Bức tranh của em gái tôi là tác phẩm được chấp bút bởi nhà văn Tạ Duy Anh, một trong những ngòi bút viết truyện ngắn xuất sắc của nền văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại.
Tác phẩm là bức tranh phản ánh chân thực diễn biến nội tâm nhân vật “tôi”, người anh với suy nghĩ nhỏ nhen, hẹp hòi và luôn ghen tị với người em gái có năng khiếu về hội họa, Kiều Phương.
Tạ Duy Anh là người nghệ sĩ nhiệt huyết với nghề
Tạ Duy Anh tên thật là Tạ Việt Đăng, quê ở huyện Chương Mĩ, Hà Tây. Thời còn trẻ, ông từng là cán bộ giám sát tại nhà máy thủy điện Hòa Bình, sau này tác giả theo học trường viết văn Nguyễn Du và được giữ lại làm giảng viên.
Là ngòi bút sáng tác trong thời kì văn học Việt Nam sau 1975, giai đoạn đòi hỏi người nghệ sĩ phải thoát khỏi lối mòn tư duy trước đó, Tạ Duy Anh cũng như nhiều tác giả cùng thời miệt mài đi tìm phong cách riêng của chính mình.
“Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có…” – Nhận định về văn chương của nhà văn Nam Cao trong tác phẩm Đời thừa
Nhà văn Tạ Duy Anh đã thành công trong việc khẳng định dấu ấn độc đáo riêng mình trên văn đàn Việt Nam đương đại bằng tài năng và sự tâm huyết với nghề qua các tác phẩm như Thiên thần sám hối, Bàn tay vô hình và Đi tìm nhân vật.
“Khi tôi bị cuốn vào bàn viết thì không có ngày, đêm, giờ giấc gì nữa. Có thời kỳ cả tuần tôi không ra khỏi ngõ. Nhiều phen, nửa đêm vợ tôi lên phòng làm việc của tôi nghiêm nghị yêu cầu tôi nghỉ. Nhưng chỉ một lát, thấy tôi cựa quậy trên giường thì lại bảo: Thôi, thà anh làm việc tiếp đi còn đỡ khổ hơn.” – Nhà văn Tạ Duy Anh từng bộc bạch
Đặc biệt với truyện ngắn đầu tay Bước qua lời nguyền, ông đã làm “cháy” báo Văn Nghệ trên các sạp báo cả nước khi viết về nông thôn Việt Nam những năm chống Mỹ đầy máu và nước mắt.
Văn phong của tác giả Tạ Duy Anh sắc bén, gai góc và ám ảnh với nhiều đề tài nhức nhối được đặt lên bàn cân đạo đức trong xã hội như việc phá thai hay vấn nạn tình dục.
Ông đi sâu vào việc khai thác từng ngóc ngách xấu xí của xã hội, những cuộc xung đột mạnh mẽ trong nội tâm con người khi đứng trước lằn ranh Thiện – Ác.
“Tự tôi đặt cho mình sứ mệnh phải viết, để cho cái ác nếu không biến mất thì cũng vì những trang viết của tôi mà mỗi ngày ít đi một chút, một chút, như những hạt bụi.” – Tạ Duy Anh
Độc giả nhận thấy nhân vật trong các sáng tác của nhà văn Tạ Duy Anh luôn bị đặt trong trạng thái dằn vặt, phải gồng mình đưa ra lựa chọn, đấu tranh với định kiến xã hội và tiếng nói lương tri trong thâm tâm mình.
Gai góc và sắc bén đến vậy nhưng khi người nghệ sĩ ấy viết truyện cho thiếu nhi thì văn phong của ông lại trong trẻo, giàu tính nhân văn và dễ dàng thâm nhập vào tâm trí bạn đọc.
“Giống như một cuốn nhật ký ngày thơ bé đầy hồn nhiên nhưng cũng không ít những trải nghiệm lạ kỳ, tuyển tập truyện ngắn mới nhất viết cho thiếu nhi của cái tên kì cựu trong làng văn này khiến người ta hiếu kì và tò mò ngay từ khi lật giở những trang sách đầu tiên.” – Lời nhận xét về tác phẩm Bản nhạc con đà điểu do nhà văn Tạ Duy Anh chấp bút
Bức tranh em gái tôi là một trong những tác phẩm mang đậm phong cách văn chương trong trẻo ấy của nhà văn Tạ Duy Anh, đối tượng được ông hướng tới trong truyện là những người bạn nhỏ tuổi.
Bức tranh của em gái tôi là tác phẩm được viết cho thiếu nhi
Bức tranh của em gái tôi là tác phẩm được in trong tập Con dế ma và từng đoạt giải nhì trong cuộc thi viết “Tương lai vẫy gọi” do báo Thiếu niên tiền phong tổ chức.
Thuộc thể loại truyện ngắn, Bức tranh của em gái tôi gây ấn tượng với nhiều độc giả qua cách xây dựng tình huống cao trào và đậm tính hiện thực của nhà văn Tạ Duy Anh.
Mọi việc bắt đầu khi người anh cảm thấy ghen tị với tài năng hội họa bẩm sinh của em gái, tình huống truyện kết thúc bằng việc nhân vật “tôi” tự nhận thức về phần hạn chế trong tâm hồn chính mình.
Những thay đổi trong cảm xúc cũng như suy nghĩ một đứa trẻ từ lúc biết mình sai tới khi nhận sai đã được nhà văn Tạ Duy Anh tập trung khai thác, khắc họa một cách tinh tế.
Chính ngòi bút tài hoa, sự quan sát tỉ mỉ khiến Bức tranh của em gái tôi không chỉ dừng lại là một tác phẩm cho thiếu nhi mà còn gây xúc động với nhiều độc giả lớn tuổi.
Hình ảnh người anh trai trong Bức tranh của em gái tôi
Tác phẩm được viết dưới cái nhìn của nhân vật “tôi”, cũng là cậu anh trai với tính cách nhỏ nhen, thường ganh tị trước cô em gái Kiều Phương, người có tài năng hội họa đặc biệt.
Với ngòi bút tinh tế nhưng sắc sảo, nhà văn Tạ Duy Anh đã khắc họa rõ nét tính cách nhân vật người anh qua những thay đổi về suy nghĩ và nhận thức theo dòng chảy của thời gian.
Tâm trạng người anh trước khi tài năng hội họa của em gái được phát hiện
Bức tranh của em gái tôi mở đầu là lời giới thiệu đơn giản của nhân vật “tôi” về cô em gái ruột Kiều Phương với tính cách nghịch ngợm, hay lục lọi đồ đạc trong nhà.
“Em gái tôi tên là Kiều Phương, nhưng tôi quen gọi nó là Mèo bởi vì mặt nó luôn bị chính nó bôi bẩn. Nó vui vẻ chấp nhận cái tên tôi tặng cho và hơn thế, nó còn dùng để xưng hô với bạn bè. Mèo rất hay lục lọi các đồ vật với một sự thích thú đến khó chịu.”
Lúc đầu, khi tài năng hội họa của Mèo chưa được phát hiện mà mới được bộc lộ dưới thói quen “hay lục lọi các đồ vật trong nhà” thì nhân vật người anh lúc này cũng chỉ là một đứa trẻ vô tư và thoải mái.
Hành động đặt biệt danh cho em gái Kiều Phương là Mèo vì thấy mặt em lúc nào cũng bị bôi bẩn đã thể hiện rõ thái độ vô tư, hồn nhiên của nhân vật “tôi”.
Tới khi phát hiện ra vết lem luốc luôn xuất hiện trên khuôn mặt người em là hậu quả của quá trình chế thuốc vẽ từ “các đít xoong chảo”, nhân vật anh trai lại có một thoáng ngạc nhiên nhưng không quá bận tâm đến.
Tuy nhiên, vì biết được bí mật mà em gái đã giấu kín suốt thời gian qua, nhân vật “tôi” bị kích thích trí tò mò và sẵn sàng theo dõi từng hành động của Kiều Phương.
“Một hôm, tôi bắt gặp nó nhào một thứ bột gì đó đen sì, trông rất sợ, thỉnh thoảng lại bôi bôi ra cổ tay. Trời ạ, thì ra nó chế thuốc vẽ. Thảo nào các đít xoong chảo bị nó cạo trắng cả. Tôi quyết định bí mật theo dõi em gái tôi.”
Dưới con mắt hồn nhiên của nhân vật anh trai lúc này, việc chế tạo thuốc vẽ mà em gái làm chỉ là trò nghịch ngợm như bất kỳ đứa trẻ cùng tuổi nào đã từng thử nghiệm.
Sự chuyển biến trong tâm trạng người anh
Người anh bắt đầu có sự thay đổi trong tâm trạng khi cô em Kiều Phương được chú Tiến Lê, bạn thân của bố làm nghề họa sĩ phát hiện ra tài năng hội họa thiên bẩm.
“Nhưng mọi bí mật của Mèo cuối cùng cũng bị bại lộ. Hôm đó chú Tiến Lê – họa sĩ, bạn thân của bố tôi – đưa bé Quỳnh đến chơi. Vớ được bạn gái, nó mừng quýnh lên. Hai đứa lôi nhau ra vườn. Tại đây, Mèo đưa toàn bộ những bức tranh nó vẽ giấu ra cho bé Quỳnh xem. Chỉ thấy bé Quỳnh thỉnh thoảng lại reo lên khe khẽ. Lát sau, bé Quỳnh chạy vào thì thầm thầm gì đó với chú Tiến Lê khiến chú phải xin phép bố tôi theo bé Quỳnh ra vườn.”
Đối với nhân vật “tôi”, ngày hôm đó chính là một ngày định mệnh. Trong lúc mọi người sung sướng vì có một niềm vui to lớn bất ngờ xảy ra thì tâm trạng cậu hoàn toàn ngược lại.
Lúc phát hiện ra tài năng của Mèo, khuôn mặt chú Tiến Lê “rạng rỡ”, bố ngây người “không tin vào mắt mình” và mẹ “cũng không kìm được xúc động” thì người anh lại bắt đầu cảm thấy mặc cảm về bản thân mình.
“Kể từ hôm đó, mặc dù mọi chuyện vẫn như cũ trong căn nhà của chúng tôi nhưng tôi luôn cảm thấy mình bất tài nên bị đẩy ra ngoài. Những lúc ngồi trên bàn học, tôi chỉ muốn gục xuống khóc.”
Trong nội tâm nhân vật “tôi”, những trận chiến đến từ sự dằn vặt không đáng có về bản thân cứ thế diễn ra, dày vò và khiến cậu trở thành một tâm hồn nhạy cảm với lời nói tự bao giờ.
Nhân vật này cảm thấy rằng trong cuộc đua giữa hai anh em, mình là người thua cuộc và bị bỏ rơi, cô em gái lại trở thành trung tâm được mọi người xung quanh chú ý.
Chính sự mặc cảm, tự ti đã khiến nhân vật “tôi” tạo ra một ám ảnh chỉ có trong tưởng tượng mà chính cậu cũng không thể hiểu nổi rằng “không hiểu vì sao tôi không thể thân với Mèo như trước kia được nữa”.
Thứ tổn thương không dấu vết này tuy với nhân vật anh trai rất sâu sắc nhưng khi xem xét dưới nhiều góc độ, nó đơn giản chỉ là cảm xúc ngây thơ của một đứa trẻ.
Ý nghĩ “tôi chẳng tìm thấy ở tôi một năng khiếu gì” đã thể hiện rõ nét sự ngây thơ ấy. Với một đứa trẻ mới lớn, những biến động xảy ra xung quanh tưởng chừng có ảnh hưởng to lớn nhưng thực chất chỉ là một điều bé nhỏ.
Năng khiếu là là thứ thuộc về thiểu số, không phải tất cả mọi người đều sở hữu nó, bởi vậy mà việc người anh xa cách với Kiều Phương chỉ vì tài năng hội họa là việc làm vô nghĩa.
Trong khi nhân vật “tôi” đang “vật lộn” với sự u ám của tâm trạng, ngòi bút Tạ Duy Anh thật tinh tế khi xây dựng lên một chi tiết đắt giá trong tác phẩm, đó là xem trộm tranh.
Xem trộm tranh vốn là “một việc mà tôi vẫn coi khinh” nhưng người anh vì một phần muốn thỏa mãn trí tò mò về tài năng hội họa của em gái, một phần mong được gỡ rối những day dứt trong tâm tư nên đã quyết định làm.
“Tôi quyết định làm một việc mà tôi vẫn coi khinh: xem trộm những bức tranh của Mèo. Dường như mọi thứ có trong ngôi nhà của chúng tôi đều được nó đưa và tranh. Mặc dù nó vẽ bằng những nét to tướng , nhưng ngay cả cái bát múc cám lợn, sứt một miếng cũng trở nên ngộ nghĩnh. Con mèo vằn vào tranh, to hơn cả con hổ nhưng nét mặt lại vô cùng dễ mến.”
Tài năng hội họa của Kiều Phương thổi hồn vào từng sự vật quen thuộc, khiến nó trở nên “ngộ nghĩnh” và “vô cùng dễ mến”. Cậu bé ấy lúc này hoàn toàn bị thuyết phục trước em mình.
Tuy nhiên, tâm lý mặc cảm và tự ti vẫn còn đọng lại trong suy nghĩ của nhân vật “tôi” nên khi gấp lại những bức tranh của bé Mèo, cậu chỉ “lén trút ra một tiếng thở dài” khe khẽ.
Người anh cảm thấy xấu hổ khi đứng trước bức tranh đoạt giải
Khi đứng trước bức tranh được giải nhất của em gái, nếu xét theo mạch cảm xúc trước đó thì người anh sẽ thấy buồn và mặc cảm nhưng dưới ngòi bút Tạ Duy Anh, tình huống và chi tiết mới xuất hiện khiến mạch truyện bị “bẻ lái”.
“Nếu tình huống tạo ra bước ngoặt của tác phẩm thì chi tiết nghệ thuật lại là cái bánh lái bẻ nên đường cua tuyệt diệu ấy” – Leonit Leonop
Hóa ra bức tranh đoạt giải nhất trong cuộc thi quốc tế của Kiều Phương là bức chân dung khắc họa nhân vật “tôi” lúc đang ngắm nhìn bầu trời qua khung cửa sổ, toát lên “thứ ánh sáng rất lạ”.
“Trong gian phòng lớn tràn ngập ánh sáng, những bức tranh của thí sinh treo kín bốn bức tường. Bố, mẹ tôi kéo tôi chen qua đám đông để xem bức tranh của Kiều Phương đã được đóng khung, lồng kính. Trong tranh, một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của chú không chỉ sự suy tư mà còn rất mơ mộng nữa.”
Từ khi đứng trước bức tranh vẽ người anh trai của Kiều Phương, tâm lý nhân vật “tôi” thay đổi theo hướng mà chính cậu cũng như nhiều độc giả không thể lường trước được.
Lòng ghen tị với bé Mèo hoàn toàn biến mất mà thay vào đó là sự ngạc nhiên, bối rối và cảm phục. Nhân vật “tôi” lúc ấy không chỉ cảm phục trước tài năng hội họa mà còn cả tâm hồn trong sáng, vô tư của em gái.
“Tôi giật sững người. Chẳng hiểu sao tôi phải bám chặt lấy tay mẹ. Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ. Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến thế kia ư? Tôi nhìn như thôi miên vào dòng chữ “Anh trai tôi”. Vậy mà dưới mắt tôi thì…”
Tâm trạng của nhân vật “tôi” bối rối với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen khó tả. Biểu hiện “sững người” đã thể hiện rõ nét sự ngạc nhiên trước một sự việc xảy ra quá đột ngột mà cậu không ngờ tới, phải bám tay mẹ để đứng vững.
Đầu tiên, cậu ngỡ ngàng trước bức tranh của em gái rồi trở nên hãnh diện bởi hình tượng trong bức họa đoạt giải nhất là bản thân mình, cuối cùng thì xấu hổ.
Sự xấu hổ của nhân vật “tôi” một phần đến từ việc cảm thấy mình không xứng đáng khi trở thành một hình tượng hoàn hảo “dưới mắt em tôi”, đồng thời cũng bắt nguồn từ sự tự nhận thức về phần khuyết thiếu trong tâm hồn.
Tuy nhiên, ngỡ ngàng, hãnh diện hay xấu hổ đều là cảm xúc có thể gọi tên thành lời, điểm đặc biệt khiến cho nhiều độc giả có thể chia sẻ và cảm thông với người anh ở đây lại chính là tiếng lặng “…”, vốn không thể nói ra.
Dấu lặng ấy đã thể hiện sự tự trách về lỗi sai của chính bản thân nhưng cũng là tiếng thở dài, giải tỏa hoàn toàn suy nghĩ và dằn vặt như cái gai trong tâm trí cậu trước đó.
Cảm động trước tâm hồn trong sáng của bé Mèo, người anh không thể trả lời câu hỏi của mẹ vì “tôi muốn khóc quá”. Những giọt nước mắt ấy sẽ là thứ gột rửa vết nhọ còn sót lại trong tâm hồn cậu bé tuổi mới lớn.
“- Con nhận ra con chưa? – Mẹ vẫn hồi hộp.
Tôi không trả lời mẹ vì tôi muốn khóc quá. Bởi vì nếu được nói với mẹ, tôi sẽ nói rằng: “Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy”.”
Truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi đã kết thúc trọn vẹn, những vướng mắc trong tâm lý nhân vật “tôi” được gỡ bỏ hoàn toàn, nổi bật lên là tấm lòng vô tư và tình yêu thương của người em gái Kiều Phương.
Qua đó, nhiều độc giả nhận ra nhân cách tốt đẹp của nhân vật “tôi” khi người anh trai ấy tự nhận thức phần khuyết thiếu trong tâm hồn, sửa chữa nó với thái độ chân thành.
Kiều Phương là cô bé tài năng với tấm lòng vô tư và nhân hậu
Người em gái Kiều Phương với biệt danh Mèo tuy không phải là nhân vật trung tâm nhưng có sức ảnh hưởng to lớn với người anh và mạch diễn biến trong tác phẩm.
Ở phần đầu Bức tranh của em gái tôi, khi bị anh trai trách mắng vì suốt ngày lục lọi đồ vật, Kiều Phương không hề cãi lại mà chỉ hóm hỉnh giải thích về hành vi của mình rằng “Mèo mà lại! Em không phá là được…”.
Rồi tới khi tài năng hội họa được phát hiện, bé Mèo vẫn không chút thay đổi, mặt lúc nào cũng lem nhem và luôn “xịu xuống, miệng dẩu ra” những lúc anh trai mắng mỏ vô cớ.
Tuy còn nhỏ tuổi nhưng cô bé Kiều Phương rất có tài quan sát. Trong bức tranh, những thứ không hoàn thiện như cái bát múc cám lợn bị sứt một miếng, con mèo to bằng con hổ và ngay cả người anh cũng được khắc họa thật đẹp đẽ.
Thậm chí, nhân vật “tôi” có cảm tưởng rằng bé Mèo thật sự là người nghệ sĩ tài ba, biết chắt lọc những gì đẹp đẽ nhất trong từng sự vật vì “có cảm tưởng nó biết mọi việc chúng tôi làm và lơ đi vì không chấp trẻ con”.
Đặc biệt, tới khi hình ảnh người anh đi vào thế giới nghệ thuật đầy ngây thơ của em gái, những vết nhỏ đã bị gạt bỏ và chỉ còn lại bức chân dung về một chàng trai ngắm nhìn bầu trời qua cửa sổ đầy ánh sáng.
Qua bức tranh về người anh trai và tâm hồn đẹp đẽ của nhân vật Kiều Phương, nhà văn Tạ Duy Anh đã lặng lẽ gửi gắm quan niệm của mình vào tác phẩm.
Với tác giả, văn học và nghệ thuật phản ánh đời sống theo quy luật của cái đẹp nhưng cái đẹp tồn tại trong văn chương không đồng nhất với vẻ đẹp của khoa học, mỹ thuật hay đời sống thực tế.
Bởi lẽ, nếu xét theo góc độ xã hội học, “thằng Chí” của Nam Cao hẳn là một gã tồi khi làm nghề “đòi nợ thuê” cho Bá Kiến cùng những lần “rạch mặt ăn vạ” khiến dân làng ghét bỏ.
Tuy nhiên, khi đến với Chí Phèo, độc giả không chú ý tới vẻ bề ngoài, những vết rạch ngang dọc mà chỉ quan tâm đến số phận đáng thương của một con người khi “muốn làm người lương thiện” nhưng xã hội không cho phép.
Trong Bức tranh của em gái tôi, người anh trai ấy tuy có mặt đen tối trong tâm hồn nhưng tất cả đều trở nên đẹp đẽ dưới cái nhìn của người nghệ sĩ Kiều Phương.
Đó không phải là “ánh trăng lừa dối” trong nghệ thuật mà chính là sự nhân văn và sức ảnh hưởng của cái đẹp. Đặc biệt, để làm ra những tác phẩm nghệ thuật như vậy, người nghệ sĩ cũng phải sở hữu một tâm hồn trong sáng.
“Những cái tinh túy, cốt thiết thì vô hình đối với 2 con mắt, người ta chỉ có thể nhìn thấy bằng trái tim.” – Saint Exupery
Với tấm lòng yêu quý anh trai, Kiều Phương đã lấp đầy khoảng thiếu hụt trong tâm hồn nhân vật “tôi” không chỉ bằng tài năng nghệ thuật mà còn đến từ sự vô tư, nhân hậu của chính mình.
Bạch Dương
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất