Là một tác phẩm được viết dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Bồ câu không đưa thư nói về những kỉ niệm đẹp thời học sinh, đặc biệt là tình cảm vụng về nhưng lại vô cùng đáng yêu của bộ ba cá tính là Xuyến, Thục và Cúc Hương.
Sơ lược về Nguyễn Nhật Ánh và tác phẩm Bồ câu không đưa thư
Nguyễn Nhật Ánh sinh vào tháng 5 năm 1955 tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, ông còn được biết đến với các bút danh như Chu Đình Ngạn, Đông Phương Sóc, Lê Duy Cật và Anh Bồ Câu.
Nguyễn Nhật Ánh gây ấn tượng với người đọc qua hàng loạt tác phẩm tiêu biểu như Trại hoa vàng, Đi qua hoa cúc, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Đảo mộng mơ, Ngày xưa có một chuyện tình, Lá nằm trong lá, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng và Ngồi khóc trên cây.
Nguyễn Nhật Ánh đã nhận được rất nhiều giải thưởng cao quý trong ngành như là Giải thưởng văn học trẻ hạng A năm 1990 và Giải nhà văn có lượng sách bán chạy nhất năm 1998, ông còn được trao tặng huy chương Vì thế hệ trẻ 2003.
Bồ câu không đưa thư là tập truyện dài được ra mắt và xuất bản từ năm 1993, gồm mười bốn chương xoay quanh ba nhân vật chính là Xuyến, Thục và Cúc Hương.
Cuốn truyện lấy bối cảnh là lớp 12 cuối cấp, với sự việc bắt đầu là lá thư làm quen bí ẩn đặt trong hộc bàn của Thục với cái tên Phong Khê.
Nó đã kích thích sự tò mò của các cô gái rồi cứ thế mà họ cuốn vào trò chơi cùng người giấu mặt ấy, sau đó cả nhóm quyết định truy tìm kẻ đứng đằng sau mọi chuyện để rồi từ đó dẫn đến nhiều hiểu lầm và những bất ngờ đầy thú vị.
Mỗi sự việc trong hành trình tìm kiếm ấy là những kỉ niệm đáng nhớ trong thời học sinh của mỗi người để rồi bạn đọc thấy được chính mình trong đó. Bồ câu không đưa thư neo đậu trong lòng độc giả là những ký ức học sinh đẹp đẽ vô cùng.
Câu chuyện về lá thư của người giấu mặt Phong Khê và sự tò mò của ba cô gái
Mọi thứ bắt đầu khi trong hộc bàn của Thục xuất hiện lá thư với ý muốn làm quen khiến cô bất ngờ rồi đỏ mặt.
“Cho mình làm quen với. Mình ở lớp buổi sáng, ngồi cùng chỗ với bạn đấy. Nếu không nỡ từ chối, bạn viết mình vài chữ. Thành thật cảm tạ. Rất mong hồi âm”. Lá thư chỉ ngắn ngủi có vậy. Bên dưới ký tên: Phong Khê.”
Thục vốn dĩ là một cô gái nhút nhát, e dè nên những lời đường mật như thế thì thật không quen lắm nên cô đã đem chuyện này kể với hai người bạn thân của mình là Xuyến và Cúc Hương.
Sau đó cả ba cô gái bước vào hành trình tìm kiếm với sự hỗ trợ nhiệt tình từ vị quân sư thơ ca là Phán củi, một chàng trai nhà quê, vụng về nhưng học rất giỏi Toán trong lớp.
Tiếp theo, Xuyến đã trả lời một lá thư khác với nội dung châm chọc, bảo rằng Phong Khê đừng hòng làm quen với Thục.
“Gửi bé Phong Khê,
Chị ngạc nhiên vô cùng khi nhận được thư bé. Có lẽ bé quáng gà hay sao, chứ lớp chị đâu có tổ chức “Câu lạc bộ làm quen” hay “Tìm bạn bốn phương” mà bé biên thư đòi “kết bạn tâm tình”! Hơn nữa, bé trẻ người non dạ, tuổi còn nhỏ nên chú tâm học hành, chớ đua đòi vớ vẩn kẻo trèo cao té nặng…”
Cứ tưởng rằng chàng trai kia đã bỏ cuộc nhưng ít lâu sau, họ lại nhận được hồi âm với ba trái ổi cùng lá thư mang nội dung rằng anh lớn hơn các cô vài tuổi nhưng đi học chậm nên chỉ mới đến lớp mười một mà thôi.
Kể từ lần đó họ trao đổi thư từ qua lại nhiều hơn, thậm chí sau này còn có cả đồ ăn và hoa quả mà nhóm ba cô gái yêu cầu Phong Khê tặng cho. Sau này cả hai bên đều viết thư bằng thơ, đọc lên là những cảm giác ngây ngô, xao xuyến.
“Cái từ “bạn” rất dễ thương
Cảm ơn Xuyến, Thục, Cúc Hương rất nhiều
Ba trái ổi có bao nhiêu
Chỉ mong các bạn buổi chiều… no nê!”
Dần dần, Thục ngày càng mơ mộng về người tình không hình ảnh của mình cũng như là luôn muốn biết danh tính của người kia.
“Từ ngày anh chàng Phong Khê đánh tiếng làm quen, rồi thư đi thư lại, cuộc trò chuyện thầm lặng dưới ngăn bàn đã trở thành niềm vui quen thuộc với ba cô gái. Bây giờ anh chàng Phong Khê không rõ mặt mũi kia đột nhiên im tiếng khiến họ cảm thấy như thiếu thiếu một cái gì. Cái ngăn bàn hình chữ nhật chỗ Thục ngồi bây giờ không còn là hộp thư bí mật và hấp dẫn nữa mà giống như một hang động hoang vu…”
Chính những rung động và tò mò ấy, các cô gái đã tiến hành bàn bạc và quyết định cử Cúc Hương đi truy tìm nhân vật Phong Khê khối buổi sáng.
Hành trình tìm kiếm người bí ẩn cùng những bất ngờ thú vị của bộ ba cá tính
Thế là ngay hôm sau, Cúc Hương đã đến lớp và theo dõi qua ô cửa sổ, nhìn vào chỗ mà Thục ngồi. Khi ấy, cô ngỡ ngàng khi phát hiện chàng trai lâu nay viết thư cùng bạn mình là một nữ sinh và sau đó lập tức trở về báo tin.
Trước thông tin ấy, Xuyến đã hạ quyết tâm phải đi gặp Phong Khê mới được. Và cứ như vậy mà ba cô nàng tiến hành theo dấu chân cô gái kia trên đường về nhà.
Họ không ngờ rằng lớp trưởng Hoàng Hòa đẹp trai, hào hoa, có tình cảm với Thục và hay ngắm cô trong giờ học lại chung nhà với nữ sinh này.
Sau một hồi liên kết các sự việc lại với nhau, từ khi mà Thục nhận được lá thư làm quen của nhân vật bí ẩn là Phong Khê cho đến hiện tại.
Xuyến đã nghĩ rằng anh chàng luôn qua lại thư từ kia chính là Hoàng Hòa, còn cô bé kia chính là em gái của anh và là người gửi những lá thư kia giúp anh trai mình.
Các cô gái đã tìm đến lớp trưởng Hoàng Hòa để bảo rằng anh chính Phong Khê, thế nhưng Hoàng Hòa lại một mực phủ nhận không phải mình.
Cuộc tranh cãi giữa Thục, Xuyến và Cúc Hương cùng với Hoàng Hòa ngày càng dữ dội, đi đến kết quả cuối cùng là họ cắt đứt quan hệ với nhau.
“Kể từ giờ phút này trở đi, tao tuyên bố “khai tử” nhân vật Phong Khê. Tụi mình đừng bao giờ nhắc đến hắn nữa. Cứ coi như không có hắn trên cõi đời này và những chuyện vừa qua chỉ là một giấc mơ…”
Và cuối cùng, với cao kiến của quân sư Phán củi, cả ba cô gái viết thư hẹn gặp Phong Khê ở một quán kem nọ, bốn người họ ngồi đợi Hoàng Hòa nhưng không gặp mặt.
Rõ ràng hơn là họ có thấy Hoàng Hòa chạy xe đến và chỉ lướt qua thôi chứ chẳng chịu vào tận nơi, Thục, Xuyến và Cúc Hương cho rằng anh ngại vì gặp phải Phán.
Vào cái bữa tiệc tổng kết ở lớp trưa hôm ấy, Hoàng Hòa có đưa cho ba cô gái một bức thư và nói rằng là Phong Khê nhờ anh trao giúp. Các cô gái ngạc nhiên khi mở bức thư ra là những nét chữ thân thuộc của Phán, từ đó hé lộ bí ẩn cuối cùng của truyện.
Cúc Hương đã làm lành với Hoàng Hòa khi mọi chuyện rõ ràng, tâm trí Thục bỗng hồi tưởng lại những ngày đã qua với bao nỗi nhớ mong, luyến tiếc, một năm học cuối cùng lẫn lộn những buồn vui.
Bồ câu không đưa thư cứ neo đậu mãi trong lòng bạn đọc nhiều rung động mãnh liệt
Có lẽ ai trong mỗi chúng ta luôn có một mối tình đầu thời học sinh của riêng mình để nhiều năm sau khi nhớ lại, tất cả đều bất giác mà nở nụ cười trên môi. Sẽ có nhiều câu chuyện khác nhau nhưng lại đong đầy tình cảm qua những điều vụng về và nhỏ nhặt.
Có thể, đó đơn giản chỉ là những lá thư trao gửi tâm tình như Thục và Phong Khê trong Bồ câu không đưa thư, hoặc sẽ là những cái nhìn, từng nụ cười ngây ngô cho nhau trong giờ học. Biết đâu đó lại là những tình cảm được hình thành sau những lần cùng nhau giải bài tập.
Hay đó là những trêu đùa, châm chọc rồi cãi nhau nhưng rồi quý nhau hơn, tất cả đều là những mảng màu sắc nét, tươi đẹp tạo nên một bức tranh thời học sinh hoàn mỹ trong trái tim mỗi người.
Bồ câu không đưa thư là một tác phẩm vô cùng sâu sắc vì nó giúp chúng ta nhớ lại một thời cắp sách đã qua của mình. Tình cảm học trò là tình cảm đáng quý và khó phai trong đời, nó không có chút ràng buộc nào nhưng lại làm cho con người lưu luyến không nguôi.
Kết thúc câu chuyện là những tiếc nuối và hoài niệm.
“Ngày mai khi bước ra khỏi mùa hè rực rỡ và hiu quạnh đang đợi chờ, Thục sẽ vĩnh viễn bỏ lại sau lưng mình quãng đời học trò áo trắng. Và trên chặng đường thênh thang sắp tới, mãi mãi sẽ trống vắng một bóng người lặng thầm đi bên cạnh Thục. Phong Khê rồi sẽ chẳng bao giờ là kinh đô của Thục Phán như anh đã một lần mơ ước. Phong Khê phải về bên mẹ già khuya sớm trông nom, thay mộng ước sinh viên bằng những ngày lam lũ. Chỉ còn Xuyến, Thục, Cúc Hương và những bạn bè may mắn hơn đi tiếp quãng đường dài…”
Tình cảm học trò là vô vị lợi, nó không một chút tính toán về vật chất mà chỉ có sự chân thành giữa trái tim và trái tim. Có lẽ tình cảm học trò là thứ đẹp đẽ nhất bởi nó thật ngây ngô, trong sáng và hồn nhiên nhưng lại lẫn lộn với chút bối rối, ngượng ngùng khi tình yêu chớm nở.
Đến những trang cuối của Bồ câu trong đưa thư, trong lòng bạn đọc cứ suy nghĩ mãi về tình yêu thuở học trò thông qua hai nhân vật chính.
“Thư được gửi đi bởi bồ câu nhưng bồ câu chỉ gửi thư cho những người không ghét nhau…”
Bồ câu không đưa thư cứ văng vẳng mãi để sống cùng độc giả bao thế hệ vì những kỉ niệm đẹp đẽ thời học sinh cùng những thông điệp sâu sắc, bạn đọc như được sống lại thời áo trắng ngây ngô của mình.
Thúy Trân
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất