Đời thừa được xem như một đường may tinh tế trên dải lụa của nền văn học nước nhà trong những năm trước Cách mạng Tháng Tám, tác phẩm là một khúc bi ca đẫm lệ về số phận bất hạnh của người tri thức trong xã hội cũ.
Bằng giọng văn sắc sảo mà chua chát, Nam Cao đã khắc họa thành công hình ảnh nhân vật Hộ dù bị nghèo đói dồn ép đến cùng đường nhưng không bao giờ đánh mất đi lương tri và lý tưởng của mình.
Đời thừa và những trang văn đi từ tấm lòng nhân ái của người nghệ sĩ
Nam Cao là một trong những cây bút chủ lực của văn đàn Việt Nam lúc đương thời, giọng văn của ông vừa chua chát, vừa tàn nhẫn nhưng ẩn sâu bên trong là sự ấm nóng của tình thương, đó là điểm nhấn đặc biệt làm nên đời văn vĩ đại của Nam Cao.
Các tác phẩm của ông luôn đánh thẳng vào điểm mềm yếu nhất của người đọc, Nam Cao không né tránh như Thạch Lam, ông phản ánh cuộc sống nhưng không bê nguyên hiện thực vào văn chương mà dùng sự tài hoa của mình để đưa các tác phẩm lên một tầm cao mới.
Trong suốt khoảng thời gian cầm bút, Nam Cao cho ra đời không ít tác phẩm, từ Chí Phèo, Lão Hạc đến Sống mòn, trong đó không thể không nhắc đến Đời thừa, một thiên truyện ngắn có sức lay động lòng người mạnh mẽ.
Tác phẩm là máu chảy từ tấm lòng người nghệ sĩ thấm lên từng trang văn, phác họa nên một cuộc đời vừa chua xót vừa cay nghiệt nhưng vẫn luôn giữ được ánh sáng lương tri ấm áp của nhân vật.
Khúc bi ca của những kiếp người cùng khổ
Nếu như Chí Phèo đem đến cho người đọc cảm giác uất nghẹn của một con người bị đẩy vào bước đường bần cùng hóa thì ở Đời thừa, Nam Cao lại từ những đau đớn của cuộc đời mà xây dựng một nhân vật với tình thương hoàn mỹ.
Đời thừa là câu chuyện xoay quanh cuộc đời của Hộ, một văn sĩ luôn hướng về sự toàn mỹ trong văn chương và cố gắng giữ lấy lý tưởng sống của mình. Bằng cách viết thận trọng, anh kiếm được tiền nhuận bút đủ để bản thân mình sống một cách eo hẹp.
Hình tượng nhân vật Hộ là biểu trưng cho những người tri thức nghèo trong xã hội đương thời, họ đều có ước mơ, hoài bão và lý tưởng nhưng cũng đều vì nghèo đói mà bỏ rơi ước vọng của mình, trở thành con người mà bản thân từng ghét nhất.
Đối với Hộ, bi kịch đầu tiên của anh là sự say mê con chữ, Hộ căm ghét lối văn viết vội không chút kì công, anh không muốn những câu chữ mình viết ra là những “gói mì ăn liền” để người ta đọc xong rồi quên lãng mà muốn đó phải là một tác phẩm khiến độc giả dù đi suốt đời vẫn ghi nhớ.
“Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn.”
-Đời thừa.
Vậy nên bằng sự kỳ công xây dựng con chữ, số tiền mà anh kiếm được chỉ đủ để sống chật vật qua ngày giữa một xã hội mà đồng tiền là chân lý, tuy nhiên bi kịch thứ hai của Hộ lại là tình thương, chính điều này đã làm nên tất cả đau khổ của đời anh.
Hộ cúi xuống nỗi đau của Từ, một người con gái vì tình yêu mà lỡ làng cả đời người, anh cưu mang và ban cho Từ một cuộc đời mới, một tình thương gần như nghĩa hiệp.
Hộ không bị sự nghèo đói của cuộc sống chèn ép mà trở nên ích kỷ độc đoán, từ sâu bên trong tâm hồn anh vẫn luôn đầy ắp ánh sáng lương tri ấm áp, cưu mang Từ và cả đứa con của cô là hành động vĩ đại nhất trong cuộc đời Hộ.
Tuy nhiên, cuộc sống càng về sau lại càng khó khăn, kinh tế của gia đình không đủ chống đỡ cho tất cả miệng ăn nên Hộ phải cho in những bài báo viết vội, vì nỗi lo cơm áo mà anh phải bán rẻ đi lý tưởng của bản thân.
Đời thừa và bi kịch đến từ tình yêu thương
Nghèo đói như một sợi dây thừng dần siết chặt nhân tính của Hộ, anh chán ghét cảnh nhà cơ cực và phiền nhiễu, ghét cả tiếng khóc của những đứa con thơ và người vợ không biết làm gì để kiếm ra tiền, có những lúc Hộ còn muốn vật một phát cho chết hết mấy mẹ con Từ.
Những cơn say dần trở nên nhiều hơn, Hộ không khống chế được hành động của mình sau khi men rượu đã thấm vào lý trí.
Những lúc ấy, Từ luôn yên lặng hứng chịu sự tàn bạo của chồng để rồi sớm mai khi Hộ thoát khỏi cơn say, anh lại luôn tự trách mình khốn nạn vì những lời lẽ và hành động đã tổn thương vợ.
“- Anh… anh… chỉ là… một thằng… khốn nạn!…
– Không!… Anh chỉ là một người khổ sở!… Chính vì em mà anh khổ…”
– Đời thừa.
Mỗi nhân vật của Nam Cao đều mang trong mình một dấu ấn riêng biệt, với Hộ, nhà văn đã đặt anh vào tận cùng của bế tắc mà phản ánh chân thực một xã hội mục nát do đồng tiền làm chủ.
Đồng thời cũng từ những bi kịch được tạo nên, Nam Cao lại nhấn mạnh ánh sáng lương tri và lý tưởng đúng đắn của văn học đối với Hộ cũng như tầng lớp người trí thức nghèo lúc bấy giờ, dù bị đẩy đến cùng đường vẫn không quên sự lương thiện vốn có.
Đời thừa và những giọt nước mắt rơi trong sự khốn cùng
Chi tiết giọt nước mắt của Hộ là hạt bụi vàng của toàn bộ thiên truyện, đây được xem như một điểm nhấn sáng giá làm bật lên tất cả giá trị của Đời thừa, làm cho độc giả cũng phải hòa chung nhịp điệu cảm xúc của nhân vật.
Tiếng khóc của Hộ đã bật ra khi hai bi kịch lớn của đời anh giao nhau cùng một điểm, Hộ không thể từ bỏ tình thương để sống một cuộc đời chân chính, cũng không thể cân bằng được sự yêu thương và cơm áo gạo tiền.
Giữa những mối quan hoài thường trực ấy, người văn sĩ có lương tri đã bật khóc như một đứa trẻ thơ mới lớn trước mặt vợ mình, anh không từ bỏ được cái đẹp trong văn học cũng không thể chối bỏ lương tri, trong một cuộc đời thừa, Hộ gần như rơi vào bế tắc.
“Nước mắt hắn bật ra như nước một quả chanh mà người ta bóp mạnh. Và hắn khóc…Ôi chao! Hắn khóc! Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc”.
Nam Cao không chỉ nhìn thấy bi kịch đói nghèo của tầng lớp tri thức trong xã hội cũ mà bằng đôi mắt nhân văn của mình, ông còn nhìn thấy được cả ánh sáng lương tri trong họ, đó là tình thương, là lý tưởng và hoài bão không bao giờ phai nhạt.
Hộ là một người cùng khổ nhưng anh có tình thương, Hộ đã cúi xuống để cưu mang những mảnh đời bất hạnh hơn mình bởi với anh, kẻ mạnh phải nâng đỡ kẻ yếu hơn trên đôi vai của mình.
“Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình.”
Bằng ngòi bút sắc sảo và tinh tế, Nam Cao đã phô bày dưới ánh sáng văn chương tất cả vẻ đẹp trong tâm hồn của một con người, dù ở Chí Phèo, Hộ, Điền hay Thứ thì ánh sáng ấy vẫn chưa từng thay đổi, nó chỉ bị sự khắc nghiệt của cuộc sống che khuất mà thôi.
Đời thừa được xem như một bức tranh được vẽ nên bằng máu và nước mắt từ tận sâu trong tâm người nghệ sĩ, vừa để tô điểm cho văn chương chân chính vừa để làm nổi bật sức mạnh của tình yêu thương, tác phẩm là áng văn chương đau đớn về cuộc đời cùng khổ của người tri thức và cũng là khúc ru bất hủ của lương tri.
Diệu Uyển
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất