Andrew Garfield là nam diễn viên nổi tiếng người Mỹ, anh được công chúng biết đến qua các vai diễn nổi bật như Peter Parker ở The Amazing Spider-Man, Desmond Doss của Hacksaw Ridge hay gần đây là Jonathan Larson trong Tick, Tick…Boom!
Gần hai mươi năm cống hiến cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy, Andrew Garfield hiện sở hữu 38 giải thưởng và 128 đề cử. Nổi bật trong số đó là giải Quả cầu Vàng cho Diễn viên điện ảnh xuất sắc nhất và đề cử Oscar ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
Andrew Garfield cùng ước mơ thuở niên thiếu
Andrew Russell Garfield sinh năm 1983 tại thành phố Los Angeles, bang California. Nam diễn viên kế thừa từ Lynn Garfield, người mẹ gốc Essex mái tóc xoăn vàng rực rỡ cùng đôi mắt nâu, thần thái dí dỏm của ông bố Richard Garfield.
Thuở nhỏ, Andrew theo học trường Priory ở Banstead và sau đó chuyển đến trường City of London Freemen’s School. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh ghi danh vào trường Diễn thuyết và kịch nói trung ương của London và tốt nghiệp năm 2004.
Thời niên thiếu, Andrew từng là vận động viên thể dục và bơi lội xuất sắc nhưng lại ước muốn theo học ngành quản trị kinh doanh nhằm nối nghiệp gia đình, tiếp quản một công ty thiết kế nội thất nhỏ.
Tuy nhiên, việc tham gia một số lớp diễn xuất và các vở kịch ở trường khiến Andrew trở nên “nặng lòng” với môn nghệ thuật thứ bảy, do đó anh quyết tâm theo đuổi nghiệp diễn từ năm mười sáu tuổi.
“Hồi còn nhỏ, tôi từng ước mơ rất nhiều thứ, được xuất hiện trong một bộ phim, trở thành một vận động viên Olympic hay siêu sao nhạc Rock. Nhưng tôi chưa bao giờ thật sự nghiêm túc với những việc đó cả. Về sau, tôi bắt đầu hứng thú trở lại với điện ảnh và viễn cảnh tiềm năng của niềm đam mê ấy.” – Andrew Garfield chia sẻ với The Hollywood Reporter
Tuy nhiên, đã có một khoảng thời gian Andrew phải tạm gác đam mê diễn xuất để chuyên tâm vào mục tiêu học ngành quản trị kinh doanh được định hướng từ trước.
Những bước đi đầu tiên trên con đường diễn xuất của Andrew Garfield
Thời điểm bắt đầu diễn xuất, Andrew Garfield chẳng có gì trong tay ngoài một số kĩ năng từng được học khi tham gia các vở kịch. Anh không phải chàng trai có ngoại hình xuất chúng, cũng không có kinh nghiệm diễn xuất sâu rộng.
Do đó, phải mất hai năm kể từ vai diễn đầu tay, Andrew mới có cơ hội trở thành nam chính trong một tác phẩm Điện ảnh. Đặc biệt hơn, tác phẩm Boy A mà anh tham gia đã mang về giải BAFTA ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
Khởi đầu với loạt phim truyền hình nổi tiếng
Năm 2005, Andrew Garfield có vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp khi thủ vai Tom trong Sugar Rush, chương trình truyền hình dành cho khán giả thiếu niên, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Julie Burchill.
Lấy bối cảnh thành phố biển Brighton, Sugar Rush xoay quanh cô bé Kim Daniels (Olivia Hallinan thủ vai), người có phần rụt rè và nhạy cảm. Cuộc hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ đã trở thành cái bóng tâm lý khiến Kim dần khép mình với xã hội.
Sự xuất hiện của Maria “Sugar” (Lenora Crichlow thủ vai) đã thắp sáng tâm hồn Kim và dần nhen nhóm trong lòng cô mối tình đơn phương với người bạn đồng trang lứa. Trái lại, Tom dù thương nhớ Kim nhưng không nhận được sự hồi đáp.
Sau khi ra mắt, Sugar Rush được đông đảo khán giả quan tâm nhưng sự chú ý chỉ dồn cho Olivia và Lenora, trái lại Andrew không để lại nhiều ấn tượng trước câu chuyện tình yêu giữa hai nhân vật chính.
Năm 2007, nam diễn viên thu hút sự chú ý của công chúng khi tham gia Doctor Who (Season 3), tác phẩm mà anh đã chia sẻ rất nhiều về sự vinh dự và cảm kích khi được góp mặt trong hai tập Daleks in Manhattan và Evolution of the Daleks.
Doctor Who là bộ phim truyền hình khoa học viễn tưởng do đài BBC sản xuất được phát sóng lần đầu năm 1963, kể về những cuộc phiêu lưu của một Time Lord thuần chủng đến từ hành tinh Gallifrey với danh xưng “Doctor”.
Trong phim, Andrew vào vai Frank, một thanh niên sống ở Hooverville, New York. Anh góp phần không nhỏ trong việc chống lại chủng tộc Daleks cùng bác sĩ thứ mười (David Tennant thủ vai) và người bạn đồng hành Martha Jones (Freema Agyeman thủ vai).
Với kịch bản hài hước, Doctor Who đã trở thành một trong những tượng đài của văn hoá Anh Quốc và là chương trình được yêu thích ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Năm 1996, bộ phim đoạt giải Saturn cho Phim truyền hình xuất sắc nhất.
Giống như Sugar Rush, thành công vang dội của Doctor Who chưa thể đưa tên tuổi của Andrew Garfield tiến gần hơn với công chúng. Thời lượng xuất hiện ít ỏi cùng diễn xuất mờ nhạt khiến Frank không để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.
Tuy nhiên, đây là cơ hội hiếm hoi để Andrew học hỏi kinh nghiệm từ nhiều gương mặt cốt cán của điện ảnh nước nhà, đồng thời đưa tên mình vào danh sách những diễn viên trẻ tiềm năng tại Anh Quốc.
Vai diễn điện ảnh đầu tay trong Lions for Lambs (2007)
Thành công bước đầu tại quê nhà đã đem đến cho Andrew tấm vé thông hành đến kinh đô điện ảnh thế giới. Tại đây, anh có màn “chào sân” với tác phẩm tâm lý Lions for Lambs (2007) dưới sự dẫn dắt của đạo diễn Robert Redford.
Sự góp mặt trong dự án Lions for Lambs là cơ hội để Andrew được sát cánh bên cạnh những diễn viên gạo cội như Tom Cruise, Meryl Streep và Robert Redford. Tác phẩm cũng đánh dấu sự ra mắt chính thức của anh trong vai trò diễn viên điện ảnh.
“Tôi thật may mắn khi được ở đó làm việc trong cùng một dự án với họ, mặc dù tôi không thực sự mong đợi sẽ được khán giả công nhận sau này.” – Andrew Garfield không giấu nổi niềm hào hứng khi trả lời phỏng vấn với Variety
Tất cả những điều đó đã phần nào thể hiện được tài năng của Andrew Garfield, hứa hẹn một tương lai tươi sáng của nam diễn viên trong lĩnh vực điện ảnh bất chấp tuổi nghề vẫn còn rất trẻ.
Sau sự kiện 11/9 đẫm máu, nước Mỹ quyết tâm lật đổ Saddam Hussein và tiêu diệt Bin Laden. Giống những cuộc chiến trước đã tham gia, Mỹ không đạt được kết quả như mong muốn.
Cơn giận dữ qua đi cũng là lúc họ sa lầy vào cuộc chiến khi tiêu tốn quá nhiều tiền của, sinh mạng. Khi đó, thượng nghị sĩ Jasper Irving (Tom Cruise thủ vai) đề xuất một chiến dịch mới và cần tới công tác tuyên truyền bởi phóng viên Janine (Meryl Streep thủ vai).
Trong bối cảnh ấy, vị giáo sư Stephen Malley (Robert Redford thủ vai) lưỡng lự trước quyết định gia nhập quân đội để thể hiện lòng yêu nước của những cậu học trò. Mỗi nhân vật mang một câu chuyện khác nhau nhưng cùng vẽ lên bối cảnh đau thương trong lòng nước Mỹ.
Được lấy cảm hứng từ chính biên kịch Matthew Carnahan, nhân vật Todd Hayes do Andrew Garfield đảm nhận là một sinh viên tiềm năng nhưng đầy kiêu ngạo. Anh băn khoăn trước những lựa chọn dưới sự khuyên nhủ của giáo sư Stephen Malley.
Sau khi công chiếu, Lions for Lambs nhận về ý kiến trái chiều từ khán giả và giới phê bình khi chỉ đạt số điểm 6.2 trên chuyên trang IMDb. Tờ Guardian cho rằng đó là “một bộ phim hỗn độn và hào nhoáng về cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ.”
Giải BAFTA đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất
Cùng năm đó, Andrew Garfield tham gia dự án Boy A trong vai Jack Burridge, một tên tội phạm khét tiếng đang cố gắng tìm kiếm cuộc sống mới sau khi ra tù. Vai diễn đã mang về cho anh giải BAFTA cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
Được chấp bút bởi biên kịch Mark O’Rowe và Jonathan Trigell, Boy A là hành trình tìm lại bản ngã của tên tội phạm Jack Burridge sau quá khứ lầm lỗi. Khi ra tù, anh được sống với thân phận mới dưới sự giám sát của người giám hộ.
Sống giữa lằn ranh thiện – ác mong manh, Jack vẫn tìm được chút ánh sáng còn sót lại của lương tri để rồi khát khao làm lại cuộc đời tiếp tục trỗi dậy. Tuy nhiên, lỗi lầm thời niên thiếu còn ám ảnh, trở thành bóng đen tâm lý bủa vây tâm hồn anh.
Với màn hóa thân trọn vẹn cho Jack Burridge, nam diễn viên nhận về nhiều lời tán dương từ giới phê bình. Cây bút Amy Biancolli của Houston Chronicle đã nhận xét “không còn nghi ngờ gì về sự thông minh và nhạy cảm” trong vai diễn của Andrew.
“Andrew Garfield thể hiện thành công một người đàn ông trưởng thành nhưng tâm hồn chất chứa nhiều thương tổn. Anh ấy từng bước đưa khán giả đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật xuyên suốt những cung bậc cảm xúc và điều đó được giới chuyên môn đánh giá cao.” – Nhà phê bình Nick Rogers
Năm 2008, lễ trao giải BAFTA đã chứng kiến chiến thắng vang dội của Boy A khi tác phẩm có mặt ở nhiều đề cử. Trong đó, danh hiệu Dựng phim xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất đều thuộc về đạo diễn John Crowley.
Andrew Garfield – Từ gương mặt tẻ nhạt tới một cái tên đầy hứa hẹn
Suốt khoảng thời gian sau đó, Andrew Garfield miệt mài tham dự nhiều dự án điện ảnh khác nhau nhưng tiếc rằng anh vẫn chưa thể có được cơ hội nào đáng giá.
Năm 2010, mọi nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng khi nam diễn viên tham gia Never Let Me Go và The Social Network, hai tác phẩm tạo nên bước ngoặt lớn trong sự nghiệp theo đuổi diễn xuất của Andrew Garfield.
Never Let Me Go nhấn chìm người xem trong nỗi đau khổ u tối
Never Let Me Go do đạo diễn Mark Romanek, “cha đẻ” tác phẩm kinh dị One Hour Photo (2002) thực hiện. Đây cũng là bộ phim đánh dấu sự trở lại của “bông hồng nước Anh” Keira Knightley sau một thời gian dài vắng bóng trên màn ảnh.
Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kazuo Ishiguro, Never Let Me Go theo bước Kathy H (Carey Mulligan thủ vai) lật giở từng trang ký ức bình dị mà buồn thảm.
Lấy bối cảnh tại một vùng quê thanh bình nước Anh, bộ phim kể về ba đứa trẻ Kathy, Ruth (Keira Knightley thủ vai), Tommy (Andrew Garfield thủ vai) đang theo học nội trú tại ngôi trường Hailsham trong chế độ giáo dục và chăm sóc chu đáo.
Chúng được dạy dỗ nhằm tin rằng bản thân là người đặc biệt cho đến ngày khôn lớn, để rồi đau đớn khi nhận ra bí mật kinh hoàng, tất cả trẻ em ở Hailsham đều là những phiên bản vô tính để phục vụ cho một mục đích đen tối khác.
Trong Never Let Me Go, Andrew vào vai Tommy D, một chàng trai lập dị, đa cảm không may vướng vào mối tình tay ba đầy uẩn khúc với hai người bạn thân. Để chuẩn bị cho vai diễn, anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và luyện tập.
“Tôi đã nghiên cứu kỹ càng vai diễn của mình và nhận thấy, luôn có một điều gì đó u sầu trong những nhân vật này, đặc biệt là với Tommy D, một anh chàng đa cảm, đầy bản năng và tôi phải tái hiện lại điều đó.” – Nam diễn viên chia sẻ về quá trình thực hiện bộ phim
Carey Mulligan, Andrew Garfield thực sự là Kathy H và Tommy D bước ra từ trong trang văn của Kazuo Ishiguro, họ đã mang đến một tình yêu đẹp đẽ nhưng chất chứa khổ đau làm lay động trái tim hàng triệu người xem.
Sau khi công chiếu, Never Let Me Go ghi nhận mức thua lỗ đến hơn năm triệu đô. Tuy nhiên, bộ phim đã để lại nhiều ấn tượng buồn và “ẩn chứa một sức ám ảnh trực tiếp” cho khán giả theo tờ Boston Globe.
Bên cạnh đó, giới chuyên môn đều nhận định Tommy D được tạo ra để dành cho Andrew Garfield, diễn xuất ấn tượng cùng hóa thân trọn vẹn của anh đã đem đến màn trình diễn “khiếp đảm kinh hoàng”.
Màn hóa thân của Andrew trong Never Let Me Go đã thực sự thuyết phục khán giả khi đem về cho anh danh hiệu Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất của Saturn Awards và đề cử Quả cầu vàng danh giá ở hạng mục cùng tên.
Bước ngoặt trong sự nghiệp diễn xuất với The Social Network (2010)
Xoay quanh tỷ phú Mark Zuckerberg, The Social Network (2010) đã làm khuynh đảo các phòng vé Bắc Mỹ khi dẫn đầu bảng xếp hạng trong vòng hai tuần liên tiếp và là một thành tích ấn tượng đối với tác phẩm điện ảnh thuộc dòng tiểu sử.
Xuyên suốt The Social Network là hành trình lập nên mạng xã hội Facebook toàn cầu của cậu sinh viên Mark Zuckerberg (Jesse Eisenberg thủ vai) và doanh nhân trẻ người Brazil Eduardo Saverin (Andrew Garfield thủ vai).
Khán giả khó có thể quên được phân cảnh Eduardo giận dữ đập vỡ chiếc máy tính cùng màn đối thoại căng thẳng với Mark, người xem không khỏi xót xa trước những bất công mà anh phải chịu đựng trên hành trình khởi nghiệp cùng người bạn thân.
Để phân cảnh trở nên hoàn hảo, Andrew đã thực hiện tới bốn mươi lần, đập vỡ hàng chục chiếc máy tính trong nhiều giờ đồng hồ. Nỗ lực này giúp anh được vinh danh tại nhiều lễ trao giải, trong đó có BAFTA và Quả cầu Vàng cho hạng mục Nam diễn phụ xuất sắc nhất.
“Tất cả chúng ta đều biết anh ấy là một trong những điều tuyệt vời nhất của The Social Network. Hãy chú ý hơn đến cái tên Andrew Garfield trong tương lai.” – Tờ BBC
Sau khi công chiếu, The Social Network trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh thành công nhất năm 2010 khi nhận tổng cộng 168 đề cử tại nhiều lễ trao giải điện ảnh khác nhau và chiến thắng đến 165 giải.
Có thể nói, The Social Network chính là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong sự nghiệp của Andrew, đồng thời là bệ phóng đưa tên tuổi của anh được chú ý nhiều hơn tại Hollywood.
The Amazing Spider-Man: Mảng kí ức đẹp nhưng đượm buồn
Năm 2012, Andrew Garfield được Sony “chọn mặt gửi vàng” cho vai chính trong loạt dự án tái khởi động thương hiệu Người Nhện, anh phải cạnh tranh với hàng loạt diễn viên tài năng như Aaron Taylor-Johnson, Logan Lerman, Josh Hutcherson.
Tranh cãi lập tức nổ ra khi Sony quyết định trao một vai diễn “khổng lồ” cho Andrew Garfield, người chưa từng thử sức với thể loại phim hành động, dẫu biết những nỗ lực mà nam diễn viên thể hiện trước đó là không thể phủ nhận.
Bất chấp sự tranh cãi của dư luận, đạo diễn Marc Webb liên tục có những động thái bảo vệ nam diễn viên chính khi cho rằng đã “nhìn thấy khí chất và tiềm năng to lớn bên trong Andrew” kể từ sau thành công của The Social Network.
Việc được tuyển chọn cho vai diễn Peter Parker khiến Andrew Garfield cảm thấy vô cùng phấn khích, bởi anh thừa nhận rằng đây chính là siêu anh hùng mình đã đem lòng yêu mến và hâm mộ từ khi còn là một cậu bé.
Tuy nhiên, việc phải đảm nhận một hình tượng mang sức ảnh hưởng toàn cầu như Spider-Man trở thành áp lực khổng lồ cho chàng diễn viên trẻ, chưa kể đến việc anh phải tìm cách vượt qua cái bóng mà Người Nhện Tobey Maguire đã để lại.
Không làm phụ lòng người hâm mộ, Andrew Garfield đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu các động tác, tư thế của vận động viên cũng như đặc tính loài nhện. Bên cạnh đó, anh còn tập yoga và pilates để khiến cơ thể dẻo dai và linh hoạt hơn.
Những nỗ lực ấy đã đem về “trái ngọt” khi The Amazing Spider- Man trở thành bom tấn phòng vé và thu về hơn 750 triệu đô trên toàn thế giới. Từ đây, Andrew Garfield chính thức trở thành ngôi sao lớn của kinh đô điện ảnh Hollywood.
Khán giả cũng như giới phê bình đều đánh giá cao màn hóa thân của nam tài tử khi tái hiện nhân vật Peter Parker một cách chân thực với sự tổng hòa giữa tính hài hước, trí thông minh và tinh thần quả cảm trong siêu anh hùng trẻ tuổi.
Người Nhện do Andrew Garfield tạo nên đã chiếm lĩnh hoàn toàn trái tim của khán giả. Với sự thể hiện xuất sắc này, anh tiếp tục là gương mặt được tín nhiệm để đảm đương vai chính trong The Amazing Spider-Man 2.
Trong phần hai, Peter Parker đã phần nào làm chủ năng lực Người Nhện và tự ý thức trách nhiệm của một người hùng. Anh phải đương đầu hàng loạt ác nhân với sức mạnh khủng khiếp như Electro (Jamie Foxx thủ vai), The Rhino (Paul Giamatti thủ vai) và Green Goblin (Dane Dehaan thủ vai).
Mặt khác, Peter cũng cần giải quyết vấn đề giữa bản thân với cô bạn gái Gwen Stacy (Emma Stone thủ vai) và người bạn thân Harry Osborn (Dane DeHaan thủ vai), đồng thời tìm hiểu sâu hơn về sự mất tích của cha mẹ mình.
Câu chuyện tình yêu của chàng “Nhện Nhọ” và cô nàng Gwen Stacy là điểm sáng của cả bộ phim. Với diễn xuất tự nhiên, họ đã đem tới cho khán giả một mối tình lãng mạn, ngọt ngào nhưng cũng đầy bi thương.
Ra mắt vào năm 2014, bộ phim thu về cho Sony hơn bảy trăm triệu đô nhưng vấp phải những đánh giá tiêu cực đến từ người xem lẫn các nhà phê bình, chủ yếu vì kịch bản rời rạc cùng hệ thống nhân vật thiếu liên kết.
“Bộ phim ban đầu đã có nhiều điều thú vị hơn bản chỉnh sửa nhưng bởi đội ngũ làm phim đã lược bỏ quá nhiều khiến mọi thứ bị đứt mạch, để rồi câu chuyện chẳng còn trọn vẹn như trước nữa.” – Trả lời phỏng vấn cùng tờ Variety
Sau đó, anh và Sony đã chấm dứt hợp đồng và nhân vật Spider-Man được trao lại cho Tom Holland. Trong bài phỏng vấn với The Guardian, Andrew Garfield mô tả quãng thời gian thủ vai siêu anh hùng khiến bản thân vỡ ra nhiều điều:
“Loạt phim khiến tôi từ một chú bé ngây thơ trở thành người trưởng thành. Tôi vẫn tưởng đó chỉ là trải nghiệm nghệ thuật thuần túy. Hàng chục triệu đô đã được đổ vào dự án, tiền mới là thứ mà nhà sản xuất hướng đến. Tôi cuối cùng cũng sáng mắt ra. Cảm xúc ấy thật bẽ bàng.”
Đây là nỗi thất vọng lớn dành cho Andrew Garfield, anh từng tâm sự bản thân cảm thấy “vô cùng may mắn khi được hoá thân thành siêu anh hùng yêu thích từ nhỏ” và việc dự án bị hủy giữa chừng khiến anh trở nên suy sụp.
Andrew Garfield và nỗ lực vượt ra khỏi khuôn mẫu
Những thất bại cay đắng không hề làm cho chàng trai trẻ chùn bước. Sau khi kết thúc vai diễn Người Nhện, Andrew Garfield dần chuyển hướng sang dòng phim nghệ thuật hàn lâm hơn là những bom tấn thương mại.
Trong những năm trở lại đây, anh liên tục ghi dấu với giới mộ điệu nhờ các dự án “nặng ký” và thử sức trong nhiều những thể loại khác nhau nhằm đưa bản thân vượt ra khỏi khuôn mẫu siêu anh hùng đặc trưng.
Năm 2016, Andrew trở lại với hai tác phẩm Silence và Hacksaw Ridge. Dù Silence trở thành thất bại phòng vé, Hacksaw Ridge lại đạt được những thành công vang dội khi thu về 180 triệu đô trên toàn cầu.
Silence (2016) đánh dấu màn lột xác ngoạn mục của Andrew Garfield
Trở lại cùng Silence, Andrew đã phá vỡ những định kiến về ngoại hình khi bị truyền thông cho rằng với nụ cười móm, vóc dáng gầy gò sẽ khiến nam diễn viên khó lòng vươn xa trong ngành điện ảnh, nơi vẻ bề ngoài là điều quan trọng nhất.
Mặc định đó đã thay đổi từ khi khán giả nhìn thấy chàng Nhện năm nào khoác áo linh mục, giảm gần 20kg để hóa thân trọn vẹn thành Rodrigues, một giáo sĩ đáng thương bị đàn áp dã man bởi chế độ Mạc phủ Tokugawa.
Ra mắt năm 2016, Silence do Martin Scorsese làm đạo diễn và dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Shusaku Endo, phản ánh chân thực tình hình Công giáo ở Nhật Bản vào thế kỷ XVII.
Tác phẩm đánh dấu lần đầu Andrew Garfield hợp tác cùng nam diễn viên gạo cội Liam Neeson, điệp viên kỳ cựu trong loạt phim hành động Cưỡng đoạt (2008 – 2012). Ngoài ra, bộ phim còn có sự góp mặt của Adam Driver và Tadanobu Asano.
Đặt bối cảnh vào những năm đầu thế kỷ XVII, Silence tái hiện cuộc bách hại tàn bạo của Shogun Hideyoshi và Tokugawa Shogun khi đã gây ra cái chết cho rất nhiều tín hữu, nhà truyền giáo và linh mục bản địa.
Bộ phim xoay quanh cuộc phiêu lưu đến Nhật Bản của hai tu sĩ người Tây Ban Nha Sebastião Rodrigues (Andrew Garfield thủ vai) và Francisco Garrpe (Adam Driver thủ vai) để tìm kiếm cha sứ Christopher Ferreira (Liam Neeson thủ vai) bị mất tích.
Sau khi ra mắt, Silence chỉ thu vỏn vẹn mười hai triệu đô so với năm mươi triệu đô kinh phí sản xuất. Tuy nhiên, bộ phim được đông đảo khán giả đón nhận khi đạt số điểm 7.1 trên nền tảng IMDb.
“Không phải tất cả những dự án được đều có thể truyền tải đam mê thực tế lên màn ảnh và Silence đã làm được điều đó. Bộ phim là một tiếng gọi cô đơn với Chúa trong bóng tối.” – Nhà phê bình Max Weiss
Dưới sự chỉ đạo tài tình của Martin Scorsese, Silence đã nhận đề cử Oscar ở hạng mục Quay phim xuất sắc nhất, cùng với đó là sáu chiến thắng và 58 đề cử tại nhiều lễ trao giải lớn nhỏ năm 2016.
Với hóa thân trọn vẹn cho nhân vật Rodrigues, Andrew Garfield đã chiến thắng giải ALFS ở hạng mục Diễn viên của năm và đề cử ICS Award cho Nam diễn viên xuất sắc nhất năm 2016.
Người lính quả cảm Desmond Doss trong Hacksaw Ridge (2016)
Sau mười năm kể từ Apocalypto được phát sóng, Mel Gibson trở lại làm đạo diễn với câu chuyện về Desmond Doss, chàng y sĩ quả cảm, cương quyết không cầm súng khi tham gia chiến trường máu lửa Okinawa trong Thế chiến thứ II.
Hacksaw Ridge dựa trên câu chuyện có thật về Desmond Doss, người lính đầu tiên trong lịch sử quân đội Mỹ được trao Huân chương Danh dự dù ông từ chối sử dụng bất cứ loại vũ khí sát thương nào vì niềm tin tôn giáo.
Từ nhỏ, Desmond đã có niềm tin mãnh liệt vào mười điều răn của Chúa do chịu ảnh hưởng bởi tinh thần bác ái từ người mẹ Bertha (Rachel Griffiths thủ vai). Ngoài ra, anh chọn đức tin của mình cũng vì ác cảm bạo lực từ ông bố cựu binh.
Chẳng thể lay chuyển quyết tâm có phần “quái đản” là không đụng vào súng ống của Desmond, cả đơn vị huấn luyện dùng đủ mọi cách buộc anh giải ngũ để không trở thành “gánh nặng” của họ trên chiến trường.
Nhờ lòng tin vào lời dạy của Chúa cùng sự ủng hộ lớn lao từ gia đình, chàng lính trẻ vượt qua tất cả sức ép về thể xác và tinh thần để bước chân ra mặt trận, thực hiện sứ mệnh cao cả với đất nước.
Nỗi đau đớn, ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của Desmond Doss mà Andrew Garfield truyền tải đã chiếm trọn cảm tình của khán giả đại chúng, giúp Andrew lần đầu có tên tại đề cử Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất vào năm 2017.
Thông điệp đậm chất nhân văn mà Hacksaw Ridge gửi gắm đã đưa bộ phim vượt ra khỏi khuôn khổ điện ảnh chiến tranh thông thường, đánh dấu sự trở lại của Mel Gibson sau mười năm vắng bóng trên cương vị đạo diễn.
“Hacksaw Ridge đã truyền tải những thông điệp cao quý: chiều sâu sự dũng cảm của Desmond, tình yêu dành cho những người đồng đội đã được khắc họa rõ nét nhờ vào màn trình diễn đáng kinh ngạc của Andrew Garfield.” – Cây bút Owen Gleiberman chia sẻ trên tờ Variety
Dưới sự chỉ đạo tài tình của ông, Hacksaw Ridge thành công gặt hái 56 giải thưởng và 115 đề cử, trong đó nổi bật là hai tượng vàng Oscar danh giá cho Kỹ xảo xuất sắc nhất cùng Dựng phim xuất sắc nhất tại lễ trao giải lần thứ 89.
Với Silence và Hacksaw Ridge, năm 2016 chính là thời điểm rực rỡ nhất trong sự nghiệp của Andrew Garfield khi anh thoát khỏi hình tượng của một diễn viên nhạt nhoà đồng thời trở thành cái tên có sức hút với khán giả yêu điện ảnh.
Breathe (2017) – Câu chuyện tình yêu cảm động
Sau màn hóa thân vào thủ lĩnh khỉ Caesar trong bom tấn War for the Planet of the Apes, Andy Serkis lần đầu trở thành đạo diễn trong bộ phim Breathe (2017). Tác phẩm đánh dấu sự hợp tác đầu tay giữa Andrew Garfield và kiều nữ Claire Foy.
Breathe kể về cuộc đời của chàng trai trẻ Robin Cavendish (Andrew Garfield thủ vai), anh sụp đổ về tinh thần khi căn bệnh bại liệt đã bộc phát vào thời điểm rực rỡ nhất của bản thân.
Để cứu chồng, người vợ Diana (Claire Foy thủ vai) đã bất chấp lời khuyên của bác sĩ rồi đưa anh về nhà chăm sóc. Nhờ tình yêu thương của gia đình, Robin dần vượt qua mặc cảm và trở thành nhà hoạt động nhân quyền cho bệnh nhân bại liệt.
Diễn xuất ấn tượng của hai nhân vật chính ghi dấu trong lòng khán giả và với nghị lực của Robin Cavendish, anh đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những người gặp phải hoàn cảnh hiểm nghèo trên thế giới.
Breathe nhận về nhiều lời tán dương từ phía công chúng khi đạt số điểm 7.1 trên chuyên trang IMDb với hơn hai mươi nghìn lượt đánh giá. Cuộc tình lãng mạn của Robin và Diana đã hoàn toàn lay động trái tim khán giả:
“Diễn xuất vượt trội của cặp đôi ăn ý trong Breathe đã giúp khiến bộ phim trở nên cảm động hơn bao giờ hết. Breathe đem đến một câu chuyện tình lãng mạn nhưng cũng chất chứa bi thương.” – Rotten Tomatoes
Sau khi công chiếu, Breathe ghi nhận mức lỗ bốn triệu đô, dù vậy tác phẩm vẫn mang về giải thưởng Phim điện ảnh cảm động nhất tại LHP Heartland lần thứ 26.
Tái xuất với Người Nhện trong bom tấn Spider-Man: No Way Home
Khi đã gây dựng được sự nghiệp vững chãi mà không cần nhờ tới danh tiếng Người Nhện, Andrew Garfield bất ngờ nhận được cuộc gọi từ Marvel, chủ tịch Kevin Feige mong muốn anh lần nữa xuất hiện trong dự án Spider-Man: No Way Home.
“Tôi nhận được cuộc gọi từ Amy Pascal, Kevin Feige và Jon Watts với ý tưởng này. Một lời đề nghị không thể chối từ. Với tư cách là một người hâm mộ, chỉ cần nhìn thấy ba Người Nhện trong cùng một khung hình đã khiến tôi hạnh phúc rồi.” – Nam diễn viên hào hứng chia sẻ
Kịch bản hấp dẫn cùng việc được góp mặt cùng những tên tuổi đắt giá đã thuyết phục chàng Nhện Andrew nhận lời tham gia dự án này. Nam diễn viên đã chia sẻ với báo giới về cuộc hội thoại cùng vị chủ tịch Marvel:
“Cậu đã từng đóng vai nhân vật Người Nhện theo cách riêng, và nếu được thì cậu muốn khám phá thêm điều gì? Khi được đưa sang một vũ trụ khác, gặp gỡ phiên bản trẻ hơn và già hơn của mình, cậu sẽ phản ứng ra sao?” – Kevin Feige ngỏ lời
Spider-Man: No Way Home xoay quanh cuộc sống bị đảo lộn của Peter Parker (Tom Holland thủ vai), phản diện Mysterio trong Spider-Man: Far From Home đã công bố danh tính thật của cậu chàng cho cả thế giới.
Được triệu hồi bởi phép thuật của Dr. Strange (Benedict Cumberbatch thủ vai), “Peter Three” Andrew Garfield phải cùng “Peter One” Tom Holland, “Peter Two” Tobey Maguire chống lại sáu kẻ ác nhân.
Trong phim, khoảnh khắc để lại nhiều cảm xúc nhất là phân cảnh Người Nhện Andrew giúp MJ (Zendaya thủ vai) thoát khỏi cú rơi tử thần, như một cách để chuộc lại lỗi lầm khi không thể cứu được Gwen Stacy trong loạt phim The Amazing Spider-Man.
“Anh đã đánh mất Gwen. Cô ấy là MJ của anh. Anh đã không thể cứu được cô ấy. Anh sẽ không bao giờ tha thứ bản thân mình vì điều đó. Nhưng anh vẫn thử cố gắng bước tiếp. Cố gắng để tiếp tục trở thành người hàng xóm thân thiện Spider-Man, vì em biết đấy, đó là thứ cô ấy muốn anh làm.”
Phân cảnh ấy gợi lại nỗi đau mất mát cho Người Nhện Andrew nhưng lại giúp cho Peter Parker của Tom Holland tránh được bi kịch tương tự, không phải dằn vặt về lỗi lầm như đàn anh từng vấp phải.
Đây được xem là sự tri ân tuyệt vời đối với The Amazing Spider-Man vì khi cứu được MJ, Người Nhện Andrew đã giúp Tom và chính anh thoát khỏi những dằn vặt đau đớn khi mất đi cô gái mình yêu.
Chi tiết này được sáng tạo bởi đạo diễn Jon Watts khi ông xem một thước phim giới thiệu về những ý tưởng cho trận chiến. Điều đó được McKenna và đồng biên kịch Erik Sommers ghi nhận và cài cắm khéo léo để tạo nên phân cảnh đầy ấn tượng.
Trong một lần phỏng vấn, nam diễn viên chia sẻ anh “rất biết ơn” vì có cơ hội việc làm việc với Tom Holland và Tobey Maguire để có “những cuộc trò chuyện sâu hơn về trải nghiệm của chúng tôi với nhân vật Peter Parker”.
Sau khi công chiếu, Spider-Man: No Way Home trở thành bom tấn phòng vé và cán mốc 1,8 tỷ đô trên toàn cầu. Đây được coi là thành công rực rỡ của Marvel Studios và Sony Pictures trong bối cảnh đại dịch hoành hành.
Không dừng lại ở đó, Spider-Man: No Way Home cũng gặt hái vô vàn giải thưởng danh giá, điển hình như giải HFCS (2022) cho Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất và giải IFCS (2022) cho Phim hành động hay nhất.
Bên ngoài màn ảnh nhỏ là sân khấu kịch
Bên cạnh việc đóng góp vào những dự án điện ảnh, Andrew cũng không quên dành thời gian cho niềm đam mê đã chắp cánh sự nghiệp của anh, sân khấu kịch. Ở đây, anh đã cống hiến cho khán giả nhiều màn thể hiện vô cùng ấn tượng.
Năm 2012, Andrew Garfield xuất hiện trên sân khấu Broadway với vai diễn Biff Loman trong vở nhạc kịch Death of a Salesman. Màn trình diễn này nhận đề cử Tony Awards cho hạng mục Nam diễn viên xuất sắc nhất.
Andrew Garfield – Death Of A Salesman
Bên cạnh đó, Andrew cũng nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn sau vở kịch đầu tay. Theo nhà phê bình David Rooney của The New York Times, anh ấy “đã thể hiện được nỗi đau tột cùng trong sự cô đơn của nhân vật Biff”.
Năm 2017, Andrew từng khiến bao khán giả vỡ òa khi vào vai Prior Walter trong vở Angels in America kéo dài tận tám giờ. Nỗ lực ấy giúp anh chạm tới Tony Awards, “Oscar” của thế giới kịch nghệ ở hạng mục Nam diễn viên xuất sắc nhất.
Tick, Tick… Boom! – Đắm chìm vào những vở kịch cuộc đời
Ngay khi nhìn thấy ngôi sao trên sân khấu kịch Hoàng gia, đạo diễn Lin-Manuel Miranda quyết định lựa chọn Andrew Garfield cho vai nam chính trong phim điện ảnh đầu tay Tick, Tick… Boom!.
Chuyển thể từ vở nhạc kịch nổi tiếng cùng tên của Jonathan Larson, Tick, Tick… Boom! là dự án phim nhạc kịch được chờ đón ngay từ khi lên kế hoạch sản xuất.
Bộ phim lấy bối cảnh tại thành phố New York vào thập niên 90, Andrew Garfield khi ấy thủ vai Jonathan Larson, nhà soạn nhạc tự do với ước mơ tạo ra một tác phẩm vĩ đại và đưa nó tới công chúng.
Khi hầu hết bạn bè của Jonathan đã từ bỏ ước mơ thì anh vẫn miệt mài và không ngừng cố gắng vì nó. Thậm chí, nhà soạn nhạc này phải gồng mình đấu tranh với đủ áp lực từ cuộc sống, bạn bè, tuổi tác và căn bệnh thế kỷ HIV đang bủa vây.
Tác phẩm không chỉ ghi lại quá trình sáng tạo Superbia, vở nhạc kịch nổi tiếng nước Anh mà còn khắc họa chân thực những khủng hoảng của Jonathan Larson khi phải đối mặt giữa hiện thực và ước mơ anh theo đuổi.
Được biết, vai diễn đến với Andrew vào thời điểm anh gặp nhiều khó khăn về tinh thần. Lúc ấy, mẹ nam diễn viên đột ngột qua đời không lâu trước khi Tick, Tick… Boom! bước vào sản xuất.
Phỏng vấn cùng The Today Show, nam tài tử cho biết bà là người có ảnh hưởng mạnh mẽ và khiến anh quyết định theo đuổi nghiệp diễn. Andrew vượt qua nỗi mất mát bằng cách nỗ lực hết mình cho vai diễn như lời tri ân đến người mẹ quá cố.
Sau đó, nam tài tử đã dành một năm học hát và tập chơi piano, anh cũng thường xuyên nghiên cứu những màn trình diễn của Larson trên Youtube để có thể lột tả được tinh thần vị nghệ sĩ một cách chuẩn xác.
Ra mắt vào cuối năm 2021, vai diễn Jonathan Larson nhận về vô số lời khen từ khán giả lẫn giới phê bình. Tờ Vulture cho rằng Andrew Garfield đã tạo nên “một bức chân dung hấp dẫn về quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ.”
Với màn thể hiện trọn vẹn trong Tick, Tick… Boom!, Andrew đã đoạt giải Quả cầu Vàng cho hạng mục Nam chính xuất sắc nhất, vượt qua nhiều đối thủ nặng ký như Leonardo DiCaprio hay Peter Dinklage.
Mối tình dang dở của Andrew Garfield và Emma Stone
Không chỉ xuất chúng trong diễn xuất, Andrew Garfield còn khiến người hâm mộ ấn tượng bởi mối tình lãng mạn với nữ diễn viên tài năng Emma Stone, cả hai đã nên duyên sau khi hợp tác chung trong The Amazing Spider-Man.
Tiếp nối người anh Tobey, Peter Parker và Gwen Stacy trở thành cặp đôi “phim giả tình thật” tiếp theo của Hollywood. Sự trùng hợp này khiến người hâm mộ vô cùng ngạc nhiên vì chuyện tình của cặp nam nữ chính lại một lần nữa bắt đầu từ bộ phim về Người Nhện.
Năm 2015, Andrew Garfield và Emma Stone chính thức đường ai nấy đi trong tiếc nuối sau bốn năm bên nhau. Dù đã chia tay nhưng cả hai luôn chân thành theo dõi và ủng hộ nhau trong sự nghiệp.
Trong chương trình Josh Horowitz’s Happy Sad Confused, Andrew Garfield đã có những chia sẻ thú vị khi anh nói dối Emma Stone về việc góp mặt trong bom tấn No Way Home.
“Emma đã nhắn tin hỏi tôi suốt. Cổ hỏi rằng anh có xuất hiện trong phim Spider-Man mới không?”
Và tất nhiên là tôi trả lời rằng “Em đang nói gì vậy, anh không biết gì hết!” và rồi cô ấy hỏi tiếp “Đừng giấu nữa, nói cho em biết đi!” Cuối cùng thì tôi vẫn nói dối với cô ấy.”
Nhìn lại một chặng đường dài đã đi qua, Andrew Garfield xuất phát điểm không phải là một cái tên ấn tượng. Chính bởi tài năng, anh đã vượt qua những cản trở về mặt ngoại hình giữa rừng sao nam Hollywood để trở thành ngôi sao đầy hứa hẹn.
Dương Minh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất