Phương trình hạ chí là tác phẩm thứ ba thuộc chuỗi sáng tác về thám tử Galileo của tác giả Higashino Keigo. Cuốn tiểu thuyết được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2011 và ngay lập tức đón nhận rất nhiều sự mong đợi cũng như đánh giá của độc giả.
Cuốn sách bắt đầu một cách nhẹ nhàng với chuyến nghỉ hè của Esaki Kyohei tại vùng biển Harigaura. Trong thời gian này, cậu ở nhà trọ Lục Nham Trang do bác mình quản lý nhưng Kyohei không thể ngờ rằng, bản thân đã vô tình bị cuốn vào một vụ án mạng vô cùng phức tạp.
Higashino Keigo và từng bước chạm tới đỉnh cao của tiểu thuyết trinh thám
Nhắc đến dòng văn học trinh thám, bên cạnh những cây bút phương Tây như Conan Doyle với chuỗi tiểu thuyết đình đám Sherlock Holmes hay Thomas Harris với Sự im lặng của bầy cừu thì người ta còn nhắc đến Higashino Keigo, một nhà văn Nhật Bản với biệt tài mở khóa cảm xúc và nội tâm của nhân vật.
Higashino Keigo sinh năm 1958 tại vùng đất Osaka, mặc dù thế giới nhớ đến ông như một nhà văn trinh thám tài năng nhưng ít ai biết rằng ngành nghề ông theo học ở trường đại học lại là Kỹ thuật điện, không hề liên quan đến viết lách.
Thời điểm bắt đầu sáng tác, Keigo vẫn là một kỹ sư thế nhưng ông đã ngay lập tức khẳng định tài năng của mình khi giành được giải thưởng Edogawa Rampo, với cuốn tiểu thuyết mang tên Giờ tan học. Kể từ đó, nhà văn xác định được hướng đi mới cho bản thân, ông nghỉ việc ở công ty cũ và bắt tay vào con đường viết lách chuyên nghiệp.
Ngôi nhà của người cá ngủ say là sáng tác đầu tiên của Higashino Keigo, tuy nhiên ba mươi năm sau cuốn sách mới được xuất bản và đến tay bạn đọc. Quả thực, tác phẩm không làm mọi người thất vọng khi gây được rất nhiều tiếng vang với câu chuyện gia đình cảm động, đầy nước mắt.
Những năm sau đó Higashino Keigo liên tục sáng tác và cho xuất bản rất nhiều cuốn sách như Vụ án mạng ở nhà khách núi Hakuba, Án mạng mười một chữ hay Trái tim của Brutus. Mặc dù vậy, trong giai đoạn này những tác phẩm của ông không thực sự thành công, chúng trở nên khá nhạt nhòa trong lòng công chúng.
Mãi cho đến khi ông cho ra mắt cuốn sách Phía sau nghi can X và Bí mật của Naoko, cái tên Higashino Keigo mới như được hồi sinh, ông nhận liên tiếp những đề cử cũng như giải thưởng từ hai sáng tác trên, trong đó có thể kể đến Giải thưởng văn học trinh thám Nhật bản, giải Naoki và giải Honkaku.
Tác phẩm Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya được xuất bản năm 2012 của Keigo còn rất thành công khi được chuyển thể thành bộ phim cùng tên tại Trung Quốc. Còn ở Việt Nam, thành công của ông được minh chứng qua số lượng lớn tiểu thuyết được dịch và xuất bản, với khoảng hai mươi tác phẩm như Hoa mộng ảo, Bạch dạ hành, Thánh giá rỗng hay Trước khi nhắm mắt.
Trong quá trình sáng tác của mình, Higashino Keigo từng chia sẻ rằng:
“Một số nhà văn mong muốn lay động độc giả, số khác muốn viết ra những câu văn đẹp. Riêng tôi muốn người đọc phải không ngừng ngạc nhiên trước những ý tưởng của mình.”
Điểm khác biệt trong sáng tác của Higashino Keigo là bên cạnh yếu tố trinh thám ông còn đi sâu vào nội tâm nhân vật, khám phá khóc khuất của cả những kẻ có tội để đưa ra một cái nhìn hoàn toàn khác về con người trong xã hội.
Nhà văn thường xuyên đặt ra những câu hỏi xoáy sâu vào bản chất con người như đâu mới là người tốt và thế nào là kẻ xấu, từ đó khiến độc giả phải suy ngẫm về những điều tưởng chừng là hiển nhiên. Như trong Thánh giá rỗng, Keigo miệt mài đi tìm câu trả lời cho việc liệu tử hình có phải bản án cao nhất cho tội phạm hay tòa án lương tâm mới là hình phạt đau đớn nhất.
Phương trình hạ chí vẫn xoay quanh chủ đề quen thuộc của nhà văn là tội phạm, tình yêu và khoa học, tác phẩm thuộc chuỗi sáng tác về thám tử Yukawa sau thành công của Phía sau nghi can X và Sự cứu rỗi của thánh nữ.
Cuốn tiểu thuyết mang đến câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa đồng thời còn ẩn chứa những cái chết bi thương, mà nguyên nhân của tội ác khiến bạn đọc không thể ngừng suy ngẫm.
Hậu quả đau đớn của sự ích kỷ trong Phương trình hạ chí
Cũng giống như hầu hết các tác phẩm khác của Higashino Keigo, những chương đầu tiên của Phương trình hạ chí nhẹ nhàng như khúc dạo đầu của một bản nhạc giao hưởng. Nhà vật lý Yukawa đi cùng chuyến tàu đến Harigaura với Kyohei, họ vô tình quen biết và Yukawa đã quyết định ở lại nhà trọ Lục Nham Trang, nơi cậu bé Kyohei sẽ tá túc trong mùa hè này.
Mọi chuyện chỉ thực sự bắt đầu khi vị khách trong nhà trọ Lục Nham Trang được phát hiện đã chết dưới một vách núi. Nạn nhân là Tsukahara Masatsugu, một cựu chánh thanh tra của sở cảnh sát Tokyo, ông đến đây để tham gia một cuộc hội thảo về bảo vệ tài nguyên biển.
Một tội ác dù có được sắp xếp chu toàn đến đâu vẫn sẽ để lại vô số sơ hở và cái chết của vị cựu cảnh sát kia cũng vậy, mọi việc tưởng chừng như đã nằm dưới lớp ngụy trang hoàn hảo nhưng cuối cùng, nhờ vào những suy luận sắc bén của Yukawa, mọi thủ đoạn đã bị lật tẩy.
Nhà văn Keigo rất tự tin khi tiết lộ hung thủ ở ngay giữa tác phẩm nhưng nó không khiến Phương trình hạ chí giảm bớt đi sức hấp dẫn. Bởi cho đến cuối cùng, điều thu hút bạn đọc lại là hàng vạn câu hỏi về động cơ gây án cùng những mối quan hệ oái oăm trong câu chuyện.
“Chán quá nhỉ. Tưởng đâu chỉ là tai nạn, ai ngờ lại thành vụ lớn thế này. Cái vị chánh thanh tra của Sở Cảnh sát Tokyo ấy đã mua việc cho chúng ta rồi. Mấy cha cảnh sát tỉnh chắc đang nói ra nói vào, kiểu như kết quả điều tra ban đầu của chúng ta quá tệ, nhưng với tình trạng đó ai chẳng nghĩ là tai nạn cơ chứ. Mấy vụ thế này mà vụ nào cũng đòi giải phẫu thì lại chẳng mang chúng ta ra mà khiển trách ấy à.”
– Phương trình hạ chí
Khởi nguồn những tội ác trong Phương trình hạ chí là sự ích kỷ của mỗi cá nhân, chẳng ai có thể tưởng tượng được rằng hậu quả họ gây ra lại để lại đau đớn cho vô số người, mặc cho hơn nửa thế kỷ đã trôi qua.
Bi kịch bắt đầu khi một người đàn ông đã có vợ nhưng vẫn đem lòng tương tư một nhân viên quán ẩm thực và anh không thể dứt bỏ thứ tình cảm sai trái ấy, chính nó trở thành căn nguyên cho hàng loạt sai lầm sau này.
Mọi chuyện trở nên tệ hơn khi trước ngày người nữ tiếp viên kết hôn, cô đưa ra một quyết định mà không ai trong chúng ta có thể thông cảm, đó là cuộc tình một đêm đầy chóng vánh với chàng trai kia.
Cả người đàn ông và nữ nhân viên đều không thể bỏ qua được ham muốn ích kỷ của bản thân, để nghĩ cho những người thân xung quanh mình và rồi khi hậu quả xảy ra, nó liên lụy cho rất nhiều người vô tội khác.
Hung thủ gây nên cái chết cho thanh tra Tsukahara Masatsugu chỉ vì muốn che dấu đi quá khứ xấu xí mà đã vô tình kéo cậu bé Kyohei vào hành động tàn nhẫn của mình. Để đạt được ý muốn đó, người ấy không màng đến việc có thể làm tổn thương tâm lý của một đứa trẻ non nớt.
Nếu không có những lời khuyên của Yukawa dành cho Kyohei ở cuối tác phẩm thì có lẽ cậu bé sẽ đối diện với những day dứt lương tâm cả đời. Một cái kết mở nhưng hoàn toàn tươi sáng cho Kyohei, cậu đã sẵn sàng bắt đầu hành trình đi tìm câu trả lời cho riêng mình với một trái tim không vướng bận.
“Kyohei vừa nhìn Yukawa, vừa hít thở sâu. Cậu có cảm giác một ngọn đèn vừa được thắp lên trong tim mình. Cảm giác nặng nề đè nặng trái tim cậu từ suốt mấy ngày trước đã biến mất hoàn toàn. Giờ đây cuối cùng cậu đã hiểu mình muốn nói điều gì với Yukawa.”
– Phương trình hạ chí
Khi cuốn sách khép lại, có thể một số độc giả cho rằng tội danh giành cho tuyến nhân vật là không thỏa đáng thế nhưng sau cùng, điều mà tác giả luôn muốn hướng tới là cái nhìn khác về sự trừng phạt cho những kẻ có tội.
Dù cho người ấy chưa phải chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng cả đời này họ sẽ phải đối mặt với tòa án lương tâm của chính mình và sử dụng quỹ thời gian còn lại trả giá cho những lỗi lầm ấy.
Nhà văn Higashino Keigo đã khéo léo kết nối hiện tại với quá khứ của ba mươi năm về trước để dần tháo gỡ những nút thắt trong vụ án. Không chỉ thế, những bí ẩn của cái chết trước đây, thứ tưởng chừng đã mãi lui về quá khứ cũng được đem ra ánh sáng.
Phương trình hạ chí không tập trung quá nhiều vào yếu tố bất ngờ, tác giả trung thành với lối trinh thám cổ điển, chủ yếu dựa vào suy luận logic. Không khó để đoán rằng Yukawa đóng vai trò chủ chốt trong việc nhìn thông suốt mọi sự việc và khác với Phía sau nghi can X, trong tác phẩm này Yukawa được dành cho nhiều dung lượng tác phẩm cũng như bộc lộ nhiều nét tính cách hơn.
Sự hy sinh cao cả của tình cảm gia đình là thông điệp mà tác giả Higashino Keigo muốn truyền tải tới bạn đọc. Những nhân vật sẵn sàng chịu sự trừng trị của pháp luật để bảo vệ người mình yêu thương với vô vàn điều cho đi lớn lao và thầm lặng.
Kiến thức về tự nhiên và khoa học được lồng ghép trong Phương trình hạ chí
Trong Phương trình hạ chí, nhà văn Higashino Keigo lồng ghép vào tác phẩm rất nhiều những hiểu biết của bản thân về vật lý cũng như toán học. Yukawa là một giáo sư vì thế việc diễn đạt kiến thức ấy cũng diễn ra tự nhiên hơn và chính những suy luận dựa vào khoa học đã giúp Yukawa tìm ra sự thật.
Mối quan hệ giữa Yukawa và Kyohei như một nút thắt nơ đẹp đẽ trong tác phẩm, nó xóa bỏ đi những u ám của chết chóc cũng như mối quan hệ rắc rối giữa người với người. Ở cuốn tiểu thuyết thứ ba trong chuỗi tuyển tập về thám tử Galileo này, tác giả cho bạn đọc thấy nhiều hơn nét tính cách của thám tử Yukawa, điều mà ở những phần trước vẫn là ẩn số.
Trái ngược với hình ảnh Yukawa lạnh lùng, quyết đoán trong những suy luận thì khi ở bên cạnh Kyohei với vai trò một người bạn, người thầy, anh trở nên vô cùng gần gũi và thấu hiểu. Nhà vật lý đã dạy cho cậu bé rất nhiều kiến thức không chỉ trong sách vở mà còn trong cuộc sống, anh từng nói với Kyohei rằng:
“Nhóc ghét mấy môn tự nhiên cũng không sao cả, nhưng hãy nhớ một điều. Nếu cứ giữ thái độ buông xuôi trước những điều mình không biết, đến một lúc nào đó nhóc sẽ phạm phải sai lầm lớn đấy.”
– Phương trình hạ chí
Tác giả muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học trong đời sống, những kiến thức ta thường coi là vô bổ khi học ở trường lớp. Yukawa dạy nhóc Kyohei những điều đơn giản nhất như việc tại sao chúng ta lại say tàu xe hay lý do tổng ba góc bằng 180 độ.
Trong Phương trình hạ chí, có kẻ đã tận dụng hiểu biết về khoa học để giết chết một người nhưng cũng lại có nhân vật vì chưa được cung cấp đầy đủ kiến thức mà vô tình tiếp tay cho hành vi xấu xa ấy.
Tác giả nhờ những trang viết của mình để lên tiếng về tình trạng biển bị khai thác đến mức báo động và có những người sẵn sàng liều mình đứng lên bảo vệ tài nguyên thiên nhiên này. Thế nhưng luôn có hai mặt cho một vấn đề, khi họ hành động một cách cực đoan đồng nghĩa với việc họ đang chối bỏ thành tựu mà khoa học đạt được.
Yukawa khẳng định muốn thực hiện một điều gì đó thì phải có đầy đủ kiến thức và việc bảo vệ biển cũng vậy. Anh khuyên Narumi, cô gái đang ra sức chống đối việc khai thác biển, rằng phải có cái nhìn đa chiều hơn về sự việc mới có thể cân bằng giữa môi trường và khoa học.
“Có thể cô là một chuyên gia bảo vệ môi trường, nhưng về khoa học chắc cô vẫn chỉ là một người nghiệp dư thôi nhỉ? Cô biết được đến đâu về việc khai thác tài nguyên dưới biển? Nếu muốn cân đối hai thứ đó, cô cần có kiến thức và kinh nghiệm tương đương về cả hai. Nếu chỉ coi trọng một bên mà đã cho là đủ thì đó là thái độ ngạo mạn. Chỉ khi nào cô biết tôn trọng công việc và cách suy nghĩ của đối phương, lúc đó con đường để cân đối hai bên mới mở ra được.”
– Phương trình hạ chí
Tác phẩm khép lại đặt dấu chấm hết cho một phương trình, tuy nhiên nếu khoa học chỉ có đơn nghiêm thì với bài toán cuộc đời, số phận mỗi người lại đem đến kết quả khác nhau. Khởi nguồn chỉ bằng một phép tính nhưng cuối cùng lại là kết cục với nhiều bản án trừng phạt mà họ phải gánh vác.
Vụ án ở Phương trình hạ chí không quá phức tạp nhưng lại gây hứng thú cho người đọc nhờ câu chuyện nằm sau nó. Mặc dù không được đánh giá cao như Phía sau nghi can X tuy nhiên cuốn tiểu thuyết vẫn đáng được thưởng thức bởi thông điệp ý nghĩa tác giả muốn truyền tải.
Cùng với sự thành công của cuốn sách này, tác giả Higashino Keigo tiếp tục khẳng định tài năng của mình ở đề tài trinh thám, đồng thời củng cố vị thế trong dòng chảy văn học Nhật Bản nói riêng cũng như văn học thế giới nói chung.
Ngọc Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất