Tác giả Nguyễn Minh Châu đã để lại cho đời nhiều di sản văn học quý giá, nổi bật trong số đó là những trang viết thấm đẫm chất nhân văn cùng mối quan hoài da diết về con người và cuộc đời.
Truyện ngắn Chợ Tết của ông là tác phẩm tiêu biểu của phong cách văn học lắng đọng suy tư và triết lý. Những trang văn tập trung sâu đậm tình cảm về tết cổ truyền dân tộc mang đến cho độc giả cảm giác sum vầy, đầm ấm mỗi mùa hoa đào nở. Qua đó cũng bộc bạch nhiều suy ngẫm về thế sự khi chiến tranh đã đi vào dĩ vãng.
Nguyễn Minh Châu là người mở đường tinh anh cho văn học nước nhà
Nhà văn Nguyễn Minh Châu nguyên quán tại làng Văn Thai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông được mệnh danh là một trong những “người mở đường tinh anh và tài năng của văn học nước nhà”, ghi dấu ấn với độc giả, đồng nghiệp bằng lối tư duy nhiệt thành, luôn đắm mình vào thời cuộc.
Trước những năm 1980, tác phẩm của Nguyễn Minh Châu thường mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Sau này ông chuyển hẳn sang đề tài đời tư, thế sự với các vấn đề về đạo đức, triết lý nhân sinh.
“Những cái tưởng như bình thường lặt vặt trong cuộc sống hằng ngày dưới con mắt và ngòi bút của Nguyễn Minh Châu đều trở thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý.” – Nhà văn Tô Hoài chia sẻ
Cây viết tài năng ấy luôn nhìn cuộc sống dưới lăng kính đa diện, kín đáo thể hiện mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Đặc biệt nhà văn cực kỳ trân trọng những nét đẹp tâm hồn đáng quý của người dân lao động, nhất là vẻ đẹp tình yêu thương, đức hi sinh.
Sự nghiệp sáng tác đầy nhân văn của ông đã giúp bạn đọc nhận ra nhiều chân lý trong cuộc sống. Những “hạt ngọc” văn chương quý giá dưới ngòi bút ấy có thể kể đến như Cửa sông, Bức tranh, Chiếc thuyền ngoài xa, Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa.
Chợ Tết là truyện ngắn chứa đựng nhiều nỗi niềm tâm sự của Nguyễn Minh Châu
Truyện ngắn Chợ Tết kể về một chuyến thăm quê của Định, anh nhận ra rằng mọi phong cảnh, nếp sống người dân nơi đây vẫn như cũ, lay lắt, kham khổ từ ngày này qua tháng khác.
Muôn hình vạn trạng cuộc sống nhân dân lao động ở thôn quê ấy được phản ánh chân thực qua phiên chợ Tết. Một ngôi làng biển nhếch nhác, bẩn thỉu, lúc nào cũng tanh mùi cá là bối cảnh chính xuyên suốt từ đầu tới cuối truyện, mang đến cho độc giả sự thương cảm đối với những mảnh đời mãi quẩn quanh nơi đây.
“Một cái gì bao quanh Định, một không khí luôn luôn bao bọc Định, đấy là sự quen thuộc, một nếp sống quen thuộc đã có từ lâu đời, và chả có gì bị phá vỡ đang phô diễn trong phiên chợ Tết ban đầu khiến Định say mê và rưng rưng cảm động, song sau đó hình như chính nó lại làm Định đến phải phát mệt, và sợ – Định tưởng mình cùng với cả một đám đông đang sôi sục đến chóng mặt trong một cái guồng quay đầy luẩn quẩn.” – Chợ Tết
Tại phiên chợ Tết, Định gặp lại Tề, cô gái mà ngày xưa mình từng rất yêu. Éo le thay cả hai là họ hàng xa nên không đến được với nhau. Tái ngộ sau nhiều năm, anh biết rằng Tề đã đi lấy chồng, có một đứa con gái tên Kim cũng tháo vát, nhanh nhẹn như mẹ nó ngày trước, chuyện này khiến Định bùi ngùi xúc động.
Dù vậy, khi đi lấy chồng thì cuộc sống của cô không được hạnh phúc. Hình ảnh người phụ nữ lam lũ xuất hiện ở đầu truyện, thêm một lần nữa trở lại vào cuối tác phẩm đã bộc lộ nỗi băn khoăn của Định với sự khắc khổ, bó buộc mà mẹ con Tề phải chịu nói riêng, cuộc đời người dân làng biển nơi đây nói chung.
Dưới con mắt của một “cán bộ thoát ly”, Định thấy rằng bao trùm lên không khí làng quê mình vẫn là sự trì trệ, cũ kỹ, muôn đời như vậy, “mặc dù mặt đất bị xáo trộn, nhưng cuộc sống con người lại ngưng đọng, như một sự lặp lại”.
“Ai ngồi đâu lại ngồi đấy, tự sắp xếp như sáu, bảy năm về trước, y như tự nó cuộc sống đã có một thứ ký ức đầy chuẩn xác.” – Chợ Tết
Không khí tẻ nhạt, ngưng trệ này cứ ám ảnh mãi tâm trí Định. Ngay cả những câu đối anh cũng không muốn đọc nữa bởi “câu đối tết năm nào chẳng viết những câu như mọi năm trước”. Chiến tranh đã lùi xa song mọi sự sống nơi đây vẫn mãi mãi chìm đắm trong nếp sống lạc hậu, u tối.
Sự lặp lại không ngờ giữa hai thế hệ là chi tiết phản ánh rõ nhất cái vòng luẩn quẩn ấy. Hình ảnh người lái đò xưa hiện ra khiến Định tưởng ông cụ còn sống, hóa ra chỉ là con trai ông ta. Cô bé bán báo và mụ Tề bán cá, hai mẹ con vẫn chung những nét quen thuộc làm nên thân phận người phụ nữ trong một xã hội lạc hậu.
“Trải qua chiến tranh, xã hội ta đang lê lết trong một tình trạng trung cổ và không tìm đâu ra những yếu tố mới để tạo ra một sự phát triển đích thực.” – Khuyết danh
Ban đầu sự quen thuộc ấy khiến người con xa quê rưng rưng cảm động, dần dần nó làm anh thấy mệt và lo sợ. Ngòi bút của Nguyễn Minh Châu dường như trở nên bất lực khi tái hiện hiện thực đầy u ám này.
Trước năm 1975 Nguyễn Minh Châu là nhà văn mặc áo lính, ông quan niệm “chiến đấu vì sự sống còn của cả đất nước, dân tộc”. Vậy nên cây viết này say sưa ca ngợi mọi vẻ đẹp lung linh, kỳ ảo trong cuộc sống.
Sau chiến tranh, Nguyễn Minh Châu đã thay đổi tư duy sáng tác, nhìn thẳng sự thật để viết về những ngổn ngang, bề bộn mà cuộc chiến để lại. Ông len lỏi vào từng góc khuất, phơi bày mọi điều xấu xa, cũ kỹ, lạc hậu, làm tròn bổn phận của một nhà văn là “cần phấn đấu đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”.
“Bởi cuộc sống và con người như những dòng sông trôi chảy không ngừng, không nhất thiết lúc nào dòng sông đó cũng có xoáy ngầm, và cũng không hẳn trong cái bằng phẳng dung dị của nó không có những vấn đề bức bối đặt ra đối với con người.” – Nhà giáo Trịnh Thu Tuyết
Thiên truyện ngắn Chợ Tết phần nào đã phản ánh rõ nét tâm sự của Nguyễn Minh Châu về hiện trạng cuộc sống và con người thời hậu chiến. Tác giả từng hy vọng quê hương sẽ có sự đổi mới sau khi bước ra từ bom lửa chiến tranh, song điều mà ông nhận lại chỉ là cảm giác hụt hẫng lúc chứng kiến tất cả vẫn chìm đắm trong trì trệ, lạc hậu.
Câu hỏi đầy day dứt “Kim, Kim, Kim, đời cháu mai ngày sẽ ra sao nếu gắn chặt với những làng xóm quê nhà yêu dấu?” như một sự đánh thức, phá tan cái vòng quẩn quanh cứ mãi kìm kẹp con người. Ông lo lắng cho tương lai của cô bé, mong muốn có một ngọn đèn rọi sáng, soi đường cho người dân nơi đây bước ra khỏi lầm than mà họ đang phải chịu đựng.
Những khía cạnh thời hậu chiến được khai thác trọn vẹn qua Chợ Tết
Giữa khung cảnh phiên chợ ngày Tết, tác giả đã tinh tế nhận ra một góc khuất khác đáng lên án, đó là bạo lực. Phương pháp này sẽ khiến cho sự hỗn loạn tạm thời bị đẩy lùi, mặc dù chỉ vài phút sau chúng lại chìm đắm vào cái ồn ào vốn có.
Chi tiết ngọn roi đuôi cá đuối của lão Đất, một gã cai chợ cục mịch, thô bạo được lặp đi lặp lại nhiều lần để làm nổi bật tình hình xã hội thời kỳ này. Mọi thứ đều tự phát, cổ hủ, muốn lập lại trật tự chỉ có cách dùng đến roi vọt. Điều đó khiến Định cảm thấy rằng cuộc sống ở đây sao mà man dại, hoang dã đến vậy.
“Lão Đất áo quần tơi tả, đứng cười ngất. Thừa thắng lão vác thanh roi đi giải toả những cái chợ lẻ khác. Cánh hàng quà, hàng hương, đám người bán hoa giả, hoa thật cũng chỉ sợ hỏng mất hàng, mới nghe sự kiện xảy ra ở chợ cá đã ngoan ngoãn gồng gánh vào chợ.
Thật đơn giản, lại mau lẹ.” – Chợ Tết
Vấn đề này đã được Nguyễn Minh Châu đề cập đến khá gay gắt trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, một tác phẩm cũng thuộc đề tài khai thác thế sự, đời tư sau chiến tranh.
Người đàn bà hàng chài ngày ngày phải chịu những trận đòn độc dữ từ người chồng thô bạo, cứ “ba ngày một trận nhỏ, năm ngày một trận lớn” mà vẫn cam chịu đầy nhẫn nhục, không chống trả và cũng không tìm cách chạy trốn.
“…Chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!
Người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy.” – Chiếc thuyền ngoài xa
Hình ảnh đòn roi, bạo lực xuất hiện trong hai tác phẩm phải chăng đó là lựa chọn bất đắc dĩ của con người thời hậu chiến, đã cam chịu nhiều đến mức quen rồi.
Điều này mở ra những vấn đề cực kỳ đáng suy ngẫm mà một đất nước vừa mới bước ra từ chiến tranh phải đối mặt, đó chính là sự đói nghèo, tăm tối, có lẽ việc chống lại chúng sẽ còn gian nan hơn cả cuộc chiến chống ngoại xâm.
Hiện lên trên trang văn và trong câu chuyện, người đọc nhận ra chủ thể trần thuật là nhân vật Định đang thu mình lại với vai trò quan sát viên, rất vô tư, công tâm kể lại những điều mà anh đã mắt thấy, tai nghe, phản ánh chân thực cuộc sống của người dân làng chài.
Một điểm cộng lớn cho Chợ Tết đó là ngòi bút khai thác tâm lý nhân vật Định của Nguyễn Minh Châu đầy sắc sảo nhưng cũng mềm mại, tự nhiên. Việc này giúp truyền tải trọn vẹn những thông điệp ý nghĩa mà ông muốn gửi gắm.
“Định giật mình nhận thấy một điều hiển nhiên là giá anh em Định vẫn cứ quẩn quanh ở làng thì cũng như họ, cũng hoà nhập vào cái guồng quay số phận ấy. Định, các ông anh Định lại giống y hệt như người anh họ, như lão Đất.” – Chợ Tết
Truyện ngắn Chợ Tết là minh chứng mạnh mẽ cho sự đổi mới trong phong cách sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Những tác phẩm tràn đầy cảm hứng thế sự của ông ngày càng trở nên ngời sáng với giá trị nhân văn cao cả, có sức hấp dẫn kỳ diệu với nhiều thế hệ độc giả.
Tiểu Mai
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất