh càng đau khổ gấp bội khi nhìn thấy cô có con với người khác. Dẫu vậy, đoạn tình cảm năm nào vẫn không hề thay đổi.
Anh sẵn sàng đi ngược lại với đạo lý thông thường để tiễn cô về nhà chồng, thậm chí là nâng niu và âu yếm con cô suốt dọc đường. Chỉ cần đó là những thứ liên quan đến cô, anh đều vô cùng trân trọng và dành trọn tình cảm.
Tâm trạng và hành động của chàng trai là minh chứng rõ nét nhất cho tình yêu chân thành, nhiệt huyết. Độc giả nhờ đó cũng hiểu thêm về thế giới tình cảm chất phác, đơn thuần nhưng không kém phần nồng nhiệt của người dân tộc Thái.
Trên suốt quãng đường tiễn người yêu về nhà chồng, chàng trai luôn ân cần, nhẹ nhàng dặn dò cô từng chút một:
Đôi ta yêu nhau, đợi tới tháng Năm lau nở,
Đợi mùa nước đỏ cá về
Đợi chim tăng ló hót gọi hè
Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông.
Không lấy được nhau thời trẻ ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già.
“Yêu nhau”, “đợi… nhau” là hai cụm từ được chàng trai nhắc lại nhiều lần, như muốn căn dặn người yêu rằng dù “tháng Năm lau nở”, “mùa nước đỏ cá về” hay khi đã “goá bụa về già”, anh vẫn luôn đợi cô.
Bước đi của thời gian được diễn tả bằng những hình ảnh quen thuộc, gắn bó mật thiết với cuộc sống nơi đây cho thấy sự mộc mạc nhưng kiên định trong lời tiễn dặn của chàng trai.
Sử dụng điệp từ “đợi” đã nhấn mạnh tình cảm mà anh dành cho cô, giúp lời tiễn dặn trở thành lời thề nguyền son sắt, để cô gái có thể yên tâm tin tưởng và chờ đợi cùng anh.
“Đợi” cũng có nghĩa là chấp nhận hiện thực, không thể làm gì khác để chống lại ngoài việc hy vọng tương lai sẽ đổi thay, xứng đáng tình cảm mà anh chờ đợi.
Cách lấy mốc thời gian từ mùa xuân đến mùa đông, khi còn trẻ đến lúc về già đã biểu thị cho một đời người. Điều đó chứng tỏ tình cảm thủy chung của chàng trai, anh sẽ chẳng thể yêu bất kì ai khác ngoài cô.
Bên cạnh đó, điệp cấu trúc “Không lấy được nhau… ta sẽ lấy nhau” như một sự khẳng định cho quyết tâm của chàng trai, luôn sẵn sàng chờ đợi cô gái và tìm mọi cách để được ở bên nhau.
Dẫu vậy, anh vẫn thầm mong cô khi đến căn nhà mới sẽ nhận được hạnh phúc. Hiện thực vậy mà trái ngược, chàng trai phải chứng kiến cảnh người mình yêu bị đánh đập, giày vò cả thể xác lẫn tinh thần.
Những nỗi đau giằng xé, bào mòn anh ngày một lớn nên điều duy nhất có thể làm cho cô lúc này là an ủi, chăm sóc, bầu bạn trong những ngày tháng tăm tối như địa ngục này:
Dậy đi em, dậy đi em ơi!
Dậy rũ áo kẻo bọ,
Dậy phủi áo kẻo lấm!
Đầu bù anh chải cho,
Tóc rối đưa anh búi hộ!
Anh chặt tre về đốt gióng đầu,
Chặt tre dày, anh hun gióng giữa,
Lam ống thuốc này em uống khỏi đau
Anh luôn nhẹ nhàng, ân cần chăm sóc cô từng chút, từ việc phủi áo, chải tóc đến làm thuốc rồi bôi cho cô. Điều đó thể hiện chàng trai là một người rất để ý, biết quan tâm và xót xa khi thấy người mình yêu chịu nhiều tổn thương.
Tơ rối đôi ta cùng gỡ,
Tơ vò ta vuốt lại quay guồng;
Quay lại guồng gỗ tốt cán thuôn,
Về với người ta thương thuở cũ
Đoạn trích trên là lời động viên, vỗ về của chàng trai dành cho cô gái. Những hình ảnh “tơ rối cùng gỡ”, “tơ vò lại vuốt” giống như lời hẹn thề cùng cô vượt qua sóng gió phía trước.
Câu thơ cuối như lời khẳng định của chàng trai, rằng luôn có một vòng tay dang rộng chào đón, trái tim chưa một lần ngừng yêu đợi cô trở về để cùng nhau vun đắp hạnh phúc.
Sức chịu đựng của con người cũng có giới hạn, bởi lẽ khi phải chứng kiến nhiều lần người mình yêu bị đánh đập, chàng trai không thể nhẫn nhịn thêm:
Chết ba năm hình còn treo đó;
Chết thành sông, vục nước uống mát lòng,
Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm,
Chết thành bèo, ta trôi nổi ao chung,
Chết thành muôi, ta múc xuống cùng bát
Chết thành hồn, chung một mái, song song
Điệp từ “chết” đứng đầu câu, được nhắc lại nhiều lần vừa thể hiện khát vọng tình yêu, sự dứt khoát của chàng trai muốn chung sống bên cô gái trọn đời trọn kiếp, đồng thời là lời nhắc nhở và mong cô đừng quên anh.
Với những tình cảm thấu hiểu, xót thương người con gái vô tội ấy, chàng trai giờ đây như muốn phá tan những xiềng xích như suy nghĩ cổ hủ, tập tục lạc hậu đang trói buộc cô gái.
Mối tình sâu nặng ấy đã biến cái chết trở thành một minh chứng cho tình yêu, anh nguyện được cùng cô ra đi mãi mãi. Không những vậy, hành động này còn giống như một sự giải thoát khỏi xã hội bất công và vô lý.
Hỡi gốc dưa yêu mọc ngoài cồn cát,
Nước ngập gốc đáng lụi, đừng lụi,
Nước ngập rễ đáng bềnh, đừng bềnh.
Đôi ta yêu nhau, tình Lú – Ủa mặn nồng,
Lời đã trao thương không lạc mất;
Như bán trâu ngoài chợ,
Như thu lúa muôn bông.
Lòng ta thương nhau trăm lớp nghìn trùng,
Bền chắc như vàng, như đá.
Yêu nhau, yêu trọn đời gỗ cứng,
Yêu nhau, yêu trọn kiếp đến già,
Ta yêu nhau tàn đời gió, không rung không chuyển,
Người xiểm xui, không ngoảnh không nghe
– Lời tiễn dặn
Đoạn thơ trên sử dụng điển tích chàng Lú, nàng Ủa của dân tộc Kháng vùng Tây Bắc, họ yêu nhau nhưng không được thành toàn. Thậm chí, khi đã cùng tự vẫn rồi biến thành ngôi sao, cả hai vẫn chẳng thể chung một góc trời.
Chàng trai qua đó cho thấy sự khéo léo, tinh tế khi diễn tả lại mối tình sâu đậm và bền chặt của hai người. Đó chính là niềm hy vọng mà anh tiếp thêm cho cô, hướng đến tương lai được chung đôi.
Với biện pháp tu từ so sánh, vừa gợi cho độc giả biết thêm về những khung cảnh thiên nhiên bình dị, tập tục thú vị của dân tộc Thái, vừa tô đậm câu chuyện tình ngọt ngào cũng như khát khao được sống bên nhau trọn đời.
Họ tin vào sức mạnh của tình yêu, nhờ niềm tin đó mà chàng trai và cô gái được tiếp thêm cho động lực, biến những điều không thể thành có thể. Chàng trai quyết tâm thực hiện lời hứa của mình với tất cả tình yêu, hy vọng và ý chí kiên định như khắc vào gỗ, như tạc trên đá.
Những hình ảnh thiên nhiên đá, vàng, gió và gỗ như biểu trưng cho một tình yêu vĩnh cửu, trường tồn cùng thiên nhiên vĩnh hằng. Ngược lại, tình yêu cũng giúp cảnh vật núi rừng Tây Bắc trở nên có hồn và sinh động hơn.
Giá trị nội dung và nghệ thuật trong bài Lời tiễn dặn
Thông qua những câu thơ ngắn nhưng chất chứa biết bao cung bậc cảm xúc mà chàng trai dành cô gái, độc giả bắt gặp sự trông ngóng, day dứt, nỗi đau khổ và nuối tiếc khi đôi lứa lỡ mất nhau.
Chưa kể đến những lời tiễn dặn, hành động mà chàng trai dành cho cô gái đã khắc họa tình yêu chân thành của đôi nam nữ. Đồng thời khẳng định sự tồn tại bất biến của tình yêu, dẫu thời gian có chảy trôi.
Không chỉ góp phần thể hiện tâm trạng nhân vật, hình ảnh thiên nhiên trong Lời tiễn dặn còn làm bật lên màu sắc dân tộc Thái. Mở rộng ra là sự đa dạng của đất trời Việt Nam, nơi chứa đựng nhiều tập tục đặc trưng.
Từ ngữ trong đoạn trích giản dị, không chau chuốt, cầu kỳ về mặt hình thức nhưng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Từ đó nói lên sự chất phác, chân thành, khiêm tốn của con người nơi đây.
Lời tiễn dặn còn là văn án tố cáo, phản ánh những tập tục cổ hủ, những định kiến khắt khe khiến con người không được sống tự do. Tác phẩm qua đó bày tỏ niềm hy vọng vào một xã hội công bằng, tiến bộ hơn trong tương lai.
Phương Anh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất