Trigger là một cụm từ được nhắc đến trong nhiều năm qua, không chỉ trên mạng xã hội mà còn trong Tâm lý học. Từ này dùng để chỉ những nhân tố gây kích động tới tâm lý con người.
Một giả thuyết cho rằng trigger được tạo nên bởi sự tổng hợp của mọi giác quan. Nó không chỉ tác động với những người bị sang chấn tâm lý mà còn hình thành qua các hành động vô thức trong mỗi người chúng ta.
Trigger là gì? Cụm từ này được sử dụng thế nào?
Theo từ điển Oxford, trigger /ˈtriɡər/ là danh từ chỉ cò súng, bộ phận giúp vũ khí khai hỏa. Tuy nhiên, nghĩa mở rộng của cụm từ này lại dùng để chỉ các nhân tố gây kích động về mặt cảm xúc, từ mùi hương, âm thanh đến hình ảnh.
Đối với người trải qua sang chấn tâm lý và có vết thương chưa thể chữa lành, những tác nhân khơi gợi quá khứ khiến họ trở nên bất an và hoảng sợ. Việc sử dụng chất kích thích hay trải qua các vấn đề nghiêm trọng như đại dịch cũng có ảnh hưởng nhất định.
Tuy nhiên, trigger đang bị lạm dụng phần nào trên mạng xã hội, nhiều người sử dụng cụm từ này để trêu đùa người khác hoặc lên án một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Việc thuật ngữ trên được dùng để tạo meme cũng rất phổ biến.
Nguồn gốc và thực trạng của việc sử dụng Trigger
Từ điển Oxford ghi rằng trigger bắt nguồn từ “trekken”, có nghĩa là “kéo” trong tiếng Hà Lan. Về sau nó được biến đổi thành trekker, tricker rồi đến Trigger vào những năm đầu thế kỉ mười bảy.
Theo tâm lý học, khái niệm trigger được đề ra vào năm 1918, nó liên quan tới hội chứng rối loạn hậu sang chấn (Posttraumatic stress disorder – PTSD) hoặc hội chứng mệt mỏi sau chiến tranh (Battle fatigue syndrome).
Hội chứng trên được đặt tên như vậy vì sự nặng nề của di chứng hậu chiến tranh đối với người lính. Tiếng pháo hoa, xe cộ, âm thanh hô vang của nhiều người gợi nhắc cho họ về một quá khứ đầy ám ảnh.
Ngày nay, trigger được sử dụng rất thường xuyên nhưng đôi khi gây ra nhầm lẫn cho mọi người, nó có thể dùng để chỉ cảm giác khó chịu khi bị xúc phạm, trêu đùa và cũng liên quan trực tiếp đến sức khỏe tâm thần.
Với truyền thông đại chúng, trigger được nhắc đến khi có hình ảnh mang tính chất nhạy cảm như bạo lực, khủng bố, tôn giáo hay chính trị. Chúng không chỉ làm người khác khó chịu mà còn gây ra sự kiện đáng tiếc như ở tòa soạn Charlie Hebdo.
Những yếu tố kích động cảm xúc thường thấy
Trigger thường bắt nguồn từ nhiều nhân tố khác nhau cũng như ảnh hưởng bằng nhiều cách đến với mọi người. Điều cần lưu ý là những yếu tố kích động cảm xúc (Emotion Trigger) ở mỗi người sẽ không giống nhau.
Chúng xuất hiện bởi những trải nghiệm cá nhân trong quá khứ hoặc vấn đề sức khỏe tâm thần ở hiện tại. Triệu chứng của việc này bao gồm lo âu, giận dữ và khủng hoảng.
Anxiety Triggers
Anxiety Triggers có những đặc điểm chung là khiến người bệnh cảm thấy lo lắng, khó chịu và bất an. Khi bị kích động, họ có thể trở nên căng thẳng tột độ, điều này phần nào làm giảm chất lượng cuộc sống.
Một số người bị hội chứng sợ biển (Thalassophobia) và có thể trở nên sợ hãi khi bị bao quanh bởi các vùng nước lớn hoặc sâu như ao hồ, sông lớn hoặc thậm chí là bể bơi, công viên nước.
Thoạt đầu, họ có thể nhắc nhở bản thân rằng mình đang an toàn nhưng sau đó, người bệnh dễ cảm thấy lo lắng, căng thẳng. Nhiều trường hợp khác như nói chuyện qua điện thoại, đi du lịch ở những nơi vắng vẻ cũng là nguyên nhân tiềm tàng.
Anger Triggers
Anger Triggers xuất hiện khi bản thân cảm thấy tức giận hoặc thất vọng. Nó khiến cơ thể bệnh nhân mất kiểm soát, tim đập nhanh, thở gấp và có thể xảy ra hành động bạo lực, la hét hoặc trở nên hung hăng.
Một số nguyên nhân gây kích động khác có thể kể đến như gặp những ký ức gây ra đau khổ, phẫn nộ hoặc lo lắng về các vấn đề cá nhân chưa được giải quyết.
Khi bản thân mất kiểm soát, họ có thể tấn công những người mà họ yêu thương, thậm chí là chính họ. Một số yếu tố sẽ khiến cơn giận dữ bùng phát dữ dội, khó kiềm chế hơn như sử dụng ma túy hoặc rượu.
Trauma Triggers
Đối với người đang phải vật lộn với chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD), trauma triggers thường gợi nhắc về những sự kiện đau thương mà họ từng trải qua.
Nó thường xảy ra đối với nạn nhân bị ngược đãi và bạo hành, đặc biệt là về mặt tâm lý. Những công việc mang tính nguy hiểm như quân đội là một ví dụ, chiến trường sẽ gây ám ảnh với những quân nhân suốt phần đời còn lại.
Người bị chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) sẽ né tránh mọi tác nhân có thể gây kích động, ví dụ như không đến nơi đông người hay có âm thanh lớn.
Tuy nhiên, họ vẫn có thể gặp những sự kiện này trong giấc mơ hoặc khi hồi tưởng về năm tháng đã qua. Bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng như bồn chồn, nôn mửa hoặc thậm chí là co giật.
Sự phổ biến của thuật ngữ Trigger ra thế giới
Theo Dictionary, thuật ngữ trigger phổ biến một cách đột ngột vào những năm cuối thế kỷ hai mươi, đầu thế kỷ hai mươi mốt. Chúng dùng để cảnh báo cho người đọc về nội dung gây khó chịu như bệnh rối loạn ăn uống (Eating Disorder), hội chứng tự ngược đãi bản thân (Self-harm).
Năm 2001, những cây bút trên LiveJournal đã cảnh báo người đọc về việc nội dung của họ có thể gây khó chịu. Việc thông báo cho người đọc bằng cụm từ “trigger warning” đã phổ biến với sự trỗi dậy của mạng xã hội.
Năm 2010, “trigger warning” một lần nữa phổ biến trên truyền thông và trong lớp học khi dùng để cảnh báo học sinh về những chủ đề khó tiếp nhận, nó đặc biệt hữu ích với những người từng gặp khủng hoảng.
Trigger được hình thành ra sao?
Khi một người ở trong tình huống bị đe dọa, họ sẽ xuất hiện phản ứng chống trả hay bỏ chạy (fight-or-flight response), thứ còn được biết đến với tên gọi phản ứng căng thẳng cấp tính.
Lúc ấy, cơ thể họ sẽ xuất hiện các dấu hiệu như nhịp tim, nhịp thở tăng nhanh, đồng tử nở rộng và cơ bắp trở nên căng cứng. Tất cả để chuẩn bị cho tình huống đang diễn ra, một số chức năng như tiêu hóa sẽ bị hoãn lại.
Một chức năng khác tuy quan trọng nhưng cũng bị hoãn là sự hình thành trí nhớ ngắn hạn, điều này khiến não bộ con người nhầm lẫn trong việc sắp xếp những sự kiện gây khủng hoảng tinh thần này.
Thay vì xuất hiện trong tiềm thức như một sự kiện đã xảy ra, chúng lại bị “dán nhãn” là mối đe dọa ở hiện tại. Vậy nên, khi tác nhân gây kích thích xuất hiện thì cơ thể cũng lập tức có phản ứng chống trả hay bỏ chạy.
Một giả thuyết khác cho rằng trigger được tạo nên bởi sự tổng hợp của mọi giác quan. Những thông tin cảm quan như mùi hương, âm thanh, hình ảnh đóng vai trò hình thành nên trí nhớ con người. Càng nhiều thông tin được ghi nhớ, ký ức càng dễ gợi nhắc hơn.
Ở những sự kiện gây sang chấn tâm lý, nhóm kích thích này chìm sâu vào trí nhớ. Ngay khi gặp vấn đề tương tự, não bộ sẽ lập tức liên kết nó với khủng hoảng từng diễn ra.
Nhiều trường hợp, chúng khiến cơ thể phản ứng ngay trước khi bản thân mỗi người kịp nhận thức. Đó là vì não bộ ghi nhớ những vấn đề từng xảy ra, kích thích trên như chiếc chìa khóa “mở toang” cánh cửa dẫn đến khủng hoảng.
Thói quen cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành trigger. Vì nhiều công việc chỉ được thực hiện ở một số nơi nhất định, những khuôn mẫu này giúp não bộ nhanh chóng đưa ra phản ứng.
Những cảnh báo về Trigger liệu có ích?
Những tác nhân khiến bản thân gặp kích động có thể hữu dụng trong một vài trường hợp, chúng nhắc mọi người về những sai lầm hoặc biến cố ở quá khứ để tránh lặp lại về sau.
Tuy nhiên, đa phần những kích thích này không mang lại ảnh hưởng tích cực. Khi những sang chấn tâm lý đã được hình thành, sự cảnh báo như một lần nữa khiến họ rơi vào bi kịch trong quá khứ.
Những người ủng hộ thì cho rằng “trigger warning” giúp mọi người có cơ hội chuẩn bị trước hoặc tránh khỏi nó. Nếu ai đó có triệu chứng sang chấn tâm lý, việc cảnh báo sớm sẽ giúp họ cảm thấy an toàn.
Ngược lại, một số cá nhân cho rằng “trigger warning” gây ra hành vi né tránh và làm bệnh tình trầm trọng thêm. Những cảm xúc nảy sinh từ các tác nhân kích thích nên được hỗ trợ bằng các phương pháp trị liệu.
Nên làm gì khi đối mặt với Trigger?
Việc tránh khỏi những yếu tố gây kích động không giúp người bệnh thoát khỏi hội chứng rối loạn hậu sang chấn. Vậy nên, những người thường phải đối mặt với nó nên được điều trị tâm lý thích hợp.
Theo PsychCentral, người bệnh nên nhìn nhận một cách thực tế, bình tĩnh quan sát và xác định cảm giác lo sợ đến từ đâu. Có thể chúng không đến từ hiện tại mà xuất phát nơi trải nghiệm đau thương của quá khứ.
Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy thiền giúp giảm lo âu, trầm cảm và căng thẳng. Những người đang gặp vấn đề nên thử thiền định để tâm lý thoải mái, cảm xúc cởi mở hơn.
An Hy
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất