Sẽ thật thiếu sót nếu Pledis Entertainment không được nhắc đến khi nói về các công ty giải trí Hàn Quốc có sức ảnh hưởng nhất hiện nay. Đây là công ty giải trí hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đào tạo năng khiếu, sản xuất và phát hành sản phẩm âm nhạc.
Rất nhiều thần tượng nhà Pledis đều mang phong cách tươi trẻ, ngây thơ của các cô học sinh đẹp như hoa. Trẻ trung, tươi mới nhưng thu hút khiến nghệ sĩ Pledis có sức hút không thua kém gì người của những công ty giải trí đình đám khác.
Những tháng ngày vất vả mà lộng lẫy của thế hệ đầu tiên
Pledis Entertainment được thành lập vào năm 2007 bởi hai nhân vật tương đối có tiếng trong giới giải trí là Han Sung Soo và Park Kahi.
Han Sung Soo từng là một nghệ sĩ ballet nổi tiếng và quản lý tại SM Entertainment trong một thời gian dài trước khi trở thành giám đốc điều hành của Pledis.
Park Kahi khởi nghiệp từ năm 2000 với tư cách là một vũ công nhảy phụ. Cô từng làm việc với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như BoA, Lexy, Chae Yeon, Eun Ji Won và còn là giáo viên dạy nhảy cho Son Dam Bi, May Doni và Kim Jung Ah.
Pledis Entertainment hoàn toàn là cái tên mới mẻ, non yếu với mức kinh nghiệm khó lòng so sánh với những “ông lớn” lúc bấy giờ. Thậm chí công ty còn không có trụ sở hay văn phòng làm việc mà chỉ có một căn phòng nhỏ để các nghệ sĩ luyện tập.
Tuy nhiên, với ban lãnh đạo nhiều kinh nghiệm trong giới giải trí, không khó hiểu khi Pledis đã gặt hái được nhiều thành công ngay với lứa nghệ sĩ đầu tiên của mình.
Son Dam Bi là nghệ sĩ solo đầu tiên của Pledis Entertainment, ngay từ khi ra mắt vào năm 2007, cô đã được ví von là phiên bản nữ của Bi Rain nhờ thế mạnh vũ đạo điêu luyện cùng bản lĩnh sân khấu vững vàng.
Nữ ca sĩ đình đám một thời Son Dam Bi
Ca khúc Saturday Night trong mini album Type B-Back To 80’s là một trong những bài hát thành công nhất của cô. Bài hát đã đạt vị trí số một trên nhiều bảng xếp hạng trực tuyến khác nhau và giành tới sáu cúp âm nhạc hàng tuần, trong đó có Triple Crown danh giá của Inkigayo.
Cũng trong năm 2009, Pledis Entertainment cho ra mắt nhóm nhạc nữ đầu tiên mang tên After School và đạt được tiếng vang ngay từ rất sớm. Nhóm gồm năm thành viên và được dẫn dắt bởi Park Kahi, thành viên đồng sáng lập của công ty.
Một loạt các ca khúc như Ah!, Diva và đặc biệt là Because of You đã nhanh chóng tạo chỗ đứng cho nhóm trong lòng khán giả. Mặc cho SNSD và 2NE1 đang không ngừng “làm mưa làm gió”, After School vẫn dễ dàng ghi danh vào những nhóm nhạc nữ hàng đầu tại Hàn.
Đầu năm 2010, nhóm nhận giải thưởng Tân binh xuất sắc nhất tại lễ trao giải Billboard Japan Music Awards và Seoul Music Awards. Hai ca khúc Bang! và Shampoo phát hành lần lượt cũng tiếp tục củng cố danh tiếng của After School tại Hàn Quốc cũng như quốc tế.
Pledis ra mắt nhóm nhỏ đầu tiên của After School có tên Orange Caramel trong cùng năm. Nhóm gồm ba thành viên trẻ tuổi nhất, bao gồm nhóm trưởng Raina, Nana và em út Lizzy.
Orange Caramel nhanh chóng dẫn đầu trào lưu nhóm nhỏ tại Kpop, đồng nghĩa với việc cái tên Pledis Entertainment càng được củng cố vị thế và biết đến nhiều hơn nữa trong làng giải trí xứ Hàn.
Pledis Entertainment phất lên nhờ nhóm tân binh nam đầu tiên
Thành công tiếp tục đến với Pledis khi tung ra NU’EST, nhóm nhạc nam đầu tiên của công ty. Ra mắt đầu năm 2012 với ca khúc Face, nhóm đã nhẹ nhàng vượt mặt gà mới EXO của SM Entertainment dù không được đầu tư hoành tráng bằng.
Bài hát quốc dân những năm 2012
Khác với MAMA của EXO, Face dễ nghe và phù hợp với thị hiếu của khán giả hơn. Nhóm nhanh chóng có được lượng fan lớn ở Hàn Quốc cũng như quốc tế. MV của bài hát cũng trở thành MV “chào sân” Kpop có lượt xem YouTube nhiều nhất tại thời điểm đó.
Thừa thắng xông lên, họ tiếp tục phát hành mini album Action vào tháng bảy. Đĩa đơn này nhanh chóng giữ vị trí thứ tư tại Gaon Album Chart. Cuối năm 2012, album đã bán được hơn 20 nghìn bản, một con số đáng gờm đối với một tân binh như NU’EST.
Sau những thành tích ấy, Pledis ngày càng tiến xa hơn trong lĩnh vực đào tạo nghệ sĩ và có thể trở thành đối thủ đáng gờm của YG Entertainment, JYP Entertainment hay những công ty giải trí khác. Các nghệ sĩ cũng được khen ngợi khi giúp tên tuổi công ty vươn lên đỉnh cao mới chỉ trong thời gian ngắn.
Có thể nói, năm 2012 là năm thành công nhất kể từ khi thành lập của Pledis Entertainment. Tất cả các nghệ sĩ của công ty đều đang ở trên đỉnh cao danh vọng hoặc đang có sự khởi đầu vô cùng thuận lợi.
Tháng ngày tuột dốc và khủng hoảng sau nước cờ sai lầm
Phần lớn các công ty giải trí xứ Hàn đều biết rằng cần phải tạo chỗ đứng vững chắc cho “gà nhà” tại thị trường trong nước trước khi có ý định mang chuông đi đánh xứ người. Tuy nhiên, Pledis có vẻ như đã quên mất điều đó và sự yếu kém trong khâu quản lý của họ dần xuất hiện.
Mới gặt hái được một chút thành công ở Hàn Quốc, Pledis đã ngay lập tức đẩy NU’EST ra các thị trường nước ngoài. Sau đĩa đơn mở rộng Action, nhóm đã dừng phần lớn hoạt động ở Hàn Quốc để tổ chức sự kiện ở Nhật Bản, Đông Nam Á và Hoa Kỳ.
Thậm chí, nhóm còn tổ chức buổi diễn kỷ niệm một năm ra mắt của nhóm tại Nhật Bản chứ không phải Hàn Quốc. Đến khi NU’EST trở lại thị trường Hàn Quốc vào năm 2013 với các đĩa đơn Hello và Sleep Talking thì sức hút lẫn người hâm mộ của nhóm đã không còn như trước.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi NU’EST vẫn thỉnh thoảng trở lại Kpop với các ca khúc như Good Bye Bye hay Overcome nhưng chiến lược quảng bá sai lầm và lượng người hâm mộ yếu khiến sức hút của họ tại Hàn đã gần như bằng không.
Dẫu vậy, Pledis vẫn kiên trì với tham vọng kiếm ngoại tệ bằng việc cho NU’EST xâm nhập thị trường Trung Quốc và ra mắt tại Nhật. Nhóm có đạt được một số thành công nhất định nhưng nhìn chung đều không như mong muốn của Pledis.
Nhóm nhạc trụ cột của Pledis là After School cũng gặp phải nhiều khó khăn trong giai đoạn từ 2012 đến 2013, một phần do mô hình của nhóm. Từ lúc ra mắt, đã có hai thành viên trụ cột rời nhóm là Soyoung và Bekah.
Tuy vậy, phải đến khi trưởng nhóm Kahi tuyên bố rời đi vào tháng sáu năm 2012 thì vấn đề mới trở nên nghiêm trọng. Cô được coi là chị cả và là thành viên thu hút nhất nhì của After School nên mất đi Kahi trở thành mất mát lớn đối với các thành viên và người hâm mộ.
Chính điều này cùng với việc hoạt động quá lâu tại Nhật Bản trước đó đã khiến lần trở lại của After School với ca khúc First Love không đạt được thành công như mong đợi.
After School đem vũ đạo múa cột huyền thoại lên sân khấu Kpop
Dù được khen ngợi về vũ đạo múa cột, thứ hạng thấp trong các bảng xếp hạng và doanh số bán đĩa chỉ khoảng 13 nghìn bản là một nỗi thất vọng khi so với danh tiếng trước đây. Kể từ đó, After School biến mất hoàn toàn khỏi Kpop và chỉ hoạt động nhỏ lẻ tại thị trường Nhật Bản.
Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi cả Kahi và ca sĩ solo nổi tiếng Son Dam Bi cũng dứt áo ra đi sau gần mười năm gắn bó. NU’EST mất hết sức hút ban đầu và phải vật lộn với nhiều đàn em trẻ trung trong khi After School đã qua thời kỳ đỉnh cao và không hẹn ngày tái ngộ khán giả.
Sai lầm lớn nhất mà Pledis Entertainment mắc phải chính là quên mất đi việc củng cố tầm ảnh hưởng của các nhóm nhạc tại Hàn Quốc, thay vì chỉ tập trung cho họ quảng bá tại nước ngoài. Chỉ vì nước cờ sai lầm này, công ty rơi vào khủng hoảng kéo dài và danh tiếng giảm đáng kể.
Người cũ hay thành viên sáng lập của công ty rủ nhau đi tìm bến đỗ mới và tại thời điểm năm 2015, Pledis Entertainment đã gần như vườn không nhà trống.
Cú đặt cược vào định mệnh của Pledis Entertainment
Năm 2015 là giai đoạn vô cùng khó khăn của Pledis Entertainment khi đứng trước bờ vực phá sản bởi những khủng hoảng do sai lầm trong cách định hướng hoạt động nghệ sĩ. Dù vậy, công ty vẫn quyết định chơi một “ván bài” lớn xem như cú chốt hạ cuối cùng.
Pledis tuyên bố ra mắt SEVENTEEN, nhóm nhạc nam gồm hầu hết thực tập sinh mà họ đang có vào thời điểm đó. Đây quả là một quyết định liều lĩnh nhưng lại là tất yếu, mang tính chất sống còn vì khi ấy họ chẳng còn gì để mất.
Nếu SEVENTEEN ra mắt thành công, Pledis sẽ thoát khỏi nguy cơ phá sản nhưng nếu nhóm thất bại, công ty sẽ mất hết số vốn ít ỏi còn lại. Lúc ấy, vận mệnh của Pledis Entertainment cũng như tương lai của nhiều thần tượng khác thật sự đè nặng lên vai của mười ba chàng trai.
Giữa năm 2015, SEVENTEEN chính thức “chào sân” Kpop với ca khúc Adore U trong album đầu tay 17 Carat. Ca khúc do chính thành viên nhóm tự sản xuất còn MV và trang phục có phần sơ sài của họ phần nào thể hiện những khó khăn tài chính của Pledis.
Album đậm chất con nhà nghèo đã gián tiếp cho thấy sự khó khăn của Pledis Entertainment
Ấy thế nhưng chính sự đơn giản, “cây nhà lá vườn” cùng tài năng tỏa sáng này đã thật sự mang đến kì tích cho nhóm. Mini album bán được tận 20 nghìn bản trong tuần đầu phát hành, đạt vị trí thứ tư trên Korean Gaon Chart.
Đáng chú ý hơn, đây cũng là album duy nhất của một tân binh được vinh danh trên bảng xếp hạng 10 Best Kpop Albums năm 2015 do Billboard bình chọn.
Thành công lại mỉm cười với SEVENTEEN khi mini album thứ hai Boys Be trở thành album tân binh bán chạy nhất trong năm 2015 với doanh số hơn 120 nghìn bản. Nhóm đã nhận được ba giải tân binh của Golden Disk Awards, Seoul Music Awards and Gaon Chart Kpop Awards.
Ngoài ra, SEVENTEEN cũng trở thành nhóm nhạc Kpop duy nhất có tên trong danh sách 21 Under 21: Music’s Hottest Young Stars năm 2015 của Billboard. Có thể nói, Pledis Entertainment đã thắng một ván cược định mệnh nhờ sự liều lĩnh dành cho nhóm nhạc này.
Rút kinh nghiệm từ NU’EST, Pledis đã không vội vã cho SEVENTEEN ra thị trường nước ngoài để kiếm tiền nhanh chóng. Thay vào đó, công ty quyết định tạo chỗ đứng vững chắc cho nhóm tại quê nhà Hàn Quốc.
Vì vậy từ 2015 đến 2016, nhóm chủ yếu hoạt động và tổ chức các buổi biểu diễn tại Hàn để gây dựng lực lượng người hâm mộ của mình. Đầu năm 2016, SEVENTEEN phát hành album đầu tiên có tên Love Letter.
Pretty U là ca khúc giúp SEVENTEEN nhận được chiếc cúp tuần đầu tiên trong sự nghiệp
Ngoài việc đạt thứ hạng cao tại các bảng xếp hạng trong nước, bài hát chủ đề Pretty U cũng mang lại cúp âm nhạc hàng tuần đầu tiên trong sự nghiệp của SEVENTEEN. Album này giúp nhóm được vinh danh trong số các nhóm nhạc có album bán chạy nhất năm 2016 của Gaon.
Sự thành công to lớn của SEVENTEEN đã đem lại cho Pledis nguồn tài chính dồi dào để tái đầu tư cho các nhóm nhạc khác của mình, điển hình là NU’EST. Kể từ đó, Pledis đã cho nhóm hoạt động tại Hàn đều đặn hơn trên các chương trình tạp kỹ và tăng thời gian quảng bá ca khúc mới.
Những năm phục hưng của Pledis Entertainment
Dù 2016 đã là một năm tương đối sáng sủa với Pledis Entertainment nhưng phần lớn người hâm mộ đều nhận định rằng 2017 mới là năm hoạt động tốt nhất của công ty này. Đầu năm, Pledis đã cho ra mắt thành công Pristin, nhóm nhạc nữ mới nhất của công ty.
Ngay từ trước khi ra mắt, Pristin đã thu hút sự chú ý của khán giả khi được coi là đối thủ nặng ký của nhóm nữ hàng đầu Kpop là TWICE. Sức hút của Pristin còn đến từ hai thành viên Nayoung và Kyulkyung từng hoạt động trong nhóm nhạc đình đám I.O.I bước ra từ Produce 101.
Mini album đầu tay Hi! Pristin của nhóm đã bán được hơn 23 nghìn bản trong tháng đầu tiên, giúp nhóm được mệnh danh là “tân binh khủng long” đáng mong chờ. Trong cùng năm, mini album thứ hai Schxxl Out cũng đạt nhiều thành tích tốt trên các bảng xếp hạng trong và ngoài nước.
Tiếp theo, không thể không kể đến màn lội ngược dòng ngoạn mục của NU’EST. Dù từ cuối năm 2016, NU’EST đã dần có chỗ đứng tại Kpop nhưng chỉ khi Pledis cho bốn thành viên của nhóm tham dự Produce 101 mùa hai thì nhóm mới thu hút được nhiều sự chú ý của công chúng.
Nhờ quyết định này của Pledis mà sau khi kết thúc cuộc thi, tên tuổi của NU’EST đã lên như “diều gặp gió”. Các bài hát trước đó của nhóm như Hello thậm chí còn đạt vị trí khả quan trên các bảng xếp hạng âm nhạc còn thành viên Minhyun cũng hoạt động ổn định trong Wanna One.
Tháng mười năm 2017, nhóm đã giành được chiếc cúp âm nhạc đầu tiên trên Mnet Countdown với ca khúc Where You At. Album W, Here của nhóm cũng tẩu tán được hơn 200 nghìn bản ngay trong tuần đầu tiên.
“Công thần phục quốc” SEVENTEEN cũng có màn trở lại thành công trong năm này với album Al1 phát hành vào tháng năm. Với doanh số 190 nghìn bản trong bảy ngày kể từ khi phát hành, nhóm trở thành một trong mười nghệ sĩ có tốc độ bán album tuần đầu nhanh nhất.
Don’t Wanna Cry là bài hát đột phá trong sự nghiệp của SEVENTEEN vì mức độ đầu tư khủng
Đây cũng là lần trở lại thành công nhất từ trước tới giờ của SEVENTEEN khi thử nghiệm thể loại EDM trong ca khúc chủ đề Don’t Wanna Cry. Với nội dung và hình ảnh trưởng thành, ca khúc lại được công chúng đón nhận rất nồng nhiệt suốt một thời gian dài.
Cả SEVENTEEN, NU’EST và Pristin đều được đề cử ở các hạng mục quan trọng của MAMA 2017 như Nhóm nhạc của năm hay Tân binh của năm, chứng tỏ thành công bước đầu của họ cũng như của Pledis Entertainment trong việc vực dậy công ty sau những quyết định sai lầm.
Một lần nữa sai lầm và tiếng xấu không thể vãn hồi
Thời gian trở lại đây, người hâm mộ khá hài lòng với cách làm việc của Pledis Entertainment bởi sự đầu tư bài bản và công bằng với các nghệ sĩ. Pledis cũng có sự phân chia lợi nhuận hợp lý và không có dấu hiệu bóc lột nghệ sĩ, khiến cho họ ngày càng được tin tưởng.
Tuy nhiên, ở Pledis Entertainment vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối, đặc biệt là cách quản lý nhân sự yếu kém. Bằng chứng là, giai đoạn 2018 – 2019 chứng kiến hàng loạt sự ra đi của các cựu nghệ sĩ chủ lực của công ty.
Vào thời điểm ra mắt, After School nhanh chóng chiếm được cảm tình của công chúng nhờ sự xinh đẹp, tài năng cùng phong cách quyến rũ và mạnh mẽ. Tuy nhiên, chiến lược của Pledis đã khiến After School lao dốc khi cho họ đi theo mô hình tốt nghiệp.
Việc liên tục thay đổi thành viên làm mất đi nhiều gương mặt trụ cột, ảnh hưởng đến trật tự trong nhóm và gây suy giảm lượng người hâm mộ quen thuộc. Công ty cũng quá mải mê với việc đẩy mạnh hoạt động của After School tại Nhật khiến họ dần bị công chúng quê nhà lãng quên.
Họ trở lại lần cuối cùng vào năm 2013 rồi bị Pledis “bỏ xó” bất chấp sự kêu gọi, phản ánh của người hâm mộ. Không có hoạt động nhưng Pledis chẳng để nhóm tan rã khiến nhiều thành viên đã phải lãng phí tuổi xuân chỉ để chờ đến khi hợp đồng kết thúc.
Lizzy, Raina và E-Young là những thành viên After School phải chịu cảnh rời đi để tìm cơ hội mới sau những tháng ngày khắc khoải. Bên cạnh đó, ca sĩ tài năng Han Dong Geun cũng “đường ai nấy đi” với Pledis sau bảy năm gắn bó.
Trong khi đó, thay vì để những nghệ sĩ lâu năm trở lại sân khấu, công ty lại tiếp tục cho hai thành viên After School là Lee Kaeun và Heo Yun Jin tham gia chương trình sống còn Produce 48. Có lẽ, Pledis mong muốn lặp lại kịch bản năm xưa của NU’EST nhằm cứu vớt nhóm nhạc này.
Tưởng chừng đã nắm chắc một vị trí trong đội hình ra mắt vì luôn đạt thành tích cao trong suốt quá trình tham gia, Kaeun bất ngờ dừng chân trong đêm chung kết. Lỡ hẹn với giấc mộng thần tượng Kpop, Kaeun đành ngậm ngùi rời khỏi Pledis để tìm kiếm con đường riêng.
Như vậy, sau mười năm tồn tại, After School chính thức chỉ còn ba thành viên và ngày trở lại thì vô cùng mù mịt. Ở thời điểm này, thứ mà người hâm mộ có thể chờ có lẽ duy nhất chỉ là lời thông báo nhóm chính thức tan rã từ phía Pledis mà thôi.
Thế nhưng ít ra After School còn trải qua giai đoạn hoàng kim, còn các cô em Pristin của họ rơi vào cảnh “chưa nở đã tàn”. Sau chuỗi ngày hoạt động ít ỏi, Pristin cũng bị “đóng băng” hoạt động vô thời hạn mà không có nguyên nhân thỏa đáng.
Vào tháng Năm 2019, nhóm tan rã sau hai năm ngắn ngủi, càng đáng tiếc hơn khi trong nhóm có những thành viên gắn bó với Pledis đến mười năm nhưng nay phải rời đi.
Từ đó, rất nhiều bình luận ác ý đến từ cư dân mạng Hàn Quốc cho rằng Pledis Entertainment là “khắc tinh” của thần tượng nữ khi tạo ra những nhóm nữ tài sắc vẹn toàn, có nhiều tiềm lực phát triển nhưng rồi lại lãng phí tài năng của họ.
Các hoạt động liên doanh khác của Pledis Entertainment
Theo danh sách của Cổng thông tin Hàn Quốc, Pledis chiếm giữ vị trí thứ sáu trong nhóm mười công ty giải trí hàng đầu Kpop. Để đạt được vị trí này, Pledis Entertainment còn tham gia vào nhiều hoạt động kết hợp và liên doanh nhằm đẩy mạnh và gìn giữ thương hiệu.
Cuối năm 2010, Pledis lần đầu tiên cho ra mắt album của các nghệ sĩ trong công ty gồm Son Dam Bi và After School với tựa đề Happy Pledis như một món quà bất ngờ cho người hâm mộ. Một phần lợi nhuận từ album sẽ được tặng cho tổ chức Save the Children.
Happy Pledis 2012 được phát hành sau đó với sự góp giọng của Son Dam Bi, After School, NU’EST, Hello Venus cùng các thực tập sinh khác của công ty. Album vừa là món quà dành tặng người hâm mộ, vừa trích lợi nhuận để quyên góp cho quỹ UNICEF.
Cũng trong năm này, Pledis hợp tác cùng Fantagio Music để cho ra mắt nhóm nhạc tân binh thứ hai trong năm với tên gọi Hello Venus. Nhóm gồm Yoo Ara, Lime và Yoonjo đến từ Pledis và các thành viên còn lại đến từ Fantagio.
Kể năm 2018, Pledis đã có sự hợp tác với CJ E&M, công ty chủ quản của Mnet để phát triển trong mảng phân phối âm nhạc. Dù tập đoàn này có ý định “thâu tóm” Pledis để thuận lợi thâm nhập thị trường quốc tế, hai bên đã không đạt được thỏa thuận đàm phán như mong đợi.
Tuy nhiên, sự kiện này đã thuận lợi “trải đường” cho Pledis tiếp quản và đào tạo nhóm Fromis 9, nhóm nữ bước ra từ chương trình thực tế Idol School của Mnet. Stone Music Entertainment, CJ E&M và Pledis được cho là hoạt động dưới danh nghĩa công ty con Off The Record.
Bên cạnh đó, Pledis cũng đóng góp không ít công sức vào các chiến lược phát triển của IZ*ONE, nhóm nhạc thành danh từ Produce 48. Hợp tác với Swing Entertainment dưới danh nghĩa Off The Record, công ty đã tham gia sản xuất ba album chính của nhóm từ khi ra mắt.
Tuy nhiên, vào đầu tháng Ba 2020, Chủ tịch Han Sung Soo đã thông báo về việc ngừng làm nhà sản xuất các album của IZ*ONE trong tương lai. Sau tuyên bố này, Swing Entertainment toàn quyền đảm nhận việc phát hành album trở lại mới nhất của nhóm mang tên Oneiric Diary.
Swing vốn là công ty thường xuyên dính nhiều tranh cãi và lần này cũng không phải ngoại lệ. Từ phong cách, ảnh nhá hàng, ca khúc cho đến MV mới nhất của IZ*ONE đều bị công chúng chê trách về chất lượng đi xuống hẳn so với những đợt tái xuất trước.
Việc thay đổi đơn vị quản lý đã khiến toàn bộ gánh nặng dồn lên những thành viên trong nhóm, đặc biệt là nhóm trưởng Kwon Eunbi. Không có sự hỗ trợ của giáo viên hay bất kỳ ai, cô phải đảm nhiệm trọng trách giám sát và tập luyện vũ đạo cho IZ*ONE.
Những MV đầu tiên được cộng đồng mạng đem ra làm thước đo cho MV mới nhất của nhóm
Việc nhận quản lý thêm IZ*ONE rồi rời đi khi nhóm đang trên đà phát triển khiến Pledis nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Một mặt, người hâm mộ của các nghệ sĩ nhà Pledis mong muốn công ty chăm lo cho nghệ sĩ trong nhà trước khi lo chuyện thiên hạ thay vì nhận thêm nhóm mới.
Cũng giống như fan, công chúng cũng tỏ ra nghi ngờ về năng lực quản lý của Pledis bởi công ty có nhân lực khá mỏng, lo cho hết nghệ sĩ của công ty đã khó chứ chưa nói đến những nhóm nhạc dự án như Fromis 9 hay IZ*ONE.
Đầu năm 2020, Big Hit Entertainmenttrở thành cổ đông lớn nhất của Pledis Entertainment, đồng nghĩa với việc nắm giữ toàn bộ nghệ sĩ của công ty này. Ngoài việc nhận hỗ trợ tài chính và chuyên gia từ Big Hit, Pledis vẫn sẽ hoạt động như một công ty độc lập.
Người hâm mộ tinh ý sẽ nhận ra tham vọng bành trướng lớn lao của Big Hit, công ty chủ quản của BTS và TxT, trong việc lựa chọn Pledis là công ty đầu tiên để thầu lại. Lý do đầu tiên và lớn nhất có lẽ chính là dàn thần tượng nhà Pledis có khả năng tự sáng tác và làm nhạc.
SEVENTEEN nổi tiếng là nhóm nhạc tự sản xuất từ âm nhạc cho tới vũ đạo, NU’EST có Baekho vừa là giọng ca chính, vừa là nhà sản xuất. Đây là điều Big Hit rất trân trọng và mong muốn phát triển, phá vỡ rập khuôn “công thức tạo hit” của nền âm nhạc Kpop.
Cũng giống như các nhóm nhạc thần tượng, các công ty giải trí ở Hàn Quốc cũng xuất hiện và biến mất nhanh không kém. Chỉ cần công ty nào mắc sai lầm trong đường lối phát triển thì sẽ bị đào thải khỏi thị trường ngay lập tức.
Pledis Entertainment đã từng suýt biến mất, chỉ nhờ những cải tổ kịp thời và một chút may mắn mới có thể mới tồn tại được đến ngày nay. Hy vọng trong tương lai, Pledis sẽ rút ra được nhiều bài học từ các sai lầm trước đây để hoạt động hiệu quả và chất lượng hơn.
Khánh An Hoàng
Khánh An Hoàng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất