Nam Cao là một trong những nhà văn Việt Nam tiêu biểu của thế kỷ XX, trong suốt sự nghiệp cầm bút ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm đặc sắc, trong đó có truyện ngắn Đôi mắt được sáng tác năm 1948.
Lấy bối cảnh nạn đói năm Ất Dậu, Nam Cao đã thẳng thắn phơi bày những góc nhìn khác nhau giữa các tầng lớp trong xã hội lúc bấy giờ thông qua cuộc trò chuyện giữa hai văn sĩ là Độ và Hoàng.
Đôi nét về tác giả Nam Cao
Nam Cao tên thật là Trần Hữu Trí, quê ở huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân, nay là xã Hòa Hậu, tỉnh Hà Nam.
Sinh ra trong một gia đình Công giáo bậc trung đông con nhưng từ nhỏ ông vẫn được học hành tử tế. Tuy nhiên vì thể chất yếu nên chưa kịp thi thành chung ông đã phải về quê chữa bệnh và cưới vợ năm mười tám tuổi.
Sau thời gian chữa bệnh, Nam Cao vào Sài Gòn để kiếm sống và chật vật thử qua nhiều nghề, ban đầu ông viết văn cũng chỉ vì kế sinh nhai.
Ông đã nhận làm thư ký cho một hiệu may và bắt đầu sự nghiệp cầm bút với một vài truyện ngắn như Cảnh cuối cùng và Hai cái xác.
Năm 1941, tập truyện nổi tiếng Đôi lứa xứng đôi đã được Nhà xuất bản Đời mới Hà Nội phát hành, ban đầu tác phẩm trong bản thảo có tên là Cái lò gạch cũ, sau nhiều lần in lại Nam Cao mới quyết định đổi tên truyện là Chí Phèo.
Tác phẩm ra đời nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ đông đảo độc giả và được xem như hiện tượng lạ lúc bấy giờ, đồng thời bút danh Nam Cao cũng đã chính thức gắn liền với sự nghiệp của ông kể từ đó.
Năm 1943 với tinh thần yêu nước sục sôi, nhà văn đã gia nhập Hội Văn hoá cứu quốc và là một trong những thành viên đầu tiên của tổ chức này.
Năm 1951, ông đã bị quân Pháp phục kích và hy sinh trên đường đi công tác khi chỉ ba mươi tuổi. Tuy mất sớm nhưng ổng đã để lại cho hậu thế những trang văn bất hủ như Sống mòn, Lão Hạc, Nghèo và Đời thừa.
Trong các trang truyện của Nam Cao, trang nào cũng có những nhân vật chính hoặc phụ đang đối diện với cái chỗ kiệt cùng với đời sống con người để rồi từ đó bắt buộc người ta phải bộc lộ mình ra, trước hết là tâm lí, nhân cách rồi tiếp đến sau cùng là cái nỗi đau khôn nguôi của con người.
Với những đóng góp quý báu cho nền văn chương nước nhà, năm 1996 Nam Cao đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật, đồng thời Nhà tưởng niệm Nam Cao cũng đã được thành lập từ năm 2004 tại Hà Nam nhằm tri ân ông.
Nam Cao là một trong những nhà văn Việt Nam tiêu biểu nhất thế kỷ XX, dù qua bao nhiêu năm tháng thì ông vẫn mãi là ngôi sao sáng trên bầu trời văn học nước nhà.
Bằng ngòi bút của mình, Nam Cao không chỉ thể hiện cái tôi cá nhân và tư duy nghệ thuật đầy mới mẻ mà còn bộc lộ tính nhân văn cao đẹp thông qua các nhân vật của mình.
Cái nhìn đa chiều từ Đôi mắt của nhà văn Nam Cao
Đôi mắt là tác phẩm được trích trong tập Nhật ký ở rừng do Nam Cao sáng tác vào năm 1948, thời kỳ đất nước đang bước vào giai đoạn kháng chiến chống Pháp.
Giai đoạn đó cũng đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong ngòi bút của các văn sĩ, có nhiều nhà văn đã giác ngộ lý tưởng cách mạng, tập trung ca ngợi công lao của Đảng và Nhà nước nhưng cũng không ít người có cái nhìn sai lệch về thời cuộc cũng như tinh thần chống giặc của nhân dân.
Truyện ngắn lúc đầu mang tên Tiên sư thằng Tào Tháo nhưng sau nhiều lần suy xét tác giả quyết định đổi tên cho tác phẩm của mình là Đôi mắt nhằm nhấn mạnh cái nhìn đa chiều từ cốt truyện.
Mắt là cơ quan thị giác của con người, đồng thời đây cũng là cánh cửa giúp tâm hồn ta cảm nhận những cung bậc khác nhau trong cuộc sống. Đôi mắt mà Nam Cao muốn đề cập chính là cách mà mỗi người nhìn nhận, quan sát cuộc sống xung quanh bằng trái tim và khối óc, góc nhìn khác nhau sẽ cho chúng ta những quan điểm và nhận định khác nhau.
Đôi mắt ra đời dưới ngòi bút đanh thép nhưng cũng không kém phần tinh tế của Nam Cao đã như một gáo nước thức tỉnh lòng yêu nước của tầng lớp văn sĩ lúc bấy giờ.
Lấy bối cảnh nạn đói năm 1945, tác phẩm xoay quanh cuộc nói chuyện giữa Độ và Hoàng, hai nhà văn cùng thời. Họ là bạn từ trước những năm 1945, sau tổng khởi nghĩa Độ trở thành chiến sĩ cách mạng, tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp, còn Hoàng thì trở về sống ở nông thôn theo lệnh tản cư.
Nhân chuyến công tác, Độ ghé thăm Hoàng và được vợ chồng họ đón tiếp niềm nở khác hẳn mọi khi. Tuy sống giữa nạn đói năm Ất Dậu, người chết đầy đường nhưng gia đình họ vẫn có cuộc sống sung túc, đặc biệt là con chó của cả hai luôn được ăn đủ bữa.
Xuyên suốt tác phẩm, Nam Cao tập trung khai thác suy nghĩ của nhân vật Hoàng và Độ qua lời nói, tuy là hai văn sĩ cùng thời nhưng lại có suy nghĩ trái ngược nhau. Hoàng là một người giàu có với nếp sống xa hoa cùng thân hình to béo, tuy là nhà văn nhưng anh chẳng có tác phẩm nổi bậc nào và không được lòng những người trong giới văn chương.
Bên cạnh đó, Hoàng còn có cái nhìn đầy phiến diện về những người nông dân nghèo cũng như phong trào cách mạng của dân tộc. Khi văn sĩ này hướng đôi mắt về xã hội, anh chỉ thấy màu đen từ sự cơ hàn đồng thời tỏ ra xem thường tinh thần yêu nước bên trong họ. Hoàng cho rằng họ là những kẻ ít học, cả đời chỉ biết tiết kiệm, nhiều chuyện và không biết hưởng thụ.
Có nhiều cái kỳ lạ lắm. Người nhà quê dẫu sao thì cũng còn là một cái bí mật đối với chúng ta. Tôi gần gũi họ rất nhiều. Tôi dã gần như thất vọng vì thấy họ phần đông dốt nát, theo nhếch, nhát sợ, nhịn nhục một cách đáng thương. Nghe các ông nói đến “sức mạnh quần chúng”, tôi rất nghi ngờ. Tôi vẫn cho rằng đa số nước mình là nông dân, mà nông dân nước mình thì vạn kiếp nữa cũng chưa làm cách mạng.
Còn ở nhân vật Độ, anh cho thấy phong thái của một người hiền lành và điềm tĩnh khi nói chuyện với Hoàng, xuyên suốt cuộc trò chuyện anh hầu như chỉ ngồi nghe chứ ít khi phản bác. Trước những lời nói có phần ngông cuồng, phiến diện của bạn mình anh vẫn ung dung và xem Hoàng là người không cùng lý tưởng.
Sớm đã giác ngộ cách mạng, Độ hiểu rằng để cuộc kháng chiến có thể bền vững và mang đến thắng lợi thì ngoài tài lãnh đạo của Bác còn có sự đóng góp và hy sinh từ những người nông dân nghèo mà Hoàng đã xem thường.
Qua lời kể của Hoàng, Độ đã nhận ra ngọn lửa yêu nước đang cháy bỏng trong trái tim của những người lao động bằng đôi mắt đầy chiêm nghiệm và chân thành.
Anh đã quen nhìn đời và nhìn người một phía thôi. Anh trông thấy anh thanh niên đọc thuộc lòng bài “Ba giai đoạn” nhưng anh không trông thấy bó tre anh thanh niên vui vẻ vác đi để ngăn quân thù. Mà ngay trong cái việc anh thanh niên đọc thuộc lòng bài báo như một con vẹt biết nói kia, anh cũng chỉ nhìn thấy cái ngố bề ngoài của nó mà không nhìn thấy cái nguyên cớ thật đẹp đẽ bên trong. Vẫn giữ đôi mắt ấy để nhìn đời thì càng đi nhiều, càng quan sát lắm, người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản.
Bằng lối viết mộc mạc, tự nhiên nhưng không kém phần sinh động cùng với nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật đặc sắc, Nam Cao đã thành công mang văn chương đến gần hơn với hiện thực đồng thời cho độc giả cái nhìn đầy suy tư về những tháng ngày khó khăn của đất nước.
Thông qua Đôi mắt, Nam Cao đã phơi bày lối suy nghĩ ích kỷ, phiến diện của Hoàng nói riêng và đại bộ phận tầng lớp tri thức đã quen với cuộc sống xa hoa nói chung.
Những giá trị nhân văn ẩn chứa trong tác phẩm
Cách mạng tháng Tám là một sự kiện quan trọng trong giai đoạn đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, không những thế nó còn mở đường, dẫn lối cho nhiều nhà văn yêu nước nhìn thấy tương lai tươi sáng cho nền văn học nước nhà.
Thời điểm đó có rất nhiều văn sĩ đã hội tụ dưới màu cờ của Đảng, hăng hái đóng góp cho cuộc chiến tranh trường kì và Nam Cao cũng không ngoại lệ. Ông từ một nhà văn hiện thực, luôn nhìn cuộc sống bằng đôi mắt đầy đớn đau bế tắc nay đã tìm thấy cảm hứng mới cho các tác phẩm của mình.
Đến với Đôi mắt, người đọc có được nhiều góc nhìn chân thực về một thời thịnh suy của dân tộc cũng như cảm nhận được tinh thần đấu tranh bất khuất của ông cha ta dù đứng trước vô vàn khó khăn, thử thách.
Cái nhìn của Hoàng về người nông dân là cái nhìn từ bên ngoài, tuy mang danh nghĩa trí thức nhưng lại dựa trên lối suy nghĩ phiến diện để đánh giá những người kém may mắn hơn mình.
Trái ngược với Hoàng, Độ vẫn giữ vững lập trường cùng phong thái ung dung khi đối diện với những câu nói đầy sự khinh miệt dành cho người nông dân từ bạn của mình. Qua đó có thể thấy Độ là một người yêu nước và nhìn đời bằng đôi mắt đầy thấu cảm.
Tô Hoài gọi Đôi mắt là tuyên ngôn nghệ thuật chung của các văn sĩ thời ấy khi Nam Cao đã thành công khai thác hai thái cực khác nhau trong suy nghĩ con người chỉ qua hình tượng đôi mắt.
Có thể thấy tác giả đã sử dụng linh hoạt các hình thức nghệ thuật từ miêu tả, trần thuật, đối thoại đến tự bạch để làm nổi bật tính cách đối lập của hai nhân vật, điều mà hiếm có nhà văn nào làm được.
Bên cạnh đó, tác giả còn lập nên một bản tuyên ngôn về lập trường cách mạng vững chắc của mình thông qua lý tưởng của nhân vật Độ. Nam Cao cũng như các văn sĩ yêu nước lúc bấy giờ đã quyết tâm từ bỏ quyền lợi mang tính cá nhân cùng những nếp tư duy cũ để can đảm đổi mới và thay đổi cách nhìn cuộc sống cũng như quan niệm sáng tác.
Trước những biến động dữ dội của thời cuộc, Đôi mắt đã ra đời như một tấm gương phản chiếu nhiều tư tưởng khác nhau trong xã hội, đặc biệt là vạch ra vấn đề của một bộ phận văn nghệ sĩ chưa có cái nhìn toàn diện, lối tư duy bảo thủ đồng thời chưa giác ngộ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đôi mắt và những dư âm còn mãi
Nam Cao là một trong những cây bút có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền văn học Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, các tác phẩm của ông chủ yếu phản ánh và phơi bày nhiều mặt tối của con người cũng như xã hội lúc bấy giờ.
Truyện ngắn Đôi mắt là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao sau Cách mạng tháng Tám, đồng thời cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Với tài hoa và sự tinh tế trong ngòi bút, Nam Cao không chỉ phản ánh góc nhìn cá nhân mà còn góp phần khẳng định lập trường quan điểm đúng đắn của mình.
Trong văn xuôi trước cách mạng, chưa có ai có được ngòi bút sắc sảo, gân guốc soi mói như của Nam Cao
– Nhà văn Lê Định Kỵ
Đôi mắt đã phản ánh những sự đối lập trong suy nghĩ và cách nhìn nhận cuộc sống của hai nhân vật là Độ và Hoàng, thông qua đó đặt ra những vấn đề cấp thiết trong việc định hướng tư tưởng của giới văn nghệ sĩ.
Nếu những tác phẩm trước của Nam Cao mang đầy nỗi đau khổ của con người mang chí lớn nhưng không thoát khỏi gánh nặng mưu sinh đến ngộp thở thì những tác phẩm sau này cho ta thấy cả hy vọng và ánh sáng cùng đồng hành song song với tối tăm và đau khổ. Đôi mắt là một tác phẩm tiêu biểu.
– Goodreads
Không chỉ thế, truyện ngắn còn cho người đọc những cảm nhận mới mẻ và mang đậm tính hiện thực về tinh thần đấu tranh của đồng bào ta, tuy sống trong cảnh khốn cùng nhưng vẫn hăng hái đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời qua Đôi mắt, độc giả cũng sẽ có cho mình cái nhìn chiêm nghiệm và thấu cảm hơn trước những vấn đề trong xã hội.
Tác phẩm không chỉ là tuyên ngôn nghệ thuật đầy tinh tế mà còn góp phần khẳng định vị trí vững chắc của Nam Cao trên văn đàn Việt Nam dù có đứng trước bao nhiêu biến động của dòng chảy thời cuộc.
Thiên Nhi
Thiên Nhi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất