Văn học Nhật Bản đã không còn xa lạ với độc giả bởi những tên tuổi nổi tiếng như Haruki Murakami, Higashino Keigo hay Yoshimoto Banana, trong đó không thể không kể đến Kawabata Yasunari. Nhà văn được coi là viên ngọc quý của nền văn chương xứ Phù Tang với khát khao đi tìm cái đẹp luôn hiện hữu trong từng tác phẩm.
Văn của ông mang đến cho độc giả những cảm thức về sự phù du nơi trần thế cùng nỗi u hoài sâu sắc ẩn dấu trong từng con chữ, khiến ta cứ mãi khắc khoải, bâng khuâng trong hành trình thưởng thức văn chương.
Đôi nét về nhà văn Kawabata Yasunari
Kawabata sinh năm 1899 ở Osaka, ông có một tuổi thơ bất hạnh khi mồ côi từ năm hai tuổi và phải về sống với ông bà ngoại. Khi nhà văn lên bảy, bà ngoại ông qua đời và sau đó hai năm chị của ông cũng mất. Vào năm Kawabata mười bốn tuổi, chỗ dựa duy nhất của nhà văn lúc bấy giờ là ông ngoại cũng đi về cõi vĩnh hằng.
Ông chuyển về Tokyo sống với dì nhưng tuổi thơ ngập tràn sự chia ly và mất mát ấy vẫn khiến nhà văn luôn mang trong mình nỗi u hoài, ám ảnh về cái chết cùng sự phù du nơi trần thế.
Ở tuổi đôi mươi, Kawabata bị khước từ hôn ước với Chiyo, một thiếu nữ mà ông rất mực yêu thương. Từ đó, ông đắm chìm trong sự lạc lõng, đau buồn và rải nỗi cô đơn trên khắp hành trình cuộc đời mình.
Không bao giờ tôi trút được ám ảnh rằng mình là một người lang thang ưu sầu. Luôn luôn mơ mộng tuy rằng chẳng bao giờ chìm đắm hoàn toàn trong mơ, mà vẫn luôn tỉnh thức giữa khi mơ…
– Kawabata Yasunari
Kawabata bắt đầu nghiệp văn bằng việc biên tập cho một tạp chí vào năm 1923 và sau đó một năm, khi tốt nghiệp khoa văn học trường Đại học Tổng hợp Tokyo, ông cùng một số nhà văn khác là Yokomitsu Riichi, Kataoka Tetsubei, Nakagawa Yoichi sáng lập Văn phái Tân cảm giác cùng tờ Văn nghệ thời đại với mong muốn mang lại làn gió mới cho văn đàn Nhật Bản.
Trong thời gian này, bị hấp dẫn bởi làn sóng phương Tây hóa thứ hai tại Nhật Bản nên lý thuyết thẩm mỹ và nhiều sáng tác của Kawabata Yasunari chịu ảnh hưởng lớn từ nền học thuật châu Âu đương thời. Tuy nhiên sau đó ông càng quan tâm đến truyền thống dân tộc nhiều hơn, đặc biệt là sự tiếp nhận tinh hoa mỹ học Thiền đạo để xây dựng quan điểm nghệ thuật của riêng mình.
Tôi đã tiếp nhận nồng nhiệt văn chương Tây phương hiện đại và tôi cũng đã thử bắt chước nó, nhưng chủ yếu tôi là một người Đông phương và suốt mười lăm năm qua tôi chưa từng đánh mất phong cách ấy của mình.
– Kawabata Yasunari
Do vậy, có thể nói phong cách Kawabata Yasunari là sự tổng hòa những giá trị Đông – Tây, là mối tương giao giữa nét truyền thống và hiện đại mà vẫn mang đậm dấu ấn sáng tạo của riêng ông.
Kawabata trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất của Nhật Bản khi ông đạt giải Nobel vào năm 1968, là người châu Á thứ ba đạt được giải thưởng cao quý này và Viện Hàn lâm Thụy Điển đã không ngớt lời ca ngợi ông.
Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người
– Anders Österling
Thế nhưng, dẫu cho luôn tôn thờ và tìm kiếm cái đẹp, Kawabata vẫn bị ám ảnh bởi sự phù du nơi trần thế để rồi vào năm 1972, nhà văn quyên sinh bằng khí gas trong giấc ngủ.
Cuộc đời bất hạnh, đầy bi thương ấy chính là lí do khiến những dòng văn của Kawabata luôn ngập tràn nỗi trăn trở và rất mực cô liêu. Đi tìm cái đẹp trong văn của ông cũng là hành trình đi vào nỗi sầu vạn kỷ, là cuộc tìm kiếm sự phù du và vẻ đẹp u hoài.
Vẻ đẹp trong cảm thức về sự sầu bi của Kawabata Yasunari
Từ cuộc sống cá nhân tràn ngập những bi kịch của mình, Kawabata luôn phản ánh cái đẹp trong mối tương quan giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tinh khiết và cái dung tục, giữa sự chân thành và giả dối, giữa vẻ phù phiếm bề ngoài và chiều sâu của nội tâm.
Bên cạnh đó là nỗi đau tinh thần của thế hệ nhà văn trẻ khi văn minh phương Tây xói mòn văn hóa dân tộc một cách dữ dội cùng sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, điều ấy khiến Kawabata tin rằng mình có sứ mệnh duy trì vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản và ông tuyên bố chỉ còn khả năng viết về nỗi buồn mà thôi.
Những tác phẩm nổi tiếng của Kawabata như Những người đẹp say ngủ, Xứ tuyết hay Đẹp và buồn đã bộc lộ sâu sắc triết lí này của nhà văn. Trong tiểu thuyết của ông, cái đẹp luôn gắn kết với nỗi buồn, một vẻ đẹp mong manh và yếu đuối không bao giờ thoát khỏi sự hữu hạn của trần thế.
Người lữ khách đầy ưu sầu ấy lang thang trên hành trình khám phá mỹ học để rồi nhận ra sự chia ly và nỗi buồn không thể tách khỏi phạm trù của cái đẹp. Kawabata quan niệm rằng, những điều đẹp đẽ nhất đều mang trong mình dự cảm về sự phiền muộn, tàn phai và chính điều ấy khiến cho con người ta càng thêm canh cánh, tiếc thương.
Cũng bởi sự mơ hồ nơi trần thế ấy, Kawabata lại càng chắt chiu hơn cái đẹp mà thế gian ban tặng và nhà văn không ngần ngại gửi gắm vẻ đẹp vào từng hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm của mình.
Trong tiểu thuyết Xứ tuyết, độc giả hẳn sẽ không thể quên hình ảnh dải ngân hà lung linh mà u huyền trở đi trở lại trong những dòng văn, như một dự cảm về sự mất mát, chia ly đồng thời cũng là biểu tượng gắn liền với cái đẹp đầy ảo mộng của cô gái có tên Yoko.
Dải ngân hà cũng chẳng khác gì vùng cực quang tỏa rộng, gây cảm giác như tràn qua và thấm đẫm khắp người Shimamura, rồi đứng sững nơi tận cùng trái đất. Đó là một nỗi cô tịch lạnh giá và lặng phắc, nhưng cũng lại là nỗi sửng sốt có nét kiều mị mơ hồ.
– Xứ tuyết
Ở tác phẩm, Kawabata chẳng hề gọi tên nỗi buồn nhưng chính nhà văn đã đan sầu bi vào từng chi tiết, gắn vẻ mỹ lệ vào những cảm thức về sự mong manh và phù du nơi trần thế.
Từ dải ngân hà mênh mông đến cảnh sắc thiên nhiên Nhật Bản, từ vẻ đẹp nồng nàn, đắm say của nàng geisha đến sự tinh khiết trong ánh mắt người thiếu nữ, tất cả đều trở nên thật não nùng, u uẩn qua ngòi bút của nhà văn.
Đúng lúc ấy lửa lóe lên giữa gương mặt cô gái. Hình ảnh trong kính không đậm đến mức che khuất được ánh lửa ngoài cửa sổ. Nhưng lửa cũng không vùi lấp được hình ảnh. Lửa cứ thế trôi ngang trên mặt cô. Nhưng không đủ để thắp sáng khuôn mặt. Chỉ là thứ ánh sáng lạnh lẽo xa xôi. Khi nó lóe sáng quanh đồng tử nhỏ bé, tức là vào khoảnh khắc mắt lồng ánh lửa, mắt người con gái biến thành đốm lân tinh đẹp ma mị bồng bềnh giữa điệp trùng bóng tối.
– Xứ tuyết
Một khúc nhạc trầm ngâm được cất lên dưới đôi bàn tay của người nghệ sĩ tài hoa khiến độc giả nhận ra, cái đẹp sẽ lụi tàn như quy luật tất yếu của cuộc sống, không chỉ để tiếc nuối mà còn giúp con người biết trân trọng hơn những cảm xúc nơi tâm hồn.
Những quan điểm đầy tính mỹ học ấy của Kawabata không hề tách rời những lý luận thẩm mỹ của nghệ thuật Nhật Bản, điều ấy chứng tỏ một khát khao nồng cháy của nhà văn trong hành trình đi về với bản sắc dân tộc.
Trong mỹ học tuyền thống Nhật Bản, nỗi buồn, nỗi u sầu, nỗi buồn cô đơn không tách khỏi khái niệm vẻ đẹp, bởi vì vẻ đẹp sẽ không đầy đủ nếu thiếu nỗi buồn.
– E.M.D. Jakonova
Bên cạnh đó, tình yêu cũng được nhà văn khắc họa trong nhiều tác phẩm như một biểu tượng không khó nhận ra của cái đẹp, với tất cả những cung bậc cảm xúc dịu dàng, mong manh nhất. Những mối tình trong tiểu thuyết của Kawabata đầy trớ trêu và ngang trái nhưng lại là minh chứng rõ nét nhất cho niềm khao khát yêu và được yêu.
Truyện ông viết là mối tình bi kịch của cô gái nhỏ với người đàn ông trẻ đã có vợ con, không đặt vấn đề đạo lý hay không đạo lý, chỉ một mực đề cao cái đẹp mà thôi.
– Đẹp và buồn
Những cảm xúc rung động ngọt ngào ấy là chất xúc tác tuyệt hảo cho mỹ cảm, để vẻ đẹp và nỗi u hoài lan tỏa thật nhẹ nhàng, không sa đà vào sự bi lụy, đau thương.
Tận cùng nỗi cô đơn trong tiểu thuyết của Kawabata
Cảm thức về nỗi cô đơn của Kawabata là tấm gương phản ánh cuộc đời cô độc và nhiều bi thương của nhà văn. Ông đã cần mẫn chắt chiu những ưu tư sầu muộn của chính bản thân để cho ra đời những tuyệt tác văn học không chỉ ở Nhật Bản mà còn được cả thế giới trầm trồ khen ngợi.
Kawabata Yasunari viết Những người đẹp say ngủ kể về ông già Eguchi tìm đến một chốn lầu xanh đặc biệt, nơi các trinh nữ bị chuốc thuốc mê cho ngủ say để nằm bên cạnh khách.
Tại đó, ông lão ngoài sáu mươi tuổi tận hưởng niềm hoan lạc đầy kì dị bên những cô gái trẻ đang say giấc nồng, đồng thời dấn thân vào một hành trình đi về dĩ vãng ngập tràn nỗi cô đơn và sầu muộn.
Một nỗi cô đơn buồn bã trào lên. Nhưng hơn cả nỗi cô đơn hay nỗi buồn rầu, chính là nỗi cô chiếc tuyệt vọng của tuổi già như thể đông lạnh hẳn trong ông.
– Những người đẹp say ngủ
Gabrial García Márquez là nhà văn Columbia, người từng đoạt giải Nobel văn học vào năm 1992, cũng rất thích Những người đẹp say ngủ. Ông cho rằng cuốn tiểu thuyết là một trong những kiệt tác của nền văn học hiện đại, nâng tầm Kawabata Yasunari trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nền văn học thế giới.
Con người trong tiểu thuyết của Kawabata hầu như luôn lạc lõng, cô độc trên hành trình cuộc đời mình. Tựa như một con thuyền không tìm thấy bến bờ, nhà văn dẫn dắt người đọc vào miền xúc cảm đầy cô liêu, hiu quạnh.
Các nhân vật của Kawabata thường tìm cách chối bỏ thực tại, tách mình khỏi thế giới bên ngoài đầy rẫy bất mãn để đắm chìm vào những u uẩn, ưu tư. Trong bức tường vô hình các nhân vật tự dựng nên, họ chơi vơi trong cô đơn nhưng đồng thời lại tìm được sự an ủi, vỗ về từ chính tâm hồn mình, như cách ông lão Eguchi say sưa đi về những ngày dĩ vãng khi ở bên những cô gái trẻ say ngủ.
Một cô gái không thể tỉnh giấc chính là sự cám dỗ, cuộc thám hiểm và niềm hoan lạc mà các ông già là “những vị khách không đáng ngại” có thể cảm thấy yên tâm. Ông già Kiga nói với Eguchi rằng, chỉ khi nào ở bên cô gái bị làm cho say ngủ, ông mới cảm thấy mình tràn đầy nhựa sống.
– Những người đẹp say ngủ
Có thể nói, sự ý thức về nỗi cô đơn là một trong những cảm hứng xuyên suốt trong toàn bộ các sáng tác của Kawabata. Chính cuộc sống cá nhân nhiều bi kịch và sự biến thiên của thời đại đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy nghệ thuật của Kawabata, khiến cho những tác phẩm của ông luôn chìm trong vẻ cô độc đến nao lòng.
Cảnh sắc xứ Phù Tang qua ngòi bút của Kawabata
Kawabata có năng khiếu về hội họa từ nhỏ, vậy nên trong những tác phẩm của nhà văn, độc giả luôn thấy những bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ được phô bày dưới ngòi bút sắc sảo. Thiên nhiên trong văn của Kawabata vừa là sự bộc bạch không ngần ngại của cái đẹp vừa đóng vai trò quan trọng trong việc khắc họa tâm lí nhân vật.
Người nghệ sĩ tài hoa vô cùng nhạy cảm trước từng bước chuyển mình của thiên nhiên, từ những cánh anh đào nở rộ vào mùa xuân, cánh rừng xanh thẳm vào ngày hạ đến sắc đỏ thắm của lá cây mùa thu cùng những ngọn đồi tuyết phủ mùa đông. Vẻ đẹp của xứ sở qua ngòi bút của Kawabata hiện lên đầy tinh vi, sống động, xuất hiện đan xen vào cảm thức của nhân vật.
Khoảng trời trên núi xa còn phơn phớt màu của ráng chiều nên nhìn qua cửa sổ, đường nét phong cảnh đằng xa vẫn khá rõ, chỉ là màu sắc đã phai tàn. Núi non hình dáng tầm thường, nối nhau triền miên thành thử càng tầm thường hơn, chẳng có gì nổi bật để thu hút ánh nhìn, nhưng lại tạo nên một dòng cảm xúc mơ hồ mênh mang.
– Xứ tuyết
Vẻ đẹp của đất nước Nhật Bản trong văn của Kawabata Yasunari còn là cố đô với phong cảnh xen lẫn tình người đầy ý nhị, làm khơi gợi lên trong lòng nhà văn những hoài niệm về một chốn linh thiêng an ủi tâm hồn người nghệ sĩ.
Thật vậy, cây anh đào đẹp lạ thường. Nó đứng đó, buông cành chẳng khác nào một cây liễu rủ. Chieko bước vào dưới tán che của nó, và một cơn gió nhẹ làm rớt xuống vai nàng, xuống bên chân nàng mấy cánh hoa. Những bông hoa rụng phủ đầy mặt đất phía dưới cây anh đào, bảy tám bông gì đó dập dờn trên mặt nước. Có sào trúc chống đỡ cành, vậy mà những đầu cành thanh mảnh, kết đầy hoa, vẫn rủ sát đất.
– Cố đô
Những xúc cảm nghệ thuật dồi dào ấy được Kawabata lấy cảm hứng từ nền mỹ học Nhật Bản, với những triết lí nghệ thuật đầy sâu sắc của một trong những nền văn chương lâu đời và giàu có nhất trên thế giới.
Đó là một nền nghệ thuật tôn vinh cái đẹp của sự mong manh, bi thương tiềm ẩn trong nét kiêu sa diễm lệ, một nền văn chương đề cao giá trị và vẻ đẹp con người dám vươn lên khỏi những thành kiến đời thường.
Vượt lên những làn sóng của thời đại với lối viết Tây hóa, Kawabata đi tìm tuyên ngôn văn học của riêng mình bằng cách quay lại với nền văn hóa tinh hoa dân tộc. Ước vọng đi tìm cái đẹp trong quá khứ còn là niềm khao khát quay về với linh hồn truyền thống của Nhật Bản và nỗi cô đơn nơi ngòi bút nhà văn cũng khởi nguồn từ cái ngoảnh mặt nhìn về dĩ vãng.
Ông vừa là người khám phá, tiên phong cho những quan điểm mỹ học nước nhà vừa là người tôn thờ, trân trọng những giá trị truyền thống của quê hương.
Bởi vậy Kawabata Yasunari trên hành trình dệt nên những mĩ cảm của mình đã để lại cho nền nghệ thuật thế giới không ít những tác phẩm xuất sắc, để độc giả không dưới một lần ngỡ ngàng trước tư duy nghệ thuật đầy sắc sảo của một phong cách văn chương được sinh ra từ chính cái đẹp Nhật Bản.
Tuệ Anh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất