Là một nhà văn theo đuổi chủ nghĩa nhân đạo, tác phẩm của Nam Cao luôn xoay quanh những số phận bế tắc và hẩm hiu trong xã hội nước ta ngày trước, nổi bật nhất trong số đó là Mua nhà.
Truyện ngắn đã cho thấy nỗi đau của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám, chính vì vậy Mua nhà đã góp phần khẳng định quan niệm sáng tác của nhà Nam Cao và gửi gắm đến độc giả nhiều thông điệp ý nghĩa.
Nam Cao và quan niệm sống đã rồi hãy viết
Là cây bút hiện thực xuất sắc của văn đàn Việt Nam, trang viết của Nam Cao bao giờ cũng gắn liền với cuộc sống để từ đó khắc họa được những nhân vật vô cùng chân thực, gửi đến cho bạn đọc nhiều giá trị sâu sắc.
Nhà văn sáng tác trong giai đoạn nước ta chịu nhiều đau khổ, chính vì vậy mà từng câu chữ trong tác phẩm của Nam Cao là những số phận bất hạnh như Chí Phèo bị tha hóa đến bước đường cùng, Hộ trong Đời thừa phải đối mặt với bi kịch đời mình hay Lão Hạc phải chết để bảo toàn nhân phẩm.
Tác giả là người trung thành theo đuổi quan niệm sáng tác mà mình đặt ra là sống đã rồi hãy viết, Nam Cao hòa bản thân vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân để khắc họa những diễn biến tâm lý nhân vật tinh tế và sắc sảo.
Trong những năm đói nghèo và khốn khổ ấy, con người ai cũng lo cho miếng ăn của mình trước nên chẳng mấy khi quan tâm đến người khác. Xã hội u tối ngày đó được lắng đọng trên trang viết sâu sắc của Nam Cao, giúp bạn đọc nhận ra nhiều điều trong cuộc sống và nổi bật trong số đó là tác phẩm Mua nhà.
Truyện ngắn này không chỉ nói về ước mơ có mái nhà vững chắc của người dân sau cơn bão mà đó còn là câu chuyện về tình người và hiện thực bế tắc của nước ta ngày trước.
Mua nhà là bức tranh về cuộc sống thiếu thốn nhưng giàu tình thương con người
Nhân vật chính trong truyện là một người nông dân nghèo khổ, anh cảm thấy hối hận khi đưa những người bạn của mình về nhà để họ chứng khiến một khung cảnh bừa bộn và túng thiếu.
“Nền nhà bằng đất nên âm ẩm dưới chân. Một mùi mốc khăng khẳng làm các anh nhăn mũi. Đứa con lớn của tôi, đau bụng thổ từ đêm, nằm trên cái võng nhuộm màu nâu căng từ đầu nhà nọ đến đầu nhà kia, chắn cả lối đi. Nó mặc một cái quần, một cái áo bằng thứ vải mà con sen nhà các anh cũng không thèm mặc. Dưới nó là một vũng bùn to tướng.”
– Mua nhà
Anh cảm thấy tự ti khi nhớ lại cảm giác khi đến nhà những người bạn, đó là nơi ở tiện nghi và đầy đủ, do đó mà anh cho rằng mọi người sẽ tránh né mình. Vậy mà anh Kim, một người bạn bình thường lại không ngần ngại nắm tay hỏi thăm con anh và hơn cả thấu hiểu hoàn cảnh của anh.
Nước ta trước Cách mạng tháng Tám có sự phân hóa rõ ràng giữa các tầng lớp, những người giàu có thường hay bóc lột sức lao động của người ở và luôn khinh thường kẻ nghèo khổ. Khi đến với tác phẩm Mua nhà, giữa hai tầng lớp đối lập nhau ấy lại bên nhau và có sự đồng cảm sâu sắc.
“Và khi anh lại gần con tôi, cúi xuống để hỏi han, thì chỉ thiếu một chút nữa là khóc. Không, anh Kim ạ… Anh tốt lắm. Tay anh nắm lấy tay con tôi không một chút rụt rè. Anh đã khen: cháu trông ngoan. Anh đã hỏi bằng những câu rất dịu dàng. Lòng trắc ẩn đối với một người bạn khổ đã giúp anh có những cử chỉ rất tự nhiên.”
Tác phẩm không có cốt truyện đầy đủ nhưng với ngòi bút tự nhiên và tinh tế của Nam Cao, Mua nhà đã tái hiện rõ ràng khung cảnh thiếu thốn của nước ta ngày trước và ở đó còn có câu chuyện đẹp về tình người.
Đau đớn thay những kiếp sống muốn cất cánh bay cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất
Nhân vật chính trong truyện là người nông dân lam lũ quanh năm, anh khao khát có một mái nhà đầy đủ và thoải mái hơn nhưng giá cả ngày càng tăng lên khiến anh càng ngày càng khó thực hiện ước mơ của mình.
Ở trong bối cảnh ấy, vay tiền như liều mạng vì địa chủ luôn ra sức bóc lột tàn bạo, sinh lãi quá nhiều khiến người nghèo khổ lại càng bế tắc hơn, đẩy cuộc sống của người nông dân ngày ấy vào con đường nợ nần và lầm than.
“Tôi còn phải khổ với tôi lâu lắm. Bởi biết đến bao giờ tôi mới có thể làm một cái nhà khác, rộng rãi và sạch sẽ hơn một chút! Tôi làm việc ghê gớm lắm. Tôi giết dần tôi đi để kiếm tiền. Nhưng sức người ta chỉ có chừng. Mà giá tre gỗ bây giờ thì tăng lên vô hạn. Nó tăng từ tháng này qua tháng khác. Cái đích của tôi thành cứ lùi xa mãi.
Tôi dự định độ hai trăm đã không đủ nữa. Phải ba trăm là ít. Vay nợ lại thì tôi không dám. Đời tôi, đã nhiều phen vay nợ lãi… Ngay bây giờ, tháng tháng lãi nợ cũng còn ngốn mất quá nửa số tiền tôi kiếm được. Nợ nó đẻ ra mau chóng lắm. Vay liều thì chết.”
– Mua nhà
Không bao lâu sau thì một trận bão ập đến, anh và vợ mình phải vượt qua mưa gió, vượt qua cái rét lạnh của cơn giông để đưa con đến chỗ ông bà ngoại trú tạm.
Khi hết bão rồi, hai vợ chồng về lại nhà cũ và nhìn thấy một đống đổ nát, căn nhà vốn liêu xiêu nay đã ngã xuống, một cơn giông đã cuốn đi nơi ở của gia đình anh.
“Cái nhà bị ụp rồi. Nó nằm ụp xuống, như một người già khuỵu gối. Khó lòng mà còn bắt nó đứng lên được nữa. Sức nhà tre, mấy nả? Cái này đã lão. Nó đã qua tay ba chủ. Tôi là bốn. Chỉ có gió to, nó đã có quyền đổ lắm huống hồ gặp bão. Nó trung thành với tôi được đến bây giờ, kể cũng đã là tận tâm tận lực.”
Không còn ngôi nhà, vợ chồng anh vô cùng buồn bã, anh tiếc mồ hôi nước mắt mình đã đổ ra chăm chút cho giàn trầu, bụi mía và bao nhiêu tiền của cứ thế mà bị cơn bão cuốn đi.
Sau đó anh và vợ quyết định mua nhà của một tên cờ bạc với giá ba trăm đồng, hắn vì u mê kiếp đỏ đen mà tan gia bại sản, bán nhà cho anh chỉ vì muốn gỡ gạc lại những gì đã mất.
” – Bao nhiêu thì bác bán?
– Ba trăm, đúng.
Cái giá này hời lắm. Thấy bảo hắn thật thà, tôi ái ngại. Tôi hỏi hắn:
– Bác bán đi làm gì?
– Chẳng làm gì sốt. Tôi trót thua cay quá, chết thì chết, tôi cũng còn phải gỡ. Trường vốn thì dễ gỡ. Tôi bán cái nhà, lấy vài trăm đồng để gỡ vài canh, xem thế nào.”– Mua nhà
Thế là hai vợ chồng anh phải vay mượn khắp nơi, cuối cùng cũng gom đủ tiền để mua nhà. Cuộc giao dịch của họ và tên cờ bạc xong xuôi rất nhanh, anh cùng gia đình mình chuẩn bị sửa lại một chút để tiện dọn sang nhà mới ở.
Sau tất cả những vất vả thì anh cũng có được căn nhà thoải mái và dễ chịu hơn, thế là từ nay anh phải làm ăn chăm chỉ để còn trả nợ. Anh là đại diện cho những người nông dân có chí hướng và trách nhiệm thời đó.
Khi sống trong hoàn cảnh túng quẫn và bế tắc, con người luôn khao khát về một điều gì đó tốt đẹp hơn và căn nhà chính là một ví dụ. Những người nông dân ấy không cần nhà cao cửa rộng mà đơn giản là một nơi vững chắc có thể che chắn mưa bão và thoải mái.
Nhân vật chính trong tác phẩm, khi anh có được căn nhà rồi thì phải gánh nợ nần và làm ăn vất vả để trả dần. Những người nông dân ấy luôn muốn có một cuộc sống đầy đủ và không vướng bận nhưng lại bị cái nợ, cơm áo hằng ngày đeo bám, đẩy mong ước của họ đi thật xa.
Mua nhà là tác phẩm giàu tính nhân đạo
Truyện ngắn không chỉ xây dựng nhân vật Kim để tôn vinh những người biết đồng cảm và thấu hiểu mà còn có một tên cờ bạc túng quẫn đến mức bán nhà, tác phẩm như bức tranh u ám của xã hội nước ta ngày trước.
Ở giai đoạn ấy, bên cạnh những người chọn làm ăn lương thiện thì vẫn có thành phần hư hỏng. Tên bán nhà là một kẻ góa vợ và nuôi hai đứa con một mình, hắn bán tất cả mọi thứ để đổ vào cơn bạc, con của hắn phải lay lắt ăn nhờ ở đậu nhà người khác.
“Hắn cười chua chát:
– Đồ đạc thì có gì mà dọn? Chỉ có một cái giường này. Cứ quăng bố nó ra ngoài kia cho tôi, rồi dỡ đi.
Hắn đứng dậy mà bảo con:
– Chúng mày cũng đứng lên. Sang nhà bác Vi nằm nhờ.
Con chị phải quát, gắt gỏng với em một lúc, hai đứa mới lếch thếch cõng được nhau sang nhà bác Vi. Vẫn một đứa lạu bà lạu bạu, một đứa oằn oại rên la. Thợ trèo lên mái, dỡ gianh quăng xuống. Tôi ngồi ở sân, trông họ.Một lúc sau, chẳng biết đã gửi em cho ai được, đứa con gái lân la gần tôi, xem dỡ nhà. Tôi có dịp trông gần nó. Nó gầy ốm quá. Cổ tay, cổ chân chỉ con con. Mặt chau chau. Quần áo rách lượt thượt. Răng của nó cứ nhe ra một cách thương hại lắm.”
Mua nhà còn thể hiện tình thương những số phận với nhỏ bé như hai đứa con của tên cờ bạc để từ đó giúp độc giả suy ngẫm và trân trọng cuộc sống nhiều hơn.
Tác phẩm khép lại bằng hình ảnh hai đứa trẻ oán hận người mua nhà bởi đơn giản chúng cho rằng đó là người cướp đi mái ấm của gia đình mình.
Khi anh sửa sang nhà cửa cũng cảm thấy dằn vặt vì tiếng kêu nức nở của hai đứa trẻ nhưng anh chẳng biết làm gì cả, anh tuy đau lòng nhưng cuối cùng rồi cũng phải lo cho gia đình mình trước.
“Rồi đây, hối hận sẽ toả một bóng đen vào trong cái nhà mới của tôi, rộng rãi và sạch sẽ hơn cái trước. Những chiều đông lạnh lẽo, một con thạch sùng nấp trên một cái xà ngang, sẽ tặc lưỡi nhắc cho tôi biết: Tôi ác quá! Tôi ác quá!… Nhưng mà thôi anh Kim ạ! Nghĩ ngợi làm gì nữa? Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn hẹp. Người này co thì người kia bị hở. Đâu phải tôi muốn tệ? Nhưng biết làm sao được? Ai bảo đời cứ khắt khe vậy? Giá người ta vẫn có thể nghĩ đến mình mà chẳng thiệt gì đến ai!”
– Mua nhà
Mua nhà đã tái hiện lại bức tranh u ám của nước ta vào những năm trước Cách mạng tháng Tám, tiền bạc không chỉ hành hạ con người về vật chất mà còn dằn vặt đến tinh thần.
Với ngòi bút chân thực và sắc sảo, Nam Cao đã giúp bạn đọc thấm thía nỗi đau của người nông dân ở giai đoạn đất nước đói nghèo và khốn khổ.
Nam Cao cứ thế mà đau đáu cho nhiều mảnh đời bất hạnh, nhà văn đã sống đúng với tâm niệm sáng tác của mình rằng nghệ thuật là tiếng khóc thoát ra từ những kiếp lầm than đau khổ của con người.
Truyện ngắn Mua nhà là một trong những tác phẩm nổi bật của Nam Cao, không chỉ vì nó góp phần khẳng định quan điểm của tác giả mà còn là tiếng khóc nức nở cho những kiếp người cùng khổ, khiến độc giả cảm thấy đau đớn và suy ngẫm để nhận ra nhiều điều trong cuộc sống.
Đó là sự day dứt khi con người phải lựa chọn bản thân mặc cho nó khiến người khác đau khổ.
Thúy Trân
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất