The shining là bộ phim điện ảnh thuộc thể loại kinh dị, giật gân do đạo diễn Stanley Kubrick chỉ đạo thực hiện và Diane Johnson phối hợp biên kịch, phim được ra mắt chính thức vào năm 1980.

Tuy tác phẩm dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của đại văn hào Stephen King nhưng giữa phim và nguyên tác lại có nhiều sự khác biệt đáng kể từ cốt truyện cho đến hình tượng nhân vật.

Poster của phim The shining
Poster của phim The shining

Vào thời gian đầu khi mới công chiếu, The shining bị xem là thảm họa thế nhưng sau nhiều năm trôi qua, dự án đã được các nhà phê bình cùng giới mộ điệu nhìn nhận một cách nghiêm túc và trở thành siêu phẩm kinh điển của dòng phim kinh dị. 

The shining là bộ phim điện ảnh kinh dị bất hủ của đạo diễn bậc thầy Stanley Kubrick

Đối với người hâm mộ môn nghệ thuật số bảy, Stanley Kubrick không phải là cái tên xa lạ khi ông đã “khuynh đảo” nền điện ảnh thế giới với các tác phẩm như The shining, Dr. StrangeloveA clockwork orange.

Trong suốt sự nghiệp của mình, vị đạo diễn, nhà sản xuất kiêm biên kịch tài hoa đã nhiều lần tạo ra những “đứa con tinh thần” gây chấn động Hollywood, nổi bật trong số đó là Lolita, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vladimir Nabokov, A clockwork orangeThe shining.

Hình ảnh của vị đạo diễn nổi tiếng Stanley Kubrick
Hình ảnh của vị đạo diễn nổi tiếng Stanley Kubrick

Lolita là câu chuyện về mối quan hệ cấm kỵ của người đàn ông mắc chứng ái nhi tên Humbert và cô bé Dolores Haze mười hai tuổi, A clockwork orange là bức tranh bạo lực xoay quanh Alex DeLarge (Malcolm McDowell thủ vai), kẻ tàn bạo có sở thích tra tấn, cưỡng hiếp người khác trong khi The shining tái hiện sự điên loạn của ác nhân Jack Torrance (Jack Nicholson thủ vai).

Mặc dù vấp phải vô số chỉ trích dữ dội song hầu hết các tác phẩm trên đều nhận được nhiều giải thưởng hàn lâm và theo thời gian thì chúng trở thành những cái tên kinh điển của nền điện ảnh quốc tế.

Sở hữu bộ óc của một thiên tài trong lĩnh vực phim ảnh, thế giới quan độc đáo và sự cầu toàn tuyệt đối, Stanley Kubrick đã thành công cho ra đời nhiều dự án nổi tiếng xứng đáng với danh hiệu một trong những đạo diễn vĩ đại nhất của thế kỷ XX.

Thời gian đã chứng minh The shining là một kiệt tác điện ảnh
Thời gian đã chứng minh The shining là một kiệt tác điện ảnh

Sau khi gặt hái vô số thành tựu thì đến năm 1980, Stanley Kubrick thực hiện The shining và trái với những phản ứng tranh cãi ban đầu thì tác phẩm dần dần “thống trị” ngôi vị tượng đài phim kinh dị bất hủ.

The shining sở hữu kịch bản rùng rợn

The shining là câu chuyện về gia đình Jack Torrance (Jack Nicholson thủ vai), vợ Wendy (Shelley Duvall thủ vai), đứa con trai Danny (Danny Lloyd thủ vai) và cuộc sống đầy biến động của họ tại khách sạn Overlook.

Jack Torrance là nhà văn nghiện rượu, anh tìm đến Overlook và phỏng vấn cho vị trí người trông coi khách sạn vào mùa đông nhằm mục đích tìm kiếm không gian lý tưởng để hoàn thành tác phẩm mới.

Tại buổi phỏng vấn, Jack gặp giám đốc khách sạn là Stuart Ullman (Barry Nelson thủ vai) và được cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra ở Overlook.

Cuộc phỏng vấn như lời tiên đoán về những sự kiện sắp diễn ra
Cuộc phỏng vấn như lời tiên đoán về những sự kiện sắp diễn ra trong The shining

Như một lời tiên đoán trước cho gia đình Torrance, Stuart Ullman đề cập đến sự biệt lập và nỗi cô độc nặng nề khi đông đến của khách sạn Overlook có khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý con người.

Điều này được chứng minh qua câu chuyện của Charles Grady, vị quản gia của Overlook trước đây vì mắc phải hội chứng “cabin fever” (một thuật ngữ mô tả cảm giác bức bối và buồn chán khi phải ở trong nhà quá lâu) mà đã trở nên điên loạn và giết chết cả gia đình mình.

Đối diện với câu chuyện đáng sợ, Jack Torrance thờ ơ bỏ qua và đảm bảo với Stuart Ullman rằng mình sẽ không bao giờ rơi vào trạng thái đó.

Trong lúc này, vợ Jack là Wendy cùng cậu con trai bé nhỏ Danny đang ở nhà, họ sinh hoạt như thường lệ và trao đổi về việc đến khách sạn Overlook.

Wendy và Danny tại ngôi nhà cũ chờ đợi Jack Torrance
Wendy và Danny tại ngôi nhà cũ chờ đợi Jack Torrance

Vốn là người vợ hiền lành, có phần nhu nhược, Wendy chấp nhận đến Overlook cùng chồng mà không mảy may cân nhắc còn Danny lại lo sợ vì cậu bé linh cảm sẽ có điều không may xảy ra.

Tony, người bạn tưởng tượng của Danny đã dự báo về những điềm gở mà gia đình Torrance có thể gặp phải nhưng Wendy không tin vào điều đó.

Sau khi Jack hoàn thành cuộc phỏng vấn và được chọn cho vị trí người trông coi khách sạn thì cả nhà Torrance cũng phải di chuyển tới Overlook.

Vào buổi tham quan đầu tiên, Wendy bị choáng ngợp bởi nét đẹp lộng lẫy, xa hoa của Overlook và Jack thì hài lòng với cuộc sống mới sau những tháng ngày sống trong áp lực tại căn hộ cũ.

Họ đi dạo khắp khách sạn và để Danny ở lại với Dick Hallorann (Scatman Crothers thủ vai), bếp trưởng Overlook, hai chú cháu đã tâm sự và Danny hé lộ bí mật cậu có thể nhìn thấy quá khứ cũng như một số hình ảnh nhất định của tương lai.

Dick và Danny đều là những người có khả năng thấu thị
Dick và Danny đều là những người có khả năng thấu thị

Danny biết nơi đây từng diễn ra một vụ mưu sát kinh hoàng và sở hữu những góc khuất bí ẩn mà Jack hay Wendy không ngờ đến.

Dick Hallorann tiết lộ rằng Danny có khả năng thấu thị và ông cũng vậy, chính vì thế nên hai người có thể giao tiếp bằng trực giác đồng thời trông thấy những thứ mà người bình thường không thể tiếp cận.

Bắt đầu từ đây, cuộc sống của nhà Torrance sang một trang mới với vô vàn bất an chất chứa trong lòng Danny. Tại Overlook, Jack Torrance tập trung vào việc sáng tác còn Wendy và Danny thì tiếp tục thói quen sinh hoạt đời thường của mình.

Trước sự biệt lập, cô độc và nỗi khó chịu tột cùng khi quá trình sáng tạo ý tưởng cho tác phẩm bị trì trệ cũng như hàng loạt áp lực vô hình khác, Jack ngày càng hành xử kỳ quặc và đáng sợ.

Những áp lực vô hình và thế lực siêu nhiên tại Overlook làm Jack ngày càng tha hoá
Những áp lực vô hình và thế lực siêu nhiên tại Overlook làm Jack ngày càng tha hoá

Trong khi đó, Danny liên tục chứng kiến những hiện tượng tâm linh kinh dị làm cậu bé trở nên bất an và sợ hãi đến mức người bạn Tony phải đứng ra thay cậu đối mặt với mọi thứ.

Linh tính được điều chẳng lành từ người chồng nóng nảy từng bạo hành mình và con, Wendy đã quyết định tạm thời nhốt Jack vào kho lương thực để đưa Danny về nhà cũ.

Thế nhưng, những thế lực siêu nhiên kỳ bí tại Overlook đã mở cửa cho Jack và cuộc truy sát kinh hoàng giữa đêm bão tuyết đã diễn ra. Jack cố gắng giết Wendy và Danny bằng chiếc rìu, anh gần như đã thành công nếu Dick Hallorann không đến Overlook vì lo lắng cho nhà Torrance.

Sự xuất hiện của Dick là điều kiện để hai mẹ con Wendy trốn chạy khỏi Jack và cuối cùng họ rời khỏi Overlook với chiếc xe Dick để lại còn Jack thì chết rét trong giá lạnh.

The shining có cái kết ám ảnh
The shining có cái kết ám ảnh

The shining vốn không sở hữu kịch bản mới mẻ khi các mô típ quen thuộc trong phim kinh dị như ngôi nhà ma ám, đứa trẻ có khả năng ngoại cảm, một nhân vật dần trở nên điên loạn đã được tái hiện trong nhiều tác phẩm khác.

Tuy nhiên, nhờ tài năng đạo diễn tuyệt vời của Stanley Kubrick mà The shining đã thành công gây ra nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người xem với tiết tấu phim chậm rãi và nhiều chi tiết ẩn dụ rùng rợn.

Khi tâm trí con người trở nên điên loạn

Đối với dòng phim kinh dị thì ma quỷ, quái vật hay thậm chí là người ngoài hành tinh đã trở thành những gương mặt quen thuộc. Với tâm lý sợ hãi điều mà con người không thể chạm đến hoặc sở hữu quyền năng thì hầu hết các đạo diễn đều mượn những nhân tố siêu nhiên để làm người xem sợ hãi khi theo dõi tác phẩm.

Trái ngược lại với các dự án đó, The shining không tấn công khán giả bằng hiện tượng siêu nhiên kỳ lạ trong Overlook mà trực tiếp đánh vào tâm lý của con người. Khi bất mãn với cuộc sống, thù hận mọi người xung quanh và đánh mất nhân tính thì bất kỳ ai cũng có khả năng trở thành một con “ác quỷ” thực thụ và Jack Torrance là minh chứng cho điều đó.

Mầm mống bạo lực xấu xa vẫn luôn tồn tại trong tâm hồn con người
Mầm mống bạo lực xấu xa vẫn luôn tồn tại trong tâm hồn con người

Ngay từ những giây phút đầu tiên khi mới xuất hiện, Jack đã khoác lên mình hình tượng của một người đàn ông chán ghét gia đình và gặp nhiều thất bại trong cuộc đời.

Vào một lần say xỉn, anh đã làm Danny trật khớp vai chỉ vì cậu bé lỡ làm rơi tập tài liệu của anh. Sự nghiện rượu và bản tính nóng nảy khiến Jack thi thoảng nổi nóng với Wendy dù cô vợ không gây ra lỗi lầm quá đáng nào.

Kể từ khi vô tình tổn thương Danny, Jack hứa sẽ không uống rượu nữa và điều này giày vò tâm trí anh trong suốt khoảng thời gian cai nghiện.

Không dừng lại ở đó, những lời thoại đầy tội nghiệp của Wendy khi đối diện với các cơn thịnh nộ của Jack Torrance đã cho thấy anh thường xuyên bạo hành tinh thần lẫn thể xác vợ con mình.

Mỗi khi Jack nổi cáu với Wendy, cô vợ gầy gò chỉ có thể ngơ ngác và hoảng sợ để rồi cúi mình phục tùng trước gã chồng đáng sợ.

Mối quan hệ không lành mạnh giữa Jack và Wendy
Mối quan hệ không lành mạnh giữa Jack và Wendy

Sự bạo hành này đến từ việc Jack Torrance là người nghiện rượu hoặc có thể do anh và Wendy vốn có nhiều mâu thuẫn trong quá khứ.

Bên cạnh đó, việc Wendy sở hữu ngoại hình bình thường, tính cách nhu nhược và nghiện thuốc lá cùng phân đoạn Jack tỏ ra hào hứng trước người phụ nữ trần trụi trong khách sạn Overlook cũng thể hiện rằng Jack dường như đã chán ngán người đầu ấp tay gối nhiều năm qua.

Gã nhà văn sống trong sự bất mãn với chính những người thân thuộc nhất là vợ và con, không chỉ vậy, Jack Torrance còn bị mắc kẹt trong sự cô độc khi anh cố tình giam hãm mình tại nơi làm việc.

Jack đầu tư phần lớn thời gian cho việc viết lách, anh dường như không có thời gian nghỉ ngơi và từ chối mọi hoạt động vui chơi cùng Wendy và Danny.

Mặc dù nỗ lực sáng tác là vậy thế nhưng đáng buồn là những ý tưởng bị mắc kẹt đã khiến công việc của anh bị trì trệ, điều này làm Jack càng bực tức và bức bối hơn.

Ngoài ra, sự biệt lập của khách sạn Overlook và nỗi cô độc bao trùm tòa nhà rộng lớn đã đưa tinh thần của Jack vào trạng thái yếu ớt, dễ bị tấn công. Chính lúc này, các thế lực siêu nhiên của Overlook dần dần tiếp cận anh và xúi giục Jack gây ra hàng loạt hành động táng tận lương tâm.

Các thế lực ấy xuất hiện dưới hình dạng con người bằng xương bằng thịt thay vì có bộ dáng của hồn ma lơ lửng, chúng tâm sự với Jack và “nhồi nhét” những ý tưởng sai trái vào đầu anh.

Thế lực siêu nhiên nguỵ trang dưới hình dáng con người bằng xương bằng thịt
The shining khắc hoạ thế lực siêu nhiên nguỵ trang dưới hình dáng con người bằng xương bằng thịt

Người pha chế Lloyd (Joe Turkel thủ vai), một bóng ma tại Overlook đã hiện diện vào khoảnh khắc Jack nóng nảy, cô đơn nhất và trò chuyện với anh như những người bạn thân thiết lâu năm.

Vào cuộc gặp gỡ đầu tiên, Jack đã bỏ vài tờ tiền cuối cùng để mua ly rượu Whisky từ Lloyd và giải tỏa nỗi ngột ngạt sau năm tháng cai nghiện. Đến lần gặp thứ hai thì Lloyd không nhận tiền của Jack nữa, hắn gợi ý cho việc tay nhà văn có thể chi trả bằng một phương thức khác và đó chính là linh hồn vẩn đục của anh.

Trong lúc bất cẩn, Jack đã bán linh hồn để đổi lấy một ly rượu Whisky và trở thành hậu duệ của Charles Grady nhằm tiếp tục công cuộc giết chóc đẫm máu tại Overlook.

Ngoài Lloyd, Jack còn gặp vị quản gia Grady năm xưa, người đã giết chết vợ và hai cô con gái bằng một chiếc rìu. Ông ta tỏ ra đồng cảm với Jack và khuyên anh nên thực hiện nghĩa vụ của một người đàn ông trong gia đình là nếu vợ con mắc lỗi thì phải mạnh tay dạy dỗ.

Tuy không thẳng thắn bộc lộ nhưng đó là lời nói ẩn dụ cho việc Grady ủng hộ Jack đồ sát Wendy cùng Danny để họ nhận ra bài học của mình. 

Grady là kẻ xúi giục Jack Torrance thực hiện tội ác
Grady là kẻ xúi giục Jack Torrance thực hiện tội ác

Bất lực trước nỗi bất mãn, sự thất bại và yếu ớt khi đang bị cô lập giữa cơn bão tuyết mênh mông cùng với sự tấn công từ những hồn ma bí ẩn, tâm trí Jack dần trở nên điên loạn.

Đôi khi thế lực tâm linh không phải là điều đáng sợ nhất mà chính bản thân con người khi tha hoá tột độ mới là “con quái vật” thật sự.

Sự điên loạn khiến Jack đánh mất nhân tính, quên đi người vợ luôn cúc cung tận tụy cùng đứa con ruột thịt máu mủ và bắt đầu truy cùng giết tận họ với vẻ mặt khát máu đáng sợ.

The shining mở ra cho khán giả một thế giới mà ở đó, con quỷ bên trong nhân cách mỗi người vẫn luôn là kẻ phản diện ghê gớm nhất và nếu không học cách kiểm soát cẩn thận thì chúng sẽ huỷ diệt những người thân cận với mình.

Sự phớt lờ trước những hiểm hoạ trong The shining

Ngay từ cái tên của khách sạn là Overlook, từ ngữ dùng để chỉ trạng thái con người khi không nhận thấy, không chú ý tới hay thậm chí là coi nhẹ một điều gì đó, Stanley đã cho công chúng biết thái độ của các nhân vật đối với những hiểm hoạ khó lường sắp xảy ra.

Khách sạn rộng lớn với cái tên Overlook đầy dụng ý
Khách sạn rộng lớn với cái tên Overlook đầy dụng ý

Khách sạn Overlook tọa lạc trên sườn núi, được xây dựng tại nghĩa địa của thổ dân Da đỏ đã từng bị Hoa Kỳ tấn công. 

Trong lịch sử, Hoa Kỳ tăng cường bành trướng lãnh thổ bằng cách chiếm đất của người Da đỏ vào năm 1815, họ thông qua Đạo luật xoá bỏ người da đỏ và tạo nên một cuộc diệt chủng mang tính chất phân biệt sắc tộc nặng nề.

Sau nhiều thập kỷ chiến tranh, người Mỹ đã tiến hành hàng loạt vụ thảm sát đẫm máu và tàn sát hàng nghìn người Da đỏ ở các bộ tộc khác nhau.

Coi nhẹ mạng sống của con người và thế lực tâm linh ngự trị bên dưới lòng đất, Stuart Ullman vẫn cho xây dựng khách sạn Overlook xa hoa, lộng lẫy.

Khi được biết về lịch sử của Overlook, Wendy đã phớt lờ sự kiện kinh hoàng ấy và chỉ tập trung vào sự hào nhoáng của khách sạn. Điều này cho thấy thái độ thờ ơ của gia đình Torrance nói riêng và những người Hoa Kỳ nói chung trước cuộc thảm sát người Da đỏ kinh hoàng năm nào.

Mảnh đất mà họ đang đứng là nơi chôn cất bao sinh mạng vô tội trong cuộc diệt chủng và tất cả những gì gia đình Torrance chú tâm là vẻ đẹp của khách sạn Overlook.

Nét đẹp lộng lẫy của Overlook đã làm gia đình Torrance phớt lờ lịch sử kinh hoàng của nó
Nét đẹp lộng lẫy của Overlook đã làm gia đình Torrance phớt lờ lịch sử kinh hoàng của nó

Sự phớt lờ còn được thể hiện qua thái độ của Jack trước những lời cảnh báo của giám đốc Stuart Ullman khi ông kể về vụ án mạng nổi tiếng ở Overlook. Jack dường như không bị thông tin này làm cho hoảng sợ mà ngược lại thì anh cảm thấy hứng thú với nó hơn khi nó có thể là công cụ đắc lực cho quá trình sáng tác của anh.

Trong phân đoạn Wendy trò chuyện với bác sĩ về tình trạng của Danny, những lời nói ngập ngừng của cô cũng cho thấy cô coi nhẹ việc chồng bạo hành mình và con trai.

Đối với Wendy, việc Jack làm Danny trật khớp chỉ là khoảnh khắc tai nạn không mong muốn và cô tin tưởng chồng mình sẽ thay đổi cho đến khi cô đối diện với sự thật ngỡ ngàng rằng Jack ngày càng trở nên điên cuồng hơn.

Mầm mống hiểm hoạ cũng được Danny nhìn thấy trước thông qua khả năng thấu thị với các hiện tượng như hồn ma sinh đôi Grady, căn phòng 237 bí ẩn và dòng chữ “Redrum” lạ lùng trên cửa phòng Danny song cậu bé còn quá nhỏ để có thể nghiêm túc trao đổi với Wendy và Jack còn Wendy thì không thể trông thấy được những thứ mà đứa con bé bỏng của mình phải đối mặt.

Danny có khả năng thấu thì nên cậu bé thường xuyên nhìn thấy thế lực tâm linh trong Overlook
Danny có khả năng thấu thì nên cậu bé thường xuyên nhìn thấy thế lực tâm linh trong Overlook

Chứng kiến Danny ngày càng bất ổn, Wendy mới quyết định đưa con về lại nhà cũ nhưng cô không thuyết phục được Jack bởi anh đã ký hợp đồng quản lý khách sạn đến tận mùa hè năm sau.

Sự ràng buộc về mặt pháp lý và sự tham lam khiến Jack phớt lờ nỗi khổ tâm của vợ và nỗi đau đớn, tê liệt của con trai trước hàng loạt sự kiện quái dị trong Overlook.

Chính những điều này đã làm gia đình Torrance rơi vào thảm kịch và Jack buộc phải bỏ mạng tại nơi anh cho là địa điểm thích hợp với sự nghiệp của anh.

The shining không chỉ sở hữu kịch bản rùng rợn mà còn dựa vào những chi tiết để truyền tải thông điệp cho khán giả, nổi bật trong đó là sự vô tâm, thờ ơ của con người trước những mất mát và hiểm hoạ khó lường trong cuộc sống.

Khi gia đình tan vỡ là nguồn gốc cho bi kịch

Có thể nói rằng gia đình Torrance là hình mẫu gia đình hạt nhân lý tưởng với một chồng, một vợ và một đứa con trai khoẻ mạnh, thông minh.

Gia đình Torrance ẩn chứa nhiều mâu thuẫn
Gia đình Torrance ẩn chứa nhiều mâu thuẫn

Mặc dù vậy, thay vì sinh sống hạnh phúc trong bầu không khí ấm áp thì mỗi thành viên trong nhà Torrance lại tự cô lập bản thân và dường như không thể thấu hiểu nhau.

Jack Torrance xem thường vợ mình, lạc lối trong sự nghiệp và xa cách với Danny, anh tự cô lập bản thân trong không gian làm việc đầy áp lực để rồi trở nên điên loạn.

Jack từng thổ lộ rằng mình vẫn yêu thương Danny song tình yêu ấy không đủ lớn mạnh để anh chấp nhận Wendy và bày tỏ sự thân mật với con trai.

Gã nhà văn như sống trong địa ngục do chính mình tạo nên, Jack không trò chuyện, tâm sự với vợ mà còn tỏ ra cọc cằn mỗi khi cô cố gắng bắt chuyện với anh.

Nỗi sợ hãi hiện rõ trên khuôn mặt của Wendy khi đối mặt với Jack
Nỗi sợ hãi hiện rõ trên khuôn mặt của Wendy khi đối mặt với Jack

Mặc dù Jack và Danny đều có khả năng thấu thị song trong khi Danny có thể tách bạch với thế lực siêu nhiên thì Jack lại bị cuốn vào vòng xoáy tội lỗi của chúng.

Việc anh liên tục gặp Lloyd, nói chuyện với gã và Grady cho thấy Jack cần người tâm sự, giải tỏa hết mọi căng thẳng và anh thực hiện điều này với thế lực tà ma thay vì tìm đến Wendy hay Danny.

Về phía Wendy, cô là người vợ hiền lành, nhu mì, luôn luôn chăm lo từng li từng tí cho Jack và Danny, tuy luôn nỗ lực làm tròn nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ song Wendy chưa từng hiểu được Jack cũng như Danny.

Bản thân Wendy là nạn nhân của bạo lực gia đình, sự chịu đựng và thói quen nghiện thuốc cùng nét yếu đuối bên trong tính cách khiến cô dường như bất lực trước những sự kiện kỳ lạ xảy ra với chồng con mình.

Dù yêu thương con nhưng Wendy chưa thể thấu hiểu Danny
Dù yêu thương con nhưng Wendy chưa thể thấu hiểu Danny

Wendy dành phần lớn thời gian để chơi đùa cùng Danny, động viên cậu bé hay an ủi Jack song Jack căm ghét cô còn Danny thì chưa mở lòng với cô, đó là lý do vì sao cậu bé không kể cho Wendy nghe về những điều cậu đã thấy.

Bên cạnh đó, phân cảnh Danny sợ hãi đến nỗi “bỏ trốn” và người bạn tưởng tượng Tony phải ra mặt để trò chuyện với Wendy cho thấy sự bất lực tột cùng mà Wendy đang phải gánh chịu khi không thể kết nối với đứa con trai yêu dấu của mình.

Danny cũng tự cô lập bản thân vì sợ bị Jack bạo hành, khả năng thấu thị cũng gây ra cho cậu bé những ảnh hưởng tiêu cực khi Danny buộc phải chứng kiến nhiều hiện tượng siêu nhiên kinh hoàng ở lứa tuổi non nớt.

Gia đình Torrance là một gia đình rạn vỡ với những lỗi lầm chồng chất từ Jack và sự hiểu lầm giữa các thành viên. Họ lạc lối trong thế giới của chính mình và không tìm ra lối về với những người thân thuộc nhất bên cạnh họ.

Giữa các thành viên trong gia đình Torrance là những rào cản vô hình
Giữa các thành viên trong gia đình Torrance là những rào cản vô hình

Đây là hậu quả của một gia đình thiếu thốn tình yêu thương với người bố nghiện rượu, bạo lực, người mẹ yếu đuối, nghiện thuốc lá và cậu con trai lầm lì, ít nói.

Chính sự cô độc đục khoét tâm hồn ba nhân vật đã khiến họ trở thành những con mồi “béo bở” của thế lực tâm linh tàn độc tại khách sạn Overlook.

Những giả thuyết xoay quanh The shining

Sau bốn thập kỷ kể từ ngày chính thức ra mắt khán giả vào năm 1980, The shining vẫn chứa đầy tình tiết khó hiểu mà nhiều người hâm mộ lẫn nhà phê bình không ngừng tìm kiếm lời giải đáp.

Thực chất, với tư duy làm phim của Stanley Kubrick thì có lẽ những ẩn ý thật sự đằng sau từng khung hình sẽ mãi mãi là bí mật.

“Một bộ phim giống – hoặc nên giống như âm nhạc hơn tiểu thuyết. Nó nên là một quá trình tràn đầy tâm trạng và cảm xúc. Chủ đề, những ẩn ý đằng sau cảm xúc, ý nghĩa, tất cả những điều này chỉ là yếu tố phụ. Cảm giác trải nghiệm là điều quan trọng nhất, không phải khả năng nói hay phân tích về nó.”

Với quan điểm truyền tải cảm xúc quan trọng hơn việc phân tích tình tiết cũng như kỹ thuật “show, don’t tell” (tả, không kể) bất di bất dịch trong điện ảnh, Stanley Kubrick đã tạo ra một tác phẩm mà giới mộ điệu có thể tự do “mổ xẻ” và khám phá dựa trên trải nghiệm cá nhân hay đánh giá chủ quan mà không có bất kỳ một sự xác nhận nào về việc những giả thuyết đó đúng hay sai.

The shining cho phép khán giả tự do phân tích về những sự kiện đã diễn ra trong tác phẩm
The shining cho phép khán giả tự do phân tích về những sự kiện đã diễn ra trong tác phẩm

The shining sống mãi với thời gian không chỉ nhờ kịch bản thú vị, lối kể chuyện hấp dẫn hay kỹ năng quay phim tuyệt đỉnh mà còn nhờ vào vô số bài thảo luận xoay quanh bộ phim này.

Theo nhiều nhà phê bình, tác phẩm có thể là phép ẩn dụ về cuộc diệt chủng người Da đỏ của Hoa Kỳ thể hiện qua chi tiết khách sạn Overlook được xây dựng trên những nấm mồ chôn người Da đỏ.

Tội ác diệt chủng và sự bạo lực đẫm máu trong quá khứ chưa bao giờ mất đi, nó luôn tồn tại ở đó để nhắc nhở về những sự kiện đau thương đã xảy ra. Xuyên suốt bộ phim, màu đỏ được sử dụng thường xuyên và hình ảnh biển máu tràn ra từ thang máy như chứng minh cho lịch sử kinh hoàng của Overlook.

Sắc đỏ bao phủ The shining
Sắc đỏ bao phủ The shining

The shining cũng có thể là câu chuyện tái hiện hình ảnh Minotaur, một quái vật nửa người nửa bò trong thần thoại Hy Lạp đã gieo rắc vô vàn đau thương trên đảo Crete.

Giới mộ điệu củng cố cho giả thuyết này bằng việc Minotaur sở hữu vũ khí là chiếc rìu, ăn thịt người để sinh sống và Jack cũng sử dụng chiếc rìu để tấn công nạn nhân. Bên cạnh đó, nạn ăn thịt người cũng được nhắc đến vào phân đoạn gia đình Torrance di chuyển tới khách sạn Overlook.

Không thể không đề cập giả thuyết The shining là lời thú tội của Stanley về việc thực hiện đoạn phim giả cho NASA liên quan đến sự kiện chuyến bay không gian đầu tiên đáp xuống Mặt trăng Apollo 11 thông qua chiếc áo len có dòng chữ Apollo 11 do Danny mặc.

Các chi tiết ẩn dụ khác như lời thoại của Jack cũng là lời nhắc nhở về quá khứ tàn bạo của chế độ thực dân.

“Gánh nặng của người da trắng, Lloyd, ông bạn của tôi hỡi. Gánh nặng của người da trắng.”

“Gánh nặng của người da trắng” hay “The white man’s burden” là bài thơ do Joseph Kipling sáng tác vào năm 1899 với nội dung ủng hộ tư tưởng phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa thực dân.

Bài thơ The white's man burden ủng hộ phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa thực dân
Bài thơ The white’s man burden ủng hộ phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa thực dân

Lúc bấy giờ, người da trắng nói chung và Kipling nói riêng tin rằng họ có sứ mệnh khai hóa các dân tộc “kém văn minh” như người da đen, Đông Nam Á, họ coi hành động này là đúng đắn và có lợi cho thuộc địa của thực dân.

Thực chất, đó chỉ là những lời ngụy biện cho việc xâm chiếm thuộc địa, bành trướng lãnh thổ cũng như là thái độ khinh miệt của người da trắng đối với các chủng tộc khác.

Ngoài các giả thuyết mang màu sắc chính trị thì nhiều người hâm mộ còn cho rằng Jack Torrance là một linh hồn đã tồn tại ở Overlook từ năm 1921, anh đã tái sinh để tiếp tục vòng lặp giết chóc đẫm máu và sẽ không ngừng cho đến khi Overlook “thu nạp” thêm nhiều vị quản gia và nạn nhân khác.

Giả thuyết Jack đã rơi vào vòng luân hồi và liên tục tái sinh để hoàn thành nhiệm vụ
Giả thuyết Jack đã rơi vào vòng luân hồi và liên tục tái sinh để hoàn thành nhiệm vụ

Nhằm củng cố luận điểm này, hàng loạt tình tiết đã được đưa ra để chứng minh Jack Torrance hồi sinh như việc anh cảm thấy thân quen với Overlook ngay từ khoảnh khắc mới đặt chân đến đây hay việc anh không bất ngờ trước những bữa tiệc sang trọng, cổ điển xuất hiện trong Overlook.

“Anh đã phải lòng nơi này ngay lập tức. Khi anh mới đến đây để phỏng vấn, anh cảm giác như mình từng ở đây vậy. Ý anh là, ai cũng sẽ có những khoảnh khắc déjà vu, nhưng nó kỳ quặc lắm. Như thể anh biết rõ từng đường đi nước bước ở đây từ trước.” – Jack Torrance.

Phân cảnh Grady khẳng định Jack luôn luôn là quản gia của nơi này cũng thể hiện rằng Jack đã sinh sống ở Overlook với cương vị là người trông nom khách sạn từ lâu.

Đặc biệt nhất là bức ảnh đen trắng chụp tập thể quý ông, quý bà tham gia buổi tiệc vào ngày bốn tháng bảy năm 1921 với Jack đứng ở vị trí trung tâm, phân đoạn cuối cùng này đã khiến nhiều khán giả hoang mang và nghi ngờ về xuất thân của Jack.

Bức ảnh kỳ lạ xuất hiện vào phân đoạn cuối cùng của The shining
Bức ảnh kỳ lạ xuất hiện vào phân đoạn cuối cùng của The shining

Hầu hết các giả thuyết đưa ra đều củng cố cho chủ đề chính của The shining là vòng lặp bạo lực đẫm máu không hồi kết kéo dài từ quá khứ cho đến tận thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, xung quanh dự án vẫn tồn tại nhiều giả thuyết khác như Jack, Wendy hoặc Danny bị hoang tưởng và tất cả những sự kiện ma quái đã xảy ra đều không có thật mà là do chứng bệnh hoang tưởng tạo ra.

Mặc dù vậy, đây là giả thuyết khó tin và thiếu chứng cứ khi đối chiếu với phong cách làm phim của vị đạo diễn tài hoa Stanley Kubrick.

Sau bốn thập kỷ, hàng loạt bí ẩn mà The shining mang đến vẫn còn là một dấu chấm hỏi mà có lẽ giới mộ điệu sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời phù hợp.

The shining vẫn còn ẩn chứa nhiều bí ẩn chưa thể giải đáp
The shining vẫn còn ẩn chứa nhiều bí ẩn chưa thể giải đáp

Tuy nhiên, không phải bộ phim nào cũng cần được giải đáp một cách tỉ mỉ, chuẩn xác để tìm ra ẩn ý vì chúng không hoàn toàn được đóng vào một khung mẫu thông điệp nào và người hâm mộ chỉ có thể suy đoán dựa trên trải nghiệm của chính bản thân.

Những thước phim nghệ thuật hoàn hảo của The shining

Dưới bàn tay cầu toàn và bộ óc thông minh của vị đạo diễn lừng danh Stanley Kubrick, The shining đã trở thành một trong những kiệt tác bất hủ với các thước phim độc đáo và đầy giá trị nghệ thuật.

Phong cách thiết kế bối cảnh đặc sắc

The shining là tác phẩm có phong cách thiết kế bối cảnh đặc sắc, điều này được thể hiện qua hình ảnh khách sạn Overlook nguy nga, tráng lệ.

Nền nhà với hoạ tiết đối xứng, đầy màu sắc và mê cung xanh thẫm bên ngoài Overlook đã góp phần giúp toà nhà hiện lên với nét đẹp đầy bí ẩn mà thu hút.

Hoạ tiết ấn tượng trên nền khách sạn Overlook
Hoạ tiết ấn tượng trên nền khách sạn Overlook

Có thể nói rằng Overlook là ví dụ điển hình cho nghệ thuật kiến trúc bất khả thi khi The shining thể hiện nhiều chi tiết phi lý trong thiết kế Overlook như hàng loạt cánh cửa rải rác khắp mọi nơi nhưng đều dẫn đến cùng một căn phòng hoặc cánh cửa sổ bất thường của văn phòng Stuart Ullman.

Đây là lối thiết kế bối cảnh sai sót đầy dụng ý do Stanley Kubrick đích thân tham gia bàn bạc, thảo luận cùng nhóm phụ trách thiết kế. Ông tạo ra một khách sạn Overlook với nghệ thuật kiến trúc bất khả thi nhằm tăng tính kỳ quặc, quái dị cho tòa nhà cũng như kích thích người xem lo lắng, hoang mang khi theo dõi The shining.

Hàng loạt căn phòng, cầu thang hay chiếc thang máy đẫm máu trong The shining chắc chắn đã đi sâu vào tiềm thức của người hâm mộ yêu thích kiệt tác điện ảnh kinh dị này.

Chuyển động máy quay ấn tượng

Khi nhắc đến những thước phim hoàn hảo của The shining, giới mộ điệu không thể không đề cập đến chuyển động máy quay đầy ấn tượng dưới sự chỉ đạo của Stanley Kubrick.

Có thể nói rằng bộ phim là tập hợp của những cú tracking shot (cú máy di chuyển) xuất sắc, nổi bật nhất là phân đoạn Danny chạy xe đạp dọc các hành lang của khách sạn Overlook.

Những cú máy di chuyển kinh điển trong The shining

Theo chân Danny, người xem có cơ hội trải nghiệm sự rùng rợn, đáng sợ khi họ không thể đoán được chuyện gì sắp xảy ra mà chỉ có thể tiếp tục theo dõi tác phẩm trong lo âu.

Các phân cảnh được lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi Danny bắt gặp hồn ma hai chị em nhà Grady và khiến công chúng hoảng hốt với hình ảnh cái chết đẫm máu mà Danny đã chứng kiến.

Phân đoạn này trở thành phân đoạn bất hủ của dòng phim kinh dị và cũng là ví dụ tiêu biểu cho cú tracking shot “ăn tiền” nhất vào thời đại bấy giờ.

Bên cạnh đó, nghệ thuật chuyển động máy quay trong The shining còn ghi điểm với những phân cảnh khác khi đạo diễn cho phép người xem theo dõi tác phẩm dưới góc nhìn đa dạng, tăng tính hồi hộp và trải nghiệm chân thật, ám ảnh.

Kỹ xảo âm thanh sống động 

Bầu không khí u ám trong The shining được tạo nên không chỉ nhờ thiết kế bối cảnh kỳ lạ, chuyển động máy quay khó lường mà còn vì kỹ xảo âm thanh sống động.

Phân cảnh mở đầu The shining với âm nhạc ma mị

Ngay từ những giây phút mở đầu, Stanley Kubrick đã khiến người xem phải dè chừng trước những sự kiện sắp diễn ra trong The shining với âm thanh chậm rãi, rợn người.

Xuyên suốt bộ phim, âm nhạc như một “gia vị” quan trọng và nó không ngừng xuất hiện với nhiệm vụ mang đến cảm giác ám ảnh, kỳ dị cho khán giả.

Các bản nhạc được sử dụng trong The shining đều sở hữu giai điệu ma mị như It’s All Forgotten Now của Al Bowlly, Ray Noble & His Orchestra, Home do Henry Hall, His Gleneagles Hotel Band trình bày, Midnight, The Stars and you của Al Bowlly, Ray Noble và His Orchestra cùng nhiều nhạc phẩm khác.

Dàn diễn viên làm nên linh hồn của tác phẩm

The shining là dự án phim điện ảnh quy tụ dàn diễn viên thực lực luôn sẵn sàng cống hiến hết mình vì nghệ thuật.

Jack Nicholson và vai diễn phản diện để đời

Jack Nicholson là gương mặt nổi tiếng của làng điện ảnh Hollywood, ông thường xuyên đảm nhận các vai diễn khó khi nhân vật là người gặp vấn đề về tâm lý.

Nam tài tử Jack Nicholson trong vai Jack Torrance
Nam tài tử Jack Nicholson trong vai Jack Torrance

Sau thành công của The last detailChinatown, Jack tiếp tục hành trình chinh phục giới mộ điệu bằng tác phẩm The shining.

Với sự điên loạn của Jack Torrance, Jack Nicholson phải nỗ lực để nắm bắt tâm lý nhân vật cũng như làm chủ biểu cảm và kỹ năng đài từ của bản thân.

Để từng phân cảnh diễn ra suôn sẻ, trọn vẹn, nam diễn viên người Mỹ luôn phối hợp nghiêm chỉnh và thực hiện theo những yêu cầu của đạo diễn Stanley.

Phân đoạn Jack cầm chiếc rìu phá cửa huyền thoại trong lịch sử điện ảnh đã phải trải qua sáu mươi lần bấm máy để có được thước phim hoàn hảo nhất.

Jack Nicholson đã có màn hoá thân xuất sắc
Jack Nicholson đã có màn hoá thân xuất sắc

Mặc dù không đạt giải thưởng nào vì lý do vào thời điểm mới ra mắt, The shining đã vấp phải làn sóng chê bai tiêu cực song sự cố gắng của Jack Nicholson đã được ghi nhận khi nhân vật Jack Torrance lọt vào danh sách một trăm anh hùng và kẻ phản diện của Viện phim Mỹ.

Shelley Duvall và màn thể hiện xuất sắc trong The shining

Shelley Duvall là nữ diễn viên, nhà sản xuất, nhà văn kiêm ca sĩ người Hoa Kỳ, bà sở hữu ngoại hình độc đáo và kỹ năng diễn xuất nổi trội.

Shelley Duvall tham gia đoàn làm phim The shining khi bà đã hơn ba mươi tuổi, bản lĩnh nghề nghiệp và tinh thần sắt thép của Shelley đã nhiều lần bị đạo diễn Stanley thử thách khi ông đối xử vô cùng hà khắc với bà trên trường quay.

Nữ diễn viên Shelley Duvall trong vai Wendy Torrance
Nữ diễn viên Shelley Duvall trong vai Wendy Torrance

Để đảm bảo Shelley có trải nghiệm cảm xúc chân thật nhất, Stanley quyết định cô lập bà với đoàn làm phim, đề nghị bà quay đi quay lại nhiều lần nhằm khiến tinh thần bà mất ổn định, ông cũng không cho phép ai được an ủi hay trò với Shelley.

Phương thức cực đoan này khiến nữ diễn viên căng thẳng tột độ trong quá trình quay The shining, bà thường xuyên khóc lóc và trở nên hoảng sợ thật sự như ý định của Stanley.

Sau khi The shining đóng máy, Shelley tuyên bố bà sẽ không bao giờ làm việc với Stanley thêm một lần nào nữa. Mặc dù vậy, màn hóa thân xuất sắc của bà mãi là điều không thể tranh cãi khi bà thể hiện hình ảnh người vợ bị bạo hành, nhu nhược, thương con một cách trọn vẹn.

Đằng sau những thước phim The shining hoàn hảo là sự kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần của Shelley Duvall
Đằng sau những thước phim The shining hoàn hảo là sự kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần của Shelley Duvall

Shelley Duvall từng nhận đề cử Nữ diễn viên tệ nhất tại Lễ trao giải Razzie Awards năm 1981 cho vai diễn Wendy Torrance khi The shining vẫn còn bị nhìn nhận tiêu cực. Tuy nhiên, sau bốn thập kỷ trôi qua thì dường như không ai có thể phủ nhận năng lực nhập vai xuất thần của bà trong tác phẩm.

Cậu bé Danny Lloyd và màn hóa thân nổi bật

Khi đóng vai Danny Torrance, Danny Lloyd mới chỉ tám tuổi và chưa từng có kinh nghiệm diễn xuất trong bất kỳ dự án nào.

Với tài năng thiên bẩm, cậu bé người Mỹ đã hoàn thành vai diễn và để lại nhiều ấn tượng trong lòng giới mộ điệu.

Nam diễn viên nhí thiên tài Danny Lloyd
Nam diễn viên nhí thiên tài Danny Lloyd

Từng lời nói, cử chỉ và biểu cảm trên khuôn mặt Danny Lloyd đã thành công thể hiện hình ảnh nhân vật Danny Torrance lầm lì, tràn ngập sợ hãi với khả năng ngoại cảm đáng sợ.

Phản ứng của giới phê bình và công chúng dành cho The shining

Sau khi chính thức ra mắt khán giả vào năm 1980, The shining đã thu về nhiều nhận xét không mấy khả quan và thậm chí chính tác giả nguyên tác Stephen King cũng bày tỏ lòng căm ghét với nó.

Stephen King, cha đẻ của các tiểu thuyết đình đám như It, Doctor Sleep cho rằng Stanley Kubrick đã chỉnh sửa quá nhiều chi tiết dẫn đến thông điệp mà tiểu thuyết muốn truyền tải không được thể hiện kỹ càng.

Stephen King không hài lòng với phiên bản điện ảnh của The shining
Stephen King không hài lòng với phiên bản điện ảnh của The shining

Trong nguyên tác, Jack Torrance là người chồng đang cố chuộc lại lỗi lầm với vợ con và tấm lòng yêu thương gia đình vẫn còn tồn tại trong tâm hồn anh.

Đối với phiên bản điện ảnh thì Stephen King cho rằng Jack Torrance tựa như một kẻ ác nhân đã chuẩn bị tinh thần mưu sát Wendy, Danny ngay cả trước khi những linh hồn trong Overlook bắt đầu chi phối hắn.

Về phía giới phê bình, họ đã chê bai dữ dội và đề cử giải Mâm xôi vàng dành cho đạo diễn tệ nhất cho Stanley Kubrick và Nữ diễn viên tệ nhất cho Shelley Duvall. Doanh thu phòng vé có khởi đầu ảm đạm và chỉ đạt bốn mươi bốn triệu USD sau khi The shining ngừng công chiếu.

The shining là siêu phẩm phim kinh dị kinh điển
The shining là siêu phẩm phim kinh dị kinh điển

Trải qua một khoảng thời gian dài, giới phê bình cùng giới mộ điệu bắt đầu nhìn nhận lại tác phẩm dưới góc nhìn khách quan hơn và họ nhận ra rằng The shining chính là kiệt tác của dòng phim kinh dị với những ưu điểm mà không phải bộ phim điện ảnh nào cũng có.

Dự án giành giải thưởng Motion Picture tại Lễ trao giải Online Film & Television Association năm 2014, National Film Preservation Board tại Lễ trao giải National Film Preservation Board, USA năm 2018 cùng một số đề cử và giải thưởng khác.

Sau bốn mươi năm đầy biến động, The shining dần lấy lại được danh tiếng và trở thành một tượng đài phim kinh dị bất hủ của nền điện ảnh thế giới.

Bích Thùy