Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn hóa lớn, nhà thơ lớn của Việt Nam. Ông đã trở thành tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí quật cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, mang khí phách người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa.
Mặc dù cuộc đời nhà thơ có nhiều gian truân song với tâm sáng, chí cao và bản lĩnh kiên cường hiếm có, ông đã mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã chiến đấu không ngừng nghỉ, để lại nhiều tuyên ngôn bất hủ cho dân tộc Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là biểu tượng văn hóa của vùng đất Bến Tre
Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu hay tục gọi là Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai. Ông sinh năm 1822 tại làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
Nguyễn Đình Chiểu vốn xuất thân trong gia đình nhà Nho, cha ông là Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, từng giữ chức Thư lại Văn hàn ty của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mẹ Đồ Chiểu tên Trương Thị Thiệt người làng Thanh Ba, huyện Phước Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Gia Định.
Vốn là một cậu ấm nhưng sinh ra trong cảnh loạn lạc nên ngay từ khi còn nhỏ, ông đã theo cha chạy giặc. Cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi nổ ra ở Gia Định khiến cha Nguyễn Đình Chiểu phải bỏ trốn ra Huế và bị cách chức.
Từ năm mười hai đến mười tám tuổi, tác giả đi học tại Huế và trọ nhờ tại nhà một người bạn của cụ thân sinh. Đến năm mười chín tuổi, Nguyễn Đình Chiểu quay lại Gia Định để tiếp tục sự nghiệp học tập, ông thi đỗ tú tài ở trường thi Gia Định ba năm sau đó.
Khi ấy, nhà thơ được một gia đình họ Võ giàu có nức tiếng hứa gả con gái. Năm 1847 ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849, tuy vậy chưa kịp thi thì nhận được tin mẹ mất ở Sài Gòn nên quyết bỏ thi để về quê chịu tang.
Trên đường về quê, do khóc thương nhiều nên ông bị bệnh rồi mù cả hai mắt và phải nghỉ lại tại Quảng Nam để chữa bệnh. Tuy bệnh không khỏi song Nguyễn Đình Chiểu may mắn được một vị danh y truyền dạy nghề bốc thuốc.
Thấy người học trò ấy dang dở sự nghiệp lại thêm cảnh nhà sa sút nên nhà họ Võ quyết định bội ước, không gả con gái. Mặc dù bất hạnh liên tiếp ập xuống nhưng tác giả đã vượt qua tất cả bằng nghị lực phi thường, thành danh bằng con đường hành đạo của chính mình.
Sau ba năm đóng cửa chịu tang mẹ, đến năm 1851 Hối Trai tiên sinh mở trường dạy học và bốc thuốc chữa bệnh. Ba năm sau, do cảm phục và mến thương ông nên người học trò Lê Tăng Quýnh đã xin gả em là Lê Thị Điền cho thầy.
Khi thực dân Pháp xâm chiếm tới thành Gia Định, nhà thơ về ở thị trấn Ba Tri, tỉnh Bến Tre để tiếp tục dạy học, làm thuốc. Dù đã mù lòa nhưng Nguyễn Đình Chiểu hết sức gắn bó với nghĩa quân yêu nước, thường xuyên thư từ liên lạc với những người lãnh đạo.
Không chỉ là nhà giáo, thầy thuốc, Nguyễn Đình Chiểu còn là người chiến sĩ dùng ngòi bút để chiến đấu trên mặt trận văn hóa. Các tác phẩm thấm đẫm lý tưởng đạo đức của ông đã mạnh dạn phê phán, tố cáo tội ác mà thực dân Pháp gây ra, khích lệ người đọc thêm sức mạnh để chống lại kẻ thù.
Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu phản ánh biến cố cả một thời đại, cuộc đời và sự nghiệp cầm bút nơi ông gắn liền với vận mệnh dân tộc trong giai đoạn lịch sử bi tráng. Nhà thơ xứng đáng là ngọn cờ đầu, đại diện cho dòng văn học yêu nước Việt Nam cận đại.
“Cánh buồm thơ ca của Đồ Chiểu chứa đầy bão táp của một thời đại giông tố, nó đã đem tới chúng ta bầu không khí của thời đại đó. Cánh buồm ấy đã vượt qua một thế kỷ, nhẹ nhàng lướt trên sóng thời gian và mạnh bạo tiến thẳng về phương trời xa tắp.” – Nhà thơ Xuân Diệu
Vào giữa năm 1888, Nguyễn Đình Chiểu mất tại thị trấn Ba Tri, Bến Tre. Người dân đã kể lại rằng trong ngày đưa đi an táng, cả cánh đồng An Bình Đông, nay là An Đức, trắng xóa khăn tang của những người mến mộ và thương tiếc nhà thơ.
Những áng văn chương bất hủ của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu
Bên cạnh việc bốc thuốc và dạy học, cụ Đồ Chiểu còn để lại cho hậu thế gia tài thơ văn lớn với nhiều tác phẩm bất hủ. Đã gần hai thế kỷ trôi qua song các sáng tác đó vẫn có sức sống bền lâu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Việt Nam.
Sự nghiệp cầm bút của Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với những thăng trầm trong lịch sử dân tộc. Dưới ngòi bút tài ba ấy, các nhân vật từ chính đến phụ, phản diện hay chính diện đều được khắc họa một cách tinh tế, mang màu sắc đa dạng và riêng biệt.
Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga là bức họa mang nét đẹp của chính nghĩa
Những áng văn của thầy Đồ Chiểu luôn hướng đến lý tưởng “văn dĩ tải đạo”, mong muốn con người sống đẹp, đúng với lương tâm, đạo làm người. Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga đã thể hiện rõ nét phong cách sáng tác thấm đẫm chất nhân văn ấy.
Độc giả đến với tác phẩm cũng dễ nhận thấy Lục Vân Tiên vừa là nhân vật tự truyện vừa là hình mẫu lý tưởng của Nguyễn Đình Chiểu, nơi gửi gắm bao khát vọng của nhà thơ đối với cuộc đời mình.
“Phải hiểu đúng Lục Vân Tiên thì mới thấy hết giá trị của bản trường ca này. Đúng, đây là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa!” – Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng
Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga là trích đoạn nhỏ trong truyện thơ Lục Vân Tiên song đã mang ý nghĩa bao quát cho toàn bộ tư tưởng chính nghĩa xuyên suốt tác phẩm, thể hiện rõ quan điểm của Nguyễn Đình Chiểu về khái niệm “nhân nghĩa” thời đại ấy.
“ Vân Tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.
Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”. – Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
Ngay từ đầu đoạn trích, độc giả đã cảm nhận được tinh thần nhân nghĩa sáng ngời trong nhân vật Lục Vân Tiên. Giữa đường chứng kiến việc bất bình, chàng đã thể hiện bản lĩnh của bậc anh hùng khi “nhằm làng xông vô” với một nhánh cây bên đường làm vũ khí.
Hành động “xông vô” toát lên tinh thần nghĩa hiệp cao đẹp, hoàn toàn vô tư và đầy trách nhiệm, không hề có sự toan tính.
Không phải so đo võ nghệ, Lục Vân Tiên ra tay vì chính nghĩa và đòi lại công bằng cho nhân dân. Hình ảnh chàng hiện lên thật oai hùng khi đối diện trước vẻ mặt “đỏ phừng phừng” của toán cướp “bốn phía phủ vây bịt bùng”.
“Vân Tiên tả đột hữu xông
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.
Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Phong Lai chẳng kịp trở tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.” – Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
Nhà thơ đã so sánh hành động dứt khoát, nhanh nhẹn của Lục Vân Tiên với hình ảnh người anh hùng Triệu Tử khi phá vòng Đương Dang. “Thác rày thân vong” là sự trừng phạt thích đáng cho những kẻ lấy việc hại người làm niềm vui, làm mục đích kiếm sống.
Lục Vân Tiên trong mắt tác giả cũng tài hoa và anh dũng như vị tướng Triệu Tử, một tướng trẻ của Lưu Bị năm xưa. Khi Lưu Huyền Đức bị quân Tào Tháo đánh đuổi, Triệu Tử Long một mình một ngựa xông lên đánh phá vòng vây quân Tào, cứu ấu chúa A Đẩu.
“Máu đỏ chan hòa áo giáp hồng
Đương Dương ai kẻ dám tranh hùng
Xưa nay cứu chúa xông trăm trận
Chỉ có Thường Sơn Triệu Tử Long.” – Sưu tầm
Trận giao chiến với đám cướp Phong Lai không chỉ tô đậm tài võ nghệ cao cường mà còn làm nổi bật đức tính “vì nghĩa quên mình” của đấng anh hùng. Ngòi bút lý tưởng hóa nhân cách, hành động nhân vật khi viết về những bậc trượng phu cũng là nét đặc trưng của văn học Việt Nam thời kỳ trung đại và cận đại.
“Vân Tiên nghe nói động lòng,
Đáp rằng: “Ta đã trừ dòng lâu la.
Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái, ta là phận trai.
Tiều thơ con gái nhà ai,
Đi đâu đến nỗi mang tai bất kỳ?
Chẳng hay tên họ là chi?
Khuê môn phận gái việc gì đến đây?”- Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
Bên cạnh hình ảnh một Lục Vân Tiên mạnh mẽ, can trường đánh tan bọn cướp thì khi nói chuyện với Kiều Nguyệt Nga, chàng đã bộc lộ tư cách một người học thức, chính trực và luôn coi trọng những lễ nghi trong xã hội phong kiến.
Quan niệm Nho giáo xưa cho rằng “nam nữ thụ thụ bất tương thân”, tức là người con trai và người con gái trong xã hội phong kiến thời ấy không nên có cử chỉ thân mật hoặc tiếp xúc gần gũi.
Sự cẩn trọng trong việc tiếp xúc và cách cư xử tế nhị với Kiều Nguyệt Nga đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp chính trực của người quân tử, trái ngược hoàn toàn với toán cướp Phong Lai đê tiện hại dân lành.
“Vân Tiên nghe nói liền cười:
Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
Nay đà rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.” – Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
Chàng cho rằng hành động đánh cướp cứu người của mình là vì việc nghĩa, vì trách nhiệm của kẻ làm trai. Cái cười độ lượng đã thể hiện rõ nét phong thái vị anh hùng với tâm hồn khảng khái, hào hiệp và vô tư.
Dưới ngòi bút mộc mạc, bình dị, gần với lối nói thông thường mang đậm âm sắc người dân Nam Bộ, Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng thành công hình ảnh người nông dân trong nền văn học trung đại Việt Nam, đề cao tính nhân nghĩa, gắn chặt ý thức trách nhiệm cá nhân và vận mệnh đất nước.
Bài thơ Chạy giặc và lời tố cáo về tội ác của chính quyền thực dân Pháp
Nguyễn Đình Chiểu là một trong những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. Ngòi bút sắc bén ấy khắc họa đậm nét khung cảnh quê hương khi bị thực dân Pháp xâm lược và tố cáo đanh thép tội ác man rợ của bọn chúng.
Danh nhân xứ Ba Tri sáng tác thơ văn yêu nước ở thời kì đầu chống Pháp xâm lược bảo vệ Tổ quốc. Các tác phẩm của ông là tiếng khóc than cho Tổ quốc buổi đầu gặp thương đau, đồng thời hết lòng ngợi ca những sĩ phu như Trương Định đã một lòng vì nước, vì dân.
Bài thơ Chạy giặc ra đời năm 1859 khi thực dân Pháp tấn công thành Gia Định, trên chính quê hương của tác giả. Chứng kiến cảnh tượng mảnh đất máu thịt bị xâm chiếm, đồng bào chịu áp bức, Nguyễn Đình Chiểu đã không khỏi xót xa.
“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay.
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ bầy chim dáo dác bay.
Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.
Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
Nỡ để dân đen mắc nạn này?” – Chạy giặc
Cảnh tượng đất nước hiện lên qua hai câu thơ đầu đầy đau thương, “tiếng súng Tây” vang lên ngay thời điểm tan chợ đã xé nát cuộc sống yên bình vốn có nơi đây. Phép ẩn dụ về bàn cờ “phút sa tay” cho thấy sự bất lực của triều đình nhà Nguyễn khi thực dân Pháp hoàn toàn xâm chiếm được đất Gia Định.
Nguyễn Đình Chiểu sử dụng nhiều từ ngữ có khả năng gợi hình cao như “lơ xơ”, “dáo dác” đã góp phần vẽ nên trọn vẹn khung cảnh tan tác, xáo trộn bởi tiếng súng bất thường. Sự xâm lược từ bọn thực dân cũng cướp đi tuổi thơ thanh bình của những đứa trẻ vô tội.
“Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây” – Chạy giặc
Ngọn lửa của quân thù đã nhấn chìm cuộc sống nhân dân ta vào cảnh ngộ khốn khó, cùng cực. Chúng đi đến đâu là, cướp bóc, giết hại dân lành đến đấy, gây bao tang tóc, đau thương. Đến cả những vật vô tri như con sông, con rạch cũng ngùn ngụt chí căm thù.
Chứng kiến cảnh ngộ ấy, Nguyễn Đình Chiểu đã thốt lên câu hỏi mỉa mai đầy cay đắng “Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng – Nỡ để dân đen mắc nạn này?”. Câu hỏi ấy không chỉ của riêng ông mà còn là câu hỏi từ nhân dân nói chung cũng như triều đình lúc bấy giờ.
Sự hèn nhát, bất lực của triều đình nhà Nguyễn khiến dân ta rơi vào cảnh điêu đứng, không lối thoát. Câu thơ vừa trách móc lại vừa mong đợi người anh hùng tài giỏi ra tay đánh giặc để cứu dân khỏi lầm than.
Căm thù là cảm xúc chủ đạo xuyên suốt bài thơ, ảnh hưởng sâu sắc đến văn học Việt Nam hiện đại. Các nhà thơ Việt Nam thế hệ sau này đã kế thừa cũng như phát huy truyền thống ấy và phản ánh sâu sắc qua những tác phẩm của mình.
“Giặc về giặc chiếm đau xương máu,
Đau cả lòng sông, đau cỏ cây.” – Quê mẹ (Tố Hữu)
Tác giả đã vận dụng nhiều phép đối, đảo ngữ, ẩn dụ, so sánh để viết nên những vần thơ hàm súc, biểu cảm và đầy ý nghĩa. Bài thơ Chạy giặc mang giá trị lịch sử to lớn, được ví như bài ca yêu nước, hướng tới khát vọng độc lập, tự do.
Những giá trị nhân sinh thấm đẫm từng trang thơ của Nguyễn Đình Chiểu
Cuộc đời nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một chuỗi dài những bi kịch nối tiếp nhau song ông đã ngạo nghễ vươn lên mọi gian truân, mất mát bằng quan niệm nhân sinh tích cực. Từng trang thơ phập phồng hơi thở của sự sống và tràn đầy lòng yêu nước thiết tha.
Quan niệm chủ nghĩa anh hùng yêu nước ấy dựa trên lòng yêu chính ghét tà, phẩm chất khí khái, hiên ngang, bất khuất của Nguyễn Đình Chiểu và số đông quần chúng nhân dân thời bấy giờ. Ông luôn đề cao lý tưởng “Trí quân trạch dân” (vừa giúp vua, vừa làm cho dân được nhờ).
“Đã cam chút phận dở dang,
“Trí quân” hai chữ mơ màng năm canh;
Đã cam lỗi với thương sinh,
“Trạch dân” hai chữ luống doanh ở lòng.” – Ngư tiều y thuật vấn đáp
Bốn mươi năm sống trong cảnh mù lòa, ông vẫn kết bạn với các trí thức yêu nước Nam Bộ, đóng góp cho bức tranh kháng chiến chống Pháp buổi đầu những trang thơ đẹp, bài văn tế hừng hực lửa yêu nước anh hùng, dậy vang cảm hứng bi tráng và trữ tình thống thiết.
Cụ Đồ Chiểu là người coi trọng cái hay, cái đẹp trong thơ văn. Ông từng ví văn thơ như gấm vóc, lụa là, càng viết thì càng hay, càng lạ. Vẻ đẹp ấy không chỉ đến từ hình thức mà phải toát lên từ nội dung tư tưởng và nhân cách cao cả.
“Ngư rằng: vốn thiệt thầy nhu,
Lòng cưu gấm vóc, lại giàu lược thao.
Nói ra vàng đá chẳng xao,
Văn ra: dấy phụng, rời giao tưng bừng.” – Ngư tiều y thuật vấn đáp
Vị danh nhân ấy từng quan niệm rằng đạo đức là thức ăn tinh thần, là môi trường sống và không khí để hít thở. Cái lý tưởng say mê ấy xuất phát từ một lòng nhân đạo cao cả, bao gồm lòng yêu nước thương nhà, yêu thương con người sâu sắc.
“Cẩm văn thêu dệt đời, đời chuộng,
Mùi đạo trau giồi bữa, bữa no.
Gặp thuở mây xanh siêng đọc sách,
Mỗi câu đều hưởng phúc trời cho.” – Sĩ
Nguyễn Đình Chiểu luôn đau đáu một điều rằng nhà văn, nhà thơ phải lấy văn thơ làm vũ khí chiến đấu để bảo vệ công lý chứ không phải coi văn chương như thứ phù phiếm ngâm hoa vịnh nguyệt.
Về tư tưởng nghệ thuật, Hối Trai tiên sinh luôn đề cao tính đạo đức nhân nghĩa, chống lại gian tà. Ông nhấn mạnh trung hiếu tiết nghĩa, dạt dào tình yêu nước, vang lên những lời ngợi ca, kêu gọi hành động anh hùng khi đất nước đắm chìm giữa khói lửa chiến tranh.
“Mũi giáo Thi Toàn đừng để sét,
Lưỡi gươm Dự Nhượng phải toan giồi.” – Thơ điếu Trương Định, XII
Dưới ngòi bút tài hoa của mình, vị danh nhân văn hóa ấy còn đề cao nét đẹp của tình nghĩa thủy chung. Đây cũng là cảm hứng chủ đạo xuyên suốt các thi phẩm, những lời ước hẹn được đúc kết thành chất thơ cháy bỏng.
Từ Lục Vân Tiên đến Ngư Tiều ngư thuật vấn đáp, các nhân vật luôn ở trong một quá trình đấu tranh cho chung thủy. Tác giả cố tình tung ra những biến cố trái ngang để làm nổi bật tình nghĩa với gia đình, bạn bè, người thương.
“Hỡi ai lẳng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.” – Lục Vân Tiên
Có thể nói, Nguyễn Đình Chiểu đã mượn tư tưởng đạo Nho để bảo vệ tình cha con, đạo vợ chồng, tình bạn bè, tinh thần cứu nạn phò nguy, trọng nghĩa khinh tài. Đó là những đạo lý thông thường mà cao quý trong đời sống nhân dân, phù hợp với truyền thống dân tộc.
Sắc thái Nam Bộ độc đáo trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu
Là một người con sinh ra tại vùng đất Nam Bộ nên dễ hiểu vì sao các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu lại mang đậm sắc thái quê hương đến vậy. Chất Nam Bộ trong thơ ông bình dị mà độc đáo, nhuần thấm vào mọi yếu tố nghệ thuật, từ ngôn ngữ đến hình tượng, từ cảnh vật đến con người.
Do ảnh hưởng từ điều kiện môi trường tự nhiên kết hợp sự giao thoa văn hóa nên trong mưu sinh lẫn cuộc sống, người Nam Bộ luôn bình dị, cần cù, hiền lành, chất phác và không thích sự ràng buộc khuôn khổ.
“Đó là những con người tròn thì ra tròn, vuông thì ra vuông, chứ không méo mó quanh co. Lời nói của họ thẳng như dao rựa chém đá.” – Nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu
Dù nằm chung trong không gian đất nước Việt Nam nhưng Nam Bộ mang trong mình những sắc thái tách biệt với nhiều nét độc đáo. Điều đó đã ảnh hưởng tới Nguyễn Đình Chiểu trong việc truyền tải nội dung cũng như xây dựng hình tượng nhân vật.
Về lối kể chuyện thơ, thầy Đồ Chiểu mang phong cách giống thể loại truyện dân gian. Ngôn ngữ, cách diễn đạt, nói năng vô cùng quen thuộc với người dân Nam Bộ và đã đi vào từng vần thơ một cách rất tự nhiên, nhuần nhị.
“Dù đui mà khỏi danh nhơ
Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình.” – Ngư tiều y thuật vấn đáp
Trong cuốn Tiếng địa phương miền Nam trong tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, nhóm tác giả Hoàng Tuệ, Phạm Văn Hảo và Lê Văn Tường đã nhận xét “Phương ngữ miền Nam chính là một yếu tố trong giá trị hiện thực của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu”.
Tính cách các nhân vật trong truyện cũng được nhà thơ xây dựng mang đậm nét thật thà, chất phác, bộc trực của người dân nơi đây. Tuy nóng nảy, thẳng thắn nhưng chí nghĩa, chí tình, thủy chung, kiên định mà bao dung, phóng khoáng.
Ở những bài văn tế ông luôn viết bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi mà thấm thía. Hàng loạt từ ngữ của dân cày ùa vào Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc như “côi cút”, “toan lo”, “từng ngó”, “trắng lốp” đã góp phần khắc hoạ được bức tượng đài về người nghĩa sĩ nông dân anh hùng cứu nước.
“Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn mong mưa;
Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọt như nhà nông ghét cỏ.” – Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
Những khẩu ngữ Nam Bộ đặc trưng như “cùi dày”, “hèn chi” hay “thổi hà xì hít” được tác giả đưa vào thơ đúng chỗ, đúng lúc, càng khắc sâu thêm hơi thở của đời thường, giúp cho tác phẩm trở nên gần gũi và dễ lưu truyền hơn trong dân gian.
Vì sắc thái truyện gần gũi với đời sống nhân dân như thế nên những sáng tác của nhà thơ xứ Ba Tri đã dần đi vào văn hóa dân gian Việt Nam:
“Hò… ơ… Này này người nghĩa của em ơi
Lòng em giữ trọn như nàng Nguyệt Nga.” – Sưu tầm
“Bớ em ơi! Em đừng suy nghĩ thiệt hơn
Hãy ở như Nguyệt Nga ngày trước, lòng dạ keo sơn chẳng rời.” – Hò Mái nhì, Mái đẩy
Văn chương của vị danh nhân ấy chí tình, chí nghĩa, đậm đà hơi thở cuộc sống miền sông nước Nam Bộ giàu hoa thơm trái ngọt. Ông tuy mù nhưng lòng dạ sáng, đã viết hàng ngàn câu thơ, bài văn làm rạng rỡ thi đàn dân tộc.
Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu thực sự là ánh hào quang phản chiếu một thời kỳ lịch sử Tổ quốc bi hùng, nêu cao ngọn cờ yêu nước, chiến đấu hy sinh đến cùng cho hạnh phúc của dân tộc.
Tiểu Mai
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất