Nam Cao là một trong số những cây bút hiện thực lớn nhất của nền văn học Việt Nam bởi tư tưởng hiện đại cùng phong cách nghệ thuật độc đáo. Sự nghiệp cầm bút không quá dài song các tác phẩm ông để lại đã trở thành tượng đài bất hủ đối với văn chương nước nhà.
Những trang văn Nam Cao luôn ngời sáng các giá trị nhân đạo cao đẹp. Quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh của ông đã trở thành ngọn đuốc dẫn đường lý tưởng nhất cho trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945.
Nam Cao là người con tài hoa của làng Vũ Đại
Nhà văn Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh năm 1915 tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (tức xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam ngày nay), xuất thân trong một gia đình Công giáo bậc trung.
Cha Nam Cao là cụ Trần Hữu Huệ, làm nghề thợ mộc và bốc thuốc có tiếng trong làng. Mẹ nhà văn tên Trần Thị Minh, vừa nội trợ lại đảm đương công việc ruộng vườn, dệt vải để chăm lo cho gia đình.
Thuở nhỏ cậu bé Trần Hữu Tri học sơ học tại trường làng, đến năm mười tuổi thì được gia đình gửi xuống Nam Định để theo học Tiểu học tại trường Cửa Bắc rồi Trung học ở trường Thành Chung. Tuy vậy, thể chất vốn yếu nên nhà văn đành bỏ dở và về quê chữa bệnh.
Vì quê ở tổng Cao Đà, huyện Nam Xang nên ông đã rút hai chữ Nam và Cao để ghép lại thành bút danh của mình, cũng như bút danh nhà văn Tô Hoài gắn với hai địa danh sông Tô Lịch, phủ Hoài Đức, nhà thơ Tản Đà là núi Tản, sông Đà.
Bên cạnh bút danh “Nam Cao” đã thân thuộc với bạn đọc, nhà văn còn có một số bút danh khác như Thúy Rư, Nhiêu Khê, Xuân Du. Những tên này đều do ông ghép chữ lại mà thành và thường gắn với một số sự kiện quan trọng trong đời tác giả.
Bút danh Thúy Rư do nhà văn lấy các chữ trong tên mình (Hữu Tri) ghép lại mà thành, còn Xuân Du lấy hai chữ đầu ở bài thơ Bốn mùa viễn du của Thôi Hiệu. Sáng tác nổi tiếng này thường được ông và nhà văn Tô Hoài ngâm ngợi khi gặp nhau.
“Xuân du phương thảo địa,
Hạ thưởng lục hà trì.
Thu ẩm hoàng hoa tửu,
Đông ngâm bạch tuyết thi.” – Bốn mùa viễn du
Ngoài ra, Nam Cao còn có bút danh Ma Văn Hữu dùng khi hoạt động ở chiến khu Việt Bắc. Hồi tham gia báo tỉnh Hà Nam, báo Cứu quốc, báo Quân khu III, ông thường sử dụng tên khác là Suối Trong để ký dưới các bài ca dao của mình.
Nam Cao chập chững bước vào nghề văn và gây vang với tác phẩm Chí Phèo
Năm mười tám tuổi Nam Cao cưới vợ, gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến ông phải xoay sở nhiều nghề, chật vật mưu sinh để nuôi sống gia đình. Sau đó nhà văn vào Sài Gòn, nhận làm thư ký cho một hiệu may và bắt đầu bước chân lên con đường văn nghiệp.
Thời gian đầu sáng tác, ông không mấy thành công và chưa được nhiều người chú ý bởi lối viết còn chịu nhiều ảnh hưởng văn học lãng mạn đương thời. Sau này, khi đã có tác phẩm đầu tay, Nam Cao mới thực sự xác định được hướng đi đúng đắn cho ngòi bút của mình.
Cây bút tài hoa được phát hiện bởi con mắt tinh tường của nhà văn Vũ Bằng
Những năm ba mươi thế kỷ trước, Hà Nội là trung tâm văn hóa của đất Bắc Kỳ. Từ các vùng quê, nhiều người đến đây để thi tài, thử sức và tìm vận may. Chàng thanh niên Trần Hữu Tri cũng vậy, anh ra Hà thành dạy học ở trường tư thục Công Thanh gần chợ Bưởi.
Nhà văn khi ấy giao dịch với những tòa soạn báo và nhà xuất bản, qua lại với giới nhà văn, nhà báo. Các sáng tác của Nam Cao thời ấy chưa gây được sự chú ý mặc dù cũng đã xuất hiện trên các tờ Hà Nội tân văn, Hữu ích, Tiểu thuyết thứ bảy nhưng không đều đặn.
“Ngay lúc Tiểu thuyết thứ bảy ra khổ lớn, Nam Cao đã có viết mấy truyện gửi về báo, nhưng tòa soạn cũ không đăng, tôi quả quyết không phải là vì vấn đề dìm nhau, đố kỵ nhau, nhưng có nhiều phần chắc chắn là vì vấn đề lười nhác hay không có sự trùng hợp ý kiến giữa người viết truyện và người lựa truyện. Sở dĩ nói như vậy là vì lúc đó Tiểu thuyết thứ bảy “ăn” về độc giả bình dân, đối tượng là đàn bà con gái, thích đọc truyện ướt át, lâm ly một chút, ly kỳ một chút. Chứ những truyện “Tây” quá – nghĩa là khô khan, không có thương nhớ, không “khóc được” – thì không ăn tiền.” – Nhà văn Vũ Bằng
Nhà văn Vũ Bằng có công lớn trong việc phát hiện ra tài năng của Nam Cao. Lúc đó, khi tác giả Thương nhớ mười hai được giao làm thư ký tòa soạn Tiểu thuyết thứ bảy, ông tình cờ tìm thấy một bản thảo bị bỏ quên trong sọt rác, chính là tác phẩm Đôi lứa xứng đôi hay Cái lò gạch cũ mà sau này đổi thành truyện ngắn Chí Phèo.
Vũ Bằng dường như tìm thấy ở cây bút mới này một văn tài thực sự. Phong cách sáng tạo độc đáo cùng tính chất phác trong từng câu chữ đã hấp dẫn người thư ký tòa soạn khi đó, để ngày nay chúng ta có được Nam Cao, tượng đài văn chương bất hủ trong lòng độc giả.
Khẳng định tài năng vượt bậc qua truyện ngắn đầu tay Chí Phèo
Trong bản thảo, tác giả vốn đặt tên cho tác phẩm này là Cái lò gạch cũ. Nhà văn Vũ Bằng kể lại rằng “ngay sau khi mới đọc được độ nửa trang đầu, tôi đã bị ngòi bút Nam Cao cám dỗ, đọc liền một hơi, và ngay sáng hôm sau tôi chỉ sửa qua vài chữ, vẽ ma két, đặt truyện của Nam Cao lên trang nhất, kèm một cái sa-pô giới thiệu một văn tài mới”.
Tác phẩm tố cáo chế độ hà khắc của bọn cường hào ác bá ở nông thôn xưa kia. Cái thế “quần ngư tranh thực” tại làng Vũ Đại chính là mô hình xã hội thu nhỏ lúc bấy giờ. Bọn chúng đẩy những người nông dân lương thiện vào con đường tha hóa, lưu manh hóa.
“Dù viết về đề tài nào, truyện của Nam Cao cũng thể hiện một tư tưởng chung: nỗi băn khoăn đến đau đớn trước thực trạng con người bị hủy hoại về nhân phẩm do cuộc sống đói nghèo đẩy tới.” – Khuyết danh
Qua sáng tác bất hủ này, Nam Cao đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Chí Phèo, một điển hình đắt giá cho số phận bi thảm của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám.
Cũng đi sâu vào đề tài người nông dân như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng song Nam Cao đã đi xa hơn các nhà văn ấy trong việc khai thác triệt để vẻ đẹp tâm hồn của họ.
Do hoàn cảnh xô đẩy mà Chí Phèo trở thành kẻ bán rẻ nhân tính, con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Hắn luôn triền miên trong những cơn say đến mất hết lý trí, luôn oán trách rằng “mẹ cha thằng nào đẻ ra thằng Chí Phèo để bây giờ hắn khổ”.
Bằng cách mở đầu vô cùng đặc sắc với “tiếng chửi”, Nam Cao đã giúp độc giả hình dung được phần nào số phận của nhân vật, một kẻ không cha không mẹ, chẳng có nổi tấc đất cắm dùi.
“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại.” – Chí Phèo
Nếu lật lại trang đời của gã cô hồn Chí Phèo thì có lẽ những năm tháng tuổi đôi mươi là giai đoạn mà Chí cảm thấy hạnh phúc nhất, một cuộc sống thanh tịnh dẫu cho nhiều khó khăn. Anh giàu lòng tự trọng, “biết ghét cái gì mà người ta cho là đáng khinh”.
Thế rồi chỉ vì cơn ghen vợ mà Bá Kiến đẩy Chí vào con đường tù tội. Nhà tù thực dân tàn bạo đã vắt kiệt những giọt lương tri ra khỏi con người hắn, vằm nát cả thân thể và tâm hồn để nhào nặn nên Chí Phèo, một con quỷ dữ đáng thương của làng Vũ Đại.
Cuộc đời đầy nước mắt của Chí ngỡ như bước sang trang khác khi gặp được Thị Nở, một người đàn bà vừa xấu xí lại dở hơi. Bát cháo hành thị mang đến cho Chí đã đánh thức bản tính lương thiện tưởng chừng đã mất đi trong con người hắn.
Thị Nở đến mang theo đôi cánh tình người, một thứ tình cảm mà từ lâu Chí không còn cảm nhận được. Lần đầu tiên hắn tỉnh dậy mà không thấy say, trong giây phút tỉnh táo hiếm hoi ấy đã ân hận và day dứt về những việc làm của mình.
“Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo rất ngon. Nhưng sao lại mãi đến bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo?” – Chí Phèo
Từ một con quỷ dữ mà nhờ tình thương của Thị Nở, Chí thực sự được trở lại làm người. Dẫu vậy cuộc đời vẫn không buông tha hắn, kết cục bi thảm cuối tác phẩm đã đại diện cho tầng lớp nông dân lầm than, thấp cổ bé họng, vì bần cùng mà dẫn tới bờ vực lưu manh hóa.
Hình tượng nhân vật Chí Phèo đã bước ra khỏi trang văn để chạm vào hiện thực xã hội, nó giúp tác phẩm trở thành áng văn điển hình, một tuyệt phẩm bất hủ sống mãi trong lòng độc giả nhiều thế hệ.
Thời kỳ sáng tác đỉnh cao với nhiều tác phẩm nổi bật
Sau năm 1941, nghề dạy học xuống dốc, trường Công Thanh mà Nam Cao đang giảng dạy thì đóng cửa vì bị quân Nhật trưng dụng. Ông lại chuyển sang Thái Bình để tiếp tục nghề “gõ đầu trẻ”, cũng có lúc thất nghiệp phải nằm nhà.
Tuy vậy, chính thời gian thất nghiệp này lại là giai đoạn mà Nam Cao sáng tác nhiều nhất, đặc biệt từ năm 1941 tới năm 1944. Trên tuần san Tiểu thuyết thứ bảy, ông đăng tới mười truyện chỉ trong năm 1942, sang năm thì hơn gấp đôi, bao gồm những tác phẩm nổi tiếng như Mua nhà, Đời thừa, Sống mòn, Giăng sáng.
Trong thời kỳ sáng tác sung mãn nhất này, ngòi bút nhà văn thành Nam đã đạt tới đỉnh cao chất lượng ngôn ngữ nghệ thuật lẫn tư duy văn học. Đồng thời ông bóc trần tất cả những cái thối nát của một xã hội bất công, vô nhân tính dưới thời thực dân Pháp cai trị.
Viết sau và đi tiếp dòng văn tả thực của các đàn anh Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng nhưng ông lại biết cách khai thác một khía cạnh khác trên mảnh đất văn chương màu mỡ ấy. Ngòi bút Nam Cao tỉnh táo mà xót xa, lý trí đến lạnh lùng.
“Nam Cao đã mạnh dạn đi theo một lối đi riêng, nghĩa là không đếm xỉa gì đến sở thích của độc giả. Nhưng tài năng của ông đã đem đến cho văn chương một lối văn mới sâu xa, chua chát và tàn nhẫn, thứ tàn nhẫn của con người biết tin ở tài năng của mình, thiên chức của mình.” – Giáo sư Hà Minh Đức
Phần lớn các nhân vật người nông dân trong gia tài tác phẩm đồ sộ ấy đều đã hoặc đang bị bần cùng hóa, lưu manh hóa, suy đồi về đạo đức lẫn nhân cách. Còn bộ phận tri thức tiểu tư sản thì giằng xé giữa mưu sinh với việc bảo vệ ánh trăng lừa dối của nghệ thuật.
Bên cạnh việc phản ánh tình trạng khốn khổ đến thê thảm của xã hội và con người trước Cách mạng, nhà văn còn mạnh mẽ lên án chế độ thực dân nửa phong kiến bất công, đồng thời đưa ra lời kêu cứu khẩn thiết rằng hãy cứu lấy nhân phẩm con người.
Đời thừa với những bi kịch khởi nguồn từ tình thương
Đời thừa là một khúc bi ca đầy nước mắt về số phận những người tri thức trong xã hội cũ. Giọng văn sắc sảo mà chua chát của Nam Cao đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Hộ, dù bị nghèo đói dồn ép đến tận cùng nhưng không bao giờ đánh mất lương tri và lý tưởng.
Không đem đến cho người đọc cảm giác uất nghẹn của một người bị đẩy vào bước đường cùng như Chí Phèo. Ở Đời thừa, Nam Cao đã xây dựng hình tượng nhân vật Hộ với tình thương hoàn mỹ.
Tác phẩm xoay quanh cuộc đời văn sĩ Hộ, một người luôn cố gắng giữ lấy sự toàn vẹn trong văn chương, lý tưởng sống của cuộc đời cho dù vài đồng nhuận bút chỉ đủ để bản thân anh sống eo hẹp qua ngày.
Chàng căm ghét lối viết văn vội vàng không chút kỳ công, kiểu dạng “mì ăn liền” mà chắc hẳn người ta quên ngay sau lần đọc đầu tiên. Đối với văn sĩ Hộ, anh muốn viết được một tác phẩm khiến độc giả suốt đời vẫn luôn ghi nhớ.
Cho dù lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, chỉn chu trong từng câu chữ song những gì cuộc đời trả lại anh thì chỉ toàn bi kịch, chật vật mưu sinh qua ngày giữa xã hội mà đồng tiền là chân lý.
“Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có… Hắn nghĩ thế và buồn lắm, buồn lắm! Còn gì buồn hơn chính mình lại chán mình? Còn gì đau đớn hơn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?” – Đời thừa
Dù bị cái đói nghèo dồn đến tận cùng nhưng không vì thế mà Hộ trở nên ích kỉ. Ánh sáng lương tri ấm áp vẫn luôn lan tỏa trong tâm hồn chàng, sẵn sàng cưu mang Từ và tất cả những đứa con của cô, đem đến hy vọng cho cuộc đời tăm tối mãi đeo bám họ.
Những giọt nước mắt rơi trong sự khốn cùng của Hộ chính là hạt bụi vàng tạo nên giá trị cho toàn bộ tác phẩm. Tiếng khóc bật ra giữa khi hai bi kịch lớn nhất cuộc đời lại xảy đến cùng một thời điểm.
Anh chẳng nỡ chối bỏ những cái đẹp trong văn học song không thể đánh mất lương tri. Hộ gần như rơi vào bế tắc, điều đó cũng là nỗi đau chung của tầng lớp tri thức đương thời.
Từ những bi kịch được tạo dựng nên, Nam Cao đã làm nổi bật ánh sáng lý tưởng đúng đắn của văn sĩ Hộ cũng như tầng lớp tri thức nghèo lúc bấy giờ. Cho dù bị đẩy đến đường cùng nhưng không bao giờ họ đánh mất sự lương thiện vốn có.
Đời thừa là áng văn chương đau đớn về cuộc đời cùng khổ cả về vật chất lẫn tinh thần của người nghệ sĩ chân chính. Bên cạnh đó, Nam Cao cũng đề cao tình yêu thương giữa người với người trong những lúc khó khăn, vất vả.
Giăng sáng với những ước mơ níu mộng văn chương giữa cảnh đời đói khổ
Giăng sáng là tác phẩm viết về bi kịch dưới ánh trăng của một tâm hồn nghệ sĩ, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám khi viết về tầng lớp tiểu tư sản nghèo, với những nỗi khổ “áo cơm ghì sát đất”.
Nhân vật Điền là điển hình cho số phận đó, một văn sĩ nghèo say mê vẻ đẹp tuyệt diệu của ánh trăng. Tuy đói khổ nhưng anh luôn mang trong mình cái mộng văn chương rất đỗi lớn lao, tự nhủ lòng sẽ viết ra những tác phẩm lời hay ý đẹp khiến người ta bị mê hoặc.
Điền từng là một gã trai dám từ bỏ công việc với mức lương mấy trăm đồng để theo đuổi nghề văn chương, để giờ đây lại rơi vào bi kịch của miếng cơm manh áo, vợ yếu, con đau, hết tiền, hết gạo.
Điền tỏ ra khó chịu với mớ âm thanh ồn ào, lộn xộn trong cuộc sống, bởi anh cho rằng nó quá tầm thường và không xứng với nghệ thuật thanh cao. Chàng luôn muốn thoát ly khỏi hiện thực, nhắm mắt làm ngơ trước cảnh đời lầm than của chính mình.
“Ðứa con không dám khóc to. Nó chỉ oằn oại và rít nho nhỏ trong cổ họng. Thỉnh thoảng nó không còn sức nén, tiếng khóc bật ra Ðiền nghe một vài tiếng nức nở như tiếng người nôn oẹ, Ðiền vẫn ngồi cúi mặt. Một nỗi chua xót gần như là thuộc về thể chất, ứ lên trong lòng Ðiền. Nó dâng lên đến cổ, xông lên óc. Nước mắt Ðiền ứa ra.” – Giăng sáng
Chính những điều tầm thường ấy đã giữ Điền lại trước vực thẳm sa ngã. Anh nhận ra rằng nghệ thuật chân chính là không được dửng dưng trước số phận con người, nhà văn phải dùng ngòi bút hiện thực của mình để nói lên nỗi đau xót ngàn đời đó.
Mượn tâm trạng của nhân vật Điền, Nam Cao đã đề cập đến một triết lý nhân sinh sâu sắc, rằng “nghệ không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”.
“Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn.” – Đời thừa
Qua tác phẩm này, tác giả đã mạnh mẽ lên án lối văn chương nghệ thuật vị nghệ thuật, mơ mộng hão huyền như ánh trăng xanh kia, đẹp đẽ nhưng chứa đựng đầy sự giả dối. Đó cũng là lời tuyên ngôn đanh thép của Nam Cao khi đoạn tuyệt dòng văn học thoát ly hiện thực.
Sau Cách mạng và những chuyển biến trong phong cách sáng tác
Năm 1943, tác giả tham gia phong trào Việt Minh, góp phần sáng lập tổ chức Văn hóa cứu quốc. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông cùng nhân dân cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân và được cử làm chủ tịch xã đầu tiên của chính quyền mới tại địa phương.
Đầu năm 1946, với tư cách là phóng viên mặt trận, Nam Cao có chuyến đi công tác vào cực Nam Trung Bộ. Đến khi kháng chiến bùng nổ tại Hà Nội, ông đã về quê và tham gia viết bài tại báo tỉnh Hà Nam.
Mùa thu năm 1947, nhà văn lên chiến khu Việt Bắc theo lời mời của nhà thơ Xuân Thủy, chủ nhiệm báo Cứu quốc và làm thư ký tòa soạn. Cuối năm 1948, sau chuyến đi công tác xuống vùng đồng bằng, Nam Cao chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản.
Năm 1950, tác giả chuyển sang làm việc tại tòa soạn tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam. Đến tháng mười, trong chuyến công tác thâm nhập vùng địch hậu, ông bị địch phục kích và hy sinh.
“Chỉ đau có một điều là những nhà văn cỡ Nam Cao chết đi giữa lúc chiến tranh sôi động thật là một thiệt thòi rất lớn cho riêng phe văn nghệ… Vâng! Nam Cao lỗi lạc như vậy, nhưng cuộc đời khốn khó cùng cực. Chỉ những người dấn thân cho sự nghiệp mới vượt lên hoàn cảnh để sống đẹp, để cống hiến tài năng cho đời. Nam Cao là một người như vậy.” – Nhà văn Vũ Bằng
Sau năm 1945, Nam Cao với những cây viết cùng thời đã đi theo tiếng gọi Cách mạng, sử dụng ngòi bút để tuyên truyền, chiến đấu. Các tác phẩm của ông thời kỳ này đã có nhiều hướng đi mới hơn và không còn rơi vào bế tắc bời ám ảnh cái đói nghèo trước kia.
Tác giả chuyển sang viết tin, làm ca dao, soạn kịch ngắn để tuyên truyền Cách mạng. Ông từng chia sẻ đó là công việc thầm lặng mà có ích, tuy đôi lúc có chút lo lắng không biết cách viết như vậy có thể làm hỏng lối văn tiểu thuyết đã có ít nhiều người thích hay không.
Sau Cách mạng, số lượng sáng tác của Nam Cao đã giảm đáng kể nhưng thay vào đó là sự chín muồi về nghệ thuật, hướng tới tính triết lý suy tưởng, đồng thời cũng không còn ghi rõ dấu ấn phong cách như trước năm 1945.
Nam Cao nhìn đời, nhìn người bằng một đôi mắt khác. Ông dùng ngòi bút để thực hiện sứ mệnh mới của văn học, tập trung nhiều vào lối sống con người hơn là đi sâu tới những bế tắc, bi kịch như trước Cách mạng.
Khi đi theo Cách mạng, do được hòa chung với quần chúng cần lao nên nhà văn càng hiểu nhân dân hơn. Ông cho rằng chính hoàn cảnh đã thay đổi tất cả, người lao động nghèo mới hôm qua còn sợ sệt trước áp bức của bọn thực dân thì nay đã bừng bừng khí thế chiến đấu vì độc lập tự do.
Giai đoạn này, sự chuyển biến sâu sắc nhất về phong cách nghệ thuật của Nam Cao được thể hiện rõ nét qua tác phẩm Đôi mắt. Truyện ngắn này được sáng tác năm 1948, lấy bối cảnh nạn đói năm Ất Dậu để phơi bày những góc nhìn khác nhau giữa các tầng lớp xã hội.
Sáng tác này ban đầu mang tên Tiên sư thằng Tào Tháo song về sau tác giả đã đổi thành Đôi mắt để thể hiện góc nhìn đa chiều của tác phẩm thông qua cuộc trò chuyện giữa hai văn sĩ Hoàng và Độ.
Trước năm 1945, hai người là bạn văn cùng thời với nhau nhưng sau Tổng khởi nghĩa, Độ trở thành chiến sĩ cách mạng còn Hoàng trở về nông thôn sinh sống theo lệnh tản cư.
Nhân chuyến công tác về quê, Độ ghé vào thăm hai vợ chồng Hoàng và giữa hai người đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn với nhau. Điều đáng nói là trong nạn đói đáng sợ ấy thì gia đình văn sĩ Hoàng và ngay cả con chó của họ vẫn đủ ăn ngày ba bữa.
Xuyên suốt cuộc trò chuyện, người đọc cảm nhận được nhiều góc nhìn chân thực về thời cuộc. Hoàng mang danh văn sĩ tri thức song có lối suy nghĩ phiến diện và ích kỉ, thậm chí ngông cuồng, xem thường tinh thần yêu nước của nhân dân.
“Nỗi khinh bỉ của anh phì cả ra ngoài theo cái bĩu môi dài thườn thượt. Mũi anh nhăn lại như ngửi thấy mùi xác thối. Vợ chồng anh thi nhau kể tội người nhà quê đủ thứ. Toàn là những người đần độn, lỗ mãng, ích kỷ, tham lam, bần tiện cả. Cha con, anh em ruột cũng chẳng tốt với nhau. Các ông thanh niên, các bà phụ nữ mới bây giờ lại càng lố lăng. Viết chữ quốc ngữ sai vần mà lại cứ hay nói chuyện chính trị rối rít cả lên…” – Đôi mắt
Trái lại, Độ là một người yêu nước, nhìn đời bằng đôi mắt thấu cảm. Anh hiểu cuộc kháng chiến này, bên cạnh khả năng lãnh đạo sáng suốt của Bác và Đảng Cộng sản thì còn cần sự đóng góp công lao của những người dân nghèo mà Hoàng đã coi thường.
Bằng lối viết mộc mạc, tự nhiên nhưng không kém phần sắc sảo, Nam Cao đã phơi bày lối suy nghĩ ích kỷ của Hoàng nói riêng và một bộ phận tri thức tiểu tư sản đã quen lối sống xa hoa, hưởng thụ như trước Cách mạng nói chung.
Những nét đặc sắc trong truyện ngắn của Nam Cao
Nam Cao được coi là đại diện tiêu biểu cho nền văn học hiện thực phê phán Việt Nam thế kỷ XX. Ông góp công lớn trong việc hoàn thiện dòng văn học này cả về mặt phản ánh thực trạng xã hội lẫn khả năng biểu hiện nghệ thuật.
Nếu như trước đó đã có một Vũ Trọng Phụng tả chân sắc sảo, Nguyễn Công Hoan trào phúng, giật gân thì đến với Nam Cao, độc giả được chứng kiến trọn vẹn xã hội Việt Nam đang rối ren, quằn quại trong quá trình bần cùng hóa.
“Năm năm cho một sự nghiệp không lẫn với ai, năm năm trung thành với hướng đi không nghiêng ngả… năm năm cày xới để tự biếm họa, tự khẳng định,để có Nam Cao như hiện nay ta có.” – Giáo sư Phong Lê
Tác giả định hình được phong cách truyện ngắn cho bản thân mình từ rất sớm. Chính tác phẩm đầu tay của ông cũng đã hội tụ đầy đủ yếu tố làm nên một nhà viết truyện ngắn tài ba, mang màu sắc độc đáo khó trộn lẫn.
Lựa chọn đề tài và chủ đề
Nam Cao luôn hướng ngòi bút của mình tới những vấn đề nhỏ nhặt trong xã hội, tuy nhiên phía sau lại ẩn giấu một triết lý nhân sinh sâu sắc về con người lẫn cuộc sống đời thường.
Trước Cách mạng, các sáng tác của ông thường chia thành hai đề tài chính là về người nông dân và tầng lớp trí thức. Cho dù đó đều là mảng màu quen thuộc song Nam Cao đã sử dụng ngòi bút để đào sâu tìm tòi, phản ánh những vấn đề khác mới mẻ hơn trên cùng một mảnh đất hiện thực.
Khi viết về người nông dân, Nam Cao thường đề cập đến vấn đề miếng ăn, cái đói, một điều mà đã khá nhiều nhà văn hiện thực khai thác. Dưới ngòi bút Nam Cao, nó như nỗi nhục nhã, ê chề, hủy hoại cả nhân phẩm con người.
“Nếu như ở tác phẩm của Ngô Tất Tố là tiếng kêu cứu đói thì ở tác phẩm của Nam Cao lại là tiếng kêu cứu lấy nhân cách, nhân phẩm, nhân tính của con người đang bị cái đói và miếng ăn làm cho tiêu mòn đi, thui chột đi, hủy diệt đi.” – Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh
Biết bao nhiêu người phải chết vì đói, anh Đĩ Chuột của truyện ngắn Nghèo phải thắt cổ để đỡ gánh nặng cơm áo cho vợ con, Lang Rận trong tác phẩm cùng tên bị người ta khinh rẻ, làm nhục do phải sống rách rưới, đói khát, rồi đành tìm đến cái chết một cách thê thảm.
“Cái bộ xương bọc trong da giãy dụa như một con gà bị bẫy, sau cùng, nó chỉ còn giật từng cái chậm dưới sợi dây thừng lủng lẳng.” – Nghèo
Anh Cu Lộ thật thà, chất phác trong Tư cách mõ vì miếng ăn cùng sự xúc phạm của những người xung quanh mà dần biến thành kẻ tham lam, đê tiện. Bà cái Tí ở Một bữa no đành từ bỏ danh dự và lòng tự trọng để mong có được bữa cơm no đúng nghĩa.
Viết về người tri thức tiểu tư sản, Nam Cao dường như đã thay một tấm áo mới cho đề tài vốn quá quen thuộc. Những trí thức nghèo có tài và khát vọng lớn lao nhưng lại bị nỗi mưu sinh nhọc nhằn kìm nén.
“Viết về người trí thức tiểu tư sản nghèo, Nam Cao đã mạnh dạn phân tích và mổ xẻ tất cả, không né tránh như Thạch Lam; không cực đoan, phiến diện như Vũ Trọng Phụng, cũng không thi vị hóa như Nhất Linh, Khái Hưng, ngòi bút của Nam Cao luôn luôn tỉnh táo đúng mực.” – Giáo sư Hà Minh Đức
Bi kịch mà văn sĩ Hộ trong Đời thừa, Thứ ở Sống mòn phải gánh chịu đã trở thành tiếng khóc xót xa về cái chết tinh thần của một lớp người trong xã hội cũ. Họ không có lối thoát nào cho bản thân mình, chỉ đành chấp nhận cảnh bế tắc trong bầu không khí ngột ngạt.
Hướng ngòi bút tới người nông dân cùng tầng lớp trí thức tiểu tư sản, Nam Cao đã tái hiện trọn vẹn bức tranh xã hội Việt Nam trước Cách mạng, một xã hội kiệt quệ về tinh thần và đang oằn mình gánh chịu tất thảy mọi thảm họa của đói rét, chiến tranh.
Nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật
Nam Cao là một trong những nhà văn giàu sức sáng tạo và khám phá, tác phẩm của ông luôn luôn có sự mới lạ, không chỉ về đề tài mà còn cả trong việc miêu tả, thể hiện tâm lí nhân vật.
Ngòi bút bậc thầy ấy đi sâu vào những ngóc ngách trong sự vận động tâm lí nhân vật, từ đó tập trung khám phá thế giới nội tâm phức tạp của con người. Với mỗi mức độ, ông lại có cách phát triển và thể hiện khác nhau, làm nên các gam màu đa dạng cho tác phẩm.
“Sống tức là cảm giác và tư tưởng. Sống cũng là hành động nữa, nhưng hành động chỉ là phần phụ: có cảm giác, có tư tưởng mới sinh ra hành động. Bản tính cốt yếu của sự sống chính là cảm giác và tư tưởng. Cảm giác càng mạnh, càng linh diệu, tư tưởng càng dồi dào, càng sâu sắc thì sự sống càng cao.” – Nhà văn Nam Cao
Nhà văn lấy thế giới nội tâm nhân vật làm đối tượng chính để miêu tả. Trong số các tác giả hiện thực cùng thời, có thể nói rằng Nam Cao là người sử dụng thành công nhất hình thức độc thoại nội tâm, để cất lên tiếng nói mạnh mẽ nơi thẳm sâu tâm hồn con người.
Ông đi sâu miêu tả tâm trạng day dứt, đớn đau của lão Hạc khi buộc phải bán đi cậu Vàng, người bạn thân nhất đời để lo cưới cho con trai mình. Nỗi ân hận muộn màng hiện ra dưới ngòi bút tài hoa càng làm nổi bật lên bản chất lương thiện trong con người khốn khổ.
Nam Cao phân tích sắc sảo tâm trạng cô đơn, chua chát mà nhân vật Phúc phải đối diện trong Điếu văn khi ốm đau lại bị vợ bỏ rơi không chăm sóc, tâm hồn héo úa, kiệt quệ của Thứ ở Sống mòn lúc trông thấy thời gian trôi và ngày dần chết đi.
Ngoài ra còn một đặc sắc nữa mà Nam Cao vận dụng trong tác phẩm của mình là kết hợp miêu tả tâm trạng cùng cảnh vật thiên nhiên để góp phần khắc sâu tâm lí nhân vật, qua đó bộc lộ tư tưởng tác phẩm.
Ngôn ngữ và giọng điệu đặc trưng trong các truyện ngắn của Nam Cao
Nam Cao sử dụng ngôn ngữ đa âm để làm phương tiện miêu tả trong hầu hết các tác phẩm của mình. Những đại từ nhân xưng đắc địa như nó, hắn, y, thị, gã, lão được tác giả vận dụng linh hoạt và hết sức phù hợp với từng bối cảnh.
Đọc văn Nam Cao, độc giả cảm nhận được sự hòa quyện giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ người kể chuyện. Cuộc đối thoại giữa người kể với nhân vật thực chất chỉ là đối thoại nội tâm, một nét đặc trưng khó trộn lẫn trong các tác phẩm của ông.
Bởi lẽ đó mà Nam Cao được đánh giá là một trong những người có đóng góp lớn cho văn học Việt Nam về mảng độc thoại nội tâm, giúp tạo ra các cuộc tranh luận ngầm để làm nổi bật ý kiến cá nhân của mình.
“Hắn cũng nhớ nhung một cái gì rất xa xôi… những mộng đẹp ngày xưa… một con người rất đáng yêu đã chẳng là mình nữa. Hắn lắc đầu tự bảo: “Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi.” – Đời thừa
Ngoài ra, giọng điệu cũng là một yếu tố quan trọng giúp ông thành công trong thể loại truyện ngắn. Nếu Nguyễn Công Hoan đặc trưng với giọng suồng sã mà sâu cay, Vũ Trọng Phụng gây ấn tượng với giọng mỉa mai đầy phẫn uất thì Nam Cao lại khiến độc giả khó quên bởi giọng văn lạnh lùng nhưng chứa đựng tâm trạng buồn thương, da diết.
“Nam Cao lạnh lùng quá, kéo mép lên mới nở được một nụ cười khó nhọc. Thật ra mặt anh ta lạnh nhưng lòng anh ta sôi nổi.” – Nhà văn Tô Hoài
Bề ngoài, tác giả tỏ ra tàn nhẫn với cái nhìn lý trí, tỉnh táo thì bên trong, ông lại cảm thông và xót thương cho hoàn cảnh nhân vật. Mỗi phân đoạn trong truyện lại chuyển hóa một giọng điệu khác nhau, tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn của tác phẩm.
Chủ nghĩa nhân đạo mới mẻ trong các sáng tác của Nam Cao
Giá trị của tác phẩm văn học chân chính là được tạo nên từ cảm hứng nhân văn cùng chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc. Văn học Việt Nam từ thời trung đại tới nay luôn coi trọng điều này và xem đó như một nguyên tắc vàng trong sáng tác.
Vượt qua thử thách khắc nghiệt của thời gian, các truyện ngắn của Nam Cao vẫn luôn ngời sáng bởi ý nghĩa hiện thực sắc sảo cũng như tư tưởng nhân đạo mới mẻ mà ông truyền tải qua những đứa con tinh thần quý giá.
“Một số sáng tác của Nam Cao, đặc biệt là ở đề tài tiểu tư sản, đã mang đến cho chủ nghĩa nhân đạo trong trào lưu văn học hiện thực những yếu tố mới mẻ, độc đáo… Trong đó, điều cốt lõi nhất là ý thức về giá trị sự sống, là ý thức về cá nhân.” – Nhà phê bình văn học Hà Bình Trị
Các tác phẩm của Nam Cao sử dụng chất liệu từ những chuyện vụn vặt trong đời sống thường ngày, chính ông cũng đặt tên cho nó là Những chuyện không muốn viết. Vợ kêu, con khóc cùng cái đói khổ triền miên là một gam màu quen thuộc mà tác giả sử dụng.
Dẫu vậy, từ những chuyện vụn vặt đó lại đặt ra các vấn đề sâu sắc đáng suy ngẫm. Bi kịch đời thường thể hiện qua ngòi bút Nam Cao đã trở thành bi kịch điển hình và bất hủ trong tâm trí độc giả.
“Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả đời người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn.” – Nhà văn Nam Cao
Là nhà văn có trái tim nhân đạo, ông thấu hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa nhân cách con người. Không khinh rẻ hay hắt hủi, ông đã ôm trọn họ bằng tấm lòng cao cả mà cảm thông, vỗ về.
Nam Cao nhận ra đằng sau Thị Nở với bộ mặt xấu “ma chê quỷ hờn” là một tâm tính người thực sự, sẵn sàng sưởi ấm trái tim lạnh lẽo của Chí Phèo bằng ngọn lửa tình người, thậm chí sâu thẳm trong tâm hồn quỷ dữ của Chí Phèo lại chứa đựng niềm khao khát được trở về với sự lương thiện vốn có.
“Nhưng hắn mơ hồ thấy rằng sẽ có một lúc mà người ta không thể liều lĩnh được nữa. Bấy giờ mới nguy! Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ nhận lại hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện…” – Chí Phèo
Nam Cao là nhà văn của người nông dân nghèo khổ, bất hạnh và tầng lớp tri thức tiểu tư sản bế tắc với thời cuộc. Những đóng góp lớn lao của ông đã giúp hoàn thiện việc cách tân nền văn xuôi Việt Nam theo hướng hiện đại hóa.
Tiểu Mai
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất