Trận chiến Bongodong: Tiếng gầm chiến thắng (The Battle: Roar to Victory) là bộ phim miêu tả lại hành trình kháng chiến của quân đội độc lập Triều Tiên trước đế quốc Nhật Bản to lớn và bạo tàn, phim có sự xuất hiện của đạo diễn kỳ cựu Won Shin-yun và Kim Tae-won chỉ đạo sản xuất.
Trailer của phim Trận chiến Bongodong
Phim ra rạp tại Hàn Quốc vào đầu tháng 8 năm 2019 và xuất sắc giành giải Grand Prize lẫn giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Korean Culture and Entertainment Awards lần thứ 27, đây cũng là thành công duy nhất của bộ phim tính đến nay.
Hành trình kháng Nhật của Triều Tiên hiện lên đầy oai hùng
Phim mở đầu với phân cảnh Hwang Hae-cheol (Yoo Hae-jin thủ vai) chứng kiến người em trai yêu quý của mình bị lính Nhật hãm hại, đau đớn và uất ức, anh đã trở thành một lãnh đạo trong đội quân kháng chiến của Triều Tiên.
Dưới trướng của Hwang Hae-cheol có một tiểu đội chuyên đi theo anh để thực hiện các nhiệm vụ, nổi bật là xạ thủ Byeong-gu (Jo Woo-jin thủ vai), người đóng vai trò như cánh tay phải của Hwang.
Hai mươi phút đầu của Trận chiến Bongodong là cảnh “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên khi đội quân của Hwang tấn công một tiền đồn của binh lính Nhật và bắt về một tù binh là Yukio (Kotaro Daigo thủ vai).
Sau khi nghe tin, quân đội của đế quốc Nhật liền lập tức lên kế hoạch trả thù vào nơi trú ẩn của đội quân kháng chiến. Đây là quân đội hoàng gia nên tiềm lực và cả năng lực đều rất mạnh mẽ, hoàn toàn không thể xem thường.
Biết được điều này, Hwang đi đến điểm phòng thủ Samduja nhằm chuẩn bị nhưng quân Nhật do gã Trung úy biên phòng Arayoshi Sigeru (Park Ji-Hwan thủ vai) đã nhanh chóng xông vào làng và bắn giết người dân để truy lùng tin tức về thủ quỹ kháng chiến Lee Jin-sung (Won Pung-yeon thủ vai), người có trách nhiệm hỗ trợ tài chính cho quân kháng chiến.
Quân đội Nhật hớn hở trước những người dân thường mà họ vừa bắt giam được, thậm chí còn chụp ảnh bên cạnh tử thi của người Triều Tiên, chúng không từ một ai kể cả phụ nữ đang mang thai cho đến trẻ em.
Lúc này, Hwang, Byeong-gu cùng những người dưới trướng lập tức đến giải vây, nhưng trước đó chỉ huy Lee Jang-ha (Ryoo Joon-Yeol thủ vai) đã bày binh bố trận sẵn cùng quân kháng chiến. Hỏa lực mạnh và sự xuất hiện đầy bất ngờ đã giúp đội quân của Lee Jang-ha dành được ưu thế, phía Hwang chỉ có thể hỗ trợ dọn dẹp chiến trường và truy đuổi những tên trốn chạy.
Nói về nhân vật Lee Jang-ha, nhiệm vụ của anh là dẫn dụ quân đội hoàng gia của Nhật do tướng Jiro Yasukawa (Kazuki Kitamura thủ vai) chỉ huy vào trận địa Bongo-dong mà quân kháng chiến đã bày sẵn, đồng thời bảo đảm an toàn cho Lee Jin-sung chuyển tiền đến Chính phủ lâm thời Triều Tiên tại Thượng Hải.
Cốt truyện ngắn gọn và xuyên suốt của Trận chiến Bongodong
Là bộ phim tập trung vào cuộc khởi nghĩa của quân đội nhân dân Triều Tiên nên cốt truyện của Trận chiến Bongodong khá ngắn gọn, tập trung vào trận thắng đầu tiên của quân kháng chiến ở Mãn Châu vào năm 1920.
Trong cuộc chiến giành độc lập này, phía Triều Tiên được mô tả như những người lính với tinh thần quả cảm, anh dũng mà điển hình là nhân vật Hwang Hae-cheol khi luôn lao lên phía trước chỉ với cây đao thô sơ của mình trước bầy đàn quân Nhật tinh nhuệ với súng trường và lưỡi lê.
Bên cạnh anh là đại úy Lee Jang-ha với nhiệm vụ tự sát để dẫn dụ quân địch, là Ham Chul-hoon (Park Hee-soon thủ vai) của đội kháng chiến nhân dân chấp nhận làm tù binh để phối hợp với đại úy Lee dẫn quân địch vào chiếc bẫy đã gài sẵn.
Những người đàn ông đó, một người mang nỗi đau mất em trai duy nhất trên gương mặt, một người nghe tin chị gái của mình hy sinh ngay trước thềm chiến dịch, một người có mẹ già bị bệnh ở quê nhà, nhưng tất cả cũng không làm họ quá đau lòng mà quên đi cuộc chiến đang diễn ra phía trước.
Tất cả đều cùng chung một nhiệm vụ, đó chính là bảo vệ thủ quỹ kháng chiến Lee Jin-sung đến Bongo-dong an toàn rồi Hwang sẽ đưa tiền qua Thượng Hải để giao cho Chính phủ lâm thời, rồi dẫn dụ quân Nhật đến trận địa Bongo-dong và tiêu diệt chúng một lần tại đó.
Tuy nhiên quân địch trang bị pháo binh đầy đủ, huấn luyện chuyên nghiệp và là quân đội tinh nhuệ nhất ở thời điểm đó, liệu có quá khó cho Hwang, đại úy Jang-ha và những người lính kháng chiến còn lại?
Những hạt sạn còn sót lại trong trận chiến kháng Nhật của người lính Triều Tiên
Vẫn còn nhiều hạt sạn sót lại bên trong bộ phim đã viết lên một thời oanh liệt này, Trận chiến Bongodong được đánh giá là một bộ phim hay, truyền cảm hứng cho khán giả Hàn Quốc lẫn khán giả quốc tế về một thời oai hùng của những người lính xuất thân từ nông dân.
Nhưng bộ phim khiến khán giả đặt dấu hỏi rằng, có phải vì sa đà vào việc tôn vinh quá nên Trận chiến Bongodong không có dấu ấn gì nổi bật, quân đội Triều Tiên tuy trang bị thô sơ nhưng lại làm chủ các trận đánh liên tiếp, sức mạnh hoàn toàn áp đảo so với đế quốc Nhật Bản vốn là một thế lực mạnh mẽ lúc đó.
Những người lính Triều Tiên xuất hiện với tâm thế biết mình biết ta, lặng lẽ dồn địch vào cửa tử còn quân đội Nhật Bản thì ngạo mạn, kiêu căng và lao lên với chiến thuật biển người, hoàn toàn không giống một đội quân trang bị hiện đại, được lãnh đạo bởi những tướng lĩnh xuất sắc và nhất là quân đội của Hoàng Gia.
Đây cũng chính là điều khiến khán giả đặt câu hỏi nhiều nhất trong phim bên cạnh việc người lính Triều Tiên dường như không hề hấn nhiều trước mưa tên bão đạn đến từ phía Nhật Bản, họ cứ thế ngã xuống rồi đứng lên, băng bó qua loa.
Ngay cả đại úy Lee Jang-ha dù bị trúng đạn vào ngực nhưng vẫn băng băng chạy trốn, Hwang thì cầm đao lao thẳng vào đội hình địch và liên tục chém ngã nhiều kẻ liền mà không hề gặp thương tích gì.
Những điểm vô lý này khiến nhiều khán giả cảm thấy “phật lòng” sau khi xem Trận chiến Bongodong vì thực lực giữa hai bên quá chênh lệch, bên tưởng mạnh mẽ hóa ra lại yếu ớt còn bên yếu ớt lại quá mạnh mẽ.
Thành ra bộ phim tuy hút khán giả bằng những cảnh chiến đấu mạnh mẽ nhưng không hề có nét chấm phá nào xuyên suốt, nổi bật, có phần nhạt nhòa vào cuối phim.
Doanh thu và những giải thưởng của Trận chiến Bongodong
Trận chiến Bongodong ra mắt vào đầu tháng Tám tại Hàn Quốc và thu hút được hơn bốn triệu lượt khán giả chỉ sau nửa tháng, phim được công chiếu trên toàn thế giới và do hãng Showbox nhận trách nhiệm phân phối đến các quốc gia, mang về gần 27 triệu đô doanh thu phòng vé.
Có thể nói đạo diễn Won Shin-yun là người rất cao tay với những bộ phim ông đảm nhận như Hồi ký kẻ sát nhân (Memoir of a Murderer), Truy lùng (The Suspect) và Trận chiến Bongodong cũng không nằm ngoài danh sách đó.
Phim được đề cử sáu giải Rồng xanh cho Đạo diễn xuất sắc nhất, Quay phim/Ánh sáng xuất sắc nhất, Kỹ xảo xuất sắc nhất cùng một số giải thưởng khác tuy nhiên không giành giải nào cả, chỉ dành hai giải tại Korean Culture and Entertainment Awards lần thứ 27.
Có thể nói năm ra mắt của Trận chiến Bongodong cũng là năm những đối thủ “siêu nặng ký” như Ký sinh trùng, Chứng nhân hoàn hảo và Lối thoát trên không ra mắt khán giả Hàn nên việc lỡ mất cũng là điều đáng tiếc cho Won Shin-yun và ê-kíp của anh.
Minh Tuấn
Minh Tuấn
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất