Từ lâu, tỉnh Hokkaido đã có danh xưng “vùng đất lạnh giá nhất xứ sở hoa anh đào”. Tuy nhiên, đằng sau cái giá rét đấy lại ẩn chứa biết bao câu chuyện văn hóa đầy cuốn hút.
Không nơi nào trên đất nước mặt trời mọc sở hữu chiều dài lịch sử nhiều đau thương như Hokkaido. Từ mảnh đất nơi người Ainu sinh sống đến một trong những trung tâm kinh tế – văn hóa lớn, điều này đã minh chứng cho bao nỗ lực của toàn dân tộc Nhật Bản.
Trang sử đầy biến động của Hokkaido
Hokkaido xuất hiện lần đầu tiên trong quyển sách lịch sử Nihon Shoki, nơi đây được cho là vùng đất sinh sống của ba tộc người Ainu, Gilyak, Oroke từ khoảng hai mươi nghìn năm trước.
Vào thời trung cổ, cái tên Ezochi hay Ezogashima gắn liền với Hokkaido, người dân nơi này được gọi là Ezo, họ chủ yếu kiếm sống bằng nghề săn bắt và đánh cá.
Bước vào thời kỳ Muromachi (1336 -1573), người Nhật chuyển đến định cư tại phía Nam bán đảo Oshima, mâu thuẫn giữa người Nhật và dân tộc Ainu đã bắt đầu từ đây.
Năm 1456, vị tướng Takeda Nobuhiro giết chết thủ lĩnh người Ainu. Sau đó, con cháu Nobuhiro trở thành người thống trị phía Nam Ezochi cho đến cuối thời kỳ Edo.
Tháng sáu năm 1669, người Ainu bắt đầu nổi dậy khi nhận thấy lãnh thổ ngày càng bị xâm phạm nghiêm trọng bởi người di cư. Tuy nhiên, đến tháng mười cùng năm thì người Ainu buộc phải rút lui và thủ lĩnh Shakushain của họ đã bị sát hại.
Năm 1798, Mạc phủ Tokugawa nhận thấy cần phải chuẩn bị hệ thống phòng thủ lãnh thổ phía Bắc nhằm ngăn chặn sự xâm lược của người Nga, cũng như chiếm thế thượng phong trong việc kiểm soát Ezochi.
Tuy nhiên, sự thức tỉnh này dường như quá muộn màng, Mạc Phủ sụp đổ và không thể bảo vệ thành công khu vực lãnh thổ phía Bắc, bao gồm cả Ezochi.
Tiến đến thời kỳ Minh Trị Duy Tân, không lâu sau chiến tranh Boshin năm 1868, một nhóm người trung thành với Mạc phủ Tokugawa do Enomoto Takeaki lãnh đạo đã tiến hành nổi dậy giành độc lập cho người dân Ezo.
Tháng năm năm 1869, cuộc nổi dậy này đã bị dẹp tan, Ezochi sau đó được đặt dưới quyền kiểm soát của Hakodatefu. Năm 1869, chính quyền Minh Trị thành lập Ủy ban phát triển tại Ezochi và đổi tên hòn đảo thành Hokkaido.
Từ đây, quá trình phát triển của Hokkaido chính thức bắt đầu. Trong hành trình này, người Ainu dần bị dồn vào thế yếu, buộc phải từ bỏ những phong tục, tập quán truyền thống.
Đồng thời, do số lượng người Ainu quá ít, không đủ nhân lực thực hiện công cuộc phát triển kinh tế địa phương nên chính quyền Minh Trị đã ban hành chính sách phân chia lại ruộng đất nhằm thu hút người Nhật đến Hokkaido sinh sống.
Dưới thời Minh Trị Duy Tân, Hokkaido không còn là vùng đất của riêng dân tộc Ainu. Tiếng Ainu không được sử dụng tại các địa điểm cộng đồng, họ buộc phải học chữ viết và tiếng nói của người Nhật.
Song hành cùng quá trình phát triển kinh tế của Hokkaido thời kỳ Minh Trị, văn hóa bản địa Ainu dần bị mai một, hòa trộn vào văn hóa Nhật Bản. Ngoài ra, số lượng người Ainu cũng giảm dần.
Mãi cho đến những năm cuối thế kỷ XX, nhiều đạo luật, biện pháp về bảo tồn, phổ cập văn hóa Ainu đến người dân địa phương và du khách quốc tế mới được ban hành.
Hiện nay, Hokkaido là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng tại xứ sở hoa anh đào.Việc tăng cường giáo dục về lịch sử, văn hóa Ainu là điều cần thiết, góp phần củng cố tính đa dạng và chiều sâu của văn hóa Nhật Bản.
Không gian văn hóa Hokkaido
Sở hữu chiều dài lịch sử khá đặc biệt nên văn hóa Hokkaido luôn ẩn chứa nét lôi cuốn nhất định, đó là sự hài hòa giữa phong cách phương Tây và lối sống văn hóa bản địa hình thành từ hàng nghìn năm trước.
Làng lịch sử Hokkaido, bảo tàng quốc gia Upopoy, bảo tàng bia Sapporo là những cái tên tiêu biểu thể hiện nỗ lực giữ gìn văn hóa địa phương của chính quyền Hokkaido.
Làng lịch sử Hokkaido
Tọa lạc ở ngoại ô thành phố Sapporo, làng lịch sử Hokkaido ra đời năm 1983, nơi đây được ví như một bảo tàng ngoài trời, giúp mọi người hiểu hơn về sự phát triển của thành phố nói riêng và toàn tỉnh Hokkai nói chung.
Không gian ngôi làng trưng bày khoảng sáu mươi ngôi nhà có tuổi đời từ thời kỳ Minh Trị và Taisho. Đền thờ Ryuu, trường trung học Hokkaido, cửa hàng nhuộm Kondo, xưởng sản xuất xe trượt tuyết Fujiwara là những cái tên tiêu biểu cho lối kiến trúc đặc trưng của Hokkaido xuất hiện tại ngôi làng.
Bên trong ngôi nhà là các bức tượng tái hiện khung cảnh sinh hoạt thường ngày tại Hokkaido lúc bấy giờ. Ngoài ra, một số khu vực còn là không gian ẩm thực, trưng bày hàng thủ công truyền thống của tỉnh thành.
Bảo tàng Quốc gia Upopoy
Cách trung tâm thành phố Sapporo, thủ phủ Hokkaido khoảng chín mươi phút di chuyển, Upopoy được biết đến là không gian chia sẻ văn hóa Ainu, một trong ba dân tộc chính tại Nhật Bản và cũng là người dân bản địa tại Hokkaido.
Hiện nay, bảo tàng Quốc gia Upopoy lưu giữ nhiều di vật liên quan đến lịch sử, ngôn ngữ, đời sống, nghề nghiệp, giao lưu, tinh thần và phong tục tập quán của dân tộc Ainu. Đây là không gian tương tác mở, giúp người dân địa phương cũng như du khách nước ngoài hiểu thêm về văn hóa Ainu.
Phía Nam Upopoy là hội trường giao lưu, nơi du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều nhạc cụ truyền thống và các điệu nhảy độc đáo trong văn hóa Ainu, bao gồm điệu nhảy nghi thức cổ Ainu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bảo tàng bia Sapporo
Được xây dựng từ năm 1890, bảo tàng bia Sapporo là một trong số những di sản văn hóa của Hokkaido. Đây là không gian lưu giữ kiến thức về quy trình sản xuất bia tươi Sapporo cũng như góp phần quảng bá nghề làm bia truyền thống tại Hokkaido.
Trước khi nổi tiếng với tư cách một bảo tàng bia, địa điểm này được xây dựng với mục đích sản xuất đường. Năm 1877, nơi đây chính thức trở thành không gian sản xuất bia dựa theo kỹ thuật được mang về từ nước Đức.
Bên cạnh bảo tàng là vườn bia Sapporo, khu vườn sở hữu phong cách hoài cổ, tập hợp nhiều loại bia tươi kết hợp cùng những món ăn truyền thống, điều này khiến vườn bia Sapporo trở thành không gian trải nghiệm văn hóa địa phương đặc sắc.
Lễ hội nổi tiếng tại Hokkaido
Lễ hội là một trong những thành tố quan trọng cấu thành nên văn hóa, đây được xem là không gian văn hóa thu nhỏ của mỗi vùng đất, thể hiện phong cách sinh hoạt và quan điểm thẩm mỹ của người dân.
Từ lâu, lễ hội tuyết Sapporo, lễ hội Yosakoi Soran hay lễ hội ánh sáng tuyết Otaru đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống văn hóa Hokkaido, trở nên quen thuộc với cả người dân địa phương và du khách quốc tế.
Lễ hội tuyết Sapporo
Được tổ chức lần đầu vào ngày 18 tháng 2 năm 1950, lễ hội tuyết Sapporo hiện là một trong những sự kiện được chờ đón nhất tại Nhật Bản với hơn 260 nghìn người tham gia hằng năm.
Năm 1959, với hơn 2500 du khách ghé thăm cùng việc trưng bày các tác phẩm điêu khắc tuyết, lễ hội lần đầu tiên nhận về sự quan tâm lớn của truyền thông. Từ thời điểm này, lượt người đổ về Sapporo ngày một tăng cao, góp phần tạo nên một trong những lễ hội tuyết lớn nhất Nhật Bản.
Đặc biệt, sự kết hợp giữa việc tổ chức Thế vận hội mùa đông 1972 và lễ hội tuyết Sapporo đã đưa sự kiện đến gần hơn với bạn bè thế giới, trở thành niềm tự hào của người dân thành phố.
Từ năm 1974, Sapporo chủ trương hợp tác cùng một số quốc gia nhằm mang đến những tác phẩm điêu khắc tuyết theo chủ đề địa danh nổi tiếng thế giới, góp phần giúp lễ hội tuyết Sapporo trở thành sự kiện tầm cỡ quốc tế.
Lễ hội Yosakoi Soran
Theo ghi chép, Yosakoi là điệu múa truyền thống của xứ sở hoa anh đào và bắt đầu xuất hiện từ sau thế chiến thứ hai tại thành phố Kochi. Ra đời từ năm 1991, Yosakoi Soran hiện là một trong hai lễ hội Yosakoi lớn nhất Nhật Bản.
Lễ hội được tổ chức vào tháng sáu hằng năm tại thành phố Sapporo, thu hút hơn một triệu du khách trong và ngoài nước tham dự. Công viên Odori là nơi người tham gia có thể trực tiếp thưởng thức điệu nhảy tuyệt đẹp đến từ các vũ công.
Hokkaido là vùng đất nổi tiếng về nghề đánh bắt, phần lớn những động tác nhảy múa trong lễ hội vì thế mô phỏng tư thế kéo lưới, gỡ cá, thu lưới của ngư dân một cách uyển chuyển, nương theo sức gió nhưng cũng đầy mạnh mẽ, hùng tráng.
Lễ hội ánh sáng tuyết Otaru
Cách thành phố Sapporo khoảng năm mươi phút di chuyển, Otaru được biết đến là thành phố cảng nhỏ của Hokkaido. Lễ hội này diễn ra cùng thời điểm với lễ hội tuyết Sapporo và là một trong những sự kiện truyền thống tại thành phố Otaru.
Ra đời từ năm 1999, tuy không nhộn nhịp và hoành tráng như lễ hội tuyết Sapporo, sự kiện này vẫn tồn tại nhiều nét hấp dẫn riêng với du khách. Không gian lễ hội vô cùng “nên thơ”, được tạo bởi hàng ngàn ngọn nến bên trong các bức tượng điêu khắc tuyết.
Temiyasen Kaijo nối liền nhà ga thành phố và Unga Kaijo chạy dọc kênh đào là bộ đôi cung đường chính diễn ra lễ hội ánh sáng tuyết Otaru, nơi đây sở hữu cảnh quan lãng mạn, tạo nên cảm giác tương tự thành phố Vienna của Áo.
Hokkaido – Châu Âu thu nhỏ giữa lòng Nhật Bản
Dẫu trải qua lịch sử nhiều biến động nhưng không thể phủ nhận công lao to lớn mà các triều đại Nhật Bản đóng góp vào sự phồn thịnh của Hokkaido. Thủ đô phương Bắc giờ đây mang trong mình nét đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Hokkaido không hề kém cạnh Tokyo về sự nhộn nhịp của những khu phố thương mại sầm uất. Thậm chí, tồn tại ở các cung đường Hokkaido là “dáng dấp” của một Vienna thu nhỏ, là sự thơ mộng, tự do tỏa ra từ tiếng đàn người nghệ sĩ dọc kênh đào Otaru.
Bên cạnh đó, sự tồn tại đan xen của những tòa nhà in đậm dấu ấn kiến trúc phương Tây và các đến thờ Phật giáo, Thần Đạo, Thiên Chúa giáo rải rác khắp Hokkaido cũng tạo nên cảm quan văn hóa đặc biệt dành cho du khách.
Diệu Ngô
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất