Vỡ đê được đăng tải trên mặt báo vào năm 1936 và là một trong bốn thiên tiểu thuyết đặc sắc của nhà văn đất Bắc Vũ Trọng Phụng. Với ngòi bút tả chân điêu luyện và giọng điệu trào phúng quen thuộc, nhà văn đã thành công tái hiện chi tiết cả một giai đoạn bát nháo của xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám qua từng trang sách.

Vài nét khái quát về nhà văn Vũ Trọng Phụng

Vũ Trọng Phụng quê ở làng Hảo, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nhưng Hà Nội mới là nơi nhà văn trải qua những ngày tháng tuổi thơ và mảnh đất này đã chứng kiến cả một đời hoạt động nghệ thuật sôi nổi đến tận phút cuối cùng của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Ảnh minh họa cho nhà văn Vũ Trọng Phụng
Chân dung nhà văn Vũ Trọng Phụng

Tuy nghèo túng, bệnh tật và có cuộc đời ngắn ngủi nhưng ông luôn vượt lên hoàn cảnh và thể hiện sức sáng tạo dồi dào. Nhà văn để lại số lượng tác phẩm vô cùng đồ sộ với nhiều tập phóng sự, thiên truyện ngắn và áng tiểu thuyết phản ánh sâu sắc bộ mặt xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời.

Vũ Trọng Phụng là một trong những đại biểu xuất sắc nhất của trào lưu văn học hiện thực giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1945 và là một cây bút đầy tài năng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của văn xuôi quốc ngữ Việt Nam.

Ông vua phóng sự Bắc Kỳ

Dù xuất thân nghèo khó và chỉ học hết bậc tiểu học ở trường Hàng Vôi nhưng ông may mắn là lứa thanh niên Việt Nam đầu tiên được giáo dục bằng Tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ.

Điều này đã giúp Vũ Trọng Phụng có khả năng nắm bắt những sự kiện chính trị nóng hổi ở giai đoạn đầy biến động của đất nước, mang đến cho chàng thanh niên thủ đô khi ấy cái nhìn sắc sảo về thời cuộc và mở rộng con đường đến với văn chương của ông.

Ảnh chân dung nhà văn Vũ Trọng Phụng
Ảnh phác họa nhà văn Vũ Trọng Phụng

Sau khi tốt nghiệp tiểu học, Vũ Trọng Phụng từng làm nhiều nghề từ thư ký đến phụ trách in ấn tại các công ty tư nhân nhưng công việc của ông luôn không được suôn sẻ do nhà văn quá ham mê viết báo trong giờ làm.

Cuối cùng, sau khi nhận ra sở trường của mình, Vũ Trọng Phụng chính thức chuyển sang làm báo và viết văn chuyên nghiệp. Ông tô đậm dấu ấn của mình với tư cách một nhà báo thông qua nhiều bài phóng sự nổi tiếng, bắt đầu với Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây tiếp đến là Lục sì và Cơm thầy cơm cô.

Tuyển tập các bài phóng sự của ông vua phóng sự đất Bắc
Các bài phóng sự xuất sắc của Vũ Trọng Phụng được tập hợp lại và xuất bản

Vũ Trọng Phụng đã từng bước dùng ngòi bút sắc sảo của mình để khuấy động dư luận và vạch trần nhiều góc khuất của xã hội đương thời. Đó là lý do vì sao mà nhà báo họ Vũ được mệnh danh là “ông vua phóng sự của đất Bắc”.

Tài năng văn chương đa dạng

Bên cạnh việc viết báo, người đời còn nhớ đến Vũ Trọng Phụng trong tư cách một nhà văn hiện thực với giọng điệu trào phúng sâu cay.

Từ năm 1930 đến năm 1934, ông miệt mài sáng tác để cho ra đời những thiên truyện ngắn và những áng tiểu thuyết nhưng vẫn chưa tạo nên được nhiều sự chú ý trên văn đàn. Mãi đến năm 1936, bạn đọc mới thực sự chứng kiến sự thăng hoa ngòi bút trong sự nghiệp viết lách của nhà văn.

Các sáng tác của nhà văn Vũ Trọng Phụng
Vũ Trọng Phụng sở hữu một tài năng văn chương đa dạng với số lượng tác phẩm đồ sộ

Đây là thời gian ông lần lượt đăng tải cả bốn cuốn tiểu thuyết tiêu biểu nhất cho phong cách sáng tác của mình lên mặt báo, bao gồm Giông tố, Số đỏ, Vỡ đêLàm Đĩ, trong đó Số đỏ là tác phẩm xuất sắc và kinh điển hơn cả.

Tưởng vậy mà không phải vậy

Ta thấy sự êm ả trong giọng văn của Thạch Lam bắt nguồn từ chính con người trầm tĩnh, ít nói và lương thiện của ông hay những vần thơ rạo rực lạ thường được chấp bút bởi Xuân Diệu cũng sinh ra từ sự sôi nổi từ trong cốt tủy của nhà thơ.

Duy chỉ có Vũ Trọng Phụng là dễ bị hiểu lầm vì nhà văn ở đời thực có đôi chút khác biệt so với những gì ông thể hiện trên trang giấy.

Dù sở hữu ngòi bút sắc sảo và một giọng cười trào phúng sâu cay nhưng trong cuộc sống Vũ Trọng Phụng lại là một chàng thanh niên giản dị, hiền lành, chăm chỉ với nghiệp viết lách, chẳng ăn chơi, nghiện ngập hay dính dáng đến chuyện trai gái.

Vũ Trọng Phụng và các nhà văn khác
Vũ Trọng Phụng là một trong những tên tuổi nổi bật của giai đoạn văn học từ năm 1930 đến năm 1945

Sinh thời, gia cảnh của nhà văn chẳng được khấm khá, thể nên văn chương với ông vừa là niềm đam mê vừa là kế sinh nhai.

Ông miệt mài sáng tác cả đời mình để vạch trần cho bằng hết những ung nhọt của xã hội thực dân nửa phong kiến lố lăng, kệch cỡm đương thời và cũng để nuôi sống cả gia đình gồm vợ, con gái và mẹ già.

Những năm tháng lao lực ấy đã dần mài mòn sức khỏe của nhà văn và đến ngày mười ba tháng mười năm 1939, Vũ Trọng Phụng qua đời vì bệnh lao phổi.

Vỡ đê bao quát toàn cảnh xã hội Việt Nam giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1945

Vỡ Đê xoay quanh chuyện đời của Phú, một trí thức nghèo phải bỏ học ngang vì hoàn cảnh của gia đình. Nhà cậu có năm người, gồm ông bà Cử là phụ mẫu của Phú, anh trai Minh, chị gái Tuất và Phú.

Ảnh minh họa cho bìa ngoài Vỡ đê
Bìa ngoài tiểu thuyết Vỡ đê

Cả bố và anh cả đều là những người làm cách mạng bị chính quyền Pháp đày đi Côn Đảo và để lại gia đình tan hoang chỉ còn bà cụ Cử già yếu, chị gái Tuất góa chồng phải một mình nuôi con và Phú thì đang lâm vào cảnh thất nghiệp.

Sống trong những ngày tháng đất nước trải qua nhiều biến động khi thực dân Pháp đã hoàn thiện bộ máy cai trị mà Đảng Cộng Sản chỉ mới bước vào giai đoạn đầu hoạt động, Phú đã giữ một niềm lạc quan thơ ngây vào Chính phủ Bình Dân Pháp mới lên nắm quyền sẽ giúp cho đời sống người dân đỡ khổ.

Ảnh minh họa cho bìa sau tiểu thuyết Vỡ đê
Bìa sau tiểu thuyết Vỡ đê

Thế nhưng sau khi trải qua hàng loạt biến cố từ việc bị bắt phu đi đắp đê đến chuyện bị vu khống, từ dịp chứng kiến cảnh vỡ đê và hạn hán kéo dài ở quê nhà đến lúc nhìn thấy những lạc thú đồi bại chốn thủ đô, Phú mới dần nhận ra tình trạng hiện tại của xã hội thực dân nửa phong kiến và bộ mặt thật của chính quyền Pháp cùng bọn tham quan làm tay sai cho chúng.

Từ đó, anh đã trưởng thành hơn trong suy nghĩ cũng như nghiêm túc quan tâm đến những gì đang thực sự diễn ra trên đất nước cùng những con người đang ngày ngày thầm lặng đấu tranh cho lý tưởng và con đường cách mạng.

Vỡ Đê là bức tranh hiện thực khắc họa chi tiết đến từng khuôn mặt người

Nếu như Số đỏ lấy bối cảnh chủ yếu ở Hà thành với chủ tâm vạch trần cho bằng hết những thói hư tật xấu của tầng lớp tiểu tư sản đương thời dưới cái lốp “Âu hóa” sáo rỗng và tinh thần vui vẻ, trẻ trung rất vô trách nhiệm thì các sự kiện trong tiểu thuyết Vỡ đê diễn ra trên cả vùng huyện nghèo và đất thủ đô.

Một bìa sách khác của Vỡ đê
Một phiên bản khác của bìa sách Vỡ đê

Lựa chọn góc nhìn rộng như thế, Vũ Trọng Phụng đã bao quát quang cảnh bát nháo của xã hội Việt Nam đương thời, từ bộ mặt tàn ác, vô đạo của bọn thống trị, sự sa đọa của tầng lớp trưởng giả đến không khí đấu tranh chính trị sôi nổi của những nhà hoạt động cách mạng và nỗi thống khổ cùng cực của nhân dân.

Tất cả các sự kiện và cảnh đời đều hiện lên vô cùng sống động trên trang văn của Vũ Trọng Phụng và mang đến cho bạn đọc một bức tranh hiện thực được khắc họa chi tiết đến nỗi ấn tượng khó phai nhòa. 

Vạch trần bộ mặt tàn ác của thực dân và quan lại tay sai

Qua các nhân vật ông quan huyện, tổng đốc, công sứ và lý trưởng không được gọi tên cụ thể trong Vỡ đê, ta được dịp nhìn thẳng vào tầng lớp thống trị tàn bạo.

Chúng là bọn người tham lam sẵn sàng quay lưng lại với quốc gia dân tộc để cúi người phụng sự chính quyền thực dân bằng cách hạch sách, đàn áp và bòn rút tiền của cùng sức lực của những người nông dân nghèo khổ.

Từng trang văn của Vũ Trọng Phụng lần lượt chế giễu và cười nhạo hết thảy cái thói ích kỷ, hèn kém đồng thời phơi bày các tệ nạn từ hối lộ, tham nhũng đến thâu tóm báo chí, bóp méo sự thật trong giới quan lại lúc bấy giờ.

“Nhà báo xếp dọn giấy má bỏ túi, uống nước, hút thuốc, chào ông huyện, rồi cáo lui. Thế là Dung lần đầu trong đời nàng, đã được biết rõ những cái ẩn tình của một vụ bắt bớ, và cái vô lương tâm của một nhà báo.”

– Vỡ đê

Chính những hành vi đồi bại ấy đã làm hằn sâu thêm những bất công xã hội và khiến các mâu thuẫn giai cấp ngày càng gay gắt.

Từ thiên tiểu thuyết Vỡ đê, ta có thể thấy rõ sự đối lập giữa cảnh sống lầm than của nhân dân trước cảnh đê vỡ với những bữa tiếp đón thừa mứa thức ăn, thuốc phiện trong nhà của các quan lớn và sự trái nghịch giữa những lo toan về miếng cơm manh áo với những tính toán trục lợi từ cảnh thiên tai.

Thực dân Pháp đã vô cùng khôn khéo khi lợi dụng lòng tham của tầng lớp quan lại, cường hào và địa chủ này để biến chúng thành những cánh tay đắc lực cho công cuộc khai thác thuộc địa của mình.

Vỡ đê là tấm gương phản ánh nỗi thống khổ của nhân dân

Chịu cảnh lụt lội, đê vỡ, hạn hán kéo dài và cả sưu thuế lúc nào cũng bị thúc đòi, nhân dân lao động và nông dân chính là nạn nhân đau khổ nhất của xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bây giờ.

​​”Nghe lời nói có lý, cái bọn bốn năm chục người đương lôi thôi lốc thốc cắm đầu cắm cổ bước đi một cách buồn rầu như một đàn cừu ấy, bỗng bảo nhau đứng dừng cả lại. Cái đói, cái khát, cái nhọc mệt, những nỗi đau đớn về sản nghiệp bị cuốn theo làn nước, cái lo sợ về tương lai chỉ để dành cho những ngày đói khát tối tăm, đã làm cho ngần ấy người chẳng nói chẳng rằng, chẳng một lời than vãn, chỉ tụm nhau hoặc nằm hoặc ngồi hai bên vệ đê, trên cỏ ướt, một cách im lặng gan góc, tựa hồ ai cũng là một triết nhân can đảm mà chịu số phận, người này hoặc là đau đớn không nói được nữa, kẻ kia có lẽ không nói gì cả để mà đau đớn, thế thôi !”

– Vỡ đê

Họ vất vả làm lụng cả đời chỉ mong đổi lấy những ngày tháng bình yên với cơm canh đạm bạc ấy vậy mà bỗng dưng bao nhiêu hậu quả thảm khốc từ sự tắc trách của quan trên lại lần lượt đổ hết lên vai những người nông dân tội nghiệp.

Họ khổ mà chẳng biết vì sao mình khổ, họ muốn tranh đấu để cuộc đời dễ thở hơn nhưng lại ngậm ngùi biết rằng điều đó cũng chỉ dẫn đến nhiều trận đòn roi hơn và nhiều chính sách hà khắc hơn bao giờ hết.

Vỡ đê mang đến một góc nhìn về những buổi đầu hoạt động của phong trào cách mạng

Nếu như ở huyện nghèo không khí đấu tranh chính trị còn phần nào ảm đạm, hai từ “cách mạng” có phần mờ nhạt thì từ ngày Phú lên thủ đô làm nghề gõ đầu trẻ, anh đã được chứng kiến những hoạt động sôi nổi của phong trào Cách mạng với các công việc trong tòa soạn báo Lao động, với những cuộc mitting, biểu tình được báo chí tin tức khắp nơi.

“Trong khi trò chuyện, Phú đã được dịp ngắm nghía kỹ càng những người mà xưa kia chàng chỉ biết tên trên mặt báo. Chàng rất ngạc nhiên về chỗ những người như thế mà lại làm nổi những việc như thế, vì lẽ trong cái số trên chục người ấy, ai cứ trông bề ngoài thật quả có đủ hạng của tất cả các giai cấp: lao động, thanh niên trí thức, con quan, con nhà giàu, du học sinh… Phú không hiểu sao những người mà địa vị xã hội khác nhau lại có thể cùng làm việc cho một lý tưởng.”

– Vỡ đê

Những con người trí thức đáng lẽ có thể vô tư hưởng thụ cuộc đời an yên ấy đã bước ra khỏi những u mê, sa đọa mà thực dân Pháp bày sẵn để một lòng đấu tranh cho lý tưởng và miệt mài tìm kiếm con đường giải phóng nước nhà. 

Giữa buổi tao loạn, những nhà hoạt động cải tảo xã hội ấy chính là niềm hy vọng cho lớp người đang bị áp bức, là ánh sáng lạc quan cho con đường phát triển của lịch sử. Họ đã dùng những ưu thế mình có được để đấu tranh cho đồng bào cùng khổ và nỗ lực kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn cho quốc gia dân tộc. 

Văn Phú và Kim Dung là hai hình ảnh đối lập về thế hệ trẻ đương thời

Văn Phú, nhân vật chính trong tác phẩm và Kim Dung, con gái quan huyện đã có những rung động của một mối tình chớm nở với nhau. Thế nhưng, ta biết rằng hai người trẻ ấy sẽ chẳng thể nào gắn kết lâu bền vì sự khác biệt về thân phận và cả nhận thức.

Ảnh bìa sách Vỡ đê của nhà xuất bản Văn học
Bìa tiểu thuyết Vỡ đê được xuất bản bởi nhà xuất bản Văn học

Kim Dung là cô gái trẻ với nhiều mơ mộng, cô biết săn sóc cho bản thân và luôn bắt kịp xu hướng. Những mốt thời trang cùng bao thú vui của phong trào “Âu hóa” từ tiểu thuyết tình yêu đến những đêm hội hè, nhảy đầm và tiệc từ thiện, chẳng sự kiện nóng hổi nào của thời đại mà cô Kim Dung chịu bỏ qua.

Sống trong gia đình quan lại, từng tận mắt chứng kiến những hành vi sai trái của phụ mẫu mình, đã có lúc tấm lòng lương thiện của cô nàng dao động khiến Dung mong muốn làm gì đó để thay đổi tình cảnh khốn khổ của người yếu thế.

“Từ khi mới về huyện, còn đương say sưa tưng bừng ở cái chức tiểu thư con một vị phụ mẫu, Dung đã thấy bố mình hoặc thân hành đi lùng bắt, hoặc ký trát cho sai nha đem xiềng xích đi tìm những người nấu rượu lậu giải về huyện; trong số ấy có khi Dung thấy ông cụ già mù lòa, hoặc bà lão tóc đã bạc phơ, hoặc một người đàn bà toét mắt có đứa con bụng ỏng đeo sau lưng – những người vừa đi vừa mếu máo, khóc lóc kêu oan, trông đáng thương vô cùng. Những khi ấy, quả tim của Dung đã từng thổn thức. Nàng thấy bọn người ấy có lẽ oan thật, mà bố nàng cứ bỏ tù thì thật là quá đỗi nhẫn tâm. Tự nhiên Dung thấy lương tâm cắn dứt, thấy nghề làm quan của bố là một nghề xấu, thấy cái nhân loại thật quả đầy dẫy những mối đau thương đáng bất bình. Đã có lúc Dung thấy xấu hổ là con gái một vị quan phụ mẫu mà công việc đại khái chỉ là như thế.”

– Vỡ đê

Thế nhưng theo thời gian, người con gái đó dần nhận ra rằng giúp đỡ người khác chính là làm lung lay vị thế của gia đình mình, từ đó Kim Dung thà sống những ngày tháng vô tư đến vô ý, vô tứ và vô cảm còn hơn là để tâm đến nỗi khổ của người khác.

Kể cả khi Dung cứu Phú khỏi cảnh ngục tù, đó cũng chỉ là giây phút hứng thú nhất thời với sự liều lĩnh trẻ con và những mơ mộng thi vị sáo rỗng chứ cô nàng cũng không hề thực sự quan tâm đến bất cứ điều gì sâu xa hơn.

“- Con tưởng phải lụt chớ? Thỉnh thoảng cũng phải có một tai nạn gì xảy ra thì bọn phụ nữ chúng con mới có dịp lập chợ phiên hay đi quyên tiền để làm việc xã hội chứ?”

– Vỡ đê

Trong khi đó, từ khi bắt đầu đến lúc khép lại những trang tiểu thuyết Vỡ đê, chàng trai trẻ với lượng học vấn nhất định Phú đã có nhiều thay đổi lớn trong tư tưởng.

Anh đã đi từ sự lạc quan thơ ngây khi tin tưởng vào Chính phủ Bình Dân Pháp đến nhận ra bộ mặt thật của xã hội thực dân nửa phong kiến và sau đó là xúc động mạnh trước không khí đấu tranh chính trị sôi nổi của những người làm cách mạng.

“Chàng như lại trông thấy quang cảnh tòa soạn của nhà báo Lao Động trong đó người ta quên cả mọi cách hưởng thụ cuộc đời, thức suốt đêm để làm những việc sẽ dắt tới nhà tù, hay đến bệnh ho lao. Bất thình lình, chàng hiểu rõ cái nghĩa lý sâu xa của chữ “trưởng giả” với tất cả những sự suy đốn của phái người ích kỷ ấy.”

– Vỡ đê

Khác với Kim Dung, Văn Phú đã dần thoát ra khỏi những bùa mê và lạc thú ăn chơi mà thực dân Pháp cố tiêm nhiễm vào đầu người dân An Nam để nghiêm túc nhận thức được những điều đang thực sự diễn ra trên mảnh đất quê hương mình.

Đáng tiếc là Vũ Trọng Phụng đã để những câu chuyện kết thúc dang dở, những cuộc đấu tranh đòi giảm thuế, cứu trợ của nông dân nghèo chẳng đi đến đâu, cậu giáo Minh, một nhà hoạt động cách mạng lại tiếp tục bị chính quyền thực dân bỏ tù vì khởi xướng biểu tình và Phú cũng chỉ dừng lại ở việc thay đổi suy nghĩ chứ chưa có những hành động cụ thể nào.

Vỡ đê xuất bản cùng Giông tố
Hai thiên tiểu thuyết nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng được xuất bản cùng nhau

Điều này có thể được giải thích bởi chính những giới hạn của thời đại mà Vũ Trọng Phụng đang sống.

Ông chỉ đơn thuần là một nhà văn tả chân chứ không phải người hoạt động cách mạng thế nên với vai trò là người thư ký trung thành của thời đại, Vũ Trọng Phụng đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình trong việc tái hiện lại một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam.

Đã gần một trăm năm kể từ ngày mất của Vũ Trọng Phụng nhưng với giới phê bình, hội nhà văn và tất cả những người yêu văn chương chân chính trên khắp đất nước tâm hồn và cốt cách của nhà văn họ Vũ chưa từng rời xa nhân thế.

Ông sống mãi cùng với những đứa con tinh thần mà mình đã dốc lòng sáng tạo, từ những cậu giáo Phú hay nàng Kim Dung trong Vỡ đê đến Xuân Tóc Đỏ và cô Tuyết trong Số đỏ bên cạnh rất nhiều những nhân vật đặc sắc khác nữa.

Tất cả đã trở thành hồi ức không thể nào quên và tạo nên sự ngưỡng vọng đời đời dành cho một tài năng văn chương xuất chúng. 

Hạnh Vi